Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)

Chương 6



Gia đình Roxtov đã từ lâu không được tin tức gì về Nikolai và mãi đến giữa mùa đông, bá tước mới nhận được một bức thư. Đọc mấy chữ đề trên phong bì, bá tước nhận ra nét chữ của con trai.

Cầm bức thư trong tay, bá tước hốt hoảng và hấp tấp rón rén chạy vào phòng riêng, cố không để cho ai trông thấy mình. Vào phòng, bá tước đóng kín cửa lại và bắt đầu giở thư ra đọc. Anna Mikhailovna biết tin có bức thư (trong nhà có chuyện gì phu nhân cũng biết hết), liền rón rén bước vào phòng bá tước và bắt gặp ông ta đang cầm bức thư trong tay, vừa cười vừa khóc nấc lên.

Tuy công việc của Anna Mikhailovna đã thu xếp ổn thoả, phu nhân vẫn ở lại nhà bá tước Roxtov như cũ.

– Ông bạn ơi. – Phu nhân nói, giọng buồn buồn, và sẵn sàng tỏ lòng thương cảm.

Bá tước càng nấc to hơn.

– Cháu Nikolai, có thư, bị, bị thương, bà ạ, nó được thăng sĩ quan… đội ơn Chúa… làm thế nào nói với nhà tôi bây giờ…

Anna Mikhailovna ngồi xuống cạnh bá tước, lấy khăn tay lau mấy giọt nước mắt trên má ông và trên bức thư, rồi lau nước mắt của mình, đọc bức thư, an ủi bá tước và quyết định rằng trước bữa ăn trưa và bữa dùng trà bà sẽ chuẩn bị tinh thần cho bá tước phu nhân, và sau bữa trà thì sẽ kể hết cho phu nhân nghe, nếu Chúa trời phù hộ.

Suốt buổi trưa bà Anna Mikhailovna nói về những tin đồn từ mặt trận về Nikolai, bà hai lần hỏi xem cái thư cuối cùng của Nikolai gửi nhận được từ hôm nào, tuy bà đã biết rõ từ trước và nói rằng có thể hôm nay lại nhận được thư. Cứ mỗi lần nghe những lời nói xa xôi bóng gió ấy, bá tước phu nhân lại bắt đầu lo lắng đưa mắt nhìn bá tước hay nhìn Anna Mikhailovna nhưng bà này lại khéo lái câu chuyện sang vấn đề linh tinh khác. Cả nhà chỉ có Nasata là tinh nhất, có cái khiếu rất nhạy có thể cảm thấy ngay những sắc thái tinh vi trong giọng nói, trong cách nhìn và vé mặt của người khác. Từ đầu bữa ăn, Nasata đã vểnh tai nghe ngóng và biết rằng có chuyện gì về anh mình đây cho nên bà Anna Mikhailovna đang nói rào trước. Nasata biết rằng mẹ mình rất dễ xúc động mỗi khi có chuyện gì liên quan đến tin tức của Nikolai nên tuy vốn rất liều lĩnh, trong suốt bữa ăn, cô cũng không dám hỏi gì nhưng sốt ruột quá nên chẳng ăn uống gì cả, cứ loay hoay trở mình trên ghế, bất chấp những lời quở trách của cô gia sư. Sau bữa ăn, Nasata hối hả chạy theo bà Anna Mikhailovna, và đến phòng đi-văng thì nhân đà nhảy lên ôm lấy cổ bà ta.

– Dì ơi, dì yêu của cháu ơi, dì nói đi, cái gì thế hở dì?

– Có gì đâu cháu.

– Không, dì yêu dấu của cháu, con bồ câu của cháu, quả đào của cháu, cháu không buông dì ra đâu. Cháu biết rằng dì đã biết chuyện ấy.

Bà Anna Mikhailovna lắc đầu nói:

– Mà thật là một con bé rất tinh đấy, con ạ.

– Có thư của anh Nikolai à? Đúng rồi! – Natasa kêu lên; cô đã đọc thấy một câu trả lời khẳng định trên vẻ mặt của bà Anna Mikhailovna.

– Nhưng dì van cháu, phải cho cẩn thận; cháu cũng biết rằng việc này có thể làm cho mẹ cháu xúc động mạnh lắm đấy.

– Vâng, vâng, nhưng dì kể đi. Không kể à? Được, thế thì cháu đi nói với mẹ cháu ngay bây giờ.

Bà Anna Mikhailovna liền vắn tắt thuật lại cho Natasa nghe nội dung bức thư, dặn là đừng nói với ai cả. Natasa làm dấu thánh giá nói:

– Nhất định, cháu xin thề với dì như vậy, cháu không nói với ai đâu rồi lập tức chạy đi tìm Sonya.

