Dấn Thân
CHƯƠNG I: Khoảng trống tham vọng lãnh đạo
Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?
Bà ngoại tôi, Rosalind Einhorn, sinh cùng ngày với tôi nhưng trước tôi 52 năm, ngày 28/8/1017. Cũng như những gia đình gốc Do Thái nghèo khổ sinh sống tại các hạt thuộc thành phố New York, gia đình bà sống trong một căn hộ nhỏ, chật hẹp, đông đúc, gần gũi với bà con họ hàng. Cha mẹ, cô chú của bà gọi con cháu là con trai bằng tên riêng, còn gọi bà và chị em gái của bà một cách chung chung là “Gái”.
Vào thời kỳ Đại khủng hoảng, bà ngoại tôi phải bỏ học ở trường Trung học Morries để giúp gia đình kiếm sống bằng cách nhận khâu hoa vải lên váy lót để mẹ bà mang đi bán lại kiếm chút tiền lời. Trong cộng đồng không ai nghĩ đến việc yêu cầu các cậu con trai bỏ học. Việc học của con trai là niềm hy vọng giúp gia đình có thể leo lên cao trên chiếc thang tài chính và vị thế xã hội. Trong khi đó, việc học của con gái vừa kém quan trọng xét về mặt tài chính, vì các cô cũng sẽ không có khả năng đóng góp vào thu nhập của gia đình, vừa kém quan trọng về mặt văn hóa, vì con trai thì phải học kinh torah trong khi con gái chỉ cần vén khéo việc nhà. Bà ngoại tôi may mắn được một giáo viên đến tận nhà đề nghị cho bà đi học lại. Bà theo học hết trung học và sau đó tốt nghiệp trường ĐH California tại Berkeley.
Sau khi tốt nghiệp đại học, “Gái” làm công việc bán sách và phụ kiện cho sách tại tiệm David trên đường Fifth Avenue. Khi bà rời công việc này để lập gia đình với ông ngoại tôi, truyền thuyết kể lại là tiệm David phải thuê bốn người để thay vị trí của bà. Nhiều năm sau, khi công việc kinh doanh sơn của ông ngoại tôi trục trặc, bà nhảy vào thực hiện một số động tác khó khăn mà ông tôi còn ngần ngại, giúp cho gia đình thoát khỏi thảm họa tài chính. Bà lại tiếp tục thể hiện khả năng kinh doanh của mình khi bước vào độ tuổi 40. Sau khi bị chẩn đoán ung thư vú, bà đánh bại nó và cống hiến đời mình cho việc kêu gọi đóng góp cho bệnh viện nơi đã chữa trị cho bà bằng cách bán đồng hồ cũ chất trên thùng xe của bà. “Gái” kiếm được khoản lợi nhuận mà Apple cũng phải thèm thuồng. Tôi chưa bao giờ gặp người nào có nguồn năng lượng và quyết tâm cao độ như bà. Khi Warren Buffet nhắc đến việc cạnh tranh với một nửa thế giới, tôi nghĩ đến bà và tự hỏi cuộc đời bà sẽ ra sau nếu bà sinh ra chậm hơn nửa thế kỷ.
Khi bà ngoại có gia đình – mẹ tôi và hai người em trai – bà chú trọng nền học vấn cho tất cả các con. Mẹ tôi theo học ĐH Pennsylvania, trong các lớp học chung nam nữ. Mẹ tôi tốt nghiệp năm 1965 với tấm bằng văn chương Pháp, mẹ tham khảo lực lượng lao động mà theo mẹ có hai chọn lựa nghề nghiệp dành cho phụ nữ: nghề giáo hay nghề y tá. Mẹ tôi chọn nghề giáo. Mẹ bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ, lập gia đình và sau đó phải bỏ nghề khi mang thai tôi. Người ta xem việc người chồng phải cần đến sự hỗ trợ tài chính của vợ là dấu hiệu của hèn kém, nên mẹ tôi chọn làm nội trợ và tích cực làm việc thiện nguyện. Sự phân chia lao động hàng thế kỷ vẫn còn đó.
Mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình truyền thống, cha mẹ tôi đặt kỳ vọng như nhau giữa tôi, em gái, và em trai tôi. Cả ba chúng tôi được khuyến khích phải học thật giỏi trong trường, chia sẻ việc nhà một cách công bằng, và tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi cũng phải giỏi thể thao nữa. Em trai và em gái tôi tham gia các nhóm chơi thể thao, nhưng tôi luôn là đứa được chọn sau cùng trong giờ thể dục. Mặc dù không giỏi thể thao, tôi được dạy dỗ để tin rằng con gái cũng có thể làm được bất cứ điều gì con trai làm được và tất cả mọi con đường sự nghiệp đều rộng mở đón chào tôi.
