Cuộc Săn Cừu Hoang

CHƯƠNG 37: NHỮNG ĐIỀU GƯƠNG PHẢN CHIẾU, NHỮNG ĐIỀU KHÔNG



Vào buổi sáng ngày thứ mười, tôi quyết định quên đi mọi thứ. Tôi đã quên đi những gì nên quên.
Tôi đang chạy nửa chừng thì tuyết lại rơi. Lần này là một màn tuyết mờ đục, một thứ mưa tuyết nhớt nhớp nháp, ướt nhèm gần như những tinh thể băng. Không giống như thứ tuyết xốp mềm lần đầu tiên, tuyết lần này bẩn khiếp. Nó dính chặt vào người. Tôi bỏ dở không chạy nữa, về nhà mở nước vào bồn tắm. Trong khi nước ấm dần lên, tôi ngồi phịch xuống trước máy sưởi, nhưng vẫn không thấy ấm. Một cơn gió lạnh ẩm ướt đã thấm vào người tôi. Tôi không thể co ngón tay lại, tai tôi nóng rẫy và có cảm giác giòn tan, như thể chúng sẽ gãy ra bất cứ giây nào. Da dẻ toàn thân có cảm giác như thứ giấy bột rẻ tiền.
Ba mươi phút ngâm mình trong bồn tắm cùng trà nóng pha chút brandy cuối cùng khiến cơ thể tôi trở lại bình thường, mặc dù hai tiếng sau đó tôi phải chịu lạnh từng cơn. Vậy ra mùa đông trên núi là thế này đây.
Tuyết tiếp tục rơi mãi cho đến lúc tối, phủ màu trắng lên cả cánh đồng. Tuyết chỉ ngừng rơi khi màn đêm bao trùm thế giới trong bóng tối, và một lần nữa một sự im lặng lan tỏa như sương mù. Một sự im lặng tôi không làm gì để chối bỏ được. Tôi đặt máy hát ở chế độ tự động chơi lại và lắng nghe bản Giáng sinh Trắng hai mươi sáu lần.
Tuyết không lưu lại trên mặt đất lâu. Đúng như Người Cừu dự đoán, phải một thời gian nữa mặt đất mới đóng băng. Ngày hôm sau, ngày thứ mười một của tôi, sáng sủa và rõ ràng. Mặt trời hào phóng chờ đợi cơ hội, để lại trên đồng cỏ những mảng tuyết nằm đây đó, lấp lánh trong nắng. Tuyết tích tụ trên đầu hồi mái nhà rơi xuống thành những tảng băng vỡ tan trên mặt đất kèm những tiếng thình thịch nghe đến là bực bội. Mọi thứ đều lấp lánh. Mỗi một giọt nhỏ bám ở đầu mỗi chiếc lá sồi đều sáng lóa.
Tôi thọc tay vào túi áo đứng cạnh cửa sổ, nhìn chăm chăm ra ngoài. Ngoài kia, mọi thứ trải ra hoàn toàn cách biệt khỏi tôi. Không hề liên quan đến sự tồn tại của tôi – không hề liên quan đến sự tồn tại của bất cứ ai – mọi thứ đến rồi đi. Tuyết rơi, tuyết tan.
Tôi quyết định đi lau dọn nhà đôi chút, nhạc nền là tiếng tuyết rơi và đổ. Lẩn tránh trong nhà vì tuyết, cơ thể tôi cần phải làm gì đó; ngoài ra, chẳng phải tôi là khách trong nhà người khác đó sao? Tôi chưa bao giờ là người không thích lau dọn và nấu nướng.
Tuy vậy, lau dọn một ngôi nhà lớn hóa ra lại là công việc nặng nhọc hơn tôi tưởng nhiều. Chạy bộ mười lăm cây số còn dễ hơn. Tôi phủi bụi mọi ngóc ngách, rồi đẩy máy hút bụi đi vòng quanh. Tôi lau ẩm sàn gỗ, rồi bò ra đánh bóng sàn bằng sáp. Việc này khiến tôi mệt đến gần đứt hơi, nhưng nhờ bỏ thuốc lá, tôi vẫn còn thở được. Không còn tiếng khò khè khọt khẹt kinh khủng trong cổ họng nữa.
