Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)

Chương 5



Sau khi cảm ơn Anna Pavlovna về buổi dạ hội nhã thú của bà ta, các tân khách bắt đầu ra về.

Piotr rất vụng. To vóc rộng vai, người cao quá khổ, hai bàn tay to lớn và đỏ ối, chàng không biết cách bước vào một phòng khách, như người ta thường nói, lại càng không biết cách đi ra, nghĩa là phải nói một vài lời thật nhã nhặn để lấy lòng chủ nhân trước khi ra về. Đã thế, Piotr còn đãng trí. Khi đứng dậy, chàng không cầm lấy mũ của mình mà lại vớ lấy cái mũ tam giác có ngù của một vị tướng, rồi cứ giật giật cái ngù, mãi cho đến khi vị tướng đến xin lại chàng mới đưa. Nhưng tính đãng trí, sự vụng về của chàng khi vào phòng khách và khi nói năng đều được bù lại bằng vẻ mặt thật thà, giản dị và khiêm tốn của chàng. Anna Pavlovna quay lại nhìn Piotr, khẽ gật đầu một cái để tỏ lòng bao dung Cơ đốc đối với sự thất thố của chàng, rồi nói:

– Tôi mong được gặp lại ông ở đây, nhưng tôi cũng mong rằng ông sẽ thay đổi ý kiến, ông Piotr ạ.

Piotr không đáp, chỉ nghiêng mình một tí và nhoẻn miệng cười, một nụ cười không nói lên một cái gì cả, hoặc có chăng nữa, thì cũng chỉ là: “Ý kiến khác nhau là chuyện nhỏ các ngươi cũng thấy đấy, tôi là một anh chàng rất trung hậu, hiền lành!”. Và mọi người, kể cả Anna Pavlovna nữa, cũng vô hình chung cảm thấy như thế.

Công tước Andrey ngoài phòng áo vào giơ vai cho người nô bộc(1) khoác áo choàng, lãnh đạm lắng tai nghe câu chuyện gẫu giữa vợ chàng với công tước Ippolit lúc bấy giờ cũng đã vào phòng áo.

(1) Gia nhân chuyên hầu hạ trong nhà.

Ippolit đứng gần công tước phu nhân nhỏ nhắn và dùng kính tay nhìn chòng chọc vào mặt người thiếu phụ có mang.

– Thôi trở vào đi. Annet, kẻo cảm lạnh bây giờ. – Công tước phu nhân nói để từ biệt Anna Pavlovna. – Nhất định cứ thế nhé!- Nàng nói thêm khe khẽ.

Số là Anna Pavlovna đã kiếm được một lúc thuận tiện để nói với công tước phu nhân về việc hôn nhân dự định giữa Anatol và em chồng nàng.

– Tôi trông cậy vào chị đấy, – Anna Pavlovna cũng nói khẽ, chị sẽ viết thư cho cô ta và sẽ cho biết ông bố nhận định việc ấy như thế nào. Thôi tạm biệt nhé! – Nói xong, phu nhân quay mình đi vào nhà trong.

Ippolit xích lại gần công tước phu nhân nhỏ nhắn và ghé sát mặt nàng nói nhỏ mấy tiếng.

Hai người hành bộc, một của công tước phu nhân, một của Ippolit, đang đứng chờ hai người nói chuyện, người này cầm cái khăn choàng, người kia cầm chiếc áo khoác đuôi tôm. Nghe hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, họ chẳng hiểu gì. Công tước phu nhân, vẫn theo thói quen thường ngày, khi nói thì cười nụ, khi nghe thì cười thành tiếng.

– Không đến nhà ông Đại sứ, thật là một việc hay cho tôi quá, Ippolit- vì bên ấy tẻ lẳm… Buổi tiếp tân thú vị quá nhỉ, thật là thú vị.

Nghe nói cuộc khiêu vũ ở bên ấy sẽ rất vui, – Công tước phu nhân đáp, cái môi trên có phủ lông măng hơi cong lên. Tất cả những người đẹp đều sẽ có mặt ở đấy cả.

