Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)
Chương 12
Đêm ấy, trung đội Roxtov làm nhiệm vụ cảnh giới ở mé trước quân đoàn Bagration, lính phiêu kỵ của chàng cứ hai người thì một người bố trí dọc tuyến tiền tiêu; Roxtov cố cưỡng lại cái cảm giác buồn ngủ đang làm cho chàng díu mắt lại bằng cách rảo ngựa suốt dọc tuyến. Trong khoảng không gian mênh mông ở phía sau lưng, Roxtov thấy lờ mờ ánh lửa của quân ta lấp loáng trong sương mù; ở phía trước mặt là bóng tối mịt mùng. Chàng cố sức nhìn sâu vào màn đêm dày đặc ấy nhưng vẫn chẳng trông thấy gì cả: khi thì tưởng chừng như thấy một cái gì đen den, xám xám, khi thì lại ngỡ như có những dốm lửa lập lòe trước mặt ở chỗ có lẽ có quân địch đóng; có khi chàng lại nghĩ rằng chỉ vì mắt chàng hoa lên mà thấy như vậy. Mắt chàng nhắm lại và trong trí tưởng tượng của chàng hiện lên hình ảnh của hoàng đế, của Denixov, hay những kỷ niệm ở Moskva: chàng vội mở mắt và nhận ra ngay trước mặt cái đầu và hai tai con ngựa đang cưỡi, và thỉnh thoảng lại thấy hằn lên cái bóng đen của những người lính phiêu kỵ mà chàng chỉ đi chừng sáu bước nữa thì sẽ xô phải, và ở đằng xa vẫn là cái màn sương mù dày đặc, tối om lúc nãy. Chàng nghĩ: “Rất có thể ta sẽ gặp hoàng thượng và Người sẽ giao cho ta một nhiệm vụ như bất cứ sĩ quan nào: Người sẽ bảo. – “Đến xem cái gì đằng kia?” Nghe nói nhiều khi Người tình cờ nhận ra mặt một vị quan nào đó và cho đi theo. Ước gì mình mà được như thế: Ờ! Mình sẽ bảo vệ Người hết sức tận tình, mình sẽ thẳng tay vạch mặt bọn khi quân, mình sẽ tâu trình để Người biết rõ sự thật”. – Và để hình dung cho thật rõ cho lòng kính yêu và trung thành của chàng đối với hoàng đế, chàng tưởng tượng mình đang đánh nhau với một kẻ thù hay một tên Đức phản bội, đang quật nó xuống, đang tát tai nó ngay trước mặt hoàng thượng. Chợt một tiếng reo từ xa vẳng lại làm chàng sực tỉnh. Roxtov giật mình mở mắt ra và hỏi:
“Mình ở đâu thế này? À! Đúng, ở tiền tiêu. Khẩu hiệu là: “Càng xe. Olmuyt”… Ngày mai mà đại đội mình còn làm quân dự bị nữa thì chán quá! Mình sẽ xin ra trận. Có lẽ chỉ có như thế thì may ra mới được gặp hoàng thượng. Giờ thay phiên gác sắp đến rồi. Đi tuần một lượt nữa rồi về là đến xin tướng quân”. Chàng ngồi thẳng trên yên, thúc ngựa đi tuần lần chót. Bóng tối hình như đã bớt dày đặc. Chàng nhận ra ở bên trái một sườn dốc thoai thoải sáng mờ mờ và bên kia một quả gò đen ngòm hình như đang dốc đứng, chẳng khác một bức tường thành. Chàng nhận ra trên gò ấy một vệt trắng, không biết là cái gì: một cánh rừng thưa có ánh trăng soi xuống chăng? Một dải tuyết chăng, hay là một khóm nhà trắng?
Chàng mường tượng như ở đấy có một vật gì cử động. Chàng mơ màng: “Chắc là tuyết; đó là một cái vệt… une tache (một vệt – Tiếng Pháp), một cái vệt… À! Đúng, une tache, Natasa, em mình với đôi mắt đen… khi mình bảo cho nó biết là mình đã gặp hoàng thượng chắc nó ngạc nhiên lắm!… Natasa…”
Chợt có tiếng một người lính phiêu kỵ kêu lên:
– Quan lớn cẩn thận, bụi cây đấy! Rẽ sang bên phải.
