Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn

CHƯƠNG 21: VẬN MỆNH CÁC MỐI QUAN HỆ – NƠI ĐỂ CHIA SẺ VÀ QUAN TÂM



Ngày Ba
* Mục tiêu của bạn:
Gia tăng mạnh chất lượng các mối quan hệ cá nhân của bạn và đào sâu mối tương quan cảm xúc với những người bạn thương mến nhất bằng cách xem lại sáu nguyên tắc cơ bản của sự thành công trong các mối quan hệ.
Sự thành công của chúng ta chỉ là vô nghĩa nếu không có ai đó để chia sẻ. Thực vậy, mối cảm xúc nhân bản mà chúng ta mong ước nhất là được gắn bó với những tâm hồn khác. Suốt trong cuốn sách này, chúng ta đã nói về ảnh hưởng của các mối quan hệ trong việc định hướng cá tính, giá trị, niềm tin và chất lượng của cuộc sống chúng ta. Đặc biệt, bài tập luyện hôm nay có mục đích đơn giản là nhắc bạn nhớ lại sáu điểm cơ bản có giá trị đối với mọi mối quan hệ. Chúng ta hãy tóm tắt sáu điểm ấy hôm nay:
1. Nếu bạn không biết rõ những giá trị và qui tắc của những người mà bạn chia sẻ quan hệ, chắc chắn bạn sẽ gặp đau khổ.
Người ta có thể yêu nhau, nhưng nếu vì lý do nào đó mà họ liên tục vi phạm các qui tắc của người mà mình thương, thì sẽ có buồn bực và dằn vặt trong mối quan hệ này. Bạn hãy nhớ rằng, mọi mối buồn bực bạn có với người khác đều là buồn bực vì sự vi phạm qui tắc và khi người ta có quan hệ mật thiết với nhau, thì sự đụng chạm giữa các qui tắc của nhau là điều không thể tránh. Nếu bạn biết rõ những qui tắc của một người, bạn có thể phòng ngừa trước được những đụng chạm như thế.
2. Một rắc rối lớn trong các mối quan hệ là do sự kiện đa số người ta có quan hệ để được một điều gì đó:
Họ muốn tìm kiếm người nào có thể làm cho họ hài lòng. Trong thực tế, để có một cách bảo đảm cho mối quan hệ của bạn vững bền, đó là coi mối quan hệ của bạn là nơi để bạn cho đi, chứ không phải nơi để bạn nhận vào.
3. Giống như mọi điều khác trên đời, để nuôi dưỡng một mối quan hệ, cần phải tìm kiếm một số điều – và phải để ý tìm kiếm.
Có một dấu hiệu cảnh giác trong mối quan hệ để nhắc nhở bạn phải giải quyết cấp thời một vấn đề trước khi nó vuột khỏi tầm tay. Trong cuốn Làm Thế Nào Để Luôn Luôn Yêu, tiến sĩ Barbara DeAngelis nêu ra 4 giai đoạn tai hại có thể giết chết một mối quan hệ. Nếu xác định được chúng, bạn có thể can thiệp kịp thời và loại bỏ được các vấn đề trước khi chúng trở thành những thói quen nguy hại đe dọa chính mối quan hệ.
GIAI ĐOẠN 1: CHỐNG ĐỐI
Giai đoạn thứ nhất thử thách mối quan hệ là khi bạn cảm thấy có sự chống đối. Hầu như bất cứ ai có mối quan hệ đều gặp những lúc mình cảm thấy chống đối điều người kia nói hay làm. Sự chống đối xảy ra khi bạn cảm thấy khó chịu hay hơi xa cách người kia. Có thể ở một buổi tiệc người kia nói đùa một câu làm bạn khó chịu và bạn nghĩ lẽ ra họ không nên nói. Cái rắc rối là ở chỗ hầu hết chúng ta không thổ lộ với người kia tình cảm chống đối của mình và vì thế nó cứ lớn lên mãi cho tới khi nó trở thành…
GIAI DOẠN 2: NGHI KỴ