Khi tôi vào đại học mùa thu năm 1987, các bạn trong lớp thuộc cả hai giới đều tập trung hết mình cho việc học. Tôi không nhớ mình có nghĩ đến tương lai khác hơn so với các bạn nam hay không. Tôi cũng không nhớ có bao giờ trao đổi về việc một ngày nào đó sẽ phải cân bằng giữa công việc và con cái. Chúng tôi đều cho rằng mình sẽ đạt được cả hai. Nam và nữ cạnh tranh thẳng thắn và nhiệt tình với nhau trong lớp, trong các hoạt động, và khi đi phỏng vấn. Chỉ cách bà tôi hai thế hệ, sân chơi dường như đã cân bằng.
Nhưng hơn hai mươi năm sau khi tốt nghiệp đại học, thế giới vẫn chưa tiến bộ nhiều như tôi mong muốn. Hầu hết các bạn nam ngày xưa giờ đều làm trong môi trường chuyên nghiệp. Một số bạn nữ làm việc toàn thời gian hay bán thời gian bên ngoài gia đình, nhưng cũng có rất nhiều người ở nhà làm mẹ và tham gia công việc thiện nguyện như mẹ tôi. Đây cũng là xu hướng chung trên cả nước. So với các đồng nghiệp nam giới, nhiều phụ nữ được đào tạo cao lại rút lui khỏi lực lượng lao động với tỉ lệ cao. Đồng thời, những con số phân cách này khiến cho các tổ chức và người đỡ đầu chuyển sang đầu tư nhiều hơn vào nam giới, mà theo thống kê nhiều khả năng sẽ tiếp tục sự nghiệp.
Judith Rodin, chủ tịch Quỹ Rockefeller và là người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò chủ tịch một đại học trong nhóm Ivy League, đã từng nhận xét với một nhóm phụ nữ ngang tuổi tôi, “Thế hệ tôi đã tranh đấu rất nhiều để mang lại quyền chọn lựa cho các bạn. Chúng tôi tin vào chọn lựa. Nhưng chọn rời bỏ công việc không phải là chọn lựa chúng tôi nghĩ các bạn sẽ đưa ra”.
Chuyện gì đã xảy ra? Thế hệ của tôi được nuôi dậy trong một thời đại ngày càng bình đẳng, một xu hướng chúng tôi nghĩ sẽ còn tiếp tục. Khi nhìn lại, chúng tôi nhận ra mình còn ngây thơ và duy tâm. Kết hợp khát khao sự nghiệp và đời sống hóa ra là một thách thức lớn hơn tưởng tượng của chúng tôi. Những năm tháng cần phải đầu tư tối đa cho sự nghiệp cũng chính là những năm tháng đồng hồ sinh học đề nghị chúng tôi phải sinh con cái. Bạn đời của chúng tôi không chia sẻ việc nhà hay chăm sóc con, và thế là chúng tôi sống trong tình trạng hai việc cùng lúc. Chỗ làm chưa kịp thay đổi và chưa cho chúng tôi những chọn lựa linh hoạt để đảm trách việc nhà. Chúng tôi đã không tính trước những điều này. Chúng tôi bị đánh úp bất ngờ.
Nếu thế hệ của tôi quá ngây thơ, thì các thế hệ kế tiếp lại quá thực dụng. Chúng tôi biết quá ít, còn bây giờ các cô gái lại biết quá nhiều. Các cô gái thế hệ này không phải là thế hệ đầu tiên nhận được cơ hội bình đẳng, nhưng họ là người đầu tiên hiểu rằng tất cả các cơ hội này không có nghĩa là họ nghiễm nhiên sẽ thành công trong nghề nghiệp. Nhiều cô gái đã chứng kiến mẹ của họ cố gắng “làm hết mọi thứ” và quyết định phải chấp nhận buông tay thứ gì đó. Và thứ đó thường là sự nghiệp.
Phụ nữ có đủ kỹ năng để lãnh đạo trong công việc là chuyện không có gì phải bàn. Nữ sinh ngày càng đạt điểm cao hơn nam sinh trong trường, chiếm 57% tỉ lệ tốt nghiệp đại học và 60% tỉ lệ tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ. Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm khoảng 49% trong số người tốt nghiệp đại học. Tại Châu Âu, 82% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 đã hoàn tất ít nhất là cấp ba, so với 77% nam giới. Kết quả học tập này thậm chí còn làm nhiều người lo sợ “ngày tàn của đàn ông”. Tuy nhiên, nếu như thái độ tuân thủ, giơ tay xin phát biểu ý kiến được khen ngợi trong trường học, thì chúng lại không được đánh giá cao trong cơ sở. Tiến thân trong công việc thường tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro và tự tin vào bản thân – những tính cách không được khuyến khích thể hiện ở phụ nữ. Điều này giải thích vì sao kết quả học tập của các nữ sinh lại chưa được chuyển hóa thành số lượng phụ nữ nắm giữ vị trí cao trong công việc. Con đường cung cấp nguồn nhân lực có trình độ không thiếu phụ nữ ở vị trí khởi đầu, nhưng đến giai đoạn lãnh đạo, con đường lại chật nghẹt nam giới.
