Chuyện ở nông trại

Chương 9



Cái móng chẻ của Đấu Sĩ mãi vẫn chưa khỏi. Kế hoạch xây lại cối xay được khởi động ngay sau hôm ăn mừng chiến thắng. Đấu Sĩ không chịu nghỉ lấy một ngày, coi danh dự nằm ở chỗ không để ai thấy mình đau đớn. Đến tối, nó mới thú nhận riêng với Cỏ Ba Lá rằng cái móng đau rất khó chịu, Cỏ Ba Lá tìm cách chữa bằng cách nhai lá thuốc đắp lên đó, cả nó lẫn Benjamin đều cố gàn Đấu Sĩ bớt làm đi. “Phổi ngựa cũng không bền mãi được đâu,” nó khuyên như vậy. Nhưng Đấu Sĩ không nghe. Nó bảo mình chỉ còn một ham muốn thực sự cuối cùng: ấy là được thấy cái cối xay gió tiến một bước dài trước khi đến tuổi nghỉ hưu.

Buổi đầu, khi mới hình thành các luật lệ Trại Súc Vật, tuổi hưu quy định của ngựa và lợn là mười hai, bò sữa là mười bốn, chó là chín, cừu là bảy, gà ngỗng là năm. Chúng đã thỏa thuận mức trợ cấp hưu trí rộng rãi. Đến nay chưa con vật nào nghỉ hưu trên thực tế, nhưng gần đây, đề tài này được thảo luận mỗi lúc một nhiều. Bãi cỏ rào đằng sau vườn quả đã lấy trồng đại mạch, nên nghe đồn một góc bãi chăn lớn sẽ quây lại, biến thành khu gặm cỏ riêng cho lớp thú vật già cả. Lương hưu cho ngựa, nghe bảo thế, sẽ có năm pao ngũ cốc một ngày, mùa đông thì mười lăm pao cỏ khô, lễ tết được thêm củ cà rốt, có khi cả táo. Ngày sinh lần thứ mười hai của Đấu Sĩ rơi vào cuối mùa hè năm sau.

Còn bây giờ thì vẫn khó khăn. Mùa đông lạnh chẳng thua năm ngoái, thực phẩm còn kém hơn nữa. Lại lần nữa, khẩu phần bị cắt giảm, trừ lợn với chó là không. Khẩu phần mà công bằng cứng nhắc quá, Mồm Loa giải thích, là đi trái các nguyên lý Súc vật Chủ nghĩa. Dù sao nó cũng chẳng mất công nhiều mới chứng minh được cho số còn lại rằng bề ngoài có ra sao thì thực tế cũng không phải chúng thiếu thực phẩm. Trước mắt đúng là cần phải điều chỉnh lại khẩu phần (Mồm Loa bao giờ cũng nói “điều chỉnh lại”, chẳng bao giờ nói “cắt giảm”), nhưng so sánh với thời Jones thì đã tiến bộ vượt bậc. Giọng the thé, liến thoắng đọc các số liệu, nó dẫn ra rất chi tiết cho chúng biết rằng bây giờ yến mạch đã nhiều hơn, cỏ khô, củ cải cũng nhiều hơn dưới thời Jones, giờ làm việc ít hơn, nước uống ngon lành hơn, tuổi thọ kéo dài hơn, tỷ lệ con non sống qua giai đoạn sơ sinh tăng cao hơn, và rằng chuồng đã nhiều rơm hơn mà lại giảm rận rệp. Lũ súc vật nghe như nuốt từng chữ. Thực tế là, Jones và những gì thuộc về Jones đã sắp phai hẳn khỏi ký ức chúng rồi. Chúng biết ngày nay khổ cực, cơ hàn, chúng biết chính mình vẫn đói và rét, biết giờ nào không ngủ, giờ ấy nói chung đều làm việc. Nhưng hẳn nhiên ngày xa xưa còn tệ hơn nhiều. Chúng vui mừng mà tin như thế. Hơn nữa, thời đó chúng là nô lệ, còn nay chúng được tự do, mà như thế là khác về căn bản rồi, như Mồm Loa đã chẳng quên chỉ ra.

