Trên đường đi El Templo, giữa vùng hoang mạc, sao đầy trời chiếu lấp lánh. Perry Mason phải dừng xe vì một chiếc bánh xẹp vỏ. Dùng đèn bấm soi sáng, ông vừa lẩm bẩm nguyền rủa vừa lục trong cốp xe những dụng cụ cần thiết để thay bánh khác.
Trong khi ông hì hụi làm, một chiếc xe khác pha đèn vụt qua với tốc độ đèn tám mươi dặm giờ. Sửa chữa xong, luật sư tiếp tục lên đường, cuối cùng cũng đến El Templo và nhanh chóng tìm được nhà. Milter không cần thiết phải dùng tên khác. Tấm danh thiếp Leslie L. Milter đặt ngay cạnh nút bấm chuông. Mason ấn nút hai lần. Không ai trả lời, ông đến đấm cửa.
Có tiếng chân trên cầu thang nhưng mở cửa là của căn hộ bên cạnh. Một phụ nữ trẻ đẹp, tóc nâu hiện ra, đầu đội nón và mặc áo khoác lông thú. Thấy Mason, cô ngập ngừng giây lát dưới khung cửa và tò mò nhìn ông. Luật sư mỉm cười, giở nón chào. Cô cười lại và nói:
– Không chắc ông ta có nhà.
– Cô biết có thể tìm ông ta ở đâu không?
– Tôi không rõ. Tôi chỉ là người hàng xóm nên không biết nhiều về ông ta. Chiều nay ông ta có nhiều người đến tìm cứ hệt như đám rước. Ông có hẹn trước không?
Mason liếc nhìn tấm biển ở cửa bên:
– Nếu ông ta không có nhà, tôi chờ cũng vô ích. Tôi có thể đưa cô đi bằng xe của tôi được không? Cô Cromwell?
– Không, cám ơn ông. Ông thật chu đáo nhưng tôi đi gần đây thôi.
– Thật lạ là sao thấy Milter lại vắng nhà. Tôi tưởng ông ta ở nhà đón khách.
– Một phụ nữ trẻ ư? – Alberta Cromwell vội hỏi.
– Tôi không rõ – Mason khôn ngoan trả lời – Ông ta chỉ cho tôi biết ông ta chờ một người nào đó và tôi yên trí ông ta có nhà.
– Hình như có một phụ nữ trẻ đến gặp ông ta và tôi cũng thấy một người đàn ông đi ra trước khi ông đến. Tôi ngờ rằng người đàn ông đó bấm chuông nhà tôi trước. Lúc đó tôi ở dưới bếp đang hứng nước thì chuông reo. Tôi vội bấm nút mở cửa nhưng không có ai. Trái lại có tiếng chân bước trên cầu thang nhà ông Milter. Như vậy, tôi đã lầm lẫn tưởng người ta bấm chuông nhà tôi.
– Đã lâu chưa?
– Ồ! Không… mới độ mười lăm hay hai mươi phút thôi.
– Thế cô có biết người khách đó nán lại bao nhiêu lâu không?
– Ông tò mò cứ như nhà thám tử ấy – cô vừa nói vừa cười – Thế ông không chú ý đến cô phụ nữ trẻ à?
– Tôi chỉ quan tâm tới ông Milter thôi. Nghe nói trước kia, ông ta làm thám tử đấy.
– Ô, thật sao?
– Tôi muốn thảo luận với ông ta về một vụ ông ta vừa điều tra.
Cô Cromwell ngập ngừng trong giây lát rồi lại cười:
– A! Tôi phải đi thôi. Tôi rất tiếc không giúp được gì cho ông. Chào ông.
Mason giở nón chào lại và nhìn cô ta đi xa. Ông đến phòng điện thoại gần đó, gọi điện về nhà Witherspoon cho Della Street.
– Người của Drake vừa gọi điện đến – Della báo tin.
– Anh ta nói gì?
– Chiếc xe đò đến đúng giờ, cô gái tóc vàng đi thẳng đến nhà Milter. Cô ấy có chìa khóa riêng.
– Chà! Rồi sao nữa?
