Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)
Chương 2
Viên chỉ huy trung đoàn bỗng đỏ mặt, chạy đến bên ngựa, tay run run nắm lấy dây bàn đạp, nhảy lên yên, ngồi lại cho ngay ngắn, rút gươm ra khỏi vỏ, rồi với bộ mặt hớn hở và quả quyết, mồm há chệch sang một bên chuẩn bị hô mệnh lệnh. Trung đoàn nhốn nháo như một con chim đang rỉa lông, rồi trở lại im lìm như cũ.
– Nghi… i… a… êm! – Viên trung đoàn trưởng hô lên một tiếng kinh thiên động địa, trong đó chứa chất cả ý vui mừng kín đáo trong lòng, cả sự nghiêm nghị đối với trung đoàn và cả lòng kính yêu đối với thủ trưởng sắp đến.
Trên con đường rộng không lát đá, có trồng cây hai bên, xuất hiện một cỗ xe lục mã màu thiên thanh kiểu Viên, đang chạy nước đại, cả ổ díp khẽ kêu cót két. Sau xe có những viên quan tuỳ tùng cưỡi ngựa vàng một đội hộ vệ người Kroat. Ngồi bên cạnh Kutuzov là một viên tướng Áo, mặc quân phục trắng, một điều lạ mắt đối với người Nga vốn mặc quân phục đen. Cỗ xe dừng lại khi gần đến trung đoàn. Kutuzov và viên tướng Áo nói chuyện nhỏ với nhau.
Trong khi nặng nề đặt chân xuống bậc xe, Kutuzov chỉ hơi mỉm cười làm như trước mắt mình không có hai nghìn con người đang nín thở nhìn vào ông và viên chỉ huy trung đoàn.
Một tiếng hô vang lên, trung đoàn lại lộn xộn với tiếng lách cách của vũ khí giơ lên chào. Trong bầu không khí im phắc, có thể nghe rõ tiếng yếu ớt của vị Tổng tư lệnh. Cả trung đoàn gầm lên một tiếng “Nguyên soái vạn tuế… ế… ế!” Rồi mọi vật trở lại im lìm.
Kutuzov đứng im trong khi trung đoàn kéo qua, rồi cùng với vị tướng quân áo trắng, ông ta đi qua các hàng ngũ, đi theo sau các sĩ quan tuỳ tùng.
Cứ xem cách viên đoàn trưởng giơ gươm lên chào, mắt dán vào vị Tổng tư lệnh, ngực ưỡn ra, mình thì cứng đờ, cứ xem cách ông theo sau hai vị đại tướng đi học hàng ngũ, mình nghiêng về phía trước, chật vật khắc phục cái điệu đi giật nảy, cứ xem cách ông ta giật nảy người trước mỗi tiếng nói hay mỗi cử động của Tổng tư lệnh, cũng đủ biết khi làm nhiệm vụ của một người bộ hạ, ông ta còn thích chí hơn là làm nhiệm vụ của một người chỉ huy nữa. Nhờ có sự nghiêm nghị và lòng tận tuỵ của ông ta, tình hình trung đoàn này rất tốt so với trung đoàn khác cũng mới đến Braonao. Nó chỉ có hai trăm mười bảy người kéo lê và đau ốm. Và mọi thứ đều tươm tất trừ giày ra.
Kutuzov đi lướt qua các hàng ngũ, thỉnh thoảng dừng lại để nói một vài lời uý lạo với những viên sĩ quan mà ông quen biết từ chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ, và đôi khi còn hỏi chuyện cả các binh sĩ nữa. Nhiều khi nhìn thấy những đôi giày, ông ta lại buồn bã lắc đầu và chỉ những đôi giày ấy cho viên tướng Áo xem có vẻ như muốn nói rằng ông ta không quy tội cho ai cả, nhưng cũng không thể không nhận thấy một điều đáng tiếc. Mỗi lần như thế, viên trung đoàn trưởng lại chạy rướn lên, sợ có nghe sót mất một chữ nào của vị Tổng tư lệnh nói về trung đoàn mình chăng. Những viên sĩ quan tuỳ tùng đi sau lưng Kutuzov, cách không xa mấy có thể nghe được từng tiếng nói nhỏ. Họ nói chuyện với nhau và thỉnh thoảng lại cười.
