Chuyến du hành kỳ lạ của ngài Daldry

CHƯƠNG 13



Trên đường tới nhà hàng, Alice tạt vào bưu điện gửi thư cho Daldry. Lúc bước vào nhà hàng, cô nghe tiếng cãi vã kịch liệt giữa Mama Can và cháu trai. Nhưng ngay khi cô lại gần gian bếp phụ, Mama Can liền nín bặt và mở to mắt nhìn Can để anh cũng làm vậy, tuy nhiên không có gì qua khỏi mắt Alice.
– Có chuyện gì vậy? cô vừa đeo tạp dề vừa hỏi.
– Không có gì, Can phản đối trong khi ánh mắt anh lại nói điều ngược lại.
– Một bà cô hẳn có quyền la mắng đứa cháu mình mà nó không được ngước mắt lên trời rồi vô lễ với bà ấy, Mama Can cao giọng đáp trả.
Can sập cửa lại sau lưng ra khỏi nhà hàng, thậm chí quên cả chào Alice.
– Chuyện có vẻ nghiêm trọng, Alice nói tiếp lúc lại gần bếp lò nơi chồng Mama Can đang hối hả làm việc.
Ông quay lại phía cô, trên tay cầm một con dao phết rồi đưa cô nếm món ragu.
– Ngon tuyệt, Alice nói.
Người đầu bếp lau tay vào tạp dề rồi lẳng lặng tiến vào phía nhà chái để hút thuốc. Ông đưa mắt bực tức nhìn bà vợ trước khi cũng sập mạnh cánh cửa lại.
– Bầu không khí thật tuyệt, Alice nói.
– Hai người ấy luôn về phe với nhau chống lại ta, Mama Can làu nhàu. Ngày ta chết, khách hàng sẽ theo ta tới nghĩa trang còn hơn là quay lại đây để hai gã cứng đầu ấy phục vụ.
– Nếu bác nói với cháu chuyện vừa xảy ra, biết đâu cháu lại chẳng về phe của bác, hai chống lại hai, như thế cuộc đấu sẽ cân bằng hơn.
– Thằng cháu ngốc nghếch của ta là giáo viên quá giỏi, còn cháu thì học ngôn ngữ của chúng ta quá nhanh đấy. Đúng là người nào việc nấy thật. Vậy nên thay vì đứng cắm rễ ở đây, cháu hãy vào phòng ăn đi, cháu có thấy khách hàng nào trong nhà bếp này không? Dĩ nhiên là không rồi, nào đi thôi, họ đang đợi được phục vụ, và đừng có cả gan mà sập cửa nữa đấy!
Alice không để điều ấy lặp lại, cô đặt chồng đĩa mà người phụ bếp vừa lau lên kệ đầu tiên nhìn thấy rồi cắm cuốn sổ trên tay trở ra phòng ăn đã bắt đầu đông khách.
Cửa bếp vừa khép lại người ta đã nghe tiếng Mama Can hét lên đòi ông chồng dập thuốc quay trở lại chỗ bếp lò ngay.
Buổi tối tiếp diễn mà không có thêm vụ va cham nào khác nhưng mỗi lần đi qua bếp, Alice lại để ý thấy Mama Can và chồng không nói với nhau câu nào.
Tối thứ Hai Alice không bao giờ phải làm việc muộn, khoảng mười một giờ là những thực khách cuối cùng đã bắt đầu rời nhà hàng. Cô kết thúc việc dọn dẹp phòng ăn, cởi tạp dề, chào ông chồng bếp trưởng đang cáu bẳn qua loa, chào người phụ bếp và cuối cùng là chào Mama Can đang đứng nhìn cô rời đi với một vẻ lạ lùng.
Can ngồi đợi cô bên ngoài trên bệ tường bao.
– Anh đã đi đâu thế? Anh lủi đi nhanh như một tên trộm. Tóm lại thì anh đã làm gì mà khiến bác ấy thành ra như vậy? Vì những trò ngu ngốc của anh, tất cả chúng tôi đã có một buổi tối tệ hại, bác ấy vô cùng bực bội.
– Cô tôi cố chấp kinh khủng, chúng tôi đã cãi nhau, có thế thôi, ngày mai mọi việc sẽ khá hơn.