Có nhiều lý do dẫn đến sự sàng lọc này, nhưng một yếu tố quan trọng là khoảng cách tham vọng làm lãnh đạo. Dĩ nhiên, xét về cá nhân, phụ nữ càng tham vọng không kém gì nam giới. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, dữ liệu cho thấy trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, nam giới tham vọng đạt vị trí cao nhiều hơn nữ giới. Khảo sát năm 2012 của McKinsey trong số hơn bốn ngàn nhân viên tại các công ty hàng đầu cho thấy 36% nam giới muốn trở thành CEO, so với con số 18% ở nữ giới. Khi công việc được miêu tả là quyền lực, thử thách, trách nhiệm, chúng có sức hấp dẫn cao đối với nam giới. Và mặc dù khoảng cách tham vọng này thể hiện rõ rệt ở các chức vụ cao cấp, tình hình cũng không mấy khả quan ở những bậc thang nghề nghiệp còn lại. Khảo sát sinh viên đại học cho thấy nhiều nam sinh hơn nữ sinh chọn “đạt vị trí quản lý” là mục tiêu nghề nghiệp trong vòng ba năm sau khi tốt nghiệp. Ngay cả trong cộng đồng những người làm công tác chuyên môn, nam giới cũng tự nhận mình là “tham vọng” nhiều hơn nữ giới.
Hy vọng đã bắt đầu lóe lên cho thấy một sự thay đổi đang diễn ra trong thế hệ kế tiếp. Nghiên cứu Pew năm 2012 lần đầu tiên cho thấy trong số thanh niên tuổi từ 18 – 34, số phụ nữ (66%) nhiều hơn so với nam giới (59%) cho rằng “thành công trong công việc hay nghề nghiệp với mức lương cao” là điều quan trọng trong cuộc đời. Một khảo sát gần đây của Millenials cho thấy phụ nữ cũng tự đánh giá mình là tham vọng ngang với nam giới. Mặc dù đây là dấu hiệu đáng mừng, trong nhóm này, khoảng cách tham vọng lãnh đạo vẫn tồn tại. Phụ nữ thế hệ thiên niên kỷ ít đồng tình với câu nói “Tôi khao khát vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực công việc của mình” so với nam giới. Tỉ lệ phụ nữ đánh giá bản thân là “lãnh đạo”, “người có tầm nhìn”, “tự tin”, và “sẵn sàng chấp nhận rủi ro” cũng thấp hơn nam giá.
Nam giới quyết tâm đạt vị trí lãnh đạo, nên cũng không ngạc nhiên khi thực tế họ chiếm được vị trí lãnh đạo, đặc biệt là khi phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều rào cản. Khuôn mẫu này đã có từ trước khi họ bước chân vào nghề nghiệp. Tác giả Samantha Ettus và chồng đã đọc quyển kỷ yếu năm mẫu giáo của con gái, trong đó mỗi trẻ đều trả lời câu hỏi “Con muốn làm gì khi con lớn lên?” Họ nhận thấy nhiều bé trai muốn trở thành tổng thống. Không có bé gái nào có cùng ước mơ. (Dữ liệu hiện tại cho thấy khi các bé gái này lớn lên, các em sẽ vẫn không thay đổi cách suy nghĩ.) Tại trường phổ thông, tỉ lệ học sinh nam khao khát vị trí lãnh đạo trong sự nghiệp tương lai cũng cao hơn học sinh nữ. Tại năm mươi trường đại học hàng đầu, chỉ có chưa đầy một phần ba các chủ tịch hội nhóm trong trường là nữ.
Tham vọng thành đạt trong nghề nghiệp ở nam giới được xem là tất yếu, trong khi đối với nữ giới là vô thưởng vô phạt – hay thậm chí tệ hơn, bị đánh giá tiêu cực. “Cố ấy tham vọng quá” không phải là lời khen trong nền văn hóa này. Phụ nữ hung hãn và cứng rắn đã vi phạm luật bất thành văn về ứng xừ trong xã hội. Nam giới thường xuyên được hoan nghênh vì có tham vọng, quyền lực, thành công, nhưng nếu phụ nữ thể hiện những tính cách này, họ phải gánh chịu sự đầy đọa của xã hội. Thành công của người phụ nữ đều đi kèm với mức giá phải trả.
Và cho dù tiến bộ, phụ nữ vẫn phải chịu áp lực xã hội về vấn đề hôn nhân khi còn trẻ. Khi tôi theo học đại học, cha mẹ tôi bên cạnh việc chú trọng kết quả học tập, vẫn không ngừng nhắc nhở về hôn nhân. Cha mẹ nhắc tôi rằng phụ nữ phải lập gia đình sớm để tìm được người tử tế trước khi họ bị cướp mất. Tôi nghe theo lời khuyên này và trong suốt những năm đại học, tôi săm soi những người bạn trai của mình như người chồng tương lai (mà tôi dám chắc rằng cách tốt nhất để làm hỏng buổi hẹn hò ở tuổi mười chín.)