Người đi gần Tổng tư lệnh nhất là một viên sĩ quan hành chính tuấn tú. Đó là công tước Bolkonxki. Đi bên cạnh công tước là Nexvitxki, bạn đồng sự của công tước, một sĩ quan tham mưu to béo, vẻ mặt khôi ngô, tươi cười, nhân hậu, có đôi mắt ướt.
Nexvitxki cố gắng nhịn cười khi thấy dáng điệu của viên sĩ quan phiêu kỵ nước da ngăm ngăm đang đi bên cạnh chàng. Viên sĩ quan này, mặt tỉnh khô, mắt không nhấp nháy và không thay đổi thần sắc đang chú mục vào lưng viên trung đoàn trưởng và nhai lại từng cử động của ông ta. Mỗi khi ông ta giật nảy lên và nghiêng mình về phía trước, thì viên sĩ quan phiêu kỵ cũng giật nảy lên và cũng nghiêng mình về phía trước không sai một ly. Nexvitxki cười và đưa khuỷu tay huých vào những người cùng đi để mách cho họ chú ý đến anh chàng hài hước.
Kutuzov bước chậm rãi và uể oải, đi qua trước hàng nghing con mắt đang nhìn chòng chọc vào vị chủ tướng như muốn lồi khỏi hẳn ra khỏi tròng. Lúc đến trước đại đội ba, đột nhiên ông dừng lại. Đoàn tuỳ tùng không đoán trước được sự dừng lại ấy, nên đi lấn lên một tí.
– A, Timokhin! – Vị Tổng tư lệnh nói, khi nhận ra viên đại uý mũi đỏ vừa bị khốn khổ ví cái áo màu xanh.
Lúc nãy, khi Timokhin bị trung đoàn trưởng quở trách, ông ta đứng thẳng đuột, đã tưởng không còn cách nào đứng thẳng hơn nữa.
Nhưng khi được vị Tổng tư lệnh hỏi han đến, ông ta lại đứng thẳng đến nỗi vị Tổng tư lệnh còn đứng nhìn lão một lát nữa, thì lão sẽ không sao chịu nổi. Có lẽ Kutuzov cũng hiểu thấu cái nông nỗi này, cho nên, do thiện cảm với viên đại uý, ông vội vàng ngoảnh đi: Một nụ cười gần như không thể thấy thoáng qua trên mặt ông, một bộ mặt đầy đặn bị một vết thương làm hỏng.
– Lại một bạn đồng ngũ thuở Izmail, – Ông nói. – Một viên sĩ quan can đảm. Ông có bằng lòng hắn không? – Ông hỏi viên trung đoàn trưởng.
Và viên trung đoàn trưởng đang được viên sĩ quan phiêu kỵ phản chiếu như một tấm gương, lại giật nảy mình mợt cái, rồi tiến lên và đáp:
– Bẩm quan lớn, rất bằng lòng.
– Mỗi người chúng ta đều có một tật. Trước đây hắn ta là đồ đệ của Baccux (1) – Kutuzov mỉm cười nói rồi bỏ đi.
(1) Baccux: thần rượu trong thần thoại La mã.
Viên trung đoàn trưởng sợ hãi, không biết trong việc này mình có trách nhiệm gì không và lặng thinh không đáp. Khi ấy anh chàng phiêu kỵ nhận thấy bộ mặt của viên đại uý với cái mũi đỏ, cả cái bụng lõm vào nữa, và anh ta nhại lại giống hệt, đến nỗi Nexvitxki phải bật cười. Kutuzov nghoảnh mặt lại. Viên sĩ quan quả thật làm chủ được bộ mặt của mình: trong lúc Kutuzov ngoảnh mặt lại thì anh ta đã làm trò xong, và đă lấy lại đựơc vẻ mặt rất nghiêm trang, kính cẩn và hiền lành vô tội.
