Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)
Chương 2
Đến tháng mười một năm 1805, công tước Vaxili sẽ đi kinh lý bốn tỉnh. Ông đã lo cho mình được cử đi kinh lý như vậy để nhân thể về các điển trang của ông đang lâm vào tình trạng bê trễ, sa sút.
Ông cũng định đến nơi trú quân của trung đoàn Anatol tòng ngũ rồi đem con trai cùng đi đến nhà công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki để hỏi con gái của ông già giàu có này cho con mình.
– Nhưng trước khi ra đi, và lo liệu những công việc mới này, công tước Vaxili cần phải giải quyết cho xong Piotr đã. Quả gần đây chàng ta ngồi cả ngày ở nhà – Tức là ở nhà công tước Vaxili, là nơi chàng trú ngụ, – Và những khi có mặt Elen thì chàng ta có vẻ xúc động, ngờ nghệch đến buồn cười (đúng như một kẻ si tình) nhưng vẫn chưa ngỏ ý cầu hôn gì cả. Một buổi sáng nọ công tước Vaxili tự nhủ.
“Những cái đó đều rất hay ho, nhưng cũng phải chấm dứt đi thì vừa” – Và công tước buồn rầu thở dài, vì nhận thấy Piotr tuy chịu ơn mình là thế (chà, thôi cũng xin Chúa phù hộ cho anh ta) nhưng trong vlệc này thì lại cư xử chẳng được tốt là mấy. “Tuổi trẻ… nhẹ dạ, thôi cũng xin Chúa phù hộ anh ta, – Công tước Vaxili ngẫm nghĩ, lòng vui thích vì thấy mình thật là tốt bụng. – Nhưng việc này cũng phải chấm dứt đi thì vừa. Ngày kia là ngày lễ thánh của con Elen, ta sẽ mời mấy người đến, và nếu chàng ta không hiểu mình phải làm gì, thì đó sẽ là việc của ta. Phải, đó là việc của ta. Ta là một người cha kia mà!”.
Một tháng rưỡi sau tối tiếp tân của Anna Pavlovna và cả đêm trằn trọc thao thức sau buổi tối ấy, cái đêm mà chàng nghĩ ra rằng lấy Elen quả là một điều bất hạnh, rằng mình phải đi nơi khác để xa lánh nàng, Piotr tuy nghĩ như vậy vẫn không đi khỏi nhà công tước Vaxili và kinh hãi cảm thây rằng trước mặt mọi người, càng ngày mối quan hệ giữa mình và Elen càng thêm khăng khít, rằng mình không tài nào có lại được cái nhìn trước kia đối với nàng, rằng thậm chí mình cũng không thể rứt nàng ra được, rằng như thế này thì rồi sẽ hết sức khủng khiếp, nhưng thế nào mình cũng buộc phải gắn bó số phận mình với nàng. Đáng lẽ chàng còn có thể gỡ được, nhưng không có ngày nào nhà công tước Vaxili (trước đây vốn ít tiếp khách) lại không tồ chức một buổi tối tiếp tân mà Piotr nhất thiết phải dự, nếu chàng không muốn phá cuộc vui chung và phụ lòng mong đợi của mọi người. Trong những giờ phút hiếm hoi mà công tước Vaxili ở nhà, thì khi đi ngang qua Piotr, ông thường nắm lấy tay chàng kéo thấp xuống, lơ đãng giơ cái má nhăn nheo cạo nhẵn cho chàng hôn rồi nói “đến mai nhé” hoặc “tôi ở lại nhà vì anh đấy” v.v… Nhưng mặc dầu khi công tước Vaxili ở lại nhà vì Piotr (như ông vẫn nói) ông không nói với chàng lấy một lời nào, Piotr vẫn cảm thấy mình không đủ sức phụ lòng mong đợi của ông ta.
Ngày nào chàng cũng vẫn tự nói với mình có mỗi một điều rốt cuộc cũng phải hiểu nàng và nhận thức cho thật rõ: nàng là người như thế nào? Trước kia ta nhầm, hay là bây giờ ta nhầm? Không, nàng không phải là người đần độn; không, nàng là một người con gái rất tốt! – Thỉnh thoảng chàng lại nói với mình như vậy:
“Chưa bao giờ thấy nàng nhầm lẫn điều gì, chưa bao giờ thấy nàng nói một câu khờ khạo. Nàng ít nói, nhưng những điều mà nàng nói ra đều giản dị và rõ ràng. Như vậy nàng không phải là người ngu ngốc. Chưa lần nào thấy nàng lúng túng, bao giờ cũng vậy. Thế nghĩa là nàng không phải người xấu!”.