– Không phải tất cả đâu! Vì không có phu nhân ở đấy: không thể nói tất cả được- Ippolit vừa nói vừa cười vui vẻ, đoạn giật mạnh cái khăn choàng trong tay người hành bộc khiến cho anh ta lảo đảo, rồi choàng lên vai công tước phu nhân. Hoặc vì vụng về, hoặc vì hữu ý (không ai có thể phân biệt cho rõ được), chàng ta đã đặt khăn choàng xong rồi mà cứ để tay mãi, không rút đi, trông như chàng ta đang ôm choàng lấy người thiếu phụ.

Nàng né mình một cách duyên dáng, nhưng vẫn mỉm cười và ngoảnh lại nhìn chồng. Mắt công tước Andrey bị nhắm lại, trông chàng có vẻ uể oải và buồn ngủ.

– Đã xong chưa? – Công tước hỏi, mắt nhìn qua vợ mình một lượt Công tước Ippolit lật đật mặc chiếc áo đuôi tôm may theo kiểu mới nhất, dài đến tận gót, và vướng víu chạy llen bậc thềm để đuổi theo phu nhân tròng khi người hành bộc đỡ phu nhân lên xe.

– Thôi xin chào công tước phu nhân. – Ippolit chào rõ to, cái lưỡi cũng vướng víu chẳng kém gì đôi chân.

Công tước phu nhân vén áo ngồi vào chỗ trong bóng tối của cỗ xe. Chồng nàng đang xốc lại thanh gươm đeo cạnh sườn. Ippolit làm ra vẻ muốn giúp đỡ người khác lên xe, nhưng chàng ta chỉ làm cho mọi người thêm vướng. Công tước Andrey nói với Ippolit bằng tiếng Nga, giọng lạnh nhạt khó chịu, vì chàng đang lăng xăng làm cho công tước không lên được:

– Xin ông cho phép.

Rồi cũng tiếng nói của công tước Andrey nhưng nghe dịu dàng trìu mến:

– Piotr, mình chờ cậu đấy!

Người đánh xe giật cương cho ngựa đi, và chiếc xe bắt đầu lăn bánh ầm ầm trên mặt đường, Ippolit đứng trên bậc thềm, cười khúc khích, đang chờ tử tước để cùng lên xe, vì đã hứa sẽ đưa tử tước về đến tận nhà.

– Này, bạn ạ, công tước phu nhân bé nhỏ của bạn khá thật, khá thật đấy! – Tử tước nói, khi đã ổn định chỗ ngồi trong xe bên cạnh Ippolit. Mà khá thật! – Tử tước để ngoan tay lên môi hôn một cái rồi gửi đi. – Mà lại Pháp đặc.

– Mà bạn có biết không, bạn thật đáo để với cái điệu mặt ngây thơ của bạn. – Tử tước nói tiếp.- Tội nghiệp cho anh chồng, chỉ là một sĩ quan quèn mà cứ làm ra dáng ta đây là đức kim thượng.

Ippolit cười sặc sụa và nói qua tiếng cười:

– Thế mà ông lại cứ bảo đàn bà Nga không sánh kịp đàn bà Pháp. Vấn đề là phái biết cách chứ lại!

Piotr về đến nơi trước công tước Andrey và lấy tư cách là người quen thân trong nhà, chàng đi thẳng vào thư phòng của công tước, rồi theo thói quen, ngả mình trên đi-văng, tiện tay với lấy một quyển sách (đó là quyển “Viễn chinh ký” của Cezdar) rồi chống khuỷu giở xem lan man.

– Cậu làm ăn thế nào bên nhà bà Serer thế? Bà ta rồi cũng đến ốm mất thôi. – Công tước Andrey vừa nói vừa bước vào, hai bàn tay nhỏ và trắng xoa xoa và nhau.