Khi tôi tốt nghiệp, thầy hướng dẫn luận án, Larry Summers, đề nghị tôi nộp hồ sơ xin học bổng nghiên cứu quốc tế. Tôi phản đối ý tưởng này với lý do một quốc gia xa lạ không phải là nơi thích hợp để tìm chồng. Thay vào đó, tôi dọn đến sống ở Washington D.C, nơi không thiếu những người tiềm năng. Chiêu này đã thành công. Trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, tôi gặp được một người không chỉ đủ tiêu chuẩn mà còn thật tuyệt vời, nên tôi đã lập gia đình với anh ta. Tôi hai mươi bốn tuổi và tin rằng hôn nhân là bước đi đầu tiên – và là bước cần thiết – để tiến hành một cuộc đời hạnh phúc và thành đạt.
Cuộc đời không diễn ra suôn sẻ. Tôi chưa đủ chín chắn để thực hiện quyết định cuộc đời này, và mối quan hệ của chúng tôi nhanh chóng rạn nứt. Đên năm hai mươi lăm tuổi, tôi đã kịp lập gia đình…và li dị. Lúc đó, tôi cảm thấy đây là một thất bại não nề cho bản thân và cho hình ảnh của mình. Suốt nhiều năm liền, tôi thấy cho dù mình có thành công đến mấy trong công việc, nó vẫn không xóa nhòa được hai chữ ly dị đã khắc trên ngực mình. (Gần mười năm sau, tôi học được sự thật rằng “người tốt” không bị cướp mất hết, và tôi đã vui sướng kết hôn với Dave Goldberg.)
Giống như tôi, Gayle Tzemach Lemmon, phó giám đốc Chương trình phụ nữ và Ngoại giao thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế, cũng được khuyến khích ưu tiên cho hôn nhân. Như bà kể lại trên tờ The Atlantic, “Năm 27 tuổi, tôi nhận được học bổng danh giá đến Đức để học tiếng Đức và làm việc cho tờ Wall Street Journal… Đây là cơ hội tuyệt vời cho môt cô gái ngoài hai mươi xét trên mọi góc độ, và tôi biết nó sẽ giúp tôi rất nhiều trong kế hoạch cao học và xa hơn nữa. Tuy nhiên, các cô bạn gái của tôi đã tỏ ra kinh ngạc và hoảng sợ khi biết tôi sẽ chia cách với người bạn trai của mình để sống ở nước ngoài một năm. Người thân hỏi thăm tôi có sợ rồi đây tôi sẽ không thể kết hôn. Khi tôi tham dự một buổi tiệc nướng với bạn trai lúc đó, sếp của anh chàng kéo tôi ra một bên để nhắc nhở “mấy người như anh chàng này không còn nhiều đâu”. Kết quả của những phản ứng tiêu cực này, kéo theo quan điểm của Gayle, là nhiều phụ nữ “vẫn xem tham vọng là điều xấu xa.”
Nhiều người tranh luận với tôi rằng vấn đề không nằm ở tham vọng. Phụ nữ không hề kém tham vọng hơn nam giới, theo họ, chẳng qua phụ nữ được khai sáng với những mục tiêu khác, giàu ý nghĩa hơn. Tôi không phản đối hay khinh thường lập luận này. Cuộc sống mà không chỉ là cố gắng leo lên trên nấc thang sự nghiệp, mà còn phải nuôi dậy con cái, thỏa mãn khát khao cá nhân, đóng góp cho xã hội, và làm cho cuộc sống của nhiều người khác tốt đẹp hơn. Và có nhiều người rất yêu thích gắn bó với công việc nhưng không có – và cũng không nên bị ép buộc – khao khát điều hành tổ chức. Vị trí lãnh đạo không phải là cách duy nhất để tạo nên tác động sâu sắc.
Tôi cũng thừa nhận giữa nam giới và nữ giới có sự khác biệt sinh lý. Tôi đã nuôi hai con bằng sữa mẹ và tôi nhận thấy rằng đây không phải là công việc chồng tôi có thể đảm đương được. Phải chăng có những tính cách do giới quy định và vì thế phụ nữ thường che chở và nam giới thì bạo dạn? Cũng có thể. Tuy nhiên, trong thế giới hiện nay, khi chúng ta không còn phải săn bắn để kiếm thức ăn, khát khao lãnh đạo phần lớn là do yếu tố văn hóa tạo ra và củng cố. Cá nhân tự đánh giá khả năng và mong muốn thành công phần lớn xuất phát từ kỳ vọng của xã hội.
Ngay từ khi mới sinh ra, bé trai và bé gái đã được đối xử khác nhau. Cha mẹ thường nói chuyện nhiều hơn với bé gái. Các bà mẹ đánh giá quá cao khả năng bò của con trai và đánh giá thấp khả năng bò của con gái. Do suy nghĩ bé gái cần được giúp đỡ nhiều hơn so với bé trai, các bà mẹ thường dành nhiều thời gian chăm sóc nâng niu bé gái và thường dành thời gian nhìn bé trai tự chơi một mình.
