Chuyến du hành kỳ lạ của ngài Daldry
CHƯƠNG 8
Can đưa ngón tay chỉ quán ăn của ngư dân ở cuối bến tàu thủy. Rồi anh ta bỏ đi, tới ngồi trên một cọc bờ kè.
– Chúc ngon miệng, anh nói giọng dửng dưng, tay khoanh trước ngực. Tôi sẽ đợi các vị ở đây, không nhích khỏi bờ kè này.
Ánh mắt kích động mà Alice dành cho anh ta không qua được mắt Daldry, anh bước lại gần Can.
– Anh ngồi đây làm gì, anh không nghĩ là chúng tôi sẽ bỏ anh một mình ở đây giữa thời thiết giá lạnh thế này chứ?
– Tôi không muốn quấy rầy các vị, anh chàng hướng dẫn viên đáp, nhưng tôi thấy rõ là mình khiến các vị thấy ngứa ngáy. Hai người đi ăn đi, tôi đã quen với mùa đông Istanbul và cũng quen cả với mưa nữa.
– Thôi, đừng buớng thế chứ! Daldry phản bác, vả lại đây là một quán ăn bản địa, làm thế nào người ta hiểu được tôi nếu bên tôi không có phiên dịch viên giỏi nhất thành phố?
Can rất vui trước câu khen ngợi liền nhận lời mời.
Bữa ăn cũng như sự tiếp đón chu đáo quá mọi mong đợi của Daldry. Lúc uống cà phê, anh đột nhiên lại tỏ ra ưu phiền khiến Can và Alice rất ngạc nhiên. Có chút hơi men trợ giúp nên cuối cùng anh thú nhận là mình cảm thấy tội lỗi vô cùng vì đã có định kiến với nơi này. Nghệ thuật ẩm thực đơn giản nhưng tuyệt hảo có thể được phục vụ ở một chốn khiêm nhường, anh nói, rồi sau khi uống ly raki thứ tư anh buông ra một tiếng thở dài.
– Đó là cảm xúc, anh nói. Nước xốt đi kèm với món cá của tôi, sự tinh tế trong món tráng miệng này, tôi sẽ phải ăn lại món này mới được, đơn giản là nó khiến ta xáo động. Tôi mong anh, anh tiếp tục, giọng rên rỉ, chuyển đến ông chủ lời xin lỗi chân thành nhất của tôi và nhất là hứa sẽ đưa chúng tôi đi khám phá những địa điểm khác giống như thế này càng sớm càng tốt. Ngay từ tối nay chẳng hạn?
Khi người phục vụ đi qua, Daldry giơ tay lên để anh ta rót đầy ly ình.
– Daldry, tôi nghĩ anh uống vậy là đủ rồi, Alice vừa nói vừa buộc anh đặt ly xuống.
– Công nhận là rượi raki khiến tôi hơi chếch choáng. Đấy là tại lúc vào bụng chúng ta rỗng tuếch mà tôi thì khát khủng khiếp.
– Vậy anh thử giải khát với nước đi.
– Cô không điên đấy chứ, cô muốn tôi bị han gỉ à?
Alice ra hiệu cho Can giúp cô, mỗi người xốc một bên, họ áp giải Daldry ra cửa; Can giơ tay chào ông chủ đang trêu đùa về tình trạng khách hàng của anh.
Không khí mát mẻ khiến đầu óc Daldry quay cuồng. Anh ngồi xuống một cọc kè và trong lúc Can đợi vẫy taxi, Alice phải ngồi cạnh anh, trông chừng không để anh ngã nhào xuống nước.
– Có lẽ một giấc ngủ trưa sẽ giúp tôi khá hơn, Daldry thều thào nói, mắt nhìn ra khơi xa.
– Tôi nghĩ bắt buộc phải thế, Alice đáp. Tôi cứ tưởng anh định che chở cho tôi, chứ không phải ngược lại.
– Xin cô thứ lỗi. Daldry rên rỉ. Tôi hứa với cô, ngày mai sẽ không có giọt rượu nào.
– Giữ được lời hứa ấy sẽ tốt cho anh đấy, Alice nghiêm túc nói.
Can đã vẫy được một chiếc dolmuş, anh ta quay lại chỗ Alice, giúp cô đặt Daldry ngồi vào băng ghế sau rồi yên vị phía trước.
– Chúng ta áp tải bạn cô tới màn cửa khách sạn của hai người rồi tôi sẽ tới lãnh sự quán lo giấy mời cho các vị. Tôi sẽ bọc chúng vào phong bì để gần người gác cửa, anh vừa nói vừa nhìn Alice qua chiếc gương nhỏ gần trên tấm chắn nắng vừa được hạ xuống.
– Đưa bạn cô tới cửa khách sạn của hai người và cho vào phong bì để ở chỗ người gác cổng…, Alice thở dài.
– Tôi đoán câu cú của mình không được đúng ngữ pháp lắm nhưng tôi không biết chính xác sai ở chỗ nào. Cám ơn vì đã sửa lại cho tôi, tôi sẽ không bao giờ thể hiện lại lỗi này nữa, Can nói rồi đẩy tấm che nắng lên.
Thiu thiu ngủ suốt trên đường đi, Daldry tỉnh dậy đúng lúc Alice và người gác cổng đang giúp anh vào phòng, đặt anh nằm lên giường. Đến chiều muộn Daldry mới hoàn toàn tỉnh táo. Anh gõ cửa phòng Alice, rồi gọi lễ tân và được biết cô đã ra ngoài. Bối rối về lối hành xử của mình, anh viết lời nhắn rồi luồn vào dưới cánh cửa phòng cô, xin lỗi cô vì đã không giữ gìn ý tứ và bảo cô rằng anh không muốn ăn tối.
Alice tận dụng buổi chiều chỉ có một mình lang thang dạo chơi trong khu Beyoğlu. Người gác cổng khách sạn khuyên cô nên thăm tháp Galata và chỉ đường cho cô đi bộ tới đó. Cô lững thững trước những cửa hàng trên phố Isklital, mua vài món đồ lưu niệm cho các bạn rồi cuối cùng, khi run lập cập trước cái lạnh bao phủ khắp thành phố, cô lánh vào một nhà hàng nhỏ dùng bữa tối.
Trở về phòng khi trời sẩm tối, cô ngồi vào bàn viết thư cho Anton.