– Thế tôi có thể biết tại sao hai người lại cãi nhau không? Nói cho cùng, chính tôi mới là người phải gánh hậu quả cơ mà.
– Nếu tôi nó với cô, cô sẽ còn giận dữ hơn nữa và công việc ngày mai sẽ còn tồi tệ hơn cả tối nay.
– Tại sao? Alice hỏi. Chuyện đó liên quan đến tôi à?
– Tôi không thể nói gì thêm. Thôi, ba hoa vậy đủ rồi, tôi đưa cô về, cũng muộn rồi.
– Anh biết đấy Can, tôi lớn rồi nên không cần anh tối nào cũng phải hộ tống tôi về đến tận nhà. Vài tháng qua tôi đã có đủ thời gian để ghi nhớ đường đi. Căn nhà tôi ở lúc nào cũng chỉ nằm ở cuối phố thôi mà.
– Cô giễu tôi như thế không hay lắm đâu, tôi được trả công để chăm lo cho cô, tôi chỉ đang làm công việc của mình, giống như cô vẫn làm ở nhà hàng thôi.
– Anh được trả công là thế nào?
– Ngài Daldry vẫn tiếp tục gửi ngân phiếu cho tôi hằng tuần.
Alice nhìn Can một lúc lâu rồi bỏ đi không nói một lời. Anh bắt kịp cô.
– Tôi làm thế còn là vì chỗ bạn bè nữa.
– Đừng nói với tôi chuyện bạn bè ở đây vì anh đã được trả công, cô vừa nói vừa rảo bước.
– Hai chuyện ấy không phải là không thể cùng tồn tại, vả lại phố xá về đêm không an toàn như cô tưởng đâu, Istanbul là một thành phố lớn.
– Nhưng Uskudar lại là chốn mà tất cả mọi người đều biết nhau, anh đã nhắc đi nhắc lại với tôi cả trăm lần như thế. Giờ thì để tôi được yên, tôi biết đường về rồi.
– Được thôi, Can thở dài, tôi sẽ viết thư cho Ngài Daldry bảo rằng tôi không muốn nhận tiền của anh ta nữa, cô thấy như thế được chưa?
– Tôi sẽ thấy được hơn nếu anh nói với tôi sớm hơn rằng anh ấy vẫn tiếp tục trả công cho anh để anh chăm lo cho tôi. Tuy vậy trước đây tôi cũng đã viết thư bảo anh ấy rằng tôi không cần sự giúp đỡ của anh ấy nữa, nhưng tôi thấy là một lần nữa anh ấy lại khăng khăng làm theo ý mình và việc ấy khiến tôi bực mình.
– Sao việc một ai đó giúp cô lại khiến cô bực mình? Thật vô lý.
– Bởi vì tôi không nhờ vả gì anh ấy, và tôi không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai.
– Như thế lại càng vô lý, chúng ta ai mà chẳng cần người nào đó giúp đỡ trong đời, không ai có thể làm được những điều lớn lao một mình.
– Vậy mà tôi thì có đó.
– Vậy mà cô thì cũng không ngoại lệ! Liệu cô có tạo ra được loại nước hoa của mình nếu không có người thợ ở Cihangir giúp sức? Liệu cô có tìm ra được căn xưởng của ông ấy nếu tôi không dẫn cô tới đó? Liệu cô có gặp được ngài tổng lãnh sự, gặp được ông Zemirli hay ông giáo già kia không?
– Đừng nói quá lên thế, anh không liên quan gì đến chuyện ông giáo già kia cả.
– Thế ai đã quyết định đi vào con hẻm trước cửa nhà ông ấy? Ai?
Alice dừng lại đứng đối diện với Can.
– Anh thật là có ác ý không tưởng tượng được. Đồng ý, không có anh, hẳn tôi đã không gặp được ngài tổng lãnh sự lẫn ông Zemirli, tôi cũng không được làm việc tại nhà hàng của cô anh, tôi cũng không sống ở Uskudar và rất có thể đã rời Istanbul.Tôi nợ anh tất cả những việc đó, anh thỏa mãn chưa?
– Và cô cũng sẽ không đi qua con ngõ cụt dẫn vào ngôi trường kia!
