Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1)

Chương 9



Công tước phu nhân nhỏ nhắn nằm dựa trên đống gối, đầu chụp một cái mũ vải trắng (nàng vừa trải qua một cơn đau). Mấy món tóc đen uốn cong trên hai má nóng bừng và ướt đẫm mồ hôi của nàng.

Đôi môi tươi thắm xinh đẹp, ở phía trên thoáng bóng lông tơ, đang hé mở: nàng mỉm cười vui vẻ. Công tước Andrey bước vào và dừng lại trước mặt nàng, dưới chân chiếc đi-văng mà nàng đang nằm. Đôi mắt sáng long lanh với cái nhìn xúc động và sợ hãi của trẻ con, nhìn chàng, không đổi thần sắc. Cái nhìn của nàng như muốn nói: “Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả, vậy thì tại sao tôi lại phải chịu đau đớn thế này? Hãy cứu giúp tôi với”. Nàng trông thấy chồng, nhưng không hiểu ý nghĩa sự có mặt của chàng trong lúc này. Andrey đi vòng qua đi-văng và đặt một chiếc hôn lên trán nàng.

– Em yêu dấu. – Chàng dùng một chữ mà trước đó chàng chưa từng dùng bao giờ. – Chúa rất từ bi…

Nàng nhìn chàng có ý gạn hỏi đôi mắt đầy vẻ trách móc nũng nịu, trẻ con của nàng như muốn nói: “Em tưởng anh đến cứu em, thế mà chả thấy gì, chả thấy gì cả. anh cũng chỉ như người khác mà thôi!”.

Chàng về không làm cho nàng ngạc nhiên; nàng không hiểu rằng chàng đã về. Sự có mặt của chàng không thể có quan hệ gì với cơn đau của nàng và không thể làm cho nàng bớt đau. Cơn đau lại nổi lên và Maria, bà Bogdanovna khuyên công tước Andrey hãy tạm ra ngoài.

Bác sĩ bước vào phòng. Công tước Andrey ra và bắt gặp lại công tước tiểu thư Maria, chàng lại đến gần nàng. Hai người nói chuyện thì thầm với nhau nhưng mỗi lúc câu chuyện lại bị bỏ lửng, vì họ đang mải chờ đợi và lắng tai nghe ngóng.

– Anh vào đi, anh ạ! – Công tước tiểu thư Maria nói. Công tước Andrey lại trở về căn phòng của vợ và ngồi đợi ở phòng bên. Một người đàn bà từ trong phòng nàng đi ra, vẻ sợ hãi, và khi nhìn thấy công tước Andrey thì lộ vẻ luống cuống. Chàng đưa hai tay bưng mặt và cứ ngồi như thế một lát. Những tiếng rên thảm thiết, những tiếng rên của một con vật bất lực từ sau cánh cửa vẳng ra. Nhưng đã có ai đứng chặn lấp cánh cửa ở phía trong.

– Không được, không được! – Một giọng hoảng hốt từ sau cánh cửa đưa ra. Chàng bắt đầu đi đi lại lại trong gian phòng. Tiếng rên im bặt, mấy giây nữa trôi qua. Đột nhiên, một tiếng hét khủng khiếp. – Không phải tiếng kêu của nàng, nàng không thể kêu lên như vậy được. – Vang lên trong phòng bên. Chàng đến cửa; tiếng hét im bặt, và nghe có tiếng trẻ con khóc.

– Ai đem trẻ con đến đây làm gì nhỉ? – Thoạt tiên công tước Andrey tự hỏi. – Một đứa trẻ à? Đứa trẻ nào thế? Tại sao lại có một đứa trẻ ở trong ấy? Hay là một đứa trẻ vừa mới sinh?