Nhiều khi trước mặt nàng, Piotr tự dưng suy nghĩ, nghĩ đến đâu nói ra đến đấy, mà cứ mỗi lần như vậy, nàng đều đáp lại hoặc bằng một lời nhận xét vắn tắt nhưng đúng chỗ, để tỏ ra rằng điều đó không liên quan gì đến nàng, hoặc im lặng mỉm cười và đưa mắt nhìn Piotr, và nụ cười, ánh mắt của nàng, hơn bất cứ cái gì khác, cho Piotr thấy rằng nàng hơn hẳn mình.
Nàng nghĩ rất đúng, khi cho rằng tất cả những suy luận đều là chuyện vớ vẩn nếu so với nụ cười này bao giờ nói với chàng. Elen cũng có một nụ cười tươi vui, tin cậy chỉ dành cho mỗi mình chàng, trong đó có một cái gì có ý nghĩa hơn là trong cái nụ cười chung với mọi người luôn luôn tô điểm khuôn mặt nàng. Piotr biết rằng ai cũng chờ đợi chàng vượt qua một giới hạn nào đó, và chàng biết rằng sớm hay muộn rồi chàng cũng sẽ bước qua giới hạn này; nhưng chỉ nghĩ đến cái bước kinh khủng này thôi chàng cũng bỗng dưng cảm thấy một nỗi lo sợ không sao hiểu nổi. Trong khoảng một tháng rưỡi này, chàng tự thấy mình càng ngày càng bị quấn vào cái vực thẳm đáng sợ này, và đã hàng ngìn lần Piotr tự nhủ: “Ô cái gì thế này? Phải cương quyết chứ! Chả nhẽ không có nghị lực sao?”.
Chàng muốn quyết định cho dứt khoát, nhưng lại kinh hãi cảm thấy rằng trong trường hợp này mình không có cái nghị lực mà chàng tưởng mình đã từng có và trước kia quả thật chàng đã từng có. Piotr vốn thuộc hạng người chỉ có sức mạnh khi cảm thấy mình hoàn toàn trong sạch. Từ ngày có cái cảm giác thèm muốn xâm chiếm lấy chàng bên chiếc hộp thuốc lá ở nhà Anna Pavlovna, cái cảm giác vô thức rằng mình phạm tội đã làm tê liệt nghị lực của chàng.
Ngày lễ thánh của Elen chỉ có một nhóm nhỏ gồm những người bà con và bạn bè thân thiết nhất, như công tước phu nhân nói, đến ăn tối ở nhà công tước Vaxili. Người ta cho tất cả những người bà con và bạn bè này cảm thấy rằng ngày hôm đó sẽ định đoạt số phận của người được ăn mừng lễ thánh.
