“Suy nghĩ của chúng ta như thể bức màn che của tinh thần, nó chứa đựng tất cả niềm tin mà chúng ta diển tả trong cuộc sống”. -ANTONIO MACHADO
Anh ta cay đắng và tàn bạo, một tay nghiện rượu và ma túy, đã mấy lần tự tử nhưng không chết. Hôm nay anh ta lãnh cái án tù chung thân vì tội cố sát một nhân viên thâu ngân cửa hàng rượu vì đã dám “cản đường” anh ta. Anh ta có hai đứa con trai. Chỉ cách nhau mười một tháng. Một đứa lớn lên giống hệt cha nó: một con nghiện ma túy chỉ biết sống bằng cướp giật và trộm cắp cho tới khi chính nó cũng phải vào tù vì tôi mưu sát. Nhưng đứa kia thì khác hẳn: nó lớn lên và trở thành cha của ba đứa nhỏ, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nay anh làm giám đốc của một công ty lớn cấp quốc gia và anh vui thích với công việc đầy thách đố nhưng cũng đem lại sự thỏa mãn cho anh. Thân hình cân đối, không nghiện rượu hay ma túy. Làm sao hai người thanh niên sinh ra và lớn lên trong cùng một môi trường lại có thể khác biệt nhau đến thế? Người ta đã hỏi riêng từng người, “Tại sao đời anh trở nên như thế?” lạ thay, cả hai đưa ra cùng một câu trả lời:”Tôi có thể nào trở nên khác hơn được khi tôi được lớn lên với một người cha như thế?”.
Chúng ta thường bị cám dỗ cho rằng các hoàn cảnh điều khiển cuộc sống chúng ta và môi trường đã dệt nên con người chúng ta hôm nay. Không có gì sai lạc bằng. Không phải hoàn cảnh dệt nên đời sống chúng ta, mà chính những niềm tin của chúng ta tạo ý nghĩa cho hoàn cảnh.
Hai Phụ nữ vừa mừng thọ 70, nhưng mỗi người nhìn biến cố này một cách khác. Một bà”biết” rằng đời mình đã xế bóng. Đối với bà, 70 năm sống đã làm tàn tạ cơ thể bà và bà nên nghĩ tới cái chết. Bà kia thì lại tin rằng con người làm được gì là tùy ở niềm tin của mình và vì thế bà đã đề ra một lý tưởng cao hơn cho mình. Bà tin rằng leo núi là một loại thể thao thích hợp ở tuổi của bà. Suốt 25 năm sau đó bà đã dấn mình vào cuộc mạo hiểm mới này và đã chinh phục được một số đỉnh núi cao nhất thế giới và cho tới nay, khi ở tuồi 90, Hulda Crooks đã trở thành người phụ nữ già nhất thế giới leo tới đỉnh núi Phú Sĩ.
Bạn thấy đấy, cái dệt nên cuộc đời chúng ta hôm nay và ngày mai không phải là hoàn cảnh, mà là ý nghĩa mà chúng ta gán cho các hoàn cảnh mình sống. Niềm tin là cái tạo sự khác biệt giữa một cuộc đời vui tươi cống hiến và một cuộc đời khốn khổ hủy diệt. Niềm tin biến một số người thành anh hùng, đang khi một số khác thành những con người cam phận.
“Thuốc không phải luôn luôn cần thiết,
nhưng niềm tin chắc khỏi bệnh là điều luôn luôn cần.”