Anton,
Sáng nay em đã gặp một người làm cùng nghề với em, nhưng dĩ nhiên là giỏi hơn em rất nhiều. Khi nào về em phải kể anh nghe những tìm tòi độc đáo của ông ấy mới được. Em vẫn thường vẫn hay than thở về căn hộ lạnh như băng của mình nhưng nếu đến xưởng của người thợ làm nước hoa ấy rồi anh hẳn sẽ bảo em không bao giờ được phàn nàn nữa. Em cứ tưởng mình đã thấu hiểu được thành phố này khi nhìn từ cửa sổ phòng khách sạn, nhưng khi trèo lên những ngọn đồi cao ở khu Cihangir, em đã phát hiện ra một dáng vẻ khác của nơi đây. Khi rời xa trung tâm, nơi những tòa nhà mới xây giống hệt với những tòa nhà được dựng lên từ đống đổ nát ở Luân Đôn, em gặp cảnh khốn cùng đến không ngờ. Hôm nay trên những con ngõ hẹp của Cihangir, em đã thấy những cậu bé chân trần thách thức cái giá lạnh của mùa đông, những người bán hàng rong với khuôn mặt rầu rĩ đứng dưới làn mưa quất trên kè eo Bosphore; những người phụ nữ ấy, để bán được mấy món đồ vặt vãnh, phải khản cổ thuyết phục cả hàng dài người dân Istanbul trên bến neo tàu thủy. Và lỳ lạ làm sao, giữa cánh buồm thắm ấy, em lại nhận thấy một cảm giác vô cùng trìu mến, gắn bó với những chốn vẫn còn xa lạ với em, một nỗi cô đơn đầy hoang mang khi băng qua những quảng trường nơi nhiều nhà thờ cổ đang dần tàn tạ. Em leo lên những con dốc đứng mà bậc đã mòn đi vì bước chân qua. Trên những đồi cao ở khu Cihangir, phần lớn mặt tiền các ngôi nhà đều bong tróc, hư hại, ngay cả đám mèo hoang cũng mang vẻ buồn bã, và vẻ u buồn ấy lây sang cả em. Tại sao thành phố này lại khiến em sầu muộn đến thế? Em nhận thấy cảm giác ấy ngay khi vừa đặt chân ra phố và nó không rời bỏ em cho đến tận khi đêm về. Nhưng anh đừng để ý đến những gì em viết nhé. Các quán cà phê và nhà hàng nhỏ ở đây căng tràn sức sống, thành phố thật đẹp và chẳng bụi bặm, cáu bẩn nào làm giảm được vẻ đồ sộ của nó. Người dân ở đây vô cùng hiếu khách, hào hiệp, còn em, em thừa nhận với anh là mình đã ngu ngốc động lòng trước nỗi tiếc nhớ những thứ không còn ở nơi đây nữa.
Chiều nay, trong lúc dạo chơi gần tháp Galata, em trông thấy một nghĩa trang nhỏ nằm say ngủ giữa khu phố, phía sau một hàng rào sắt rèn. Em nhìn những ngôi mộ với các tấm bia đã không còn ngay ngắn, và không hiểu tại sao em lại có cảm giác mình thuộc về nơi ấy. Mỗi giây phút ở đây lại làm trào dâng trong em một thứ tình yêu vô bờ bến.
Anton, hãy thứ lỗi cho em vì những lời lẽ không ăn nhập vào đâu hẳn khiến anh chẳng hiểu gì. Khi nhắm mắt lại em nghe thấy tiếng kèn của anh vang lên trong đêm Istanbul, em nghe thấy hơi thở của anh, em hình dung ra cảnh anh đang thổi kèn, không xa lắm, trong một quán rượu ở Luân Đôn. Em ước sao được biết tin tức của Sam, Eddy và Carol, em nhớ tất cả mọi người và em hy vọng các anh cũng nhớ em một chút.
Cho em được ôm hôn anh khi đang ngắm nhìn những mái nhà của thành phố mà em chắc chắn là anh sẽ thích mê.
Alice
Mười giờ sáng, có tiếng gõ cửa phòng Alice. Dù cô đã hét lên báo mình đang tắm nhưng ai đó vẫn cố nài. Alice khoác áo choàng tắm vào và trông thấy qua tấm gương gắn ở cửa phòng tắm bóng nhân viên trực tầng vừa đi khỏi. Cô thấy trên giường một túi vải đựng quần áo, một hộp đựng giày cùng hộp đựng mũ. Tò mò, cô phát hiện ra bên trong túi vải là bộ váy dạ hội, trong hộp giày là một đôi giày ban và bên trong chiếc hộp giày tròn là chiếc mũ dạ đẹp mê hồn cùng mấy chữ viết tay của Daldry:
Hẹn gặp vào buổi tối, tôi đợi cô lúc sáu giờ dưới sảnh.
Kinh ngạc, Alice cởi áo choàng tắm ra và không cưỡng nổi mong muốn xỏ thử vào bộ váy áo.
Bộ váy ôm khít vào vòng eo rồi hơi xòe rộng ra ở phía dưới như một chiếc jupe dài. Từ khi chiến tranh nổ ra, Alice chưa bao giờ nhìn thấy bộ xiêm y nào lại tốn nhiều vải như thế. Xoay tròn mấy vòng, cô có tưởng như đã rũ sạch được những năm tháng thiếu thốn đủ thứ. Những bộ váy cứng đờ cùng mấy bộ lê chật cứng đã lui vào dĩ vãng. Bộ váy đang mặc giúp cô khoe trọn bờ vai, làm nổi bật vòng eo thon và giúp phần hông cô tròn trịa hơn, còn chiều dài của váy khiến đôi chân trở nên thật bí hiểm.
Cô ngồi xuống giường xỏ đôi giày ban vào và chợt cảm thấy mình vụt cao lớn, thậm chí có phần lênh khênh trên gót giày. Cô khoác chiếc áo vest ngắn, chỉnh lại mũ rồi mở cửa tủ để soi mình trong gương. Cô không tin vào mắt mình nữa.
Cô cẩn thận treo váy áo cùng phụ kiện lên trong lúc chờ đến buổi tối, giữa khi ấy thì nhận được cuộc gọi của người gác cửa. Một người phục vụ đang đợi để đưa cô đến tiệm làm tóc nằm xuôi xuống phía dưới đại lộ một chút.
– Hẳn là ông nhầm phòng, cô nói, tôi không có cuộc hẹn nào cả.
– Cô Pendelbury, tôi xin khẳng định là tiệm Guido đang đợi cô đến trong vòng hai mươi phút nữa. Khi cô làm xong tóc, họ sẽ gọi cho chúng tôi và chúng tôi sẽ quay lại đón cô. Xin chúc cô có một ngày thật thoải mái, thưa cô.
Người gác cổng đã gác máy trong khi Alice cứ trân trân nhìn ống nghe như thể đó là cây đèn thần của Aladin, từ đó hẳn một vị thần nhiều mưu chước vừa hiện ra.
* * *
Gội đầu và sơn móng tay xong, cô được Guido – mà thực ra tên thật là Onur – làm tóc cho. Tay thợ làm tóc đã tới Rome học nghề rồi về đây mở tiệm. Ông chủ tiệm Guido giải thích với Alice rằng gần trưa có một người đàn ông tới đưa cho anh ta những chỉ dẫn rầt cụ thể: mái tóc búi cao không chê vào đâu được, nằm “kiêu kỳ dưới một chiếc mũ”.
Mọi chuyện diễn ra trong vòng một giờ. Người phục vụ quay lại đón Alice ngay khi cô đã sẵn sàng rồi đưa cô về khách sạn. Khi cô bước vào sảnh, người gác cửa thông báo có người đang đợi cô ở quầy bar. Cô thấy Daldry ngồi đó, vừa uống nước chanh vừa đọc báo.
– Đẹp tuyệt trần, anh nói rồi đứng dậy.
– Tôi chỉ biết nói với anh là từ sáng tới giờ tôi có cảm tưởng mình là nàng công chúa trong truyện cổ tích.
– Như thế thật đúng lúc, chúng ta cần cô là một nàng công chúa trong buổi tối này. Chúng ta cần phải quyến rũ ngài đại sứ và đừng trông mong vào tôi trong chuyện ấy.
– Tôi không biết anh đã xoay xở thế nào, nhưng mọi thứ đều rất hợp với tôi.
– Tôi biết nhìn bề ngoài mình có vẻ không thạo lắm, nhưng tôi là họa sĩ. Cô biết đấy, chuyện ước lượng tỷ lệ nằm trong khả năng của tôi.
– Các món đồ anh chọn đều rất tuyệt, tôi chưa bao giờ được diện một bộ váy đẹp thế này. Tôi sẽ cố hết sức cẩn trọng, anh có thể gửi trả lại nguyên vẹn, không sứt một mũi chỉ. Anh đã thuê, phải không?
