Cuộc đời của Pi

Chương 44



Vừa hoa hoa tay trước mặt nó, tôi vừa nói, “Richard Parker, mày làm sao thế? Mày bị mù rồi ư?”
Một hai ngày vừa qua nó đã dụi mắt liên hồi và rên rẩm có vẻ rất khó chịu, nhưng tôi không để ý. Khẩu phần hàng ngày của chúng tôi chỉ có nhiều nhất là ê ẩm và đau đớn. Tôi đã bắt được một con dorado. Chúng tôi đã không ăn gì trong ba ngày rồi. Một con rùa đã đến gần xuồng hôm trước, nhưng tôi yếu quá không kéo nó lên được. Tôi đã cắt con cá làm đôi. Richard Parker đang nhìn về phía tôi. Tôi đã ném phần của nó sang. Cứ tưởng nó sẽ ngoạm ngay một cách khôn khéo. Nhưng miếng cá rơi toẹt ngay vào mặt nó. Nó cúi xuống. Sau khi ngửi trái, ngửi phải, nó tìm thấy miếng cá và bắt đầu ăn. Giờ thì chúng tôi đều ăn chậm cả.
Tôi nhìn vào mắt nó. Không thấy có gì khác mọi hôm. Có vẻ như có nhiều dử mắt hơn một chút ở khoé trong, nhưng chẳng có gì đáng giật mình, chắc chắn là chẳng có gì đáng giật mình hơn là bộ dạng chung của nó. Gian truân đã làm cho chúng tôi chỉ còn da bọc xương. Tôi nhận ra rằng nó đã trả lời tôi bằng chính cách nhìn của nó. Tôi đang soi mói thẳng vào mắt nó như một bác sĩ nhãn khoa, còn nó thì cứ trân trân nhìn lại tôi một cách trống rỗng. Chỉ có một con hổ mà mới không có phản ứng gì với một tia nhìn như của tôi.
Thương thay cho Richard Parker. Ngày tận số của cả nó và tôi sắp đến rồi.
Hôm sau, tôi bắt đầu thấy ngưa ngứa ở cả hai mắt. Tôi dụi lấy dụi để, nhưng không bớt ngứa chút nào. Ngược hẳn lại, càng thấy ngứa hơn, và không như Richard Parker, hai mắt tôi bắt đầu phát mủ. Rồi thì tối đen hết cả, mắt chớp như máy vậy. Lúc đầu nó ở ngay trước mắt tôi, một chấm đen ở giữa tất cả mọi vật. Nó lan thành một vết to bao trùm hết cả nhãn trường. Sáng hôm sau, mặt trời chỉ còn một vết sáng leo lét ở phía trên của mắt trái tôi, như một cái cửa sổ ở quá cao. Đến trưa thì mọi thứ đen ngòm hết.
Tôi bám chặt lấy sự sống. Tôi cuống cuồng một cách mỏi mệt. Trời nóng như trong lò lửa. Tôi yếu sức đến mức không thể đứng lên được nữa. Môi tôi khô cứng và nứt toác. Mồm miệng khô ran như phải ngậm đầy bột, lót bởi một thứ nước bọt đặc quánh như hồ và hôi hám kinh khủng. Da dẻ bỏng rộp. Cơ bắp quắt queo đau nhức. Tay chân, đặc biệt hai bàn chân, sưng vù và luôn luôn đau đớn. Tôi đói, và lại một lần nữa không có thức ăn gì. Còn nước thì Richard Parker đã uống nhiều đến mức tôi chỉ còn được năm thìa mỗi ngày. Nhưng cái đau đớn thể xác ấy chẳng là gì so với cuộc tra tấn tinh thần mà tôi sắp phải chịu đựng. Tôi sẽ đánh dấu cái ngày tôi bị mù ấy là khởi đầu của những đau khổ ghê gớm nhất của tôi. Tôi không thể chắc chuyện đó xảy ra lúc nào. Như tôi đã nói, thời gian đã không còn có liên hệ gì nữa. Chắc là vào quãng giữa ngày thứ một trăm và ngày thứ hai trăm gì đó. Lúc ấy tôi đã nghĩ mình sẽ không thể sống thêm được một ngày nào nữa.
Đến sáng hôm sau thì tôi không còn sợ chết một tí gì nữa và tôi quyết định chết.