-NORMAN COUSINS
Tôi may mắn được quen biết Norman Cousins từ gần 7 năm nay và tôi cũng may mắn thu băng được cuộc phỏng vấn với ông một tháng trước khi ông qua đời. Trong cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ với tôi một câu chuyện chứng tỏ niềm tin của chúng ta ảnh hưởng mạnh mẽ trên thân xác chúng ta như thế nào. Tại một trận đấu banh ở Monterey Park, ngoại ô Los Angeles, nhiều người có những triệu chứng bị ngộ đôc thức ăn. Bác sĩ khám nghiệm kết luận nguyên nhân là tại loại nước giải khát ở máy bán nước tự động, vì tất cả những người bị ngộ độc đều đã mua nước giải khát ở đó. Một thông báo được phóng thanh trên loa cảnh cáo không mua nước ở máy bán nước tự động vì đã có người bị ngộ độc và mô tả các triệu chứng ngộ độc. Thế là một bầu không khí hốt hoảng tràn ngập các khán đài và hàng loạt người ngất xỉu khi nghe tin này. Thậm chí có những người chưa từng đứng gần chiếc máy bán nước cũng bị bệnh! Các xe cứu thương tới tấp chạy đến đưa các người bị bệnh đi bệnh viện. Đến khi người ta khám phá ra lỗi không phải ở chiếc máy bán nước giải khát, lập tức những người đã bị bệnh cảm thấy được khỏi bệnh một cách lạ lùng.
Chúng ta cần hiểu rằng niềm tin của chúng ta có khả năng làm chúng ta bị bệnh hay làm chúng ta khoẻ mạnh ngay tức thì. Người ta đã chứng minh rằng niềm tin ảnh hưởng đến hệ miễn nhiễm của chúng ta. Quan trọng hơn cả, niềm tin có thể cho chúng sự dứt khóat hành động, hay có thể làm suy yếu và hủy diệt động lực của chúng ta.
Thế nên, nếu muốn điều khiển đời mình, chúng ta phải ý thức kiểm soát các niềm tin của mình. Và để làm điều này, trước hết chúng ta phải hiểu rõ niềm tin là gì và nó được hình thành như thế nào.
Niềm Tin là Gì?
Nhiều người coi niềm tin như một sự vật, nhưng thật ra nó là một cảm giác chắc chắn về một điều gì đó. Nếu bạn nói rằng bạn thông minh, có nghĩa là bạn nói,”Tôi cảm thấy chắc chắn tôi thông minh”. Cảm giác chắc chắn này cho phép bạn khai thông những nguồn năng lực giúp bạn tạo được những kết quả thông minh. Tất cả chúng ta đều có sẳn nơi mình câu trả lời cho hầu hết mọi chuyện hay ít ra chúng ta có thể tìm những câu trả lời cần thiết nhờ những người khác. Nhưng chúng ta thường thiếu niềm tin, thiếu sự chắc chắn, khiến chúng ta không sử dụng được khả năng có sẳn nơi mình.
Ví dụ đơn sơ giúp bạn dễ hiểu niềm tin là gì. Bạn hãy nghĩ ra một ý tưởng. Bạn có thể nghĩ ra vô số ý tưởng, nhưng bạn không thực sự tin. Chẳng hạn bạn có ý tưởng bạn là một cô gái hấp dẫn. Bạn hãy ngưng lại giây lát và nói trong lòng, “Tôi là một cô gái hấp dẫn”. Câu nói này là một ý tưởng hay là một niềm tin còn tùy ở mức độ bạn cảm thấy chắc chắn bao nhiêu khi nói lên câu đó. Nếu bạn nghĩ, “Thực ra tôi không hấp dẫn”, thì điều bạn thực sự muốn nói sẽ là, “Tôi không cảm thấy chắc chắn mình hấp dẫn hay không”.
Làm thế nào đổi một ý tưởng thành niềm tin? Tôi xin cống hiến bạn một ẩn dụ cho dễ hiểu. Giả sử bạn có thể nghĩ đến một cái mặt bàn không có chân. Nó giúp bạn hiểu tại sao một số ý tưởng không chắc chắn bằng một niềm tin. Không có chân, mặt bàn không thể đứng được. Ngược lại, niềm tin thì có chân. Nếu bạn thật sự tin rằng, “Tôi hấp dẫn”, làm thế nào bạn biết là bạn hấp dẫn? Chắc chắn là bạn có những chứng cớ để bênh vực cho ý tưởng của bạn, những kinh nghiệm trong cuộc sống để hổ trợ ý tưởng đó. Những kinh nghiệm đó là những cái chân làm cho mặt bàn của bạn đứng vững, làm cho niềm tin của bạn chắc chắn.
