Cuộc Săn Cừu Hoang

CHƯƠNG 27: GIÁO SƯ CỪU ĂN HẾT, KỂ HẾT



Theo lời người con trai – chủ khách sạn Cá Heo, cuộc đời Giáo sư Cừu không hề hạnh phúc.
“Cha tôi sinh năm 1905 tại Sendai, con trai cả của một gia đình địa chủ,” người con trai giải thích. “Tôi sẽ nói theo lịch Tây, nếu anh chị không phiền.”
“Xin ông cứ tự nhiên.”
“Họ không thật giàu có, nhưng họ sống trên đất của chính mình. Một dòng họ lâu đời, trước kia được chủ nhân lâu đài địa phương ban cho một thái ấp. Thậm chí họ còn sản sinh ra một nhà nông học đáng kính về cuối thời kỳ Giang Hộ.
“Giáo sư Cừu ngay từ sớm đã xuất sắc về mặt học vấn, một thần đồng mà ai ở Sendai cũng biết. Và không chỉ chuyện học hành. Ông vượt tất cả ở tài chơi vĩ cầm và khi học cấp hai ông thậm chí còn biểu diễn một bản xô nát của Beethoven cho Nhật hoàng khi Người đến thăm vùng đó. Vì thế ông được thưởng một chiếc đồng hồ vàng.
“Gia đình cố hướng cho ông theo ngành luật, nhưng Giáo sư Cừu thẳng thừng từ chối. ‘Con không quan tâm đến luật,’ Giáo sư Cừu trẻ tuổi nói.
“ ‘Vậy hãy đi theo đường âm nhạc’ cha ông nói. ‘Gia đình nên có ít nhất một nhạc sĩ.’
“ ‘Con cũng không quan tâm đến âm nhạc.’ Giáo sư Cừu đáp lại.
Một khoảng yên lặng.
“ ‘Vậy thì,’ cha ông nói lớn, ‘mày muốn đi theo hướng nào?’ ”
“ ‘Con quan tâm đến nông nghiệp. Con muốn học về quản trị nông nghiệp.’
“ ‘Tốt thôi,’ cha ông nói một giây sau. Còn biết nói gì hơn? Giáo sư Cừu cẩn trọng và trung thực, loại thanh niên đã nói là làm. Cha ông không xen vào được lời nào.
“Năm sau, đúng như mong muốn của mình, Giáo sư Cừu trúng tuyển vào Khoa Nông nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo. Niềm yêu thích học hành từ hồi nhỏ của ông không có dấu hiệu suy suyển ngay cả ở đó. Mọi người, gồm cả các giáo sư của ông, đều dõi theo ông. Về mặt học tập, ông luôn luôn vượt trội như mọi khi, và ông rất được lòng mọi người. Nói tóm lại, ông là một trong số ít những người được Chúa lựa chọn. Không bị sự phóng đãng làm cho hư hỏng, ông đọc sách bất cứ lúc nào rảnh. Nếu mệt vì đọc sách, ông chơi vĩ cầm ở sân trong của trường, chiếc đồng hồ vàng luôn ở trong túi bộ đồng phục sinh viên.
“Ông đỗ đầu lớp và vào làm tại Bộ Nông Lâm vì là một trong những người ưu tú nhất. Luận văn tốt nghiệp của ông nói một cách đơn giản, là kế hoạch thống nhất nông nghiệp hóa trên diện rộng cho Nhật Bản, Triều Tiên và Đài Loan, vốn bị một số người chê là hơi bị lý tưởng hóa quá. Tuy nhiên, nó trở thành đề tài bàn tán thời đó.
“Sau hai năm trong Bộ, Giáo sư Cừu đến bán đảo Triều Tiên để tiến hành nghiên cứu trồng lúa. Bản báo cáo của ông, xuất bản với cái tên Nghiên cứu về trồng lúa tại bán đảo Triều Tiên, được chính phủ thông qua.