Tôi đã đi đến một kết luận đáng buồn rằng tôi không thể chăm sóc Richard Parker được lâu hơn nữa. Tôi đã thất bại trong vai trò một người nuôi thú. Tôi lo cho cái chết sắp đến của nó còn hơn của tôi. Nhưng quả thật, kiệt quệ và suy sụp như tôi lúc bấy giờ, tôi chẳng thể làm gì hơn cho nó.
Thiên nhiên nhanh chóng chìm xuống. Tôi có thể cảm thấy cái chết đang bò dần lên. Để được chết một cách thoải mái hơn, tôi quyết định không chịu khát lâu hơn nữa. Tôi uống đã nước thì thôi. Giá mà tôi có một miếng gì đó để ăn lần cuối cùng trước khi ra đi. Nhưng có vẻ sẽ chẳng có gì để ăn cả. Tôi dựa vào chỗ mép cuộn lên của tấm bạt ở giữa xuồng. Tôi nhắm mắt lại và chờ cho hơi thở cuối cùng của mình rời khỏi thân thể. Tôi lẩm bẩm. “Vĩnh biệt nhé, Richard Parker. Xin lỗi vì phải bỏ mày mà đi. Ta đã cố hết sức rồi. Vĩnh biệt cha thân yêu, mẹ thân yêu, Ravi thân yêu. Con xin chào mọi người. Đứa con và đứa em trai yêu dấu đang đến với mọi người đây. Không có giờ phút nào trôi qua mà con không nghĩ đến mọi người. Gặp lại được mọi người sẽ là giờ phút hạnh phúc nhất của con. Còn bây giờ, con xin trao tất cả vào tay Thượng Đế, Ngài là Tình Yêu và là người con yêu dấu.”
Tôi nghe thấy tiếng người, “Có ai ở đó không?”
Đang một mình trong cõi tăm tối của tâm trạng hấp hối mà nghe thấy như vậy thì thật là hoảng hốt. Âm thanh vô hình và vô sắc nghe rất xa lạ. Nhưng khi mù thì người ta lại thính tai.
Tiếng nói ấy lại vang lên, “Có ai ở đó không?”
Tôi kết luận mình đã phát điên. Thảm nhưng mà thật thế rồi. Đau khổ cần có bạn đồng hành, và điên rồ liền chạy đến với nó.
“Có ai ở đó không?” Tiếng nói lại cất lên, khẩn khoản.
Sự mạch lạc trong cơn điên của tôi thật đáng kinh ngạc. Tiếng nói ấy có âm sắc riêng của nó, với một giọng điệu nặng nhọc và mệt mỏi. Đã vậy, tôi cứ chơi theo xem sao.
“Tất nhiên là có,” tôi đáp. “Lúc nào chả có ai đó ở ngoài kia. Nhưng ai mà lại hỏi như vậy nhỉ?”
“Ta đang hi vọng sẽ có ai khác kia.”
”Ngươi nói thế nghĩa là sao, có ai khác là thế nào? Ngươi có biết người đang ở đâu không? Nếu người không thích câu chuyện mơ mộng huyễn hoặc này của mình thì hãy chọn câu chuyện khác đi. Thiếu gì cách huyễn hoặc cơ chứ”.
Hừm. Câu chuyện mơ mộng. Mơ-mộng. Giá mà có một quả mơ thì hay biết bao.
“Vậy là không có ai cả, có phải không?”
“Im nào… ta đang ước có một quả mơ.”
“Mơ à! Ngươi đang có mơ sao? Cho ta một quả được không? Hãy cho ta đi. Chỉ một quả nhỏ thôi. Ta đang thèm quá.” (1)
“Không phải chỉ có một quả mơ! Ta có cả một chùm mơ mộng đấy!”
“Cả một chùm mơ ư! Làm ơn hãy cho ta một quả thôi. Ta…”
Giọng nói, hoặc chỉ là một huyễn hoặc do gió và sóng gây ra, bỗng nhỏ đi và biến mất.
“Mơ của ta mọng, tròn trịa và thơm biết bao”, tôi tiếp tục. “Cành lá của cây ấy trĩu xuống vì quả mới sai làm sao. Trên cây phải có đến ba trăm quả chứ không kém.”
Im lặng.
Giọng nói lại cất lên. “Mình nói chuyện ăn uống đi…”
“Một ý kiến hay đấy”.
“Ngươi sẽ ăn món gì nếu ngươi có tất cả mọi món ăn ngươi thích?”