Một khi bạn hiểu được niềm tin là gì, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu xem niềm tin của bạn hình thành như thế nào, cũng như bạn có thể thay đổi nó ra sao.
Trước hết chúng ta có thể phát triển niềm tin của mình về bất kỳ điều gì, chỉ cần chúng ta tìm ra đủ những chân, những kinh nghiệm minh chứng để xây dựng niềm tin ấy. Giả sử bạn có khá nhiều kinh nghiệm trong đời sống, hay bạn quen biết những người đã gặp chua xót trong quan hệ với người khác, bạn có thể hình thành niềm tin rằng con người là xấu xa và nếu có dịp, người ta sẽ lợi dụng bạn. Hay ngược lại, nếu bạn có những kinh nghiệm trong đời để chứng minh cho ý tưởng rằng nếu bạn thực sự quan tâm tới người khác và cư xử tốt với mọi người, thì bạn sẽ có niềm tin này: Con người vốn có tính tốt và sẳn sàng giúp đỡ bạn.
Tất cả những người thành đạt xuất sắc mà tôi có dịp phỏng vấn đều có khả năng làm cho mình cảm thấy chắc chắn sẽ thành công, cho dù trước họ chưa có ai làm được. Họ có khả năng tự tạo ra kinh nghiệm qui chiếu cho mình mà những kinh nghiệm này trước đó chưa từng có hoặc được coi là không thể thực hiện.
Bất cứ ai sử dụng máy tính cá nhân đều biết đến cái tên “Microsoft”. Nhưng điều ít người biết đến Bill Gates, người đồng sáng lập công ty này, không chỉ là một thiên tài gặp may, mà là một con người đã biết tự tạo ra kinh nghiệm để hỗ trợ niềm tin của mình. Khi biết rằng công ty Albuquerque đang khai triển một thứ gọi là “máy tính cá nhân” cần đến phần mềm BASIC, Bill Gates đến gặp họ và hứa bán cho họ phần mềm, mặc dù vào lúc đó ông chưa hề có thứ phần mềm này. Đã hứa, ông phải kiếm cách thực hiện. Thiên tài đích thực của ông là ở khả năng tự tạo ra niềm tin chắc chắn. Có rất nhiều người cũng thông minh như ông, nhưng ông biết sử dụng niềm tin để khai thông nguồn năng lực của mình và chỉ trong ít tuần lễ, ông cùng một đối tác đã viết ra một ngôn ngữ để biến máy tính cá nhân thành hiện thực. Bằng việc quyết tâm và tìm ra lối đi, Bill Gates đã khởi động ngày hôm đó một chuỗi những sự kiện sẽ làm thay đổi toàn diện lề lối kinh doanh của người ta và đã trở thành tỷ phú khi mới 30 tuổi. Niềm tin mang lại sức mạnh!
Bạn có biết câu chuyện chạy một dặm trong 4 phút không? Từ trước tới nay, người ta vẫn tin là không ai có thể chạy một dặm mà chỉ mất 4 phút thôi. Thế mà vào năm 1954, Roger Bannister đã phá vỡ sự tin tưởng vững chắc ấy. Anh quyết tâm thực hiện bằng được “điều không thể” ấy, không những bằng việc luyện tập thể dục, mà còn bằng việc không ngừng lặp lại trong trí mình rằng mình có thể làm được việc này, khiến hệ thần kinh của anh đã hình thành một mệnh lệnh bắt buộc anh đạt cho bằng được kết quả. Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra khía cạnh vĩ đại nhất của thành công này lại chính là những gì anh đạt được cho người khác. Hầu như không ai dám nghĩ là có thể đạt kỷ lục chạy 4 phút một dặm, thế mà chỉ trong vòng một năm sau khi Roger phá kỷ lục, 37 vận động viên khác cũng đã phá kỷ lục này. Kinh nghiệm của anh đã cống hiến cho họ mẫu gương đủ vững vàng để tạo nên nơi họ niềm tin chắc chắn rằng chính họ cũng có khả năng làm”điều không thể”. Và một năm sau đó nữa, 300 vận động viên khác đã đạt cùng một thành tích như thế!