Bây giờ miệng ăn đông hơn xưa. Mùa thu qua, bốn lợn nái đã nằm chuồng gần như cùng lúc, sinh ra tổng cộng ba mươi mốt lợn con. Con nào con nấy toàn lợn lang, mà cả trại còn duy nhất Nã Phá Luân là lợn giống nên đoán gốc gác chúng cũng không khó. Có tuyên bố sau này mua được gỗ và gạch rồi sẽ xây trường trong vườn nhà chủ. Trước mắt, đàn lợn con được đích thân Nã Phá Luân dạy dỗ trong phòng bếp. Chúng tập thể dục trong vườn, được dặn không chơi với các con vật nhỏ khác. Cũng vào khoảng này bắt đầu có luật, nếu trên đường một lợn gặp một con vật khác, thì con vật kia sẽ phải nhường đường; thêm nữa, tất cả lợn, dù cấp bậc thế nào, cũng được vinh dự thắt nơ xanh vào đuôi mỗi Chủ nhật.

Năm ấy trại khá được mùa, nhưng tiền vẫn thiếu. Cần phải mua gạch cát vôi vữa để xây trường, lại còn phải bắt đầu dành dụm, chuẩn bị mua máy lắp cối xay nữa. Rồi còn dầu đèn và nến cho nhà chủ, đường ăn cho chính Nã Phá Luân (các lợn khác thì nó cấm, lấy lý do chúng sẽ bị béo), cùng với các món tiêu hao như dụng cụ, đinh, dây nhợ, than, dây thép, sắt vụn, bánh quy chó. Một kiện cỏ khô với một phần vụ khoai bán đi, hợp đồng cung cấp trứng tăng lên sáu trăm mỗi tuần, khiến năm đó gà mái suýt nở không đủ gà con để duy trì sĩ số. Khẩu phần tháng Mười hai đã giảm, sang tháng Hai lại giảm nữa, và đèn bão trong các chuồng bị cấm tiệt để tiết kiệm dầu. Nhưng đàn lợn trông vẫn phởn phơ, còn tăng cân là khác. Một chiều cuối tháng Hai, một mùi ẩm nồng thơm đến nhỏ nước dãi lũ súc vật chưa ngửi thấy bao giờ bay lửng lơ qua sân từ cái nhà nấu bia nhỏ đằng sau bếp, từ thời Jones đã bỏ không dùng. Có kẻ bảo là mùi đại mạch đang nấu. Lũ súc vật đói ngấu hít hà, tự hỏi không biết có phải cháo mạch nóng nấu cho chúng ăn tối không. Nhưng cháo nóng đâu chẳng thấy, chỉ thấy Chủ nhật sau có thông báo từ giờ trở đi, đại mạch sẽ dành hết để phần cho lợn. Bãi đất sau vườn quả đã gieo toàn đại mạch. Và tin tức nhanh chóng rò rỉ ra ngoài, bây giờ mỗi lợn sẽ được khẩu phần bia mỗi ngày nửa lít, riêng Nã Phá Luân được hai lít, lúc nào cũng bưng lên bàn trong liễn xúp Crown Derby.

Nhưng khổ cực hằng ngày cũng được phần nào bù đắp, vì đời sống nay đã giàu phẩm giá hơn trước rất nhiều. Ca hát nhiều hơn, diễn thuyết nhiều hơn, diễu hành cũng nhiều hơn. Nã Phá Luân đã ra lệnh tuần một lần tổ chức một buổi gọi là Tuần hành Tự phát, mục tiêu là ca ngợi đấu tranh và thắng lợi đạt được ở Trại Súc Vật. Tới giờ định trước, mọi con vật sẽ dừng việc, đi đều bước theo lối duyệt binh khắp các khu trong địa bàn trại, đi đầu là đàn lợn, tiếp đến đôi ngựa, đàn bò sữa, đàn cừu, đám gia cầm. Bầy chó kẹp hai bên đoàn diễu hành, trên đầu có gà trống đen của Nã Phá Luân. Luôn là Đấu Sĩ và Cỏ Ba Lá chia nhau căng cờ xanh sừng móng cùng khẩu hiệu “Đồng chí Nã Phá Luân muôn năm!” Tiếp đến là các tiết mục đọc thơ ca ngợi Nã Phá Luân, rồi bài trình bày của Mồm Loa kể cặn kẽ những tăng trưởng mới nhất trong sản xuất lương thực, rồi đôi lúc còn có cả bắn súng. Cừu là bọn hăng hái nhất trong chuyện Tuần hành Tự giác, và hễ có con nào than phiền (vài con vật vẫn làm thế nếu không thấy lợn hay chó đứng gần) rằng chuyện ấy vừa phí thời gian, vừa phải đứng rõ lâu ngoài trời lạnh, thế nào đám cừu cũng át giọng be tướng lên “Bốn chân tốt, hai chân xấu!” Nhưng nhìn chung lũ súc vật vẫn ưa những buổi lễ này. Chúng thấy ấm lòng vì được khẳng định lại, rốt cuộc, chúng vẫn làm chủ chính mình, và công sức lao động đây là để cho mình. Như thế, giữa những bài ca, những buổi diễu hành, những tràng số liệu của Mồm Loa, giữa tiếng súng gầm trời, tiếng gà gáy ran cùng tiếng cờ bay lật phật, chúng có thể tạm quên đi cái dạ dày đang đói meo, ít nhất là trong chốc lát.

