Cư Kỉnh
Chương 6
Vì Ngô Thị Lịnh nghèo, phần thì vợ chồng không có hôn thú nên sợ luật hình không dám cạy tủ của Chí Cao mà kiếm bạc tiền, lại cũng vì Chí Cao mua nhà về ở Ô Môn mới hơn một tháng và không giao thiệp với ai, nên không có người quyến thức đến phân ưu và điếu bái, bởi vậy Thị Lịnh phải liệu cơm gấp mắm, tẩn liệm chồng thì làm cực kỳ đơn sơ. Xin đất và mướn đào huyệt xong rồi, trưa bữa sau đi chôn, thì chỉ có Thị Lịnh, chị Tư Thanh, tên Quận với Hương quản đi theo linh cữu mà thôi.
Một văn sĩ đương xuân xanh tráng kiện, lại viết tiểu thuyết được người ta hoan nghênh nhiệt liệt, mà thình lình bị đâm chết một cách rất gớm ghê, rồi lúc tống chung cái linh cữu lạnh lẽo không ai đoái hoài, những người có chút lòng đạo đức ai trông vào cái hoàn cảnh này cũng chẳng khỏi ngậm ngùi về cuộc danh lợi, suy nghĩ cho nẻo tiền trình.
Tại thiên mạng định như vậy, nên Chí Cao phải chịu như vậy.
Tại nhơn quả nên Chí Cao mới phải như vậy; có nhơn thế nào đó, nên mới có quả thế này đây.
Đó là hai câu của bực trí thức ở Ô Môn nghị luận với nhau hai bữa rày, phải Khổng thì theo cái thuyết thiên mạng, phải Thích thì theo cái thuyết nhơn quả.
Cái thuyết nào trúng ? … Để sau rồi sẽ biết.
Trong lúc dân làng khiêng Chí Cao đi chôn thì thầy Đội vào hầu quan Chủ quận mà phúc bẩm về vụ quan Chủ quận phú thác. Thầy thưa rằng tên Quận được thả ra thì nó bình tĩnh như thường, chớ không thấy nó vui mừng. Nó liền qua nhà thương mà khiêng xác của Chí Cao về nhà. Về tới đó nó không có nói chuyện với Thị Lịnh, mà đến tối nó lại gói hết áo quần của nó đem lại nhà việc mà gởi cho thường xuyên. Nó ở xớ rớ trong nhà hoài tẩn liệm có nó mà cúng quảy cũng có nó, không buồn lung, mà cũng không hớn hở. Còn Thị Lịnh thì cô khóc hoài, bộ buồn rầu nhiều, mà đối với tên Quận, thì không thấy cô tỏ dấu thân thiết chút nào hết.
Quan Chủ quận nghe phúc thẩm như vậy, ngài suy nghĩ một chút, rồi hỏi thầy Đội:
– Theo lời các thầy mới bẩm với tôi đó, thì chắc tên Quận không có giết chủ nó, mà cũng chắc nó không có a ý với Thị Lịnh mà làm việc đó phải hôn?
– Bẩm quan lớn, tôi dọ dẫm thế nào thì tôi bẩm ngay cho quan lớn liệu định, chớ tôi có dám chắc việc chi đâu. Song tôi nghĩ bọn sát nhơn chúng nó khôn lanh lắm. Nhiều khi trong lòng chúng nó gian mà ngoài mặt chúng nó làm ngay, khó cho mình hiểu thấu. Tên Quận khai với thầy Hương quản rằng Thị Lịnh đến ở nhà Chí Cao 3 bữa, vợ chồng có rầy rà với nhau, Thị Lịnh giận chồng rồi hoặc mướn tên Quận giết, hoặc cho tiền biểu tên Quận kiếm cớ đi khỏi đặng người khác giết. Bây giờ Thị Lịnh với tên Quận gặp nhau, họ phải làm bộ làm lơ lảng đặng khỏi người ta nghi, biết chừng đâu.
– Tôi ngó kỹ mặt tên Quận và mặt Thị Lịnh. Hai người ấy không có trí mà lập thái độ tối xảo đến như vậy được. Hạng bình dân như hai người đó, nếu họ phạm tội sát nhơn, hễ thấy thây của người họ giết thì họ xanh mặt xanh mày, chứ có đâu tỉnh táo như tên Quận và ai bi như Thị Lịnh. Tuy vậy mà thầy cũng phải cứ dọ dẫm hoài. Hễ nghe hoặc thấy điều chi khả nghi, thì báo liền cho tôi biết. Còn ngoài dân gian, thầy có nghe họ nói vụ ấy thế nào hay không ?