“Niềm tin nào trở thành chân lý cho tôi…
là niềm tin cho phép tôi sử dụng hết sức lực của mình,
dồn hết năng lực của mình vào hành động”
-ANDRE GIDE
Những người từng gặp những thất bại trong quá khứ thường dễ tin rằng họ sẽ không thể thành công trong tương lai. Vì thế, do sợ thất bại, họ bắt đầu liên tục suy nghĩ sao cho thật “thực tế”. Nhiều người khi phát biểu, “chúng ta phải tỏ ra thực tế”, thực ra là họ đang sợ hãi, sợ lại thất bại lần nữa. Vì sợ, họ có những niềm tin làm cho họ do dự, không dám dấn thân và vì thế họ chỉ đạt những kết quả hạn chế.
Các lãnh tụ vĩ đại thường ít khi “thực tế”. Họ thông minh và họ chính xác, nhưng họ không thực tế theo tiêu chuẩn của người thường. Gandhi tin rằng ông có thể giành độc lập cho Ấn Độ mà không cần dùng bạo lực để đối chọi với nước Anh, một chuyện chưa từng xảy ra trước đó. Ông không thực tế, nhưng ông chứng tỏ ông chính xác. Cũng thế, một người tin rằng mình có thể tạo niềm vui cho dân chúng bằng việc xây dựng một công viên giải trí giữa một khu rừng cam và ai muốn vào cửa cũng phải mua vé. Hồi đó, chưa hề có loại công viên nào như thế trên thế giới. Thế mà Walt Disney đã có một niềm tin chắc mà ít người có được và niềm tin lạc quan của ông đã biến đổi hoàn cảnh.
“Chỉ trong trí tưởng tượng của con người,
chân lý mới tìm được sự tồn tại hiểu quả và chắc chắn.
Trí tưởng tượng, chứ không phải sự phát minh,
mới là ông chủ tuyệt đối của nghệ thuật và của đời sống”
-JOSEPH CONRAD
Một thách đố lớn nhất trong đời sống mỗi người là quan niệm thế nào về “thất bại”. Cách chúng ta đối phó với những thất bại của đời sống và cách chúng ta xác định nguyên nhân của thất bại sẽ hình thành định mệnh của chúng ta. Đôi khi chúng ta gặp quá nhiều thất bại đau đớn khiến chúng ta bắt đầu tiêm nhiễm xác tín rằng chúng ta chẳng có thể làm gì để cải thiện tình thế được. Chúng ta cảm thấy mọi cố gắng của chúng ta chỉ là uổng công và chúng ta rơi vào tình trạng vô vọng.
Nguyên nhân của tình trạng vô vọng này là do chúng ta nghĩ sự thất bại của chúng ta là cái gì vĩnh viễn, toàn diện và cá nhân.
Nhiều danh nhân trên thế giới đã thành đạt vang dội mặc dù họ cũng gặp vô số những vấn đề và trở ngại to lớn. Họ khác với những người dễ đầu hàng ở chổ họ không coi những khó khăn hay thất bại của họ là vĩnh viễn. Tám năm về trước, Khi tôi đã rơi xuống tận cùng của cuộc đời mình và hoàn toàn thất vọng với mọi chuyện, tôi đã tin chắc vấn đề của tôi là vĩnh viễn không thể cứu vãn. Có thể coi như đời sống cảm xúc của tôi đã chết. Thế nhưng tôi đã tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng niềm tin ấy của tôi đã gây ra biết bao đau khổ, thế là tôi quyết định hủy diệt niềm tin ấy và không bao giờ còn chiều theo nó nữa. Bất kỳ điều gì xảy đến cho cuộc đời bạn, bạn phải có khả năng tin rằng, “chuyện gì cũng sẽ qua đi thôi”.