Khi chàng đột nhiên hiểu được ý nghĩa vui mừng của tiếng kêu ấy, nước mắt bỗng trào ra khiến chàng nghẹn ngào: chống hai khuỷu tay trên thành cửa sổ, chàng khóc thút thít như trẻ con. Cửa mở và người thầy thuốc không mặc áo đuôi tôm, hai ống sơ mi xắn lên, mặt tái xanh và hàm dưới run rẩy, bước ra khỏi phòng. Công tước Andrey muốn hỏi, nhưng ông ta ngơ ngác đưa mắt nhìn chàng và đi vượt qua không nói một tiếng. Một người đàn bà khác chạy ra, nhưng trông thấy công tước Andrey thì ngập ngừng trên ngưỡng cửa. Chàng bước vào phòng vợ. Công tước phu nhân Liza đã chết. Nàng vẫn nằm trong cái tư thế mà chàng vừa thấy năm phút trước đây, và tuy hai con mắt đã đứng tròng và hai má đã tái nhợt, nàng vẫn giữ cái thần sắc lúc nãy, trên gương mặt trẻ con kiều diễm, với cái môi thoáng bóng lông măng đen, gương mặt đáng yêu tuyệt vời, gương mặt tội nghiệp, gương mặt đã chết như muốn nói: “Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả; sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?” Trong một góc phòng, có cái gì nhỏ xíu, đỏ hỏn đang kêu lí nhí trong hai bàn tay trăng trẻo run lẩy bẩy của bà Maria Bogdanovna.

Hai giờ sau, công tước Andrey lặng lẽ vào phòng làm việc của cha. Ông cụ đã biết hết. Ông đang đứng ngay cạnh cửa, và khi cánh cửa mở ra, ông ôm chầm lấy cổ con trong hai cánh tay khô cứng, cằn cỗi, như trong đôi gọng kìm, và khóc òa lên như một đứa trẻ.

Ba ngày sau được, lễ an táng công tước phu nhân Liza được cử hành. Để từ biệt nàng, công tước Andrey lần từng bực bước lên nhà quàn. Trong quan tài cũng vậy, mặt nàng cũng vẫn như trước, tuy hai mắt đã nhắm nghiền. Gương mặt ấy vẫn như muốn nói: “Trời ơi sau các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?” và công tước Andrey cảm thấy có một cái gì bị xé rách trong lòng mình, chàng cảm thấy mình có lỗi, một lỗi mà chàng không thể nào chuộc lại được, và cũng không thể nào quên được. Chàng không khóc được.

Đến lượt ông cụ cũng hôn bàn tay trắng như sáp điềm tĩnh đặt trên bàn tay kia, và gương mặt ấy cũng lại nói với ông: “Ôi, sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?”. Và trông thấy vẻ mặt ấy, ông già ngoảnh đi nơi khác.

Sau đó năm ngày nữa, họ làm lễ rửa tội cho tiểu công tước Nikolai Andreyevich. Người vú em áp sát ngực giữ lấy tã lót trong khi giáo sĩ cầm lông ngỗng phết đầu vào lòng bàn tay và lòng bàn chân đỏ hỏn và nhăn nheo của đứa bé.

Ông nội nó làm cha đỡ đầu cho nó; ông cụ ẵm nó đi chung quanh chậu nước rửa tội bằng thiếc và có nhiều chỗ móp, tay run run vì sợ đánh rơi đứa bé, rồi trao nó cho mẹ đỡ đầu của nó, công tước tiểu thư Maria.

Công tước Andrey lòng thấp thỏm chỉ sợ người ta làm đứa bé chết đuối, đang ngồi trong phòng bên cạnh để chờ cho xong buổi lễ. Khi người vú ẵm đứa bé đến, chàng vui sướng nhìn con và gật đầu tán thành khi chị ta kể lại rằng trong chậu nước rửa tội, viên sáp quấn tóc của nó không chìm xuống mà lại nổi lềnh bềnh trên mặt chậu(1).

(1) Theo phong tục Nga, lúc rửa tội người ta quấn một sợi tóc của đứa bé vào một viên sáp đem thả vào chậu, nếu sáp và tóc nổi lên mặt nước là điềm tốt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.