Con Người 80/20

3 Sử dụng 20% sáng tạo nhất của bạn



“Trên hết, hãy thành thật với bản thân Nếu không thì bạn sẽ không thành thật với ai cả”.

William Shakespeare, Hamlet

Hãy thành thật với bản thân – nhưng bạn nên thành thật với “bản thân” nào?

Bản thân là người đã bỏ thời gian và đổ mồ hôi nước mắt để không được gì cả ư? Bản thân là người luôn tuân theo những khuôn mẫu hành vi tồi tệ ư? Bản thân là người luôn theo sau đám đông, bỏ ra phần lớn hay toàn bộ thời gian để thích nghi với ý hướng của người khác ư? Bản thân tự động của chúng ta ư? Cái bản thân không thể đạt được gì hơn mức bình thường? Cái bản thân không hề có chút gì cá nhân cả?

5 5
Không. Bản thân mà chúng ta phải thành thật chính là bản thân thật sự riêng biệt và hữu ích của chúng ta, bản thân duy nhất của chúng ta, bản thân tích cực, giàu sáng tạo và tưởng tượng phong phú của chúng ta, chiếm phần chưa đến 20% và góp phần tạo nên hơn 80% hạnh phúc của chúng ta.

Trước tiên, chúng ta phải tìm kiếm bản thân này, để có thể nhận thức được một số ít ỏi những phẩm chất quan trọng sống còn bên trong mỗi người. Sau đó chúng ta phải nuôi dưỡng và phát triển 20% này lên. Và chỉ có khi đó, chúng ta mới có thể làm cho thế giới và chính mình giàu có hơn được.

20% đỉnh năng lực

Điều gì đã làm nên những nhà quản trị lớn hay các nhà lãnh đạo vĩ đại? Các chuyên gia tâm lý gọi đó là những “đỉnh cao năng lực”, còn tôi gọi đó là “20% đỉnh năng lực”. Một đỉnh năng lực là một ưu điểm đặc trưng mạnh mẽ của mỗi người. Vấn đề ở đây là phải huấn luyện và phát triển đỉnh năng lực đó của bạn sao cho nó đạt đến mức tiêu chuẩn của Thế vận hội Olympic.

Liệu các nhà tâm lý trong công ty bạn, những người có quyền quyết định liệu bạn hay một ai khác trong danh sách ứng viên ngắn ngủi sẽ giành được vị trí cao nhất, muốn tìm kiếm những con người trung bình khá hay họ muốn những kẻ lập dị? Đáng ngạc nhiên là họ lại thích loại người thứ hai hơn. Các nhà tâm lý muốn có những tính cách bất thường, với một vài điểm ưu việt tuyệt đối. Nếu bạn có được điều đó thì hẳn họ sẽ không buồn quan tâm đến cả một danh sách dài những việc mà bạn không làm tốt được.

Gurnek Bains, người đứng đầu YSC, một công ty hàng đầu về tâm lý doanh nghiệp, giải thích: “Bất cứ một nhà lãnh đạo quan trọng nào cũng không phải là một người khá đều. Họ là những nhân vật rất đặc biệt, nếu không muốn nói là hơi lập dị. Những viên giám đốc giỏi nhất có những đỉnh năng lực xuất sắc và những điểm yếu cũng tồi tệ không kém”.

Nhà tâm lý Michael Maccoby đồng ý với ý kiến trên. Ông lưu ý về một số nhà lãnh đạo “siêu sao” ngày nay và sự không cân xứng của họ: “Các nhà quản trị ngày nay – những siêu sao như Bill Gates, Andy Grove, Steve Jobs, Jeff Bezos và Jack Welch – thuê người đại diện, viết sách, chấp nhận những cuộc phỏng vấn tự phát, và chủ động quảng cáo cho những triết lý cá nhân của họ… [Họ] là những ví dụ gần gũi của loại cá tính mà Sigmund Freud gọi là tính tự yêu mình”.

Maccoby cho biết “những người tự yêu mình đầy năng lực” như vậy có một tầm nhìn rộng lớn và lòng tự tin mãnh liệt, họ có gần như mọi thứ ngoại trừ tinh thần đồng đội. Hầu hết họ không được đánh giá cao về trí thông minh cảm xúc hay khả năng lắng nghe người khác.

Khuyết điểm của họ được giải quyết bằng cách tìm những người khác có khả năng trong những lĩnh vực đó. Không phải tất cả những người 80/20 đều là “những kẻ ích kỷ tài giỏi”, nhưng nhiều siêu sao có thể trở thành siêu sao chính xác bởi vì con người họ không cân bằng. Họ có 20% đỉnh năng lực đủ mạnh để vượt qua tất cả, dù thật sự là những nhà lãnh đạo thành công thuộc loại này luôn luôn có một nhóm người dọn dẹp những thứ linh tinh xung quanh họ.

