Dat Vom

Chương 10



Tháng mười hai là một tháng nghiệt ngã. Nhưng tôi bắt đầu tìm thấy lại sự cân bằng. Tháng mười hai, mọi người xung quanh tôi đều có vẻ bận rộn và căng thẳng. Họ nói chuyện, cãi vã, cười đùa vì những vấn đề nào đó. Các âm thanh và hình ảnh trở nên xa xăm, như ngăn cách với tôi bởi một tấm màn mờ ảo. Chỉ có điều may mắn là chẳng ai để mắt đến tôi nữa, ngay cả bà chủ nhà và con chó phốc cấm cẳn. Tranh thủ mọi khoảng rảnh rỗi, dù ngắn ngủi nhất, tôi lao vào bệnh viện. Châu nằm một mình trong căn phòng nhỏ sơn trắng. Dãy hành lang im lặng. Hôm nào không mệt quá, cô nhóc ngồi trên giường, đôi vai gầy nhom so lên, hai cẳng chân mảnh khảnh buông thõng, khẽ đu đưa. Nắng len lỏi ngoài cửa sổ, chảy vào phòng các vệt sáng mềm mại. Từ sàn nhà, ánh sáng ấy dâng cao lên chậm rãi, bao phủ cô gái thương yêu của tôi trong lớp màu xanh nhạt mềm xốp, dịu dàng. Tôi thường chạy thật nhanh, băng tắt qua thảm cỏ sân bệnh viện, gõ hối hả bên ngoài lớp kính cửa sổ. Nếu không nghe tiếng động bên trong, tức là người nhà hay bạn bè Châu vào thăm, tôi có thể tự vặn chốt, thò đầu vào. Đôi mắt nâu biết cười của cô nhóc sẽ hướng về ô vuông nhỏ, ánh nhìn rạng rỡ, như bảo rằng cô chờ tôi đã rất lâu, mong tôi đến với cô biết mấy… 

Trên đường chạy đến bệnh viện, tôi suýt đâm sầm vào một người bán hoa dạo đi xe đạp. Thay lời xin lỗi, tôi mua hộ bác ta tất cả chỗ hoa còn lại, thứ hoa tôi chẳng biết tên, lốm đốm trắng, lá dày và xanh thẫm. Mua hoa thì dễ. Nhưng đem đến cho người ốm thì chẳng thoải mái chút nào. Tôi đành bọc chúng trong mảnh báo lớn, khổ sở ôm trên một cánh tay. Vừa nhìn thấy bọc giấy to, Châu lặng đi, gương mặt tái nhợt như sáp. Rồi cô thốt lên khó nhọc: 

– Anh mua hoa cho em? 

– Ừ, chẳng phải mọi các cô gái đều thích hoa? – Tôi thử mỉm cười. 

– Em chưa bao giờ thích hoa! Mùi của chúng buộc em nghĩ đến cuộc chia tay cuối cùng – Cô nhóc nói khẽ, quay mặt vào tường, kéo chăn lên đến tai. 

– Anh hoàn toàn không cố ý đâu, Châu ạ… – Tôi lạnh toát sống lưng với sai lầm khủng khiếp. 

– Em xin lỗi. Em không nghĩ gì nữa. 

– Có thể anh chưa hiểu em nhiều. Châu, cho anh thêm chút ít thời gian. 

– Thời gian. Là bao lâu nữa, hả anh? – Tiếng thì thào vẳng ra từ dưới lớp chăn. 