Đại đội ba là đại đội cuối cùng. Kutuzov có vẻ lưỡng lự, hẳn ông ta đang cố nhớ một điều gì, Công tước Andrey tách ra khỏi nhóm tuỳ tùng và nói nhỏ bằng tiếng Pháp với ông ta:
– Ngài có dặn tôi nhắc ngài về trường hợp Dolokhov bị giáng xuống làm lính ở trung đoàn này.
– Người nào là Dolokhov? – Kutuzov hỏi.
Lúc bấy giờ Dolokhov đã mặc một cái áo ca-pốt màu xám đúng quy chế. Viên trung đoàn trưởng chưa kịp gọi, thân hình cao dong dỏng của anh lính tóc vàng mặt xanh đã tách ra khỏi hàng ngũ. Dolokhov lại gần vị Tổng tư lệnh và bồng súng đứng nghiêm.
– Một việc khiếu nại à? – Kutuzov nói, đôi mày hơi cau lại.
– Đó là Dolokhov – Công tước Andrey nói.
– À, – Kutuzov nói. – Tôi mong rằng bài học này sẽ bổ ích cho anh. Hãy làm nhiệm vụ cho tốt. Hoàng thượng rất khoan hồng. Tôi cũng sẽ không quên anh nếu anh xứng đáng.
Hai con mắt trong xanh nhìn vào vị Tổng tư lệnh cũng một cách xấc xược như lúc nãy khi nhìn viên trung đoàn trưởng, như thể muốn dùng cái khoé nhìn ấy để xé bỏ cái màn nghi thức đã làm cho một vị Tổng tư lệnh và một người lính cách xa nhau đến thế.
– Thưa tướng quân, tôi chỉ xin có một điều. – Dolokhov nói với cái giọng sang sảng, dõng dạc và rắn rỏi của chàng. – Tôi xin trên cho tôi có cơ hội chuộc lỗi và tỏ rõ lòng trung thành của tôi đối với Hoàng đế và nước Nga.
Kutuzov ngoảnh mặt đi. Một nụ cười giống như khi ông ta ngoảnh mặt để tránh nhìn Timokhin thoáng qua trong đôi mắt ông.
Ông ngoảnh đi cau mặt hình như để tỏ ra rằng những điều gì mà Dolokhov đã nói và có thể nói thì ông ta đã biết từ lâu, từ lâu lắm, rằng tất cả những điều đó làm cho ông bực mình, và tuyệt nhiên không phải là những điều nên nói. Ông quay gót trở về xe.
Trung đoàn giải tán thành từng đại đội đi về phía những chỗ trú quân đã định, không xa Braonao là mấy, ở đó có hy vọng được cung cấp giày dép, quần áo và được nghỉ ngơi cho bõ những cuộc hành quân mệt nhọc.
– Anh không giận tôi chứ, anh Prokhor Ignatyevich? – Viên Trung đoàn trưởng nói, trong khi dọc theo đại đội ba đang đi về chỗ nghỉ, và thúc ngựa về phía đại uý Timokhin đi đâu đại đội ấy.
Một nỗi vui mừng không thể kìm nổi lộ rõ trên gương mặt của viên chỉ huy sau cuộc duyệt binh thành công:
– Phụng sự Sa hoàng… người ta có thể, cũng có khi người ta quở trách trước hành quân. Tự tôi xin lỗi trước, ông biết tôi… Quan Tổng tư lệnh có lời khen rất mực. – Rồi ông ta chìa tay ra cho viên đại đội trưởng.