– Cô ta lên lầu nhưng không nán lại lâu. Thật rủi ro, người của Drake không cho biết chính xác cô ta ở đó bao nhiêu phút.
– Sao vậy?
– Anh ta nghĩ cô ta ở lâu nên đi hơi xa để gọi điện cho Draek. Trong khi đang nói chuyện với tôi, anh ta thấy cô ta đi qua thế là vội cúp máy và đuổi theo. Năm phút sau gọi lại cho tôi, anh ta cho biết cô ấy ngồi ở ga chờ chuyến tàu nửa đêm đi Los Angeles và cô ấy khóc.
– Anh ta hiện đang ở đâu?
– Quanh quẩn gần cô gái.
– Thế anh không thể xác định cô ấy ở nhà Milter khoảng bao nhiêu phút à?
– Trên dưới mười phút thôi… ông hiểu cho, cô ta có chìa khóa… anh ta không nghĩ cô ta lại về lẹ thế và nghĩ có đủ thời gian để gọi điện.
– Thôi được, tôi ra ga cố tìm bắt chuyện với cô ấy trước khi cô đi.
– Ông có gặp Milter không?
– Chưa.
– Hai hay ba phút sau ông đi, một chiếc xe hơi ở đây cũng phóng theo. Chắc ông Witherspoon đi tìm Lois.
– Cô lo việc ấy đi, được không?
– OK, tôi sẽ lo.
Nhưng khi luật sư đến ga thì tàu đi Los Angeles cũng vừa vào ga, ông chỉ còn kịp thấy cô thư ký của Allgood bước lên toa. Một thoáng, ánh đèn trên toa chiếu thẳng vào mặt cô gái và Mason nhận rõ cô vừa khóc. Ông quay về xe hơi chạy được một đoạn thì xe của cảnh sát rú còi vượt ông và rẽ vào phố của Milter.
Luật sư nhấn ga và một lúc sau, xe của ông đậu ngay sau chiếc xe công vụ. Một cảnh sát đứng trước cửa nhà Milter, ngón tay ấn nút chuông. Nghe thấy Mason lại gần, anh ta quay đầu lại.
– Ông muốn gì vậy?
– Tôi đến tìm một người.
– Ai?
Mason ngập ngừng.
– Nói đi?
– Ông Milter.
– Ông quen ông ta à?
Lựa từng chữ để trả lời, Mason nói:
– Tôi chưa bao giờ gặp ông ta.
– Ông vừa đến hồi nãy?
Lại một lần nữa Mason im lặng một lát rồi mới trả lời:
– Vâng.
– Cách đây bao lâu?
– Khoảng mười phút. Tôi bấm chuông nhưng không ai trả lời.
Viên cảnh sát lại nhấn nút gắn ở tường.
– Ông đừng đi đâu. Tôi cần nói chuyện với ông.
Anh ta bấm chuông có đề Quản lý. Ngay lập tức, một buồng ở tầng trệt bật đèn sáng và lát sau, một phụ nữ trạc bốn mươi, bận áo khoác hé cứa ra.
Bà ta hằn học nhìn Mason nhưng khi thấy người đi theo mặc cảnh phục, bà thân mật hỏi:
– Thưa ông thanh tra, tôi có thể giúp được gì?
– Bà có người thuê nhà tên là Milter phải không?
– Vâng, ông ta ở căn hộ trên lầu…
– Tôi biết căn hộ ông ta rồi và tôi muốn vào. Tôi bấm chuông nhưng không ai trả lời. Bà cho tôi mượn chìa khóa.
– Nhưng nếu ông ta có nhà?
– Bà không cần quan tâm đến chuyện đó.
Trong khi bà ta đi khuất vào trong nhà, viên cảnh sát hỏi Mason:
– Ông muốn gặp Milter làm gì?
– Tôi muốn hỏi ông ta vài câu. Tôi là luật sư ở Los Angeles.
Viên cảnh sát cầm tờ danh thiếp và mang ra chỗ sáng.
– Ồ! Ông là Perry Mason. Tôi có theo dõi nhiều vụ bào chữa của ông trên các báo. Vậy ông đến El Temple để gặp Milter?