“Hỏi hay đấy. Ta sẽ có một bữa gồm nhiều món tự ta chọn. Ta sẽ bắt đàu bằng cơm trắng với bột sambar (2). Sẽ có cơm gạo lứt, cơm đậu phụ và…”
“Còn ta thì…”
“Ta đã nói xong đâu. Ta còn lấy thêm các món rau trộn có me chua tẩm ớt, món trộn với hành củ nhỏ, rồi…”
“Rồi món gì nữa?”
“Từ từ đã nào. Ta sẽ còn ăn đủ các món rau trộn khác có cà chua, có cải bắp, có thì là tẩm hạt tiêu, rồi thì…”
“Ra thế.”
“Gượm đã. Còn các món nem cuốn, nước sốt dừa, cơm thập cẩm, đậu phụ chiên chay và…”
“Nghe rất là…”
“Ta đã nhắc đến món nước sốt chua ngọt chưa nhỉ? Sốt dừa và sốt bạc hà trộn với muối giòn và dâu muối chua, ăn với bánh đa đủ loại, tất nhiên rồi.”
“Nghe thật là…”
“Các món salát chính hiệu nữa! Salát đậu phụ với xoài, salát đậu phụ ngâm và salát dưa chuột tươi để nguyên không muối tẩm gì hết. Còn tráng miệng thì có bánh hạnh nhân, bánh sữa, bánh tráng, kẹo lạc, kẹo dừa với kem vani ăn cùng với nước sôcôla thật nóng và thật đặc.”
“Thế là hết đấy à?”
“Ta sẽ kết thúc bữa ăn đó với mười lít nước thật lạnh, thật mát, thật trong lành, và một cốc cà phê.”
“Nghe rất là ngon.”
“Ngon qua đi chứ lại.”
“Hãy nói cho ta hay, nước sốt dừa nấu ra sao ấy nhỉ?”
“Đó thực sự là một món tuyệt ngon. Cần có khoai nước này, cùi dừa nạo này, hẹ tươi này, ớt bột này, hạt tiêu đen xay rồi này, các thứ hạt cay này, hạt cải nâu này, và một ít dầu dừa. Ta đảo cùi dừa trên chảo thật nóng cho đến lúc nó ngả thành màu nâu vàng…”
“Ta góp ý một tí có được không?”
“Cái gì cơ?”
“Thay vì làm món sốt dừa ấy, sao lại không luộc một cái lưỡi bò với sốt mù-tạt?”
“Cái đó không phải là món chay rồi.”
“Tất nhiên. Xong rồi luộc cả cỗ lòng lên nữa.”
“Trời đất! Ngươi đã chén cả lưỡi của con vật tội nghiệp rồi, bây giờ lại muốn ăn cả ruột gan nó nữa?”
“Thì đã sao? Ta ước được ăn món lòng bò theo kiểu Caen – thật nóng, cùng với bánh ngọt.”
“Bánh ngọt ư! Món đó nghe được hơn nhiều. Nhưng là bánh ngọt gì chứ?”
“Bánh ngọt làm bằng lá lách bê!”
“Lá lách!”
“Đun lim rim với nước sốt nấm. Ngon tuyệt!”
Những món kinh khủng và vô đạo ấy ở đâu ra? Chẳng nhẽ tôi đã sa đoạ đến mức thèm ăn một con bò và đứa con nhỏ của nó hay sao? Tôi đã trúng phải thứ gió độc gì vậy? Cái xuồng đã trôi trở lại vào giữa đám rác rưởi kia hay sao?
“Món ăn mọi rợ tiếp theo sẽ là gì?”
“Món ốc bê dầm trong nước sốt bơ!”
“Quay lại cái đầu rồi phải không?”
“Món óc rán nóng!”
“Ta phát ốm lên rồi đây. Có cái gì nhà ngươi không ăn không nào?”
“Ta sẽ không ăn cái có thể đổi được lấy món súp đuôi bò. Được món lợn con quay nhồi gạo, xúc xích, mơ và nho khô. Được món thận bê nấu bơ, mù-tạt và sốt rau thơm. Được món thỏ hầm với rượu vang. Được món xúc xích gan gà. Được món thịt lợn và patê gan ăn với thịt bê. Được món ếch. A, hãy cho ta món ếch. Cho ta món ếch.”
“Ta không thể chịu được nữa.”
Giọng nói lại chìm đi. Tôi run lên vì buồn nôn. Chứng điên trong đầu là một chuyện, nhưng để nó lan xuống bụng là không công bằng.
