Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)

Chương 6



Ở phòng bên có tiếng áo dài đàn bà sột soạt. Công tước Andrey giật mình như người đang mơ sực tỉnh, và gương mặt chàng lại có cái sắc thái như ban nãy, khi chàng ở trong phòng khách của Anna Pavlovna, Piotr bỏ chân xuống. Công tước phu nhân bước vào. Nàng đã thay đổi trang phục. Bây giờ nàng chỉ mặc một chiếc áo dài thường mặc trong nhà, nhưng cũng trang nhã và tươi mát như chiếc áo hồi nãy. Công tước Andrey đứng lên, lễ phép đẩy ghế bành về phía nàng. Nàng vội vàng ngồi xuống ghế bành vẻ bận rộn, và vẫn dùng tiếng Pháp như mọi ngày, nàng nói:

– Tôi thường tự hỏi, tại sao Annet không lấy chồng? Đàn ông các anh không lấy chị ấy là dại. Xin lỗi các anh chứ thực ra các anh không hiểu tý gì về đàn bà hết. Còn cái cậu Piotr này nữa, cậu thì chỉ ham cãi lộn thôi.

– Thì tôi cũng vừa tranh luận với ông anh đấy. Tôi không hiểu tại sao ông anh cứ muốn ra trận, – Piotr nói với công tước phu nhân, không hề có vẻ ngượng nghịu thường thấy trong những mối quan hệ giao thiệp giữa một người đàn ông và một người đàn bà cùng trẻ tuổi như nhau.

Công tước phu nhân lộ vẻ bứt rứt. Hình như câu hỏi của Piotr đã chạm vào chỗ đau nhói của nàng. Nàng nói:

– Thì tôi cũng bảo thế. Tôi không hiểu, thực tôi không tài nào hiểu tại sao đàn ông không có chiến tranh thì không sống nổi? Tại sao đàn bà chúng tôi lại không muốn gì hết, không cần gì hết? Bây giờ có cậu ở đây, cậu làm trọng tài đi. Tôi vẫn cứ nói mãi với nhà tôi. Ở đây nhà tôi làm sĩ quan phụ tá của ông chú, tức là giữ một địa vị rạng rỡ nhất. Ai cũng biết, ai cũng tôn trọng nhà tôi. Hôm vừa rồi, ở nhà Apraksin tôi nghe một vị phu nhân hỏi: “Có phải công tước Andrey nổi tiếng đấy không?”. Tôi nói thực đấy mà!

Nàng cười:

– Ở đâu nhà tôi cũng được hoanh nghênh. Nhà tôi có muốn làm sĩ quan phụ tá hoàng thượng thì cũng rất dễ thôi. Cậu cũng biết hoàng thượng đã mấy lần nói chuyện với nhà tôi rất ân cần. Tôi với Annet thấy rằng thu xếp việc đó có lẽ rất dễ. Cậu thấy thế nào?

Piotr nhìn công tước Andrey không đáp, vì nhận thấy câu chuyện này làm cho bạn khó chịu. Chàng hỏi:

– Bao giờ thì anh đi?

– Ôi chao! Cậu đừng có đem cái chuyện đi đứng ấy ra nói với tôi, tôi không muốn nghe đâu- Công tước phu nhân nói, giọng nói bông đùa và nũng nịu như khi nàng với Ippolit trong phòng khách, và như vậy rõ ràng là không thích hợp với khung cảnh ở gia đình ở đây, vì Piotr có thể xem là người nhà – Hôm nay khi em phải từ bỏ tất cả những quan hệ thân thiết kia, với lại…, anh Andrey, anh có biết không? – Nàng liếc mắt đưa về phía chồng một cái đầy ý nghĩa, và rùng mình nói thì thào. – Em sợ, em sợ lắm!