Mason nở nụ cười nhẹ cho thích hợp và trả lời:
– Không, cũng không hẳn là như vậy. Tôi làm một chuyến đi xa như thế này không hẳn chỉ để gặp mỗi Milter.
Bà quản lý quay lại với chiếc chìa khóa vạn năng.
– Xin ông vui lòng cho biết tên? – bà hỏi viên cảnh sát – Ông hiểu cho, đề phòng trường hợp xảy ra chuyện gì.
– Haggerty – viên cảnh sát tra lời và cầm lấy chìa khóa.
Khi nhìn thấy anh ta lại gần cửa nhà Milter, Mason nói:
– Tôi để ông lên lầu một mình thôi. Lý do để tôi gặp ông Milter không thật quan trọng lắm.
Ông bước đi vài bước thì viên cảnh sát gọi ông:
– Này, ông đừng vội đi.
– Tại sao?
– Ông không nghĩ tôi mượn chìa khóa này là có lý do xác đáng sao?
– Có thể… nhưng…
– Vừa trước đây, một phụ nữ gọi điện về bót báo ở đây hình như có chuyện gì bất thường xảy ra.
– A?
– Theo ông thì người phụ nữ là ai vậy?
– Tôi không biết.
– Dầu sao cũng xin mời ông theo tôi. Có thể tôi còn nhờ ông vài điều khi ta ở trên kia.
Mason im lặng đi theo anh ta vào một phòng vừa làm buồng ngủ vừa làm phòng khách. Ở đầu kia căn phòng, có một cánh cửa khép kín. Đồ đạc tầm thường, đáng chú ý là một bể cá vàng lớn hình tròn đặt ở góc phòng. Trong bể có những vỏ hến, những viên đá nhiều màu sắc, rong rêu và hai con cá vàng. Ngoài ra có một con vịt con dãy dụa một cách yếu ớt chỉ còn phần trán và mỏ nhô lên khỏi mặt nước.
Theo dõi ánh mắt của Mason, viên cảnh sát nhìn thấy con vịt.
– Cái gì vậy? – anh ta ngạc nhiên hỏi.
– Tôi nghĩ cửa kia thông sang buồng bên – luật sư trả lời.
– Ta vào xem.
Haggerty gõ cửa, không có tiếng trả lời, anh ta mở cửa nhưng lại quay đầu về phía bể cá.
– Con vịt thật kỳ cục… chắc nó bị ốm.
Khi cánh cửa mở, một mùi đặc biệt tràn vào phòng khách. Cứ theo cung cách bày biện đồ đạc thì phòng thứ hai này là phòng ăn.
– Mở hết cửa sổ ra – Mason nói – Tôi không chịu được cái mùi hăng hắc này. Thế qua điện thoại, người phụ nữ nói gì với anh?
– Bà ta chỉ nói vắn tắt ở đây xảy ra chuyện bất thường.
Viên cảnh sát đẩy một cánh cửa thông sang buồng tắm trống trơn. Trong khi Mason mở rộng các cửa sổ, anh này lại mở một cửa khác thông sang gian bếp. Lợi dụng lúc này, Mason quay lại phòng ngủ, ông thò tay vào bể cá lôi con vịt con ra, lúc này đã chìm hẳn. Dùng khăn tay, ông nhanh chóng lau khô bộ lông, đôi chân nó bắt đầu đạp nhè nhẹ.
Nghe bước chân nặng nề của viên cảnh sát quay lại, Mason nhét vội con vịt vào túi áo.
– Nhà bếp… người chết… một loại hơi… tôi cố…
Gương mặt xám ngoét, Haggerty ngã vật xuống ngay cửa phòng. Mason nín thở, chạy tới đạp vội cánh cửa gian bếp rồi quay sang xốc nách viên cảnh sát lôi xềnh xệch tới cửa sổ đã mở toang, đặt nửa người anh ta lên bậu.
Sau đó ông quay lại bưng bể cá vào buồng tắm đổ hết nước vào cầu tiêu, thay đầy nước mới cho hai con cá vàng còn lại dưới đáy đủ bơi thong thả. Ông nhanh chóng đặt bể cá vào chỗ cũ và lau lại bộ lông con vịt đang dần dần hồi sức rồi thả nó vào bể.