Thình lình, tôi chợt vỡ nhẽ.
“Ngươi sẽ ăn thịt bò sống còn rỏ máu chứ?” Tôi hỏi.
“Tất nhiên rồi! Ta ưa món bít-tết kiểu tác-ta”
“Ngươi sẽ ăn tiết đã đông của một con lợn chết chứ?”
”Ngày nào cũng được, với nước sốt táo!”
“Ngươi có thể chén bất kì cái gì của một con vật chứ? Những mảnh xác cuối cùng của nó chứ?”
“Ta sẽ vét sạch! Ta sẽ có cả một mâm đầy!”
“Thế ngươi có ăn thịt vẹt không? Ngươi có ăn một con chim vẹt còn tươi sống nguyên lành không?
Không nghe câu trả lời.
“Ngươi có nghe ta hỏi không? Ngươi sẽ ăn một con vẹt chứ?”
“Ta nghe rồi. Nói thực, nếu được lựa chọn, ta sẽ không ăn món đó. Bụng ta không chịu thứ đồ ăn đó. Ta thấy nó rất kinh tởm.”
Tôi cười ầm lên. Đã biết mà. Không phải tôi đang nghe thấy những tiếng nói tưởng tượng. Không phải tôi điên. Chính là Richard Parker đang nói chuyện với tôi. Thằng láu cá ăn thịt tôi chứ ai. Sống bên nhau bao nhiêu lâu mà nó đã chọn lúc cả hai cùng sắp chết mới lên tiếng tâm sự. Tôi thấy thật phấn khởi có thể trò chuyện với một con hổ. Ngay lập tức, lòng tôi tràn ngập cơn tò mò rẻ tiền, thứ bệnh mà những kẻ hâm mộ thường mắc phải đối với các minh tinh mà họ yêu thích.
“Nào hãy nói cho ta biết – ngươi đã giết người bao giờ chưa?”
Tôi nghi ngờ chuyện đó. Thú vật ăn thịt người cũng hiếm như số những kẻ sát nhân trong nhân loại, và Richard Parker bị bắt lúc còn là một chú hổ con. Nhưng ai biết được mẹ nó, trước khi bị Khát bắt, có ăn thịt người nào hay không?
“Hỏi kiểu gì thế?” Richard Parker đáp lại.
“Chẳng nhẽ không có lí do để hỏi thế ư?”
‘Thế thì có lí hay sao?”
”Phải.”
“Tại sao?”
“Ngươi có tiếng như vậy mà.”
”Thật ư?”
“Tất nhiên rồi. Chẳng nhẽ ngươi không biết điều đó?”
“Ta không biết thật.”
“Thế đấy, để ta nói cho ngươi rõ quả thật là người không biết gì. Ngươi nổi tiếng là một kẻ ăn thịt người thật mà. Vậy, ngươi đã giết người bao giờ chưa?”
Im lặng.
“Thế nào? Trả lời ta đi chứ.”
“Rồi.”
“Chao ôi! Ngươi làm ta lạnh hết sống lưng. Bao nhiêu người?”
“Hai.”
“Ngươi đã giết hai người đàn ông?”
“Không. Một đàn ông và một đàn bà.”
“Cùng một lúc à?”
“Không. Đàn ông trước. Đàn bà sau.”
“Đồ quỷ sứ! Cam đoan là người đã cho đấy là một trò đùa rất vui vẻ. Ngươi thấy những tiếng kêu khóc và giãy giụa của họ rất hay phải không?”
“Cũng chẳng phải thế.”
“Họ tốt chứ?”
“Tốt là thế nào?”
“Đừng có giả vờ nữa. Thịt họ ăn có ngon không?”
“Không, thịt họ không ngon.”
“Ta cũng nghĩ thế. Ta đã nghe nói thịt người phải ăn nhiều mới ngon. Vậy sao ngươi giết người ta?”
“Cần phải vậy.”
“Cần thiết quỷ sứ vậy à! Ngươi có ân hận gì không?”
“Hoặc họ hoặc ta mà thôi.”
“Thực là một khái niệm cần thiết với tất cả sự giản đơn vô đạo đức. Nhưng bây giờ ngươi có thấy ân hận một chút nào chăng?”
“Đó là vì phải thế trong một giây phút mà thôi. Chỉ vì hoàn cảnh.”
“Bản năng, đó gọi là bản năng. Dù sao, hãy trả lời câu hỏi của ta đi, ngươi có ân hận chút nào chăng?”