Chồng nàng nhìn nàng có vẻ ngạc nhiên như thế chợt nhận thấy ngoài mình và Piotr lại còn một người nào nữa đang ở trong phòng. Tuy vậy, chàng cũng vẫn hỏi vợ, giọng lãnh đạm và khách khí:

– Liza, mình sợ cái gì chứ? Anh chẳng hiểu sao cả.

– Đàn ông đều ích kỷ như thế cả. Ai cũng vậy, ai cũng ích kỷ hết. Chỉ vì sở thích riêng, anh ấy tự dưng bỏ tôi, giam tôi ở thôn quê một mình.

– Với cha anh và em gái anh nữa chứ, em đừng quên điều đó!- Công tước Andrey nói khẽ.

– Sống mà không có các bạn bè của tôi thì cũng chẳng khác gì sống một mình… ấy thế mà anh ấy còn muốn tôi đừng sợ.

Giọng nàng đã có vẻ giận dỗi, môi nàng nhếch lên, khiến cho gương mặt nàng kém vui và nom như một con thú rừng, một con sóc. Nàng im bặt, hình như nhận thấy không tiện nói đến việc mình đang có mang trước mặt Piotr, mặc dầu then chốt câu chuyện là ở chỗ ấy.

– Dù sao anh cũng không hiểu, em sợ cái gì mới được chứ? – Công tước Andrey nói chậm rãi, mắt vẫn không rời khỏi vợ.

Công tước phu nhân đỏ mặt, khoát tay ra dáng tuyệt vọng:

– Anh Andrey, em phải nói rằng anh thay đổi quá nhiều, nhiều quá đi mất!

– Bác sĩ bảo mình phải đi ngủ sớm. – Công tước Andrey nói. – Mình nên đi ngủ đi.

Công tước phu nhân không nói gì, cái môi trên hơi ngắn và có lông tơ bỗng run lên. Công tước Andrey đứng dậy nhún vai, đi đi lại lại trong phòng.

Piotr nhìn qua cặp kính một cách ngỡ ngàng và ngây thơ, hết nhìn công tước lại nhìn phu nhân và nhổm người như muốn đứng dậy, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.

– Có ông Piotr ở đây cũng chẳng hề gì. – Công tước phu nhân nói, và khuôn mặt xinh xắn của nàng đột nhiên cau lại như muốn khóc, – Đã lâu em muốn hỏi anh; anh Andrey ạ, tại sao đối với em anh thay đổi tính tình đến thế? Nào em có làm gì anh đâu? Anh đi tòng quân, anh chẳng thương hại gì em cả. Tại sao thế?

– Lise! – Công tước Andrey chỉ nói thế, song trong lời nói này có đủ ý khẩn cầu, nhưng nhất là có ý tin tưởng rằng nàng sẽ hối tiếc vì những câu vừa nói, nhưng nàng đã vội vàng nói tiếp:

– Anh xem em như người ốm hay như đứa trẻ con. Em thấy hết. Nửa năm trước đây anh có thế đâu?

– Lise, tôi van mình, mình đừng nói nữa. – Công tước Andrey nói, giọng càng khuẩn khoản hơn. Trong lúc hai vợ chồng Andrey lời qua tiếng lại như thế, Piotr mỗi lúc một thêm xúc động. Chàng đứng dậy và đến cạnh công tước phu nhân. Hình như trông thấy nước mắt chàng không sao cầm lòng và bản thân chàng cũng sẵn sàng khóc theo.

– Xin phu nhân hãy bình tâm. Phu nhân tưởng như thế đấy thôi, bởi vì, tôi cam đoan với phu nhân rằng bản thân tôi cũng đã biết… vì sao…bởi vì. không, xin lỗi phu nhân, một người ngoài ở đây là thừa… Không, xin phu nhân hãy bình tâm, xin chào…

Công tước Andrey giữ lấy tay chàng, cản lại.

– Khoan đã, Piotr. Nhà tôi rất tốt nên không muốn làm tôi mất cái thú được ngồi cùng với cậu một buổi tối.