Khách khứa ngồi vào bàn tiệc. Công tước phu nhân Kuraghina, một người béo phục phịch ngày xưa đã có thời nhan sắc, ngồi ở ghế chủ nhân. Hai bên là các vị thượng khách được trọng vọng nhất. – Một vị tướng già và phu nhân, Anna Pavlovna Serer, ở cuối bàn thì có các tân khách ít tuổi hơn và ít được trọng vọng hơn, cùng với những ngùòi trong nhà. Piotr và Elen ngồi cạnh nhau. Công tước Vaxili không ăn bữa tối; ông dạo quanh bàn tiệc vui vẻ xích ghế lại ngồi gần lại khi vị khách này, khi vị khách khác. Với mỗi người ông đều nói một lời bâng quơ nhã nhặn, chỉ trừ Piotr và Elen. Hình như ông không để ý rằng có hai người ngồi đây nữa. Công tước Vaxili làm cho mọi người thấy phấn chấn. Những ngọn nến sáp ong cháy sáng rực, những đồ dùng bằng bạc và bằng phalê, những món trang sức của phụ nữ, vàng và bạc trên tua vai các bộ quân phục sáng óng ánh. Các gia nhân mặc áo kaftan đỏ lăng xăng đi lại quanh bàn tiệc rộn ràng, những tiếng lách cách của dao, dĩa, cốc và tiếng nói chuyện rôm rả của mấy nhóm khách. Ở một phía bàn nghe rõ tiếng của một ông quan hầu cận già quả quyết thề với một bà nam tước già rằng mình yêu bà ta đắm đuối và tiếng cười của bà nam tước đáp lại; ở phía bên kia người ta đang kể một chuyện không may của một bà Maria Viktorovna nào đấy. Phía giữa bàn, công tước Vaxili tập hợp một số người nghe chuyện mình. Một nụ cười bỡn cợt trên môi công tước kể cho mấy bà khách nghe chuyện phiên họp vừa rồi. – Hôm thứ tư – Của hội đồng nội các. Trong phiên họp này viên tổng đốc quân sự mới bổ ở Peterburg là Xergey Kuzmits Vyazmitinov đã tiếp nhận và đem đọc một tờ chiếu rất nổi tiếng hồi bấy giờ của hoàng đế Alekxandr Pavlovich từ quân đội gửi về. Trong tờ chiếu dụ nhà vua viết cho Xergey Kuzmits có nói rằng từ khắp bốn phương người đã nhận được những kiến nghị của nhân dân tỏ lòng trung thành tận tuỵ, và riêng bản kiến nghị của thành Petersburg đã làm cho Người vui lòng nhất; Người lấy làm tự hào về cái vinh dự được đứng dầu một dân tộc như thế và sẽ cố gắng xứng đáng với vinh dự đó. Tờ chiếu bắt đầu bằng mấy chữ Xergey Kuzmits! Khắp bốn phương vẳng lại tin đồn rằng…
– Thế rồi ông ta đọc không quá mấy chữ Xergey Kuzmits phải không? – Một bà khách hỏi.
– Phải, phải, không đọc quá lấy được một câu nào, – Công tước Vaxili cười xòa đáp. – “Xergey Kuzmits… khắp bốn phương. Khắp bốn phương Xergey Kuzmits… “, cái ông Vyazmitinov tội nghiệp ấy không tài nào đọc tiếp được nữa.
Mấy lần ông đã cố gắng bắt đầu đọc lại nhưng vừa mới đọc chữ Xergey… thì nấc lên… Kh… – … mits… rồi thút thít mà mấy chữ khắp bốn phương cứ nghẹn ngào đi thành tiếng khóc nức nở, thế là ông ta không sao đọc tiếp được. Lại lấy khăn mùi soa, lại “Xergey Kuzmits khắp bốn phương” rồi lại khóc… thành thử phải chuyển cho người khác đọc.
– Kuzmits… khắp bốn phương… rồi khóc. – Có tiếng ai vừa lặp lại vừa cười lớn.
– Công tước không được ác đấy, – Ana Pavlovna từ cuối bàn bên kia nói vọng sang, đưa ngón tay lên doạ – Ông Vyazmitinov của chúng ta là người hiền lành mà tốt bụng lắm đấy.
Mọi người đều cười rất to. Ở đầu bàn đặt các ghế danh dự hình như ai nấy đều vui và đang sống qua những tâm trạng hân hoan bồng bột rất khác nhau: Chỉ có Piotr và Elen là im lặng ngồi cạnh nhau ở gần cuối bàn, trên gương mặt hai người đọng lại một nụ cười tươi roi rói không có liên quan gì đến Xergey Kuzmits – Nụ cười e thẹn trước những cảm xúc của mình. Dù những người khác có nói cười đùa bỡn thế nào chăng nữa, dù họ có ăn các món xào và món kem, uống rượu sông Ranh hết sức ngon lành, dù họ có tránh nhìn đôi trai gái, cố làm ra vẻ thản nhiên không chú ý tới hai người, không hicu tại sao, qua những cái nhìn mà tân khách thỉnh thoảng lại ném về phía họ, người ta vẫn cảm thấy rằng cả mẩu giai thoại về Xergey Kuzmits, cả tiếng cười, cả các món ăn. – Tất cả đều là vờ vĩnh và tất cả sức chú ý của đám người ấy chỉ dồn vào đôi trai gái này: Piotr và Elen. Công tước Vaxili nhại lại tiếng khóc thút thít của Xergey Kuzmits và trong khi đó lại liếc nhìn con gái một cái; và trong khi ông cười, vẻ mặt của ông lại nói: “Thế, thế, cứ thế là ồn cả đấy; hôm nay mọi việc sẽ được quyết định”.