Đến tháng Tư, Trại Súc Vật tuyên bố trở thành chính thể cộng hòa, và vì vậy cần phải tổ chức bầu Tổng thống, ứng cử viên chỉ có một, là Nã Phá Luân, được toàn thể súc vật đồng lòng bầu chọn. Đúng ngày hôm đó, có tin báo phát hiện thêm tư liệu phơi bày nhiều tình tiết mới về âm mưu của Tuyết Cầu đồng lõa với Jones. Bây giờ hóa ra không chỉ là Tuyết Cầu tìm cách lèo lái gây thua Trận Chuồng Bò, như lũ súc vật từng tưởng tượng, mà hắn còn công khai tham chiến cùng phe Jones. Thực tế là chính hắn đã dẫn đầu đoàn người xâm lược, và đã lao vào trận mà hô lớn “Con người muôn năm!” Thương tích trên lưng Tuyết Cầu, mà vài con vật vẫn nhớ đã nhìn thấy, chính là do răng Nã Phá Luân để lại.

Đến giữa hè, quạ Tiên Tri chợt quay lại trại sau mấy năm vắng bóng. Nó chẳng thay đổi gì, vẫn không làm việc, vẫn ca những bài cũ về Đỉnh Kẹo Bông. Nó hay đậu trên mỏm cây cụt vỗ đôi cánh đen, tán cả tiếng đồng hồ cho ai chịu nghe. “Trên kia ấy, các đồng chí ạ,” nó trịnh trọng nói, hất cái mỏ lớn lên trời, “trên kia, ngay đằng sau đám mây đen các đồng chí đang thấy kia – chính trên ấy là Đỉnh Kẹo Bông, xứ sở hạnh phúc cho lũ súc vật khốn khổ chúng ta nghỉ ngơi vĩnh viễn sau cảnh cần lao!” Nó còn khẳng định đã làm vài chuyến bay thật cao lên tận trên ấy, đã chính mắt thấy những đồng cỏ ba lá bất tận, bánh hạt lanh và đường viên mọc trên bờ giậu. Rất nhiều con vật tin lời nó. Cuộc sống bây giờ, chúng lý luận, thật đói khát và cực nhọc; chẳng phải có thế giới tốt đẹp hơn ở nơi khác là chuyện quá đúng, quá hợp lý hay sao? Có một chuyện khó đoán định là thái độ của đàn lợn với Tiên Tri. Tất cả đều khinh bỉ bảo Đỉnh Kẹo Bông của nó rặt bố láo, ấy vậy mà vẫn cho nó ở trại, không làm việc, lại phát cho mỗi ngày một vại nhỏ bia.

Khi móng đã lành, Đấu Sĩ làm còn hăng hơn trước. Thực tế là năm ấy mọi con vật đều làm quần quật như nô lệ. Ngoài việc hằng ngày ở trại và kế hoạch cối xay lần thứ hai, bắt đầu từ tháng Ba còn phải xây trường cho đàn lợn con. Có những lúc làm cả ngày đằng đẵng với cái bụng óp eo thật khó chịu đựng, nhưng Đấu Sĩ chẳng sờn lòng. Những điều nó nói, những việc nó làm chẳng tỏ dấu hiệu nào là sức lực nó không còn được như xưa. Chỉ bề ngoài là hơi đổi khác: lông không còn bóng như trước, hai mạng sườn to lớn hình như đã xọp vào. Xung quanh bảo “Đợi cỏ non mùa xuân Đấu Sĩ sẽ phổng ra ngay,” nhưng xuân tới, Đấu Sĩ vẫn không mập lại. Đôi lúc, trên con dốc lên đầu mỏ đá, khi nó căng cơ bắp ngăn tảng đá nặng nề níu xuống, dường như chẳng còn gì đỡ được nó không ngã khuỵu ngoài ý chí kiên cường. Những lúc đó, có thể thấy môi nó mấp máy câu “Tôi sẽ gắng sức hơn nữa”, nhưng không còn thốt được thành tiếng. Lại lần nữa, Cỏ Ba Lá và Benjamin cảnh báo nó hãy giữ gìn sức khỏe, nhưng Đấu Sĩ không nghe. Sinh nhật tuổi mười hai sắp đến rồi. Nó không màng gì nữa, miễn là tích lũy được kha khá đá trước khi nghỉ ăn lương hưu.

