Dạy Con Làm Giàu – Tập 2
PHẦN I: KIM TỨ ĐỒ . CHƯƠNG 1
Tại sao anh không
kiếm lấy một công việc?
Vào năm 1985, Kim- vợ tôi và tôi không có nhà để ở. Chúng tôi đều bị thất nghiệp và chẳng còn một đồng xu nào trong tài khoản tiết kiệm của mình. Thẻ tín dụng đã bị xài hết mức. Chúng tôi phải ngủ qua đêm trong một chiếc xe Toyota sờn nâu cũ kỹ. Khi đến ngày cuối cùng của tuần nọ, chúng tôi bắt đầu thấm thía thực tế phũ phàng trước mắt mình, luôn bị dằn vặt bởi những câu hỏi chúng tôi là ai, đang làm gì và cuộc đời của chúng tôi sẽ trôi về đâu.
Tình trạng vô gia cư của chúng tôi kéo dài thêm hai tuần. Cuối cùng, một người bạn thông cảm với tình hình tài chánh thê thảm của chúng tôi đã cho chúng tôi về ở trong một căn phòng ở tầng hầm dưới nhà cô. Chúng tôi cư trú ở đó trong suốt chín tháng trời ròng rã.
Chúng tôi giữ kín chuyện của mình với mọi người. Vợ tôi và tôi cố giữ bề ngoài trông thật bình thường. Cho đến khi bạn bè và gia đình biết cảnh ngộ khốn khổ của chúng tôi, câu hỏi đầu tiên của họ luôn là: ”Tại sao anh không kiếm lấy một công việc?”
Lúc đầu tôi còn cố giải thích, nhưng riết rồi chúng tôi thấy không đủ khả năng lý giải nguyên nhân của mình với mọi người. Đối với một người coi trọng công ăn việc làm, thật khó lòng giải thích cho người ấy hiểu lý do tại sao mình không muốn kiếm việc làm.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng phải làm thêm một vài công việc tạp nhạp đây đó, nhưng những đồng tiền cỏn con đó chỉ cốt để làm no lòng bao tử của mình và đổ xăng đi lại. Những đồng lương ít ỏi ấy chúng tôi coi chúng chẳng khác nào như những lít xăng đẩy chúng tôi theo đuổi mục tiêu duy nhất của mình. Tôi phải thừa nhận rằng trong những tháng năm đầy hoài nghi dằn vặt đó, ý tưởng về một việc làm ổn định, an toàn với một đồng lương khấm khá thật hết sức cám dỗ với chúng tôi. Nhưng bởi vì sự bảo đảm việc làm không phải là những gì chúng tôi tìm kiếm, nên chúng tôi phải vật lộn hàng ngày trên bờ vực tiền bạc gian nan đó.
Năm đó, năm 1985 là năm khốn khó nhất trong cuộc đời của chúng tôi, và dai dẳng như cả thế kỷ. Người nào nói tiền bạc không quan trọng chắc chắn người ấy chưa bao giờ nếm mùi không có tiền bạc trong một khoảng thời gian dài. Kim và tôi cứ liên tục cãi vã và tranh luận. Sợ hãi, lo âu về một tương lai mờ mịt và cái đói gặm nhấm hợp lại càng làm tăng kịch tính cảm xúc của con người, khiến chúng ta thường xuyên gây gổ với người thương yêu chúng ta nhiều nhất. Thế nhưng, tình yêu mãnh liệt đã kết nối hai đứa chúng tôi lại với nhau, làm cho chúng tôi càng hắn chặt nhau hơn để đương đầu trước nghịch cảnh. Chúng tôi thừa biết đi theo hướng nào, nhưng chỉ có điều chúng tôi không biết mình có thể đí đến đích được hay không.
Chúng tôi biết rõ mình lúc nào cũng có thể xin được một việc làm đảm bảo mức lương hậu hĩ. Cả hai đứa chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, có chuyên môn vững và thái độ làm việc rất nghiêm túc. Nhưng chúng tôi không nhắm tới sự bảo đảm việc làm đó. Điều mà chúng tôi nhắm tới chính là sự tự do về tài chánh cho bản thân mình.