Những thông điệp văn hóa khác còn thô bạo hơn. Gymboree từng bán các bộ áo cho trẻ con in thông điệp “thông minh như bố” cho bé trai và “xinh đẹp như mẹ” cho bé gái. Cũng năm đó, J.C.Penny giới thiệu áo thun cho các thiếu nữ với dòng chữ khoe khoang “Quá đẹp không cần làm bài tập.”
Chuyện này không phải là chuyện của năm 1951. Chuyện xảy ra trong năm 2011.
Tệ hơn, thông điệp dành cho bé gái không chỉ khuyến khích phát triển những tính cách hời hợt mà còn có khuynh hướng ngăn cản xu hướng lãnh đạo. Khi bé gái muốn lãnh đạo, em bị gọi là hống hách. Bé trai ít khi nào bị gọi là hống hách vì khi bé trai làm sếp không ai ngạc nhiên hay giận dữ. Là một người từng thường xuyên bị gọi như vậy khi còn nhỏ, tôi biết đó không phải là lời khen.
Những câu chuyện hống hách của tôi khi còn nhỏ được kể đi kể lại như chuyện cười. Mà đúng thế, khi tôi còn ở tiểu học, tôi đã dạy cho hai em, David và Michelle, đi lẽo đẽo theo tôi, nghe tôi độc thoại, và hét toáng lên “Đúng rồi!” khi tôi kết thúc. Tôi là đứa trẻ lớn nhất trong xóm và thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn để tôi có dịp làm đạo diễn và thành lập câu lạc bộ để tôi làm lãnh đạo. Người ta thì cười vui khi nghe kể lại, nhưng đến nay tôi vẫn cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình (thật là một điều đáng nói nếu xét rằng tôi đang viết một quyển sách tuyên bố rằng không nên tạo cho bé gái cảm giác này, hay biết đâu đây chính là lý do khiến tôi viết sách).
Ngay cả khi chị em chúng tôi đã bước vào tuổi băm, cách dễ nhất để các em chọc ghẹo tôi là cứ lôi mấy cái chuyện này ra kể lại. Khi tôi và Dave cưới nhau, David và Michelle đã đứng lên chúc mừng bằng một bài vừa buồn cười vừa dễ thương, bắt đầu như sau:”Xin chào! Có thể quý vị nghĩ rằng chúng tôi là em trai em gái của Sheryl, nhưng thực tế chúng tôi là nhân viên đầu tiên của Sheryl – nhân viên số một và số hai. Đầu tiên, khi mới được một tuổi và ba tuổi, chúng tôi yếu ớt và chẳng làm nên trò trống gì. Không có kỷ luật, lại lười biếng. Mới ngồi xuống đọc tờ báo sáng là chúng tôi đã phun phèo phèo đầy người. Nhưng Sheryl nhìn thấy chúng tôi có tiềm năng. Suốt hơn 10 năm, Sheryl đã đón nhận và nhào nặn chúng tôi thành hình”. Mọi người đều cười. Hai em tôi nói tiếp, “Theo chúng tôi biết Sheryl không bao giờ chơi thật tình khi còn nhỏ, mà chỉ là sắp xếp cho các bạn chơi. Sheryl cũng kiểm soát cả người lớn nữa. Khi cha mẹ chúng tôi đi nghỉ hè, và ông bà phải đến giữ nhà. Trước khi cha mẹ chúng tôi lên đường, Sheryl phản đối, “Bây giờ con phải chăm cho David và Michelle và ông bà nữa. Thật không công bằng!” Mọi người càng cười lớn hơn.
Tôi cũng cười, nhưng trong tôi vẫn có cảm nghĩ không đồng tình với việc một cô bé gái mà bị xem là..độc tài.
Từ khi còn nhỏ, bé trai đã được khuyến khích lãnh đạo và đưa ra ý kiến. Giáo viên trao đổi nhiều hơn với học sinh nam, gọi tên các em nam thường hơn, và đặt nhiều câu hỏi cho nam sinh. Các em nam thường xung phong trả lời nhiều hơn, và khi các em nói, giáo viên thường lắng nghe. Khi em nữ lên tiếng trả lời, giáo viên thường khiển trách em vi phạm nội quy và nhắc nhở em phải giơ tay xin phép trước khi nói.
Gần đây tôi được nhắc nhở rằng khuôn mẫu này vẫn tồn tại khi chúng ta đã lớn. Cách đây không lâu, tại một tiệc tối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, vị khách mời đã phát biểu suốt buổi mà không dừng lại để thở. Như vậy có nghĩa là muốn đặt câu hỏi hay nêu lên nhận xét thì phải chen ngang. Ba hay bốn đồng nghiệp nam lên tiếng, và vị khách lịch sự trả lời câu hỏi của họ trước khi tiếp tục bài phát biểu của mình. Khi đến lượt tôi muốn góp ý thì ông xẵng giọng, “Để tôi nói hết! Mấy người không chịu lắng nghe gì cả!”. Cuối cùng, một vài người nam tiếp tục chen ngang thì ông lại dịu giọng chấp nhận. Rồi khi một người nữ còn lại trong buổi tiệc lên tiếng – ông lại tỏ vẻ! Ông phê bình cô vì chen ngang. Sau bữa tiệc, một CEO là nam giới kéo tôi sang một bên và nhận xét rằng chỉ có phụ nữ mới bị gạt ngang phải im lặng, Ông nói mình rất thông cảm, vì ông là người Mỹ la tinh, và ông cũng thường bị đối xử tương tự.