Yếu tố thứ hai tạo khác biệt giũa người thành đạt và người thất bại, đó là người thành đạt thì lạc quan, còn người thất bại thì bi quan và tin rằng vấn đề của mình là toàn diện. Người thành đạt không bao giờ coi một vấn đề là toàn diện, không cho rằng vấn đề đó chi phối toàn diện cuộc sống họ. Họ luôn luôn coi nó như chỉ là “một chút thay đổi trong nếp sống mà thôi”. Vì thế dù có gặp vấn đề gì đi nữa, họ vẫn tin chắc rằng mình có thể làm chủ đời sống mình.
Loại tin tưởng thứ ba thuộc về cá tính. Nếu chúng ta không coi những thất bại như một đòn bẩy để thay đổi phương pháp của mình, mà coi nó như một vấn đề cá nhân, một khuyết điểm thuộc cá tính của mình, thì chúng ta sẽ bị nản lòng ngay.
Những loại tin tưởng tiêu cực đó có thể là những liều thuốc độc giết chết cuộc sống bạn từ từ. Vì thế bạn phải tránh với bất cứ giá nào.
Thay đổi niềm tin thế nào?
Mọi sự phá vỡ bế tắc nơi con người đều bắt đầu với một sự thay đổi niềm tin. Vậy chúng ta thay đổi thế nào? Phương pháp hiệu quả nhất là làm cho tâm trí bạn coi niềm tin cũ như là nguyên nhân của những đau khổ lớn. Bạn phải làm sao tin chắc rằng niềm tin đó không chỉ gây đau khổ cho bạn trong quá khứ, mà cả trong hiện tại và có thể trong tương lai nữa. Rồi bạn phải làm cho tâm trí bạn cảm thấy vui sướng với ý nghĩ có một niềm tin mới mãnh liệt. Nên nhớ rằng chúng ta làm bất cứ điều gì cũng nhằm tránh đau khổ hay đạt niềm vui sướng, vì thế, nếu chúng ta tin là điều gì đó gây đau khổ khá lớn, chúng ta sẽ thay đổi được.
Kế đến, hãy tạo sự hoài nghi. Nếu bạn thành thật với chính mình, bạn có nghĩ là có những niềm tin trước kia bạn dùng để tự biện hộ suốt nhiều năm qua, nhưng nay bạn phải bối rối khi nhìn nhận nó? Điều gì xảy ra vậy? Có gì đó làm bạn nghi ngờ: Có thể là một kinh nghiệm mới, có thể là một khuôn mẫu đối lập với niềm tin cũ của bạn. Chúng ta có những kinh nghiệm mới và những kinh nghiệm này khiến chúng ta đặt câu hỏi, cắt đứt những khuôn mẫu niềm tin cũ và bắt đầu làm chúng lung lay.
Kinh nghiệm mới tự nó không tạo nên thay đổi. Kinh nghiệm mới chỉ kích thích sự thay đổi nếu nó làm chúng ta chất vấn các niềm tin của mình. Hãy nhớ rằng, khi chúng ta đã tin điều gì, chúng ta hoàn toàn không chất vấn nó nữa. Nên nếu chúng ta thành thật chất vấn niềm tin của mình là chúng ta không còn cảm thấy tuyệt đối chắc chắn về nó nữa. Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta có thể phát hiện ra rằng điều mà chúng ta đã nhiều năm tin tưởng một cách vô thức, chúng ta đã dựa trên những giả định sai lầm.