Vào khoảng năm 1989, chúng tôi trở thành triệu phú. Mặc dù chúng tôi giàu có trong con mắt của nhiều người, nhưng bản thân chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn vì chưa đạt được giấc mơ của mình. Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự tự do thực sự về tiền bạc. Mãi đến năm 1994, giấc mơ ấy mới tròn hiện thực. Từ đó đến cuối cuộc đời, chúng tôi sẽ không phải làm công cho ai nữa. Ngoại trừ một thảm họa tài chánh bất ngờ ụp xuống, cho đến nay chúng tôi hoàn toàn được giải phóng về mặt tiền bạc. Lúc ấy, Kim tròn 37 tuổi và tôi được 47 tuổi.
KHÔNG PHẢI CÓ TIỀN MỚI LÀM RA TIỀN
Sở dĩ tôi bắt đầu quyển sách này về tình trạng không nhà cửa và nghèo túng của mình bởi vì tôi thường nghe mọi người nói, “Phải có tiền mới làm ra tiền”.
Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Từ tình trạng vô gia cư vào năm 1985 cho tới lúc tôi trở nên giàu có vào năm 1989 và sau đó thực sự được tự do về tài chámh vào năm 1995,quá trình ấy không hề bắt đầu với tiền bạc. Khi chúng tôi khởi sự, chúng tôi làm gì có tiền mà còn Cũng không phải cần có một nền học vấn chính quy đỗ đạt mới làm ra tiền. Tôi tốt nghiệp đại học, nhưng tôi dám nói thẳng rằng sự tự do về tiền bạc mà tôi đạt được chẳng ăn mơ rễ má đến những gì tôi được học ở địa học. Tôi chằng hề sử dụng một tí gì từ những môn tôi được dạy về tích phân, lượng giác, hóa học, vật lý, văn chương Pháp, hay văn chương Anh.
Nhiều người thành công trong đời thường bỏ ngang đại học. Những nhân vật như Thomas Edison, người sáng lập tập đoàn General Electric; Henry Ford, chủ tập đoàn hãng xe Ford; Bill Gates, cha đẻ tập đoàn Microsoft; Ted Turner cha đẻ hãng thông tấn xã CNN; Micheal Dell, người sáng lập tập đoàn máy vi tính Dell Computer; Steve Jobs, người sáng lập tập đoàn máy vi tính Apple Computer; và Ralph Lauren, người sáng lập hãng may mặc Polo. Bằng cấp đại học chỉ quan trọng đối với những chuyên ngành cổ điển chứ không ích lợi gì đối với việc những nhân vật đó làm cách nào trở thành tỷ phú. Những con người đó đã tự tạo ra ngành kinh doanh thành công riêng cho mình, và đó chính là điều mà Kim và tôi hằng khát khao đạt đến.
VẬY THÌ CÁI GÌ MỚI LÀM RA TIỀN?
Nhiều người thường hỏi tôi, ”Nếu không cần phải có tiền để làm ra tiền, và trường học không dạy anh cách đạt được sự tự do về tài chánh, thế thì những điều gì mới làm ra tiền”.
Câu trả lời của tôi là: Cần phải có một giấc mơ khao khát, một ý chí quyết định dứt khoát, một khả năng học hỏi nhanh nhạy, biết sử dụng những thiên phú sẵn có trong mình, và phần nào trong Kim tứ đồ tạo ra thu nhập cho mình.
K TỨ ĐỒ LÀ GÌ?
Sơ đồ dưới đây chính là Kim Tứ đồ
L- nhóm người làm công lãnh lương
T- nhóm người làm tư
C- nhóm chủ doanh nghiệp, công ty
D- nhóm nhà đầu tư
VỊ TRÍ NÀO TRONG KIM TỨ ĐỒ
ĐEM LẠI THU NHẬP CHO BẠN?
Kim Tứ đồ thể hiện bốn cách khác nhau tạo ra tiền bạc cho mọi người. Chẳng hạn, một người làm công kiếm tiền nhờ làm thuê cho một người nào đó hay một công ty. Những người làm tư kiếm tiền bằng cách tự làm việc cho chính mình. Một doanh nhân kiếm tiền từ công việc kinh doanh của mình, và các nhà đầu tư kiếm tiền từ nhiều hình thức đầu tư đa dạng mà nói khác đi chính là từ việc sử dụng tiền để tạo ra thêm nhiều tiền hơn.