– Tôi đã xin lỗi anh rồi, chúng ta sẽ không mất cả buổi tối vì mấy chuyện này chứ.
– Vậy mà tôi lại không nhận ra cô đã nói xin lỗi vào lúc nào. Mà cô cũng sẽ chẳng gặp được ai, cũng chẳng có được việc làm ở chỗ cô tôi, chẳng thuê được căn phòng của cô ấy nếu Ngài Daldry không thuê tôi. Cô có thể kéo dài danh sách đối tượng được nhận lời xin lỗi của mình và cảm ơn cả anh ta nữa, ít nhất là trong tâm tưởng. Tôi chắc là chúng sẽ tới được với anh ta bằng cách này hay cách khác.
– Tôi vẫn làm thế trong mỗi lá thư tôi viết cho anh ấy, thưa “ngài thích rao giảng đạo đức”, nhưng biết đâu anh nói thế với tôi chỉ để trong thư sau tôi không cấm anh ấy gửi ngân phiếu cho anh.
– Dĩ nhiên rồi, sau tất cả những gì tôi làm cho cô, cô lại muốn để tôi bị mất việc, công việc liên quan đến chính bản thân cô.
– Tôi đã nói mà, anh thật là có ác ý không tưởng tượng được.
– Còn cô, cứng đầu chẳng kém gì bà cô tôi.
– Thôi được rồi Can, tôi đã cãi nhau đủ cho cả tối, thậm chí cả tháng rồi.
– Vậy thì chúng ta cùng đi uống một tách trà và làm hòa nhé.
Alice đi theo anh ta tới một quán cà phê vẫn còn đông khách ra vào nằm sâu trong một con ngõ cụt.
Can gọi cho họ hai ly raki, Alice thích uống trà như anh ta đã hứa nhưng anh chàng hướng dẫn viên không nghe cô.
– Ngài Daldry không sợ phải uống đâu.
– Thế anh thấy say khướt thì cam đảm lắm à?
– Tôi không biết, tôi chưa bao giờ tự hỏi mình như vậy.
– Lẽ ra anh nên làm thế, say sưa là một màn buông xuôi ngớ ngẳn. Giờ thì sau khi đã nâng ly để chiều lòng anh, anh có thể nói tôi hay vụ cãi cọ với cô anh thì liên quan gì đến tôi chứ?
Can lưỡng lự không đáp nhưng việc Alice cứ nài nỉ cuối cùng đã làm tan biến những do dự cuối cùng trong anh.
– Đó là vì tất cả những người mà tôi đã dẫn cô tới găp. Ngài tổng lãnh sự, ông Zemirli, ông giáo già, dù cho riêng với người này, tôi đã thề với cô tôi là mình chẳng liên quan gì và rằng chúng ta chỉ tình cờ đi ngang qua nhà ông ta.
– Sao bác ấy lại trách cứ anh?
– Vì đã dính vào những việc chẳng liên quan đến mình.
– Sao bác ấy lại phản đối chuyện ấy?
– Bà ấy bảo rằng khi quá quan tâm đến cuộc sống của người khác, dù cho có nghĩ là làm điều tốt đi chăng nữa, thì rồi cuối cùng ta cũng chỉ mang bất hạnh đến cho họ mà thôi.
– Vậy thì ngay ngày mai tôi sẽ làm Mama Can yên lòng và giải thích với bác ấy rằng anh chỉ mang điều tốt lành đến cho tôi.
– Cô không thể nói vậy với bà cô tôi được, bà ấy sẽ biết là tôi đã phô với cô và sẽ điên tiết lên với tôi. Hơn nữa điều cô nói cũng không hoàn toàn chính xác. Nếu tôi không giới thiệu cô với ông Zemirli, cô sẽ không phải buồn khi ông ấy qua đời, nếu tôi không dẫn cô tới con hẻm ấy, cô sẽ không bao giờ cảm thấy bối rối trước người ông già kia. Tôi chưa bao giờ thấy cô như vậy.
– Anh phải quyết đoán lấy một lần đi chứ! Hoặc là tài dẫn đường của anh đã đưa chúng ta tới ngôi trường ấy, hoặc là do tình cờ và anh chẳng liên quan gì.