“Vào năm 1934, Giáo sư Cừu được triệu tập về Tokyo và được giới thiệu với một viên sĩ quan quân đội trẻ. Để phục vụ cho chiến dịch Bắc Trung Hoa sắp tới, Giáo sư Cừu được yêu cầu thành lập một chương trình tự cung tự cấp dựa trên cừu. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Giáo sư Cừu với cừu. Giáo sư Cừu tập trung phát triển một cơ cấu tổ chức chung cho để tăng năng suất cừu tại Nhật Bản, Mãn Châu và Mông Cổ. Mùa xuân sau đó, ông bắt đầu một chuyến quan sát thực địa.
“Mùa xuân năm 1935 trôi qua không biến động. Sự việc xảy ra vào tháng Bảy. Đang cưỡi ngựa, không ai đi cùng, trên chuyến quan sát địa hình, Giáo sư Cừu biến mất. Ở đâu thì không ai biết.
“Ba ngày, bốn ngày trôi qua. Vẫn không thấy Giáo sư Cừu. Đội quân tìm kiếm của quân đội tuyệt vọng lùng sục địa hình, nhưng không ai tìm thấy ông đâu. Có lẽ ông bị sói tấn công hoặc bị người bộ lạc bắt cóc. Rồi vào lúc chạng vạng một tuần sau đó, khi không ai còn hy vọng gì, một Giáo sư Cừu đầu tóc quần áo vô cùng xộc xệch đi lang thang trong trang trại. Mặt ông hốc hác, vài chỗ bị xước, nhưng mắt ông vẫn còn sáng. Ngựa của ông không còn, đồng hồ của ông cũng không còn. Lời giải thích của ông, mà dường như ai cũng sẵn lòng chấp nhận, là ông bị lạc đường và ngựa của ông ngã bị thương.
“Chưa đầy một tháng sau, một tin đồn kỳ dị lan ra khắp các cơ quan chính phủ. Lời đồn là ông đã có một mối quan hệ đặc biệt với cừu. Cái quan hệ đặc biệt này là gì thì không ai biết. Và thế là cấp trên triệu tập ông đến văn phòng và tiến hành một cuộc thẩm vấn để làm rõ sự việc. Các tin đồn không được tha thứ trong xã hội thuộc địa.
“ ‘Cậu có đúng là đã có quan hệ đặc biệt với cừu không?’ Cấp trên ông căn vặn.
“ ‘Tôi có ạ,’ Giáo sư Cừu trả lời.
“Cuộc thẩm vấn diễn ra như thế này:
Hỏi: Khi nói quan hệ đặc biệt, cậu muốn nói là cậu đã có quan hệ tình dục với cừu phải không?
Trả lời: Dạ không, không phải vậy.
Hỏi: Hãy giải thích.
Trả lời: Đó là một quan hệ tinh thần.
Hỏi: Đó không phải lời giải thích.
Trả lời: Thưa ngài, thật khó tìm được từ thích hợp, nhưng có lẽ mối liên hệ tâm linh là gần nghĩa nhất.
Hỏi: Cậu nói với tôi là cậu có mối liên hệ tâm linh với cừu ư?
Trả lời: Đúng vậy ạ.
Hỏi: Cậu nói với tôi là trong suốt tuần cậu biến mất cậu có mối liên hệ tâm linh với cừu ư?
Trả lời: Đúng vậy ạ.
Hỏi: Cậu có nghĩ rằng chừng đó là đủ lý do để sa thải cậu khỏi cơ quan không?
Trả lời: Thưa ngài, phòng tôi nghiên cứu cừu.
Hỏi: Mối liên hệ tâm linh với cừu không phải một chương trình nghiên cứu được công nhận. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu cậu sửa đổi lại cung cách của mình. Hãy xem xét việc cậu đỗ bằng danh dự Khoa Nông nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo, hồ sơ làm việc xuất chúng khi cậu vào Bộ. Cậu được kỳ vọng sẽ thành người định ra chuẩn mực cho ngành quản lý nông nghiệp của Đông Á trong tương lai.
Trả lời: Tôi hiểu ạ.
Hỏi: Vậy thì hãy quên cái mối liên hệ tâm linh vô nghĩa này đi. Cừu là vật nuôi. Đơn thuần là vật nuôi.