Những phương pháp kiếm tiền khác nhau đó đòi hỏi những kiểu suy nghĩ, lối sống, kỹ năng chuyên môn, đường lối hấp thu giáo dục, và những cá tính tương thích. Những hạng người khác nhau sẽ bị lôi kéo vào những khu khác nhau trong align=”justify”> Trong khi tiền bạc là đối tượng chung, những cách kiếm tiền thì lại thiên hình vạn trạng. Giả như bạn bắt đầu lưu tâm đến sự phân chia trên tứ đồ, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình câu này, “Tôi kiếm được tiền chủ yếu từ phần nào trong Kim Tứ đồ ấy?”
Mỗi phần của tứ đồ đều khác nhau. Để kiếm được tiền từ những phần khác nhau cần phải có những kỹ năng và cá tính khác nhau, cho dù một người có thể ở cùng lúc những phần khác nhau đó.
BẠN CÓ THỂ KIẾM TIỀN TỪ BỐN NHÓM TRÊN TỨ ĐỒ
Hầu hết chúng ta đều có khả năng kiếm tiền từ cả bốn nhóm trên tứ đồ. Nhóm người nào mà bạn hay tôi thuộc về đó và chủ yếu kiếm thu nhập từ đó không phải được quyết định bởi những gì chúng ta được học ở trường, mà chính là những gì thuộc về bản thân chúng ta- đó là những quan điểm về giá trị, những ưu điểm, khuyết điểm và sở thích cá nhân. Chính những sự khác nhau gốc rễ đó đã thu hút hay làm chúng ta dội ngược với những nhóm đó trong tứ đồ.
Tuy nhiên, cho dù chúng ta có làm một ngành nghề chuyên môn nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể tồn tại và làm việc trong cả bốn nhóm. Chẳng hạn, một bác sĩ có thể chọn lựa cách kiếm tiền như một người làm công- thuộc nhóm L, bằng cách gia nhập vào đội ngũ bác sĩ trong một bệnh viện lớn, hoặc làm việc cho chính phủ trong những dự án chăm sóc y tế cộng đồng hay trở thành bác sĩ quân y, hoặc làm việc cho một công ty bảo hiểm sức khoẻ và nhân thọ.
ị bác sĩ ấy cũng có thể chọn lựa cách kiếm tiền như một người làm tư- thuộc nhóm T, mở một phòng mạch tư, thuê mướn một vài y tá và lôi kéo một số bệnh nhân cho riêng mình.
Hoặc vị ấy có thể quyết định trở thành một doanh nhân thuộc nhóm C, làm chủ một bệnh viện tư và thuê mướn các bác sĩ khác làm việc trong bệnh viện đó của mình. Vị bác sĩ có thể xem xét khả năng mướn một vị quản lý điều hành công ty- bệnh viện của mình, và như vậy trong trường hợp đó vị bác sĩ làm chủ một công việc kinh doanh nhưng không phải làm việc trong đó. Vị bác sĩ cũng có thể quyết định làm chủ một ngành nghề kinh doanh nào đó chả liên quan gì đến ngành y, nhưng vẫn thực hành nghề y của mình ở một nơi nào đó. Trong trường hợp ấy, vị bác sĩ có thể tạo ra thu nhập vừa như người thuộc nhóm L, vừa như người thuộc nhóm C.
Còn đối với nhóm Đ, vị bác sĩ có thể kiếm tiền bằng cách trở thành cổ đông hùn vốn vào một chuyện kinh doanh của người khác hay bằng những công cụ đầu tư như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản.
Những từ quan trọng nhất chính là những từ ”kiếm tiền từ”.
Không phải ngành nghề chúng ta đang làm là quan trọng, mà chính cách chúng ta kiếm tiền mới quan trọng hơn hết.
NHỮNG PHƯƠNG CÁCH KHÁC NHAU TẠO RA THU NHẬP
Chính sự khác nhau gốc rễ về quan điểm giá trị, ưu điểm, khuyết điểm và sở thích mới ảnh hưởng chúng ta chọn lựa phương cách tạo ra thu nhập từ nhóm nào. Nhiều người chỉ thích làm công, trong khi khối người khác lại rất ghét chuyện ấy. Nhiều người say mê làm chủ một công ty nhưng lại không ều hành nó, nhưng cũng biết bao nhiêu người vừa thích làm chủ công ty lại vừa thích tự quản lý điều hành công ty của mình. Nhiều người rất ưa thích công việc đầu tư, trong khi trong con mắt của nhiều người khác chỉ thấy nguy cơ bị mất tiền. Hầu hết chúng ta đều ít nhiều có hết những tính cách đó. Để có thể thành công trong bốn nhóm thường đòi hỏi phải có sự định hướng thích nghi những giá trị gốc rễ tương ứng trong con người chúng ta.