– Cô có biết là kiểu mốt mới này cũng có tên không? New Look, và là do một thợ may người Pháp lăng xê! Nói về nghệ thuật chiến tranh thì những người hàng xóm của chúng ta không được thức thời cho lắm, nhưng tôi phải thừa nhận tài năng của họ trong sáng tạo thời trang và ẩm thực là vô song.
– Tôi hy vọng điều đó sẽ khiến anh hài lòng khi tối nay nhìn thấy tôi trong bộ đồ New Look.
– Tôi không mảy may nghi ngờ chuyện ấy. Kiểu tóc này đúng là một sáng kiến tuyệt vời, nó khoe được gáy của cô và tôi thấy nó thật lôi cuốn.
– Kiểu tóc hay gáy của tôi?
Daldry chìa cho Alice thực đơn các món ăn nhẹ.
– Cô nên ăn chút gì đó, tối nay chúng ta phải đấu kiếm mới lại gần bàn tiệc được vậy mà trông cô không có vẻ gì là đã sẵn sàng chiến đấu.
Alice gọi một tách trà cùng mấy chiếc bánh ngọt. Một lúc sau cô rút lui trước để về phòng chuẩn bị.
Trở về phòng, cô liền mở cửa tủ rồi nằm dài trên giường ngắm bộ xiêm y của mình.
Một trận mưa như trút đổ xuống những mái nhà ở Istanbul. Alice bước lại gần cửa sổ. Từ phía xa vẳng lại từng hồi còi tàu thủy. Eo Bosphore nhạt nhòa sau màn mưa u ám. Alice nhìn con phố phía dưới, người dân thành phố lao nhanh về phía những chỗ trú nơi bến tàu điện, một số khác ẩn mình dưới mái hiên các tòa nhà, hàng loạt ô chen nhau trên vỉa hè. Alice biết mình vốn thuộc về cuộc sống đang diễn ra dưới khung cửa kia, nhưng vào giây phút này, ẩn mình sau bức tường dày của một khách sạn sang trọng trong khu Beyoğlu, với bộ xiêm áo tuyệt đẹp đang chờ sẵn, cô cảm thấy mình như được đưa tới một thế giới khác, một thế giới đầy những ưu đãi mà tối nay cô sẽ cận kề, một thế giới nơi cô không thông thuộc cách hành xử và điều ấy chỉ khiến cô càng thêm bối rối.
* * *
Cô gọi cô phục vụ nhờ kéo giúp khóa váy. Sau khi đội mũ ngay ngắn, cô rời khỏi phòng. Daldry nhìn thấy cô trong buồng thang máy xuống sảnh, còn lộng lẫy hơn cả anh tưởng tượng. Anh chìa tay ra đón cô.
– Bình thường, tôi rất khiếp sợ giới thượng lưu nhưng hôm nay tôi sẽ phá lệ, cô thật…
– Rất New Look, Alice đáp.
– Đó cũng là một cách nhìn nhận. Xe đang đợi chúng ta, chúng ta may đấy, tạnh mưa rồi.
Chiếc taxi đỗ lại trước lãnh sự quán sau chưa đầy hai phút, cổng vào cách khách sạn chừng năm chục mét, chỉ cần băng qua đại lộ là tới nơi.
– Tôi biết, thật nực cười, nhưng chúng ta không được đi bộ, vấn đề đẳng cấp mà, Daldry giải thích.
Họ chầm chậm bước lên bậc thềm, Alice sợ sẽ sẩy chân trên đôi cao gót. Daldry đưa giấy mời cho nhân viên đón khách, để áo khoác lại chỗ gửi đồ rồi đưa Alice vào đại sảnh tiếp đón
Cánh đàn ông đều quay lại, một số thậm chí còn ngừng chuyện trò. Đám phụ nữ dò xét Alice từ đầu đền chân. Đầu tóc, áo váy, giày dép, cô là hiện thân của vẻ đẹp hiện đại. Vợ ngài đại sứ cứ nhìn cô mỉm cười thân thiện. Daldry đi tới chỗ bà.
Anh cúi mình hôn tay phu nhân đại sứ rồi giới thiệu Alice theo đúng nghi thức.
Phu nhân muốn biết lý do gì đã lôi kéo một cặp đôi đẹp đến vậy đi xa khỏi nước Anh.
– Những mùi hương, thưa quý bà, Daldry đáp, Alice là một trong những người có khứu giác nhạy bén nhất vương quốc, một số tác phẩm của cô ấy đã được giới thiệu ở những hiệu nước hoa danh tiếng nhất Kensington.
– Vinh dự biết bao! Phu nhân đại sứ đáp. Khi nào về Luân Đôn, tôi sẽ không bỏ dịp mua ngay ình.
Và Daldry buộc phải hứa sẽ chuyển ngay cho bà vài lọ.
– Cô thực sự là người đi tiên phong, cô bạn thân mến, phu nhân đại sứ thốt lên, một phụ nữ canh tân trong ngành nước hoa, thật vô cùng can đảm, giới kinh doanh từ trước từ giờ vốn quá nhiều đàn ông rồi. Nếu cô lưu lại Thổ Nhĩ Kỳ đủ lâu, cô phải tới Ankara thăm tôi nhé, tôi đến chết vì buồn ở đây mất, bà thì thầm, mặt ửng đỏ vì điều vừa tiết lộ. Tôi muốn giới thiệu cho cô với chồng tôi; nhưng ôi, tôi thấy ông ấy đang mải chuyện trò rồi mà tôi e sẽ mất cả buổi tối thôi. Tôi phải ra đằng kia một chút, rất vui được làm quen với cô.
Phu nhân đại sứ tới chỗ các khách mời khác. Khoảng thời gian bà chuyện trò với Alice không qua được mắt ai. Mọi ánh nhìn đang đổ dồn về phía cô, và cô cảm thấy lúng túng.
– Tôi không thể ngốc đến mức này được, đừng nói với tôi là tôi vừa bỏ lỡ một cơ hội như vậy đấy nhé! Daldry thốt lên.
Alice vẫn không rời mắt khỏi phu nhân đại sứ giờ hiện đang đứng giữa một nhóm khách mời. Cô buông cánh tay Daldry rồi băng qua phòng, cố sức bước đi khoan thai bất chấp đôi giày cao gót.
Cô tiến lại chỗ đám khách mời đang vây thành vòng tròn quanh phu nhân đại sứ rồi lên tiếng.
– Tôi xin lỗi, thưa bà, tôi chắc mình thật bất kính tự ý đề nghị thẳng thừng với bà thế này nhưng bà có thể bớt chút thời gian nói chuyện với tôi được không, sẽ chỉ mất của bà vài phút thôi.
Daldry sửng sốt nhìn cảnh tượng.
– Cô ấy thật tuyệt phải không? Can thì thầm.
Daldry giật nảy mình.
– Anh làm tôi sợ đấy, tôi không nghe tiếng anh đến.
– Tôi biết, tôi cố tình làm thế. Thế nào, anh thấy hài lòng với người hướng dẫn viên tài giỏi của mình chứ? Việc đón tiếp thật đúng là ngoài lệ thường, anh không thấy thế sao?
– Tôi buồn phát ốm với những buổi dạ tiệc thế này.
– Đây là bởi vì anh không quan tâm đến những người khác, Can đáp.
– Anh nên biết tôi thuê anh làm hướng dẫn viên du lịch chứ không phải chỉ đạo viên tinh thần đâu.
– Tôi nghĩ sống có tâm hồn là một đặc ân đấy.
– Anh khiến tôi phát mệt, Can ạ. Tôi đã hứa với Alice là sẽ không động vào một giọt rượu nào, việc ấy khiến tâm trạng tôi không tốt, vậy nên anh làm ơn đừng có đổ thêm dầu vào lửa nữa.
– Anh cũng đừng đổ thêm rượu ra nữa nhé, nếu anh muốn giữ đúng lời hứa.