Bấy giờ Roxtov đang đi qua mặt anh ta, vừa đi vừa ngủ gật, đầu lắc lư gục xuống gần sát bờm ngựa. Chàng ngẩng lên và dừng lại cạnh người lính. Một cơn buồn ngủ không sao cưỡng nổi, như của trẻ con cứ dúi đầu chàng xuống.
“Nào, mình vừa nghĩ đến cái gì nhỉ? Đừng quên chứ. Nghĩ đến điều phải tâu với hoàng thượng à? Không phải, việc ấy là việc ngày mai… À, đúng rồi, nhớ ra rồi, mình nghĩ đến Natasa… Ngày mai là tấn công… Phải, tấn công. Ai là? Lính phiêu kỵ… À! Đúng, lính phiêu kỵ có ria mép. Không biết mình đã thấy ở đâu một tên lính phiêu kỵ có ria mép như vậy! À! Đúng, thấy ở phố Tverxkaya trước nhà ông lão Gurieg… Chà anh chàng Denixov cừ thật… Nhưng mà tất cả những chuyện ấy đều là nhảm nhí cả. Điều quan trọng là hoàng thượng hiện có mặt ở đây… Khi Người nhìn mình, mình tưởng là Người muốn nói gì với mình, nhưng Người lại không dám… Không phải, chính là mình không dám chứ… Lại nhảm nhí rồi. Điều chủ yếu là không nên quên… rằng mình vừa nghĩ đến việc quan trọng. Natasa, ta tấn công phải rồi, phải rồi, hay lắm”.
Rồi đầu chàng lại gục xuống cổ con ngựa. Nhưng rồi chàng chợt có cảm giác như người ta đang bắn vào chàng. Roxtov giật nảy mình, kêu lên:
– Cái gì? Cái gì thế? Chém! Chém!
Vừa mở bừng mắt, Roxtov đã nghe ở phía trước mặt, nơi quân địch đóng, có những tiếng hò reo kéo dài của hàng nghìn người.
Hai con ngựa của chàng và của người lính phiêu kỵ đi bên cạnh vểnh tai nghe ngóng. Một ánh lửa sáng lên một chốc trên gò rồi một ánh nữa, rồi suốt trận tuyến quân Pháp trên đồi vô số ánh lửa sáng rực lên, và tiếng hò reo mỗi lúc một to. Roxtov nghe ra những âm thanh của tiếng Pháp nhưng vì nhiều tiếng cùng hét lên ầm ầm nên không thể phân biệt được chữ gì. Chỉ nghe rặt những “aaaa” và “rrrr”. Chàng hỏi người lính ở bên cạnh:
– Cái gì thế nhỉ! Anh cho là cái gì? Tiếng reo bên quân địch phải không?
Người lính không đáp. Roxtov chờ một lúc khá lâu không thấy tra lời, hỏi lại:
– Thế nào, không nghe gì à?
– Thưa quan lớn, có trời biết là cái gì? – Người lính càu nhàu đáp.
– Theo vị trí đó là phía địch phải không? – Roxtov lại hỏi.
– Có thể là phải, có thể là không phải; ban đêm khó mà biết được. – Người lính trả lời rồi quay ra quát con ngựa vì nó cứ lổm nhổm muốn lồng lên: “Này, có đứng yên không nào!”.
Con ngựa của Roxtov cũng sốt ruột, giẫm chân trước xuống mặt đất đóng băng, vểnh tai nghe tiếng ồn và liếc nhìn về phía có ánh sáng. Những tiếng reo mỗi lúc một to hòa thành một tiếng ầm ầm như sấm dậy mà chỉ một đạo quân mấy nghìn người mới phát ra được ánh lửa mỗi lúc một lan rộng, chắc là trên suốt trận tuyến quân Pháp. Roxtov không thấy buồn ngủ nữa. Bây giờ chàng đã nghe rõ mấy tiếng “Hoàng đế vạn tuế! Hoàng đế!”. Tiếng reo hò vui mừng và đắc thắng ấy khích động chàng rất mạnh làm cho chúng tỉnh táo hẳn ra.
– Này, gần đây thôi phải không? Có lẽ chỉ ở bên kia suối. – Chàng nói với người lính phiêu kỵ.