Gia công 80% của bạn

Một trong những khuynh hướng quan trọng gần đây trong kinh doanh là gia công. Các công ty thực hiện gia công bằng cách giao cho các công ty khác làm những việc mà họ không muốn làm và/hoặc những việc đem lại lợi nhuận trên vốn thấp. Trường hợp lý tưởng, các công ty cho gia công toàn bộ “số nhiều vặt vãnh” 80% công việc và dồn hết sức vào “số ít quan trọng” 20% điểm mạnh của họ.

Người ta cũng có thể làm tương tự như thế. Hãy tìm 20% (hoặc ít hơn) những việc mà bạn đặc biệt giỏi, và nhờ người khác làm những gì còn lại.

Ít nhất là trong một chừng mực nào đó, những người giàu có và nổi tiếng luôn luôn làm như vậy. Bạn không bao giờ nhìn thấy Madonna đứng xếp hàng mua đồ tại siêu thị hay ở văn phòng thị thực. Những quan chức quan trọng có khuynh hướng ít tốn thời gian kẹt xe hơn tất cả chúng ta. Các nhân vật nổi tiếng sống thoải mái không hề gặp phải những chuyện rác rưởi luôn khiến chúng ta càu nhàu (có thể tự họ cũng xả rác đấy, nhưng đó là chuyện khác rồi).

Tất cả chúng ta đều có thể “xuất khẩu” phần lớn của chính mình. Nếu bạn không giỏi một việc gì đó thì đừng làm. Hãy tìm ai đó làm giúp bạn, hoặc hãy mặc kệ nó. Tại sao phải bỏ công sức vất vả chỉ để đạt một kết quả tầm thường? Có những cách tốt hơn để sử dụng thời gian, sức lực, và bản chất con người của chính bạn.

Mỗi người có những 20% đỉnh năng lực khác nhau

Đây là một sự thật mà ai cũng biết nhưng ít ai chú ý. Trong số hàng tỷ người trên thế giới, chỉ có những cặp song sinh đồng nhất mới có cùng vật chất di truyền. Nhưng ngay cả những cặp song sinh đồng nhất cũng có những kinh nghiệm khác nhau, sự lĩnh hội khác nhau và tình cảm khác nhau. Con người là sinh vật khác biệt và chuyên biệt nhất trong số các giống loài trên thế giới. Cũng có những loài kiến và linh dương rất “cá nhân”, nhưng vấn đề cá tính đạt đến cực điểm là ở loài người.

Nhưng hầu hết cuộc đời chúng ta lại phủ nhận cá tính của mình và cố gắng giả vờ rằng mình cũng giống như mọi người khác. Như thế có kỳ quặc không?

Những con người sáng tạo lại càng khác biệt hơn. Họ có cá tính cao hơn. Chính xác hơn là: Họ sử dụng cá tính của mình nhiều hơn. Họ nhận thức được nó. Họ dành nhiều không gian cho nó. Họ trau dồi nó. Họ biết ở đâu nó có thể được sử dụng hiệu quả nhất.

Những cá nhân sáng tạo ít chịu thích nghi. Họ ít chịu nhượng bộ “thực tế”, những thực tế được người khác ấn định vào thời điểm đó.

George Bernard Shaw hiểu rõ điều đó: “Một người ‘biết chuyện’ sẽ thích nghi bản thân với thế giới. Một người ‘không biết chuyện’ luôn khăng khăng tìm cách làm cho thế giới phải thích nghi với mình. Vì vậy, tất cả những tiến bộ đều phụ thuộc vào những người không biết chuyện”. Và định nghĩa của “không biết chuyện” ở đây chính là “sáng tạo”.

Nếu bạn muốn sáng tạo, trước tiên bạn phải tìm kiếm và nuôi dưỡng 20% đỉnh năng lực của mình. Nếu bạn muốn tạo nên một doanh nghiệp mới, đừng bắt đầu bằng cách suy nghĩ về kinh doanh. Hãy bắt đầu bằng cách suy nghĩ về chính bản thân mình.

Rachel: Điển hình của một nhà quản lý 80/20

Rachel là một phụ nữ 50 tuổi. Mảnh mai và xinh đẹp, trông bà trẻ hơn tuổi thật đến 10 tuổi. Bà đi xe đạp và nuôi vô số mèo trong nhà. Bà bị say xe nếu xe chạy quá nhanh.

Trong 8 năm, bà là giám đốc điều hành của một công ty nổi tiếng chuyên về quần áo nữ. Dưới sự quản lý của bà, doanh số tăng gấp đôi và lợi nhuận tăng gấp 15 lần. Mức lợi nhuận trên vốn của bà đến 50-60% và bà không hề xin thêm vốn; toàn bộ số vốn mở rộng của bà đều được phát sinh nội bộ. Bà đã đem đến cho công ty mẹ của mình vô số cổ tức.