Nếu bạn chất vấn một điều gì đủ mức, rốt cuộc bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ điều ấy, Nhiều năm trước, tôi đã có cơ hội hiếm hoi với quân lực Mỹ và những thành công to lớn của tôi đã đưa tôi tới làm việc với cơ quan CIA. Trong khi làm việc, tôi đã có cơ hội học hỏi từ một viên chức cấp cao CIA. Phải thừa nhận rằng những kỹ năng mà ông và nhiều người khác như ông đã sử dụng để làm lay chuyển những niềm tin xác tín của người khác và thay đổi các niềm tin của họ quả là vô cùng kỳ diệu. Họ tạo một bầu không khí khiến cho người ta nghi ngờ những gì mình vẫn tin tưởng từ trước đến giờ, rồi họ cung cấp cho người ta những ý tưởng và kinh nghiệm mới để củng cố việc đón nhận các niềm tin mới. Tôi đã đem áp dụng những kỹ năng này vào chính mình để loại bỏ những niềm tin vô ích và thay thế bằng những niềm tin mạnh mẽ.
Cách để tiến bộ trong đời sống là học hỏi gương mẫu đời sống của những người đã thành đạt. Đó là những động lực mạnh, thích thú và những con người này luôn có quanh ta. Hãy hỏi họ những câu như sau:” Niềm tin nào đã khiến bạn thành công? Niềm tin nào đã khiến bạn vượt trội hơn những người khác?”
Những cải thiện nho nhỏ thì dễ tin,
nên có thể đạt được.
Pat Riley là huấn luyện viên bóng rổ thành công nhất trong lịc sử của NBA. Có người cho rằng ông may mắn vì có những cầu thủ siêu sao. Thực tình ông có trong tay những cầu thủ siêu sao, nhưng nhiều người khác cũng có những nguồn lực mạnh để thành công mà đã không được như Pat. Pat có khả năng làm việc này là dựa trên niềm tin và sự quyết tâm. ông kể là vào mùa bóng đầu năm 1986 ông gặp một thách đố nặng nề. Nhiều cầu thủ của ông đã cố gắng hết sức trong năm ngoái nhưng đã thua đội Boston Celtics. Để tìm ra một kế họach có thể tin tưởng được nhằm kích thích các cầu thủ tiến lên, ông đã chủ trương nhắm vào chủ đề “Những cải thiện nhỏ”. Ông đã thuyết phục các cầu thủ mình tin rằng mỗi người chỉ cần tăng thêm 1 phần trăm chất lượng của mình sẽ làm cho chất lượng của trận đấu thay đổi hẳn. Nghe ra thì có vẻ quá nhỏ nhoi vô nghĩa, nhưng nếu bạn nghĩ đến 12 cầu thủ mỗi người tăng thêm 1 phần trăm khả năng của mình trong 5 lãnh vực, thì nỗ lực phối hợp của họ sẽ tạo ra một đội bóng với hệu quả tăng lên 60 phần trăm. vậy mà chỉ cần tăng 10 phần trăm đã đủ để chiến thắng. Tuy nhiên, giá trị của triết lý này là mọi người đều tin rằng điều đó có thể đạt được. Mọi người cảm thấy chắc chắn mình có thể cải thiện ít nhất là 1 phần trăm khả năng tối đa của mình trong năm lĩnh vực lớn của trò chơi và niềm tin chắc theo đuổi mục tiêu đã khiến họ đạt tới những tiềm lực còn cao hơn thế nữa. Kết quả ra sao? Hầu hết các cầu thủ đã tăng từ 5 phần trăm năng lực trở lên, nhiều người tăng đến 50 phần trăm. Theo Pat Riley, mùa bóng 1987 đã trở thành mùa chiến thắng dễ dàng nhất. Niềm tin có tác dụng nếu bạn quyết tâm gắn bó vào nó.
Chúng ta đã khám phá ra được nhiều điều về niềm tin, nhưng để thực sự làm chủ đời mình, chúng ta phải biết chúng ta đã dùng những niềm tin nào để hướng dẫn cuộc đời mình.