– Bẩm quan lớn, ngoài chợ người ta bàn luận việc này lung lắm, đi chỗ nào cũng đều nghe họ nói; mà người thì đổ cho số mạng Chí Cao phải chết như vậy, kẻ thì bảo Chí Cao ăn ở làm sao đó nên mới phải bị đâm, chớ họ không có nói tới đứa sát nhơn, họ không có ý nghi cho ai làm việc tàn ác đó.
– Thôi, tôi cảm ơn thầy. Thầy ráng dọ nữa .Thầy coi chừng hễ làm đám ma xong rồi, thì đòi Thị Lịnh với tên Quận đến hầu tôi. Nghe nói chị Tư Thanh, chị còn ở trên này mà giúp Thị Lịnh chôn chồng. Tôi muốn hỏi mà lấy khẩu cung người ấy trước hết, đặng sau khỏi thất công gởi trát đòi.
Buổi chiều, Thị Lịnh, chị Tư Thanh và tên Quận đều đến quận mà hầu.
Quan chủ quận dạy bếp hầu kêu Tư Thanh vô trước một mình. Ngài biết tên họ, tuổi, nghề nghiệp và chỗ ở xong rồi ngài mới hỏi :
– Chị bà con làm sao với cô Ngô Thị Lịnh ?
– Bẩm quan lớn, chị em quen, chớ không có bà con.
– Chị có quen với Chí Cao hay không ?
– Bẩm cũng quen.
– Quen từ bao giờ ?
– Bẩm quan lớn, cách đây mấy năm trước tôi lên Sài Gòn kiếm công việc làm ăn. Tôi nghèo lại bơ vơ, không biết đâu mà nương dựa; may gặp ông Chí Cao là người đồng hương, ổng cho tôi ở đậu. Tại vậy tôi mới quen với vợ chồng ổng.
– Chị ở đậu tại nhà Chí Cao từ năm nào tới năm nào ? chị nhớ hay không ?
– Bẩm chừng 6 năm nay. Tôi ở đó hơn một năm rồi trở về Cần Thơ.
– Tại sao mà bây giờ cô Lịnh lại ở với chị ?
– Bẩm quan lớn, không có ở. Cách sáu bảy bữa trước, cô Lịnh ở trên Sài Gòn cô xuống Cần Thơ mà kiếm ông Chí Cao. Cô gặp tôi ngoài chợ; tôi mời cô về nhà. Tôi đi hỏi thăm dùm mới hay ông Chí Cao mua nhà về ở trên nầy. Cô Lịnh lên Ô Môn kiếm chồng. Cô đi ba bốn bữa rồi trở lại nhà tôi và khóc và nói chồng cô không tưởng đến cô nữa, nên không chịu cho cô ở trong nhà. Cô năn nỉ xin tôi cho cô ở đậu ít ngày đặng kiếm chỗ may mướn; như kiếm không được công việc thì cô sẽ trở về Sài Gòn. Cô mới trở lại nhà tôi hồi xế bữa trước kế sáng bữa sau tôi đi bán ngoài chợ, tôi nghe nói ông Chí Cao bị đâm chết, về nhà tôi nói lại cho cô hay, rồi chị em tôi dắt nhau lên đây.
– Bữa cô Lịnh trở lại nhà chị đó, cô tới hồi giờ nào ?
– Bẩm, hồi đó mặt trời đã xế chiều, lối 3 giờ hoặc ba rưỡi .
– Cô có tỏ lời chi oán chồng hay không ?
– Bẩm, cô phiền lắm. Mà tôi nghĩ phiền cũng phải; bởi vì vợ chồng hồi nghèo thì hẩm hút với nhau, may sau được khá thì chung hưởng với nhau, chớ có tiền bạc nhiều, được danh dự lớn rồi bỏ vợ, thì làm sao mà vợ không phiền được.
– Phải Tào khang chi thê bất khả hạ đường. Bần tiện chi giao bất khả vong. Câu sách ấy gồm đủ luân lý về đạo phu phụ và đạo bằng hữu. Chồng làm trái với luân lý ấy thì vợ phiền đáng lắm.
– Bởi vậy tôi nghe tôi cũng phiền.
– Mà cô Lịnh trở lại nhà chị rồi cô có đi kiếm chỗ đặng may mướn hay chưa ?