Anna Pavlovna giơ ngón tay lên doạ ra điều bênh vực ông Vyazmitinov tốt bụng của chúng ta, nhưng trong đôi mắt long lanh của bà ta bấy giờ đang liếc nhanh về phía Piotr: công tước Vaxili đọc thấy một lời mừng ông ta sắp có rể mới và mừng cho hạnh phúc của cô con gái. Trong khi lão công tước phu nhăn vừa buồn rầu thở dài vừa chuốc rượu cho bà khách ngồi bên cạnh và đưa mắt lườm con gái, thì tiếng thở dài của phu nhân như muốn nói: “Phải, như chúng mình thì bây giờ chẳng còn biết làm gì hơn là uống rượu ngọt nữa bà bạn ạ; bây giờ đã đến lúc bọn trẻ ấy nó hưởng hạnh phúc một cách ngang nhiên, tựa hồ như khiêu khích thế đấy”. Và nhà ngoại giao nhìn khuôn mặt hớn, hở của đôi trai gái, cũng tự nhủ: “Những điều mình kể nó ngu xuẩn biết chừng nào; cứ như là mình thích thú những chuyện đó lắm ấy. Như thế kia mới là hạnh phúc!”.
Ở giữa những hứng thú nhỏ nhen, ti tiện, giả tạo liên kết đám người này lại với nhau, nổi bật lên cái tình cảm đơn giản của đôi nam nữ trẻ đẹp và mạnh khoẻ vươn lại gần nhau. Và cái cảm xúc rất người này lấn át tất cả và trội hẳn lên trên những mẩu chuyện vặt vãnh gượng gạo của đám khách. Những câu bông đùa đều nhạt nhẽo, những tin tức thuật lại đều vô vị, vẻ hồ hởi thì chắc hẳn là giả tạo. Không phải chỉ có khách khứa, mà ngay cả những người đầy tớ hầu bàn hình như cũng cảm thấy điều đó và có lúc quên cả việc hầu hạ khi liếc nhìn vào nàng Elen xinh đẹp với gương mặt rạng rỡ của nàng, và vào khuôn mặt béo tốt, đỏ gay, vừa sung sướng vừa lo lắng của Piotr. Người ta tưởng chừng như cả ánh đèn nến nữa cũng chỉ quy tụ vào hai khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc này.
Piotr cảm thấy mình là trung tâm của mọi vật và tình cảm đó vừa làm cho chàng thấy vui sướng lại vừa làm cho chàng ngượng nghịu. Chàng đang ở vào tâm trạng của một người mải vùi dầu vào công việc gì. Chàng không thấy, không hiểu và không nghe gì rõ rệt cả.
Chỉ thỉnh thoảng đột nhiên mới có những ý nghĩ đứt quãng, những ấn tượng của thực tế loáng thoáng trong tâm hồn chàng.
“Thế là xong xuôi cả rồi đấy!” – Chàng nghĩ – Sự việc xảy ra thế nào nhỉ? Nhanh quá! Bấy giờ ta biết rằng không phải chỉ riêng đối với nàng, không phái chỉ riêng đối với ta, mà đối với tất cả mọi người việc đó tất nhiên thế nào cũng thành. Tất cả bọn họ đều chờ mong việc đó, đều tin chắc sẽ là như vậy, đến nỗi ta không thể, không thể nào phụ lòng họ được nữa. Nhưng cơ sự sẽ diễn ra như thế nào? Ta không biết; chỉ biết là sẽ như thế, nhất định sẽ như thế!” – Piotr vừa nghĩ vừa nhìn đôi vai lộng lẫy ngay sát mặt chàng.