Mối nguy hiểm không chỉ dừng lại ở việc người có thẩm quyền bắt các tiếng nói từ phía nữ giới phải im lặng. Phụ nữ trẻ nhìn vào các chỉ báo xã hội để định nghĩa thế nào là hành vi “phù hợp”, và từ đó, tự buộc mình phải im lặng. Họ được khen ngợi vì “xinh đẹp như Mẹ” và được khuyến khích phát triển tính cách chăm sóc người khác như Mẹ. Album nhạc “Free to be…You and Me” phát hành năm 1972 và trở thành một yếu tố chính của tuổi thơ tôi. Bài hát yêu thích “William’s Doll” nói về một cậu bé năm tuổi van nài người cha miễn cưỡng mua cho mình món đồ chơi dành cho bé gái. Gần bốn mươi năm sau, ngành công nghiệp đồ chơi vẫn tràn ngập hình mẫu rập khuôn. Ngay trước Giáng sinh năm 2011, một đoạn phim về một bé gái bốn tuổi tên Riley được truyền trên mạng. Riley đi khắp các cửa hàng bán đồ chơi, bực dọc vì các công ty “dụ con gái mua đồ màu hồng thay vì chọn những thứ con trai hay mua, đúng không?” Đúng thế. Như Riley lập luận, “Có em gái thích siêu nhân, có em gái thích công chúa. Có em trai thích siêu nhân, có em trai thích công chúa. Vậy tại sao con gái phải mua đồ màu hồng và con trai thì được mua đồ đủ màu?” Một cô bé bốn tuổi muốn thoát khỏi áp đặt xã hội cũng phải nổi loạn. William vẫn không được chơi búp bê, và Riley thì vẫn chìm trong thế giới màu hồng. Tôi vẫn mở album Free to Be…You and Me cho các con tôi nghe và hy vọng nếu chúng vẫn tiếp tục mở cho các cháu tôi nghe, thông điệp lúc đó nghe sao mà lỗi thời.
Khuôn mẫu về giới được bắt đầu từ giai đoạn tuổi thơ và củng cố thường xuyên trong suốt cuộc đời, trở thành lời tiên tri tự đúng. Đa số các vị trí lãnh đạo là nam giới, do đó phụ nữ không kỳ vọng sẽ đạt được, và nó trở thành lý do khiến họ không đạt vị trí lãnh đạo. Vấn đề lương bổng cũng tương tự. Nam giới thường kiếm được nhiều tiền hơn nữ giới, vì thế người ta kỳ vọng, phụ nữ kiếm tiền ít hơn. Và thực tế là vậy.
Trầm trọng hóa vấn đề là một hiện tượng tâm lý xã hội được gọi là “mối nguy rập khuôn” (stereotype threat). Các nhà nghiên cứu xã hội đã ghi nhận khi các thành viên trong nhóm nhận thức về một khuôn mẫu tiêu cực, họ có khuynh hướng làm theo khuôn mẫu này. Ví dụ, theo suy nghĩ rập khuôn, nam sinh giỏi các môn toán và khoa học hơn nữ sinh. Khi các em nữ sinh được nhắc nhở về giới trước khi bước vào bài thi toán hay khoa học, ngay cả khi việc đó chỉ đơn giản là đánh dấu vào ô Nam hay Nữ trên đầu tờ bài làm, kết quả của các em cũng tệ hơn. Mối nguy rập khuôn làm giảm ý định gia nhập lĩnh vực kỹ thuật của nữ giới và là một trong những lý do chính khiên rất ít nữ trong ngành khoa học máy tính. Một nhân viên thực tập tại Facebook từng kể với tôi, “Trong khoa máy tính trường em, số người tên Cường còn nhiều hơn số bạn nữ”.
Hình mẫu về một phụ nữ trong công việc không mấy khi hấp dẫn. Văn học thường mô tả phụ nữ thành công trong công việc luôn bị đắm chìm trong sự nghiệp đến mức không còn đời sống riêng (đó là Sigourney Weaver trong phim Working Girl và Sandra Bullock trong phim Proposal). Nếu nhân vật nữ phải dành thời gian cho gia đình và công việc cùng lúc, thế nào cô ấy cũng rối bời và cảm thấy tội lỗi (Như Sarah Jessica Parker trong phim I don’t know how she does it). Những tính cách này không còn giới hạn trong tiểu thuyết. Một nghiên cứu cho thấy nam và nữ thế hệ 1980 – 1990 đang làm việc trong một tổ chức có phụ nữ giữ vị trí cấp cao, chỉ có 20% cho biết họ muốn tranh đua cho vị trí này.