Tôi vào bếp uống một ly nước nho lạnh và hoàn thành việc sắp xếp cho ngăn nắp những gì còn lại trong một đợt lau dọn trước buổi trưa. Tôi mở toang cửa chớp, thế là sàn nhà mới đánh sáp sáng bóng lên. Hương đất nồng nơi miền quê quyện với mùi sáp tạo nên sự hòa hợp tuyệt vời và gợi nhắc quá khứ.
Tôi giặt những miếng giẻ dùng để đánh bóng sàn, rồi đun nước. Để nấu món mì ống, tôi trộn trứng cá tuyết, kha khá bơ, rượu vang trắng và nước tương. Một bữa trưa thật ngon, lại có cả tiếng kêu của một con chim gõ kiến từ cánh rừng gần đó.
Tôi ăn nhanh món mì ống, rửa bát đĩa, rồi quay trở lại công việc. Tôi cọ bồn tắm và chậu rửa, lau nhà vệ sinh, đánh bống đồ đạc. Trước hết, nhờ Chuột, không có gì quá bẩn; chỉ cần xịt ít thuốc đánh bóng là đủ. Sau đó lôi ống nước dài ra và rửa qua cửa sổ với cửa chớp. Nhờ vậy, cả ngôi nhà trở nên gọn gàng mát mẻ hơn. Sau khi rửa qua cửa sổ, việc lau dọn của tôi kết thúc. Tôi dành hai tiếng còn lại trước khi trời tối để nghe nhạc.
Khi đi đến phòng Chuột để mượn một cuốn sách khác, tôi để ý đến tấm gương đứng soi được cả người ở chân cầu thang. Tôi đã bỏ sót nó, và nó rất bẩn thỉu. Tôi dùng một miếng vải lau, nhưng có tốn bao nhiêu công lau chùi và nước rửa kính thì cái gương vẫn không sạch. Tôi không thể hiểu tại sao Chuột lại để chiếc gương này bẩn thỉu đến vậy. Tôi xách đến một xô nước ấm và dùng bàn chải bằng ni lông cọ đi hết lớp dầu nhờn đã đóng cứng. Bụi bẩn trên gương biến nước trong xô thành màu đen sì.
Bằng vào chiếc khung gỗ chạm trổ, có thể thấy tấm gương là đồ cổ, có lẽ khá đáng giá, vì thế tôi cẩn thận không lau chùi quá mạnh.
Tấm gương phản chiếu hình ảnh tôi từ đầu đến chân, không hề sai lạc, hầu như nguyên vẹn. Tôi đứng ngắm chính mình. Không có gì mới. Tôi là tôi, với vẻ mặt không có gì đặc biệt xưa nay. Tuy nhiên hình ảnh tôi lại rõ nét một cách không cần thiết. Đó không phải hình phản chiếu phẳng của tôi. Tôi đang không nhìn vào chính mình; trái lại, cứ như thể tôi mới là hình phản chiếu trong gương và cái hình ảnh phẳng của tôi này đang nhìn vào cái thằng tôi thật sự. Tôi đưa tay phải lên trước mặt và lau miệng. Thằng tôi trong tấm gương cũng đưa ra cử động tương tự. Nhưng có lẽ chính tôi đang bắt chước những gì thằng tôi trong gương đã làm. Tôi không thể tin chắc được là mình đã tự ý lau miệng.
Tôi sắp xếp từ “tự ý” trong đầu vào dùng tay trái véo tai mình. Thằng tôi trong gương làm y hệt. Có vẻ như hắn đã sắp xếp từ “tự ý” trong đầu hắn hệt như cách tôi đã sắp xếp.
Tôi ngừng lại rồi bỏ đi. Hắn cũng bỏ đi.
Vào ngày thứ mười hai, tuyết rơi lần thứ ba. Tuyết rơi trước khi tôi tỉnh dậy. Một trận tuyết yên lặng khủng khiếp, lần này không cứng cũng không ướt nhớp nháp. Xoay tròn chậm chạp từ trên trời xuống, tan ra trước khi tạo nên bất cứ cái gì. Loại tuyết rơi lặng lẽ khiến ta nhắm mắt, thật nhẹ nhàng.