BẠN CÓ THỂ GIÀU HOẶC NGHÈO Ở CẢ BỐN NHÓM
Một điều không kém quan trọng cần lưu ý là chúng ta có thể giàu hay ngheo ở cả bốn nhóm. Trong mỗi nhóm, nhiều người có thể kiếm tiền được hàng triệu đô nhưng cũng có vô số người bị khánh kiệt. Thuộc vào nhóm này hay nhóm khác không nhất thiết đảm bảo thành công về tài chánh.
KHÔNG PHẢI BỐN NHÓM ĐỀU NHƯ NHAU
Hiểu được những đặc thù của bốn nhóm trong tứ đồ, bạn sẽ nhận định được nhóm nào thích hợp nhất với bạn.
Chẳng hạn, một trong nhiều lý do khiến tôi chủ yếu hành động như người C hay D là do những lợi thế về thuế. Đối với những người làm việc ở phần bên trái tứ đồ, có rất ít khả năng giảm thuế hợp pháp, không như đối với phần bên phải của tứ đồ. Khi làm việc tạo ra thu nhập thuộc nhóm người C hay D, tôi có thể kiếm tiền nhanh hơn và bắt đồng tiền đó làm việc cho tôi lâu hơn mà không phải trả thuế quá mức.
NHỮNG CÁCH TIỀN KHÁC NHAU
Tứ đồ phân biệt rõ những cách khác nhau mà còn người sử dụng để tạo ra tiền cho mình. Có những cách tạo tiền đầy ý thức trách nhiệm hơn là phải làm lụng vì nó.
HAI NGƯỜI BỐ KHÁC NHAU VÀ NHỮNG QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ TIỀN BẠC
Người bố có học thức cao của tôi có niềm tin sâu sắc cho rằng sự đam mê tiền bạc là tội lỗi. Việc kiếm lợi quá mức chỉ biểu hiện sự tham lam. Người đã rất ngượng nghịu khi báo chí đăng tải mức lương của Người, chỉ bởi vì Người cảm thấy đã được trả lương quá mức trong khi những giáo viên khác đang làm việc cho Người đang lãnh một đồng lương ít ỏi. Bố tôi là một con người trung hậu, thực thà và cần mẫn, lúc nào cũng bảo vệ hết lòng cho quan điểm của mình tiền bạc không phải vấn đề quan trọng đối với cuộc đời mình.
Người bố có học thức cao nhưng nghèo của tôi luôn nói:
“Ta không quan tâm đến tiền bạc”
“Ta sẽ không bao giờ giàu”
“Ta không đủ sức mua vật ấy”
“Đầu tư là rủi ro”
“Tiền không phải là mọi thứ
TIỀN BẠC HỖ TRỢ CHO CUỘC SỐNG
Người bố giàu có của tôi lại có quan điểm khác hẳn. Người cho rằng thật là khờ dại khi phải bỏ cả cuộc đời làm việc vì tiền và giả vờ coi tiền là không quan trọng. Người bố giàu tin rằng cuộc sống quan trọng hơn tiền rất nhiều, nhưng tiền lại quan trọng trong việc hỗ trợ cuộc sống. Người thường nói, “Con chỉ có bấy nhiêu giờ trong một ngày, vậy mà con lại làm việc thật là cực nhọc. Vậy lý gì phải làm việc cực nhọc vì tiền? Hãy học cách điều khiển tiền bạc và nhân sự làm việc lại cho con, và khi ấy con có thể rảnh rỗi làm những chuyện quan trọng của đời con.
Đối với người bố giàu, những gì quan trọng sẽ là:
1. Có nhiều thời gian để nuôi con mình.
2. Có tiền làm việc từ thiện và tài trợ những công trình cần
thiết.
3. Tạo ra công ăn việc làm và sự ổn định về tài chánh cho cộng
đồng.
