Cõi Người Ta

CHƯƠNG 1



I.DẶM ĐƯỜNG BAY
Thủa ấy, vào năm 1926. Tôi vừa được tuyển dụng làm tập sự phi công đường dài của hãng Latécoère. Hãng này, trước Air-France và Aéropostale, từng chuyên trách liên lạc hàng không giữa Toulouse và Dakar. Tôi học nghề tại đó. Cũng như mọi đồng nghiệp khác, đến lượt tôi phải chịu những đợt thử thách dành cho những phi công tập sự trước lúc nhận cái vinh dự lái những chuyến chở thư tín. Những cuộc tập dượt lái thử các kiểu phi cơ, những lần di chuyển giữa Toulouse và Perpignan, những bài học buồn thiu về khí tượng ở tận một căn phòng sâu hút trong một xưởng giá băng. Chúng tôi sống trong mối e ngại những dãy núi Tây Ban Nha mà mình chưa được biết, và sống trong niềm tín phục, tôn kính những bạn đồng nghiệp lão thành.
Các vị này, chúng tôi vẫn thường gặp lại trong tiệm ăn. Họ khó tính và cách biệt. Khuyên bảo đàn em với giọng điệu kẻ cả kiêu kỳ. Mỗi khi có một người trong bọn họ từ Alicante hoặc từ Casablance về chậm, áo choàng da đẫm nước, nếu trong bọn chúng tôi có kẻ rụt rè hỏi thăm về chuyến bay ấy, thì những lời đáp cộc lốc của họ cùng với cảnh trời giông bão, đã tạo cho chúng tôi một thế giới hoang đường, một thế giới đầy những cạm bẫy hiểm nghèo, những gian nan bất trắc, những vách đá sừng sững đột ngột hiện ra, những cơn lốc cuồng loạn cơ hồ muốn lật nhào cổ thụ, bật rễ tùng bách như chơi. Thế giới của những con hắc long khổng lồ đứng chặn lối vào thung lũng, của những tràng chớp động vây bọc đầu non. Các bạn kỳ cựu kia đã khéo nuôi dưỡng lòng kính phục của chúng tôi. Và thỉnh thoảng trong đám người ấy có một kẻ bay đi không thấy trở về, thì ông trở thành thiên thu khả kính.
Cùng với những kỷ niệm kia, tôi nhớ lại chuyến trở về của Bury, người mà về sau sẽ tử nạn tại Corbières. Anh phi công lão thành này vừa ngồi vào giữa bọn chúng tôi và đang mệt nhọc dùng bữa, không nói một lời, hai vai còn nặng trĩu những cố gắng đã chịu đựng trong chuyến bay. Đó là vào tối một ngày trời xấu, một trong những ngày mà suốt con đường hàng không trời mây đen kịt tối sầm, núi rừng trùng điệp trước mắt phi công cùng theo nhau cuồn cuộn trôi trong một màu mực đen ngòm, giống như những khẩu thần công đứt mấu ầm ỹ lăn lông lốc trên boong chiếc tàu buồm thuở xưa.
Tôi nhìn Bury, tôi nuốt nước bọt, và cuối cùng đánh bạo xin hỏi liều xem cho biết chuyến bay của anh vừa rồi có phải gian nan lắm không.
Bury dường như không nghe tiếng tôi hỏi, anh nhíu trán, cúi gằm đầu trên đĩa ăn. Trên những chiếc máy bay trần, gặp trời xấu, người ta thò đầu ra ngoài kính cửa để nhìn cho rõ cảnh vật, thì gió lạnh tạt vào tai, rít lùng bùng trong đó mãi… Chợt Bury ngẩng đầu, như có vẻ đã nghe ra câu tôi hỏi, như có vẻ sực nhớ lại, và đột ngột buông tiếng cười rộ. Tiếng cười tuyệt diệu, Bury vốn rất ít khi cười, cái cười ngắn ngủi làm rạng ngời cơn nhọc mệt của anh. Anh không giải thích gì thêm nữa về sự đắc thắng của mình, anh nghiêng đầu lặng lẽ tiếp tục nhai. Nhưng trong phòng ăn xám xịt, ngồi giữa đám công chức nhỏ đang gắng gượng tìm cách quên đi những nhọc mệt rời rã ban ngày, thì người bạn có đôi vai nặng trĩu kia mang một vẻ cao nhã lạ thường. Qua cái bề ngoài cục mịch, ta nhìn thấy rõ vị thiên thần ảo diệu đã nhiếp phục con rồng đen.
Rồi tới ngày đến lượt tôi được gọi vào phòng ông giám đốc.
Ông điềm nhiên bảo:
– Ngày mai anh đi.
Tôi đứng yên, chờ ông cho phép lui gót. Nhưng im lặng một lúc, ông nói thêm:
– Anh đã rõ các chỉ thị rồi chứ?
Máy bay thời đó không đảm bảo như máy bay ngày nay. Nhiều lúc tự nhiên phát-động-cơ đột ngột vỡ toang, loảng xoảng phá-liệt hệt như tiếng chén dĩa bể. Mình lại đương đi về hướng vùng núi Tây Ban Nha, nơi không một chỗ hạ cánh tị nạn. “Ở đây, khi máy hỏng, thì phút chốc hỡi ôi! Phi cơ hỏng theo liền”, chúng tôi tự bảo mình như vậy. Nhưng một chiếc phi cơ hỏng, thay thế có khó gì. Điều cần yếu là đừng có dại dột mù quáng lao đầu bừa xuống núi. Vì thế cho nên mệnh lệnh ban ra nhất thiết cấm ngặt chúng tôi (nếu bất tuân, sẽ bị phạt rất nặng) không được bay qua các vùng biển mây mù mịt vây phủ các vùng núi non. Lúc máy hỏng, nếu phi công đang len lỏi bay giữa những dải mây trắng xóa, thôi chỉ còn có thể đâm đầu vào núi mà không biết, không hay.
Thế nên chị đêm ấy, một giọng nói chậm rãi đã nhấn mạnh vào những mệnh lệnh phải theo.