Trả lời: Tôi không thể quên được ạ.
Hỏi: Cậu sẽ phải giải thích lại hoàn cảnh đó.
Trả lời: Thưa ngài, lý do là có một con cừu trong tôi.
Hỏi: Đó không phải lời giải thích.
Trả lời: Giải thích thêm là không thể.
“Tháng Hai năm 1936. Giáo sư Cừu được triệu về Nhật Bản. Sau khi trải qua hàng loạt cuộc thẩm vấn tương tự, vào mùa xuân ông bị chuyển sang Bộ Lưu trữ Tham khảo, ở đó ông kê thành mục lục các tài liệu tham khảo và sắp xếp giá sách. Nói cách khác, ông đã bị thanh trừng khỏi hàng ngũ ưu tú cốt lõi của ngành quản lý nông nghiệp Đông Á.
“ ‘Con cừu đã không còn trú trong tôi nữa,’ Giáo sư Cừu nói với một người bạn thân hồi ấy. ‘Nhưng nó từng trú trong tôi.’
“Năm 1937. Giáo sư Cừu ra khỏi Bộ Nông Lâm và dùng một khoản vay của Bộ theo chương trình Mô hình Cừu Nhật Bản-Mãn Châu do ông từng quản lý, chuyển đến Hokkaido và trở thành người chăn cừu. 56 đầu cừu.
“Năm 1939. Giáo sư Cừu lấy vợ. 128 đầu cừu.
“Năm 1942. Con trai cả ra đời (người hiện là chủ kiêm điều hành khách sạn Cá Heo). 181 đầu cừu.
“Năm 1946. Lực lượng chiếm đóng Mỹ sung công trang trại nuôi cừu của Giáo sư Cừu làm trại huấn luyện. 62 đầu cừu.
“Năm 1947. Giáo sư Cừu vào làm tại Hiệp hội Cừu Hokkaido.
“Năm 1949. Vợ chết vì viêm phổi.
“Năm 1950. Giáo sư Cừu nhận chức giám đốc Hiệp hội Cừu Hokkaido.
“Năm 1960. Con trai cả mất ngón tay tại cảng Otaru.
“Năm 1967. Tòa nhà Cừu Hokkaido đóng cửa.
“Năm 1968. Khách sạn Cá Heo khai trương.
“Năm 1978. Một người buôn nhà đất trẻ tuổi hỏi thăm về bức ảnh cừu.
Nói cách khác, là tôi.
“Thật tuyệt chưa,” tôi nói.
“Tất nhiên rồi, tôi rất muốn được gặp cha ông,” tôi nói.
“Tôi không phản đối anh gặp ông cụ tôi, nhưng vì ông cụ tôi không thích tôi, anh thứ lỗi cho tôi nếu tôi đề nghị anh đi một mình,” con trai Giáo sư Cừu nói.
“Không thích ông ư?”
“Vì tôi mất hai ngón tay và đang trên đà hói.”
“Tôi hiểu,” tôi nói. “Một người lập dị, cha ông ấy.”
“Con cái mà nói thế này thì thật không phải, nhưng đúng vậy, đúng là một người lập dị. Một người thay đổi hoàn toàn từ khi ông gặp cừu. Cực kỳ khó khăn, thậm chí đôi khi tàn ác. Tận sâu thẳm trái tim ông là người tử tế. Nếu anh nghe ông chơi vĩ cầm, anh sẽ thấy điều đó. Cừu đã làm tổn thương cha tôi, và qua cha tôi, cừu đã làm tổn thương tôi.”
“Ông yêu cha mình, đúng không?” bạn gái tôi nói.
“Vâng, đúng thế. Tôi yêu ông lắm,” người chủ khách sạn Cá Heo nói, “nhưng ông không thích tôi. Ông chưa bao giờ ôm tôi từ ngày tôi ra đời. Chưa bao giờ có một lời tử tế với tôi. Và vì tôi mất hai ngón tay và bắt đầu hói, ông không làm gì ngoài việc chế nhạo tôi.”
“Tôi chắc chắn cha ông không có ý chế nhạo ông,” cô nói.