– Anh thấy dễ chịu chưa? – Mason đi tới cửa sổ hỏi.
Nằm gục trên bậu cửa sổ, viên cảnh sát khó nhọc ngẩng đầu dậy:
– Đã đỡ một chút.
– Trong hai phòng này tôi đã mở hết cửa sổ nên không còn nguy hiểm nữa nhưng gian bếp chắc còn nhiều hơi độc. Tốt nhất phải báo cho đội cứu hỏa.
– Vâng… định gọi… chốc nữa…
– Tất nhiên rồi Hãy nghỉ một lát cho lại sức đã.
– Không phải loại hơi bình thường chứ?
– Không, chắc không phải.
Một lát sau viên cảnh sát khá tỉnh táo, đi gọi điện. Sau khi cúp máy, anh ta lại vội ngồi lên bậu cửa.
– Tôi thấy dễ chịu rồi. Chắc vì đó mà con vịt có dáng kỳ cục.
– Con vịt nào?
– Con vịt trong bể cá.
– À… ừ… cái con đang bơi kia ư?
– Nó có vẻ là lạ thế nào… chắc do hơi.
– Không khí trong lành làm nó tỉnh lại rồi – Mason nói và chỉ tay về phía bể cá, ở đó đúng như lời ông nói, con vịt con đang gắng gượng rỉa cánh.
– Đúng rồi… Thế tại sao ông lại muốn gặp Milter vào lúc nửa đêm hôm khuya khoắt thế này?
– Tôi được biết ông ta đang thất nghiệp nên có vài việc định giao cho ông ta.
– Ông ta làm nghề ngỗng gì?
– Thám tử tư.
– À, ra thế. Và ông ta đang có công việc tại đây?
– Không, tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, ông ta đang kiếm việc làm.
– Trước kia ông ta làm cho ai?
– Cho ông Allgood có một hãng trinh thám tư ở Hollywood. Anh có thể gọi điện cho ông ta để biết thêm chi tiết.
Còi rú liên hồi báo hiệu xe cứu hỏa đến. Hai người trang bị mặt nạ chống hơi độc bước vào gian bếp mở hết cửa sổ thông gió rồi khiêng xác nạn nhân ra. Mười phút sau, một bác sĩ pháp y đến xác nhận nạn nhân chết vì hơi cyanhiđric.
Một số cảnh sát khác xuất hiện cùng viên phụ tá quận trưởng. Họ phát hiện đằng sau lò hơi đốt có một bình nhỏ chứa lưng chừng một chất lỏng.
– Đây rồi – ông bác sĩ giải thích – nếu các ông cho dung dịch axit clohyđric vào một bình chứa và bỏ vài viên cyanua vào sẽ tạo ra một loại hơi chết người bốc lên. Đó là phương pháp người ta thường dùng trong những phòng hơi ngạt ở một số nước để giết những tử tù. Hiệu quả ngay tức khắc.
Haggerty nói:
– Chúng ta xem có dấu tay trên cái bình đó không?
Mason ngáp dài nói:
– Thôi… Tôi không còn việc gì ở đây nữa…
– Không – Haggerty nói – ông đã cứu tôi thoát chết. Nếu ông không mở hết cửa sổ và đưa đầu tôi ra ngoài thì tôi nguy rồi…
– Thật may mắn cho tôi đã có mặt lúc đó.
– Ông trọ ở khách sạn ư?
– Không, tôi nghỉ ở nhà người quen… ông John Witherspoon có một trang trại ở…
– Ồ! Ông ta được nhiều người biết tiếng – viên phụ tá quận trưởng lên tiếng – Ông ở đây khoảng bao lâu?
– Không, có thể ngày mai tôi sẽ đi – Mason quay lại phía Haggerty nói thêm – Ông nên gọi cho Allgood. Vì Allgood điều hành một hãng trinh thám tư nên chắc chắn ông ta có số điện thoại liên lạc được vào ban đêm.
– Vâng, đúng thế…
Viên cảnh sát thuật lại với viên phụ tá quận trưởng mọi việc xảy ra. Sau đó ông này gọi điện.