Rồi Can lẩn đi lặng lẽ đúng y như lúc xuất hiện.
Daldry tiến lại chỗ bàn bày tiệc, đủ gần Alice và phu nhân đại sứ để có thể rình nghe cuộc chuyện trò giữa họ.
– Tôi thành thực lấy làm tiếc vì chiến tranh đã cướp đi cha mẹ cô, và tôi hiểu là cô cảm thấy cần phải lần lại quá khứ của họ. Ngay ngày mai tôi sẽ gọi cho bộ phận lãnh sự và yêu cầu họ tìm kiếm giúp cô. Cô nghĩ cha mẹ mình đã tới Istanbul chính xác là vào năm nào?
Tôi không biết thưa bà, nhưng chắc chắn là trước khi tôi được sinh ra, bởi cha mẹ tôi không thể gửi gắm tôi cho ai được, có lẽ ngoại trừ cô tôi, nhưng nếu có thể thì hẳn bà ấy đã nói với tôi rồi. Họ quen nhau được hai năm thì tôi ra đời, tôi đoán có thể họ đã đi du lịch cùng nhau trong khoảng hai năm 1909 và 1910, sau đó mẹ tôi không có điều kiện đi xa nữa vì bà mang thai tôi.
– Việc tìm kiếm những thông tin kiểu này sẽ không quá khó, trừ khi đế quốc sụp đổ rồi hai cuộc chiến tranh nổ ra khiến những tài liệu lưu trữ cô quan tâm bị thất lạc. Nhưng giống như mẹ tôi, người cũng không còn trêm thế gian này nữa, vẫn thường nói với tôi: “Cái ‘không’ thì con đã có chắc rồi, vậy hãy thử liều mình với cái ‘có’ đi con gái” Hành động thôi, chúng ta tới làm phiền ngài tổng lãnh sự đi, tôi sẽ giới thiệu cô với ông ấy, đổi lại cô phải nói cho tôi biết tên người thợ đã may cho cô bộ váy này.
– Theo như trên mác áo gắn ở lớp lót thì nó là sản phẩm của một ông Christian Dior nào đó, thưa bà.
Phu nhân đại sứ hứa sẽ ghi nhớ cái tên này rồi nắm tay Alice, giới thiệu cô với ngài tổng lãnh sự, bà nói với ông lời thỉnh cầu mà bà hết sức lưu tâm vì nó liên quan đến cô bạn mới của bà. Ngài tổng lãnh sự hứa sẽ gặp Alice vào ngay cuối buổi chiều hôm sau.
– Thôi nào, phu nhân đại sứ nói, giờ thì chuyện của cô đã có người lo rồi, cô cho phép tôi quay về với nghĩa vụ của mình được chứ?
Alice cúi người chào rồi rút lui.
* * *
– Thế nào? Daldry lại gần hỏi Alice hỏi.
– Chúng ta có hẹn với ngài tổng lãnh sự vào giờ uống trà chiều mai.
– Thật đáng thất vọng, cô thành công ở tất cả những nơi tôi thất bại. Nhưng thôi, tôi nghĩ kết quả cuối cùng mới là quan trọng. Tôi hy vọng là cô thấy vui?
– Vâng, và tôi vẫn không biết phải cảm ơn anh thế nào vì tất cả những gì anh đã làm cho tôi.
– Cô có thể bắt đầu bằng cách bãi bỏ hình phạt và cho phép tôi uống một cốc nho nhỏ hay không? Chỉ một thôi, tôi xin hứa.
– Một thôi đấy, nhớ giữ lời nhé!
– Quân tử nhất ngôn, Daldry đáp rồi vụt biến mất về phía quầy bar.
Anh quay lại với một ly sâm banh dành cho Alice và một cốc đầy whisky.
– Anh gọi đây là một cốc à? Alice hỏi.
– Cô có trông thấy cốc thứ hai không? Daldry đáp, lộ rõ mánh lới của mình.
Dàn nhạc bắt đầu chơi một điệu valse, mắt Alice sáng lên long lanh. Cô đặt ly rượu lên khay của một người phục vụ rồi nhìn Daldry.
– Anh dành cho tôi một điệu valse chứ? Với bộ váy mà tôi đang mặc, anh không thể từ chối tôi được.
– Là vì…, Daldry ấp úng, mắt nhìn cốc rượu.
– Whisky hay là nhảy nào, anh phải chọn đi.
Daldry tiếc nuối bỏ lại cốc rượu, nắm lấy tay Alice rồi dẫn cô ra sàn nhảy.
– Anh nhảy giỏi quá, cô nói.
– Chính mẹ đã dạy tôi điệu valse, bà rất mê điệu này; bố tôi ghê sợ âm nhạc. Vậy nên nhảy…
– Vậy thì mẹ anh quả là một giáo viên tuyệt vời.
– Đây là lần đầu tiên tôi nhận được lời khen từ cô.
– Nếu anh muốn có lời thứ hai thì bộ smoking rất hợp với anh đấy.
– Thật kỳ cục, lần gần đây nhất tôi mặc smoking là để đến một dạ hội vô cùng tẻ ngắt ở Luân Đôn, ở đó tôi gặp lại cô bạn vẫn thường hay qua lại vài năm trước. Khi nhìn tôi, cô ấy thốt lên rằng bộ smoking cực kỳ hợp với tôi và rằng cô ấy suýt chút nữa thì không nhận ra tôi. Từ đó tôi suy nghĩ rằng những thứ mình vẫn mặc hàng ngày hẳn không tôn mình lên.
– Anh đã từng có ai chưa Daldry, ý tôi là ai đó thực sự quan trọng ấy?
– Rồi, nhưng tôi không muốn nói đến chuyện đó.
– Tại sao? Chúng ta là bạn bè, anh có thể tâm sự với tôi.
– Chúng ta mới là bạn thôi và vẫn còn hơi sớm để thổ lộ với cô những tâm sự kiểu thế. Vả lại chuyện ấy cũng không thực sự có lợi cho tôi.
– Vậy ra chính cô ấy đã bỏ anh! Anh đã đau khổ lắm phải không?
– Tôi không biết nữa, có lẽ thế, phải, tôi nghĩ vậy.
– Và anh vẫn còn nghĩ đến cô ấy?
– Có thể.
– Tại sao hai người không ở bên nhau nữa?
– Vì chúng tôi chưa bao giờ thực sự như vậy, hơn nữa đây là một câu chuyện dài và hình như tôi đã nói với cô là tôi không muốn nói đến chuyện đó kia mà.
– Tôi không nghe thấy anh nói thế bao giờ, Alice nói trong lúc đưa nhanh bước nhảy.
– Vì cô có nghe tôi nói bao giờ đâu, và nếu chúng ta mà tiếp tục quay lại với tốc độ thế này thì rốt cuộc tôi cũng sẽ giẫm lên chân cô thôi.
– Tôi chưa bao giờ được nhảy trong bộ váy đẹp thế này, giữa một căn phòng lớn thế này, lại càng chưa bao giờ được nhảy trước một dàn nhạc điêu luyện thế này. Tôi xin anh hãy để chúng ta quay càng nhanh càng tốt đi.
Daldry cười rồi dẫn bước Alice.
– Cô là một phụ nữ kỳ lạ, Alice ạ.