4. Có thời gian và tiền bạc chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình.
5. Có thể du lịch vòng quanh thế giới cùng với người thân. “Những chuyện đó phải cần tiền”, người bố giàu bảo. “Đó chính là lý do tại sao tiền bạc trở nên quan trọng đối với ta. Tiền bạc quan trọng nhưng ta không muốn bỏ cả đời mình làm việc cho nó”.
CHỌN LOA VỊ TRÍ
Một nguyên nhân tại sao hai vợ chồng tôi luôn tập trung vào những nhóm C và D giữa lúc chúng tôi không có nhà để ở, là bởi vì chúng tôi đã được tiếp thu kinh nghiệm và được dạy dỗ rất nhiều về những nhóm người ấy. Chính nhờ sự hướng dẫn của người bố giàu đã giúp tôi hiểu rõ các ưu thế về tài chánh và chuyên nghiệp khác nhau giữa mỗi nhóm. Đối với tôi, những nhóm nằm bên phải tứ đồ, tức là nhóm C hay D, mới đem lại những cơ hội tốt nhất cho sự thành đạt về tài chánh và sự tự do về tiền bạc.
Ở ngưỡng cửa 37 tuổi đời, tôi đã từng trải qua biết bao thành công và thất bại ở cả bốn nhóm, mà nhờ đó đã giúp tôi thấu rõ được phần nào về những tính cách cá nhân của bản thân mình, những sở thích, cái hay và cái dở. Và tôi đã biết được nhóm nào tôi sẽ thành công khi hành động trong đó.
CÁC BẬC CHA MẸ LÀ THẦY GIÁO
Ngay từ khi tôi còn nhỏ, người bố giàu đã thường xuyên đề cập đến Kim Tứ đồ. Người đã giải thích với tôi về sự khác nhau giữa một người thành đạt ở phía bên trái và bên phải của tứ đồ. Thế nhưng lúc đó vì quá nhỏ, tôi chưa lĩnh hội hết những gì Người nói. Tôi không hiểu được sự khác nhau trong cách suy nghĩ, lập luận giữa một người làm công và một người làm chủ. Đơn giản, tôi chỉ lo làm sao có thể tồn tại được trong trường và lên lớp.
Thế nhưng, tôi đã nghe những gì Người nói và những điều đó chẳng bao lâu trở nên có ý nghĩa đối với tôi. Có hai người năng động và thành công ở quanh tôi đã giúp cho tôi có thể đối chiếu và hiểu đ những lời nói của mỗi người. Chính những gì hai người bố đang làm và hành động đã minh họa rõ nét nhất sự khác nhau giữa phía L-T và phía C-D của tứ đồ. Lúc đầu, những sự khác nhau đó mờ nhạt nhưng dần chúng càng trở nên rõ nét.
Chẳng hạn một kinh nghiệm đau khổ nhất đối với tôi khi còn nhỏ là khoảng thời gian mà người bố này đã chơi với tôi so với người bố kia. Khi cả hai người bố mỗi lúc một thành công và nổi tiếng, tôi nhận thấy rõ một trong hai người càng có ít thời gian bên cạnh vợ và bốn đứa con nhỏ của mình. Người bố ruột của tôi lúc nào cũng ở ngoài đường, bận rộn với các buổi họp liên miên, hoặc vội vã chạy ra phi trường bắt kịp chuyến bay đến những buổi họp khác. Người càng thành công chừng nào thì lại càng ít ăn cơm tối với gia đình chừng ấy. Vào những ngày nghỉ cuối tuần ở nhà, Người lại vùi đầu vào hàng đống giấy tờ công việc trong căn phòng nhỏ bé của Người.
Trong khi đó, người bố giàu càng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn khi Người càng thành công hơn. Một trong những lý do khiến tôi đã được học thật nhiều về tiền bạc, tài chánh, chuyện kinh doanh và sự đời chỉ vì người bố giàu mỗi lúc có nhiều thời gian hơn nói chuyện với con của Người và với tôi.