Có lúc chàng bỗng thấy hổ thẹn như thế nào ấy. Chàng thấy ngượng vì một mình mà khiến mọi người phải chú ý, vì trước mặt những người khác, mình là một anh chàng tốt số, vì mặt mũi mình xấu xí thế này mà mình lại đâm ra thành một chàng Parix(1), làm chủ được nàng Elen kiều diễm. “Nhưng chắc là xưa nay vẫn thế thôi, và cần phải như thế mới được. – Chàng tự an ủi. – Vả lại mình có làm gì để được như thế đâu? Sự thể bắt đầu từ lúc nào nhỉ? Mình cùng đi từ Moskva về đây với công tước Vaxili. Đến đây chưa hề có gì cả. Sau nữa việc mình ở lại nhà công tước Vaxili có gì là lạ? Rồi mình đánh bài với nàng, và nhặt chiếc túi thêu nàng đánh rơi, rồi ngồi xe đi dạo với nàng. Thế là cái đó bắt đầu từ lúc nào? Tất cả cơ sự này có lúc nào?” Và thế là tối nay chàng đã ngồi bên nàng với tư cách một người chồng chưa cưới, chàng nghe thấy, trông thấy, cảm thấy sự gần gũi của nàng, hơi thở, cử động, nhan sắc của nàng. Có khi chàng lại bỗng dưng có cảm giác là không phải vì nàng: chính vì chàng, vì chàng đẹp một cách phi thường, cho nên người ta mới nhìn chàng như thế và bỗng thấy sung sướng vì đã khiến mọi người thán phục, chàng ưỡn ngực, cất cao đầu lên và mừng rỡ hưởng lấy cái hạnh phúc của minh. Bỗng có tiếng nói, một giọng nói của ai nghe quen quen, nhắc lại lần nữa với chàng một câu gì đấy. Nhưng Piotr đang bận tâm đến nỗi không hiểu người ta nói gì với mình.
(1) Con trai của vua thành Inion là Prian một người rất đẹp trai đã bắt cóc nàng Helena diễm lệ, vợ vua Hy Lạp là Menelax (thân thoại Hy Lạp). Ở dãy Piotr nghĩ đến Parix vì Elen trùng tên với nhân vật nữ trong thần thoại này.
– Tôi muốn hỏi anh xem anh nhận được bức thư của Bolkonxki hôm nào, – Công tước Vaxili nhắc lại lần thứ ba. – Anh đãng trí quá anh bạn ạ.
Công tước Vaxili mỉm cười và Piotr nhận thấy mọi người đang nhìn chàng và Elen mỉm cười, “Thôi được, nếu các người biết cả rồi thì thôi cũng được” – Piotr nghĩ thầm. – Vả chăng cũng đúng thế đấy và chàng mỉm cười, cái nụ cười hiền lành, trẻ con của chàng, và Elen cũng mỉm cười theo.
– Anh nhận được thư ấy bao giờ thế? Ở Olmuytx gửi về à? – Công tước Vaxili hỏi lại làm như thể ông ta có biết việc này thì mới giải quyết được vấn đề.
“Sao có thể nghĩ và nói tới những chuyện vặt ấy nhỉ?” – Piotr nghĩ thầm.
– Phải từ Olmuytx gửi về. – Chàng thở dài đáp.
Ở bàn tiệc đứng dậy, Piotr dẫn cô bạn theo mọi người vào phòng khách. Các tân khách bắt đầu ra về với mấy người không chào Elen.
Dường như vì không muốn phiền nàng trong khi nàng đang bận một việc quan trọng, một vài người khách chỉ đến gặp nàng một phút rồi bỏ đi ngay, nhất định không cho nàng ra tiễn chân. Nhà ngoại giao buồn rầu lặng lẽ ra khỏi phòng khách. Ông ta thấy hết cái vô nghĩa của sự nghiệp ngoại giao của mình so với hạnh phúc của Piotr. Vị tướng già gắt bà vợ của ông khi bà ta hỏi thăm xem cái chân của ông có đau không. “Chà, cái con mụ ngốc này nữa” – vị tướng nghĩ
– Như cô Elen Vaxilievna kia thì đến năm mươi tuổi vẫn cứ đẹp như thường.
– Hình như tôi có thể mừng phu nhân rồi thì phải, – Anna Pavlovna nói thầm với công tước phu nhân và ôm bà ta hôn thật mạnh. – Giá tôi không bị nhức đầu thì thế nào cũng xin ở lại.