Rachel tham gia công ty khi thương hiệu của họ gần như đang ngắc ngoải. Bà đã nỗ lực hồi sinh và phát triển nó trở lại. Bà đã khởi phát lại được hai thương hiệu từ con số không.

Trong một ngành kinh doanh công nghệ thấp như vậy, những mối quan tâm của Rachel thực tế đến mức ngạc nhiên. Không như các nhà cung cấp quần áo khác trong ngành, công ty của bà đem gia công sản xuất tất cả mọi loại quần áo. Bà nói: “Tại sao tôi lại phải tự mình sản xuất khi việc đó không đem lại lợi nhuận bao nhiêu?”. Sức cạnh tranh chính của bà nằm ở khâu thiết kế và bán hàng, và cả hai khâu này đều không cần nhiều vốn. Quần áo được đem bán lẻ thông qua các cửa hàng. Rachel trả tiền thuê mặt bằng dựa trên lợi nhuận thu được và không gian thuê chỗ, nhưng bà sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các cửa hàng này. Bà thuê một giám đốc thiết kế cực giỏi, song hầu hết công việc thiết kế cũng vẫn được gởi gia công.

Rachel thu hút tôi vì nhiều lý do và chúng ta sẽ theo gót bà trong suốt Phần II này. Điều tôi muốn nói ở đây là: Bà đã bắt đầu như thế nào?

“Tôi nghỉ học từ rất sớm”, bà giải thích. “Tôi không giỏi được môn nào trừ môn toán. Tôi nghĩ lúc đó tôi chán học. Tôi không thấy những môn học đó có gì liên quan với những gì mình muốn làm trong tương lai cả”.

Bà kể tiếp, “Tôi rất thích quần áo. Tuy nhiên, tôi không đủ tiền mua nhiều quần áo đẹp, vì vậy nên tôi quyết định sẽ bán thay vì mua chúng. Công việc đầu tiên của tôi là bán hàng cho một hệ thống cửa hàng lớn ở Miami. Tôi thích không khí làm việc ở đó. Chúng tôi như một gia đình lớn. Việc kinh doanh luôn luôn thay đổi và luôn có những điều mới mẻ. Tôi bắt đầu hiểu thế nào là “đẹp”. Phong cách và thị hiếu là những chất lượng mà bạn có thể phát triển được.

“Trong quá trình học hỏi, tôi chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Đầu tiên là mỹ phẩm và nước hoa. Sau đó là nữ trang. Kế đến là quần áo thời trang, phần nhiều từ châu Âu, chẳng hạn như Mary Quant. Cuối cùng tôi được chuyển đến phòng Thiết kế. Những bộ quần áo xinh đẹp tuyệt vời bằng những chất liệu vô cùng đặc biệt với mức giá “trên trời”. Bán hàng cho những phụ nữ giàu có thật sự rất thú vị!

“Tôi không định làm chuyện đó. Đó không phải là công việc của tôi, nhưng một ngày nọ, tôi rảnh rỗi ngồi đếm số lợi nhuận biên sai mà chúng tôi thu được. Tôi nhìn các đơn hàng và nhận ra có một số mặt hàng mang đến lợi nhuận nhiều hơn. Đó gần như là những mặt hàng đắt giá nhất.

“Theo bản năng tự nhiên, những người có nhiều tiền luôn muốn có những gì tốt nhất và không quan tâm đến giá cả. Tôi nhớ lúc đó tôi đã nghĩ: ‘Thật thú vị. Đó là mặt hàng đắt tiền nhất, đem đến lợi nhuận cao nhất, trong khi việc bán chúng cũng dễ dàng, đôi khi còn dễ bán hơn cả những mặt hàng rẻ tiền’. Vì vậy, nếu cửa hàng của chúng tôi muốn có lời nhiều hơn, chúng tôi nên tập trung hơn vào những mặt hàng này. Nhưng bạn biết đấy, thực tế là lợi nhuận biên sai trên các mặt hàng này cũng cao nhất, vì vậy nên chúng tôi thắng cả hai phía. Chúng tôi bán được nhiều hơn, đồng thời lợi nhuận trên từng đồng vốn của chúng tôi cũng nhiều hơn. Đó là lúc tôi quyết định rằng mình sẽ luôn luôn bỏ nhiều công sức nhất cho những mặt hàng có lợi nhuận cao nhất.

“Tôi lưu ý thấy một điều khác nữa. Quãng thời gian tệ hại nhất là khi chúng tôi phải treo bảng hạ giá. Và chúng tôi luôn phải bán hạ giá nhiều hơn mong đợi. Ý tôi là số lượng quần áo bán hạ giá nhiều hơn và mức giá hạ cũng nhiều hơn, để có thể nhanh chóng thoát khỏi chúng. Chúng ta luôn luôn quá lạc quan, hay ít nhất là các giám đốc của chúng ta. Đôi khi tôi tự hỏi nếu thế thì làm sao chúng ta có thể kiểm tiền được.