– Thưa tướng quân, xin ngài tha thứ, tôi đâu có dám! – viên đại uý đáp mũi càng đỏ thêm và mỉm cười để lộ ra một lỗ hổng thiếu hai cái răng bị báng súng tọng gãy dưới thành Izmail.
Ông nói lại với ông Dolokhov rằng tôi sẽ không quên anh ta, hãy cứ an tâm. À, ông làm ơn cho tôi biết, tôi vẫn muốn hỏi ông, anh ấy ra sao, hạnh kiểm như thế nào? Và ngoài ra…
– Trong công vụ thì anh ấy rất gương mẫu, xin thưa quan lớn, nhưng về tính nết… – Timokhin nói.
– Sao, có cái gì, có cái gì không ổn trong tính nết? – viên chỉ huy hỏi.
– Có những ngày anh ấy như thế, xin thưa quan lớn, – viên đại uý nói. – Lúc thì anh ấy tỏ ra linh lợi, có học thức và hiền lành. Nhưng có lúc thì đó là một con thú dữ. Ở bên Ba Lan, suýt nữa thì anh ta giết chết một người Do Thái, ngài xem…
– Phải rồi, phải rồi. – Viên trung đoàn trưởng nói, – Nhưng cũng nên thương tình một thành viên trong cơn hoạn nạn. Số là anh ta quen biết nhiều người có thế lực… Cho nên, ông cũng phải…
– Vâng lệnh quan lớn, – Timokhin vừa nói vừa cười mỉm, tỏ ra rằng mình đã hiểu ý quan trên.
– Đúng thế! Đúng thế!
Viên trung đoàn trưởng thấy Dolokhov ở trong hàng ngũ liền dừng lại nói với chàng:
– Hễ có cơ hội, trên sẽ phục hồi cấp hiệu cho anh.
Dolokhov lặng lẽ đưa mắt nhìn ông ta, không nói gì, và nụ cười ngạo ngễ trên môi chàng cũng không suy xuyển.
– Thôi này, thế là xong. – Trung đoàn trưởng nói tiếp. Mỗi người một cốc vodka, của tôi thưởng đấy. – Ông ta nói thêm, cố cho mọi người nghe thấy. – Tôi xin cảm ơn tất cả các anh em!
– Đội ơn Thượng đế! – Và vượt qua đại đội ấy, ông ta đến gần một đại đội khác.
– Cũng phải nhận rằng ông ta là một người tốt, chúng ta được làm thuộc hạ ông ta cũng là một điều hay. – Timokhin nói với một sĩ quan cấp dưới đang đi bên cạnh.
– Thì đã gọi “ông già Cơ” mà lại (đó là tên biệt hiệu của trung đoàn trưởng), – viên sĩ quan cấp dưới vừa cười vừa nói.
Cái tâm trạng hân hoan của các vị trưởng quan sau cuộc duyệt binh đã truyền sang các binh sĩ. Đại đội bước đi rất vui vẻ. Ba bề bốn bên đều có tiếng binh sĩ trao đổi chuyện trò.
– Thế sao họ bảo ông ấy chột, chỉ có một mắt?
– Chuyện? Thì chột thật chứ còn gì nữa.
– Không đâu, anh bạn già ơi! Ông ta còn thấy rõ hơn anh nữa kia. Nào giày, nào tất, ông ta đều xem xét cẩn thận…
– Chú em à, khi ông ấy ngắm chân tôi… ôi thôi, tôi tự nhủ…
– Còn lão kia, cái lão người áo đi với ông ta ấy mà, trông cứ như là trát phấn vào cả người. Trắng toát như cục bột. Tớ chắc họ cũng lau chùi, đánh bóng cho lão chẳng khác gì khí giới.
– Ê! Fedexu? Thế ông có nói bao giờ sẽ bắt đầu đánh nhau không, mày đứng gần lắm mà? Người ta vẫn nói Buônapáctê đã thân hành đến đóng quân ở Brunov.