Tôi im sững choáng váng. Những ngày sống của cô gái tôi yêu quý chẳng còn bao lâu. Cả tháng nay tôi gắng học cách chấp nhận sự thật như vậy đấy. Và cả cách lãng quên nó đi. Chỉ tập trung vào từng ngày trước mắt. Tôi đã can đảm. Thế mà giờ đây, khi sự thật tình cờ bị chạm tới, cất lên thành lời, thì tôi lại bị đốn ngã, không sao chịu được. Xung quanh tôi, mọi thứ tối sầm. Hệt như ma xui quỷ khiến, tôi ném mạnh bó hoa xuống sàn gạch, cuồng loạn dẫm đạp lên. Những cú dẫm giận dữ, cay đắng. Âm thanh dập nát. Mùi hoa thảm thương. Ừ, dưới chân tôi không còn là bó hoa mang điềm gở, mà cả vô vàn giận dữ vì nỗi bất công không sao lý giải nổi. Tại sao bao nhiêu người khác tha hồ sống tiếp, tha hồ mơ ước tính toan, thậm chí khối kẻ cặn bã sử dụng thời gian quý giá vào những việc tàn nhẫn thấp hèn, còn Châu của tôi đã phải nhìn thấy hạn mức ngắn ngủi sát ngay trước mặt? Tại sao khi tôi vừa tìm thấy một người của riêng mình, để yêu thương, tin cậy và chia sẻ, thì cô ấy lại không thuộc về tôi nữa? Tôi dẫm chân mạnh hơn. Những ý nghĩ điên rồ, phẫn uất khiến đầu tôi như sắp vỡ bung. Châu lồm cồm ngồi dậy, bước xuống sàn, giằng lại bó hoa. Mấy nhánh nhỏ phía đầu cành vẫn còn nguyên vẹn. Cô nhóc bẻ chúng ra, gom thành bó nhỏ, cắm vào chiếc cốc thuỷ tinh đặt trên ô cửa sổ. Những bông cúc khuy áo trắng tinh, bé bỏng và ngơ ngác đã tươi tắn trong một tuần. Suốt tuần lễ ấy, mỗi khi nhìn cuống hoa xanh tốt khúc xạ trong làn nước trong vắt, tôi lại cồn lên niềm hy vọng thiết tha. Ừ, chẳng ai mà sống mãi. Năm tháng trôi đi, ai rồi cũng sẽ già nua, nhuốm phải một bệnh tật nào đó. Nhưng đó là tương lại. Tương lai u ám hay sáng tươi tôi không thiết tha. Tôi chỉ nhìn vào sự thật và hiện tại lúc này. Chúng mạnh hơn mọi đe doạ phía trước. Vì thế, tôi cần phải dũng cảm đương đầu, chiến đấu với những buồn bã lo sợ. Không phải chỉ cho Châu thấy, Châu vững tin, Châu không lo sợ. Mà còn cả cho chính bản thân tôi. 

Có vài ngày, trời đột ngột lạnh và mưa. Không khí như thế học và làm việc thật dễ chịu. Nhưng nó lại khiến Châu mệt lả, xanh xao đến mức đáng ngại. Hoàn tất bản vẽ ở phòng thiết kế buổi tối, quãng 9 giờ, tôi lao đến bệnh viện. Căn phòng Châu nằm trống rỗng. Tim tôi đập cuồng lên. Tôi lảo đảo chạy tìm phòng điều trị. Vài người đi trên hành lang hoảng hốt dạt sang một bên nhường lối. Cửa phòng bật mở. Bác sĩ trực đang khám cho Châu. Cô nhóc ngước nhìn tôi, mỉm cười tươi tắn, nhưng các đốm tàn nhang trên gò má thì nhợt nhạt đáng thương. Cô vòng ngón trỏ và ngón cái, ra dấu OK cho tôi yên tâm. Lúc Châu theo y tá sang phòng bên tiêm thuốc, vị bác sĩ trực đêm rủ tôi ra ngoài sân. Tôi lủi thủi bước theo ông, đứng dưới mái hiên. Ông mời tôi điếu thuốc. Tôi từ chối. Tôi chỉ mong vị bác sĩ già nhiều kinh nghiệm sẽ nói cho tôi nghe một tin tức tốt lành. Nhưng chừng như ông ấy chỉ mải mê với mùi thơm hăng nồng và hơi ấm mà điếu thuốc đem đến. Tôi cất tay vào túi áo khoác, bỗng buồn khôn tả. Ông bác sĩ đột ngột lên tiếng: 

– Cậu thất vọng lắm, phải không? 

– Vâng! – Giống như ai đó ngoài tôi cất tiếng. 

– Buồn thảm chẳng giải quyết được gì cả. 

– Cháu biết điều ấy – Tôi gật nhẹ. 

– Cậu có muốn biết cô ấy còn sống được bao lâu chứ? 

Câu hỏi dịu dàng như mũi dao nhọn lách qua những sợi cơ trong lồng ngực tôi. Móng tay tôi bấm chặt vào lòng bàn tay: 

– Không! 

– Tôi hiểu tâm trạng của cậu. Nhưng cậu nghe tôi khuyên vài câu, nhé! 