– Anh ấy chỉ nghĩ đến mình mà thôi- Công tước phu nhân lẩm bẩm, không sao cầm được những giọt nước mắt hờn giận.

– Lise!- Công tước Andrey nói rất xẵng, giọng nói đã lên cao đến cái mức chứng tỏ chàng không thể nhịn được nữa.

Đột nhiên, vẻ giận dỗi của con sóc trên khuôn mặt xinh xắn của công tước phu nhân nhỏ nhắn nhường chỗ cho một vẻ sợ hãi đáng yêu, khiến người ta dễ mủi lòng, nàng liếc đôi mắt xinh đẹp nhìn chồng, trên gương mặt hiện ra cái vẻ rụt rè và như muốn thú tội của một con chó đang khẽ vẩy nhanh cái đuôi cụp xuống.

– Trời! Trời ơi! – Phu nhân nói và lấy tay vuốt lại các nếp áo rồi bước đến cạnh chồng và hôn lên trán chồng.

– Thôi mình đi nghỉ nhé! – Công tước nói trong khi đứng dậy hôn tay nàng một cách khách khí như hôn tay một người xa lạ.

Hai người bạn im lặng, chẳng ai mở miệng nói một câu, Piotr nhìn công tước Andrey. Công tước Andrey đưa bàn tay nhỏ nhắn lên vuốt trán.

– Đi ăn đi. – Chàng thở dài nói trong khi đứng dậy đi ra cửa sổ.

Hai người bước vào căn phòng sang trọng mới bày biện lại. Từ khăn ăn đến đồ dùng bằng bạc, đồ sứ và đồ thuỷ tinh, tất cả đều có cái vẻ mới tinh khôi đặc biệt của một cặp vợ chồng son. Giữa bữa ăn, công tước Andrey chống khuỷu tay lên bàn, và giống như một người lâu năm ấp ủ một điều gì trong lòng và bây giờ đột nhiên quyết thổ lộ ra, chàng bắt đầu nói với một vẻ khích động bứt rứt mà chưa bao giờ Piotr nhận thấy ở bạn.

– Cậu ạ, cậu đừng bao giờ lấy vợ, đừng bao giờ hết. Đó là lời tôi khuyên cậu đấy, cậu đừng lấy vợ, trước khi cậu có thể tự nhủ rằng cậu đã làm tất cả những điều có thể làm, và thôi không yêu người đàn bà cậu lựa chọn nữa, trước khi cậu đã hiểu cô ta đến nơi đến chốn, nếu không, cậu sẽ phạm một sai lầm đau đớn không có cách gì cứu vãn. Khi nào cậu đã thành một ông già, không dùng được vào việc gì nữa, thì hẵng lấy vợ. Nếu không, tất cả những cái gì tốt đẹp và cao quý của cậu cũng đều sẽ tiêu ma hết. Tất cả sẽ bị tiêu phí trong những chuyện vặt vãnh. Phải, đúng thế đấy! Cậu đừng có nhìn mình với vẻ mặt kinh ngạc như thế chứ? Nếu cậu còn ôm ấp một hoài bão gì cho tương lai thì lúc nào cậu cũng sẽ thấy rằng đời mình đến thế là hết, mọi con đường đều đóng lại, chỉ trừ cái phòng khách, ở đấy cậu sẽ đứng ngang hàng với một tên thị vệ trong cung đình và một thằng ngốc… lấy vợ làm gì mới được chứ!…

Công tước Andrey khoát mạnh tay.

Piotr bỏ kính xuống, khiến cho vẻ mặt chàng thay đổi hẳn và càng thêm hiền hậu. Chàng liếc nhìn bạn, vẻ kinh ngạc. Công tước Andrey nói tiếp:

– Nhà tôi là một người đàn bà rất tốt. Đó là một trong những người đàn bà hiếm có mà ngưởi ta có thể an tâm về vấn đề danh dự, nhưng, trời ơi, bây giờ nếu mình được làm người chưa vợ, thì bắt chịu gì mình cũng sẵn sàng! Cậu là người đầu tiên và là người duy nhất mà mình nói điều đó, bởi vì mình mến cậu.