– Bẩm, chưa. Cô mới đến Cần Thơ một lần, không biết tiệm may chỗ nào, mà cũng không quen ai. Tôi tính để chiều bữa sau rảnh tôi sẽ dắt cô đi kiếm chỗ mà may, té ra sáng bữa sau hay tin Chí Cao chết đó.
– Hễ buồn thì người ta hay đi chơi đặng giải khuây. Có lẽ cô Lịnh có đi chơi chớ.
– Bẩm, không. Cô ở luôn tại nhà tôi, chớ không có đi đâu hết
– Cô Lịnh tính kiếm chỗ may mướn mà nuôi miệng, tức thị cô không có tiền bạc. Vậy chớ tiền đâu mà cô làm đám ma cho chồng ?
– Bẩm quan lớn, cô nói chồng cô đuổi cô mà cho cô được hai chục đồng bạc. Nhờ số tiền ấy nên mới làm đám ma được. Cô thiếu ít đồng, tôi có cho mượn.
– Tôi cảm ơn chị. Xin chị ra ngoài ngồi.
– Bẩm quan lớn, tôi về Cần Thơ được hay chưa ? Tôi đi từ hôm qua đến nay bỏ buôn bán hết.
– Chị chờ một chút nữa rồi chị sẽ về được.
Quan chủ quận dạy kêu cô Lịnh vô. Cô khai tên là Ngô Thị Lịnh, 30 tuổi, làm nghề may mướn, quê quán ở Sài Gòn. Quan chủ quận biên rồi ngài hỏi cô ;
– Hôm bữa cô ngồi xe hơi mà trở xuống nhà chị Tư Thanh, đi dọc đường cô có gặp ai quen hay không ?
– Bẩm quan lớn, tôi không gặp ai quen hết.
– Cô có nói chuyện chồng xô đuổi cho ai nghe hay không?
– Bẩm không. Xuống tới Cần Thơ rồi tôi mới thuật việc nhà của tôi cho chị Tư Thanh nghe, chớ đi dọc đường gặp người ta lạ hoắc, nên tôi không có nói chuyện gì hết.
Cô đã khai cô làm vợ chồng với Chí Cao mà không có hôn thú. Vậy chớ vì vận hội nào mà làm bạn với nhau, rồi tại sao hồi Chí Cao về Ô Môn cô không đi theo, để một tháng sau rồi mới đến kiếm ? Cô khai cho thiệt và khai cho rõ ràng đặng tôi biết gia đạo của Chí Cao hoặc may tôi mới tìm đứa sát nhơn được.
– Bẩm quan lớn, xin quan lớn cho phép tôi khai đủ đầu đuôi cho rõ. Cách mười năm trước, lúc ấy tôi mới 20 tuổi, thì tôi may mướn tại một tiệm may ở đường Đỗ Hữu Vị trên Sài Gòn. Chồng của tôi là Chí Cao, lớn hơn tôi 2 tuổi, đương làm phóng sự viên cho một tờ báo quốc âm cũng ở trên Sài Gòn. Hai đứa tôi thương nhau rồi kết nghĩa vợ chồng chớ không có cưới hỏi chi hết, chồng tôi làm báo lương mỗi tháng ba chục đồng. Tôi may mướn tiền công mỗi tháng được 12 đồng. Vợ chồng mướn một căn phố cũ ở bên Khánh Hội. Vì nghề nghiệp buộc chồng tôi phải ăn mặc tử tế, giao thiệp với anh em, nên tôi phải tiện tặn hết sức, phải nhịn ăn nhịn mặc, để lo cho chồng. Làm bạn với nhau được 4 năm, lương chồng tôi lên được 50; mà tôi lại sanh một đứa con gái, mắc nuôi con, nên không đi may được nữa. Tôi ở nhà, chòm xóm có mướn may đồ vải thì tôi may chút đỉnh mà kiếm tiền vậy thôi. Sự cực khổ vẫn cứ đeo theo tôi hoài. Năm con tôi được 3 tuổi thì tôi có bịnh, lại trong nhà thiếu trước hụt sau liệu không thể nuôi con được, tôi mới đem con nhỏ mà gởi cho dì tôi ở Gò Vấp nuôi