Khi cuộc điện đàm được nối thông, Mason cố tình nấn ná bên cửa sổ châm thuốc để nghe lời nói của viên phụ tá. Ông này sau khi tự giới thiệu với Allgood rồi nói:
– Ông có một người tên là Milter, Leslie L. Milter, làm việc cho ông phải không?… Người ta phát hiện anh ta bị chết tại nhà, ngay ở đây… Một loại hơi… Có thể là vụ giết người… Kẻ nào có lợi ích khi khử anh ta?… Ông không thấy ai à?… Anh ta không còn làm việc cho ông sao?… Lý do?… Đơn giản vì không còn việc làm cho anh ta nữa ư?… Anh ta thuộc loại người nào?… Thế còn các phụ nữ?… Tôi sẽ xem… Được rồi?… Ông cứ gọi điện về thành phố này hỏi văn phòng ông quận trưởng hay văn phòng cảnh sát trưởng… O.K, chào ông.
Ông ta cúp máy và nói:
– Milter làm cho Allgood và đã thôi việc cách đây bốn hôm. Công việc không có gì nên Allgood không thể giữ anh ta lại. Allgood cho biết anh ta làm tròn phận sự và cũng không nhớ chính xác những ngày gần đây anh ta được giao công việc gì. Tuy nhiên ông ta quả quyết những việc Milter được giao đều tầm thường không có gì đặc sắc.
Mason thở khoan khoái. Cái tay Allgood làm đúng lời ông dặn.
– Lần này thì tôi đi thật – ông vừa nói vừa quăng mẩu thuốc qua cửa sổ – Nếu ông có cần gì ở tôi thì gọi về nhà ông Witherspoon.
– Sao ông lại có mặt ở đây? – viên phụ tá quận trưởng hỏi.
– Ông luật sư đến sau tôi một chút – Haggerty giải thích.
Mọi người thân ái tạm biệt và luật sư đưa xe đến một gara mở cửa cả đêm. Ông chỉ cho thợ chiếc bánh xe xẹp vỏ ở lốp sau.
– Làm thật nhanh, tôi sẽ quay lại ngay.
Luật sư đi bộ đến ngôi nhà nhỏ cách đó chừng năm trăm mét nghe nói Marvin ở đó. Trước ngôi nhà là một mảnh vườn trồng đầy hoa chứng tỏ bà Adams đã dành nhiều công sức để quang cảnh thêm đẹp mắt. Một phòng phía trước còn đèn sáng và Mason bấm chuông.
Một thanh niên trẻ tuổi có vẻ học gạo ra mở cửa:
– Marvin Adams có nhà không? – Luật sư hỏi.
– Không, thưa ông… Anh ta vừa đi chuyến tàu đêm tới Los Angeles.
– Nhưng theo tôi biết thì lúc tối anh ta đi xe hơi mà?
– Vâng.
– Xe của anh?
– Vâng.
– Tôi có giao cho anh ta một gói nhỏ để đưa cho một người, có thể anh ta đã quên. Có lẽ gói đồ còn để trong buồng anh ta hay ngoài xe hơi gì đó. Nó được bao bằng giấy gói màu xanh có đề tên tôi.
– Thưa ông… xin mời ông vào buồng anh ta trước xem sao.
Đúng là một căn phòng sinh viên, để bừa bãi nào vợt, nào giày trượt, các huy hiệu đủ loại.
Mason liếc nhìn qua căn buồng rồi nói:
– Cái gói không ở đây. Chắc ở xe hơi. Xe đậu chỗ nào?
– Ở ngoài đường.
– Cửa xe có đóng không?
– Ồ, thưa không. Không ai muốn ăn cắp chiếc xe đó đâu.
– Được rồi, để khi về tôi sẽ ghé nhìn vào đó một chút. Tôi có đèn bấm.
Sau khi cám ơn người bạn của Marvin, Mason ra xem chiếc xe tập tàng đó nhưng trên xe không có gì. Ông trầm ngâm quay lại gara. Người thợ vui vẻ báo tin:
– Xong rồi.
– Nhanh vậy ư?
– Vâng, chiếc van bị vặn ra nên ruột xì hết hơi. Chắc là con nít phá hay có thể do đường xấu, xe bị xóc. Chuyện đó đôi khi vẫn xảy ra.