Khi nói điều đó, công tước Andrey lại càng ít giống anh chàng Bolkonxki mới đây ngồi uể oải trên ghế bành nhà Anna Pavlovna nheo nheo đôi mắt nói tiếng Pháp qua hai hàm răng dính chặt. Các thớ thịt trên khuôn mặt lạnh lùng rung động vì bị kích thích, cặp mắt ở đấy ngọn lửa sống hình như đã tắt ngấm trước đây, nay lại lấp lánh một ánh sáng chói lọi, rực rỡ. Rõ ràng những lúc bình thường chàng càng tỏ ra không có sinh khí thì những giây phút bị kịch thích chàng lại cảm thấy càng có nghị lực. Chàng nói tiếp:

– Cậu không hiểu tại sao mình lại nói như vậy. Vì đây là câu chuyện của cả một đời người. Cậu nói đến Buônapáctê và sự nghiệp của ông ta. – Chàng nói, mặc dù Piotr không hề nói gì đến Buônapáctê. – Nhưng khi Buônapáctê làm việc thì ông ta lần lượt đi từng bước đến mục đích của mình. Ông ta tự do, không thấy gì ngoài mục đích của mình, và ông ta đã đạt đến mục đích. Nhưng cậu cứ thử dính vào một người đàn bà mà xem, cậu sẽ chỉ là một thằng tù bị xích, cậu sẽ mất hết tự do. Thế rồi, tất cả những gì gọi là hy sinh và sinh lực của cậu, đều chỉ làm cho cậu khổ sở, đau xót, hối hận. Những phòng tiếp tân, những câu chuyện ngồi lê đôi mách, những buổi khiêu vũ, thói hư vinh, cuộc sống rỗng tuếch, đó là cái vòng luẩn quẩn mà mình không thể thoát ra được. Nay mình ra trận, tham dự cuộc chiến tranh lớn nhất từ xưa đến nay, ấy thế mà mình không biết gì, không dùng được vào việc gì cả. – Tình tình rất hòa nhã và rất chua chát! – Công tước Andrey nói tiếp. – Và ở nhà Anna Pavlovna người ta nghe tôi. Còn cái giới xã giao ngu xuẩn kia, mà Nếu không có nó thì vợ mình không sống được, và tất cả những người đàn bà kia nữa… Giá cậu biết tất cả các bà thanh lịch kia và đàn bà nói chung là cái gì? Ông cụ mình nói đúng. Ích kỷ, chuộng hư vinh, ngu xuẩn và rỗng tuếch, đàn bà là thế đấy, khi họ lộ rõ chân tướng. Ngắm họ ở nơi giao tế cậu cứ tưởng đâu họ có một cái gì, nhưng thực ra họ không có gì hết, không có gì hết. – Và công tước Andrey kết thúc. – Chớ lấy vợ cậu ạ, chớ lấy.

– Tôi lấy làm buồn cười là, – Piotr nói, – anh mà lại tự cho mình là người vô dụng, cho rằng đời anh đã hỏng bét. Trước mắt anh có cả một tương lai vô hạn, một tương lai vô hạn. Thế mà anh…

Chàng không nói anh như thế nào nhưng giọng nói của chàng cũng chứng tỏ chàng đánh giá bạn rất cao và hy vọng rất nhiều vào tương lai của bạn.

Piotr nghĩ bụng: “Tại sao anh ấy có thể nói như thế được nhỉ?”