“Và lúc đó tôi đã tự nhủ rằng nếu tôi là một giám đốc, tôi sẽ bi quan hơn. Tôi sẽ hy vọng bán được ít hơn với đúng giá, và nhiều hơn với những lần hạ giá lớn. Như thế tôi sẽ kiếm được lợi nhuận nhiều hơn mong đợi chứ không phải ít hơn.

“Bạn có thể nói là tôi quá mơ mộng viển vông. Một cô gái không có thư giới thiệu và không có tiền thì sẽ chẳng bao giờ trở thành giám đốc được. Nhưng tôi biết mình có thể làm được. Tôi biết nếu trở thành giám đốc thì mình sẽ là một nữ giám đốc tuyệt vời. Đó không phải là ba hoa, tôi chẳng bao giờ nói gì với ai cả, kể cả người bạn thân nhất của mình. Nhưng tôi biết mình có thể làm được điều đó. Tôi biết mình có khiếu lựa chọn quần áo, và tôi biết mình có thể làm những con tính cộng tốt hơn bất cứ ai khác. Tôi biết đó chính là tôi. Và tôi biết tôi sẽ là ‘tôi’ nhiều hơn nữa nếu tôi có thể làm một giám đốc quản lý chứ không phải một cô nhân viên bán hàng.

“Và cuối cùng tôi đã quyết định. ‘Này Rachel’, tôi tự nhủ, ‘mày sẽ trở thành giám đốc’. Tôi rất thích câu chuyện về Cô bé Lọ lem: ‘Mày sẽ đi đến vũ hội’. Và thế là tôi đi. Giai đoạn khó khăn nhất với sự nghiệp hiện tại của tôi chính là lúc đó. Trời ạ, tôi đang thách thức số phận hay sao?”

Những người sáng tạo không bị ruồng bỏ

Rachel kể với tôi: “Quả là hơi kỳ quặc, nhưng tôi thật sự cảm thấy là chính mình hơn khi ở nơi làm việc. Thật sự, ở đó tôi cảm thấy mình là chính mình còn hơn cả ở nhà. Tôi có thể bộc lộ mình nhiều hơn. Công việc, con người, và tôi… Mọi thứ hòa quyện với nhau. Bạn nói sáng tạo là một việc khó khăn ư? Tôi không đồng ý. Khi ở nơi làm việc, tôi thấy sáng tạo là điều dễ nhất trên thế giới này”.

Để phát huy khả năng sáng tạo, bạn phải là chính mình. Nếu bạn làm việc cho một công ty mà bạn không được là chính mình, bạn cũng có thể sáng tạo nhưng hiệu suất công việc sẽ chỉ là gượng gạo khi bạn không thoải mái. Bạn có thể làm được nhiều, nhiều hơn thế ở một nơi nào khác.

Hãy tưởng tượng một nơi mà bạn có thể làm việc đạt năng suất cao nhất. Và hãy tạo ra nó!

Câu chuyện của Bjorn-Ingvar

Một trong các bạn thân của tôi có một anh bạn người Thụy Điển tên là Bjorn-Ingvar. Vào đầu những năm 1980, người này vui vẻ làm một giáo sư trợ giảng môn tiếng Anh ở Đại học Gôteborg. Anh cũng là một thành viên tận tụy của giáo đoàn nhà thờ Lutheran gần nơi anh ở. Nhà thờ thường in sách kinh thánh để kiếm thêm thu nhập nhưng chỉ có thể thu được rất ít tiền từ dịch vụ này. Vì Bjorn-Ingvar là một giáo sư nên nhà thờ nhờ anh trông coi dịch vụ này không công những khi rảnh rỗi. Bjorn-Ingvar đồng ý và kết hợp luôn việc đó với công việc ở trường đại học của mình.

Bjorn-Ingvar nhanh chóng nhận ra ngành in ấn phụ thuộc chủ yếu vào một số đầu sách đặc biệt ăn khách. Nhưng cuốn sách kinh của anh sẽ không bao giờ đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy nên anh tìm kiếm một hoặc hai đầu sách mà anh có thể chọn được, dù chúng luôn mang khuynh hướng tôn giáo. Và hóa ra Bjorn-Ingvar rất có tài trong việc lựa chọn những cuốn sách tiềm năng.

Không lâu sau đó, công việc xuất bản bé nhỏ của nhà thờ đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Vì đây là một công việc tốt và thú vị nên Bjorn-Ingvar quyết định bỏ công việc giảng dạy và chấp nhận một số thù lao bé nhỏ của nhà thờ để dành toàn thời gian quản lý việc xuất bản.