– Cái việc dùng địa bàn mà bay, giữa những biển mây xứ Tây Ban Nha, hừ, bảnh thật. Nhưng…
Giọng nói càng chậm rãi hơn:
– … Nhưng chớ nên quên rằng bên dưới những biển mây kia là ngàn năm ngủ mãi.
Bỗng dưng cái bình lặng phẳng lì đơn giản ta khám phá được mỗi khi nhô lên khỏi các tầng mây, bỗng dưng đối với tôi, cái thế giới đó đã mang một ý nghĩa lạ. Cái dịu dàng biến thành cạm bẫy. Tôi hình dung cái cạm bẫy bát ngát trắng phau kia đương nằm duỗi thân dàn trải ngay dưới bước chân mình; dưới kia, không như thiên hạ tưởng, dưới kia chẳng hề có nô nức của loài người, dập dìu của phố thị: dưới kia chỉ có lặng lẽ thiên thu, im lìm vạn thuở. Cái khoảnh tròn cuồn cuộn, trắng phau kia đã biến thành biên giới giữa hai cõi thực và hư, giữa hai bờ chân và ảo. Và tôi đã linh cảm một điều: một cảnh tượng chỉ có ý nghĩa nào là; được nhìn qua một nền văn minh, một nghề nghiệp, người dân miền núi cũng nhìn mãi những biển mây, nhưng họ không nhìn ra cái tấm màn hoang đường kỳ diệu kia trong đó.
Lúc ra khỏi phòng ông giám đốc, tôi cảm thấy một niềm kiêu hãnh thơ ngây. Tảng sáng ngày mai đây, tới lượt tôi lên đường, mang trách nhiệm về một số hành khách, mang trách nhiệm về chuyến thư tín sang Phi Châu, nhưng đồng thời cũng thấy tự thẹn. Tôi nhận ra quả thật mình chưa chuẩn bị được chu đáo. Tây Ban Nha không có nhiều nơi lánh nạn; gặp khi máy hỏng, biết tìm đâu một thửa ruộng để thoát thân. Trên bản đồ khô khan tôi cắm cúi tìm nhưng chẳng thấy một vài chỉ dẫn tôi đương cần. Lòng vừa ngại ngùng vừa kiêu hãnh, tôi tới phòng anh bạn Guillaumet để qua cái đêm trầm trọng. Guillaumet đã quen đi lại con đường ấy trước tôi. Guillaumet hẳn là phải biết nhiều bí quyết để nắm lấy chìa khóa mở ngõ Tây Ban Nha, tôi cần gặp Guillaumet để xin thụ nghệ.
Vừa tới phòng anh, anh tươi cười hỏi:
– Tôi biết tin rồi. Anh hài lòng chứ?
Anh mở tủ lấy chai rượu mạnh và hai cái cốc quay lại, vẫn tươi cười:
– Ta uống rượu mừng. Anh biết đó nhé, mọi sự trôi chảy êm ru.
Anh ta gieo niềm tin tưởng hồn nhiên như đèn tỏa ánh sáng, anh chính là người về sau sẽ phá kỷ lục lái tàu thư tín tại vùng Codillère des Andes và Nam Đại Tây Dương. Tối hôm ấy, mặc sơ mi trần, khoanh tay mỉm cười dưới ánh đèn, cái nụ cười hiền hậu bao dung, anh bảo tôi mấy lời giản dị: “Bão táp, sương mù, tuyết lạnh, thỉnh thoảng chúng sẽ làm khổ thân anh. Hãy nghĩ tới những người trước anh đã từng gặp những chuyện ấy rồi, và hãy hân hoan tự nhủ: chuyện gì thiên hạ làm được, thì bao giờ ta cũng có thể làm nên”. Tuy nhiên, tôi vẫn mở địa đồ ra và nhờ anh dù sao cũng nên cùng tôi xét lại cuộc hành trình. Và nghiêng thân dưới ánh đèn, tựa lên vai người bạn, tôi sống lại một phút giây bình thản của đời sống học sinh ngày cũ.
Nhưng bài học địa dư tối hôm ấy quả là một bài học dị thường. Anh Guillaumet không dạy tôi học về Tây Ban Nha; anh biến Tây Ban Nha thành một người bạn thân ái của tôi. Anh không hề nói qua về những song ngòi, về dân chúng, về súc vật xứ này. Anh không nói đến thành Guadix, nhưng lại nói tới ba cây cam quanh một cánh đồng gần thành Guadix: “Anh phải lưu ý tới ba cây cam ấy, phải coi chừng, ghi chúng vào bản đồ đi… ” Từ đó, ba cây cam kia chiếm nhiều chỗ trên tấm bản đồ hơn rặng núi Sierra Nevada. Anh Guillaumet không nói gì về thành Lorca, nhưng lại nói về một cái nông trại nhỏ ở gần Lorca. Một nông trại sống. Một nông trại linh hoạt. Và người chủ trại. Và vợ người chủ trại. Thế là bỗng dưng cặp vợ chồng này mang một ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với tôi – một cặp vợ chồng sống ở đâu đâu, cách biệt tôi một ngàn rưỡi cây số, lẩn bóng mơ hồ giữa không gian. Sống yên ổn nơi sườn non biệt lập, giống như những kẻ coi giữ hải đăng, cặp vợ chồng này sẵn sàng chạy đi tiếp cứu mọi kẻ lâm nguy.
