Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 21: Một trong số năm ngàn



Từ quán bar trở về căn hộ của mình, tôi thấy ba bức thư cùng tờ báo buổi tối trong hộp thư. Bản sao kê tài khoản của ngân hàng của tôi, giấy mời đến dự một bữa tiệc hứa hẹn sẽ chẳng ra gì, và thư quảng cáo trực tiếp từ một hãng buôn bán ô tô cũ. Tờ quảng cáo viết thế này: “HÃY LÀM RẠNG RỠ ĐỜI MÌNH – HÃY NÂNG CẤP LÊN MỘT CHIẾC XE HƠI THƯỢNG HẠNG.” Cảm ơn, nhưng mà tôi xin kiếu. Tôi xếp cả ba phong bì lại cùng nhau và xé làm đôi. Tôi lôi chút nước quả ép ra khỏi tủ lạnh và ngồi lại bên bàn ăn. Trên bàn là mẩu giấy nhắn của cô bạn gái: “Em ra ngoài ăn, sẽ quay về lúc 9.30.” Chiếc đồng hồ điện tử trên bàn chỉ 9.30. Tôi nhìn nó chuyển sang 9.31, rồi 9.32.
Khi đã phát chán vì nhìn đồng hồ, tôi cởi quần áo, đi tắm gội. Có bốn loại dầu gội và ba loại dầu xả trong buồng tắm. Mỗi lần đi siêu thị, cô lại tích trữ một thứ gì đó. Hễ vào buồng tắm là thế nào cũng có một thứ gì đó mới. Tôi đếm được bốn loại kem cạo râu và năm tuyp thuốc đánh răng. Quả là lắm thứ tích trữ. Ra khỏi vòi hoa sen, tôi mặc sang quần soóc chạy bộ và áo phông. Bụi bặm của một ngày kỳ quặc đã không còn. Cuối cùng tôi cũng cảm thấy nhẹ người.
Lúc 10.20 cô trở về với một túi hàng từ siêu thị. Trong túi là ba chiếc bàn chải cọ, một hộp kẹp giấy và một hộp sáu lon bia ướp lạnh. Vậy là tôi lại làm một lon bia nữa.
“Đó là về chuyện con cừu,” tôi nói.
“Em đã nói trước rồi đấy thôi,” cô nói.
Tôi lôi mấy cái xúc xích ra khỏi tủ lạnh, rán qua rồi dọn ra để hai đứa chúng tôi ăn. Tôi ăn ba cái còn cô ăn hai. Một làn gió mát thổi qua ô cửa sổ nhà bếp.
Tôi kể cho cô nghe những gì xảy ra ở văn phòng, kể cho cô về chuyến đi trên chiếc xe limousine, về điền trang, về tay thư ký có đôi mắt lạnh như thép, về khối u máu và con cừu chắc nịch với ngôi sao trên lưng. Tôi cứ kể mãi. Đến lúc tôi nói xong thì đã mười một giờ.
Nghe xong chuyện, cô thậm chí không mảy may ngạc nhiên. Cô lau tai trong cả quãng thời gian lắng nghe, thi thoảng lại ngáp.
“Vậy bao giờ anh đi?”
“Đi đâu cơ?”
“Anh phải đi tìm con cừu, đúng không?”
Tôi ngẩng nhìn cô, cái khoen trên nắp lon bia thứ hai vẫn còn trên ngón tay. “Anh không đi đâu hết,” tôi nói.
“Nhưng mà anh sẽ gặp rắc rối lớn nếu anh không đi.”
“Chả có rắc rối đặc biệt nào hết. Dù sao anh cũng định bỏ công ty từ trước rồi. Lúc nào anh cũng sẽ có khả năng tìm đủ việc để sống qua ngày, cho dù ai có can thiệp đi chăng nữa. Bọn họ sẽ không giết anh đâu. Thật đấy!”