“Ta không nghĩ đến chuyện đó.”
“Đúng là súc vật. Ngươi chỉ là một con vật.”
“Vậy còn ngươi?”
“Con người, ta nói để ngươi biết vậy.”
“Tự phụ đến thế kia ư?”
‘Đó là chân lí rõ ràng mà.”
“Phải vậy sao? Tức là ngươi sẽ ném hòn đá đầu tiên, ra tay trước?”
“Ngươi đã ăn món oothappam bao giờ chưa?”
“Chưa. Nó là cái gì vậy, nói cho ta biết đi.”
“Nó thật ngon.”
“Nghe đã thấy thế rồi. Còn gì nữa?”
“Oothappam thường được làm bằng chỗ bột làm bánh còn dư, nhưng ít khi sáng kiến tận dụng nguyên liệu trong nghệ thuận nấu ăn lại cho ra được một món đáng nhớ như vậy.”
“Ta đã có thể nếm thấy nó rồi đấy.”
Tôi chợt buồn ngủ. Hoặc giả đã rơi vào tình trạng mất cân bằng trước khi chết. Nhưng vẫn có cái gì đó khiến tôi bồn chồn. Không thể nói đó là cái gì. Nhưng gì thì gì, nó cũng đang quấy nhiễu sự chết của tôi.
Tôi tỉnh lại. Tôi đã biết đó là cái gì rồi.
“Này! Này!”
“Cái gì thế?” giọng Richard Parker yếu ớt.
“Tại sao giọng ngươi cứ trẹo trọ thế?”
“Ta có trẹo trọ gì đâu. Chính ngươi thì có.”
“Không phải ta. Ngươi phát âm chữ đe thành ra zie.”
“Ta nói zie là zie, đúng như nó phải thế. Ngươi nói năng như ngậm bi ve trong mồm. Ngươi nói trẹo trọ đặc kiểu Ấn Độ.”
“Ngươi nói năng như thể lưỡi ngươi là một cái lưỡi cưa và các từ tiếng Anh cứ như làm bằng gỗ hết cả. Ngươi trẹo trọ đặc kiểu Pháp.”
Thật là không đâu vào đâu cả. Richard Parker sinh ra ở Bangladesh và được nuôi dạy ở Tamil Nadu, làm sao nó có giọng Pháp được? Công nhận là Pondicherry đã từng là thuộc địa của Pháp, nhưng không ai có thể làm tôi tin rằng đã có những con vật trong vườn thú được nuôi dạy tại Alliance Francais ở phố Dumas.
Thật là lẫn lộn quá. Tôi lại rơi vào tình trạng mù mịt.
Tôi tỉnh dậy, miệng há hốc. Có ai đó thật! Cái giọng nói vừa lọt vào tai tôi chắc chắn không phải là tiếng gió trẹo trọ hoặc một con vật nào đó líu lo. Rõ ràng là có ai đó! Tim tôi đập điên cuồng, gắng sức một lần cuối bơm được một ít máu lên qua cơ thể đã mòn mỏi của tôi. Đầu óc tôi cố sức lần cuối để tỉnh táo.
“Chỉ là một tiếng vọng mà thôi,” tôi lại nghe thấy, rất nhỏ.
:Gượm đã, ta ở đây mà!” Tôi hét lên.
“Một tiếng vọng ngoài biển khơi…”
“Không phải, chính là ta đây!”
“Rồi chuyện này sẽ kết thúc!”
“Bạn ta ơi!”
“Ta đang tiêu tan…”
”Hãy ở lại, ở lại!”
Tôi không thể nghe rõ hắn nói nữa.
Tôi kêu ré lên.
Nó kêu ré trở lại.
Thật quá sức. Tôi sẽ phát điên mất.
Tôi nảy một ý tưởng.
“Tên tôi,” tôi gào vào không gian với những hơi thở cuối cùng của mình, “là Piscine Molitor Patel.” Làm sao một tiếng vọng có thể tạo ra một cái tên được? “Có nghe tôi nói không? Tôi là Piscine Molitor Patel, mọi người đều gọi tôi là Pi Patel!”
“Cái gì thế? Có ai ở đó không?”
”Có. Có đây.”
“Cái gì? Thật ư? Xin anh, anh có chút thức ăn nào không? Thức gì cũng được. Tôi không còn tí thức ăn nào. Tôi đã không ăn gì nhiều ngày rồi. Tôi phải ăn cái gì đó. Xin tạ ơn anh rất nhiều nếu anh chừa cho tôi một ít, cái gì cũng được. Tôi xin anh”.