Bài học tối hôm đó đã đánh thức những gì? Từ cõi lãng quên, từ miền xa vắng, từ những xứ cách biệt nghìn trùng, chúng tôi đã lôi ra và dựng dậy những hình hài, những ủy khúc chi li mà không một nhà địa lý học nào ở khắp thế giới có thể biết ra. Đối với một nhà địa dư học, thì con sông Ebre mới là đáng chú ý, vì nó chảy qua nhiều vùng đô thị lớn. Họ lưu tâm làm gì tới cái khe nhỏ len lỏi giấu thân trong lá cỏ ở phía Tây thành Motril? Bất quá nó chỉ nuôi dưỡng được vài ba chục đóa hoa mà thôi. “Anh phải coi chừng cái khe cỏn con đó nhé. Cánh đồng mủm mỉm, chỉ tại nó mà trở nên đáng sợ… Ghi vào ngay bản đồ đi”. A! Tôi sẽ ghi nhớ nhiều ngày cái con rắn thành Motril! Nó lập lòe tí tẹo, trông chả ra cái dạng gì gì nhiều cho lắm, thì với tiếng nước chảy xè xè, nó mê hoặc say sưa vài con ễnh ương ếch nhái, nhưng kỳ thật là tối ư nguy hiểm: nó giả vờ vô sự, nó duỗi thân thiu thiu ngủ, và nhắm mắt chỉ nửa con ngươi. Giữa thiên đường cánh đồng tế độ vớt trầm luân, nó duỗi dài mình mẩy dưới cỏ hoa, nằm chờ tôi cách chỗ tôi ngồi đây ngót hai nghìn cây số. Chỉ gặp nó một lần! Thôi cũng đủ tan rã mất thịt xương… 1
Tôi vẫn xin sẵn sàng chờ đợi những ba chục con cừu dàn trận sẵn nơi kia, bên sườn đồi sắp mở cuộc đánh úp: “Anh tưởng cánh đồng cỏ yên lành, vù một cái! Ba chục con cừu bỗng loạn cuồng tung vó ngay dưới bánh phi cơ… “. Và tôi chỉ đáp bằng một nụ cười đê mê kinh dị, trước sự hăm dọa hiểm ác kỳ tuyệt như thế kia.
Cứ từ từ như vậy, dưới ánh đèn chong, xứ Tây Ban Nha trong tấm bản đồ của tôi, cứ dần dà biến thành xứ sở của những chuyện thần tiên. Tôi vạch dấu chữ thập những nơi tị nạn, và những chỗ cạm bẫy. Tôi ghi dấu chỗ nông trại, chỗ ba mươi con cừu, chỗ dòng khe ẩn dạng. Tôi ghi thật đúng chỗ, cái vị trí của bà chủ trại, mà các nhà địa dư học đã bỏ qua.
Lúc từ giã Guillaumet, tôi cảm thấy hai chân cần bước đi, trong cái đêm đông giá buốt này. Tôi kéo cổ áo choàng lên và giữa đám người qua lại vô tình, tôi triền miên nghe máu tim mình tươi vui vỗ nhịp. Len lỏi sát nách những người không quen, tôi hân hoan với niềm riêng tâm sự. Họ không biết tôi, những người “du di man rợ” ấy, nhưng những ưu tư của họ, nhưng những hưng phấn ân tình của họ, chính tôi là kẻ được họ gửi gắm sớm hôm sau, lúc trời hồng dậy, tôi lên đường với những bọc thư tín mang theo. Chính trong tay tôi là chỗ của mộng đời họ ký thác. Cuộn thân mình trong chiếc áo choàng ấm áp, tôi bước đi theo nhịp bao dung của linh hồn lãnh tụ, nhưng nào họ có biết gì về tấm lòng tôi ân cần “hạ cố đến nhau” đâu.
Họ cũng chẳng hề lưu ý tới những lời nhắn gửi của đêm đông vì đâu mà hạ tứ gieo vàng cho riêng lòng lãnh tụ mông ân. Vâng, cái đêm tĩnh mịch này có liên can tới thịt xương của tôi đó. Và cơn bão tố nào đương soạn sửa, và sẽ gây rối rắm cho cuộc viễn du thứ nhất này, nào ai biết tới đâu. Tinh tú mờ dần, lần lượt tắt đi, những người qua đường hồn nhiên dạo gót, làm sao mà nhìn thấy cho ra? Tôi một mình cùng ngàn sao tâm sự. Tôi một mình đón nhận những lời ban báo về vị trí quân thù, trước khi mở cuộc đấu tranh…
Tuy nhiên những khẩu lệnh trầm trọng liên can tới đời tôi, thật ra tôi đã thọ lãnh bên cạnh những tủ gương sáng chiếu, rạng ngời những quà lễ Giáng Sinh. Trong những tủ hàng kia, dường như đã phơi bày, trong một đêm mùa đông kỳ vọng, tất cả những kho tang của mặt đất, và tôi đã đê mê hưởng thụ niềm thanh lạc của con người chực từ khước hết để ra đi. Tôi là một chiến binh đương bị hăm dọa: tôi lưu luyến làm gì những chuỗi hạt thủy tinh dùng để trang hoàng những buổi hội, tôi nặng tình chi nữa với những chụp đèn, với những quyển sách kia. Đứng tại đây, mà hình hài thể phách đã ký thác vào những mù sương vây phủ, những mây kéo tối sầm; đứng ở đây mà hồn phi công nghìn dặm đã nhấm thấy trước rồi, các vị chát những đêm bay.
Tôi được đánh thức dậy lúc ba giờ sáng. Tôi đẩy mạnh cánh cửa chớp, nhận thấy trời đang mưa trên phố, tôi trang nghiêm mặc áo quần.
Nửa giờ sau, ở vệ đường, ngồi bên chiếc va ly nhỏ, tôi chờ chiếc xe buýt đến. Biết bao bạn đồng nghiệp trước tôi, trong ngày được chuẩn nhận vào nghề, cũng đã từng ngóng đợi như tôi, lòng se se lại.