Công tước phu nhân không đáp; bà ta đang mải ganh tị với hạnh phúc của con gái.
Trong khi hai vợ chồng công tước Vaxili tiễn khách ra về, Piotr ngồi một mình rất lâu với Elen trong gian phòng khách nhỏ, trong khoảng một tháng rưỡi nay Piotr cũng đã có nhiều lần ngồi một mình với Elen, nhưng chưa bao giờ nói chuyện yêu đương với nàng. Bây giờ chàng cảm thấy cần phải nói chuyện ấy mới xong, nhưng chàng không tài nào dám bước cái bước cuối cùng này. Chàng thấy xấu hổ quá; chàng có cảm giác là nơi đây, bên cạnh Elen mình đang chiếm chỗ của một người nào khác.
“Hạnh phúc này không phải giành cho anh. – Có một tiếng nói đâu từ bên trong bảo chàng như vậy. – Hạnh phúc này là dành cho những người không có những điều có trong anh”. Nhưng đằng nào thì cũng phải có một cái gì, và chàng bắt đầu nói. Chàng hỏi nàng có hài lòng về buổi tối hôm nay không. Cũng như thường lệ, nàng trả lời giản dị rằng ngày lễ thánh hôm nay là một trong những ngày lễ thánh làm cho nàng vui thích nhất.
Trong số những người bà con thân thuộc hãy còn một vài người ở lại. Họ ngồi trong gian phòng khách lớn. Công tước Vaxili uể oải bước lại gần Piotr. Piotr đứng dậy nói rằng bây giờ đã muộn. Công tước Vaxili nhìn Piotr một cách nghiêm nghị và có ý dò hỏi, dường như điều mà chàng vừa nói ra nó kỳ lạ đến nỗi khó lòng nghe ra được. Nhưng ngay sau đó vẻ nghiêm nghị biến mất, công tước Vaxili cầm tay Piotr kéo chàng ngồi xuống và dịu dàng mỉm cười.
– Thế nào đây Elen? – Ông lập tức quay sang con gái nói với cái giọng lơ đễnh, âu yếm một cách tự nhiên của những bậc cha mẹ đã quen âu yếm con từ thuở bé, nhưng công tước Vaxili có cái giọng này chỉ là nhờ bắt chước các bậc cha mẹ khác mà thôi.
Rồi công tước lại quay về phía Piotr.
– Xergey Kuzmits… khắp bốn phương. – ông vừa nói vừa cởi khuy cổ áo gi-lê.
Piotr mỉm cười, nhưng cứ trông nụ cười của chàng cũng có thể biết chàng hiểu rằng lúc này mẩu giai thoại về Xergey Kuzmits không phải là kiểu mà công tước Vaxili chú ý; và công tước Vaxili cũng hiểu rằng Piotr đã hiểu rõ điều đó. Công tước bỗng lẩm bẩm mấy tiếng rồi đứng dậy bỏ ra ngoài. Thậm chí Piotr còn có cảm giác là công tước Vaxili luống cuống. Cái vẻ luống cuống ở một con người thông thạo già đời trên đường giao tế như công tước Vaxili khiến Piotr xúc động; chàng đưa mắt nhìn Elen. – Hình như nàng cũng luống cuống, mắt nàng như muốn nói: “Đấy, tại anh cả đấy”.
“Thế nào cũng phải bước qua giới hạn, nhưng không sao bước được” – Piotr nghĩ, và chàng lại bắt đầu nói những chuyện ở đâu đâu về Xergey Kuzmits, chàng hỏi xem câu chuyện ấy đầu đuôi thế nào, vì lúc nãy chàng không nghe rõ. Elen mỉm cười đáp rằng mình cũng không biết nốt. Khi công tước Vaxili đi vào phòng khách, công tước phu nhân đang nói chuyện nhỏ nhẻ với một bà có tuồi về Piotr.
– Cố nhiên đây là một đám rất khá, nhưng bà ạ, hạnh phúc…!
– Các cuộc hôn nhân đều do trời định cả – Bà có tuổi đáp.
Công tước Vaxili làm ra vẻ như không nghe thấy câu chuyện của hai bà, tiếp tục đi quá đến một góc cách đấy khá xa rồi ngồi xuống một chiếc đi văng. Công tước nhắm mắt lại, tựa hồ như đang thiu thiu ngủ. Đầu công tước gật một cái, và công tước bừng tỉnh.