“Nhưng tôi cũng chẳng còn gì,” tôi đáp, lòng buồn thảm. “Bản thân tôi cũng không có gì ăn nhiều ngày rồi. Tôi đang hi vọng anh sẽ có thức ăn. Anh có nước uống không? Tôi còn rất ít.”
“Không, tôi không có. Anh không có tí thức ăn nào thực sao?”
“Không có gì hết.”
Im lặng, một sự im lặng nặng nề.
“Anh ở đâu?” Tôi hỏi.
“Tôi ở đây.” Hắn đáp, giọng mệt mỏi.
“Đây tức là ở đâu? Tôi không thấy anh ở đâu cả.”
“Sao lại thế?”
“Tôi đã mù rồi.”
“Cái gì kia?” Hắn kêu lên.
“Tôi bị mù. Mắt tôi chỉ thấy tối đen. Tôi chớp mắt nhưng có thấy gì đâu. Đã cách đây hai ngày rồi, nếu như da tôi vẫn cảm thấy được ánh sáng tối thì đúng là đã cách đây hai ngày rồi.
Tôi nghe một tiếng khóc rú lên thật thảm thiết.
“Sao thế? Có chuyện gì thế, hỡi người bạn của tôi?” Tôi hỏi.
Hắn tiếp tục khóc than.
“Nào, hãy trả lời đi. Có chuyện gì vậy? Tôi đã mù rồi và chúng ta chẳng còn đồ ăn thức uống gì, nhưng chúng ta vẫn còn có nhau. Thế cũng là đỡ hơn nhiều. Thế là quý lắm chứ. Vậy thì có chuyện gì thế nữa, hỡi bạn thân mến của tôi?”
“Tôi cũng mù!”
“Sao?”
“Tôi cũng chớp mắt mà chẳng thấy gì, cũng như anh.”
Hắn lại khóc rú lên. Tôi đờ người vì kinh ngạc. Tôi đã gặp một người nữa cũng mù và cũng trên một chiếc xuồng cứu nạn giữa Thái Bình Dương!
“Nhưng làm sao mà anh cũng bị mù?” Tôi lúng búng.
“Có lẽ cũng như anh thôi. Kết quả của tình trạng thiếu vệ sinh ở một cơ thể đang cạn kiệt đến hồi chung cục.”
Cả hai chúng tôi đều bật khóc. Hắn rú lên còn tôi thì thổn thức. Thật là quá sức, không thể chịu đựng nổi nữa.
“Tôi có câu chuyện này,” tôi lên tiếng, sau một lúc lâu.
“Một câu chuyện ư?”
“Phải”
“Một câu chuyện thì có ích gì? Tôi đang đói lắm mà.”
“Một câu chuyện về thức ăn.”
“Lời nói đâu có cho ta calo.”
“Hãy kiếm thức ăn ở nơi có thức ăn.”
“Đó là một ý hay.”
Im lặng. Một sự im lặng chết chóc.
“Anh ở đâu?” Hắn hỏi.
“Ngay đây. Còn anh?”
“Cũng ngay đây.”
Tôi nghe tiếng vỗ nước như thể một mái chèo vừa được hạ xuống. Tôi vớ lấy một trong hai cái chèo tôi đã vớt được từ cái bè đã vỡ. Nó mới nặng làm sao. Hai tay lần mần mãi tôi mới rờ được cái vòng mắc chèo. Tôi thả mái chèo vào vòng. Tôi kéo chèo. Tôi mệt lử, nhưng vẫn cố hết sức chèo.
“Cho nghe câu chuyện của anh đi nào,” hắn nói thở dốc.
“Ngày xửa ngày xưa có một quả chuối và nó cứ to lên dần. Nó to lên, vừa chắc, vừa thơm và vàng rực. Thế rồi nó rụng xuống đất và có người đến nhặt lên ăn.”
Hắn dừng chèo. “Câu chuyện thật là đẹp!”
“Cảm ơn.”
‘Tôi chảy cả nước mắt đây này.”
“Vẫn còn một chi tiết nữa,” tôi nói.
“Cái gì vậy?”
“Quả chuối rụng xuống đất, có người đến nhặt lên, ăn nó – và sau đó thì người ấy cảm thấy dễ chịu hơn.”