Một kinh nghiệm khác là cả hai người bố khi càng thành công càng kiếm ra được nhiều tiền, thế nhưng người bố ruột học thức của tôi lại càng lún sâu vào nợ. Và vì thế, Người càng làm việc cật lực hơn để rồi nhận ra mình càng bị đánh thuế thu nhập nhiều hơn. Chủ ngân hàng và kế toán của Ngưởi khuyên Người đi mua một căn nhà to hơn để giảm thuế[1]. Và thế là Người nghe theo, mua một căn nhà to hơn, nhưng cũng vì thế Người càng phải ra sức làm việc để có đủ tiền trả căn nhà mới, và những điều đó càng làm cho Người mỗi lúc một xa với tổ ấm của mình
Người bố giàu lại khác hẳn. Người làm ra thật nhiều tiền, nhưng lại trả ít thuế hơn. Người cũng có chủ ngân hàng và kế toán viên riêng của mình, nhưng Người không nghe theo lời tư vấn như người bố ruột học thức của tôi.
NGUYÊN NHÂN CHÍNH
Thế nhưng, động cơ chính thúc đẩy tôi vượt rào từ phía bến trái sang bên phải của tứ đồ lại là những gì đã ụp xuống cuộc đời người bố nghèo có học thức cao của tôi, giữa lúc Người đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp.
Vào đầu những năm 70, tôi đã tốt nghiệp xong đại học và gia nhập một khóa đào tạo phi công lái máy bay ở Pensacola thuộc tiểu bang Florida để chuẩn bị tham chiến ở Việt Nam. Người bố học thức của tôi lúc ấy đang nhiệm chức Tổng Thanh tra ngành giáo dục của tiểu bang Hawaii và là một thành viên trong Ban Tư vấn cho Thống đốc Tiểu bang. Sau cuộc bầu cử Thống đốc tiểu bang, vị thống đốc được tái nhiệm – tức giận vì bố tôi đã tham gia vận động tranh cử cho đối thủ của mình – đã âm thầm chỉ thị không cho phép bố tôi được làm lại trong chính phủ ở tiểu bang Hawaii. Và người đã không bao giờ kiếm được việc làm như cũ. Ở tuổi 54, bố tôi phải chạy đi xin việc làm, còn tôi thì trên đường tòng quân đến Việt Nam.
Ở lứa tuổi ngũ tuần ấy, bố tôi đành đi kiếm một việc làm mới. Người làm hết từ chỗ này đến chỗ khác với chức danh nghe thật kêu nhưng lương thấp. Đại loại như chức quản lý điều hành cho một cơ quan phi lợi nhuận XYZ, hoặc giám đốc một tổ cức ABC cũng phi lợi nhuận.
Bố tôi là một người đàn ông cao ráo, thông minh và năng động, nhưng người không bao giờ còn được chào đón trong thế giới mà Người đã làm việc hơn nửa cuộc đời, thế giới của những công chức chính phủ. Người xoay ra làm ăn, bắt đầu với một vài chuyện kinh doanh nhỏ. Có một dạo Người làm tư vấn, và còn mua một thương quyền kinh doanh nổi tiếng, nhưng tất cả đều thất bại. Khi Người càng lớn tuổi, bầu nhiệt huyết trong Người càng giảm, và sự dũng cảm dám bắt đầu lại từ đầu cũng suy yếu dần. Ý chí của Người càng giảm bớt đi sau mỗi vụ kinh doanh thất bại. Người đã từng là một người làm công thành đạt trong nhóm I, nay có tồn tại trong nhóm T mà Người không hề có kinh nghiệm và sự đam mê của chính mình. Người yêu thích giáo dục công cộng vô cùng, nhưng chẳng có cách nào quay trở lại với thế giới ấy. Chính quyền tiểu bang đã ngầm chỉ đạo cấm ngành giáo dục được phép tuyển dụng Người, mà trên một khía cạnh nào đó ta có thể coi Người đã bị liệt vào “sổ bìa đen”.
Nếu không có bảo hiểm xã hội và y tế, có lẽ những năm tháng cuối đời Người đã bị nghèo túng khốn khổ. Người qua đời với tâm trạng cực kỳ nản chí và phẫn nộ, nhưng lương tâm của Người hoàn toàn an ổn và trong sạch.
Như vậy điều gì đã khiến tôi cam tâm chịu đựng những năm tháng đen tối ấy vào năm 1985? Đó chính là ký ức khủng khiếp dày vò về một người bố có học thức phải ngồi ở nhà chờ từng tiếng điện thoại reo, và cố thành công trong thế giới kinh doanh mà thế giới đó Người chẳng biết một tí gì.