Từ góc đường, chiếc xe thời cũ đã nhô ra, tiếng kêu rầm rộ. Đến bây giờ tới lượt mình, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp cũ, được quyền ngồi trên chiếc ghế băng dài, chen giữa một ông ký nhà đoan chưa tỉnh ngủ và một vài công chức khác. Chiếc xe hôi mùi mốc, là hình ảnh những công sở bụi bặm, những bàn giấy cũ mòn, những cuộc đời tàn lụi. Cứ khoảng năm trăm thước, chiếc xe lại dừng, để chở thêm một thầy ký, một nhà đoan, một ông thanh tra nào nữa. Kẻ mới bước lên, buông tiếng chào, xen vào ghế; kẻ đã ngồi từ trước, chớm ngủ thiu thiu, cằn nhằn gù gật. Rồi mọi người cùng lần lượt lịm vào giấc thiu thiu. Trên các chặng đường trải đá gồ ghề phố Toulouse, chiếc xe đi, thật là điều ảo não… Và người phi công dặm trường ngồi chen trong đám công chức, thoạt tiên, chẳng có gì phân biệt hết… Nhưng những cột đèn cứ nối tiếp chạy dài, nhưng phi trường cứ càng gần thêm mãi, và chiếc xe chở khách cũ kỹ lắt lay kia chỉ còn là cái kén mốc, và con người từ trong đó lột xác bước ra.
Mỗi bạn đồng nghiệp cũng từng đã như tôi, một sớm mai tương tự, đã từng cảm thấy tại thân mình, trong hình hài kẻ thuộc hạ dễ bị tổn thương, chịu quyền uy của viên thanh tra cau có, bất chợt nảy nở ra con người mang trách nhiệm chuyến tàu thư đi Tây Ban Nha và Phi châu; bất chợt nảy ra con người lát nữa, giữa loạn cuồng sấm chớp, sẽ đương đầu với rặng núi Hospitalet nằm đen ngòm như một con hắc long… ba giờ sau, ấy thế; bốn giờ sau, lúc đã chiến thắng con rồng đen, người ấy sẽ hoàn toàn tự do tự mình định đoạt nên bay vòng eo biển hay nhào thẳng tới tấn công dãy núi Alcoy, đem gan liền ra thi tài đấu sức với bão tố, với biển rộng, rừng sâu.
Mỗi bạn đồng nghiệp lẫn lộn trong đám phi công vô danh dưới vòm trời đông đen kịt Toulouse, đã từng cảm thấy, dưới một buổi mai tương tự buổi mai này, cứ như lớn rộng mãi trong thân mình một vị chúa tối thượng năm giờ sau sẽ khởi sự tiện gió cất lìa dặm khơi, thả cánh bằng, nhằm phố Alicante mà hạ xuống, trong nắng hè chói rực ngày hạ huy hoàng, bỏ lại sau lưng cả một mùa đông phương Bắc, với mưa sầu tuyết hận phía sau…
Chiếc xe hàng cũ kỹ biến mất rồi, nhưng vẻ khắc khổ, điệu ì ạch gập ghềnh kia, tôi còn giữ nguyên trong kỷ niệm. Nó tượng trưng đầy đủ sự chuẩn bị, rèn luyện cần thiết để thâm cảm một niềm vui trong khổ nhọc của nghề mình. Mọi sự trong nghề này đều đơn giản một cách hãi hùng. Trong cõi đó, ba năm sau, tôi đã nhận được tin anh phi công Lécrivain chết, mà lời trao đổi không quá hai câu; Lécrivain, một trong số một trăm bạn đồng nghiệp trên một con đường bay, một ngày sương hoặc một đêm mù tối, đã đi vào cõi yên nghỉ thiên thu.
Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, cũng canh chầy tĩnh mịch, bỗng nghe trong bóng tối vị giám đốc lên tiếng hỏi viên thanh tra:
– Tối nay Lécrivain không thấy hạ cánh xuống Casablanca.
– A! Hả?
Và như sực tỉnh mộng dài, anh gắng cho tỉnh táo để tỏ lòng sốt sắng, anh hỏi thêm:
– A! Thế ư? Y không qua được? Y quay về?
Từ cuối chuyến xe khách, vẳng lên một lời đáp gọn lỏn: “Không”. Chúng tôi chờ nghe tiếp, nhưng không một tiếng nào thêm. Và giây khắc qua, giây khắc biến, càng rõ rằng cái tiếng “không” kia, là tuyệt-đối-tiếng-không; rằng không là không những Lécrivain đã không hạ cánh xuống Casablanca, mà cũng không bao giờ anh sẽ còn hạ cánh xuống bất cứ một nơi nào được nữa.
Buổi mai đó, buổi mai mở màn chuyến bay đầu tiên của tôi, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp, xin khuất mình nhận đủ các nghi tiết thiêng liêng của nghề nghiệp, và cảm thấy thiếu mất tự tin, lúc nhìn ra bên ngoài thấy con đường trải đá lấp loáng phản chiếu bóng đèn lồng. Trên đường, những vũng nước đọng, từng đợt gió bay qua làm lăn tăn mặt nước. Và tôi nghĩ: “Đây chuyến bay đầu… thật tình… ta không may mắn lắm.” Tôi ngẩng nhìn viên thanh tra: “Thế này có phải là xấu trời chăng?” Viên thanh tra mỏi mệt nhìn ra cửa kính: “Đâu có chắc gì?” Giọng ông cằn nhằn. Tôi tự hỏi: bằng dấu hiệu nào mới biết được trời xấu? Tối hôm qua, riêng với một nụ cười, anh Guillaumet đã xóa hết mọi triệu chứng không hay mà các bạn kỳ cựu đã làm chúng tôi e sợ, nhưng bây giờ tôi nhớ hết: “Kẻ nào không thuộc đường mình, thuộc từng đường sỏi, nếu y gặp một trận bão tuyết… thật đáng thương thay! A! Vâng! Thật đáng thương thay!…” Họ buộc lòng phải giữ thể diện với đàn em, họ lắc đầu nhìn chúng tôi chòng chọc với một lòng thương hại đáng bực phần nào, như chừng họ ái ngại nơi chúng tôi những lỡ lầm quá hồn nhiên dại dột.
Và thật vậy, đối với bao nhiêu kẻ trong chúng tôi, chuyến xe “buýt” này là nơi tị nạn cuối? Sáu mươi? Hay tám mươi người rồi? Cũng đã từng được chở đi do một tài xế lặng lẽ, một buổi mai mưa nhiều. Tôi nhìn quanh: lốm đốm sáng trong đêm, những chấm đỏ đầu điếu thuốc như điểm nhịp hồn tư lự. Những tư lự nhỏ nhoi giản dị của những công chức về già. Với bao nhiêu người trong bọn tôi, những bạn đồng hành này đã đóng vai những kẻ tiễn đưa lần cuối?