Nhà xuất bản của anh nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở các cửa hàng bán sách: Sách của Bjorn-Ingvar luôn luôn bán rất chạy. Được khai thông kênh phân phối, anh bắt đầu tìm kiếm những đầu sách tiếng Anh thành công mà anh có thể bán được. Một lần nữa, vì anh chọn sách rất cẩn thận nên việc kinh doanh tiếp tục thăng hoa và đem lại lợi nhuận cao.

Vào đầu những năm 1990, khi bạn tôi gặp anh, BjornIngvar đang bắt đầu mua lại các nhà xuất bản Thụy Điển khác, nhưng anh luôn chọn các NXB chuyên ngành, ví dụ như Nhà xuất bản tài liệu hướng dẫn máy tính. Nhà xuất bản của anh hiện nay lớn hơn rất nhiều so với quy mô ban đầu ở nhà thờ. Không có vốn, không có cấu trúc tập đoàn, và bắt đầu không có một nhà quản lý nào cả, Bjorn-Ingvar đã tạo nên một doanh nghiệp trị giá hàng chục triệu đôla.

Dù vậy, số tiền mà Bjorn-Ingvar nhận được hàng tháng vẫn không nhiều hơn số thù lao ban đầu, sau khi điều chỉnh lạm phát, số tiền mà anh đã chấp nhận 10 năm trước cho việc quản lý in ấn một vài cuốn kinh thánh. Số tiền đó cũng tương đương mức lương của các mục sư nhà thờ, vốn thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình ở Thụy Điển. “Tôi làm việc vì nhà thờ”, anh nói với bạn tôi. “Nếu tôi có tạo ra một doanh nghiệp trị giá hàng triệu đôla, liệu nó có giá trị bằng công việc của một mục sư chăm sóc linh hồn con người hay không?”

Ngày nay, công ty mà Bjorn-Ingvar đã lập nên – Libris Media AB – là một nhà xuất bản Thụy Điển lớn được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp với những mức lương cực cao. Bjorn-Ingvar đã rời nơi đây vài năm trước để thành lập một nhà xuất bản nhỏ khác, lần này là cho chính mình. Nhưng rõ ràng anh làm việc không phải vì tiền. Anh nói với bạn tôi: “Đơn giản là tôi thích xây dựng doanh nghiệp. Tôi thích nhà xuất bản mới này cũng như nhà xuất bản cũ của nhà thờ vào những ngày đầu tiên. Điều tôi thật sự yêu thích là được làm những việc mình có thể làm tốt, đó là tìm kiếm những đầu sách đạt chất lượng cao và được công chúng chú ý”.

Câu chuyện của Olivo

Olivo Boscariol là một người Pháp sinh tại Ý. Anh sống ở Paris và làm nghề phục chế ảnh. Khi cậu con trai đầu lòng ra đời, vợ chồng anh cần một ngôi nhà lớn hơn nên họ quyết định chuyển đến Provins, một thị trấn nhỏ cổ xưa. Dù họ rất thích cuộc sống tại đây nhưng cũng có một điều bất tiện: không ai có nhu cầu phục chế ảnh cả.

Olivo liền tìm một công việc khác và cuối cùng anh kiếm được một chân gác đêm tại viện bảo tàng của địa phương. Những đêm không ngủ tại đây, anh dần bị cuốn hút vào những viên gạch lát sàn từ thời Trung cổ của viện bảo tàng. Anh không biết gì về gốm sứ cả, nhưng sau ba lần tìm cách xin phép chính quyền địa phương, cùng với sự hỗ trợ của công ty Saint Gobain, một công ty kinh doanh đa hàng hóa, anh đã lập nên một cơ sở sản xuất thủ công những viên gạch lát sàn sao chép mẫu mã của những viên gạch thời Trung cổ. Tuy nhiên, lệnh cho phép của chính quyền nói rõ rằng anh chỉ được thuê các nhân công, cũng như anh, trên mức thấp nhất của trợ cấp thất nghiệp.

Đó là năm 1992. Hiện nay, doanh nghiệp của Olivo đã xuất khẩu gạch sang Mỹ và Anh, cũng như có những hợp đồng lớn cho các tòa cao ốc ở khắp nơi trên nước Pháp.
Dù việc kinh doanh rất thành công và gặt hái được nhiều lợi nhuận nhưng đó vẫn không phải là mối quan tâm chính của Olivo. “Tôi yêu thích chính bản thân những viên gạch”, anh nói, “và tôi biết doanh nghiệp của tôi chỉ phản ánh những việc mà tôi có thể làm tốt nhất. Điều tôi hài lòng nhất ngày nay là tôi có thể giúp những người thất nghiệp và gia đình họ kiếm được công ăn việc làm. Tôi tìm kiếm những người mà mọi người khác cho là những kẻ thất nghiệp rỗi hơi, nhưng tôi biết họ có thể trở nên thích thú với các viên gạch. Nếu họ thích những viên gạch, tôi biết họ có thể làm tốt công việc”.