“Tôi cũng không tin là ông ấy có ý đó,” tôi nói.
“Anh chị thật tử tế quá,” người chủ khách sạn nói.
“Vậy, chúng tôi nên đi gặp trực tiếp ông ấy chứ?” tôi hỏi.
“Tôi không biết,” người chủ khách sạn nói. “Mặc dù tôi chắc chắn ông ấy sẽ gặp anh chị nếu anh chị nhớ hai điều. Một là nói rõ rằng anh chị muốn hỏi về cừu.”
“Còn điều kia?”
“Đừng nói tôi kể cho anh chị về ông ấy.”
“Được thôi,” tôi đáp.
Chúng tôi cảm ơn con trai Giáo sư Cừu và tiến thẳng lên cầu thang. Không khí nơi đầu cầu thang lạnh và ẩm. Ánh sáng mờ mờ, hầu như không để lộ đám bụi trong góc hành lang. Cả chốn đó bốc lên mùi không lẫn vào đâu được của giấy tờ cũ và mùi hôi cơ thể lâu ngày. Chúng tôi bước dọc hành lang, theo chỉ dẫn của người con trai và gõ lên cánh cửa cổ lỗ cuối hành lang. Một tấm biển nhựa cũ gắn vào cửa viết VĂN PHÒNG GIÁM ĐỐC. Không tiếng trả lời. Tôi gõ lần nữa. Lại không tiếng trả lời. Đến tiếng gõ thứ ba, có một tiếng rên, rồi là một lời đáp – “Đừng làm phiền tao. Đi đi.”
“Chúng tôi đến hỏi ông mấy điều về cừu, nếu có thể.”
“Ăn cứt ấy!” Giáo sư Cừu la lên từ bên trong. Một giọng nói cực kỳ mạnh khỏe so với một ông già bảy mươi ba tuổi.
“Chúng tôi thật sự phải nói chuyện với ông,” tôi hét qua cửa.
“Đừng có cho tao nghe cái đống cứt mày-muố́n-nói-chuyện-về-cừu ấy,” Giáo sư Cừu nói.
“Nhưng đó là việc có lẽ cần được thảo luận,” tôi nói ngọt. “Đó là về một con cừu mất tích vào năm 1936.”
Yên lặng một lát, rồi cánh cửa mở tung. Đứng trước chúng tôi là Giáo sư Cừu.
Giáo sư Cừu tóc dài, trắng như tuyết. Lông mày ông cũng trắng, buông xuống qua mắt như những cột băng. Ông cao khoảng một mét bảy tám. Thần thái bình tĩnh. Xương cốt cứng cáp. Mũi ông thò ra từ mặt tại một góc độ thách thức, trông giống như vật chướng ngại trượt tuyết.
Mùi cơ thể của ông lan khắp căn phòng. Không, tôi do dự không biết có nên gọi đó là mùi cơ thể. Khi đã qua một điểm nhất định, nó không còn là mùi cơ thể mà quyện với thời gian, hòa với ánh sáng. Những gì có lẽ từng là một khoảng không gian rộng lớn giờ lèn chặt đầy sách và giấy tờ cũ đến độ khó mà trông thấy sàn nhà. Hầu hết các ấn bản đều là những quyển sách uyên thâm bằng tiếng nước ngoài. Không ngoại lệ, tất cả đều bị hoen ố. Bên phải, dựa vào tường là một cái giường bẩn thỉu, và trước cửa sổ là một chiếc bàn bằng gỗ gụ to tướng cùng một chiếc ghế xoay. Mặt bàn khá ngăn nắp, giấy tờ xếp gọn gàng và được chặn bởi một cái chặn giấy hình con cừu. Căn phòng tối tăm, ánh sáng duy nhất là từ chiếc đèn sáu mươi oát phủ đầy bụi. Giáo sư Cừu mặc sơ mi xám, áo khoác len đen và quần hoa văn dích dắc đã mất hết dáng. Dưới ánh đèn trong phòng, chiếc sơ mi xám và áo len đen có thể bị nhầm tưởng là áo trắng và áo len xám. Có lẽ đó chính là màu nguyên thủy, khó nói được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.