– Cứ cho là mỗi thứ một ít đi, do tình cờ mà dinh thự ấy bốc cháy, còn tôi thì đã dẫn cô đến con hẻm, sự tình cờ và tôi đã kết hợp với nhau trong phi vụ này.
Alice đẩy chiếc ly đã cạn của mình ra, Can rót đầy ngay lập tức.
– Thứ này khiến tôi nhớ lại những buổi tối tuyệt vời bên Ngài Daldry.
– Anh có thể quên Daldry đi một lát được không?
– Không, tôi nghĩ là không, Can đáp sau khi đã suy nghĩ.
– Sao lại xảy ra cuộc cãi vã ấy?
– Ở trong bếp.
– Tôi không hỏi anh nó bắt đầu từ đâu, mà là tại sao cơ?
– À chuyện ấy thì tôi không thể tiết lộ được, Mama Can đã bắt tôi phải hứa.
– Vậy thì tôi giải phóng cho anh khỏi lời hứa ấy. Một phụ nữ có thể phá bỏ điều mà một người đàn ông đã hứa với người phụ nữ khác với điều kiện hai người phụ nữ ấy rất hiểu nhau và chuyện ấy không gây tổn hại gì cho cả người này lẫn người kia. Anh không biết điều ấy à?
– Cô mới bịa ra phải không?
– Mới đây thôi.
– Tôi biết mà.
– Can, cho tôi biết sao hai người lại nói về tôi.
– Chuyện ấy thì có ảnh hưởng gỉ đến cô chứ?
– Cứ thử ở vào địa vị tôi mà xem. Tưởng tượng ra cảnh anh bắt gặp chúng tôi, Daldry và tôi, giữa lúc chúng tôi đang tranh cãi về anh, anh không muốn biết là tại sao ư?
– Không, không cần. Tôi đoán là Ngài Daldry đang tiếp tục phê phán tôi, còn cô thì bảo vệ tôi và anh ta lại trách móc cô vì chuyện ấy. Cô thấy không, chẳng có gì khó cả.
– Anh làm tôi phát điên!
– Còn tôi, thì bà cô tôi khiến tôi phát điên vì cô, vậy là chúng ta hòa nhé.
– Đồng ý, có đi có lại nhé, trong thư tới tôi sẽ không nói gì với Daldry về chuyện ngân phiếu cho anh, đổi lại anh tiết lộ cho tôi nguyên nhân vụ cãi cọ.
– Cô đang đe dọa tôi và cô buộc tôi phải phản bội Mama Can.
– Còn tôi, nếu không nói gì với Daldry tức là tôi đang phản bội lại chính sự độc lập của mình, anh thấy không, chúng ta luôn hòa.
Can nhìn Alice rồi lại rót đầy ly cho cô.
– Cứ uống đi đã, anh ta nói mà không rời mắt khỏi cô.
Alice uống một hơi cạn ly rượu rồi đặt mạnh ly xuống mặt bàn.
– Tôi nghe anh đây!
– Tôi nghĩ mình đã tìm ra bà Yilmaz, Can tuyên bố.
Rồi trước ánh mắt ngây ra của Alice, anh ta nói thêm:
– Vú nuôi của cô… tôi biết nơi bà ấy sống.
– Làm thế nào anh tìm được bà ấy?
– Can luôn là hướng dẫn viên xuất sắc nhất Istanbul và điều ấy vẫn đúng với hai bờ eo Bosphore. Đã gần một tháng nay tôi đi dò hỏi chỗ này chỗ kia. Tôi đã đi khắp các con phố ở Uskudar và cuối cùng đã tìm ra một người có quen biết bà ấy. Tôi từng nói với cô rồi, Uskudar là chốn mà tất cả mọi người đều biết nhau, hoặc cứ cho là chốn tất cả mọi người đều biết ai đó biết người nào đó… Uskudar là một ngôi làng nhỏ.
– Khi nào chúng ta có thể tới gặp bà ấy? Alice sốt sắng hỏi.
– Khi thời điểm đến và Mama Can phải không hề biết gì!
– Nhưng bác ấy thì có liên quan gì cơ chứ! Thế tại sao bác ấy lại không muốn anh nói chuyện này với tôi?