– Anh Nikolai, bị thương, có thư – Natasa nói, giọng long trọng và mừng rỡ.

Sonya biến sắc đi, chỉ nói được mấy tiếng:

– Nikolai!

Natasa, thấy cái ấn tượng mà tin anh mình bị thương gây nên trong Sonya, bấy giờ mới cảm thấy rõ cái khía cạnh đáng buồn của tin tức này. Cô chồm lại ôm lấy Sonya mà khóc:

– Chỉ bị thương một chút, nhưng lại được thăng chức sĩ quan rồi, bây giờ anh ấy rất khoẻ rồi, chính tay anh ấy viết. – Natasa, vừa khóc vừa nói.

Bây giờ Petya(1) đang hùng dũng từng bước lớn đi qua căn phòng, thấy vậy liền nói:

– Đấy thấy chưa, đàn bà các chị toàn là đồ hay khóc cả, em thì em mừng lắm, đúng thế, rất mừng rằng anh Nikolai đã có thành tích như vậy. Các chị thì chỉ hay khóc thôi. Các chị chả hiểu gì cả.

(1) Petya là cách gọi âu yếm tên Piotr. Pie cũng là tên Piotr gọi theo kiểu Pháp (Piere).

Natasa mỉm cười qua làn nước mắt.

– Cô chưa đọc bức thư à? – Sonya hỏi.

– Chưa đọc, nhưng dì ấy bảo là khỏi hẳn rồi, anh ấy bây giờ là sĩ quan…

– Đội ơn Chúa, – Sonya làm dấu thánh giá, nói. – Nhưng cũng có thể dì ấy lừa cô đấy? Ta đến gặp mẹ đi.

Petya im lặng đi đi lại lại trong phòng.

– Em được như anh Nikolai thì em sẽ giết nhiều giặc Pháp hơn nữa, bọn chúng nó tồi hết sức. Em sẽ giết nhiều đến nỗi chất thành một đống to tướng! – Petya nói.

– Im đi Petya, mày ngốc lắm!

– Em không ngốc đâu, những người nào náo động một tí cũng khóc mới là người ngốc, – Petya nói.

Natasa im lặng một lát rồi nói:

– Chị có nhớ rõ anh ấy không?

Sonya mỉm cười:

– Mình có nhớ Nikolai không ấy à?

– Không phải thế, chị Sonya, chị có nhớ anh ấy rõ như thế này này, rõ đến nỗi cái gì cũng nhớ cả cơ, – Natasa vừa nói vừa làm một cử chỉ, có vẻ như muốn cho những lời nói của mình có thêm một ý nghĩa thật trang nghiêm. – Em cũng nhớ anh Nikolai, em nhớ lắm. Còn Boris thì không, chẳng nhớ tí nào cả…

– Sao? Cô không nhớ Boris à? – Sonya ngạc nhiên hỏi.

– Không phải là em không nhớ, em biết anh ấy thế nào, nhưng không nhớ rõ như Nikolai đâu. Anh Nikolai thì em nhắm mắt lại là có thể nhớ rõ ra còn Boris thì không (Natasa nhắm mắt lại), đúng, chẳng thấy gì cả!

– Ồ! Natasa ạ! – Sonya nói, hai mắt hân hoan và trang trọng nhìn bạn, dường như nàng cho rằng Natasa không xứng đáng nghe những điều mình đang định nói, và dường như nàng nói điều ấy với một người khác, một nguời mà không thể nào đùa bỡn với họ được. – Một khi tôi đã yêu anh cô, thì dù có việc gì ảy đến với anh ấy, hay với tôi, suốt đời tình yêu của tôi cũng sẽ không bao giờ phai nhạt.

Natasa ngạc nhiên và tò mò nhìn Sonya rồi lặng thinh. Cô ta cảm thấy điều Sonya vừa nói là đúng sự thật, rằng quả có một thứ tình yêu đúng như Sonya nói, nhưng Natasa chưa hề cảm thấy một cái gì tương tự như thế. Cô tin rằng cái đó có thể có, nhưng cô không hiểu được, Natasa hỏi:

– Chị viết thư cho anh ấy chưa?

Sonya ngẫm nghĩ. Nên viết thư cho Nikolai như thế nào, và có cần viết cho anh ấy không, đó là một vấn đề đã day dứt nàng nhiều.

Bây giờ, Nikolai đã là sĩ quan, và lại là một anh hùng bị thương, mà nàng lại nhắc cho Nikolai nhớ đến mình, và dường như cũng nhắc đến lời cam kết của chàng đối với mình, thì như vậy có nên không?

