Dat Vom
Chương 9
Sau đợt làm bài học kỳ, tôi xin được chân hoạ viên tại một văn phòng thiết kế. Công việc khá nặng, nhưng tôi có thể làm việc ban đêm. Cuối năm, trời lạnh, chạy xe chở khách dưới mưa phùn quả không dễ chịu chút nào. Rời bỏ việc ấy cũng chẳng tiếc gì. Chỉ đôi khi, ký ức lang thang trong một thành phố chìm vào giấc ngủ sâu vẫn quay trở lại, hệt như một mảng màu tối thẫm,không đẹp đẽ lắm nhưng lại đầy sức an ủi. Cảm giác cô độc vẫn đeo bám tôi một cách dai dẳng. Đến nỗi có đêm đi làm về muộn, tôi nghĩ trái tim mình đã luồn ra ngoài lồng ngực, đông thành đá. Nhưng chỉ là cái USB vỏ kim loại lạnh toát áp vào ngực mà thôi. Tôi hạ tay ga, chạy vào con đường nhỏ, nơi từng xảy ra vụ cướp xe. Suy đoán mách bảo tôi rằng nhà Châu ở đâu đó trong khu vực này. Thế nhưng, như một cái bóng tan vào bầu không khí xanh lơ, tôi không lần ra dấu tích nào của cô gái lạ lùng ấy nữa.
Một mùa đông lạ lùng.
Các sáng thức giấc, tôi nằm úp mặt vào gối. Kể từ ngày Châu đến căn phòng kho tôi ở. Có một điều gì đó không còn như cũ. Châu biết nơi tôi ở, biết số mobile của tôi. Sao cô ấy chẳng gọi? Tôi không có ý nghĩa gì với cô ư? Và tại sao có một lúc nào đó, người này trở nên quan trọng với người kia đến thế? Tôi giống như con ốc biển bị những đợt sóng dồn ép trong cái vỏ chật chội, bị một hạt cát nhỏ xíu lọt vào, cứa đứt góc da thịt nhuyễn thể, cứ mãi đau nhức.
Tôi không đi chơi, không ngồi cà phê. Cũng không vào rạp xem phim tiêu huỷ thời gian và cảm giác trống rỗng. Một cậu bạn rủ tôi ghé nhà cùng xem phim. Những đĩa phim tình cảm Mỹ trước kia tôi vẫn xem bằng đôi mắt háo hức tò mò thì giờ đây lại làm tôi cáu kỉnh. Tôi nhớ Châu da diết. Tôi muốn một lần nữa được nghe giọng nói khẽ khàng và nhìn thấy đôi mắt trong suốt. Thực sự, bên trong tôi mọc lên nỗi khao khát được ôm ghì lấy Châu, được áp môi lên vầng trán trắng muốt bướng bỉnh của cô ấy. Trong sự gắn kết dịu dàng, nỗi cô độc sẽ rút đi. Và tôi sẽ hiểu được cô. Hiểu thấu một người khác ngoài bản thân mình. Chia sẻ. Gắn bó. Những từ ngữ bình thường đột nhiên toả ra ý nghĩa thẳm sâu khiến tôi choáng váng. Nhưng thật sự tôi muốn Châu theo cách như vậy đấy, chứ không phải để làm các hành động tầm thường như những nhân vật trên phim. Ồ, có vẻ hơi kỳ dị. Nhưng thật là như vậy. Một khi người ta đã yêu ai thật sự, mọi thứ đều thấm đượm nét đẹp kỳ ảo, dù có khi đau nhói chẳng hề dễ chịu chút nào. Nếu ai biết được những ý nghĩ cất giấu trong đầu tôi, hẳn họ đoán tôi sắp phát điên lên.
Tôi lao vào làm việc, vẽ bài quần quật. Không gian ngoài kia, những bụi cây vàng hoen ướt sũng, những vỉa hè phủ đầy lớp lá nâu bẩn, các mái nhà trơn trượt mọc rêu dường như không hề dính líu đến tôi nữa. Chúng thuộc về một thế giới hoàn toàn khác, lạnh nhạt và hờ hững với riêng tôi. Thỉnh thoảng buổi sáng ngồi trên phòng thiết kế nhìn xuống, có thấy vài vệt sương mù bảng lảng trên các ngọn cây. Đám lá vàng không còn cứng cáp nữa. Chúng rũ xuống. Chỉ cần thêm vài đợt gió thốc là chúng bị giật lìa khỏi cành, thổi bạt về một con đường nào đó. Trời bắt đầu lạnh.