– Bởi trong chuyện gì bà cô tôi cũng có lý riêng của mình. Bà ấy khẳng định rằng những gì thuộc về quá khứ phải nằm lại trong quá khứ, khơi lại chuyện cũ không bao giờ tốt cả. Chúng ta không được đào bới lại những gì thời gian đã che phủ, bà ấy khăng khăng là tôi sẽ mang họa lại cho cô nếu dẫn cô tới chỗ bà Yilmaz.
– Nhưng tại sao kia chứ? Alice hỏi.
– Chuyện ấy thì tôi mù tịt, biết đâu chúng ta sẽ biết khi tới nơi. Giờ thì cô hứa là sẽ kiên nhẫn và sẽ im lặng chờ đợi tôi sắp xếp cuộc gắp gỡ này chứ?
Alice hứa và Can năn nỉ cô hãy để anh ta đưa về chừng nào anh ta còn có thể. Với số ly raki anh ta đã nốc từ khi nãy thì tốt hơn hết là nên lên đường ngay lập tức.
Tối hôm sau, từ xưởng của người thợ ở Cihangir về, Alice chỉ tạt qua nhà thay đồ rồi tới ngay nhà hàng làm ca lúc bảy giờ.
Mọi việc trong nhà hàng của Mama Can dường như đã lấy lại nhịp điệu thường nhật. Đang hối hả bên bếp lò, ông chồng đầu bếp hét lên ngay khi một món ăn đã sẵn sàng, Mama Can đứng ở quầy thu tiền trông coi phòng ăn, bà chỉ rời đi để chào hỏi khách quen và đưa mắt chỉ những bàn cần xếp khách theo thứ bậc quan trọng của riêng bà. Alice nghe khách gọi món, đi đi lại lại giữa bàn khách ăn và nhà bếp, còn người phụ bếp thì đang gắng làm hết sức mình.
Đến khoảng chín giờ, thời điểm bắt đầu “cháy món”, Mama Can vừa thở dài vừa rời chiếc ghế đẩu của mình ra giúp mọi người một tay.
Mama Can kín đáo quan sát Alice, cô vẫn gắng hết sức không để lộ bí mật mà Can đã tiết lộ với mình.
Khi thực khách cuối cùng ra về, Mama Can cài then cửa, đẩy một chiếc ghế ra rồi ngồi xuống bàn trong khi vẫn không rời mắt khỏi Alice đang dọn bàn ăn cho ngày hôm sau, giống như mọi lần khi kết thúc ngày làm việc. Khi cô tới lột khăn trải trên bàn bên cạnh chỗ Mama Can ngồi, bà liền tước lấy giẻ lau cô đang dùng để đánh bóng mặt bàn gỗ và giúp cô một tay.
– Đi pha cho chúng ta một tách trà bạc hà đi, cháu yêu, rồi quay lại đây với hai cái cốc nhé.
Ý tưởng xả hơi một chút không khiến Alice phật ý. Cô vào bếp rồi trở ra sau một lát. Mama Can bảo người phụ bếp khép cánh cửa ngăn giữa phòng ăn và bếp lại, Alice đặt khay của mình xuống rồi ngồi đối diện bà.
– Sống ở đây cháu có hạnh phúc không? bà chủ nhà hàng vừa rót trà cho cả hai vừa hỏi.
– Có ạ, Alice bối rối đáp.
– Cháu thật can đảm, Mama Can nói, giống hệt ta khi bằng tuổi cháu, lao động không khi nào khiến ta khiếp sợ. Nghĩ kỹ thì gia đình ta và cháu đang rơi vào cảnh thật kỳ khôi, cháu không thấy thế sao?
– Cảnh nào ạ? Alice hỏi.
– Ban ngày thằng cháu ta làm việc cho cháu, còn tối đến thì cháu lại làm việc cho bà cô của nó. Gần giống như một vụ làm ăn trong gia đình.
– Cháu chưa bao giờ nghĩ như thế cả.
– Cháu biết đấy, ông chồng ta khá kiệm lời, ông ấy bảo ta không để ông ấy kịp nói, có vẻ như ta nói thay cho cả hai. Nhưng ông ấy đánh giá cao cháu và mến cháu.
– Cháu rất cảm động, cháu cũng rất mến hai bác.
– Thế còn căn phòng ta cho cháu thuê, cháu hài lòng chứ?