Tôi bắt gặp những câu tâm sự người ta thủ thỉ trao nhau. Tâm sự về bịnh tật, tiền tài, về những quẩn quanh gia đình cơ cực. Chúng cho thấy những vách tường tù ngục tẻ lạnh vây hãm những tấm thân kia. Và bất thình lình hiện ra trước mắt tôi khuôn mặt định mệnh.
Hỡi người công chức già, người bạn hiện diện nơi đây, chưa bao giờ có ai giúp anh lối thoát, anh cũng không chịu trách nhiệm gì về việc đó. Anh đã xây dựng cuộc sống bình thản của mình bằng cách trám kín mọi ngõ nhìn ra ánh sáng. Gió không thể đi về, vì mọi lối đều bị bít bởi xi măng. Anh giống như những con mối. Anh cuộn tròn trong ổn định túc mãn của anh, trong những tập tục cũ mòn, trong những thói lề ngột ngạt của cuộc sống địa phương, anh dựng bức thành u tối che lấp lối đi về của gió rộng trùng khơi, của sương hồng tinh tú. Anh không muốn bận lòng vì những vấn đề trọng đại, anh đã khó nhọc nhiều mới quên lãng thân phận con người anh. Anh không phải là một người cư trú trên một tinh cầu xê dịch, anh không tự nêu ra với mình những câu hỏi oái oăm: anh là người trưởng giả trung lưu phố Toulouse. Không ai nắm lấy hai vai anh mà đẩy mạnh, khi còn kịp lúc. Đến bây giờ, thì đã muộn. Thể chất đã khô, nguồn tim đã cạn, xương khớp cứng rắn rồi; kể tự bây giờ, không ai còn có thể đánh thức dậy trong người anh, ấy hồn nhạc sĩ, ấy mộng thi nhân, ấy nhà thiên văn học của thuở ban đầu, chắc chắn đã có lần từng cư trú trong con người của anh.
Tôi không phàn nàn gì về những cơn mưa nữa. Nghề nghiệp ảo diệu này mở rộng cho tôi một thế giới khác thường, và chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ đọ mặt với những con rồng đen, và những đầu non với những làn chớp xanh về vây quyện. Vâng, một thế giới mà lúc đêm tối về, tôi được thoát ly và đọc thấy phương hướng mình trong ánh vàng tinh tú.
Chúng tôi vào nghề theo lối đó, và khởi sự viễn du. Những cuộc hành trình, thường thường chẳng xảy ra chuyện gì cho lắm. Chúng tôi tiến sâu dần, sâu mãi vào những tầng thâm viễn của lĩnh vực mình, cũng như những kẻ lặn nước lành nghề lao mình lặn sâu xuống biển. Ngày nay thì lĩnh vực đó được khai phá kỹ càng. Người phi công, người thợ máy, người chuyên môn vô tuyến, không còn là những kẻ mạo hiểm phiêu lưu; họ khép mình ở trong phòng thí nghiệm. Họ tuân theo những trò xõa lộng của kim quay, họ không còn thuận theo tiết điệu linh hoạt phiêu bồng mở phơi trong nhịp hồn phong cảnh. Ở bên ngoài, núi non chìm trong tăm tối, nhưng chúng không còn là núi non nữa. Chúng trở thành những sức mạnh vô hình, cần phải được tính toán độ gần xa. Người chuyên vô tuyến, dưới bóng đèn, ngồi im ngoan ngoãn ghi những con số; người thợ máy dò hỏi bản đồ, người phi công sửa chữa lại tay lái cho đúng theo đường nếu những rặng núi xê xích, nếu những đỉnh núi nào anh đã định vượt qua bên phía sườn tả, bỗng chợt thấy hiện ra sừng sững trước mặt anh, trong lặng lẽ bí mật như một cuộc động binh quân sự. Còn những người chuyên vô tuyến canh phòng dưới đất, họ cũng ngoan ngoãn ghi chép trong cuốn sổ riêng, cũng trong phút giây ấy, chính những điều mà bạn đồng nghiệp trên phi cơ đọc ra: “Nửa đêm quá bốn mươi phút. Đường đi theo độ 230. Trên tàu yên ổn cả.”
Các đội phi hành ngày nay đều bay như vậy đó. Họ không có cảm giác là mình đang chuyển dịch. Như giữa biển ban đêm họ không dựa vào đâu để định hướng. Nhưng các máy móc đã đưa vào tràn ngập gian phòng sáng trưng này một rung động đều đều làm biến thể bản chất của nó đi. Nhưng giờ phút quay. Nhưng cả một pháp thuật vô hình cứ liên tiếp diễn ra trên các mặt kính, trong từng ngọn đèn vô tuyến, và trong các kim. Từng phút, từng giây, những cử chỉ ẩn mật, những tiếng nói chìm tắt, sự chú ý cẩn trọng kia, còn dọn đường đi cho huyền nhiệm tới. Và lúc giờ đã đến, người phi công hẳn nhiên là có thể dán đầu vào mặt kính mà đưa mắt nhìn ra. Từ hư vô, hoàng kim đã nảy hột; nó chói vàng rạng rỡ trong những ánh lửa nồng: trạm nghỉ tới rồi đây.
Ấy thế tuy nhiên chúng tôi ai cũng từng có biết những chuyến đi, mà bỗng dưng, dưới ánh sáng một quan điểm riêng biệt, lúc chỉ còn cách trạm nghỉ không xa, chúng tôi chợt thấy chơ vơ… còn đáng ngậm ngùi hơn thấy mình lạc loài đất xa xôi Ấn Độ. Như cả cuộc đời mất đi. Mong gì ngày trở lại.