– Alin. – Công tước bảo vợ, Bà vào xem hai đứa đó đang làm gì trong ấy?
Công tước phu nhân lại gần cửa phòng khách nhỏ, làm ra vẻ quan trọng và thản nhiên đi ngang qua cánh cửa và liếc nhìn vào phòng. Piotr và Elen vẫn ngồi như cũ và đang nói chuyện.
– Vẫn cứ thế, – Công tước phu nhân bảo chồng.
Công tước Vaxili cau mày, một bên mép trễ xuống, má công tước giật giật khiến cho nét mặt ông ta lại có vẻ khó chịu, thô bỉ rất đặc biệt. Công tước xốc áo đứng dậy và bước quả quyết đi qua hai ngườì đàn bà, về phía phòng khách nhỏ. Công tước nhanh nhẹn, vui vẻ tiến đến gần Piotr. Gương mặt công tước có vẻ trang trọng khác thường đến nỗi trông thấy ông, Piotr sợ hãi vội vàng đứng dậy.
– Lạy Chúa! – Công tước Vaxili nói. – Nhà tôi đã nói cho tôi biết cả rồi! – Một tay công tước ôm lấy Piotr, tay kia ôm lấy con gái. – Elen, con! Ba rất mừng, rất mừng. – Giọng nói công tước run run. – Tôi ngày trước rất quý ba anh… Con tôi cũng sẽ là một người vợ hiền của anh… Cầu Chúa ban phúc cho hai con…
Công tước ôm hôn con gái, rồi lại ôm Piotr, chìa đôi môi cằn cỗi ra hôn chàng.
Những giọt nước mắt thật chảy ướt cả hai má công tước Vaxili.
– Mình ơi, vào đây. – Công tước gọi to.
Công tước phu nhân vào, và cũng khóc òa lên. Bà khách có tuổi cũng lấy khăn tay chấm lên mắt. Họ ôm hôn Piotr, và chàng hôn tay nàng Elen xinh đẹp mấy lần. Một lát sau họ lại lui ra đề cho hai người ở lại một mình với nhau.
“Tất cả đều phải như thế, và không thể nào khác đi được. – Piotr nghĩ thầm, – Vì vậy không việc gì phải hỏi xem việc này tốt hay không tốt. Tốt là vì nó đã rõ ràng và sự phân vân trước đây vẫn giày vò mình nay đã mất”. Piotr im lặng cầm tay vị hôn thế của mình và ngắm bộ ngực đẹp đẽ của nàng đang phập phồng nâng lên hạ xuống.
Elen! – Chàng nói to, rồi ngừng lại. Chàng nghĩ bụng: “Trong những trường hợp như thế này người ta thường nói một cái gì đặc biệt lắm đây”; nhưng chàng không tài nào nhớ được cụ thể người ta thường nói gì trong những trường hợp này. Chàng nhìn thẳng vào mặt nàng. Nàng dịch lại gần chàng hơn nữa. Mặt nàng đỏ ửng.
– Ồ anh cất cái đôi… đôi gì ấy đi… – Nàng chỉ vào cặp kính.
Piotr cất kính, và đôi mắt chàng, ngoài cái vẻ lạ lùng thường thấy ở mặt những người vừa cất kính, còn có một vẻ gì hoảng sợ và băn khoăn, giương lên nhìn có ý dò hỏi. Chàng muốn cúi xuống hôn bàn tay nàng; nhưng nàng đã nhanh nhẹn và thô bạo đưa mặt ra phía trước đón lấy môi chàng và gắn môi mình vào.
Gương mặt của nàng biến sắc, có vẻ thảng thốt một cách khó chịu khiến chàng kinh ngạc.
“Bây giờ muộn rồi, mọi việc đều xong xuôi cả rồi; vả chăng ta cũng yêu nàng” – Piotr nghĩ.
– Tôi yêu cô! – Chàng nói, vừa sực nhớ ra cái câu cần phải nói trong những trường hợp như thế này, nhưng mấy tiếng ấy chàng nói nghe nó nhạt nhẽo đến nỗi chàng phải tự thấy xấu hổ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.