Dat Vom

Chương 13



Cuối năm. Không khí mát lạnh và sáng sủa. Bỗng có các ngày mưa tầm tã. Bất kể lúc nào, trời cũng có thể sập xuống một cơn mưa giông. Tôi trèo lên nóc nhà thông vũng nước đọng và bị ngã sái khớp vai. Không có nhiều tiền để đến bệnh viện, tôi đành ghé phòng mạch của một ông bác sĩ, là người quen cũ của gia đình, nhờ ông ta băng bó. Lúc điện thoại xin cuộc gặp, một lý do khác khiến tôi dè dặt. Ông ta là bác ruột của Linh, cô bạn thân thiết cũ của tôi. Tôi nói thật với ông là trong túi chỉ còn gần một triệu. Nếu vỡ xương vai, chắc chắn là tôi không có tiền làm phẫu thuật. Ông bác sĩ nhìn tôi bằng đôi mắt tò mò pha lẫn ngạc nhiên kín đáo. Ông nghe phổi tôi chăm chú, vạch mắt mũi tôi ra xem xét kỹ lưỡng, như kiểm tra một con chuột thí nghiệm. Hồi tôi còn là thằng oắt bé tí teo, mẹ đã mang tôi đến đây. Rồi bây giờ, tôi hơn 19 tuổi, biết đủ thứ chuyện trên đời, ông vẫn nhìn tôi với cùng một ánh nhìn. Thật lạ lùng, dù người ta có lớn lên, trưởng thành, bao nhiêu là thay đổi, thì tại sao họ vẫn cứ mãi mãi phải giữ hình ảnh bất biến trong mắt những người già nua? Khám và băng bó vai bên trái cho tôi xong, ông bác sĩ chùi tay bằng cái khăn đẫm mùi cồn, bất thần đặt câu hỏi: 

– Khi nào thì hồi gia đây, cậu nhóc? 

– Cháu không nghĩ đến chuyện ấy! – Tôi lẩm bẩm sau hồi lâu nín lặng. 

– Đừng bướng bỉnh và cũng đừng sĩ diện. Về nhà là lựa chọn đúng đắn. Cứ xem như hoàn chất chuyến du lịch xa và bây giờ đã đến lúc trở lại. Tôi bảo đảm ba mẹ cậu sẽ xem như không có gì suốt mấy tháng qua. Và thâm tâm cậu cũng mong muốn được về nhà, chắc chắn là vậy! 

– Cháu không nghĩ đến chuyện ấy! – Tôi nhắc lại, rõ ràng hơn, nhìn thẳng vào ông bác sĩ một cách cương quyết – Thành thật là thế. Bác đừng tốn công thuyết phục. 

– Thôi đành vậy. Đó là lựa chọn của cậu. Nhưng ở vị trí bác sĩ, tôi mong cậu về nhà. Vì lợi ích của cậu thôi. Nói thẳng thắn nhé, sức khoẻ của cậu có vấn đề đấy. Cậu nghĩ gì khi một là một gã trai cao 1m74, mà chỉ có 56kg? Nếu tôi bảo cậu đi chụp phổi, sẽ phát hiện ra ít nhất một đốm nám. Cậu đang tuổi lớn, còn cao lên, cần được bồi dưỡng đầy đủ. Thế mà cậu ăn gì? Cậu đã làm cái quái quỷ gì đến nỗi gầy rộc như thế này, hả? Cậu có thấy rằng bỏ nhà đi, lao đầu vào cuộc sống tăm tối thiếu thốn là vô cùng điên rồ không? 

-Cháu sắp chết ư? – Tôi lơ đãng đặt một câu hỏi hình như chẳng ăn nhập. 

Ông bác sĩ già thẫn thờ nhìn tôi, không biết nói sao nữa. Làm sao ông ấy biết được viễn ảnh ốm đau chẳng khiến tôi sợ hãi mảy may. Trái lại, nó làm tôi như được an ủi. Vâng, an ủi nhiều lắm. Mỗi khi nhìn Châu yếu ớt, mỗi ngày thêm hốc hác, đôi mắt to tướng trên gương mặt nhỏ thó, tan biến dần dần vào hư không, trong khi đó, tôi lại mạnh khoẻ nhởn nhơ, tôi lại thấy hệt như mình có lỗi. 