Một chiều hè muộn, bỗng khắp trại truyền tin Đấu Sĩ gặp chuyện. Nó đã ra ngoài một mình để kéo xe đá tới chỗ cối xay. Và tin đồn đúng là chuẩn xác. Vài phút sau, hai bồ câu đã lao về trại loan báo: “Đấu Sĩ ngã rồi! Anh ấy cứ nằm nghiêng không dậy được!”

Có đến nửa số gia súc trong trại chạy ùa lên gò cối xay. Đấu Sĩ nằm đó, giữa hai càng xe, cổ ngẫng ra nhưng không cất nổi đầu. Mắt nó đã kéo màng, sườn nó dấp mồ hôi. Khóe mép nó rỉ ra một vệt máu mảnh. Cỏ Ba Lá quỳ thụp xuống bên cạnh.

“Đấu Sĩ!” nó kêu thét lên, “anh sao thế?”

“Tại phổi thôi,” Đấu Sĩ yếu ớt đáp. “Không sao đâu. Tôi nghĩ là chẳng có tôi các bạn cũng xây được cối xay. Đá nhặt về cũng đã tương đối. Đằng nào tôi cũng chỉ còn một tháng làm việc nữa thôi. Thú thật với các bạn, tôi đã chờ mong ngày nghỉ hưu lâu rồi. Mà biết đâu, vì Benjamin cũng già rồi, bác ấy sẽ được nghỉ cùng lúc cho có người bầu bạn với tôi.”

“Chúng ta phải tìm người cấp cứu ngay,” Cỏ Ba Lá nói. “Ai đó chạy đi, báo ngay với Mồm Loa.”

Mọi con vật khác lập tức chạy ngược về nhà chủ báo tin cho Mồm Loa. Chỉ còn lại Cỏ Ba Lá cùng Benjamin, nó ngồi xuống cạnh Đấu Sĩ, vẫn không nói gì, chỉ lấy cái đuôi dài phẩy cho ruồi khỏi bu vào bạn. Chừng mười lăm phút sau thì Mồm Loa xuất hiện, tỏ vẻ thông cảm lo lắng hết sức. Nó nói Đồng chí Nã Phá Luân đã nắm tình hình sự cố hết sức đáng tiếc vừa xảy ra với một trong những lao động tiên tiến nhất trại, đồng chí ấy lo lắng khôn xiết nên đã thu xếp chuẩn bị gửi Đấu Sĩ đi chữa chạy ở nhà thương Willingdon. Tin đó làm lũ thú thấy có chút bất an. Trừ Mollie và Tuyết Cầu, chưa bao giờ có con nào rời trại, chúng cũng không thích để đồng chí ốm rơi vào tay con người. Nhưng Mồm Loa dễ dàng thuyết phục chúng hiểu rằng để viên thú y ở Willingdon chữa trị cho Đấu Sĩ tốt hơn nhiều so với để lại trại. Rồi khoảng nửa giờ sau, khi Đấu Sĩ đã hồi tỉnh phần nào, nó khó nhọc nhấc mình lên rồi cố tập tễnh về lại chuồng, nơi Cỏ Ba Lá và Benjamin đã trải sẵn nệm rơm êm cho nó.

Suốt hai ngày Đấu Sĩ không ra khỏi chuồng. Đàn lợn đã đưa đến một lọ thuốc lớn màu hồng lấy trong tủ thuốc phòng tắm, và Cỏ Ba Lá cho Đấu Sĩ uống ngày hai lần sau khi ăn. Tối tối, nó nằm trong chuồng nói chuyện với Đấu Sĩ, còn Benjamin thì đuổi ruồi. Đấu Sĩ tâm sự rằng nó không quá buồn phiền chuyện bị ngã. Nếu hồi phục tốt, nó còn có thể sống thêm ba năm nữa, và nó rất mong ngóng những ngày bình yên sống ở góc bãi chăn lớn. Đấy sẽ là lần đầu tiên nó có thời gian thong thả để học tập, và bồi bổ đầu óc. Nó tính, nó nói, sẽ dành phần đời còn lại để học nốt hai mươi hai chữ cái trong bảng chữ.