Piotr cho rằng công tước Andrey là một người mẫu mực, hoàn mỹ về mọi mặt, chính vì Andrey đã kết thúc ở một trình độ cao nhất tất cả những phẩm chất mà Piotr không có và có thể gọi một cách gần đúng nhất bằng danh từ “nghị lực”. Piotr bao giờ cũng thán phục cái tài của công tước Andrey biết giữ bình tĩnh trong khi giao thiệp với mọi hạng người, cái trí nhớ phi thường, trình độ học vấn uyên bác của chàng (cái gì chàng cũng đọc, cái gì chàng cũng biết, về vấn đề gì chàng cũng có ý kiến riêng) và đặc biệt về năng lực làm việc và học hỏi của chàng. Nếu như Piotr thường ngạc nhiên về chỗ Andrey thiếu cái khả năng triết lý vẩn vơ (Piotr lại có thiên hướng đặc biệt là về mặt này), thì Piotr không thấy đó là một thiếu sót mà lại cho đó là chỗ mạnh.

Trong những quan hệ tốt nhất, thân mật nhất và giản dị nhất, nịnh hót hay tán dương cũng vẫn cần thiết, như chất mỡ cần thiết cho bánh xe chạy.

– Tôi là một người bỏ đi rồi! – Công tước Andrey nói. – Nói đến tôi làm gì? Hẵng nói đến cậu! – Chàng nói sau một phút im lặng và mỉm cười với những ý nghĩ đang an ủi mình.

Ngay trong giây phút ấy, nụ cười của chàng cũng được phản chiếu lại trên gương mặt của Piotr.

– Nói đến tôi làm gì bây giờ? – Piotr nói nhoẻn rộng miệng ra trong một nụ cười vui vẻ vô tư – Tôi là cái thứ gì? Tôi là một đứa con hoang. – Và đột nhiên mặt chàng đỏ bừng. Có thể thấy rõ là chàng đã cố gắng nhiều mới nói được mấy chữ đó. – Tên họ chẳng có, tài sản cũng không… và thực ra… Nhưng chàng cũng không nói thực ra như thế nào. – Hiện nay tôi tự do và tôi thấy thế là tốt. Chỉ có một điều, tôi hoàn toàn không biết nên bắt đầu làm gì. Tôi muốn hỏi ý kiến anh một cách đứng đắn về việc đó.

Công tước Andrey nhìn chàng với cặp mắt hiền từ. Nhưng trong cái nhìn thân mật và dịu dàng ấy vẫn có thể thấy rõ chàng có ý thức rằng mình hơn hẳn bạn:

– Tôi quý cậu nhất vì trong giới thượng lưu của ta, cậu là người duy nhất còn sống. Cậu thật là sung sướng. Cậu muốn làm thì cứ làm; cái đó không có gì quan trọng. Cậu ở đâu cũng tốt, duy chỉ có một điều: cậu phải thôi không được đến nhà bọn Kuraghin và sống cái lối sống ấy nữa. Cái đó không thích hơp với cậu đâu! Tất cả những trò chè chén, những lối sinh hoạt kỵ binh ấy, tất cả…

– Biết làm sao hở anh? Piotr nhún vai nói. – Đàn bà anh ạ, phải có đàn bà.

– Tôi không hiểu được. – Công tước Andrey đáp. – Đàn bà đứng đắn lại là việc khác; chứ cái thứ đàn bà ở nhà Kuraghin, cái thứ gái gẩm rượu chè ấy… thì tôi không hiểu được!

Piotr ở nhà công tước Vaxili Kuraghin và tham dự vào lối sinh hoạt phóng đãng của cậu con trai công tước là Anatol, người mà người ta định xếp đặt cho lấy em gái công tước Andrey để tu sửa tính nết.

– À, anh bạn ạ – Piotr nói như vừa chợt nảy ra một ý hay- Quả thật tôi đã nghĩ đến điều đó từ lâu. Cứ sống cái lối ấy thì không thể quyết định được gì hết, cũng không suy nghĩ được gì hết. Đầu thì nhức, tiền không có. Anh ta có bảo tôi tối nay đến nhưng tôi không đến.

Cậu hãy lấy danh dự mà hứa với tôi rằng cậu sẽ không đến!

– Xin hứa…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.