– Cháu thích bầu không khí tĩnh lặng ở đó, tầm nhìn thì tuyệt đẹp và cháu ngủ rất ngon.
– Còn Can thì sao?
– Sao ạ?
– Cháu không hiểu câu hỏi của ta ư?
– Can là một hướng dẫn viên tuyệt vời, chắc chắn là xuất sắc nhất Istanbul; ngày qua ngày dần dần anh ấy đã trở thành bạn cháu.
– Con gái ơi, không phải là ngày mà phải là hàng tuần, hàng tháng rồi. Cháu có ý thức được khoảng thời gian nó đã ở bên cháu không?
– Bác đang định nói gì vậy, Mama Can?
– Ta chỉ muốn cháu hãy để mắt đến nó. Cháu biết đấy, chuyện tình yêu sét đánh chỉ có trong sách vở thôi. Còn trong đời thực, tình cảm được gây dựng từ từ như khi người ta xây nhà ấy, từng viên, từng viên gạch một. Cháu đừng tưởng ta say ông chồng đầu bếp của ta ngay từ cái nhìn đầu tiên nhé! Nhưng sau bốn mươi năm chung sống, giờ ta yêu ông ấy kinh khủng. Ta học cách yêu mến những tính tốt và bằng lòng với những khuyết điểm ở ông ấy, còn khi nào tức giận ông ấy như tối hôm qua thì ta lánh đi và suy ngẫm.
– Thế bác nghĩ tới điều gì? Alice hỏi vui.
– Ta hình dung ra một cái cân; trên đĩa cân bên này, ta đặt những gì khiến ta hài lòng ở ông ấy, còn bên kia là những điều làm ta bực mình. Thế rồi khi nhìn cán cân, ta thấy nó gần như cân bằng, lúc nào cũng hơi nghiêng về bên tốt một chút. Đó là bởi vì ta đã may mắn có được một ông chồng mà mình có thể tin tưởng. Can thì dĩ nhiên là thông minh hơn ông chú của nó, và khác với ông ấy, nó cũng đẹp trai hơn.
– Mama Can ơi, cháu chưa bao giờ muốn quyến rũ cháu trai bác.
– Ta biết, nhưng là ta đang nói đến nó cơ. Nó hẳn sẵn lòng xới tung cả Istanbul lên cho cháu, vậy mà cháu không nhận thấy gì sao?
– Cháu thực lấy làm tiếc, Mama Can, cháu chưa bao giờ nghĩ…
– Ta cũng biết thế, cháu mãi làm việc tới mức chẳng có lấy một phút mà nghĩ. Cháu nghĩ tại sao ta lại cấm cháu tới đây vào ngày Chủ nhật? Để đầu óc cháu được nghỉ một ngày mỗi tuần và để trái tim cháu có cớ mà đập. Nhưng ta thấy rõ là cháu không thích Can, nên tốt hơn cháu nên để nó yên. Giờ cháu đã thuộc đường đến nhà ông thợ ở Cihangir rồi. Thời tiết cũng thuận lợi hơn, cháu có thể tự đến đó một mình.
– Ngay ngày mai cháu sẽ nói chuyện với anh ấy.
– Không cần phải thế đâu, cháu chỉ việc nói với nó là cháu không cần thuê nó nữa. Nếu đúng là hướng dẫn viên xuất sắc nhất thành phố, nó sẽ mau chóng tìm được khách mới ngay thôi.
Alice nhìn sâu vào mắt Mama Can.
– Bác không muốn cháu làm ở đây nữa ạ?
– Ta không nói thế, cháu tưởng tượng ra điều gì vậy? Ta rất thích cháu, khách hàng cũng vậy, và ta vui khi được thấy cháu mỗi tối; nếu cháu không tới nữa, ta thậm chí còn nghĩ có khi mình buồn nhớ cháu nữa ấy. Cháu cứ tiếp tục làm việc, tiếp tục ở trong căn phòng mà cháu được ngủ ngon giấc và được ngắm cảnh, tiếp tục tới Cihangir ban ngày và mọi thứ sẽ tốt dần lên.
– Cháu hiểu rồi, Mama Can, cháu sẽ suy nghĩ.