Trường hợp đó, Mermoz đã gặp vào lần thứ nhất anh bay qua Nam Đại Tây Dương bằng thủy phi cơ. Chiều hôm đó, anh tiến vào vùng Pot-au-Noir. Anh nhìn thấy trước mặt những cơn gió biển từng trận nổi lên tung bão tố, từng vòi cứ quấn siết chặt lại từng phút từng giây, như nhìn thấy một bức thành đương dựng lên, rồi bóng đêm phủ xuống che dấu mất. Một giờ sau, anh len lỏi bay qua những đám mây, và bước vào trong một cõi bờ huyền hoặc.
Những vòi nước biển dựng đứng lên, cơn bão dồn dập cuốn lấy, quấn siết, đứng sừng sững như những cột trụ đen đủi khổng lồ của một điện đài. Chúng to ra ở hai đầu, chịu đựng sức nặng của vòm bão giông âm u thấp tịt đè xuống. Nhưng, xuyên qua những đường nứt nẻ của vòm đen giông gió, ánh sáng đổ xuống từng loạt long lanh, và vừng trăng tròn trịa bỗng sáng ngời lên giữa những cột trụ, vằng vặc soi trên mặt biển giá băng. Mermoz tiếp tục bay qua những đền đài hoang phế này, xuyên ngang, duỗi dọc, chếch chếch hướng từ đường ánh sáng này đến đường ánh sáng kia, vòng quanh những cột trụ khổng lồ, nghe hải triều cuồng nộ dấy lên ì ầm không dứt, anh bay suốt bốn giờ, dọc theo những lạch trăng lai láng, tìm hướng thoát ra khỏi điện đài. Cảnh tượng ấy đồ sộ hùng vĩ đến nỗi Mermoz khi thoát ra khỏi vùng Pot-au-Noir, mới chợt nhận thấy rằng, lúc còn lăn lóc “cuộc chơi” mình quên cả sợ.
Tôi cũng nhớ lại một trong những giờ vượt biên thùy cõi thực: những tin tức vô tuyến ở những trạm hàng không ven sa mạc Sahara, tối hôm ấy hoàn toàn sai bét cả, và gây nhầm lẫn một cách thật trầm trọng cho tôi và anh chuyên viên vô tuyến Néri. Cho đến lúc chợt nhìn thấy màu nước biển lấp loáng ở dưới kia, phía sau một hố sa mù, tôi vội bẻ lái quay về bờ đột ngột, mà chẳng rõ mình đã đâm đầu lạc nẻo ra biển khơi tự bao lâu.
Chúng tôi không còn dám chắc mình có thể vào kịp được bờ, rất có thể dầu xăng sẽ thiếu. Mà vào cập đất liền, cũng còn phải tìm lại trạm hàng không. Thật là bối rối. Mặt trăng lại tới giờ sắp lặn mất. Tin tức không có, không nghe được gì, chúng tôi chịu điếc, bây giờ sắp phải chịu đui. Vừng trăng tắt lịm hẳn, như một đốm lửa tàn chìm trong sa mù giống như một dãi tuyết. Vòm trời, trên cao, tới lượt bị mây đen vây phủ, và từ đó chúng tôi đành phải bay giữa những đám mây sa mù, trên dưới mông mông, trong một cõi bờ mù mịt, không một ánh sáng, không một sắc hình…
Những trạm hàng không, đáp lại tiếng gọi của chúng tôi, chả chỉ dẫn cho chúng tôi được chút gì cả: “Không thể tường kê phương hướng… ” bởi vì tiếng gọi của chúng tôi họ nghe từ khắp nơi tới, và chẳng biết thật chính tự chỗ nào.
Bất thình lình, lúc chúng tôi tuyệt vô hi vọng, bỗng thấy ló ra một chấm sáng ở chân trời, về phía tả. Một niềm vui tràn ngập, Néri nghiêng mình xuống bên tôi, và tôi nghe anh hát. Nhất định đó là trạm nghỉ, nhất định đó là ánh ngọn đèn pha, bởi vì bãi Sahara đêm tới thì tối mò mò, suốt xứ nằm chết lịm, làm gì có ánh sáng. Nhưng ánh sáng chỉ lấp lánh một tí, đã tắt ngay.
Hỡi ôi! Chúng tôi đã nhằm một vì sao mà bay tới. Một vì sao sắp lặn, nên thấy hiện ở chân trời, hiện ra chỉ trong vài phút, giữa mây mờ, sương bạc.
Rồi từ đó, chúng tôi cứ thấy lần lượt xuất hiện những đốm ánh sáng khác, lại cứ xoay hướng nhằm theo, khắc khoải trong mơ hồ hy vọng. Thấy đốm lửa sáng hơi lâu, liền thử xem có thật chăng đó là lối sống. Néri gọi trạm Cisneros: “Thấy lửa rồi; các bạn hãy tắt ngọn lửa pha đi và thắp lại ba lần.”
Trạm Cisneros chớp ngọn lửa pha của họ ba lần, nhưng đốm ánh sáng chúng tôi đuổi theo thì vẫn cứ lửng lơ, không nháy; lại một vì sao, làm sao lung lạc được.
Xăng đã cạn, nhưng mỗi lúc thấy chiếc mồi vàng, chúng tôi lại đuổi theo mà đớp; mỗi lần thấy đích thị là trạm nghỉ chân, là con đường sống, rồi lại đành đích thị bỏ rơi và đuổi theo một vì sao khác.
Từ đó chúng tôi cảm thấy lạc lõng chìm ngập trong khoảng rộng liên hành tinh, chơi vơi giữa hàng trăm tinh cầu xa hút, biền biệt đuổi theo riêng một tinh cầu thiết thực, tinh cầu của riêng đời sống chúng tôi, chứa đựng những phong cảnh đầm ấm quen thân, những căn nhà bậu bạn, những luyến ái dịu dàng.