– Còn anh, Daldry, anh là một quý ông kỳ lạ. Anh biết không, hôm qua trong lúc đi dạo một mình chờ anh tỉnh rượu, tôi đã bắt gặp một ngã tư nhỏ hẳn sẽ khiến anh phát điên. Trong lúc băng qua đó, tôi đã lập tức hình dung ra cảnh anh đang về nơi ấy. Có một chiếc xe kéo tuyệt đẹp, những chuyến xe điện giao tránh nhau, hơn chục chiếc chiếc taxi, một chiếc ô tô cổ của Mỹ, loại có từ trước chiến tranh, khách bộ hành có mặt khắp nơi, và thậm chí còn có cả một chiếc xe ba gác được người đàn ông đẩy đi, anh sẽ thích mê à xem.
– Cô đã nhớ đến tôi trong lúc băng qua một ngã tư à? Thật thú vị khi nghĩ đến những thứ mà một nút giao thông gợi lên cho cô.
Điệu valse dừng lại, khách khứa vỗ tay chúc mừng nhạc công và vũ công, Daldry tiến về phía quầy bar.
– Đừng nhìn tôi như thế, cốc lúc nãy không tính, tôi mới chỉ kịp nhấp môi thôi. Được rồi, đồng ý, hứa là hứa. Cô thật khó chơi.
– Tôi có ý này, Alice nói.
– Tôi đang e sợ điều tồi tệ nhất đấy.
– Thế nếu chúng ta ra ngoài thì sao?
– Chuyện ấy thì tôi không phản đối, nhưng đi đâu?
– Đi dạo, đi dạo trong thành phố.
– Trong trang phục này sao?
– Chính xác.
– Cô còn điên hơn tôi tưởng, nhưng dù sao nếu chuyện đó khiến cô vui thì sao lại không chứ?
Daldry lấy áo khoác cho cả hai ở chỗ gửi đồ, Alice đợi anh trên bậc thềm.
– Anh có muốn tôi dẫn anh tới chỗ ngã tư thú vị kia không? Alice đề xuất.
– Tôi dám chắc là vào buổi tối chỗ đó không hấp dẫn lắm đâu; chúng ta nên đợi lúc trời sáng mới vào tận hưởng thú vui đó. Giờ tốt hơn hết là đi bộ đến chỗ đường ray dốc xuôi xuống phía eo biển Bosphore, bên bờ Karaköy.
– Tôi không biết là anh lại thông thuộc thành phố này đến vậy.
– Tôi cũng thế, nhưng suốt hai ngày vừa qua, những lúc ở trong phòng, tôi đã xem cuốn cẩm nang du lịch mình tìm thấy trên bàn đầu giường không biết bao nhiêu lần, rồi rốt cuộc cũng thuộc nằm lòng.
Họ xuôi theo những con ngõ nhỏ ở khu Beyoğlu cho đến tận bến đường sắt cáp treo nối giữa phố với Karaköy. Khi tới chỗ quảng trường nhỏ Tünel, Alice thở dài rồi ngồi xuống một ụ đá.
– Chúng ta hãy quên chuyến đi dạo dọc eo Bosphore đi, tạt vào quán cà phê nào gặp trước tiên đã, tôi xóa bỏ hình phạt, anh có thể uống gì thì uống. Tôi vừa trông thấy một quán, hơi xa một chút so với tôi nhưng có lẽ đó là quán gần nhất.
– Cô nói gì thế? Nó cách đây chừng năm chục mét. Hơn nữa tôi thấy đi tàu cáp treo cũng hay đấy chứ, đây là một trong những hệ thống cổ nhất thế giới. Khoan, đợi một phút, có phải tôi vừa nghe thấy cô nói là xóa bỏ hình phạt không? Ở đâu bỗng nảy ra lòng độ lượng này thế? Đôi giày khiến cô phải chịu cực hình, đúng không?
– Đi bộ trên đường phố lát gạch với giày cao gót quả là chẳng khác gì bị tra tấn.
– Vậy cô hãy bám vào vai tôi. Lát nữa chứng ta sẽ về bằng taxi.
Bên trong quán cà phê nhỏ mọi thứ trái ngược hoàn toàn với bầu không khí ở phòng tiếp khách lớn tại lãnh sự quán. Ở đây, họ chơi bài, họ cười rồi hát, nâng cốc vì tình bằng hữu, vì sức khỏe người thân, vì những ngày qua, vì lời hứa hẹn một tương lai với công việc làm ăn mang lại nhiều lợi nhuận hơn, họ chạm cốc vì mùa đông trên eo Bosphore vẫn khiến trái tim thành phố đập nhịp từ hàng thế kỷ nay, đặc biệt đông năm nay thật dịu ngọt, họ càu nhàu vì đám tàu thủy lưu lại bến quá lâu, vì giá cả sinh hoạt không ngừng tăng lên, vì đám chó hoang tràn ngập khắp vùng ngoại ô, họ chê trách hội đồng thành phố vì lại một dinh thự nữa bị thiêu rụi và những di sản cứ tan thành mây khói trong tay những kẻ khởi xướng vô liêm sỉ; rồi họ lại cụng ly vì tình anh em, vì khu chợ lớn mà đám du khách thường xuyên lui tới.
Mấy người đàn ông ngồi ở bàn bỏ lơi ván bài trong giây lát khi nhìn thấy hai du khách nước ngoài bước vào trong trang phục dạ hội. Daldry phớt lờ bọn họ, anh chọn ngay một bàn ở chỗ dễ thấy rồi gọi hai ly rượu raki.
– Tất cả mọi người đều đang nhìn chúng ta, Alice thì thầm.
– Tất cả mọi người đều đang nhìn cô, cô bạn thân mến ạ, hãy xem như không hề có chuyện gì và uống đi.
– Anh có nghĩ là bố mẹ tôi từng dạo chơi ở những con hẻm này không?
– Ai mà biết được? Rất có thể, có lẽ mai chúng ta sẽ rõ thôi.
– Tôi thích tưởng tượng ra cảnh hai người đều ở đây, cùng nhau thăm thú thành phố, tôi thích nghĩ rằng mình đang đi theo bước chân họ. Có lẽ họ cũng kinh ngạc thán phục khi ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên những đồi cao ở khu Beyoğlu, có lẽ họ cũng đã tay trong tay rảo bước trên một đường lát đá dọc mấy con hẻm chạy quanh những ruộng nho cũ ở khu Pera, dọc theo eo biển Bosphore… Tôi biết, như thế thật ngốc, nhưng tôi nhớ bố mẹ.
– Như thế chẳng có gì là ngốc cả. Tôi sẽ tiết lộ với cô một chuyện; không còn có thể có thể trách cứ cha mình về những lộn xộn trong cuộc sống riêng cũng khiến tôi nhớ ông khủng khiếp. Tôi chưa bao giờ dám hỏi cô điều này, nhưng họ…?
