Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)
Chương 9
Tảng sáng ngày mười sáu tháng mười một, đại đội kỵ binh của Denixov là đơn vị trong đó có Nikolai Roxtov và thuộc quân đoàn Bagration, rời trại để bắt đầu tham chiến.
Ấy là người ta nói thế thôi, chứ vừa đi chưa được một phần tư dặm sau các đội quân khác, thì nó đã được lệnh dừng lại trên dường cái. Roxtov thấy quân cô-dắc kéo qua trước mặt, rồi đại đội một và đại đội hai phiêu kỵ, rồi những tiểu đoàn bộ binh kèm theo vài khẩu đội pháo và sau cùng là hai tướng Bagration và Dolgorukov có sĩ quan phụ tá của họ đi theo. Lần này nữa, Roxtov lại thấy sợ, lại phải cố gắng ghê gớm để khắc phục nỗi khiếp sợ; lần này nữa chàng lại mơ ước hành động như một người phiêu kỵ chân chính; nhưng tất cả đều thành ra chuyện hão, vì đại đội của chàng phải giữ lại làm quân dự bị vì vậy suốt cả ngày chàng cứ chán nản ủ ê. Lúc chín giờ ở phía trước nghe một loạt súng ngắn dữ dội, rồi những tiếng “Ura” vọng lại, vài thương binh được đưa về hậu tuyến; sau cùng thấy một đội bách nhân cô-dắc (đơn vị chính quy của cô-dắc gồm một trăm người) kéo qua, dẫn theo cả một đội kỵ binh Pháp. Hẳn là trận đánh đã kết thúc, trận đánh có lẽ không quan trọng mấy nhưng mà may mắn. Những người dự trận về báo tin đại thắng, chiếm được Visao, bắt được cả một đại đội Pháp.
Sau cái đêm giá lạnh, ngày đã trở nên quang đãng, ngập ánh mặt trời và ánh nắng tươi vui chói lọi của ngày thu thật hợp với tin mừng ấy.
Không những các câu chuyện của những người dự trận về mà cả vẻ mặt hân hoan của quân lính, của sĩ quan, của tướng lĩnh, của các sĩ quan phụ tá mà Roxtov thấy đang qua lại tấp nập cũng đều xác nhận tin mừng ấy.
Nikolai đang bực mình vì đã trải qua những phút lo sợ trước trận đánh một cách vô ích và phải ngồi không, trong một ngày đẹp như hôm nay, cảm thấy tim mình càng thắt lại.
– Này Roxtov lại đây uống rượu tiêu sầu đi! – Có tiếng Denixov quát tướng lên gọi chàng. Bây giờ anh ta đang ngồi bên vệ đường trước một be rượu và mấy món nhắm.
Các sĩ quan của đại đội vây quanh cái căng tin của Denixov vừa điểm tâm vừa tán chuyện.
– Kìa, lại thêm một tên nữa bị dẫn về. – Một người trong bọn vừa nói vừa chỉ một người lính long kỵ Pháp đi bộ, có hai người cô-dắc kèm hai bên. Ngựa của anh ta, một con ngựa giống Pháp cao, đẹp, thì một trong hai người cô-dắc cầm cương dắt đi. Denixov gọi với người cô-dắc.
– Này bán con ngựa cho tôi đi!
– Thưa đại nhân xin tuỳ ngài…
Bọn sĩ quan đứng dậy vây quanh lấy hai người cô-dắc và anh tù binh. Anh này là một thanh niên vùng Alzax mặt tái xám vì xúc động, nghe bọn sĩ quan nói tiếng Pháp, anh ta quay về phía họ và khi thì nói với người này, khi thì nói với người nọ, anh ta liến thoắng kể lể cho họ nghe bằng một giọng Đức khá nặng rằng lẽ ra anh ta không bị bắt làm tù binh; Anh ta bị bắt không phải lỗi tại anh ta mà là tại ông cai: ông ta cứ bắt anh ta đi lấy vải chùm mông ngựa bỏ quên ở ngoài phố, mặc dầu anh ta đã bảo là quân Nga đã vào thành. Nói một câu, anh ta lại vuốt con ngựa và nhắc lại luôn miệng: “Nhưng xin đừng hành hạ con ngựa bé bóng của tôi đấy!”.
Hình như anh chàng hiểu rõ mình đang ở hoàn cảnh nào: Khi thì xin lỗi vì đã chót bị bắt, khi thì tưởng chừng như đang đứng trước mặt các cấp chỉ huy của mình, anh ta tự khoe tính tích cực và cần mẫn của mình trong công vụ. Nhờ người tù binh này, hậu quân của ta biết rõ ràng sốt dẻo cái không khí thật sự trong quân đội Pháp là điều rất xa lạ đối với họ.
Hai người cô-dắc bán con ngựa hai đồng tiền vàng; Roxtov lúc này là người giàu nhất trong dám sĩ quan liền bỏ tiền ra mua lấy.
Khi Roxtov nhận ngựa rồi, anh chàng người Alzax lại nói một cách chất phác:
– Nhưng xin đừng hành hạ con ngựa bé bóng của tôi!