Vậy thì ngay bây giờ, bạn hãy ngưng mọi công việc bạn đang làm và dành cho tâm trí bạn chừng 10 phút sảng khoái. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những niềm tin bạn đang có, những niềm tin hiệu quả cũng như những niềm tin vô ích: Những niềm tin nho nhỏ tưởng chừng vô nghĩa lý và những niềm tin to lớn có vẻ tạo nên khác biệt quan trọng.
Bạn hãy viết ra giấy tất cả những niềm tin ấy, rồi tìm cách củng cố những niềm tin hiệu quả và loại bỏ những niềm tin vô ích hay tiêu cực.
Tài lãnh đạo và sức mạnh của niềm tin
Các người lãnh đạo là những con người sống bằng niềm tin mạnh và dạy cho người khác khai mở những tiềm năng dồi dào của họ bằng cách thay đổi những niềm tin đã từng bóp nghẹt họ. Một lãnh đạo vĩ đại từng gây ấn tượng cho tôi là một giáo viên, tên bà là Marva Collins. Ba mươi năm trước đây, Marva đã sử dụng năng lực của mình và quyết định làm nên tương lai bằng cách thay đổi cuộc sống của những trẻ em. Bà gặp ngay một thách đố lớn: Khi vừa bắt tay vào công việc dạy học lần đầu tiên ở Chicago, đám học sinh hạng hai của bà đã quyết định là chúng không muốn học gì hết. Nhưng sứ mệnh của Marva là uốn nắn cuộc đời của chúng. Bà không chỉ có niềm tin là có thể ảnh hưởng đối với chúng, mà bà còn có một sự xác tín sâu sắc và đầy say mê là sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chúng. Bà không chịu một giới hạn nào đặt ra cho mình. Đứng trước những học sinh bị đánh giá là mắc những khuyết tật về đọc chữ và đủ thứ rối loạn nhân cách khác, bà đã quan niệm rằng vấn đề không phải là ở các trẻ em, mà là ở cách thức người ta dạy dỗ chúng. Chưa có ai thách thức khả năng chúng và vì thế chúng không có niềm tự tin. Chúng không có kinh nghiệm nào để đo lường đúng thực lực của mình. Theo bà, con người đáp ứng lại thách đố và những trẻ em này cần có thách đố hơn bất cứ điều gì khác.
Vì vậy bà loại bỏ tất cả những sách soạn riêng cho hạng trẻ em học chậm và thay vào đó, bà dạy các em những tác phẩm của Shakespeare, Sophocles và Tolstoy. Tất cả các giáo viên khác điều lắc đầu, “Bà ta điên chắc! Lũ trẻ làm sao hiểu nổi những sách ấy?” Và nhiều đồng nghiệp chỉ trích cá nhân bà, cho rằng bà đang làm hại cuộc đời những đứa trẻ. Nhưng những học sinh của Marva không những hiểu được những tác phẩm đó mà còn ham thích nữa. Tại sao? Vì bà tin mãnh liệt vào phẩm chất độc đáo của tâm trí mỗi đứa trẻ, cũng như khả năng học tập của mỗi đứa. Bà truyền đạt với chúng bằng tất cả sự hợp lý và tình thương khiến bà tạo được cho chúng niềm tự tin một số em cảm nghiệm điều này lần đầu tiên trong đời. Những kết quả bà đã tạo ra được trong nhiều thập niên quả là kỳ diệu.
Lần đầu tiên tôi gặp Marva và phỏng vấn bà ở Westside Preparatory School, một trường tư bà đã lập bên ngoài hệ thống học đường của thành phố Chicago. Sau khi gặp gỡ với bà, tôi yêu cầu phỏng vấn một vài học sinh của bà. Học sinh đầu tiên tôi gặp là một cậu bé bốn tuồi, với một nụ cười làm bạn say mê. Tôi bắt tay cậu bé.
“Chào, chú là Tony Robbins”.
“Chào chú Robbins, tên cháu là Talmadge E. Griffin. Cháu bốn tuổi, chú muốn hỏi gì cháu?”