Khuôn mẫu không mấy đẹp đẽ này lại càng có ý nghĩa tiêu cực khi hầu hết phụ nữ không có chọn lựa khác ngoài việc vẫn phải đi làm. Tại Mỹ, khoảng 41% bà mẹ cũng là người kiếm tiền chính trong gia đình. Khoảng 23% bà mẹ còn lại là người đồng thu nhập, đóng góp ít nhất một phần tư tổng thu nhập cho gia đình. Số phụ nữ phải tự chăm lo gia đình ngày càng gia tăng nhanh chóng; từ năm 1973 đến 2006, tỉ lệ gia đình bà mẹ đơn thân đã tăng từ một phần mười lên một phần năm. Con số này tăng càng nhanh hơn trong số gia đình Mỹ gốc Phi hay gốc La tinh. Hai mươi bảy phần trăm trẻ gốc La tinh và 52% trẻ gốc Phi đang được nuôi dạy trong gia đình mẹ đơn thân. Phụ nữ Châu Âu cũng ngày càng giữ vai trò thu nhập chính trong gia đình nhiều hơn.
Nước Mỹ vẫn chậm chạp phía sau trong nỗ lực giúp bậc cha mẹ chăm sóc con cái khi đi làm. Trong số các nước công nghiệp trên thế giới, Mỹ là nước duy nhất không có chính sách nghỉ hộ sản được trả lương. Ellen Bravo, giám đốc hiệp đoàn Family Values Work, nhận xét, đa số “phụ nữ không tính đến chuyện “vẹn cả đôi đường”, họ lo ngại mất cả mọi đường – công việc, sức khỏe cho con cái, ổn định tài chính cho gia đình – vì những xung đột thường xuyên giữa làm nhân viên giỏi và làm mẹ có trách nhiệm.
Đối với nam giới, giả định căn bản là họ sẽ vừa có được sự nghiệp thành công vừa có đời sống riêng viên mãn. Đối với nhiều phụ nữ, giả định của họ là làm cả hai việc rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Phụ nữ bị bao vây bởi những bài báo cảnh báo rằng họ không thể nào cùng lúc chăm lo cho gia đình và sự nghiệp. Họ được nhắc đi nhắc lại rằng họ phải chọn lựa, vì nếu muốn làm quá nhiều thứ, họ sẽ rối loạn và đau khổ. Đặt vấn đề trong bộ khung “cân bằng công việc – cuộc sống” – như thể hai yếu tố này nằm ở hai đầu đối lập – đã cho thấy sự thua cuộc của công việc. Ai lại muốn chọn công việc thay vì cuộc sống?
Điều đáng nói là phụ nữ không chỉ có thể vừa xây dựng gia đình vừa xây dựng sự nghiệp, mà họ sẽ làm tốt trong cả hai lĩnh vực. Năm 2009, Sharon Meers và Joanna Strober xuất bản quyển sách Getting to 50/50, đánh giá chi tiết các nghiên cứu của chính phủ, tổ chức khoa học xã hội giúp họ đưa ra kết luận rằng trẻ em, phụ huynh, và hôn nhân đều sẽ tốt đẹp khi cả cha mẹ đều có sự nghiệp. Dữ liệu cho thấy việc chia sẻ trách nhiệm tài chính và chăm sóc gia đình giúp người mẹ cảm thấy ít tội lỗi hơn, người cha tham gia nhiều hơn trong gia đình, và trẻ em lớn lên khỏe mạnh hơn. Giáo sư Rosalind Chait Barnett tại ĐH Brandeis đã nghiên cứu chi tiết các khảo sát về cân bằng công việc – gia đình và nhận thấy phụ nữ tham gia nhiều vai trò thực tế ít bị cảm giác bất an và tinh thần ổn định hơn. Phụ nữ đi làm được hưởng tài chính ổn định, hôn nhân ổn định, sức khỏe tốt, và nhìn chung, hài lòng với cuộc sống hơn.
Bộ phim có nội dung về một phụ nữ vừa yêu công việc vừa yêu gia đình, có thể không kịch tính hay hài hước, nhưng thực chất lại phản ánh thực tế đúng hơn. Chúng ta cần nhiều hình ảnh phụ nữ vừa là người lao động giỏi vừa là bà mẹ hạnh phúc – hay thậm chí là người lao động hạnh phúc và bà mẹ giỏi. Những hình ảnh tiêu cực hiện này có thể làm chúng ta bật cười, nhưng đồng thời cũng gây ra những lo ngại không đáng có cho phụ nữ khi những ngọn núi không thể vượt qua. Nền văn hóa của chúng ta vẫn còn bối rối : Tôi không biết làm sao cô ấy vượt qua được.
Sợ hãi là gốc rễ của nhiều rào cản mà phụ nữ phải vượt qua. Sợ không được yêu quý. Sợ đưa ra chọn lựa sai lầm. Sợ thu hút sự chú ý không tốt. Sợ mình vươn xa quá. Sợ bị người ta đánh giá. Sợ thất bại. Và nỗi sợ lớn nhất: sợ là một người mẹ/vợ/con không tốt.