Roxtov mỉm cười, bảo người lính long kỵ cứ yên tâm và cho anh ta ít tiền.
Một người cô-dắc nắm cánh tay anh tù binh đẩy đi, vừa đẩy vừa giục: A-lê, a-lê.
Bỗng có tiếng reo: “Hoàng thượng! Hoàng thượng!”
Mọi người đổ xô ra, cuống quít cả lên. Roxtov quay lại thấy mấy người cưỡi ngựa đi đến, những cái ngù lông trắng phất phơ trên chóp mũ. Chỉ một chốc là ai nấy đã hàng ngũ chỉnh tề, sẵn sàng nghênh giá.
Roxtov cũng về chỗ; chàng leo lên lưng ngựa, lòng bàng hoàng không biết mình đang làm gì. Nỗi tiếc rẻ không được ra trận, nỗi chán chường về cảnh sống đơn điệu ngày nào cũng như ngày nào giữa những bộ mặt quá quen thuóc, tất cả bỗng chốc tiêu tan hết.
Chàng không hề nghĩ đến mình nữa: biết rằng nhà vua có mặt ở ngay cạnh, chàng đã thấy sướng điên lên rồi. Chỉ riêng việc nhà vua có mặt ở đây đã đủ đền bù cho chàng cả một ngày mất toi. Chàng sung sướng như một người yêu được một buổi hẹn hò hằng mong đợi Chàng văn đứng nghiêm trong hàng ngũ không hề dám trái kỷ luật mà nhìn ngang, nhìn ngửa, nhưng chẳng cần phải quay mặt lại chàng cũng cảm thấy với một lòng hân hoan vô hạn không tài nào tả xiết rằng “Người” đang đi đến gần. Và không những tiếng vó ngựa mỗi lúc một to, mà mọi vật ở quanh chàng cũng mỗi lúc một tươi sáng lên, một long trọng hơn lên làm cho chàng biết là dạo ngự sắp tới. Vầng thái dương toả ra cái ánh sáng dịu dàng mà rực rỡ ấy mỗi lúc một gần; và phút chốc những tia hào quang đã bao trùm lấy Roxtov; phút chốc đã nghe giọng nói của Người, – Giọng nói ấm áp, điềm tĩnh, uy nghi mà đồng thời giản dị. Trực giác của Roxtov đoán quả quyết không sai: giữa cảnh im lặng như tờ, tiếng nói của hoàng thượng nghe lanh lảnh:
– Quân phiêu kỵ Pavlograd phải không?
– Tâu hoàng thượng, đây là đạo quân dự bị!
Cái giọng trả lời này nghe nó trần tục quá so với cái giọng siêu phàm đã nói mấy tiếng “Quân phiêu kỵ Pavlograd “. Đi qua mặt Roxtov, hoàng đế Alekxandr dừng lại. Vẻ mặt ngài lại càng đẹp hơn hôm duyệt binh ba ngày về trước. Bao nhiêu hân hoan, bao nhiêu thanh xuân rực rỡ trên khuôn mặt ngài, vẻ mười bốn tuổi, tuy vậy cũng không làm cho gương mặt của người bớt vẻ uy nghi dường bệ của các bậc hoàng đế. Điểm qua đại đội, đôi mắt người tình cờ gặp đôi mắt Roxtov và dừng lại một lát. Ngài có hiểu chăng những gì đang diễn ra trong tâm hồn của chàng? (Roxtov có cảm giác là Người đã hiểu hết nỗi lòng mình). Dù sao đôi mắt xanh của ngài, mà ánh sáng toả ra dịu dàng, cũng nhìn chàng trong vài giây. Rồi bỗng ngài giương đôi lông mày, lấy chân trái thúc ngựa phi nước đại.
Mặc dầu các triều thần đã hết sức can ngăn, vị hoàng đế trẻ tuổi cũng không thể cưỡng được ý muốn thân chinh ra trận, và vào khoảng giờ ngọ, người bỏ quân đoàn thứ ba mà Người vẫn đi theo, để phi ngựa ra với đại tiên phong. Nhưng Người chưa kịp đến chỗ quân phiêu kỵ dừng lại thì các sĩ quan phụ tá đã đến báo tin mừng tháng trận.
Trong trận này chẳng qua chỉ bắt được một đại đội kỵ binh Pháp, nhưng nó lại được người ta giới thiệu như một trận thắng rực rỡ; cho nên hoàng đế và toàn thể quân đội đều tưởng là quân Pháp đã bị đánh bại và bắt buộc phải rút lui, nhất là trong khi khói súng hãy còn bao phủ chiến trường.