Olivo rất nhiệt tình giúp đỡ những người thất nghiệp tuyệt vọng. “Hơn 9 năm qua”, ông bảo tôi, “doanh nghiệp của tôi đã cứu được 50 người như thế”. “Cứu” là một từ hơi nặng, nhưng thật sự đúng như thế. Ông nói: “Thường thì họ làm việc với tôi khoảng hai hay ba năm, học hỏi kinh nghiệm rồi ra đi. Nhiều người trong số họ bắt đầu những doanh nghiệp nhỏ của riêng mình. Tôi luôn cầu mong họ sẽ làm những việc mà tôi đang làm, sử dụng những người đang “mất hết hy vọng” vào những công việc mà họ ưa thích và sản phẩm của họ cũng đem đến niềm vui cho nhiều người khác”.

Có lẽ vì sự sắp xếp Trung cổ này, Olivo đã khiến tôi nhớ lại những người sáng lập ra trật tự nhà nước cổ đại. Họ cũng tập trung vào 20% đỉnh năng lực của mình, theo đuổi niềm đam mê và cứu lấy những người khác. Ngày nay, chúng ta xếp họ vào loại những doanh nhân phi lợi nhuận. Việc xếp loại như thế nào không quan trọng. Điều quan trọng là những người như Olivo, Benedict, Francis và Dominic đã tạo ra những cái mới và giá trị, phản ánh tầm nhìn và bản chất cá nhân của chính họ.

Câu chuyện của Jamie

Với một người trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm, bạn sẽ không thể mong đợi anh ta có thể làm nên điều gì khác biệt về mặt kinh tế tại một nơi như British Broadcasting Corporation (BBC). Đài Phát thanh Anh quốc BBC này lúc đó là một bộ máy quan liêu vẫn còn thu tiền bản quyền, do chính phủ quy định, với những người xem truyền hình tại Anh. Nhưng sức mạnh của những con người 80/20 thậm chí có thể tác động đến những ngóc ngách sâu thẳm nhất của BBC.

Khi Jamie Reeve, 30 tuổi, một người bạn và cựu đồng sự kinh doanh của tôi, tham gia BBC vào giữa những năm 1990, tôi nghĩ anh ta điên rồi, sớm muộn gì anh ta cũng sẽ phát chán và sẽ không làm nên trò trống gì cả. Nhưng tôi đã không tính đến 20% đỉnh năng lực của anh. Jamie rất đam mê hai lĩnh vực: truyền thông và Internet. Vào đầu những năm 1990, anh bảo tôi rằng trong tương lai, Internet sẽ trở nên rất quan trọng đối với kinh doanh (và lúc đó tôi đã không tin anh ta). Khi anh tham gia BBC, mục tiêu của anh – vốn không liên quan gì với công việc của anh tại đó – là đưa nội dung của BBC lên mạng để mọi người có thể xem trực tuyến.

“Có lẽ tôi vào khoảng thứ 105 trong hệ thống cấp bậc quản lý của BBC”, anh bảo tôi, “nhưng tôi biết John Birt, Tổng Giám đốc, cũng là một con người sáng tạo, còn tôi thì có ý tưởng. Chuyện gì xảy ra nếu tôi có thể tổ chức một chuyến đi cho ông ta đến Thung lũng Silicon và Seattle, gặp gỡ những con người luôn luôn chuyển động tại đó, và khiến ông ta cảm thấy thú vị với những viễn cảnh mới?”. Và Jamie không chỉ thành công trong việc thuyết phục vị Tổng Giám đốc của anh về chuyến đi mà trước sự ngạc nhiên của anh, John Birt còn khăng khăng mời anh cùng đi với mình.

mời anh cùng đi với mình.

1997”, Jamie tiếp tục. “Tưởng tượng xem, ba người, John Birt, Bill Gates và tôi, cùng nhau ngồi nói chuyện hơn hai giờ về những gì Internet đang làm và nội dung của BBC giá trị đến thế nào. Khi chúng tôi quay trở về, John đã hoàn toàn bị thuyết phục”.

Vào tháng 11-1997, BBC Online ra đời. Và hiện nay đó là website thành công nhất bên ngoài nước Mỹ, với khoảng 10 triệu người sử dụng trên toàn thế giới và khoảng 300 triệu trang in mỗi tháng. Các nhà quan sát trong ngành ước đoán nếu BBC Online được đem rao bán, giá trị của nó sẽ khoảng xấp xỉ 1 đến 2 tỷ đôla.

Cả Jamie lẫn John Birt đều đã rời BBC. John Birt nay là chủ tịch quỹ vốn dự án chuyên ngành truyền thông Lynx, được Virgin và Bear Stearns hỗ trợ, còn Jamie là một đồng sự của ông.

Làm thế nào để sử dụng 20% sáng tạo nhất của bạn?