“Hay quá, nghe mà phải nín thở!” Hắn kêu lên.
“Cảm ơn.”
Một lúc im lặng.
“Nhưng anh không có quả chuối nào ư?”
“Không. Một con tinh tinh đã làm cho tôi quên mất quả chuối.”
“Một con gì cơ?”
“Chuyện dài lắm.”
“Có thuốc đánh răng không?”
“Không.”
”Cá ăn ngon tuyệt. Có điều thuốc lá nào không?”
“Tôi ăn chúng mất rồi.”
”Anh ăn chúng ư?”
“Tôi vẫn còn những cái đầu lọc. Nếu anh thích thì tôi cho.”
“Đầu lọc? Đầu lọc thì còn làm gì được nữa? Nhưng làm sao anh lại ăn được thuốc lá?”
“Thì còn biết làm gì với chúng? Tôi có hút thuốc đâu.”
“Đáng nhẽ anh nên giữ chúng để đổi chác.”
”Đổi chác ư? Với ai mới được chứ?”
“Với tôi.”
”Người anh em, lúc tôi ăn chúng, tôi chỉ có một mình trên một chiếc xuồng ở giữa Thái Bình Dương.”
”Vậy à?”
“Cho nên, cơ hội gặp được ai đó giữa Thái Bình Dương để có thể đổi chác thuốc lá với họ không phải là một khả năng thực tế.”
“Anh phải hoạch định xa mới được, anh bạn ngốc nghếch ạ. Bây giờ thì anh chẳng có gì để đổi chác cả”.
“Nhưng nếu tôi có cái gì để đổi chác được với anh thì anh có gì nào? Anh có cái gì tôi có thể đổi được không?”
“Tôi có một chiếc ủng.” hắn nói.
“Một chiếc ủng?”
“Phải một chiếc ủng rất đẹp.”
“Tôi sẽ làm gì với một chiếc ủng da giữa Thái Bình Dương? Anh tưởng tôi sẽ đi lang thang với nó trong những lúc rảnh rỗi chắc?”
“Anh có thể ăn nó!”
”Ăn một chiếc ủng! Quả là một ý tưởng.”
“Anh ăn được cả thuốc lá, sao lại không ăn được một chiếc ủng?”
“Cái ý tưởng của anh thật kinh quá. Nhưng mà chiếc ủng ấy của ai?”
“Làm sao tôi biết được?”
“Anh đang xui tôi ăn một chiếc ủng của một người lạ hoắc ư?”
“Thế thì đã sao? Có gì khác đâu nào!”
“Tôi thấy kinh lắm. Một chiếc ủng. Ngoài chuyện đó tôi là một người Hindu và người Hindu chúng tôi coi bò là thiêng liêng, ăn một cái ủng da làm tôi nghĩ đến phải ăn tất cả những hôi hám bẩn thỉu tiết ra từ cái bàn chân đã đi nó, và cả những cứt đái mà nó đã giẫm phải.”
“Vậy là anh không thích đổi lấy ủng.”
“Cho tôi xem nó cái đã.”
“Không được.”
“Cái gì? Anh tưởng tôi sẽ đổi chác với anh không cần xem hàng trước ư?”
“Cả hai ta đều mù cả, tôi phải nhắc anh thế.”
”Thì cứ tả cái ủng cho tôi nghe vậy! Anh bán hàng kiểu gì vậy? Anh đói khách là phải.”
”Đúng thế. Tôi đói khách thật.”
”Thế nào, cái ủng ra sao?”
”Một cái ủng da.”
”Kiểu gì chứ?”
“Kiểu bình thường thôi.”
“Nghĩa là sao?”
“Một cái ủng có dây buộc, có lỗ xâu dây và một cái lưỡi gà. Bên trong có lót. Kiểu bình thường.”
”Màu gì?”
“Đen.”
“Tình trạng ra sao?”
“Mòn rồi. Da mềm và mịn, sờ rất thích tay.”
”Có mùi mẽ gì không?”
“Mùi da thơm thơm âm ấm.”
“Tôi phải thú thật – phải thú thật với anh – nghe thật hấp dẫn đấy!”
“Anh hãy quên nó đi.”
“Sao thế?”
Im lặng.
“Người anh em, hãy trả lời tôi đi chứ.”
“Không còn ủng đâu.”
“Không có ủng ư?”
“Đúng thế.”
“Tôi buồn quá.”
“Tôi đã ăn nó rồi.”
“Anh đã ăn nó?”