dùm. Lần lần chồng tôi tập viết tiểu thuyết mà đăng báo. Làm luôn hai phần việc, đã viết bài luận mà còn viết tiểu thuyết nữa, nên số lương đã lên tới bạc trăm. Mà viết tiểu thuyết lại phải nới rộng sự giao thiệp thêm ra nữa, nên phải ăn xài tốn hao nhiều hơn. Vì giao thiệp rộng nên chồng tôi phải đi ăn uống chơi bời với anh em hoài, có nhiều khi đi đến năm ba bữa mới về nhà một lần. Cứ nằm chèo queo ở nhà một mình hoài, tôi buồn lại nhớ con, nên tôi kiếm tiệm đi may lại giải khuây. Chồng tôi lại càng ít về nhà hơn nữa. Sau tôi hay chồng tôi không kể nhà cửa là vì có mèo chó cùng hết, nay thăm con này, mai đi xem hát với con kia, chớ không phải đi chơi với anh em. Một bữa tôi đi kiếm, tôi gặp chồng tôi đương ngồi trong nhà hàng mà ăn cơm với một cô nào đó tôi không biết. Nước ghen không thể dằn được nên tôi có mắng cô nọ và nói nặng chồng tôi đôi lời. Chồng tôi nói không biết tôi là ai biểu tôi phải đi ra khỏi nhà hàng lập tức, bằng không sẽ kêu lính bắt tôi. Mấy lời bất nghĩa ấy làm tôi chán ngán hết sức. Tuy tôi nghèo hèn, song tôi cũng có cái nhơn phẩm của tôi. Chồng tôi đã quên nghĩa tào khang, không tưởng đến tôi nữa, thì tôi còn kể tình vợ chồng nữa làm chi. Tôi phiền nên bỏ đi về liền. Từ ấy về sau, thiệt chồng tôi không thèm biết đến tôi và con tôi nữa. Tôi dẹp nhà và xin với chủ tiệm cho ở luôn tại tiệm mà may. Mấy năm nay tuy lòng tôi buồn việc nhà, song thân tôi được thong thả. Cách 4 tháng trước tôi đau một trận lung quá, uống thuốc hết tiền mà bịnh không thấy giảm. Tôi phải vào nhà thương Chợ Rẫy mà nằm. Hôm tháng trước tôi hết bịnh, quan Thầy cho ra nhà thương. Trong túi không một đồng tiền, tôi phải trở về tiệm mà xin may lại.
Ngặt vì trong mình còn yếu quá, hễ ngồi lâu mà may thì mệt rồi cặp mắt đổ hào quang không thể may được. Một bữa tôi gặp người anh em bạn với chồng tôi hồi trước. Người thấy tôi ốm xanh thì hỏi tôi. Tôi kể việc tôi đau, rồi luôn dịp tôi tỏ nỗi khổ của tôi nữa. Người ấy nói chồng tôi nổi danh tiểu thuyết gia, tiền bạc không thiếu gì, đã bỏ nghề viết báo trở về Cần Thơ gần một năm nay, bây giờ ở không viết tiểu thuyết mà bán. Người khuyên tôi nên xuống Cần Thơ mà ở với chồng tôi và người cho tôi 5 đồng bạc mà đi xe. Con người mà gặp cơn cùng khổ đáo để rồi, thì khó giữ thanh cao được. Tôi lấy 5 đồng bạc rồi lên xe hơi đi xuống Cần Thơ, tính kiếm chồng tôi mà năn nỉ xin nhớ nghĩa cũ tình xưa, cho tôi ở mà nhờ hột cơm hoàn thuốc trong lúc ương yếu. Tới Cần Thơ may tôi gặp chị Tư Thanh, là người tôi có làm ơn cho ở đậu trong nhà hồi trước. Chị không quên nghĩa cũ, mừng rỡ mời tôi về nhà, rồi đi hỏi thăm dùm cho tôi coi chồng tôi bây giờ ở đâu, nhờ vậy tôi mới hay chồng tôi mua đất về ở trên này.