Mấy phút sau khi hoàng đế đi qua, sư đoàn của trung đoàn Pavlograd được lệnh tiến quân. Và chính khi vào thành Visao, Roxtov lại được thấy lại hoàng thượng. Trên quảng trường của cái thành phố nhỏ ấy là nơi vừa nói có trận bắn nhau khá dữ, mấy người chiến sĩ còn nằm lại, chết hay bị thương, chưa kịp đưa đi. Hoàng đế cưỡi một con ngựa cái khác con ngựa hôm duyệt binh, nhưng cũng là ngựa hồng lai Anh. Đi theo người là một đoàn hộ giá rất đông. Nghiêng mình sang một bên, cầm cái kính tay bằng vàng với một cử chỉ đẹp mắt. Người nhìn một người lính nằm sấp đầu đẫm máu, không có mũ. Người thương binh nom khủng khiếp quá, đến nôi Roxtov rất phật ý khi thấy nó ở ngay cạnh vị hoàng đế. Roxtov thấy đôi vai hơi gù của Người bất giác thúc vào sườn ngựa nhưng con ngựa cái đã được tập rất thuần thục chỉ thản nhiên quay đầu lại nhìn, không dịch đi một bước. Cuối cùng một sĩ quan phụ tá xuống ngựa, xốc người lính lên và dặt vào một cái cáng vừa đem đến; anh ta rên lên một tiếng. Hoàng đế có vẻ đau xót hơn cả người sắp chết, kêu lên:
– Nhẹ tay, nhẹ tay chứ; không thể nhẹ tay hơn nữa sao?
Roxtov thấy Người rưng rưng nước mắt và nghe tiếng Người nói bằng tiếng Pháp với Tsartorixki khi thúc ngựa đi:
– Khủng khiếp!
Hậu quân đã đóng ở trước Visao dối diện với quân địch, suốt ngày hôm ấy hễ cứ bắn nhau một tí là quân địch lại rút lui. Hoàng đế ngỏ lời cảm tạ ba quân, người hứa sẽ thăng thưởng, quân sĩ được phát gấp đôi phần rượu mạnh. Tối đến, lửa trại nổ tí tách và giọng hát của binh sĩ càng vui hơn đêm trước. Đêm ấy Denixov ăn mừng nhân dịp được thăng thiếu tá. Cuối bữa tiệc nhỏ, Roxtov đã khá say, đề nghị nâng cốc chúc sức khoẻ của hoàng đế. Chàng phân trần:
– Xin các vị hiểu cho. Tôi không đề nghị chúc “sức khoẻ của hoàng thượng” như trong những yến hội chính thức, mà chúc sức khoẻ của vua Alekxandr, của con người nhân từ, hấp dẫn, vĩ đại ấy. Vậy xin chúc sức khoẻ của Người, mừng thắng trận quân Pháp!
– Thưa các vị thắng lợi đã chắc chắn cả mười phần. Nếu trước đây chúng ta đã đánh mạnh, nện cho quân Pháp một vố nên thân như ở Songraben thì ngày nay khi hoàng đế thân chinh cầm quân, chúng ta còn sẽ đánh hăng như thế nào! Tất cả chúng sẽ vui sướng mà chết vì Người, có phải không các vị? Có lẽ tôi diễn đạt không được hay, tôi uống có hơi nhiều; nhưng đó là tình cảm của tôi và cũng là của các vị nữa. Chúc sức khoẻ Alekxandr đệ nhất! Ura!
Tất cả sĩ quan đồng thanh hô theo: Ura! và ông đại uý Kirxten già cũng gửi vào tiếng hô lòng cuồng nhiệt ngây ngô không kém gì Roxtov, chàng thanh niên hai mươi tuổi.
Khi các sĩ quan đã uống cạn và đập vỡ hết cốc Kirxten lại rót một loạt cốc khác. Mặc chiếc áo sơ mi để hở bộ ngực trắng hếu, râu mép dài hoa râm, ông ta khoa tay vung cốc rượu của mình, đi về phía các đống lửa của binh lính rồi dừng lại trong vùng ánh sáng của một đống lửa trại với một tư thế cực kỳ trang trọng và cất cái giọng kỵ binh già trầm trầm và rắn rỏi quát lớn:
– Nào các chú, chúc sức khoẻ Đức Hoàng thượng, chúc trận thắng quân địch. Ura!
Lính phiêu kỵ vây kín lấy ông ta và cùng hoan hô ầm ĩ.
Đêm đã khuya; khi mọi người đã ra về, Denixov vỗ vai Roxtov anh bạn cưng chiều, và nói:
– Thế ra, đi chiến dịch không tìm được ai để phải lòng, cậu phải mê Sa hoàng phỏng?
Denixov dừng đùa thế; đó là tình cảm thật tốt đẹp, thật cao cả, thật…
– Phải, phải; mình cũng đồng tình, mình cũng tán thành…
– Không, anh không hiểu đâu!
Rồi Roxtov đứng dậy đi lang thang qua các trại quân, mơ tưởng đến hạnh phúc được chết, không phải chết để cứu mạng cho hoàng đế là điều mà chàng không dám mơ màng, mà chỉ được chết trước mặt hoàng đế thôi. Quả thật chàng ta si mê vị hoàng đế của mình và say sưa với vinh quang của quân đội Nga, với hy vọng ở một trận thắng nay mai. Vả lại, chẳng phải mình chàng cảm thấy thế trong những ngày đáng ghi nhớ trước trận Austerlix; chín phần mười quân sĩ cũng say mê hoàng đế của họ và say sưa với vinh quang của quân đội Nga tuy chưa phải đến mức cuồng si như vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.