Hai tuần làm việc cật lực ở phòng thiết kế, người ta trả cho tôi khoản lương giữa tháng. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là mua một chiếc áo ấm tử tế. Mấy bộ tôi mang theo khi rời nhà vẫn còn tốt và sạch. Nhưng chúng không đủ che chắn những đợt lạnh sắp tới. Tôi phóng xe ra cửa hàng quen. Nhiều mẫu áo mới, vải khaki tuyền màu nâu sẫm mà tôi ưa thích, khuỷu tay và cổ áo lót da mềm. Tôi mặc thử. Liếc nhìn tem giá, tôi bỗng khựng lại. Trước kia, tôi có thể mua vô tội vạ các món ưa thích. Tiền ba má cho, tôi tiêu xài chẳng suy nghĩ. Thế nhưng giờ đây, việc đánh đổi hai tuần làm việc chỉ để lấy cái áo ưng ý chừng như là một ý tưởng kỳ quặc. Tôi đề nghị chọn mẫu khác đơn giản hơn. Đúng lúc ấy, mobile trong túi rung lên. Tôi rút nhanh máy, run rẩy, đột nhiên đầy hy vọng. Nhưng, trên màn hình, chỉ là tên của chị tôi.
Kể từ sau cuộc gặp cuối cùng ở quán cà phê, tôi không gặp lại chị Minh. Chị gọi, tôi cũng chẳng trả lời. Thi thoảng, chị gửi cho tôi một tin nhắn, báo vài thông tin vắn tắt về gia đình. Có thể chị nghĩ đến sự cần thiết phải duy trì mối dây liên lạc với người thân, dù thưa thớt, hoặc đây là cách chị khéo léo nhắc rằng tôi vẫn còn là mảnh nhỏ bám vào trí nhớ chị. Nhưng, dù chị có làm gì, nghĩ gì, những bí mật về chị mà tôi tình cờ biết được vẫn như viên thuốc đắng ngắt nằm im dưới lưỡi. Khối người cho rằng dấu hiệu trưởng thành là việc biết chấp nhận nhiều mặt khuất u ám của cuộc đời, xem nó như chuyện đương nhiên. Nhưng tôi thì cóc cần cái lối thoả hiệp ấy…
Lúc này, nhạc chuông điện thoại vẫn nối tiếp, đượm vẻ cấp bách khó hiểu. Không từ chối cuộc gọi như mấy hôm trước, giờ đây tôi ấn phím trả lời. Chị tôi nói ngắn, hối hả: “Bé Hoan ốm nặng. Ba má còn bàn hợp đồng ở Sing. Em ghé qua nhà được không?”
Không nói gì nữa, bất chấp phép lịch sự tối thiểu, tôi lao ra khỏi cửa hàng. Đột nhiên, máu trong người tôi đông cứng.
Biết kể gì về em gái tôi? Biết nói gì về một cô bé 8 tuổi có đôi mắt giống tôi, nụ cười giống tôi, trạng thái phấn khích và hay ủ dột cũng giống tôi nốt – ai cũng nhận xét như vậy. Nhưng tôi yêu quý con bé vô hạn không chỉ vì những điều ngẫu nhiên ấy. Ở Hoan, ngay cả khi nó áp lòng bàn tay nhỏ xíu vào hai bên thái dương tôi, cười khanh khách, luôn có một điều gì khiến tôi muốn ứa nước mắt. Sự trong sáng, những hiểu biết ngây thơ sai lạc về cuộc sống, niềm tin không điều kiện vào những điều tốt lành, và cả lòng tin cậy tuyệt đối của nó đối với ông anh trai chỉ đáng vứt đi vẫn khiến tôi ngạc nhiên khôn tả. Mỗi khi Hoan cầm lên con gấu chân dài chân ngắn, kéo nhẹ sợi dây sau lưng cho chú gấu cử động, ý nghĩ kỳ lạ lại thoáng qua đầu tôi: Tôi chính là chú gấu ấy. Chừng nào em tôi còn thương yêu và canh chừng chú gấu cũ kỹ bạc màu trong tầm mắt, thì tâm hồn tôi còn an toàn, vững tin mình vẫn còn chút gì tốt đẹp… Thế mà giờ đây, con bé ốm nặng, nằm im như bị vùi chôn dưới mấy lớp chăn dày. Đang chạy xe như điên cuồng, bỗng tôi khựng lại. Tôi muốn em tôi mỉm cười. Đã lâu lắm rồi, mải chạy theo những vấn đề cá nhân khốn đốn, tôi chẳng nhớ gì đến con bé. Tôi tấp xe bừa vào một cửa hàng đồ chơi, mua cho Hoan thứ gì đấy. Gì cũng được, miễn màu đỏ con bé ưa thích. Có một chiếc kèn trumpet bằng sắt sơn đỏ chói chang. Trông hơi quái, nhưng cũng thật ngộ nghĩnh. Tôi nhét vội vào tay người bán hàng tờ bạc lớn, cầm chặt cái kèn một bên tay, nhảy lên xe, tăng ga phóng ào đi.