Nếu sự chống đối không được xử lý, nó sẻ trở thành nghi kỵ. Giờ đây bạn không chỉ khó chịu, mà bạn tức giận với người kia. Bạn bắt đầu xa tránh người kia và dựng lên một bức tường cảm xúc. Sự nghi kỵ phá hủy tình thân mật và đây là một quan hệ tai hại và nếu không ngăn chặn, nó sẽ mạnh lên rất nhanh để trở thành…
GIAI ĐOẠN 3: TỪ CHỐI
Đây là điểm bạn cảm thấy sự nghi kỵ tích tụ nhiều đến nỗi bạn cảm thấy mình tìm hết cách để đổ lỗi cho người kia, đả kích người kia bằng lời hay không bằng lời. Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu cảm thấy tất cả những gì người kia làm đều chọc tức bạn, quấy nhiễu bạn. Ở đây không chỉ xảy ra sự xa cách về thể chất nữa. Nếu sự từ chối tiếp tục và để bớt đau khổ, chúng ta chuyển sang…
GIAI ĐOẠN 4: DỒN NÉN
Khi đã quá mệt vì phải đối phó với sự tức giận ở giai đoạn từ chối, chúng ta cố làm giảm bớt nỗi đau của mình bằng cách làm tê cóng cảm xúc. Như thế tránh được cảm giác đau khổ, nhưng đồng thời cũng đánh mất cảm giác sung sướng, thõa mãn. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của mối quan hệ vì đây là điểm mà những người yêu nhau đã trở thành “bằng mặt mà không bằng lòng”. Không ai thấy hai người này có vấn đề gì, vì họ không bao giờ cãi vã hay đánh nhau, nhưng không còn mối quan hệ gì cả.
Phương pháp chủ yếu để ngăn ngừa 4 dấu hiệu này là gì? Câu trả lời đơn giản: hãy nói thẳng với nhau. Bạn hãy cho người khác biết các nguyên tắc của mình. Để tránh gây to chuyện, hãy dùng các ngôn từ thích hợp. Hãy nói đến khía cạnh tích cực, ví dụ, thay vì nói “Anh không thể chịu nỗi hành động đó của em”, bạn hãy nói, “Anh thích em làm thế này hơn”. Bạn hãy tập cắt đứt những thói quen cũ để tránh những tranh luận khi mà bạn thậm chí không còn nhớ đó là chuyện gì nữa, mà chỉ biết rằng bạn cần thắng bằng mọi giá.
4. Hãy làm cho mối quan hệ của bạn trở thành một ưu tiên cao nhất trong cuộc đời bạn;
Bằng không, nó sẽ phải nhường chỗ cho những chuyện khác cấp bách hơn xảy ra trong ngày. Dần dà, cảm xúc sâu xa và sự say mê sẽ tan biến.
5. Một trong những thói quen quan trọng nhất giúp bảo vệ lâu dài các mối quan hệ của chúng ta là tập trung mỗi ngày làm cho nó khá hơn lên.
Thay vì tập trung để ý đến những gì có thể xảy ra nếu mối quan hệ này chấm dứt. Chúng ta cần nhớ, khi chúng ta tập trung vào điều gì, chúng ta sẽ cảm nghiệm điều ấy. Nếu chúng ta luôn luôn tập trung vào chuyện sợ mối quan hệ của chúng ta đỗ vỡ, chúng ta sẽ bắt đầu một cách vô thức làm những điều gây hại cho mối quan hệ đó nhằm rút lui khỏi mối quan hệ trước khi chúng ta gặp rắc rối và đau khổ thực sự.
6. Mỗi ngày, hãy liên tưởng đến những điều bạn cảm thấy yêu thích nơi con người mà bạn có quan hệ. Hãy tăng cường cảm giác gắn bó của bạn với người ấy và sưởi ấm tình cảm thân mật và sự hấp dẫn của người ấy.
Hãy cảm thấy hãnh diện vì được chia sẻ cuộc đời với người ấy. Hãy tìm và tạo ra những giây phút đặc biệt để làm cho mối quan hệ của bạn trở thành một mẫu mực – một huyền thoại!
“Con tim tràn đầy có đủ chỗ cho mọi thứ,
Con tim trống rỗng không có chỗ cho một thứ gì.”
-ANTONIO PORCHIA

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.