1. Xác định 20% đỉnh năng lực của mình

Các nhà tâm lý nhấn mạnh rằng tự nhận thức là một việc rất khó khăn, và có rất nhiều kỹ thuật để nâng cao khả năng tự nhận thức. Song việc xác định 20% đỉnh năng lực của bạn thì dễ dàng hơn nhiều so với nhận định toàn bộ 100% con người mình. Có thể bạn không rõ lắm về những điểm yếu của mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể biết được những gì khiến bạn phấn khích nhất!

Bằng mọi giá, hãy nhờ một công ty hướng nghiệp hay một nhà tâm lý doanh nghiệp giúp đỡ bạn, nhưng dưới đây là một số gợi ý và phản hồi từ các hiệp hội có thể đem đến cho bạn ít nhất 80% câu trả lời.

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi dưới đây và ghi lại câu trả lời của bạn. Sau đó hãy lặp lại những câu hỏi này với khoảng mười người hiểu rõ về bạn mà bạn tin là họ sẽ cho bạn câu trả lời chính xác chẳng hạn như vợ/chồng/người yêu, bạn thân, đồng nghiệp, ông chủ của bạn…

Bảng câu hỏi về 20% đỉnh năng lực

Câu hỏi Câu trả lời

_ Điều gì thật sự thú vị đối với bạn? Bạn thật sự cảm thấy đam mê nhất với điều gì?

_ Hãy tưởng tượng bạn trở thành một người nổi tiếng. Bạn có thể nổi tiếng trong lĩnh vực nào?

_ Bạn có điều gì đặc biệt nhất? Bạn có cá tính nào đáng chú ý nhất? Bạn có điều gì khác biệt nhất so với mọi người khác?

_ Bạn nghĩ bạn sẽ vui vẻ nhất và làm tốt nhất công việc gì?

_Bạn giỏi nhất và giỏi hơn những người khác trong việc gì?

_Bạn nghĩ mình thích hợp nhất với công việc gì?

_Hãy nghĩ về một lĩnh vực đặc biệt nào đó mà bạn có thể thành công xuất sắc, có thể không liên quan gì đến công việc hiện nay của bạn. Hãy suy nghĩ sáng tạo, thậm chí không cần phải hoàn toàn nghiêm túc.

_Nếu bạn bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới có khả năng thành công tột bực, đó sẽ là gì? Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn.

2. Nuôi dưỡng 20% đỉnh năng lực của mình

Một khi bạn đã xác định được 20% đỉnh năng lực của bạn là gì, bạn cần phải rèn luyện, phát triển và nuôi dưỡng nó cho đến khi nó đạt đến mức tiêu chuẩn của Olympic. Với bất cứ kỹ năng nào, việc rèn luyện hàng ngày vô cùng quan trọng. Hãy làm nhiều hơn những gì bạn có thể làm tốt nhất. Hãy làm nó mỗi ngày, bằng mọi cách. Hãy nghiên cứu, tìm tòi, thảo luận, thí nghiệm – tất cả xoay quanh 20% đỉnh năng lực của bạn. Hãy gặp gỡ những người có tài năng xuất sắc trong những lĩnh vực tương tự. Hãy so sánh các ghi chú. Hãy thỏa mãn lòng đam mê của mình. Hãy nhấn mạnh cách tiếp cận đặc biệt của bạn để có thể tạo nên một phong cách độc nhất vô nhị không thể bắt chước được.

20% đỉnh năng lực của bạn và những cuộc phiêu lưu mới

Trong những chương tới, chúng ta sẽ thấy rằng bản chất của “cơ hội kinh doanh” thường bị mọi người hiểu lầm nghiêm trọng. Những vật liệu thô của thành công kinh doanh – ý tưởng và con người – có thể tìm thấy khắp nơi. Nhưng luận thuyết về 20% đỉnh năng lực cho rằng bạn không nên tìm kiếm bất kỳ một cơ hội cũ kỹ nào, dù nó có tuyệt vời đến đâu đi nữa.

Vấn đề là bạn phải tìm kiếm những lối mở đặc biệt mà bạn có thể khai phá tốt hơn và sáng tạo hơn những người khác. Nếu chỉ tìm kiếm những nỗ lực đem lại lợi nhuận cao thì vẫn không đủ. Nếu chỉ tìm kiếm một cái gì đó mà bạn có thể làm tốt nhất thì

vẫn không đủ. Bạn phải tìm kiếm một cái gì đó thích hợp với bạn hơn với bất cứ ai khác, một cái gì đó không ai có thể làm tốt bằng bạn. Nếu không, ý tưởng mới lạ của bạn sẽ dễ dàng bị đánh cắp, và tất cả mọi công sức bạn đã bỏ ra đều sẽ trở thành “đổ sông đổ biển”.

Thế còn 80-99% mà bạn không giỏi thì sao?