Của riêng một tinh cầu chứa đựng… Tôi sẽ nói cùng các anh về cái hình ảnh đã hiện ra trước mắt tôi, và có lẽ các anh sẽ xem là ngây dại. Nhưng nằm giữa lòng hiểm họa, con người ta vẫn còn mãi những đòi hỏi, những yêu sách của con người, và tôi thấy đói, và tôi thấy khát. Nếu tìm ra được Cisneros chúng tôi sẽ hạ cánh xuống lấy thêm xăng, và tiếp tục lên đường bay tới Casablanca, hạ cánh giữa cảnh bình minh mát mẻ. Tuy còn sớm, nhiều quán rượu cũng đã mở cửa rồi… Néri và tôi sẽ ngồi vào bàn, bình yên vui vẻ nhắc lại đêm qua mà cười thỏa thuê, trước những chiếc bánh nóng hổi và tách cà phê sữa thơm. Néri và tôi sẽ đón nhận tặng vật bình minh kia của cuộc sống. Bà già nhà quê chỉ gặp đấng Chí Cao của mình qua một hình ảnh vẽ, một chiếc mề đay, một tràng chuỗi hạt: chúng tôi cũng vậy, muốn được chúng tôi hiểu ra, thì thiên hạ hãy nói lên bằng ngôn ngữ đơn giản. Đối với tôi, niềm vui sống dồn tụ hết vào trong miếng ăn đầu tiên nọ, thơm tho nóng hổi, trong tách sữa pha cà phê bột mình do đó con người ta mới cảm thong được với những vườn cỏ yên lành, với những đồn điền xa lạ, với những ngày mùa nô nức, với mặt đất ưu tư… Giữa bao nhiêu tinh cầu, chỉ có một tinh cầu cung cấp cho chúng tôi cái bát thức ăn thơm tho buổi sáng.
Nhưng éo le thay những nghìn trùng nước thẳm đương chồng chất giữa con tàu chúng tôi và miền đất thân yêu đó. Tất cả của cải trần gian nằm gọn trong hột bụi lạc loài giữa hằng hà sa số ngôi sao. Và nhà thiên văn học Néri muốn tìm ra hột bụi đó, vẫn phải đành van khấn mãi những vì sao.
Thình lình nắm tay anh chạm mạnh vào vai tôi. Trên tờ giấy anh trao, tôi đọc: “Mọi sự tốt đẹp, tôi vừa nhận được một điện tín huy hoàng… ” Tim đập mạnh, tôi chờ anh chép xong năm sáu chữ sắp cứu thoát chúng tôi. Rồi tôi đón nhận tặng vật vô giá của nhà trời.
Từ Casablanca đánh tới, là nơi chúng tôi từ biệt đêm hôm qua. Vì tống đạt chậm trễ, tới bây giờ bỗng đột ngột nó vào tay chúng tôi, đi xa hai nghìn cây số, giữa mây và mù, lạc lõng trên biển khơi. Điện tín đó do viên đại diện chính phủ tại phi trường Casablanca đánh tới. Tôi đọc: “Thưa ông Saint-Exupéry, tôi buộc lòng phải yêu cầu Ba Lê phạt ông, ông đã bay quá sát các nhà chứa, lúc khởi hành tại Casablanca.” Quả thật tôi có bay quá sát các nhà chứa. Quả thật nữa ấy là ông đại diện kia phàn nàn cũng chỉ do trách nhiệm nghề nghiệp. Nếu đứng tại phòng giấy một phi trường, ắt là tôi đã xấu hổ nghe lời quở trách đó. Nhưng nó lại tìm tới chúng tôi ở chính một nơi nó không có quyền tìm tới.
Nó lên điệu sai bét, cả giọng cả lời, giữa những ngôi sao quá lẻ tẻ, giữa sương mù giăng mắc, giữa những hương vị hãi hùng của biển khơi. Chúng tôi nắm trong tay mình vận mệnh mình, vận mệnh chuyến thư và vận mệnh con tàu; cầm tay lái mà tìm phương hướng sống, kể cũng đã khổ nhọc lắm thay, thế mà kẻ kia còn đuổi theo trút hận! Nhưng chúng tôi không hề phát cáu, trái lại, Néri và tôi lại còn khoái chí vui cười hể hả khôn xiết. Ở đây chúng tôi là chúa tể, lời đe dọa kia vụt giúp chúng tôi khám phá ra điều ấy. Anh cai này há không biết rằng chúng tôi đã là đại úy hay sao? Anh ta phá rối giấc mơ của chúng tôi, giữa lúc chúng tôi còn bận bách bộ từ sao Bắc đẩu tới Nhân mã cung, giữa lúc cái việc duy nhất ngang tầm chúng tôi và xui chúng tôi bận bịu, là sự phản bội kia của vừng nguyệt…
Bổn phận cấp bách, bổn phận duy nhất của quả hành tinh nơi con người kia phát lộ, ấy là làm thế nào cung cấp cho chúng tôi những con số chính xác giúp chúng tôi tính toán với các vì sao. Thế mà những con số kia lại sai bét cả. Ngoài việc ấy ra, tạm thời trái đất chỉ nên câm miệng. Và Néri viết: “Đã lẽ họ tìm cách dẫn ta về hơn là làm cái trò khỉ ấy”. “Họ” đối với Néri, tóm thâu mọi dân tộc địa cầu, với các thượng hạ nghị viện, với các đội hải lục quân và hoàng đế của họ. Và đọc lại bức điện tín của một tên cuồng muốn gây sự với chúng tôi, chúng tôi bẻ lái con tàu về phía sao Mercure.
Một ngẫu nhiên hết sức kỳ lạ bỗng cứu thoát chúng tôi: tới lúc không còn chút hy vọng tìm ra trạm Casneros, buộc lòng phải bay đâm ngang vào bờ biển, tôi đành quyết định giữ mãi hướng đó mà bay cho tới khi cạn hết xăng. Như vậy họa chăng may ra có khỏi rơi chìm trong đáy biển. Tai hại thay, những ngọn đèn pha phỉnh phờ đã lôi tôi tới đâu, có trời mà biết! Tai hại thay, sa mù dằng dặc buộc chúng tôi dấn liền trong đêm tối căm căm, chắc gì sẽ cho phép chúng tôi hạ cánh vuông tròn nơi đất liền mà không tai nạn! Nhưng đến nước này còn nói chi nữa chuyện chọn lựa hơn thua.