– Buônapáctê! Chỉ nói bậy, đồ ngu! Thế mà cũng biết! Bây giờ thì thằng Phổ nổi loạn. Thằng Áo nó nện cho. Khi nào thằng Phổ hàng phục thì sẽ khai chiến với Buônapáctê. Thế mà nó lại bảo rằng ở Brunov! Thật rõ là thằng ngốc! Cứ nghe nói thì…
– Cái tụi quân nhu khỉ thật! Đại đội năm bây giờ đã vào làng rồi, họ đã nấu canh từ bao giờ mà chúng ta vẫn chưa đến.
– Cho tao cái bánh, thằng quỷ kia!
– Thế dễ hôm qua mày cho tao thuốc lá hẳn? Mày thấy chưa, thằng già? Thôi được, đây, chúa cũng tha tội cho mày.
– Cho nghỉ chân một lúc thì hay quá; còn phải đi thế này những năm dặm nữa, mà không có gì trong bụng cả.
– Độ nọ thật dễ chịu, bọn Đức nó cấp xe cho chúng mình. Cứ ỳ ra cho nó chở đi; oai thật!
– Này cậu, đây toàn là dân chân đất cả. Độ nọ ta ở Ba Lan, ở đó toàn là thần dân của vua Nga cả, nhưng bây giờ chỉ toàn Đức là Đức(2)!
(2) Người Nga thường gộp người Áo với người Đức làm một (hai dân tộc này đều nói tiếng Đức)
Một hiệu lệnh của viên đại uý vang lên:
– Đội ca nhạc lên trước!
Khoảng hai chục người tách ra khỏi hàng ngũ và chạy lên đầu đại đội Người quản ca bắt giọng quay mặt lại phía họ, giơ tay lên rồi cất tiếng hát bài hành ca bắt đầu bằng câu: Phải chăng đó rạng đông, mặt trời giờ đã mọc… và kết thúc bằng câu: Anh em ơi, ta sẽ được vinh quang dưới lá cờ ông bố già Kmenxki… Bài hát này soạn thảo ra từ chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ, bây giờ được đem hát ở nước Áo, chỉ khác một điều là ông bố già Kamenxki thì đổi thành ông bố già Kutuzov.
Sau khi đã tung ra điệp khúc cuối cùng như người ta thường làm trong quân đội, đồng thời giơ hai tay làm điệu bộ như ném một cái gì xuống đất, người quản ca, một binh sĩ đẹp người, gân guốc, trạc bốn mươi tuổi, bao trùm những người ca sĩ trong một cái nhìn nghiêm nghị và nhắm mắt lại. Rồi khi đã nắm chắc mọi con mắt đã đổ dồn vào mình, anh ta làm cử chỉ đưa hai tay lên trên đầu, thận trọng nâng một vật gì vô hình, giữ nó ở đó mấy giây rồi đột nhiên lia nó ra thật mạnh:
– Ôi, ngôi nhà của tôi, ngôi nhà của tôi!
“Ngôi nhà mới của tôi” – Hai mươi cái miệng láy lại câu ca, và người đánh sanh tam giác, bất chấp sức nặng của khí giới, bước dấn lên đầu và đi giật lùi trước mặt đại đội, nhấp nhỏm hai vai và làm như thể đe doạ người ta bằng thứ vũ khí của mình. Binh sĩ đung đưa cánh tay theo điệu hát và ung dung bước tới, chân bất giác đi đều theo nhịp. Đằng sau đại đội, nghe có tiếng xe lăn, tiếng díp xe cót két, tiếng vó ngựa nện xuống đường. Kutuzov và đoàn tuỳ tùng trở về thành. Tổng tư lệnh ra hiệu cho binh sĩ cứ việc đi tự do, trên gương mặt của ông và của các viên sĩ quan tuỳ tùng đều lộ rõ niềm vui thích được nghe bài hát, được xem người quản ca đang múa và các binh sĩ trong đại hội đang vui vẻ nhanh nhẹn bước đi. Ở hàng thứ hai của sườn quân bên phải, nơi đỗ xe vượt qua đại đội, ai nấy đều bất giác để ý đến một người mắt xanh là Dolokhov, đang dõng dạc bước đi theo điệu hát và nhìn mọi người đi qua như có ý thương hại cho họ không được cùng đi với đại đội. Viên thiếu uý phiêu kỵ trong đoàn tuỳ tùng của Kutuzov, anh chàng đã nhại viên trung đoàn trưởng trước đây, chờ cho xe lục mã đi qua rồi đến cạnh Dolokhov.