Alice cởi tạp dề, gấp lại rồi đặt lên bàn.
– Sao tối qua bác lại nổi giận với bác trai? cô hỏi lúc bước về phía cửa ra vào nhà hàng.
– Vì ta cũng giống cháu, cháu yêu ạ, tính ta rất cương quyết và ta đặt ra quá nhiều câu hỏi. Hẹn mai nhé! Cháu chuồn đi, ta đóng cửa ngay đây.
Can ngồi đợi Alice trên một băng ghế. Lúc cô đi ngang, anh ta liền đứng lên rồi tới gần khiến cô giật nảy mình.
– Tôi không nghe thấy tiếng anh.
– Xin lỗi, tôi không định làm cô sợ. Trông vẻ mặt cô lạ quá, mọi việc ở nhà hàng vẫn chưa ổn thỏa à?
– Không, đâu vào đấy rồi.
– Với Mama Can thì giông tố không bao giờ kéo dài quá lâu đâu. Đi nào, tôi đưa cô về.
– Can, tôi cần nói chuyện với anh.
– Tôi cũng thế, đi thôi. Tôi có tin mới cho cô và tôi thích vừa đi vừa nói hơn. Lý do ông giáo già không gặp bà Yilmaz ở chợ nữa là vì bà ấy đã rời Istanbul. Bà ấy quay về sống nốt phần đời còn lại ở thành phố khi xưa từng sống, giờ bà ấy ở Izmit và tôi còn có cả địa chỉ của bà ấy nữa cơ.
– Có xa không? Khi nào chúng ta có thể tới gặp bà ấy?
– Cách chừng một trăm cây số, khoảng một giờ đi tàu. Chúng ta cũng có thể đi bằng đường biển, tôi vẫn chưa đặt vé.
– Anh còn chờ gì nữa?
– Tôi muốn chắc là cô thực sự muốn gặp bà ấy.
– Tất nhiên rồi, sao anh lại nghi ngờ điều ấy?
– Tôi không biết, có thể cô tôi có lý khi cho rằng chẳng hay ho gì khi xới lại mọi chuyện trong quá khứ. Nếu cô thấy hạnh phúc với hiện tại rồi thì làm thế để làm gì? Chi bằng hãy nhìn về phía trước và nghĩ tới tương lai.
ng nói với tổng lãnh sự.
ۣ Quá khứ cả, vả lại ai trong chúng ta mà chẳng cần được biết câu chuyện của mình. Tôi vẫn luôn tự hỏi tại sao bố mẹ tôi lại giấu một phần câu chuyện. Nếu là tôi, liệu anh có muốn biết không?
– Thế nếu như họ có lý do chính đáng, nếu như là để bảo vệ cô thì sao?
– Bảo vệ tôi khỏi điều gì?
– Tránh cho cô khỏi những kỉ niệm buồn chẳng hạn?
– Khi ấy tôi năm tuổi và tôi chẳng còn nhớ gì cả, hơn nữa, không biết gì còn khiến con người ta lo lắng hơn gấp bội. Nếu tôi được biết sự thật, dù nó có thế nào chăng nữa, ít nhất tôi cũng sẽ chấp nhận.
– Tôi đoán chuyến tàu đưa họ trở về nhà hẳn phải kinh khủng lắm và mẹ cô đã phải cầu trời mong sao cho cô không còn lưu giữ chút ký ức nào. Đó chắc là lý do khiến họ phải im lặng.
– Tôi cũng giả định như thế Can ạ, nhưng đó chỉ là một giả định thôi, và nói thật với anh, tôi rất mong người ta kể cho tôi nghe về bố mẹ mình, dù chỉ là những điều vô thưởng vô phạt. Mẹ tôi ăn vận thế nào, mẹ nói gì với tôi vào buổi sáng trước khi tôi đến trường, cuộc sống của chúng tôi trong căn hộ ở cư xá Roumélie ra sao, Chủ nhật chúng tôi thường làm gì… Đó giống như là một cách kết nối với họ, dù chỉ trong chốc lát. Thật vô cùng khó khăn khi phải chịu tang bố mẹ mình mà trước đó lại không thể nói lời vĩnh biệt với họ… những ngày họ mới ra đi tôi nhớ họ rất nhiều.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.