Tôi lên kiếm được nhà, mới khóc mà năn nỉ với chồng tôi, xin niệm chút tình xưa nghĩa cũ, nhứt là vì chút con thơ cứu tôi lúc nghèo ngặt, cho tôi ở mà nhờ hột cơm dư. Thân tôi ốm yếu, lời tôi nhỏ nhen, lại nhắc tới con mà không làm cho chồng tôi đặng lòng thương xót được. Chồng tôi nói hẳn rằng không cần con, không còn tình nghĩa gì nữa, tôi không được phép tới nhà làm nhọc lòng cực trí. Năn nỉ không được tôi cố lỳ ở nhấu, đến bữa ăn tuy không mời mà tôi cũng lấy chén đũa lên ăn đại. Chồng tôi thấy cử chỉ của tôi như vậy thì nổi giận nên la rầy xua đuổi tôi. Đuổi thì đuổi, tôi cũng cứ ở hoài không chịu đi, thầm nghĩ giận ít bữa rồi thôi, chớ không lẽ giận hoài. Té ra ở được vài bữa, thấy rõ ý chồng tôi thiệt ghét và khinh tôi, tôi liệu làm cố lì nữa vô ích, nên tối lại tôi mới chỉ ra cái thói đen bạc, cái óc thô bỉ, hễ được sang quên hèn, được giàu quên nghèo của chồng tôi cho chồng tôi biết, đặng sáng bữa sau tôi đi, thà tôi chết bờ chết bụi, chớ tôi không thèm gần với người bất lương bất nghĩa như vậy.
Tôi mắng nhiếc nặng nề, tôi tỏ ý khinh bỉ, coi bộ chồng tôi biết hổ thẹn, mới xuống giọng nói êm ái rằng vì chán ngán cuộc đời, không muốn gần gũi với ai nữa hết, nên mua vườn đặng trốn ở một mình cho yên trí mà viết tiểu thuyết. Nếu để tôi ở thì rộn trí viết không được chớ không phải quên tình cũ nghĩa xưa. Vậy để sáng mai sẽ cho tôi tiền đặng về Sài Gòn uống thuốc rồi lâu lâu sẽ gởi tiền mà cho thêm đặng tôi xài và nuôi con. Tôi nói hẳn không thèm đồng tiền của người bất nhơn bất nghĩa. Chồng tôi lại càng xuống nước kiếm lời dịu ngọt mà an ủi tôi. Sáng bữa sau lấy 20 đồng bạc mà đưa cho tôi và biểu tôi ở ăn cơm sớm mơi rồi sẽ đi chuyến xe trưa. Tôi biết chồng tôi là điếm, liệu làm dữ không được, nên phải làm hiền mà đuổi tôi, chớ không phải thương yêu gì đó, ngặt vì trong cơn ương yếu, túng rồi, một đồng bạc qúy bằng một trăm đồng, nên cực chẳng đã tôi phải đưa tay mà lấy 20 đồng bạc ấy, ở ăn cơm sớm mơi rồi mới đi xe trưa mà trở xuống Cần Thơ. Tôi vô nhà chị Tư Thanh mà thuật chồng bạc bẽo cho chị nghe rồi xin chị cho ở đậu đặng kiếm chỗ may mướn lấy tiền nuôi thân.
Cô Lịnh đứng khai việc vợ chồng của cô, bộ rất thành thiệt, lời rất trung hậu, mà ý không phải thấp hèn hay khờ dại. Cô hờn chồng, cô khinh chồng, chớ không có thù oán.
Quan Chủ quận ngồi lặng thinh mà nghe, cứ để cho cô nói thong thả, song ngài xét từ lời nói, ngó từ nét mặt đặng thấu đáo tâm hồn của cô. Chừng cô khai dứt rồi ngài mới hỏi :
– Trong mấy ngày gần đây cô ở lại nhà chồng cô đó, cô có nghe tên Quận nói tiếng chi oán hận chồng cô hay không?
– Bẩm không. Mà trong mấy bữa đó tôi buồn rồi cứ nằm dàu dàu hoài, tôi không có nói chuyện với nó, nên không hiểu nó có oán hay không.
– Cô có biết người nào hoặc giao tình với chồng cô rồi chồng cô phụ rẫy, hoặc có việc chi khác mà bất bình với chồng cô nên kết thù oán hay không?
– Bẩm quan lớn, tôi xa chồng tôi đã 3 năm rồi. Từ ấy đến nay tôi mới giáp mặt với chồng tôi bữa hôm đó, bởi vậy cái khoảng đời của chồng tôi trong 3 năm sau đây tôi không hiểu chi hết.
– Trong mấy bữa cô ở lại nhà chồng cô đó, cô có nghe lời nói chi, hoặc thấy cử chỉ nào làm cho cô phải nghi chồng cô có tình với kẻ khác chăng?
– Bẩm quan lớn thiệt tôi không có nghe thấy chi hết.
Quan Chủ quận biểu cô Lịnh ra ngoài ngồi chờ và kêu chị Tư Thanh cho hay rằng chị về được.