Cổng nhà. Phòng khách rộng thênh. Cầu thang sạch bóng. Mọi thứ nguyên vẹn như lúc tôi rời đi. Nhưng giờ đây, tôi chẳng bận tâm gì nữa. Tầng hai. Phòng em tôi đây rồi. Tôi đẩy nhẹ cửa, lách vào. Mùi phấn rôm phảng phất trộn lẫn mùi thuốc hăng nồng. Hoan nằm im dưới tấm chăn xanh nhạt, nhìn đăm đăm lên trần nhà. Đôi tay mảnh khảnh của con bé bấu vào mép chăn, như chống cự lại sức nặng vô hình đang đè trĩu xuống. Đầu giường, chú gấu nhỏ treo toòng teng, đôi khi đu đưa nhè nhẹ. “Nhìn xem ai bước vào này!” – Hít một hơi dài, tôi lấy giọng hát khẽ, rồi huýt gió bản nhạc quen thuộc. Chầm chậm, đôi mắt to tươi sáng, ngay cả trong cơn sốt vẫn tươi sáng, ngoảnh về phía tôi. Nụ cười. Một cánh tay vươn ra. Chỉ hai bước, tôi đã quỳ xuống ở bên giường.
– Anh biết phát âm tiếng Anh giống như chú lừa trong phim Shrek chưa? – Đó là câu nói đầu tiên của Hoan thay cho lời chào. Tôi đã bảo rồi. Con bé thông minh khủng khiếp. Nó luôn biết cách tránh cho người đối thoại cảm giác khó khăn.
– Sắp rồi, nhóc ạ! – Tôi ủ bàn tay em bé trong tay tôi, áp lên má, cố gắng không lạc giọng đi – Anh còn biết chạy xe ôm, và đi vẽ thuê nữa.
– Chắc là cũng vui, nên anh mới chịu làm các việc ấy, đúng không? – Hoan cười. Lớp da trên đôi môi khô như sắp nứt ra.
– Ừ! – Tôi gật – Anh tự kiếm được tiền rồi. Anh mua cho em cái kèn này!
– Anh can đảm thật đấy!
Lời khen đầu tiên kể từ ngày tôi rời nhà. Tôi tôi lặng đi.
Tôi đặt chiếc trumpet đồ chơi vào tay em. Mấy ngón tay nhỏ nhợt nhạt bấu chặt các nút bấm. Rồi cánh tay rơi xuống, kiệt sức. Bỗng nhiên, em tôi khóc oà lên:
– Em chờ anh lâu quá! – Giọng con bé vỡ ra. Đến bây giờ, nó mới khóc.
– Anh xin lỗi. Đừng khóc mà. Để lá phổi tội nghiệp của nhóc yên nào… – Tôi lập bập, van nài.
Con bé ôm quàng cổ tôi. Chị Minh bước vào, khẽ hất đầu ra hiệu cho tôi.
– Bây giờ hai anh em mình vào bệnh viện nhé! – Tôi nói khẽ.
Hoan chớp mắt, đồng ý. Suốt một tuần qua, con bé không chịu rời căn phòng. nó sợ tôi về nhà thình lình mà nó không gặp được.
Hai ngày, tôi ở trong bệnh viện. Thỉnh thoảng, bất chấp sự giận dữ của bác sĩ, tôi thổi nhẹ cây trumpet. Con bé bật cười thành tiếng. Mấy bệnh nhi cùng phòng cũng mỉm cười. Mọi thứ – các đồ đạc trong căn phòng trắng, những vòm cây bất động ngoài ô cửa, và bầu trời mùa đông ảm đạm – tất cả như sáng bừng lên phút chốc, ấm áp tươi vui. Đó là khoảnh khắc ngắn ngủi tôi chợt nhận ra cuộc sống này đẹp đẽ và đáng sống biết bao. Phổi Hoan bình phục từ từ. Bác sĩ đồng ý cho con bé xuất viện.
Tôi cõng bé em ra taxi chờ sẵn, băng qua khoảng sân bệnh viện cỏ mọc xanh mịn. Một bệnh nhân đi sượt qua tôi. Áo khoác ngắn. Chiếc mũ liền áo trùm lên đầu. Một luồng điện làm tôi tê cứng. “Châu!” – Tôi gọi to. Cô gái chầm chậm ngoảnh lại. Cô gái của tôi. Nỗi nhớ nhung khắc khoải của tôi. Tình yêu đang lớn lên bí ẩn của tôi… Một cơn gió mạnh làm cái mũ trùm lật ra sau vai. Mái tóc xơ xác tội nghiệp. Quầng xanh nhạt dưới đôi mắt to thăm thẳm. Cô gái mấp máy đôi môi, vẫn không rời mắt khỏi tôi, thì thào: “Vâng, Huy ạ. Là em đây!”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.