Viên thiếu uý phiêu kỵ Zerkov, dạo ở Peterburg cũng đã có lúc nhập vào cái bọn ngỗ nghịch mà Dolokhov làm trùm. Trên đất nước ngoài, Zerkov cũng có gặp Dolokhov khi chàng đã bị giáng xuống làm lính thường, nhưng không muốn nhận mặt. Bây giờ sau cuộc đối thoại giữa Kutuzov và viên cựu sĩ quan, Zerkov đến trước mặt anh ta với thái độ mừng rỡ của một người bạn cũ.
– Anh bạn ơi, anh dạo này thế nào? – Hắn ta nói chen vào giữa những tiếng hát của các ca sĩ, đồng thời hãm ngựa đi theo bước của đại đội.
– Tôi thế nào ấy à? – Dolokhov đáp, giọng lạnh nhạt. – Cứ trông thì biết.
Bài hát linh hoạt đem lại một ý nghĩa đặc biệt cho cái giọng vui vẻ trơ tráo của Zerkov và những câu trả lời cố ý lạnh nhạt của Dolokhov.
– Cậu ăn chịu với bọn quan trên như thế nào?
– Cũng khá, người tốt cả. Làm sao cậu lại lọt được vào bộ tham mưu?
– Mình được bổ nhiệm vào đấy; mình làm liên lạc.
Hai người im lặng một lát.
Nàng thả con chim ưng tư ống tay phải…
Câu hát ấy tự dưng gây được cảm giác vui vẻ và lôi cuốn. Có lẽ câu chuyện giữa hai người sẽ khác hẳn nếu không có những tiếng hát này đệm theo.
– Có thật là bọn Áo bị thua trận không? – Dolokhov hỏi.
– Có ma biết, chỉ nghe họ nói thế.
– Mình rất mừng. – Dolokhov đáp, giọng gọn và rõ, đúng như bài hát yêu cầu.
– Này, hôm nào cậu đến chơi buổi tối đi, đánh bài pharaon (3) – Zerkov nói.
(3) Thứ bài cổ, hoàn toàn dựa vào sự đỏ đen.
– Các cậu nhiều tiền lắm hả?
– Chịu thôi, mình đã có lời thề chưa hồi phục được cấp hiệu thì không uống rượu, không đánh bạc!
– Thì ra trận một cái là được ngay đấy mà…
– Khi ấy hẵng hay…
Hai người lại im lặng.
– Có việc gì cấn cậu cứ đến; ở bộ tham mưu mọi người đều sẵn lòng giúp cậu… – Zerkov nói.
Dolokhov cười nhạt:
– Cậu chả phải lo, cần gì mình không xin ai đâu, mình sẽ tự đi lấy lấy!
– À tớ nói là nói thế thôi.
– Mình cũng nói thế thôi.
– Thôi đi nhé!
– Chào cậu!
… Và bay bổng và bay xa,
Thẳng về quê nhà…
Zerkov dùng cựa giày thúc ngựa, con ngựa hăng lên, đổi chân hai ba lần mà không biết xuất phát bằng chân nào, rồi nó trấn tĩnh lại và cất vó phóng nước đại, vượt qua đại đội và đuổi kịp xe lục mã, vẫn theo nhịp điệu của bài hát.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.