Cô lôi một chiếc tăm bông ngoáy tai ra khỏi hộp và sờ mó nó một hồi. “Nhưng việc đó thật ra hoàn toàn đơn giản. Tất cả những gì anh phải làm là đi tìm một con cừu, đúng không? Chuyến đi sẽ vui mà.”
“Sẽ chẳng tìm được gì đâu. Hokkaido rộng lớn hơn em tưởng nhiều. Còn cừu – dễ có đến hàng trăm ngàn con ấy chứ. Làm sao người ta tìm ra một con cừu duy nhất ấy được cơ chứ? Việc đó là bất khả. Ngay cả khi con cừu có dấu ngôi sao trên lưng.”
“Năm ngàn con cừu thôi.”
“Năm ngàn con ư?”
“Số lượng cừu ở Hokkaido. Vào năm 1947, có hai trăm bảy mươi ngàn con cừu ở Hokkaido, nhưng nay chỉ còn năm ngàn con.”
“Làm sao em biết được điều ấy?”
“Sau khi anh đi, em đến thư viện kiểm tra thông tin.”
Tôi thốt ra một tiếng thở dài. “Em biết hết mọi thứ, đúng không?”
“Không hẳn vậy. Có nhiều thứ em không biết.”
Tôi khụt khịt mũi, rồi mở lon bia thứ hai để hai chúng tôi uống chung.
“Dù sao đi nữa, chỉ còn năm ngàn con cừu ở Hokkaido thôi. Theo thống kê của chính phủ. Thế nào? Anh thậm chí có cảm thấy nhẹ nhõm chút nào không?”
“Cũng vậy cả thôi,” tôi nói. “Năm ngàn con, hai trăm bảy mươi ngàn con, chẳng khác nhau là mấy. Vấn đề vẫn là đi tìm một con cừu duy nhất trong cái vùng đất bao la ấy. Thêm vào đó, chúng ta chả có lấy một manh mối nào để bắt đầu.”
“Nói chúng ta chả có một manh mối nào là không đúng. Trước hết, có bức ảnh, sau đó có ba ông bạn anh trên đó, đúng không nào? Anh chắc hẳn sẽ tìm ra một điều gì đó không cách này thì cách khác.”
“Nói về manh mối thì cả hai đều quá đỗi mơ hồ. Cái phong cảnh trong bức ảnh chắc chắn là quá bình thường, và em thậm chí không đọc nổi dấu bưu điện trên thư của Chuột!”
Cô uống bia của cô. Tôi uống bia của tôi.
“Anh có thích cừu không?” cô hỏi.
“Thích bình thường.”
Tôi lại bắt đầu thấy rối tung rối mù lên.
“Với lại,” tôi tiếp tục, “anh đã quyết rồi. Ý anh là không đi đâu hết.” Tôi định thuyết phục chính mình, nhưng ngôn từ thoát ra cứ nghe thế nào ấy.
“Uống cà phê không?”
“Ý hay đấy,” tôi nói.
Cô dọn mấy lon bia và mấy chiếc ly rồi đặt ấm đun nước. Trong khi chờ đợi nước sôi, cô lắng nghe tiếng cat-xet phát ra từ căn phòng khác. Johnny Rivers hát “Midnight Special”, tiếp theo sau là “Roll Over Beethoven”. Rồi “Secret Agent man”. Khi ấm nước reo, cô pha cà phê, hát theo bài “Johnny B. Goode”. Trong cả quãng thời gian ấy tôi đọc báo buổi tối. Một khung cảnh gia đình đáng yêu. Nếu không vì chuyện cừu kiếc này, có lẽ tôi đã thấy rất hạnh phúc.
Trong khi băng chạy, chúng tôi uống café và nhấm nháp vái miếng bánh quy trong im lặng. Tôi quay lại đọc báo buổi tối. Khi đọc xong, tôi lại bắt đầu đọc lại lần nữa. Chỗ này là tin đảo chính, chỗ kia là tin một diễn viên điện ảnh đang hấp hối, chỗ kia nữa là tin một con mèo biết làm trò – chẳng có gì liên quan đến tôi. Chẳng có gì liên quan đến Johnny Rivers, người cứ tiếp tục hát. Khi băng hết, tôi gấp tờ báo và nhìn sang chỗ cô.