Dẫu sao Benjamin và Cỏ Ba Lá cũng chỉ ở bên Đấu Sĩ được sau giờ làm việc, mà cái xe thùng lại tới giữa ban ngày để mang nó đi. Súc vật cả trại còn đang làm cỏ cho củ cải, có một lợn giám sát, thì kinh ngạc thấy Benjamin từ khu chuồng trại chạy tế ra, vừa chạy vừa hí rát họng. Lần đầu tiên chúng thấy Benjamin kích động – thật thế, lần đầu tiên các con vật thấy nó phi nước đại. “Nhanh, nhanh lên!” nó thét lớn. “Lại đây ngay! Chúng nó đang đưa Đấu Sĩ đi!” Chẳng đợi lợn cho lệnh, tất cả bỏ dở việc chạy ùa trở lại sân. Quả nhiên trong sân đã đậu cái xe bít bùng lớn do một đôi ngựa kéo, trên thành xe có chữ, và có một người mặt mũi nham hiểm, đội mũ quả dưa thấp nóc, đang ngồi trên ghế xà ích. Còn chuồng Đấu Sĩ thì trống không.

Lũ súc vật xúm xít quanh xe. “Tạm biệt Đấu Sĩ!” chúng đồng thanh, “Tạm biệt!”

“Đồ ngốc! Đồ ngốc!” Benjamin hét lên, nhảy chồm chồm quanh chúng, móng guốc nhỏ giậm liên hồi. “Đồ ngốc! Các người không thấy thành xe viết gì à?”

Nghe thế lũ súc vật sững lại, yên ắng hẳn đi. Muriel mò mẫm đánh vần từng chữ. Nhưng Benjamin xô dê sang bên, đọc lớn giữa cảnh im lặng ghê người:

“ ‘Alfred Simmonds, Đồ Tể Ngựa & Nhà Nấu Keo, Willingdon. Chuyên bột xương da thuộc. Cũi có sẵn.’ Các người không hiểu thế là thế nào à?”

Tất cả súc vật la lên khiếp đảm. Đúng lúc đó gã ngồi trên mui quất ngựa và cỗ xe chạy nước kiệu ra khỏi sân. Lũ súc vật đều lao theo, la thét ầm ĩ. Cỏ Ba Lá gạt cả bọn xông lên trước. Cái xe bắt đầu tăng tốc. Cỏ Ba Lá cố ép chân cẳng phục phịch phải phi nước đại nhưng không nổi. “Đấu Sĩ!” nó gào lên. “Đấu Sĩ! Đấu Sĩ! Đấu Sĩ!” Và đúng lúc ấy, như nghe được tiếng huyên náo bên ngoài, khuôn mặt Đấu Sĩ với cái sọc trắng dọc sống mũi hiện ra trong ô cửa nhỏ đuôi xe.

“Đấu Sĩ!” Cỏ Ba Lá hét lên hãi hùng. “Đấu Sĩ! Ra khỏi đó! Ra khỏi đó ngay! Chúng đưa anh tới chỗ chết đấy!”

Tất cả đám thú hùa nhau gọi lớn, “Ra khỏi đó đi, Đấu Sĩ, ra khỏi đó đi!” Nhưng cỗ xe đã tăng tốc bứt khỏi chúng rồi. Đấu Sĩ có hiểu Cỏ Ba Lá vừa nói gì không cũng không rõ nữa. Nhưng phút chốc mặt nó đã rời khỏi ô cửa, có tiếng móng nện thình thình trong thùng xe. Nó đang cố đá bật cửa ra. Phải như lúc trước thì chỉ vài vó của Đấu Sĩ là cái xe tan thành củi. Nhưng than ôi! sức nó đã cạn rồi, chỉ một lát sau tiếng nện đã yếu dần rồi tắt mất. Tuyệt vọng, lũ súc vật tìm cách năn nỉ đôi ngựa kéo xe dừng lại. “Các đồng chí, các đồng chí ơi!” chúng hét với theo. “Đừng đưa chính anh em mình vào chỗ chết!” Nhưng hai con dã thú dốt nát xuẩn ngốc kia chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ quặt tai lại phóng nhanh hơn. Không thấy mặt Đấu Sĩ hiện ra bên cửa nữa. Có kẻ nghĩ ra cách chạy lên trước đóng cổng gỗ lán lại, nhưng đã muộn; một phút sau cỗ xe đã qua cổng, vùn vụt biến mất cuối đường. Từ đó không ai còn thấy Đấu Sĩ nữa.