Khi ông nói, tôi chăm chú lắng nghe, mắt dõi ra các vòm cây tỉa tròn, như các cụm khói rùng mình trên thảm cỏ. Đám mưa bụi chuyển màu ngũ sắc bao bọc ngọn đèn cao áp, ngỡ như bất động nhưng thật ra đang rơi không ngớt. Có con chim bay vụt qua khoảng trời tím mờ… Mọi thứ đều chuyển động theo một quy luật bí ẩn. Và cuối cùng, dù muốn hay không, tôi cũng phải tuân theo chúng. 

Ông bác sĩ nhắc tôi trở vào phòng trực. Châu ngồi sẵn trong xe lăn, để tôi đẩy về phòng. Tôi chạm vào tay nắm lạnh giá, buông ra ngay. Thôi để mai, tôi sẽ nghe theo lời khuyên của ông bác sĩ tốt bụng. Còn giờ đây, tôi chẳng cần gì sất. Chẳng cần sắm vai lạc quan. Chẳng cần giả vờ xem mọi việc là bình thường. Tôi chỉ muốn làm gì đấy để cô nhóc yêu quý của tôi vui, thế thôi. Dù có người nhìn, tôi vẫn thản nhiên chìa lưng bảo Châu ngồi lên. Cô bỡ ngỡ, rụt rè nhìn quanh. Tôi cõng cô nhóc băng qua thảm cỏ. Mưa lất phất. Châu trùm trên đầu cái áo khoác của tôi. Chao ôi, giá như quãng đường này cứ dài thêm. Giá như đôi tay khẳng khiu vòng quanh cổ tôi mãi. Giá như khoảng ngực nóng ran gầy gò cứ áp nhẹ trên lưng. Và hơi thở khò khè vang nhẹ bên tai. Và những sợi tóc mềm vương vào má. Tất cả đừng bao giờ rời xa tôi… Cô nhóc chợt hỏi: “Em nặng, làm anh mệt, đúng không?”. Tôi lắc, bảo cô hát đi. What a little moonlight can do, bài hát ngộ nghĩnh cũ xưa vang lên khe khẽ. Trong bóng tối có bài hát. Trong bóng tối có một cô nhóc thanh thản mỉm cười. Và trong bóng tối, có những hạt nước to ứa trên mí mắt, bất kể tôi đã cố gắng kìm chế ra sao. 

Sau nhiều chờ đợi, thốt lên các lời cầu nguyện gửi tới ông trời và cả những nguyền rủa gửi cho những đứa con bận rộn ở nước ngoài, cuối cùng bà chủ nhà tôi thuê trọ cũng được một người con mời sang Hà Lan sống cùng hai tháng. Bà giao chìa khoá nhà và nhờ tôi chăm sóc hộ con phốc. Thấy tôi trợn mắt kinh ngạc, bà cụ chỉ nói giản dị: “Tôi chẳng dặn dò gì đâu. Tôi tin cậu. Cứ sống trong nhà này thoải mái!”. 

Một sáng sớm cuối tuần, tôi nảy ra ý định kỳ quặc. Thay bộ đồ khá khẩm nhất, không quên vơ theo mấy chiếc áo khoác, mũ và khăn quàng, tôi lao thẳng tới bệnh viện. Chẳng khó khăn gì để đưa Châu trốn khỏi phòng bệnh. Tôi quấn cho cô nhóc đầy quần áo, chỉ để hở đôi mắt nâu, chắc chắn là cô được ấm áp. Rồi trên chiếc xe máy phóng nhanh, chúng tôi đi về phía biển. Cô nhóc ôm chặt lưng tôi. Hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi ngồi trên kè đá, nhìn ra mặt biển. Làn nước xám của mùa đông. Những chiếc thuyền nhỏ xa tít tắp. Dải khăn mềm buộc quanh cổ Châu bay phần phật trước gió mặn. Tôi ngồi im. Thế giới quá rộng lớn. Những con người bé nhỏ cứ đi mãi, đi mãi trên khắp các con đường. Thế rồi tình cờ, hai trong số họ gặp nhau. Nói với nhau vài câu rồi rời đi. Giúp đỡ nhau tí chút để trở thành bạn bè. Hay nhiều hơn nữa, họ ở lại bên nhau, nương tựa nâng đỡ tâm hồn nhau. Bao nhiêu phương án có thể xảy ra. Tôi chợt hiểu, để tìm thấy một người khiến thật tâm mình rung động, yêu thương không tính toan, trao gửi hết tất cả bí mật mới khó khăn và thiêng liêng làm sao. Khám phá ấy mạnh mẽ và bất ngờ đến độ tôi lặng đi, không nói được gì. Đến cả động nhẹ một ngón tay để chạm vào tay Châu, tôi cũng không làm nổi. Và trong cái buổi sáng bất thường đối diện biển, cái buổi sáng tràn ngập thương yêu và xót xa ấy, tôi đã hiểu. Mai này, dù tôi có già đi, hài lòng hay thất vọng với cuộc sống này, vĩnh viễn đọng lại trong tôi những ngày tự do, với tuổi trẻ đắm say không toại nguyện. Những mơ ước đau đớn, không một vết nhơ. Cái phần nhỏ bé chân thành lẩn khuất sâu kín trong con người tôi, cuối cùng, cô gái nhỏ đã đánh thức… Khám phá ấy thét lên trong tôi, như một hồi kèn vang động trên cây trumpet đỏ, làm tôi kiệt sức. 