– Họ chết như thế nào phải không? Đó là một tối thứ Sáu tháng Chín năm 1941, chính xác là ngày mùng 5. Như mọi thứ Sáu khác, tôi xuống dùng bữa tối với bố mẹ. Thời ấy tôi sống trong căn hộ một phòng ở tầng trên căn hộ của bố mẹ tôi. Tôi đang tranh cãi với bố trong phòng khách, mẹ tôi thì nằm nghỉ trong phòng ngủ, bà bị cúm. Những hồi còi báo động bắt đầu rít lên. Bố lệnh cho tôi xuống hầm trú ẩn, ông đi giúp mẹ mặc đồ và hứa chúng tôi sẽ sớm gặp nhau. Tôi những muốn ở lại giúp ông nhưng bố nài nỉ tôi đi, tôi có nhiệm vụ phải tìm một chỗ nằm thoải mái ẹ trong hầm đề phòng lệnh báo động kéo dài. Tôi vâng lời. Quả bom đầu tiên phát nổ khi tôi đang băng qua phố, gần đến mức sức ép hất tôi ngã sấp xuống đất. Lúc tôi hoàn hồn quay người lại, tòa nhà nơi chúng tôi ở đã bốc cháy. Sau bữa tối, tôi đã muốn vào hôn mẹ trong phòng ngủ nhưng lại không làm thế vì sợ khiến bà thức giấc. Tôi không bao giờ được gặp lại bà nữa. Tôi không bao giờ được chào tạm biệt họ nữa. Thậm chí tôi còn chẳng thể chôn cất họ. Khi lính cứu hỏa dập tắt đám cháy, tôi lùng sục trên đống đổ nát. Chẳng còn lại gì, không chút dấu vết của cuộc sống chúng tôi từng có, không còn gì về tuổi thơ tôi. Tôi tới ở với người cô sống tại đảo Wight và lưu lại đó đến khi chiến tranh kết thúc. Phải mất một thời gian tôi mới đủ sức trở lại Luân Đôn. Gần hai năm. Tôi sống ẩn dật trên hòn đảo của mình, tôi biết rõ từng vũng áng, từng bãi biển, từng ngọn đồi ở đó. Và rồi cuối cùng cô tôi đã khiến tôi thức tỉnh. Cô buộc tôi tới thăm bạn bè. Tôi chỉ còn họ trên thế gian này. Chúng ta giành chiến thắng trong cuộc chiến, một tòa nhà mới được dựng lên, dấu vết của thảm kịch bị xóa sạch, cũng giống như cuộc đời của bố mẹ tôi và bao người khác. Những cư dân mới trong tòa nhà không hay biết, cuộc sống lại tiếp tục vòng quay của mình.
– Tôi thực lòng rất lấy làm tiếc, Daldry khẽ nói.
– Thế còn anh, anh làm gì trong chiến tranh.
– Tôi làm việc trong một đơn vị quân nhu. Tôi không đủ điều kiện sức khỏe để ra trận, một trận lao nặng đã để lại di chứng trong phổi tôi. Tôi giận điên người, thậm chí tôi còn nghi ngờ bố đã dùng ảnh hưởng tác động đến bác sĩ quân y để họ loại tôi. Tôi toàn tâm toàn sức xoay xở để được nhập ngũ rồi cuối cùng vào được một đơn vị tình báo, hồi giữa năm 1944.
– Vậy là dù sao anh cũng đã tham gia, Alice nói.
– Chỉ bên bàn giấy thôi, chẳng có gì vẻ vang cả. Mà chúng ta nên đổi chủ đề thôi, tôi không muốn lãng phí buổi tối nay; là lỗi của tôi, lẽ ra tôi không nên thọc mạch thế.
– Chính tôi đã bắt đầu đặt những câu hỏi thọc mạch đấy chứ. Đồng ý, chúng ta nói chuyện gì vui hơn đi. Cô ấy tên gì?
– Ai kia?
– Cô gái đã bỏ anh và khiến anh đau khổ ấy.
– Qun niệm của cô về những thứ vui vẻ thật là kỳ cục!
– Sao lại phải bí mật thế? Cô ấy trẻ hơn anh nhiều à? Thôi nào, kể cho tôi nghe đi, cô ấy tóc vàng, hung hay nâu?
– Xanh lét, cô ấy xanh lét từ đầu đến chân với cặp mắt lồi, bộ giò cực đại đầy lông lá. Chính vì thế mà tôi không tài nào quên được cô ấy. Rôi, giờ nếu cô còn đặt thêm bất cứ câu hỏi nào vể cô ấy, tôi sẽ tự thưởng ình một ly raki nữa.
– Gọi hai ly đi, tôi sẽ nâng cốc cùng anh!
* * *
Quán cà phê đóng cửa, thời gian trôi nhanh hơn họ tưởng và chẳng còn thấy bóng dáng một chiếc taxi hay dolmuş nào qua lại trên những con phố nhỏ gần quảng trường Tünel.
– Để tôi nghĩ xem nào, hẳn phải có giải pháp, Daldry nói lúc đèn trong cửa tủ kính của quán cà phê vụt tắt sau lưng họ.
– Tôi có thể đi bằng tay để về khách sạn nhưng như thế có nguy cơ làm hỏng váy, Alice vừa đề xuất vừa cố lộn nghiêng mình.
Daldry đỡ kịp khi cô ngã nhào.
– Nhưng cô say mất rồi, tôi đảm bảo đấy.
– Đừng có phóng đại lên thế, hơi chếnh choáng thì đúng hơn, chứ say là nói quá rồi.
– Cô nghe thấy mình nói không? Thậm chí còn chẳng phải giọng cô nữa, nghe cứ như giọng bà bán hoa quả rong bốn mùa ấy.
– Vậy à, buôn bán các mùa quả là một nghề rất hay, hai dưa chuột, một cà chua và một mùa xuân, nhanh nào! Tôi sẽ cân cho ông, thưa quý ông của tôi và tôi sẽ bán cho ông với giá chỉ nhỉnh hơn giá buôn mười phần trăm để bù vào chi phí vận chuyển. Đây là vì ông trông cũng tử tế, mà tôi lại đang muốn dọn hàng sớm, Alice cố tình giả giọng giống đến mức nghe cứ như dân chợ búa đang nói.
– Càng lúc càng tệ. Cô ấy say khướt rồi!
– Cô ấy hoàn toàn không say và với những gì anh đã dính mũi vào từ khi chúng ta ở đây thì anh không ở đúng chỗ để lên lớp tôi đâu! Mà anh đang ở đâu thế?
– Ở ngay bên cạnh cô thôi… Phía bên này!
Alice quay sang trái.
– À, lại đây rồi. Chúng ta sẽ đi dạo dọc bờ sông chứ? cô vừa nói vừa tựa vào một cây đèn đường.
– Tôi không chắc lắm. Bosphore là một eo biển chứ không phải con sông.
– Càng tốt, tôi đang đau chân. Mấy giờ rồi?
– Hẳn quá nửa đêm rồi và đêm nay là một ngoại lệ, không phải có xe bốn bánh mà chính công chúa mới biến thành quả bí ngô.
– Tôi hoàn toàn không muốn về khách sạn chút nào, tôi muốn quay lại nhảy ở lãnh sự quán… Anh nói gì về quả bí ngô thế?
– Không có gì! Được rồi, bệnh nào thuốc nấy.
– Anh làm gì vậy? Alice hét lên trong khi Daldry xốc cô vác lên vai.
– Tôi đưa cô về khách sạn. Anh sẽ hộ tống tôi đến cổng trong một cái bao thư à?
– Nếu cô muốn, Daldry đáp rồi ngước mắt lên trời.
– Nhưng tôi không muốn anh để tôi lại chỗ người gác cửa, được chứ?
– Dĩ nhiên, giờ thì im lặng cho tới khi đến nơi nhé.
– Có một sợi tóc vàng trên lưng áo smoking của anh, tôi đang tự hỏi tại sao nó lại ở trên đó được. Thêm nữa tôi nghĩ là mũ mình vừa rơi rồi, Alice lầm bầm rồi thiếp đi.
Daldry quay lại trông thấy chiếc mũ dạ lăn xuống cuối con hẻm rồi kết thúc hành trình của mình trong rãnh nước lề đường.
– Tôi e là chúng ta sẽ phải mua cái khác thôi, anh lầm bầm.
Anh ngược lên con phố dốc, hơi thở của Alice cứ chọc cù vào tai anh, nhưng anh không thề làm được gì.