Chính điều đó, và chính ký ức êm đềm khi chứng kiến người bố giàu mỗi lúc một hạnh phúc và thành công khi Người càng lớn tuổi đã đem lại cho tôi một khao khát đầy cảm hứng. Thay vì lụn bại ở tuổi 54, người bố giàu đã ngoài sức tưởng tượng. Từ nhiều năm Người đã giàu rồi, nhưng đến lúc đó Người lại càng giàu hơn gấp trăm ngàn lần. Người thường xuyên xuất hiện trên mặt báo như một doanh nhân đã mua đứt vùng Waikiki và Maui. Những năm tháng miệt mài xây dựng kinh doanh và đầu tư có phương pháp đã gặt hái cho Người những mùa bội thu, và làm cho Người trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất ở quần đảo Hawaii.
SỰ KHÁC NHAU NHỎ BÉ
CÓ THỂ DẪN ĐẾN SỰ KHÁC NHAU TO LỚN
Vì người bố giàu đã giải thích cặn kẽ Kim Tứ đồ cho tôi, nên tôi có thể thấy rõ những sự khác nhau nhỏ bé mỗi lúc một lớn theo thời gian làm việc của con người. Nhờ có Tứ đồ, tôi có thể tập trung vào việc chọn lựa nhóm người mà tôi muốn gia nhập, hơn là chọn lựa những gì tôi muốn làm. Trong những năm tháng thê thảm nhất của đời mình, chính sự hiểu biết sâu sắc và những kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời của hai người bố có tác động mạnh mẽ, đã giúp tôi chịu đựng và vượt qua.
NHƯNG CÂU CHUYỆN KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở KIM TỨ ĐỒ
Kim Tứ đồ chẳng qua chỉ là những nét gạch và một vài ký tự trong đó.
Nếu bạn quan sát bên dưới bề mặt của hình vẽ đơn giản ấy bạn sẽ nhìn thấy được những thế giới hoàn toàn
khác nhau cũng như những phương diện khác nhau nhìn về thế giới. Khi một người nhìn xã hội bằng cặp mắt của cả nhóm bên trái lẫn bên phải tứ đồ, tôi có thể thú thật là thế giới sẽ rất khác nhau tùy theo vị trí người ấy đang đứng và tồn tại trong xã hội. Và những sự khác nhau ấy chính là đề tài chủ yếu của quyển sách.
Sau khi đọc xong quyển sách này, sẽ có bạn muốn thay đổi ngay cách kiếm tiền của mình, nhưng cũng có bạn hoàn toàn hạnh phúc tiếp tục thế đứng của mình trong xã hội. Bạn có thể chọn hành động cùng lúc trong nhiều nhóm, thậm chí ở cả bốn nhóm. Tất cả chúng ta đều rất khác nhau, và một nhóm này không chắc quan trọng hay tốt hơn nhóm khác. Trên mỗi ngôi làng, thị tứ, thành phố hay mỗi quốc gia trên thế giới, vẫn rất cần có mọi người hoạt động ở bốn nhóm nhằm đảm bảo sự ổn định về tài chánh trong cộng đồng.
Hơn thế nữa, khi chúng ta già đi và tích lũy nhiều kinh nghiệm khác nhau, sở thích của chúng ta sẽ thay đổi. Chẳng hạn, tôi nhận thấy nhiều thanh niên thiếu nữ sau khi ra trường thường hài lòng khi kiếm được một việc làm. Thế nhưng sau một vài năm, nhiều người trong số ấy sẽ không còn hứng thú leo từng bậc thang chức vị trong công sở, hoặc hết đam mê với lĩnh vực kinh doanh mà mình đang hoạt động. Những thay đổi về tuổi tác và kinh nghiệm thường khiến một người đi tìm những cái đích mới để phát triển, đuợc thách thức, kiếm nhiều tiền hơn và nhiều hạnh phúc cá nhân hơn. Tôi hy vọng với quyển sách này sẽ có thể đem lại cho bạn một vài đột phá trong tư duy và ý tưởng để đạt được những mục tiêu đó.
Nói tóm lại, quyển sách này không viết về chuyện vô gia cư, mà là chuyện tìm kiếm một ngôi nhà trú ẩn, một nnhóm hay cả bốn nhóm người của xã hội.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.