Nàng đỏ mặt nói:

– Không biết; mình cho rằng anh ấy đã viết thì mình cũng sẽ viết.

– Thế chị viết cho anh ấy như vậy có thấy thẹn không?

Sonya mỉm cưòi:

– Không.

– Còn em mà viết thư cho Boris thì em thẹn lắm, không viết đâu!

– Sao lại thẹn kia chứ?

– Thì thế thôi, em không viết. Ngượng lắm, thẹn lắm.

Petya nãy giờ giận Natasa vì bị chị gọi là ngốc, liền lên tiếng:

– Em biết tại sao chị ấy lại thẹn rồi; chính là vì chị ta mê cái anh chàng to béo đeo kính kia (Petya vẫn thường gọi người trùng tên với mình, bá tước Bezukhov, là “anh chàng to béo đeo kính”, bây giờ chị ta lại mê cái ông danh ca kia nữa (Petya muốn nói đến ông thầy người Ý dạy hát cho Natasa, ấy vì thế cho nên chị ta mới thẹn).

– Petya, mày ngốc lắm, – Natasa nói.

– Chả ngốc hơn chị đâu, chị ạ – Cậu bé Petya lên chín nói, giọng đúng như giọng một ông đội già vậy.

Trong bữa ăn trưa bá tước phu nhân đã được chuẩn bị tinh thần bằng những lời nói xa xôi của bà Anna Mikhailovna. Trở về phòng riêng, phu nhân ngồi trên chiếc ghế bành, mắt đăm đăm nhìn bức chân dung thu nhỏ con trai khảm vào một chiếc hộp thuốc lá, nước mắt rưng rưng trên mi, bà Anna Mikhailovna tay cầm bức thư rón rén đến trước cửa phòng bá tước phu nhân và dừng lại. Bà nói với bá tước đang đi theo sau:

– Đừng vào, chốc nữa hẵng hay, – rồi vào phòng đóng cửa lại.

Bá tước áp tai vào ồ khoá, bắt đầu nghe ngóng.

Lúc đầu ông nghe thấy tiếng nói chuyện bình thản, rồi sau đó chỉ nghe tiếng bà Anna Mikhailovna đang nói một hơi dài, rồi một tiếng kêu, sau đó im lặng một lát, rồi tiếp đến cả hai người cùng nói một lúc, giọng vui mừng, rồi lại nghe có tiếng bước chân, và bà Anna Mikhailovna ra mở cửa cho bá tước vào. Trên gương mặt bà Anna Mikhailovna có cái vẻ kiêu hãnh của một nhà phẫu thuật sau khi đã hoàn thành một cuộc mổ xẻ khó khăn, đưa công chúng vào thưởng thức nghệ thuật của mình.

– Xong rồi! – Bà Anna Mikhailovna chỉ bá tước phu nhân nói, giọng long trọng. Bấy giờ phu nhân một tay cầm chiếc hộp thuốc lá có khắc bức chân dung, tay kia cầm bức thư, đang lần lượt áp môi vào chiếc hộp, rồi cầm bức thư.

Trông thấy bá tước, phu nhân đưa hai tay về phía chồng ôm hôn mái đầu hói của ông, rồi ngẩng nhìn bức chân dung và bức thư qua cái đầu hói ấy, rồi lại đẩy cái đầu hói ra một chút để áp hai vật ấy vào môi. Vera, Natasa, Sonya vào phòng, và cuộc tuyên đọc bức thư bắt đầu. Trong thư có tả lại vắn tắt cuộc hành quân và hai trận đánh mà Nikolai đã tham dự, kể lại việc chàng được thăng sĩ quan, và có nói rằng chàng xin hôn tay mẹ và ba, xin cha mẹ cầu phúc cho chàng, và hôn Vera, Natasa, Petya. Ngoài ra, chàng còn gửi lời chào ông Sêling và Sôt và u già, và ngoài ra, chàng xin mọi người thay chàng hôn em Sonya yêu quý, mà chàng vẫn yêu và nhớ như xưa.

Nghe đến đây, Sonya đỏ mặt đến ứa nước mắt ra. Và không đủ sức chịu đựng những đôi mắt đổ dồn về phía nàng. Sonya chạy ra phòng ngoài, nhảy nhót, quay tròn, rồi ngồi thụp xuống nền nhà, làm cho chiếc áo dài của nàng phồng lên như quả bóng lớn, khuôn mặt tươi cười ửng đỏ. Bá tước phu nhân khóc.