Buổi chiều thì mưa mịt mù trời đất. Những con đường lênh lang nước. Có nhiều đoạn ngập lụt, xe chết máy phải dắt bộ từng quãng dài. Chạy xe ôm thật kinh khủng. Lắm hôm tôi chỉ mặc chiếc áo đi mưa loại mỏng dính, nhường lại cái áo poncho thoải mái cho khách. Rét run. Ướt át. Tôi ho suốt. Nhưng tôi chẳng nghỉ ngơi. Gần tết nhất, ai cũng bận rộn, di chuyển nhiều. Con chiến mã Viva của tôi nhờ thế mà đắt khách ra trò. 

Có nhiều tiền trong túi, tôi tự do làm những điều mình muốn. Khi Châu cảm thấy không mệt quá, tôi đưa cô đi chơi khắp nơi. Xem phim hành động. Vào khán phòng nhạc viện nghe jazz châu Âu. Có lần, hai đứa tôi còn chơi sang, dốc hết tiền trong ví, lên một nhà hàng sang trọng , một con thuyền du lịch trên sông. Châu chẳng ăn uống được gì. Nhưng việc được nhìn thấy thành phố quen thuộc từ góc độ lạ lẫm của những con thuyền làm cô nhóc vui sướng kỳ dị. Chúng tôi chọn cái bàn nhỏ sát lan-can. Tiếng máy tàu rầm rì. Tiếng sóng nước vỗ lanh tanh. Mùi trái cây chín rục từ các khu vườn xa xăm theo nước chảy về. Gió ẩm và lạnh. Tôi cầm chặt bàn tay người yêu. Vài sợi tóc yếu ớt trên đầu cô mơn man chóp mũi tôi. Tàu chạy sang bờ bên kia. Bảng điện quảng cáo nước ngọt nhấp nháy, kéo vệt dài đỏ thắm trên các bụi cây ven bờ, hắt xuống làn nước tối sẫm. Các vòng tròn của những dòng chữ điện nhỏ hơn nối tiếp cũng phản chiếu xuống sống, loang ra từng vùng sáng màu ngọc bích mê hoặc. Trên màn hình chiếu phim khổng lồ nổi lên trên các nóc nhà im lìm, chiếu cảnh quay chậm một đoá hoa trắng muốt nở ra trong một cái bình thuỷ tinh trong suốt. Đột nhiên, tôi quên mất mình đang ở giữa chốn đông người. Hệt như hai chúng tôi được bình yên, trong cái hộp thuỷ tinh trong suốt, ngăn cách với thế giới ồn ào sặc sỡ ngoài kia. Châu còn ở sát bên tôi. Đoá hoa trắng muốt vẫn còn ở sát bên tôi. Giây phút này quý giá siết bao. Phát hiện dịu dàng đến thắt đau. 