Người lính thở dài không đáp và khục khặc ho mấy tiếng bực dọc. Bỗng có tiếng vó ngựa tế nước kiệu dọc tuyến tiền tiêu của quân phiêu kỵ, và từ sương mù hiện ra bóng dáng nặng nề của một hạ sĩ quan phiêu kỵ, trông mặt như một con voi đồ sộ. Viên hạ sĩ quan thúc ngựa đến gần Roxtov nói:
– Thưa quan lớn, các tướng quân đã đến đấy. Vẫn để ý theo dõi ánh sáng và tiếng reo, Roxtov theo viên hạ sĩ quan tiến về phía những người cưỡi ngựa đang đến. Trong số đó có một người cưỡi ngựa bạch. Đó là hai công tước Bagration và Dolgorukov cung với các sĩ quan phụ tá đến quan sát ánh lửa và tiếng reo kỳ lạ bên phía quân địch. Roxtov báo cáo tình tình với Bagration rồi đứng về phía các sĩ quan phụ tá, háo hức chờ nghe những lời bàn luận của các tướng.
Dolgorukov nói với Bagration:
– Xin ngài hãy tin lời tôi đó chỉ là một cái mẹo thông thường thôi. Hắn đã rút lui, và ra lệnh cho hậu quân đốt lửa và làm ồn để đánh lừa ta.
– Tôi ngờ rằng không phải thế, – Bagration nói. Chiều nay tôi còn thấy chúng đóng trên gò này. Nếu đại quân của chúng đã rút lui thì bọn này cũng phải rút theo chứ… – Rồi ông ta nói với Roxtov – Ông sĩ quan cho biết là quân cảnh giới bên sườn của chúng có còn ở đấy không?
– Chiều hôm sau chúng còn ở đấy, nhưng bây giờ chúng tôi không dám nói chắc là có còn hay không. Nếu đại nhân ra lệnh, chúng tôi xin dẫn lính phiêu kỵ xem cho rõ.
Bagration kìm ngựa đứng lại, không đáp và cố nhìn rõ mặt Roxtov trong sương mù.
– Được thử đi xem đi! – Ông nói sau một lát im lặng.
– Xin tuân lệnh.
Roxtov thúc ngựa, gọi viên sĩ quan Fetsenko cùng với hai người lính ra lệnh cho họ theo mình rồi phóng ngựa xuống đồi, tế nước kiệu về phía có tiếng reo. Chàng vừa thấy lo sợ và vui mừng vì được đi một mình như thế này cùng với ba tay phiêu kỵ, tiến vào cõi xa xa mờ sương đầy bí ẩn và nguy hiểm, nơi mà trước chàng chưa có ai đến. Từ trên đồi Bagration dặn với theo bảo không được đi qua con suối, nhưng chàng làm ngơ, phóng bừa đi mặc dầu cứ lầm lân lung tung, bụi con thì tưởng là cây lớn, hầm hố thì ngỡ là người, và lần nào cũng tìm được cách cắt nghĩa những lầm lẫn của mình. Đến chân gò, chàng không thấy lửa trại ta, cũng không thấy lửa trại địch nữa; trái lại tiếng reo hò của quân Pháp thì nghe mỗi lúc một to hơn, rõ hơn. Ở đáy thung lũng chàng tưởng chừng trông thấy một con sông, nhưng đến gần thì té ra là một con đường. Chàng dừng ngựa lại, không biết nên đi theo con đường ấy hay vượt qua đường rồi ngược cánh đồng tối om kia đé phóng lên đồi. Đi theo đường cái thì ít nguy hiểm hơn, vì con đường sáng lờ mờ trong sương mù, gặp người là nhận ra ngay; chàng gọi ba người lính phiêu kỵ: “Đi theo tôi!” rồi vượt qua đường, chàng thúc ngựa phi tới chỗ mà mới chập tối chàng thấy có một tốp lính canh của quân Pháp.
Bỗng sau lưng chàng một người phiêu kỵ kêu lên:
– Thưa quan lớn! Nó đấy!
Roxtov chưa kịp định thần thì một bóng đen lù lù đã hiện ra trong màn sương; một ánh lửa thụt ra, một tiếng súng nổ, và một viên đạn bay rất cao, réo lên trong sương mù như một tiếng rên và mất hút trong yên lặng. Một ánh chớp nữa loé lên, nhưng viên đạn không nổ, Roxtov quay ngựa phi trở về. Bốn phát súng nổ theo cách quãng, và đạn réo thành những âm diệu cao thấp khác nhau mất hút trong sương mù. Roxtov kìm ngựa lại; vì con ngựa cũng bị tiếng súng kích động như chàng, và nó đi bước một chàng vui vẻ nói khẽ: “Nào, bắn nữa đi, bắn nữa đi!” Nhưng tiếng súng đã im bặt.