“Tốt lắm, Talmadge. Cháu nói cho chú biết mấy hôm nay cháu đang học cái gì?”
“Cháu học nhiều thứ lắm!”
“Được, vậy cháu đã đọc những sách gì?”
“Cháu vừa đọc xong cuốn Mèo và Người, của John steinbeck”.
Rõ ràng là tôi bị ấn tượng trước câu trả lời này. Tôi hỏi cậu bé cuốn sách nói gì và tôi nghĩ bụng thằng bé sẽ nói tầm phào bất kể điều gì.
Nó kể, “Vâng, vai chính của câu chuyện là…”
Lúc này thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Rồi tôi hỏi em học được bài học gì từ cuốn sách.
“Thưa chú Robbins, cháu không chỉ học ở cuốn sách. Cuốn sách đã thấm vào tâm hồn cháu”.
Tôi cười lớn tiếng và hỏi, “Cháu nói “thấm” nghĩa là sao?”
“Là tràn vào khắp người” và nó cho tôi một định nghĩa đầy đủ hơn là tôi có thể mô tả cho bạn.
“Cái gì làm cháu cảm động nhiều đến thế trong cuốn sách này, hả Talmadge?”
“Chú Robbins, trong câu chuyện cháu nhận thấy trẻ con không bao giờ đánh giá người khác bằng màu da của họ. Chỉ có người lớn làm thế. Điều cháu học được ở cuốn sách này là dù sau này có trở thành người lớn, cháu cũng sẽ không bao giờ quên những bài học thời thơ ấu”.
Tôi bắt đầu muốn khóc vì thấy rằng Marva Collins đang cung cấp cho cậu bé này và biết bao đứa trẻ khác những niềm tin mãnh liệt để tiếp tục hình thành những quyết định của các em không chỉ hôm nay mà cho suốt cuộc đời. Marva nâng cao phẩm chất đời sống các học sinh của bà bằng việc sử dụng ba nguyên tắc tổ chức tôi đã nói đến ở đầu cuốn sách: bà tạo được cho các em khả năng đề ra cho mình những tiêu chuẩn cao hơn, bà giúp đỡ để các em có những niềm tin mới và hiệu quả giúp các em vượt qua những niềm tin tiêu cực cũ và bà hỗ trợ tất cả điều này bằng những kỹ năng đặc biệt và những chiến lược cần thiết để thành công trong suốt cuộc đời. Kết quả ư? Những học sinh của bà không chỉ trở nên tự tin hơn, mà còn giàu khả năng. Những kết quả trước mắt về học hành của các em thật là kỳ diệu và những kết quả về lâu dài cho cuộc sống các em thật là sâu xa.
Cuối cùng, tôi hỏi Tamadge, “Bà Collins đã dạy cháu điều gì là quan trọng nhất?”
“Điều quan trọng nhất bà Collins dạy cháu là xã hội có thể dự báo, nhưng chỉ có cá nhân cháu sẽ xác định số phận cho mình!”
Có lẽ tất cả chúng ta cần nhớ những bài học của một đứa trẻ. Với những niềm tin mà Tamadge đã diễn tả đẹp như thế, tôi bảo đảm em cũng như nhiều đứa trẻ khác trong lớp sẽ có những cơ hội để tiếp tục diễn đạt đời sống của mình bằng cách xây dựng tương lai như chúng mong ước, hơn là cái tương lai mà nhiều người lo sợ.
Chúng ta tóm lược những điều chúng ta vừa mới học được. Chúng ta thấy rõ nơi con người mình có một sức mạnh cần được chúng ta đánh thức. Sức mạnh ấy bắt đầu bằng khả năng làm những quyết định có ý thức để dệt nên cuộc đời chúng ta. Nhưng có một niềm tin cơ bản mà chúng ta phải khai thác và giải quyết và niềm tin này có thể tìm thấy khi bạn trả lời cho câu hỏi ở chương tiếp theo sau đây…