Tôi lôi cây ghi ta khỏi phòng chứa đồ và, sau khi mất bao khó khăn lên dây, thử chơi mấy bản nhạc cũ. Tôi tập bản Thư đặc biệt đường hàng không của Benny Goodman, và chẳng mấy chốc đã đến đúng ngọ. Tôi làm món bánh mì gồm những lát thịt lợn hun muối dầy cộp kẹp trong bánh mì tự làm giờ đã cứng như đá, rồi mở một lon bia. Sau khi tôi tập ghi ta thêm ba mươi phút nữa, một người xuất hiện, còn ai vào đây nữa, ngoài Người Cừu.
“Nếu anh thấy phiền thì tôi sẽ đi,” Người Cừu nói với qua cửa ra vào mở toang.
“Không, không phiền chút nào cả. Dù sao thì tôi cũng đang chán đây,” tôi nói, đặt cây ghi ta dưới sàn.
Người Cừu đập cho bùn rơi khỏi ủng hệt như lần trước, rồi bước vào. Cơ thể hắn có vẻ mập ra trong bộ quần áo lông cừu dày cộp. Hắn ngồi trên xô pha đối diện tôi, tay đặt lên thành ghế và chỉnh lại tư thế cho thoải mái.
“Tuyết chưa lưu lại trên mặt đất à?” tôi hỏi.
“Chưa đâu.” Người Cừu trả lời. “Có thứ tuyết lưu lại trên mặt đất và có thứ tuyết không. Đây là loại tuyết không lưu lại trên mặt đất.”
“Hừm.”
“Thứ tuyết lưu lại trên mặt đất sẽ đến vào cuối tuần tới.”
“Anh uống bia không?”
“Cám ơn. Nhưng tôi thật ra muốn uống một ly brandy.”
Tôi vào bếp, lấy cho hắn một ly brandy và mình một lon bia, rồi mang cả vào phòng khách cùng với bánh mì kẹp pho mát.
“Anh đang chơi ghi ta.” Người Cừu Nói thích thứ. “Chúng tôi cũng yêu âm nhạc. Dù vậy tôi không biết chơi nhạc cụ gì.”
“Tôi cũng thế. Chẳng chơi gì đã gần mười năm.”
“Không sao đâu à chơi bản gì cho tôi đi.”
Tôi không muốn làm Người Cừu mất vui, vì thế tôi chơi hết giai điệu bản Thư đặc biệt đường hàng không, chơi ngẫu hứng đoạn đồng ca rồi chơi thêm một đoạn ngẫu hứng, sau đó không đếm kịp nhịp nên bèn dừng lại.
“Anh chơi khá đấy,” Người Cừu nói có vẻ vô cùng nghiêm túc. “Chắc hẳn chơi một loại đàn phải thích lắm nhỉ?”
“Nếu chơi tốt. Nhưng nếu muốn chơi tốt, ta phải luyện tai. Và khi đã luyện tai rồi, ta lại trở nên thất vọng với việc chơi đàn của mình.”
“Thôi nào thật thế sao?” Người Cừu nói.
Người Cừu nhấm nháp từng ngụm rượu nhỏ một cách thanh nhã từ cốc brandy nhỏ, trong khi tôi uống bia lon.
“Tôi không thể chuyển lời nhắn của anh.” Người Cừu nói.
Tôi gật đầu.
“Tôi đến đây chỉ để thông báo thế thôi.”
Tôi liếc nhìn cuốn lịch trên tường. Chỉ còn ba ngày nữa là đến hạn chót, ngày đến hạn đánh dấu mực đỏ. Nhưng điều đó có nghĩa gì nữa đâu?
“Mọi thứ đã thay đổi,” tôi lớn tiếng. “Tôi, giận giận lắm. Chưa bao giờ trong đời tôi lại giận dữ như thế này.”
Người Cừu ngồi đó, cốc rượu nhỏ trong tay, và không nói gì.
Tôi cầm đàn ghi ta lên đập mạnh mặt sau đàn vào những viên gạch lò sưởi. Cùng với cú đập là một tiếng tưng vang to chói tai của dây đàn. Người Cừu bay ra khỏi xô pha, tai hắn vẫn còn run lẩy bẩy.
“Tôi có quyền giận dữ,” tôi nói, nhấn mạnh sự thật ấy với chính mình hơn là với Người Cừu. Thôi nào, tôi đúng là có quyền giận dữ.