Ngài cho kêu tên Quận vào mà dạy nó khai coi đêm Chí Cao bị đâm chết đó nó làm việc gì ở đâu. Tên Quận cũng khai y như lời nó đã khai với Hương quản.
Quan Chủ quận bèn hỏi nó :
– Trong mấy bữa cô Lịnh ở tại chủ anh đó, anh có nghe cô tỏ lời chi thù oán chủ anh hay không?
– Bẩm, không. Cô không có nói chuyện với con.
– Tại sao vậy?
– Bẩm quan lớn, con không hiểu. Mà con thấy cô buồn quá, nên con cũng không dám nói tới cô.
– Vậy chớ anh có nghe ai thù oán với chủ anh hay không?
– Bẩm, không.
– Anh có biết chủ anh có tư tình với ai không hay không?
– Bẩm, con không biết. Con ở với chủ con mới 2 tháng nay, nên con không hiểu sự đó.
– Tôi nghi anh không nói thiệt, chớ không phải anh không hiểu. Người ta nói mấy ông văn sĩ đa tình lắm. Ông Chí Cao viết tiểu thuyết có danh, chắc ông phải đa tình như văn sĩ khác. Ông về ở trên nầy hơn một tháng nay, có đờn bà hay cô gái nào đến thăm ông hay không?
– Bẩm quan lớn, con không thấy.
– Có người đàn ông nào đến thăm hay không?
– Bẩm không.
– Ông có đi chơi chỗ nào hay không?
– Bẩm quan lớn. Hôm mới về vài bữa, ổng có qua thăm quan Huyện ở một bên đó một lần rồi thôi, con không thấy ổng đi đâu nữa. Ổng cứ ngồi hoài tại bàn viết, ban đêm cũng như ban ngày. Một hai khi chiều mát ổng mới ra trước lộ đi lên đi xuống dựa mé rạch mà chơi vậy thôi.
– Áo quần khăn vớ của chủ anh ai giặt?
– Bẩm quan lớn, đồ mát và khăn vớ thì con giặt.
– Quan Chủ quận liền kéo hộc tủ bàn viết ra mà lấy một cái khăn mu xoa lụa xanh đưa cho tên Quận và hỏi:
– Mấy tháng nay anh có giặt cái khăn này lần nào hay không?
– Bẩm, không.
– Anh phải coi lại cho kỹ, đừng trả lời gấp.
– Bẩm, chủ con không có khăn mu xoa lụa. Hai tháng nay con không có giặt cái khăn lụa nào hết.
– Có lẽ cái khăn này nhét túi trên, nên có dơ đâu mà phải giặt?
– Bẩm quan lớn, cái đó con không hiểu. Song con dám chắc rằng con mới thấy cái khăn này lần thứ nhứt.
– Anh ngủ sau nhà bếp, vậy mà có khi nào ban đêm anh nghe chủ anh nói chuyện trên nhà lớn hay không?
– Bẩm, con ngủ mê lắm, phần thì nhà bếp cách xa nhà lớn, bởi vậy dầu có nói chuyện chắc con cũng không hay, trừ ra khi nào la lớn, như hôm cô Lịnh lên đó, thì con mới nghe.
– Chủ anh ở gắt gao, có đánh chửi anh hay không?
– Bẩm, không. Chủ con dễ lắm.
Quan Chủ quận cho phép Thị lịnh và tên Quận về, song ngài dặn sáng bữa sau phải trở lên hầu nữa.
Ngài dạy bếp hầu đi đòi Hương quản với thầy Đội mà hỏi coi có ra manh mối chi hay không. Hai thầy chưa dọ ra.
Quan thầy thuốc đem tờ vi bằng mổ tử thi mà nạp cho quan Chủ quận. Hồ sơ đã có đủ khai báo giấy tờ, duy khiếm khuyết có một điều là không biết sát nhơn là ai.
Tối lại quan Chủ quận xét hồ sơ. Ngài sực nhớ còn thiếu lời khai của người ở gần nhà Chí Cao hơn ai hết là ông Huyện Hàm Tân.
Bởi không tìm ra đứa sát nhơn ngài lấy làm bực tức, nên chừng nhớ tới ông Huyện Hàm Tân thì ngài vội vã cất giấy tờ rồi kêu một chú bếp đi với ngài vô nhà ông Huyện, tính vô hỏi thăm coi ông Huyện có biết sự chi lạ hoặc có nghi cho ai không.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.