Piotr quay hẳn mình trở lại, làm cho chiếc đi-văng két lên một tiếng, gương mặt phấn chấn ngoảnh về phía công tước Andrey, mỉm cười, rồi khoát tay một cái.

– Kể ra, cái ông giáo sĩ ấy cũng hay hay, nhưng ông ta quan niệm vấn đề không đúng. Theo ý tôi, nền hòa bình vĩnh viễn là một điều có thể thực hiện được, nhưng… tôi không biết nói như thế nào… Dù sao thì cũng không phải là nhờ thế quân bình, chính trị…

Những đề tài nói chuyện trừu tượng ấy rõ ràng là không có hứng thú gì đối với công tước Andrey.

– Anh bạn ơi! Không thể bất cứ chỗ nào cũng nói thẳng ý nghĩ của mình ra. – Thế cậu đã nhất định chưa? Cậu sẽ là kỵ binh ngự lâm hay sẽ là ngoại giao? – Chàng hỏi sau một lát im lặng.

Piotr nhổm dậy ngồi xếp chân trên đi-văng.

– Anh xem, chính tôi cũng vẫn chưa biết nên thế nào. Chưa bên nào tôi thấy vừa ý cả.

– Nhưng thế nào thì cũng phải quyết định chứ! Ông cụ đang chờ đấy

Từ mười tuổi, Piotr đã đi học ở nước ngoài, có một giáo sĩ đi theo phụ đạo. Ở nước ngoài đến hai mươi tuổi thì trở về Moskva ông bố bãi hồi vị giáo sĩ và bảo chàng: “Bây giờ thì con hãy đi Peterburg, con hãy tự xem xét và lựa chọn lấy. Ý con như thế nào, thì cha cũng thuận tình. Đây là một bức thư viết cho công tước Vaxili và đây là tiền để con tiêu. Con hãy viết thư cho cha biết sự thể như thế nào, và cha sẽ giúp con mọi việc”.

Cho đến nay đã được ba tháng rồi mà Piotr vẫn đang chọn nghề và chưa làm gì cả. Đó chính là sự lựa chọn mà công tước Andrey vừa nhắc đến. Piotr vò trán.

– Nhưng chắc thằng cha ấy là người hội Tam điểm (2)- Piotr nói, ý muốn nhắc đến ông giáo sĩ vừa gặp trong buổi tiếp tân.

(2) Một hội có tính chất tôn giáo, còn gọi là hội “Thợ nề tự do”.

– Toàn là những chuyện vớ vẩn! – Công tước Andrey lại ngắt lời Piotr một lần nữa. – Tốt hơn là hẵng bàn đến công việc. Cậu đã đi xem kỵ binh cận vệ chưa?

– Chưa, tôi chưa đi, nhưng tôi có nghĩ một điều, và tôi cứ muốn hỏi anh. Chúng ta đang đánh nhau với Napoleon. Nếu đây là một cuộc Chiến tranh cho tự do, thì tôi đã hiểu được và đã xin nhập ngũ trước ai hết rồi. Đằng này lại giúp nước Anh và nước Áo chống lại một nhân vật vĩ đại nhất thế giới… đó là một việc không tốt.

Công tước Andrey chỉ nhún vai một cái trước những lời lẽ thơ ngây của Piotr như để tỏ ra rằng không thể nào trả lời những điều vớ vẩn như vậy, nhưng nói cho đúng thì cũng khó lòng mà giải đáp câu hỏi ngây thơ ấy bằng cách nào khác hơn là một cái nhún vai.

– Nếu ai cũng chỉ muốn tham gia chiến tranh theo lý tưởng của mình, thì sẽ không làm gì có chiến tranh nữa, – Công tước nói. – Như thế thì lại càng tuyệt, nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra.

– Thế tại sao anh tham gia chiến tranh? – Piotr hỏi.

– Tại sao à? Tôi cũng không biết. Phải thế thôi. Và lại cũng vì. – Công tước ngừng lại một lát… – Tôi đi cũng vì cuộc sống của tôi ở đây chẳng hợp với tôi tí nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.