Không sợ hãi, phụ nữ có thể theo đuổi để thành công trong sự nghiệp và trong đời sống – tự do chọn một trong hai, hay cả hai. Tại Facebook, chúng tôi cố gắng tạo ra văn hóa chấp nhận rủi ro. Chúng tôi đặt poster trên khắp văn phòng để củng cố thái độ này. Một tờ poster in bằng chữ màu đỏ tươi: “May mắn mỉm cười với người bạo dạn.” Một tờ khác thì khuyên, “Tiến lên, tự tin.” Poster yêu thích của tôi là, “bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?”
Năm 2011, Debora Spar, chủ tịch trường Barnard, trường đại học khoa học xã hội dành riêng cho phụ nữ tại thành phố New York, mời tôi đến đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp. Đây là lần đầu tiên tôi công khai đề cập vấn đề khoảng cách tham vọng lãnh đạo của phụ nữ. Đứng trên bục phát biểu, tôi rất lo lắng. Tôi nói với các sinh viên tốt nghiệp rằng họ phải có tham vọng không chỉ theo đuổi giấc mơ của mình mà còn biết khao khát trở thành lãnh đạo trong ngành mình hoạt động. Tôi biết thông điệp này có thể bị hiểu sai là tôi cho rằng phụ nữ không dám đưa ra những chọn lựa nghĩa là chọn lựa cho tất cả chúng ta. Nhưng tôi cũng tin rằng chúng ta cần phải khuyến khích phụ nữ vươn đến những vị trí lãnh đạo. Nếu chúng ta không thể khuyên phụ nữ phải đặt mục đích cao hơn trong buổi tốt nghiệp đại học, thì chúng ta còn phải biết nói lúc nào nữa?
Trong lúc đọc diễn văn, đứng trước các nữ sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, tôi phải kềm nước mắt. Tôi hoàn tất bài diễn văn của mình với phần kết luận như sau:
Các bạn là hy vọng cho một thế giới bình đẳng hơn. Vì thế tôi hy vọng tất cả các bạn sau khi bước qua khỏi sân khấu này, sau khi nhận được bằng tốt nghiệp, sau khi bạn vui vẻ ăn mừng tối nay – bạn sẽ thẳng tiến vào sự nghiệp. Bạn sẽ tìm được điều mình yêu thích và bạn dành hết lòng mình cho nó. Bạn sẽ tìm ra được sự nghiệp đúng đắn và thẳng tiến đến nấc thang cao nhất.
Khi bạn bước khỏi sân khấu này, bạn sẽ bắt đầu cuộc đời của người lớn. Hãy khởi đầu bằng cách nhắm đến mục tiêu thật cao. Cố gắng – và cố gắng hết mình.
Cũng như mọi người ở đây, tôi rất kỳ vọng vào lớp tốt nghiệp này. Tôi hy vọng các bạn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, hài lòng, đam mê trong cuộc sống. Tôi hy vọng bạn sẽ vượt qua những giai đoạn khó khăn và trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Tôi hy vọng bạn tìm được sự cân bằng với đôi mắt mở to. Và tôi hy vọng bạn, chính bạn, có tham vọng tiến thân trong nghề nghiệp và lãnh đạo thế giới. Vì thế giới này cần bạn góp phần làm thay đổi nó. Phụ nữ trên thế giới này đang trông đợi vào bạn.
Vậy bạn hãy tự hỏi mình: Tôi sẽ làm gì nếu tôi không sợ hãi? Và sau đó bắt tay vào làm.
Khi các sinh viên tốt nghiệp lần lượt lên sân khấu nhận bằng, tôi bắt tay từng người. Nhiều người ngừng lại để ôm hôn tôi. Một phụ nữ trẻ nói rằng tôi là “mụ thím ác ôn” (một nhận xét mà tôi phải hỏi lại người khác sau này mới biết là lời khen).
Tôi biết bài diễn văn của mình là nhằm tạo cho họ động lực, nhưng thực tế chính họ đã mang đến cho tôi động lực. Trong những tháng tiếp theo, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình phải thường xuyên lên tiếng một cách công khai về các vấn đề này. Tôi nên khuyến khích phụ nữ tự tin vào bản thân và có tham vọng lãnh đạo. Tôi nên khuyến khích nam giới chung tay tìm giải pháp bằng cách ủng hộ phụ nữ trong công việc và trong gia đình. Và tôi không chỉ nói chuyện trước đám đông thân thiện tại Barnard. Tôi nên tìm đến những khán giả rộng lớn hơn, ít thông cảm hơn. Tôi nên thực hiện lời khuyên của mình và có tham vọng lớn hơn.
Chắp bút quyển sách này là không chỉ là việc tôi khuyến khích những người khác dấn thân. Chính là tôi đang dấn thân. Quyển sách này là điều tôi sẽ làm nếu tôi không sợ hãi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.