Bạn cần những người khác: có thể là đồng sự, nhưng chắc chắn phải là người hỗ trợ bạn. Sức mạnh Olympic của bạn – con số 20%, hay thường gặp hơn là chỉ có 1% – đòi hỏi 80-99% còn lại của bạn phải được người khác hỗ trợ. Để đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần có một nhóm nhỏ.

Tôi phải mất một thời gian mới nhận ra được điều này. Tôi từng nghĩ rằng 20% là tất cả những gì mà chúng ta cần quan tâm, nhưng giờ thì tôi biết rằng người ta không chỉ sống chỉ với 20%. Như một nhà bình luận đã phát biểu về cuốn Nguyên lý 80/20, lát thịt trong cái hamburger (20%) cần có miếng bánh mì (80%), nếu không thì nó sẽ không còn là cái hamburger nữa. Ngay cả cái hamburger cũng không vi phạm nguyên lý 80/20. Chúng ta tập trung nhiều vào 20% quan trọng, nhưng chúng ta cần bảo đảm 80% còn lại cũng phải được chăm sóc, bởi những người khác trong cùng một đội. 80% của tôi có thể là 20% của bạn.

Trong trường hợp nào cũng vậy, thường rất khó nói chính xác 20% của một người là gì, và cả 20% lẫn 80% đều thay đổi theo thời gian khi chúng ta phát triển dần lên và khi môi trường thay đổi. Điểm cốt yếu là phải nhận thức được 20% mới đang dần xuất hiện bên trong chúng ta, và đặt ưu tiên cung cấp sự hỗ trợ cho nó – từ bản thân lẫn từ đội nhóm của bạn. Ở đây cũng có một khía cạnh tình cảm quan trọng. Con người cần sự ủng hộ của xã hội. Cũng như các gen di truyền, 20% của chúng ta cũng cần được bảo vệ, tạo hình và khuyến khích phát triển trong những hoàn cảnh xã hội ổn định và thân thiện.

Hãy chăm sóc đội nhóm của bạn: Nếu không phải là những người đồng sự vô tư thì họ cũng được xem như những người hỗ trợ chứ không phải những nhân viên dưới quyền. Thành công của bạn cũng phải là thành công của họ – họ phải được hưởng lợi khi trở thành một phần trong thế giới của bạn, cũng như bạn được hưởng lợi vì họ là một phần của bạn.

Bạn có cần những người đồng sự không?

Bạn sẽ phải quyết định xem liệu thế mạnh của bạn có đủ rộng để duy trì thành công trong lĩnh vực mà bạn lựa chọn hay không.

Có một thử nghiệm nhỏ như sau: Nếu 20% đỉnh năng lực của bạn là một nền tảng đủ mạnh cho một công cuộc kinh doanh mới thành công thì bạn sẽ không cần những người đồng sự. Còn nếu không thì bạn sẽ cần.

Ví dụ, cuộc phiêu lưu đầu tiên của tôi là mở một văn phòng tư vấn quản lý chuyên về chiến lược kinh doanh. Tôi tin rằng 20% đỉnh năng lực của tôi nằm ở tầm nhìn chiến lược. Tôi có thể trả lời những câu hỏi như: “Công ty này thật sự nên làm gì?”. Nhưng tôi không nghĩ đó là một nền tảng vững chắc cho một công ty thành công có khả năng cạnh tranh với các công ty nổi tiếng như McKinsey, Bain hay Boston Consulting. Cụ thể hơn, có hai điều thiết yếu mà tôi không có: một là khả năng thực hiện những công việc phân tích định lượng “điên đầu” và huấn luyện các nhà tư vấn khác làm điều đó; và hai là khả năng lãnh đạo, quản lý một công ty chuyên môn nghiêm túc. Không có những thành phần này, tôi chỉ có thể thành công với một văn phòng nhỏ cùng vài nhân viên bận rộn, nhưng không thể xây dựng được một công ty lớn bền vững. May mắn thay, tôi tìm được hai người đồng sự làm được những việc mà tôi không thể làm: Iain Evans, một nhà phân tích tầm cỡ thế giới, và Jim Lawrence, một nhà lãnh đạo với tài năng theo tiêu chuẩn Olympic.

Nếu bạn cần những người đồng sự, 20% đỉnh năng lực của họ sẽ là gì? Đặt ra câu hỏi này nghĩa là bạn đã có câu trả lời rồi. 20% đỉnh năng lực của họ phải bao gồm những gì cần thiết cho một thành công vô song của cuộc phiêu lưu mới mà một mình bạn không thể chu toàn được.

Quyết định những gì cần tạo ra

Khi bạn đã xác định được sức mạnh của mình và của những người đồng sự là gì, bạn đã sẵn sàng để tiếp tục và quyết định xem mình sẽ tạo ra những gì. Chương 4 đến Chương 6 sẽ cho thấy làm thế nào nguyên lý 80/20 có thể hướng dẫn bạn trong lĩnh vực kinh doanh mà bạn lựa chọn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.