Khuya hôm ấy, tôi về muộn. Gã chồng chị bán xe thuốc lá vẫn kiên nhẫn chờ tôi. Lúc tôi đưa tiền, ông ta cũng chẳng buồn nhìn tôi nữa. Vẫn cái mùi ngai ngái của mồ hôi bám trên quần áo cũ. Vẫn tia mắt cú mèo ánh lên ma quái trong bóng đêm. Nhưng đôi vai nẹp nhôm không còn thẳng dẵng kiêu căng mà héo rũ rủ xuống. Ông ta đang trong quá trình tự huỷ hoại bí mật. Bất giác, tôi nhận ra có những người mình tiếp xúc hàng ngày, nhưng mình chẳng còn nhớ rõ hình dáng họ nữa. Sự biến mất ngay trước mắt của những điều quen thuộc. Như gã cú đêm này… Tôi rẽ vào hẻm. Bỗng vang lên tiếng la thất thanh của chị sún răng. Một tiếng tát mạnh. Gã chồng đánh vợ thì phải. Nếu trước kia, hẳn tôi sẽ lao vào, nện cho những gã vũ phu một trận. Tuy nhiên giờ đây, lăn lóc ngoài đời đã dạy cho tôi rằng cứ để mặc bọn họ. Mọi việc dù có ghê gớm đến đâu thì tự nó cũng sẽ tìm ra được kết thúc êm xuôi. Tiếng hét một lần nữa vóng lên, xé rách sự tĩnh mịch. Tôi ngoảnh lại. Chị vợ đã ngã khuỵu xuống lề đường, nằm phủ phục khuất sau xe thuốc lá. Gã chồng đang co chân liên tiếp đá vào người chị vợ. Tôi quay xe. Phóng đến. Nhảy xuống. Như một con sói điên, tôi túm lấy cổ áo gã đàn ông, giằng mạnh ra. Cánh tay tôi vung cao, quai thẳng vào quai hàm đối phương. Gã hộc lên, xoay người, phang cùi chỏ vào mặt tôi. Tôi đấm mạnh cú nữa. Gã chồng vũ phu lảo đảo như một con trốt cũ kỹ rồi ngã bịch xuống, đầu nằm luôn vào vũng nước mưa. Lạy Chúa, gã yếu hơn tôi tưởng. Chị vợ khốn khổ lồm cồm ngồi dậy. Chị ta khóc thút thít, rồi quáng quàng đỡ đầu gã chồng lên. Chị ta ngước nhìn tôi, một mắt biết ơn, một mắt tràn đầy oán giận. Thật kỳ quặc! Tôi bỏ đi, thở dài. Vậy đấy. Tôi tưởng mình khôn ngoan, cứng rắn, đủ sức lạnh nhạt với vấn đề khốn khổ của kẻ khác. Thế rồi tôi vẫn không thể. 

Đêm lạnh. Tôi thay quần áo, chuẩn bị rúc vào chăn thì mobile rung lên. Máu trong người tôi đông lại. Hàng trăm lần tôi đã lo sợ cú điện thoại bất thường, báo tin của Châu. Nhưng chẳng phải. Số máy bàn quen quen. Đầu dây bên kia vang lên một giọng nói êm mượt và dịu dàng. Linh, cô bạn gái cũ. Cô rụt rè hỏi tôi có ổn không. Tôi đờ đẫn, rồi sực tỉnh, trả lời qua quýt. Chừng như đọc được tâm trạng tôi, khi tôi sắp tắt máy, cô kêu lên thảng thốt. 

– Sao Linh gọi khuya thế? – Tôi hỏi lạnh nhạt. 

– Huy đang mất sức, đang gầy lắm. Bác sĩ bảo thế! 

– Chẳng có gì ghê gớm cả! – Tôi xoa nhẹ gương mặt khô rát, thản nhiên – Linh gọi mình chắc không phải vì vấn đề ấy. Nào, nói đi, có chuyện gì vậy? 

– Ba mẹ Huy đã tìm được một trường kiến trúc rất tốt ở Hà Lan để Huy sang học. Nhà mình cũng tìm được một trường có ngành truyền thông, để cho mình sang học ở đấy. Chúng ta sẽ đi cùng nhau. Mọi thứ thật thuận lợi và dễ dàng, Huy ạ… 

Tôi nhìn xuống sàn, nơi tôi đang đứng. Khoảng cách từ đây ra cửa. Những ô vuông được chia ra rõ ràng, như các bước đi sáng rõ, chẳng cần băn khoăn. Giọng Linh vẫn vẳng đến tai tôi, đều đều. Những hình ảnh hấp dẫn, sáng sủa lôi cuốn, nhưng thật ra chẳng có gì mới mẻ. Những quy ước về con đường thành đạt và hạnh phúc có sẵn. Tôi bấm nút cắt đứt cuộc gọi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.