* * *
Anh đi dạo với bố, kể với ông về những dự định của mình. Anh sắp bắt tay thực hiện một bức tranh lớn vẽ cảnh đồng hoa bia rộng mênh mông bao quanh khu ruộng đất. Bố anh thấy đây quả là một ý tưởng tuyệt đẹp. Cần thúc nhanh việc giao chiếc máy kéo để vẽ nó vào bức tranh. Ông vừa mới mua một cái mới toah của hang Fergusson, được chuyển bằng đường thủy từ Mỹ sang. Daldry bối rối, anh đã hình dung ra cảnh những nhánh hoa bia bị gió thổi rạp xuống, một khoảng vàng mênh mông bất tận chiếm phân nửa tác phẩm, đối lập với những sắc xanh nhạt dần biểu thị hình ảnh bầu trời. Nhưng bố anh lại có vẻ hết sức sung sướng khi cái máy kéo mới của ông được vinh danh… Anh sẽ phải nghĩ về chuyện này, có lẽ nên thể hiện nó bằng một nét phẩy màu đỏ ở phía dưới bức tranh, bên trên một chấm đen biểu thị cho trang trại.
Cánh đồng hoa bia cùng một chiếc máy kéo dưới bầu trời bao la, đó thực sự là một ý hay. Bố mỉm cười với anh rồi vẫy tay chào, khuôn mặt ông hiện ra giữa những đám mây. Một hồi chuông vang lên, một hồi chuông xa lạ cứ kéo dài, kéo dài mãi…
Tiếng chuông điện thoại đưa Daldry từ giấc mơ giữa vùng quê nước Anh về với ánh ngày nhợt nhạt trong căn phòng khách sạn ở Istanbul.
– Tạ ơn Chúa! anh thở dài rồi nhõm dậy.
Anh quay sang phía bàn đầu giường nhấc ống nghe.
– Daldry nghe đây.
– Anh đang ngủ à?
– Giờ thì không… trừ khi ác mộng lại tiếp tục.
– Tôi đánh thức anh à? Tôi rất lấy làm tiếc, Alice xin lỗi.
– Cô không phải thế đâu, tôi sắp vẽ một bức tranh hẳn sẽ biến tôi thành một trong những họa sĩ phong cảnh đại tài nửa cuối thế kỷ XX, tốt hơn hết là tôi nên thức dậy càng sớm càng tốt. Ở Istanbul giờ là mấy giờ rồi?
– Gần trưa. Tôi cũng vừa mới dậy, tối qua chúng ta về muộn lắm à?
– Cô có thực sự thiết tha với những gì tôi sắp nhắc lại về đoạn cuối buổi dạ hội hôm qua không?
– Tôi chẳng còn nhớ gì cả. Anh nghĩ sao nếu chúng ta đi ăn ở bến cảng trước khi tới lãnh sự quán?
– Bầu không khí thoáng đãng sẽ làm ta dễ chịu. Ngoài trời thế nào? Tôi vẫn còn chưa kéo rèm lên.
– Thành phố tắm mình trong ánh mắt trời, Alice đáp, anh chuẩn bị nhanh lên rồi chúng ta gặp nhau dưới sảnh.
– Tôi sẽ đợi cô ở quầy bar, tôi cần uống một tách cà phê.
– Ai bảo là anh sẽ xuống được đó trước?
– Tôi hy vọng là cô đang đùa đấy chứ?
* * *
Vừa bước xuống cầu thang, Daldry đã trông thấy Can đang ngồi ở sảnh, khoanh tay trước ngực, mắt nhìn anh chằm chằm.
– Anh ở đây lâu chưa?
– Từ tám giờ sáng nay, ngài tự tính xem, thưa Quý Ngài.
– Xin lỗi nhưng tôi không biết là chúng ta có hẹn.
– Tôi xuất hiện vào buổi sáng cũng là bình thường thôi. Quý Ngài chẳng đã thuê tôi còn gì?
– Nói xem anh tính tiếp tục gọi tôi như thế bao lâu nữa? Nghe thật nực cười và khó chịu.
– Chỉ khi nào tôi tức anh thôi. Tôi đã sắp xếp hẹn với một người thợ làm nước hoa khác, nhưng đã quá trưa…
– Tôi muốn uống một tách cà phê, chúng ta bàn sau nhé, Daldry nói rồi bỏ Can lại.
– Ngài có thèm muốn nào đặc biệt dành cho thời gian còn lại trong ngày không, thưa Quý Ngài! Can hét lên sau lưng anh.
– Muốn anh để tôi được yên!
Daldry ngồi vào quầy, không tài nào rời mắt khỏi Can vẫn đang đi đi lại lại ngoài sảnh. Anh rời ghế đầu quay lại chỗ anh ta.
– Tôi không muốn tỏ ra khó chịu đâu. Để chuộc lỗi, tôi sẽ cho anh nghỉ ngày hôm nay. Dù sao thì tôi cũng đã hứa đưa cô Alice đi ăn rồi sau đó chúng tôi có hẹn ở lãnh sự quán. Mai anh quay lại đây gặp chúng tôi, vào giờ hợp lý hơn, tầm cuối buổi sáng nhé, chúng ta sẽ đi gặp người thợ làm nước hoa của anh.
Rồi sau khi tạm biệt Can, Daldry quay lại quầy bar.
Sau khoảng mười lăm phút, Alice tới gặp anh ở đó.
– Tôi biết, anh nói trước khi cô kịp mở lời, tôi đã tới trước, nhưng cũng chẳng có gì vẻ vang cả, chỉ là cô đã không gặp may.
– Tôi mải tìm cái mũ, vì thế nên mới xuống muộn.
– Thế cô có thấy không? Daldry ranh mãnh hỏi.
– Dĩ nhiên rồi! Nó nằm ngay ngắn trên ngăn tủ quần áo của tôi.
– Vậy à, thảo nào trông cô vui vẻ thế! Thế còn bữa trưa bên bờ biển thì sao, cô vẫn đi chứ?
– Kế hoạch thay đổi. Tôi vừa định bảo anh, Can đã nhẫn nại đợi ở sảnh, anh ấy thu xếp dẫn chúng ta đi thăm khu chợ lớn bazar, thật hết sức đáng yêu. Tôi mừng đến phát điên, tôi vẫn mơ về nơi đó. Khẩn trương lên, cô nói, tôi đợi anh bên ngoài nhé.
– Tôi cũng vậy, Daldry nghiến rang nói trong lúc Alice đã đi xa. Nếu may mắn, tôi có thể tìm một góc vắng vẻ mà bóp cổ tay hướng dẫn viên này.
Xuống xe điện, họ tiến về phía mặt Bắc cửa đền thờ Beyazit. Đến cuối quảng trường, họ vào một con phố hẹp, hai bên là những quầy sách cũ cùng quầy hàng của thợ khắc. Họ đã lang thang khắp các lối đi trong khu chợ lớn được một tiếng đồng hồ mà Daldry vẫn không nói một lời, Alice hớn hở chỉ chú tâm vào những giai thoại Can kể.
– Đây là khu chợ có mái che lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, anh chàng hướng dẫn viên tự hào thông báo. “Bazar” có nguồn gốc từ tiếng Ả rập. Thời xưa, người ta gọi nơi này là Bedesten, vì trong tiếng Ả rập bedes có nghĩa là “len”, mà trước kia đây chính là nơi bán len.
– Còn tôi thì là con cừu đang theo đuôi chàng mục đồng, Daldry lẩm bẩm.
– Ngài nói gì vậy, thưa Quý Ngài? Can quay lại hỏi.
– Không có gì, tôi vẫn kính cẩn nghe anh đây, anh bạn thân mến ạ, Daldry đáp.