Cảnh huống đã quá rõ rệt, tôi chỉ biết nhún vai lúc Néri chuyền cho tôi xem một điện tín, một điện tín nếu đến sớm một giờ, ắt đã cứu thoát chúng tôi: “Cisneros bây giờ mới chịu cho biết vị trí chúng ta. Cisneros chỉ: khoảng chừng hai trăm mười sáu khả nghi… ” Cisneros không còn chìm trong tăm tối heo hút. Cisneros đã hiện ra rõ ràng, đích thực, ở phía tả của chúng tôi. Vâng, nhưng cách bao xa? Hai đứa chúng tôi trao đổi nhau vài tiếng. Chậm mất rồi. Cả hai cùng một ý: còn lo lắng tìm tới Cisneros, là còn làm trầm trọng thêm mối nguy cơ không vào kịp đất liền. Và Néri đáp: “Chỉ còn một giờ xăng bay, phải theo hướng chin mươi bốn.”
Trong khi đó, các trạm hàng không lần lượt thức giấc. Trong đối thoại giữa chúng tôi, giờ xen thêm những “giọng nói” của Agadir, của Casablanca, của Dakar. Đài vô tuyến của các thành phố đã báo tin cấp cứu cho các phi trường. Những giám đốc các phi trường đã báo tin cho anh em biết. Thế là lần lượt họ xúm quanh chúng tôi như quanh giường người bệnh. Sốt sắng vô ích rồi, dù sao cũng là sốt sắng. Ân cần khuyên bảo cũng hoài thôi, nhưng sao mà thân ái thế!
Bất thình lình Toulouse xen tới. Toulouse, đầu đường; Toulouse, khởi điểm; Toulouse, cách bốn nghìn cây số heo hút ở cuối trời. Toulouse vụt chen vào trong câu chuyện, không kèn không trống, hỏi ngay: “Máy của các anh có phải là chiếc F… (tôi quên số hiệu) – Đúng thế. – Vậy các anh còn đủ hai giờ xăng nữa. Bình chứa xăng này không phải là thứ thông thường. Bay về Cisneros đi.”
Thế đó, những cần thiết do nghề nghiệp nêu ra, đã biến dạng cho cõi đời chuyển hình, cho cuộc sống mỗi ngày càng phong phú thêm. Và đáo cùng, cũng chẳng cần chi tới những đêm bay đặc biệt như thế này mới mở ra trước nhãn giới phi công đường trường một ý nghĩa tân kỳ ở giữa lòng những cảnh tượng cũ. Cái phong cảnh thông thường đều đặn, không thay không đổi, vốn từng gây nhàm chán cho khách bộ hành, đối với đội phi công cũng đã biến hình khác hẳn. Cái khối mây bàng bạc chắn ngang chân trời, đối với phi công không còn là cảnh trí: nó sắp sửa liên can tới bắp thịt, khớp xương người lái máy, nó sắp nêu lên cho phi công nhiều vấn đề cần giải đáp. Phi công phải lưu ý tới tự ban đầu, phi công phải ước độ, cân nhắc; một ngôn ngữ riêng biệt đương kết buộc đôi bên. Này đây mõm núi, tuy đó còn xa: nó sắp mang khuôn mặt nào thế? Dưới trời trăng sáng, nó là cái mốc định phương hướng thuận tiện. Nhưng nếu phi công phải bay trong đêm tăm, giữa sa mù vây bọc, hướng sai đường mà khó chữa lại phương, mà hoang mang không rõ được vị trí mình, thì mõm núi kia lại biến thành thuốc nổ, suốt đêm dài hăm dọa, như hệt một quả mìn nằm ngâm trong nước biển trôi dạt bình bồng, biến biển khơi thành nguy cơ mọi nẻo.
Trùng khơi cũng thiên hình vạn trạng. Đối với hành khách ngồi im thu hình trên ghế, thì bão tố thế nào, họ có thấy ra đâu: từ trên cao chín tầng nhìn xuống, sóng trùng trông phẳng phiu phớt phớt, lớp lớp mù sa bình yên bất động. Thấy gì chăng nữa, là những đợt rộng màu nước trắng phau phau trải như những cánh quạt khổng lồ, với những đường gân mơ hồ khía bọt, như đông thành băng giá thế thôi. Đối với đội phi công, mọi sự khác hẳn. Họ nhận ra rằng những chốn đó là chỗ đất cấm ngăn, không bao giờ được hạ cánh. Những tàn lá quạt kia không khác gì những cánh hoa chứa đầy nhựa độc.
Cho dẫu hành trình sau trước vẫn bình yên, người phi công yên dặm bay nào đó, cũng không hề nhìn phong cảnh như ngắm cảnh tượng trước nhãn quan. Những sắc màu trên mây, những sắc màu dưới đất, những dấu vết gió dàn trên mặt biển, những bóng hoàng vân hoặc ráng đỏ chiều hôm, đâu có phải để cho mình thưởng ngoạn, chính là để cho người suy tưởng, ưu tư. Cũng như thể người nông dân đi xem xét ruộng đồng, còn phải chú ý đoán xem thời tiết, coi chừng qua trăm nghìn tiên triệu, nhịp động của xuân đi, xuân đến, của băng giá hăm dọa đương về, của mưa dầm đương tới, thì phi công cũng vậy, cũng phải xem dò dấu hiệu mà đo bước tuyết về, mù sa sắp phủ, hoặc đêm sắp tới sẽ hạnh phúc hồng vàng…
Máy móc ban sơ tưởng như chừng xui anh lìa xa những vấn đề thiên nhiên lớn rộng, thật ra lại buộc người quy phục vào đó một cách nghiêm mật hơn. Một mình giữa tòa án mênh mông mở ra một cơn bão dậy, người phi công phải binh vực khối thư tín của mình trước lời kết tội của ba hung thần sơ thủy: non ngàn, biển thẳm và bão giông.
——————————–
1 cf. Nguyễn Du:
“Ai ngờ một phút tan tành thịt xương”
Biển mây vùng vẫy ngang tang.
Dẫn mình đi bỏ suối vàng như không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.