“Tôi cảm thấy khó nghĩ khi không thự chiện việc được anh nhờ. Nhưng anh phải hiểu cho. Chúng tôi thật sự quý mến anh.”
Hai chúng tôi đứng đó. Chúng tôi nhìn tuyết. Tuyến mịn mượt như bông nhồi rơm ra từ trong đám mây bị xé rách.
Tôi vào bếp lấy một lon bia nữa. Mỗi lần tôi đi qua cầu thang, chiếc gương vẫn ở đó. Cái thằng tôi kia có vẻ cũng đi lấy một lon bia nữa. Chúng tôi nhìn thẳng vào mặt nhau và thở dài. Sống trong hai thế giới tách biệt, chúng tôi vẫn cùng nghĩ về mọi thứ. Cứ như Groucho và Harpo trong bộ phim Xúp Vịt.
Phòng khách đằng sau tôi được phản chiếu trong gương. Hay là phòng khách đằng sau hắn nhỉ? Phòng khách đằng sau tôi và phòng khách đằng sau hắn là một. Cũng cùng một chiếc xô pha, cùng một tấm thảm, cùng một chiếc đồng hồ và tủ sách, mọi thứ giống hệt nhau. Xét theo nghĩa phòng khách thì không đặc biệt bất tiện, nhưng không thể nói là có gu thẩm mỹ tinh tế nhất. Tuy vậy có gì đó khang khác. Hoặc có thể đơn giản là tôi cảm thấy có điều gì đó khác.
Tôi vơ lấy một lon Löwenbrau xanh khác và trên đường quay lại phòng khách, lon bia trong tay, tôi nhìn thêm lần nữa vào phòng khách trong gương, rồi nhìn lại phòng khách. Người Cừu trên xô pha, lơ đãng nhìn ra ngoài tuyết.
Tôi kiểm tra Người Cừu trong gương. Nhưng không có Người Cừu nào trong gương! Không có ai trong phòng khách cả, chỉ có chiếc xô pha trống không. Trong thế giới trong gương, tôi có một mình. Nỗi khiếp sợ chạy dọc sống lưng tôi.
“Trông anh xanh xao đấy,” Người Cừu nói.
Tôi ngồi thụp xuống xô pha và không nói gì, kéo khoen ở nắp hộp bia và làm một ngụm.
“Có lẽ bị lạnh. Mùa đông nơi này có thể làm ta khó chịu nếu ta không quen. Không khí cũng ẩm ướt. Hôm nay anh nên đi ngủ sớm.”
“Không”, tôi nói. “Hôm nay tôi sẽ không đi ngủ. Tôi sẽ đợi bạn tôi ở đây. Nếu anh gặp cậu ấy, nói với cậu ấy thế. Mặc dù tôi không nghĩ điều đó cần thiết”.
Người Cừu gật đầu một cách hiểu biết. “Chắc chắn sẽ cô đơn khi anh đi rồi. E rằng đành phải chấp nhận thôi. Tiện thể anh cho tôi xin cái bánh mì kẹp pho mát ấy được không?”.
“Chắc chắn rồi”.
Người Cừu bọc cái bánh mì kẹp vào trong khăn giấy, nhét vào trong túi, rồi đem găng vào.
“Hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau”, Người Cừu nói trong lúc ra đi.
“Chúng ta sẽ gặp lại,” tôi nói.
Người Cừu băng qua đồng cỏ về phía Đông. Cuối cùng, màn tuyết nuốt chửng hắn. Sau đó tất cả là yên lặng.
Tôi đổ khoảng một đốt tay rượu brandy vào cốc nhỏ của Người Cừu và uống một hơi hết sạch. Cổ họng tôi bỏng rát, và dần dần dạ dày tôi bỏng rẫy, nhưng sau ba mươi giây cơ thể tôi ngừng run. Chỉ có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc đang đập trong đầy tôi.
Có lẽ tôi cần ngủ đôi chút.
Tôi lấy chăn trên gác xuống và ngủ trên xô pha. Tôi cảm thấy hoàn toàn kiệt sức, như một đứa bé đi lang thang trong rừng đã ba ngày. Tôi nhắm mắt và ngay lập tức thiếp đi.
Tôi có một giấc mơ kinh hoàng. Một giấc mơ quá kinh hoàng để có thể gợi nhớ lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.