“Anh không biết phải làm gì nữa. Có lẽ em đúng khi cho rằng nên làm một điều gì đó còn hơn là không làm gì. Thậm chí nếu kết cuộc có vô ích đi chăng nữa, ít nhất chúng ta cũng đã đi tìm con cừu. Nhưng mặt khác, anh không thích bị người khác ra lệnh, dọa dẫm và sai khiến.”
“Ở một mức độ nào đó, ai cũng bị người khác ra lệnh, dọa dẫm và sai khiến suốt. Có lẽ sẽ chẳng thứ gì tốt hơn để mà mong đợi.”
“Có lẽ là không,” tôi nói, sau khi tạm ngưng một lát.
Cô không nói gì và lại bắt đầu lau tai. Thỉnh thoảng, hai chiếc dái tai mềm mại của cô lại thấp thoáng sau mấy lọn tóc dài.
“Lúc này ở Hokkaido thật đẹp. Không có nhiều khách du lịch, thời tiết lại dễ chịu. Hơn thế nữa, bọn cừu lại được thả ra ngoài. Mùa lý tưởng đấy.”
“Thì chắc vậy.”
“Nếu,” cô bắt đầu, nhai rau ráu miếng bánh cuối cùng, “nấu anh muốn đưa em đi cùng, em chắc chắn sẽ giúp được anh”.
“Tại sao em cứ khăng khăng muốn đi tìm con cừu?”
“Tại vì bản thân em cũng muốn được trông thấy con cừu đó.”
“Nhưng tại sao anh phải vất vả đi tìm con cừu khỉ gió này? Và rồi lại còn kéo em vào cái mớ bòng bong này nữa?”
“Em không ngại gì cả. Rắc rối của anh cũng là rắc rối của em,” cô nói với nụ cười thoáng nhẹ dễ thương. “Em phải lòng anh mà.”
“Cám ơn em.”
“Đó là tất cả những gì anh có thể nói sao?”
Tôi đẩy tờ báo ra chỗ góc bàn. Cơn gió nhẹ thổi qua cửa sổ khiến làn khói thuốc của tôi thoang thoảng đâu đó.
“Nói thật nhé, có điều gì đó trong toàn bộ chuyện này làm anh cảm thấy không ổn. Có cạm bẫy ở đâu đó.”
“Ở đâu kia?”
“Ở mọi thứ, mà lại không phải mọi thứ,” tôi nói. “Toàn bộ chuyện này thật ngớ ngẩn hết chỗ nói, nhưng lại rõ ràng một cách nhức nhối, và bức tranh lại khớp với nhau thật hoàn hảo. Không có cảm giác yên lành chút nào.”
Cô ngừng lại một giây, nhặt chiếc dây thun trên bàn và bắt đầu nghịch sợi dây.
“Nhưng chẳng phải cái anh bạn của anh đã gặp đầy rẫy những rắc rối hay sao? Nếu không, tại sao anh ta lại cất công gửi cho anh cái bức ảnh đó?”
Cô đã khiến tôi không còn nói được vào đâu nữa. Tôi đã bày tất cả các quân bài của mình trên bàn, và chúng đều đã bị chặn. Cô đã nhìn thấu tôi.
“Em thật sự nghĩ chúng ta phải làm việc này. Chúng ta sẽ đi tìm con cừu đó, rồi anh sẽ thấy,” cô nói, cười toe toét.
Cô kết thúc trình tự lau tai và bọc mấy chiếc tăm ngoáy tai vào một tờ giấy để vứt đi. Rồi cô nhặt chiếc dây chun trên bàn và buộc tóc lại sau tai.
“Đi ngủ thôi anh,” cô nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.