Khi chỉ cách Bagration mất bước, Roxtov mới cho ngựa phi và đưa tay lên lưỡi trai, đến gẩn vị tướng, Dolgorukov vẫn một mực cho rằng quân Pháp đang tháo lui và chỉ đốt lửa lên để đánh lừa ta. Ông ta nói: những phát súng ấy có nghĩa gì đâu? Chúng có thể rút lui mà vẫn để lại đấy vài tốp lính canh chứ?
– Chúng chưa đi đến đâu công tước ạ – Bagration nói. – Thôi để sáng mai, sáng mai sẽ biết rõ.
Vừa lúc ấy Roxtov nghiêng mình về phía trước, tay đưa lên vành mũ báo cáo:
– Thưa đại nhân có một tốp lính canh trên gò, vẫn ở chỗ ban chiều, – Đang vui sướng vì cuộc mạo hiểm và nhất là vì tiếng đạn réo, chàng không thể nén được một nụ cười hớn hở.
– Tốt, rất tốt; cám ơn ông sĩ quan. – Bagration đáp.
– Thưa đại nhân, xin ngài cho phép chúng tôi đề đạt một lời thỉnh cầu. – Roxtov lại nói.
– Việc gì thế?
– Đại đội của chúng tôi ngày mai phải ở dự bị chúng tôi mong được biệt phái sang đại đội một.
– Tên anh là gì?
– Bá tước Roxtov
– À! Tốt lắm. Ở đây làm sĩ quan tuỳ tòng cho tôi.
– Có phải anh là con trai Ilyan Andreyevich không? – Dolgorukov hỏi. Nhưng Roxtov không đáp, nói luôn với với Bagration:
– Vậy thưa Đại nhân chúng tôi có thể hy vọng chứ?
– Được, tôi sẽ ra lệnh.
Roxtov tự nhủ: “Ngày mai rất có thể mình đươc cử đi mang thông điệp lên Hoàng thượng. Lạy trời!”
Sở dĩ có những tiếng reo và những ánh lửa sáng bên trận tuyến địch là vì bấy giờ Napoléon ruổi ngựa đi thăm các trại quân trong khi người ta đang đọc nhật lệnh cho sĩ nghe. Trông thấy Napoléon, quân sĩ liền đốt đuốc rơm chay theo, vừa chạy vừa reo hò: “Hoàng đế vạn tuế!”.
Nhật lệnh, của Napoléon như sau:
“Hỡi quân sĩ!
“Quân Nga đến trước mặt chúng ta để trả thù cho quân Áo bị đánh tan ở Ulm. Đó chính là những tiểu đoàn mà các người đã đánh bại ở Hollabrunm và từ đấy các người vẫn luôn luôn truy kích cho đến nay.
“Những vị trí chúng ta chiếm là rất mạnh, và trong khi chúng sẽ đi vòng bên phải để vây bọc ta thì chúng ta sẽ để hở sườn cho ta đánh: Hỡi quân sĩ, ta sẽ thân chinh chỉ huy các tiểu đoàn của các ngươi. Nếu quân sĩ dũng cảm như thường lệ làm cho hàng ngũ địch rối loạn tơi bời thì ta sẽ đứng xa nơi đạn lửa; Nhưng nếu thế trận có lúc chông chênh dù chỉ trong một phút, thì các ngươi sẽ thấy Hoàng đế của các ngươi dấn thân ra nơi nguy hiểm nhất, vì trận thắng cần phải chắc mười phần không chút lưỡng lự, nhất là trong một ngày mà vấn đề đặt ra là danh dự của bộ binh Pháp, điều vô cùng thiết yếu đối với danh dự của toàn dân tộc.
“Không được lấy cớ chuyền thương binh về hậu tuyến để bỏ trống hàng ngũ và mỗi người phải thấm nhuần ý tưởng này, là phải đánh bại những kẻ đã bán mình cho đồng tiền của Anh quốc và căm thù dân tộc ta một cách thâm độc.
“Trận thắng này sẽ kết thúc chiến dịch cà chúng ta có thể quay về cho quân nghỉ ngơi vào mùa đông, những đạo quân mới thành lập ở Pháp sẽ đến hợp với chúng ta và bấy giờ ta sẽ ký một hòa ước xứng đáng với dân ta, với ba quân và với ta.
Napoléon”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.