– Sao mẹ lại khóc? – Vera nói. – Cứ như anh ấy viết đây thì phải mừng, chứ sao lại khóc. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng cả bá tước bá tước phu nhân và Natara nữa. – Mọi người đều nhìn Vera có ý trách móc. “Nó giống tính ai thế không biết!” – Bá tước phu nhân thầm nghĩ.

Bức thư của Nikolai được đọc lại hàng trăm lần, và hễ người nào được coi là xứng đáng được nghe thư đều phải đến gặp bá tước phu nhân, phu nhân không lúc nào rời bức thư.

Các gia sư, các bà vú em, cậu Mitynka một số người quen đều lần lượt đến và cứ mỗi lần như thế là bá tước phu nhân lại đọc bức thư lên với một cái thú mới mẻ, và mỗi lần như vậy phu nhân lại phát hiện thêm được những đức tính mới ở thằng Nikolai yêu quý của mình. Phu nhân thấy đây là một điều kỳ lạ, phi thường, đáng mừng hết sức: đứa con trai của phu nhân, chính đứa con bé bỏng hai mươi năm trước đây còn cựa quậy rất khẽ trong lòng bà, đứa con đã làm cho bà có lần cãi nhau với ông bố hay qua nuông chiều, đứa con đã học nói được chữ “grusa”(2) trước tiên, rồi đến chữ “ba ba”, đứa con ấy ngày nay trên đất khách, trong một môi trường xa lạ, đã là một chiến sĩ dũng cảm, một mình, không ai giúp dỡ, hướng dẫn, đứa con ấy đang làm nhiệm vụ của một đấng trượng phu. Tất cả cái kinh nghiệm tích luỹ hàng bao nhiêu thế kỷ của loài người dạy rằng đứa trẻ nằm trong nôi một mai phải trở thành người đàn ông, cái kinh nghiệm đó đối với phu nhân hình như không có nữa.

(2) Quả lê.

Mỗi thời kỳ lớn lên của đứa con trai ấy phu nhân thấy là phi thường, tưởng chừng như xưa nay chưa từng có hàng triệu triệu người cũng lớn lên như vậy. Hai mươi năm trước đây, phu nhân thấy khó mà tin rằng cái sinh vật nhỏ bé đang sống đâu ở phía dưới trái tim mình, lại có thể có ngày khóc oa oa lên và bập vào vú mình, rồi lại có ngày bắt đầu nói: thì bây giờ cũng vậy phu nhân cũng khó tin rằng cái sinh vật ấy lại có thể là một người đàn ông cường tráng, can đảm, một đứa con và một người gương mẫu, như qua bức thư có thể đoán biết.

Văn mới hay làm sao, nó viết thư thật dễ thương quá! – Phu nhân nói khi đọc đoạn miêu tả trong thư. – Tâm hồn thật là cao thượng! Không nói về mình lấy một lời… không có lấy một lời! Chỉ thấy nói đến một anh Denixov nào đấy, nhưng nhất định nó mới là người dũng cảm nhất. Không hề viết lấy một lời về những nỗi khổ cực của mình. Thật là một tấm lòng vàng! Đúng tính nó quá! Ai nó cũng nhớ, không hề quên một người nào. Xưa nay tôi vẫn bảo mà, ngay từ khi nó hãy còn bằng ngần này này, tôi vẫn bảo là…

Hơn một tuần lễ họ chuẩn bị, viết nháp rồi chép sạch lại những bức thư của cả nhà gửi cho Nikolai: vợ chồng bá tước lo toan việc góp nhặt đồ đạc và tiền nong để sắm quân phục và đồ dùng cho chàng sĩ quan mới nhận chức. Bà Anna Mikhailovna là một người đàn bà rất đảm đang, bà đã tìm được người che chở cho bà và con trai bà trong quân đội ngay cả về phương diện thư từ nữa. Bà đã có dịp gửi thư cho đại công tước Konxtantin Pavlovich bấy giờ là tư lệnh vệ quân. Gia đình Roxtov đoán rằng cận vệ quân Nga ở ngoại quốc là một địa chỉ hoàn toàn minh xác, và nếu bức thư đến tay đại công tước tư lệnh vệ quân, thì không có lý do gì nó lại không đến được trung đoàn Pavlograd, vì đơn vị này tất nhiên phải đóng quân ở đâu gần đấy thôi; cho nên họ quyết định gửi thư và tiền cho Boris qua đường thư tín của đại công tước, và Boris sẽ chuyển lại cho Nikolai. Bá tước Roxtov, bá tước phu nhân, Petya, Vera, Natasa, Sonya đều có thư gửi cho Nikolai và sau cùng là lão bá tước cho con trai sáu nghìn rúp để sắm quân trang và các thứ đồ dùng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.