Quay về thành phố. Buổi chiều mưa to. Chân chúng tôi ướt lạnh. Tôi đưa Châu về nhà tôi trọ, thay quần áo khô. Cô nhóc bước vào phòng. Căn phòng nhỏ xơ xác bỗng ấm bừng lên. Trong khi tôi lụi hụi ủi cái quần jeans ướt sũng của Châu, cô nhóc ngồi co ro giấu đôi chân gầy guộc dưới tấm chăn. Mưa vẫn như trút nước. Trời tối dần. Châu chợt hỏi: “Em ở lại với anh được không? Thêm một lần nữa”. Tôi lặng đi. Khi cô nhóc gọi điện thoại báo về nhà, tôi vào bếp nấu bữa tối. 

Chưa bao giờ tôi thật sự chú tâm đến việc bếp núc. Chỉ là làm vài món ăn thôi mà, có gì quan trọng đâu. Nhưng giờ đây, tôi bỗng phấn khích kỳ lạ. Tôi nấu cơm, rán trứng, luộc một ít mì và đậu. Khi làm những việc ngộ nghĩnh ấy, tôi chỉ chú tâm vào bếp, vào lửa, vào những đồ dùng làm bếp luôn khua lên loảng xoảng. Tôi và Châu cùng ăn. Cô ăn ngon lành, thích thú đặc biệt, rõ ràng không phải để làm tôi vui lòng. Cô ngoẹo đầu cười tự nhiên: “Ngon lắm anh ạ. Hệt như một trăm năm rồi, em không ngửi thấy mùi cơm!” 

Chúng tôi xem TV đến tiết mục cuối cùng. Cảm giác bối rối lơ lửng trong không trung. Châu nằm cuộn tròn trong chăn, đôi mắt trong suốt nhìn tôi: 

– Anh sẽ ngủ ngoài sân như lần trước ư? 

– Không – Tôi nhìn cô gái hàng trăm lần tôi mơ ước, bỗng thật buồn rầu. 

– Chúng ta sẽ không nghĩ gì cả – Đôi mắt trong suốt thì thầm. 

– Ừ… 

Trong cái đêm lạ lùng ấy, tôi đã giữ chặt thân thể gầy gò tội nghiệp của Châu. Bởi cái ngày cô sẽ tan biến đi chẳng còn xa nữa. Cái mũi nhỏ mềm ướt như gấu Koala dụi mãi vào cổ tôi, kiếm tìm một điều gì đó dẫn cô thoát khỏi nỗi sợ hãi và đơn độc. Từ trong cô, tôi cảm nhận mình đang biến đổi, lớn khôn lên, là một người khác, hoàn toàn mới mẻ, cô đơn, nhưng can đảm hơn… 

Chúng tôi nằm im, ấm áp, thì thầm nói chuyện. Châu chùi nước mắt, nói khẽ: “Lần gặp anh trên xe bus đầu tiên, sáng hôm đó em từ bệnh viện về nhà. Đấy là thời điểm tràn đầy sợ hãi. Em đánh cắp chiếc ví của anh. Em đã ao ước có một ai đó khổ sở cùng với mình…”. 

Thật là một ý tưởng tội nghiệp đến kỳ lạ. Nó làm tôi khóc. Những kỷ niệm của ngày hôm qua. Tôi nhắm mắt, thở nhè nhẹ. 

Ban mai thức dậy, cúi nhìn nhìn mái đầu rối tinh như chú sẻ nâu nằm ngủ ngoan trên gối, bỗng dưng, lòng tôi tràn đầy niềm xúc động kỳ dị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.