Ba ngày sau có tin báo nó đã chết ở nhà thương Willingdon, dù đã được chăm sóc tận tình không con ngựa nào sánh được. Mồm Loa đến thông báo cho tất cả. Nó nói chính nó đã có mặt trong phút lâm chung của Đấu Sĩ.

“Thật là một cảnh tượng xúc động cả đời tôi mới thấy!” Mồm Loa tỉ tê, đưa móng lên gạt giọt nước mắt. “Tôi ở sát bên giường anh ấy đến phút cuối cùng. Và sau rốt, yếu đến gần như không nói được, anh thều thào vào tai tôi rằng điều buồn phiền duy nhất của anh là phải nhắm mắt khi cối xay còn dang dở. ‘Tiến lên, các đồng chí!’ anh thầm thì. ‘Hãy tiến lên nhân danh Khởi nghĩa. Trại Súc Vật muôn năm! Đồng chí Nã Phá Luân muôn năm! Nã Phá Luân lúc nào cũng đúng.’ Đấy là những lời giã biệt của anh, các đồng chí ạ.”

Đến đây, thình lình Mồm Loa đổi sắc mặt. Nó lặng yên một lát, và mắt nó ti hí ném những tia nhìn ngờ vực sang hai bên trước khi nói tiếp.

Gần đây có đến tai nó, nó bảo, rằng một lời đồn ngớ ngẩn, ác ý đã lan truyền khi Đấu Sĩ được đón đi. Vài con vật để ý thấy cỗ xe đưa Đấu Sĩ đi có viết chữ “Đồ Tể Ngựa”, đã vội vàng kết luận Đấu Sĩ bị bắt đi xẻ thịt. Đúng là không thể tin nổi, Mồm Loa kêu, có con vật nào lại ngu đến thế. Hiển nhiên, nó phẫn nộ rống lên, đuôi phất phất, nhảy loi choi từ chân này sang chân kia, hiển nhiên là lũ súc vật phải hiểu rõ Lãnh tụ yêu quý, Đồng chí Nã Phá Luân rồi chứ, sao lại có thể nghĩ thế được? Mà lời giải thực ra rất đơn giản, cỗ xe trước kia là của tay hàng thịt, sau đó được ông thú y mua lại, tên cũ vẫn chưa xóa đi. Hiểu lầm phát sinh là do đó.

Lũ súc vật nhẹ cả người khi nghe đến đó. Và khi Mồm Loa tiếp tục mô tả kỹ càng cảnh Đấu Sĩ từ trần, những chăm lo sát sao dành cho nó, những thuốc men đắt tiền Nã Phá Luân đã cho mua mà chẳng màng giá cả, thì chút ngờ vực nào sót lại cũng tiêu tan, nỗi buồn vì người đồng chí qua đời cũng vợi bớt nhờ ý nghĩ rằng ít ra nó cũng đã ra đi êm ái.

Nã Phá Luân thân hành đến dự cuộc họp sáng Chủ nhật sau, đọc một diễn văn ngắn ca ngợi Đấu Sĩ. Điều kiện không cho phép, nó nói, nên không thể mang nắm xương tàn của người đồng chí được toàn trại tiếc thương về chôn cất trong trại, nhưng nó đã ra lệnh lấy lá nguyệt quế trong vườn nhà chủ tết thành vòng lớn, gửi vào làng đặt trên mồ Đấu Sĩ. Mấy ngày nữa, đàn lợn dự định tổ chức tiệc lớn để tưởng niệm nó. Kết thúc bài nói, Nã Phá Luân nhắc lại hai phương châm ưa thích của Đấu Sĩ: “Tôi sẽ gắng sức hơn nữa” và “Đồng chí Nã Phá Luân lúc nào cũng đúng”; những câu ấy, nó bảo, rất xứng đáng cho mỗi con vật học tập làm phương châm của mình.

Vào ngày mở tiệc đã định trước, xe nông phẩm từ Willingdon đánh lên giao một thùng gỗ lớn cho nhà chủ. Đêm đó có tiếng hát hò ỏm tỏi, tiếp theo là tiếng gì nghe như cãi cọ eng éc, kết thúc chừng mười một giờ trong tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng. Trong nhà chủ đến trưa hôm sau không kẻ nào tỉnh giấc, lại có tin đồn rằng không biết từ đâu đàn lợn đã có tiền mua cho mình một két uýt ky nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.