– Bedesten cổ nằm chính giữa khu chợ lớn, nhưng giờ ở đó là những cửa hàng vũ khí cổ, đồ đồng cũ và đồ gốm sứ ngoại lệ thường. Ban đầu toàn bộ được dựng lên bằng gỗ. Nhưng rủi thay cả khu đã bị cháy rụi hồi đầu thế kỷ XVIII. Khu chợ gần giống một thành phố có mái che với những mái vòm lớn, ngẩng đầu lên là các vị có thể thấy và đừng có hờn dỗi nếu một số người thấy được điều tôi muốn nói! Ở đây có đủ mọi thứ, đồ trang sức, áo lông thú, thảm len, đồ mỹ nghệ, dĩ nhiên là nhiều hàng nhái, nhưng một số món rất tuyệt đẹp nếu có con mắt giám định biết đào bới ra chúng nữa…
– Đám lộn xộn này, Daldry lại càu nhàu.
– Nhưng rốt cuộc thì anh làm sao thế? Alice phản đối, những điều anh ấy giải thích cho chúng ta thật lý thú, có vẻ như anh đang tâm trạng bực bội quá đáng.
– Không một chút nào, Daldry đáp trả. Tôi chỉ đói, thế thôi.
– Phải mất trọn hai ngày mới khám phá được hết tất cả các con hẻm, Can thản nhiên tiếp tục. Để tạo điều kiện cho chuyện bát phố kéo dài vài giờ của quý vị, các vị nên biết rằng khu chợ được tài tình chia thành các phường, mỗi phường đều được bảo dưỡng cẩn thận như các vị có thể nhận thấy. Trong mỗi phường tập hợp các sản phẩm theo từng ngành hàng. Chúng ta cũng có thể đến ăn tại một địa điểm tuyệt vời vì ở đó ta có thể tìm thấy những món ăn duy nhất có khả năng khiến Quý Ngài của chúng ta say mê.
– Anh ấy có cách gọi anh thật lạ thường. Anh thấy đó, nó rất hợp với anh đấy, “Quý Ngài”, thậm chí còn khá hài hước nữa, đúng không? Alice thì thầm vào tai Daldry.
– Không, hoàn toàn không, nhưng vì có vẻ như lối xưng hô ấy làm cả hai người vui nên tôi sẽ không phá hỏng thú vui của các vị bằng cách cứ để các vị tưởng rằng trò mỉa mai của anh ta động chạm được đến tôi.
– Giữa hai người xảy ra chuyện gì à? Hai người cứ như chó với mèo ấy.
– Hoàn toàn không! Daldry đáp với vẻ mặt của đứa trẻ bị phạt đứng góc lớp.
– Anh quả là xấu tính! Can thì tận tụy hết mực. Nếu anh đói đến mức ấy thì chúng ta đi ăn. Tôi đành bỏ cuộc đi dạo này và nếu như làm thế giúp anh tìm lại được nụ cười.
Daldry nhún vai rồi rảo bước, bỏ xa Can và Alice.
Alice dừng lại trước một cửa hiệu bán nhạc cụ, một cây kèn đồng cũ thu hút ánh nhìn của cô. Cô xin phép người bán hàng được nhìn gần hơn.
– Armstrong(1) từng chơi chính là cây kèn ấy, người bán hàng phấn khởi nói. Độc nhất vô nhị đấy, tôi không biết chơi nhưng một người bạn của tôi đã thử và anh ta ngay lập tức muốn mua, đó là một vụ mua bán đặc biệt, ông ta thêm.
Can xem xét nhạc cụ rồi nghiêng về phía Alice.
– Đồ giả đấy. Nếu cô tìm mua một cây kèn đẹp, tôi biết chỗ bán thứ cô cần. Để cái này xuống đi rồi đi theo tôi.
Daldry chỉ còn biết ngước mắt lên nhìn trời khi thấy Alice đi theo Can, chú tâm vào những lời khuyên anh chàng hướng dẫn viên đưa ra.
Can dẫn cô tới một cửa hàng nhạc cụ khác nằm trong con hẻm bên cạnh. Anh yêu cầu người bán giới thiệu với cô bạn anh những mẫu đẹp nhất, miễn là không phải vì thế mà là những mẫu đắc nhất, nhưng Alice đã phát hiện ra một cây đằng sau tủ kính.
– Đấy đúng là kèn Selmer chứ? cô vừa hỏi vừa cầm cây kèn lên.
– Chính hiệu đấy, nếu còn nghi ngờ thì cô cứ đi.
Alice nghe thử âm thanh của cây kèn.
– Một cây kèn bạc bốn piston, nó hẳn phải đắt lắm!
1. Louis Daniel Armstrong (1901-1971), nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng người Mỹ.
– Khi mặc cả ở khu chợ lớn thì người ta không làm thế đâu, thưa quý cô, người bán hàng vừa nói vừa cười niềm nở. Tôi còn muốn giới thiệu với cô một cây Vicent Bach nữa, Stradivarius của làng kèn, ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có duy nhất cây này thôi.
Nhưng Alice chỉ để mắt đến cây kèn Selmer. Cô nhớ đến Anton, anh từng đứng hàng giờ liền giữa giá rét để chiêm ngưỡng cũng mẫu kèn này trong tủ kính của một nhà buôn ở Battersea, không khác gì một tay mê ô tô chết ngất trước một chiếc Jaguar hay một con xe mang vẻ đẹp Ý. Anton đã chỉ dạy cho cô mọi điều về kèn, sự khác nhau giữa kèn piston và kèn bấm nút, kèn gõ đánh véc ni và kèn mạ bạc, về tầm quan trọng của chất liệu hợp kim vốn ảnh hưởng đến độ vang của kèn.
– Tôi có thể bán nó cho cô với giá phải chăng, người bán hàng ở khu chợ lớn nói.
Can nói gì đó bằng tiếng Thổ.
– Với một giá rất hời, người đàn ông chữa lại, bạn của Can cũng là bạn tôi. Tôi cũng tặng cô luôn túi đựng.
Alice trả tiền cho người bán hàng rồi, trước một Daldry dè dặt hơn bao giờ hết, bước đi với món đồ vừa mua.
– Tôi không hề biết rằng cô là chuyên gia về kèn, anh nói lúc theo gót cô. Cô có vẻ rất thạo.
– Đấy là bởi vì anh chưa biết hết mọi điều về tôi, Alice đáp vẻ đầy chế nhạo rồi rảo bước.
– Nhưng tôi đã bao giờ nghe cô thổi kèn đâu và có Chúa biết rằng tường ngăn giữa hai căn hộ của chúng ta dày đến mức nào đâu.
– Thế còn anh, chẳng phải anh cũng chẳng bao giờ chơi dương cầm còn gì?
– Tôi đã nói với cô rồi, đó là bà hàng xóm tầng dưới. Mà tóm lại thì sao nào? Đừng có nói với tôi là cô sẽ mang cái kèn của mình ra tận dưới cầu đường sắt mà thổi để làm phiền đến hàng xóm đấy nhé?
– Tôi tưởng anh đang đói cơ mà, Daldry? Tôi hỏi thế bởi vì tôi thấy phía trước có một quán ăn tồi tàn, giống như anh vẫn thích gọi thế, trông hoàn toàn không tồi chút nào.
Can bước vào quán trước tiên và ngay lập tức giành được cho họ một bàn trống, bất chấp hàng dài khách đang đợi đến lượt.
– Anh có cổ phần trong khu chợ hay bố anh chính là người sáng lập ra nó vậy? Daldry hỏi trong lúc ngồi xuống.
– Tôi chỉ đơn giản là hướng dẫn viên, thưa Quý Ngài!
– Tôi biết, và xuất sắc nhất Istanbul…
– Tôi bị lóa mắt vì cuối cùng anh cũng chân thành thừa nhận điều đó. Tôi sẽ đi gọi món cho các vị, thời gian trôi nhanh quá, lát nữa các vị còn cuộc hẹn ở lãnh sự quán nữa, Can đáp rồi tiến về phía quầy hàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.