“Vâng.”
“Ngon không?”
“Không. Anh ăn thuốc lá có ngon không?”
“Không. Tôi không thể ăn hết được.”
“Tôi cũng không thể ăn hết chiếc ủng đó.”
“Ngày xửa ngày xưa có một quả chuối và nó cứ mọc to ra. Nó mọc to ra và thành một quả chuối chắc nịch, thật to, vàng ươm và thơm phức. Rồi nó rụng xuống đất và có người đến nhặt nó lên ăn, sau đó người đó cảm thấy dễ chịu hơn.”
“Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi về tất cả những gì tôi đã nói và làm. Tôi là một người vô tích sự,” hắn lại khóc oà lên.
“Anh nói gì vậy? Anh là một người tuyệt vời và quý báu nhất trên trái đất này. Người anh em của tôi, hãy lại đây, chúng ta hãy ở bên nhau và tận hưởng điều đó.”
“Đúng như thế!”
Thái Bình Dương không phải là nơi để chèo thuyền, nhất là khi ta mệt mỏi và mù loà, khi chiếc xuồng của ta vừa to vừa khó điều khiển, và khi gió không chịu theo ý ta một chút nào. Hắn ở ngay gần; hắn lại ở thật xa. Hắn ở phía bên trái tôi; lại ở phía bên phải tôi. Hắn ở trước; hắn ở sau. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng làm được. Xuồng chúng tôi chạm vào nhau với một tiếng động nghe còn ngọt ngào hơn cả khi có con rùa động vào với xuồng tôi. Tôi dang tay ôm lấy hắn và hắn cũng ôm chầm lấy tôi. Mắt tôi rưng lệ mà tôi mỉm cười. Hắn ở ngay trước mặt tôi đây, một hiện diện sáng ngời lên qua màn mù loà của tôi.
“Người anh em ngọt ngào của tôi”, tôi thì thầm.
“Tôi đây,” hắn đáp.
Tôi nghe một tiếng gầm gừ thoảng qua.
“Người anh em, có điều này tôi quên chưa nhắc đến.”
Hắn nặng nề nhào lên tôi. Chúng tôi cùng ngã, nửa xuống tấm bạt, nửa đè lên chiếc xuồng. Tay hắn vớ lấy cổ họng tôi.
“Người anh em,” tôi hổn hển trong vòng ôm quá trớn của hắn. “Trái tim tôi ở bên anh, nhưng tôi xin khẩn khoản đề xuất rằng chúng ta phải lập tức chuyển sang một địa điểm khác trên con tàu khiêm tốn này của tôi.”
“Anh nói thật đúng trái tim anh đang ở bên tôi!” Hắn lên tiếng. “Và cả gan ruột, thịt anh nữa!”
Tôi có thể cảm thấy hắn đang rời khỏi tấm bạt và trèo sang cái ghế giữa, rồi, số phận xui khiến, hắn đặt một chân xuống sàn xuồng.
“Không! Đừng làm thế! Người anh em! Đừng vào đó! Chúng ta không phải…”
Tôi cố kéo hắn lại. Nhưng than ôi, không kịp nữa rồi. Trước khi tôi kịp nói hết câu rằng “chúng ta không phải chỉ có một mình”, thì tôi nghe tiếng móng sắc gõ xuống sàn xuồng cách một cái, chỉ như một cặp kính mắt rơi xuống, rồi ngay sau đó người anh em thân mến của tôi kêu thét lên vào mặt tôi như chưa từng có ai kêu thét lên như vậy. Hắn buông tôi ra.
Đó là cái giá khủng khiếp mà Richard Parker đòi phải trả. Nó cho tôi cuộc sống, chính cuộc sống của tôi, nhưng phải tiêu diệt một cuộc sống khác. Nó xé xác và nhai nát xương của người kia. Mùi máu xộc đầy mũi tôi. Một cái gì đó trong tôi đã chết vào giây phút đó và không bao giờ sống lại được nữa.
Chú thích
(1) Nguyên văn tác giả chơi chữ figment (sự huyễn hoặc) và fig (quả chà là), chúng tôi dịch như trên để giữ được kiểu chơi chữ ấy, vốn rất có ý nghĩa trong đoạn mô tả tâm trạng tự huyễn hoặc này của Pi (ND)
(2) Nguyên văn là sambar, chúng tôi đoán là sambar podi, một loại gia vị truyền thống Ấn Độ, dùng để cho vào món cari.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.