ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH
PHỤ LỤC ÔNG VUA ANH DŨNG CUỐI CÙNG CỦA THỜI ĐẠI ANGKOR: VUA JAYAVARMAN VII
Lạ thay! Chính người Miên cũng quên lịch sử của một triều đại rực rỡ nhất của họ, triều đại vua Jayavarman VII và trường Viễn đông bác cổ phải mất 40 năm sưu tầm, khảo cứu các di tích ở đền Ta Prohm, Park Khan, Bantéai Chmai, Phiméanakas, cả Lào (gần Vieng Chan) ở Mi Sơn (Trung Việt) rồi mới lần lần về chép lại được đời của vị vua anh dũng nhất đó của Miên, vị vua đã mở mang đất Miên tới Lào, Chiêm Thành, có lẽ tới cả Miến Điện nữa, làm cho đế quốc Miên chưa bao giờ rộng như hồi đó. (*)
Tên của ông có nghĩa là được thần chiến thắng che chở. Ông là dòng dõi của vua Suejavarman II, người đã cho xây cất Angkor Vat.
Ông sinh vào khoảng 1120-1125, cưới nàng công chúa Jayarajadevi; sau một thời gian, ông để vợ ở nhà, cầm đầu một đạo quân xâm chiếm Chiêm Thành ở Vijaya (Bình Định ngày nay). Bà vợ ở nhà nhớ ông, khóc lóc, theo đạo Phật, suốt ngày cầu nguyện cho ông.
Trong khi ông ở Chiêm Thành thì vua cha băng, Yacovarman lên nối ngôi, triều thần nổi loạn, tranh giành ngôi báo. Ông hay tin vội trở về nước, thì đã quá trễ, kẻ phản nghịch đã lên ngôi. Ông phải nhẫn nhục chờ đợi thời cơ.
Năm 1177 vua Chiêm Thành là Jaya Indravaiman đem chiến thuyền ngược sông Cữu Long, lên tới Biển Hồ, đánh úp Angkor, vua Miên thua, bỏ chạy, Jayavarman lúc đó mới lên ngôi ra tay cứu nước, đuổi người Chiêm ra khỏi cõi sau một trận thuỷ chiến mà hiện nay tường đền Bayon và đền Bantéai Chmai còn ghi lại cảnh tượng.
Bốn năm sau, ông bình định được toàn cõi, xây dựng lại kinh đô. Một tấm bia ở tường thành Angkor Thom ghi lại rằng: “Kinh đô Yaco dharapura (1) như một thiếu nữ quý phái, vừa đôi phải lứa với ý trung nhân, lòng dục phơi phới, nữ trang là một cung điện đầy ngọc thạch, y phục là những thành luỹ, làm lễ thành hôn với nhà vua để tạo hạnh phúc cho trăm họ…”
Lên ngôi rồi ông luyện tập binh mã chờ dịp phục thù Chiêm Thành. Năm 1190, ông sai sứ sang Việt Nam, lấy lòng vua Lý Cao Tôn để vua Lý trung lập, rồi ông xua quân qua Chiêm Thành, có một hoàng thân Chiêm là Vidyanandana giúp sức. Hoàng thân này qua ở Miên từ nhỏ, ông thấy thông minh, tỏ lòng yêu mến và dạy cho cách cầm quân.
Jayavarman VII chiếm được kinh đô Vijaya (Bình Định), cầm tù vua Chiêm, chia Chiêm làm hai miền, một miền giao cho một người em vợ ông cai trị, một miền nữa (ở Phan Rang ngày nay) giao cho Vidyanandana.
Sự đô hộ đó không được lâu. Người Chiêm nỗi lên giết em vợ ông mà Vidyanandana thống nhất được tổ quốc, không phục tùng ông nữa. Tới năm 1203, Vidyanandana bị người chú hay bác giết, Chiêm Thành mới lại thành thuộc địa của Miên 17 năm nữa.
Đồng thời Jayavarman VII cũng xâm chiếm Lào tới Vieng Chan, theo sử Trung Hoa ông tiến tới cả Miến Điện và bán đảo Mã Lai.
Thời đó là thời cường thịnh nhất của Miên, được các lân bang (như Việt Nam, Java) trọng.
Hoàng hậu mất, ông cưới người chị ruột của bà. Bà này học giỏi, văn hay, thảo nhiều bài bi ký lời rất trong trẻo.
Năm 1201 ông còn ở ngôi, không rõ mất năm nào (có lẽ là năm 1219). Có người ngờ rằng về già ông bị bệnh hủi và ông vua hủi tức là ông. Điều đó chưa có gì chắc chắn.
Ông rất sùng mộ đạo Phật, phái đại thừa, cho xây cất rất nhiều đền: Angkor Thom với 12 cây số thành luỹ, và đền Bayon (tượng Phật đền này có lẽ là tượng ông, ông tự coi như một vị Phật giáng sanh); rồi tới các từng phiến đá một, những đám người đông như kiến cỏ đó (…) bị bắt làm xâu để dựng lên những cung điện mà họ không được đặt chân vào (…). Toàn dân đều phải xây cất cho nhà vua! Năm 1191, mới lên ngôi được mười năm, chương trình chưa thực hiện hết, mà theo lời chép trên bia ở Prak Khan, đã có tới 20.000 tượng thần bằng vàng, bạc, đồng đen, đá ở rãi rác các tỉnh. Công việc thờ phụng dùng tới 306.372 người lao động ở trong 13.500 làng, mỗi năm ăn hết 38 tấn gạo. Rồi bao nhiêu của cải gom lại trong các đền: hàng ngàn ký vàng bạc; hàng chục ngàn viên ngọc…”
Về già ông hấp tấp thực hiện cho xong chương trình, nên ta thấy nhiều ngôi đền xây cất cẩu thả, đá cứ chồng phứa lên nhau, không cần xen kẻ cho vững, thiếu sa thạch thì thay bằng đá ong, chạm trổ vội vàng cho thành hình chứ không cần đẹp.
Vì vậy mà khi ông mất đi, người Xiêm qua đánh, dân chúng mệt mõi, chán nản, không muốn giao chiến nữa, mặc dầu bị triều đình bắt buộc cầm khí giới; và người Xiêm thắng một cách dễ dàng. Họ đem giáo lý tiểu thừa ra truyền bá thì người Miên hấp thụ ngay, vì giáo lý đó không bắt họ thờ nhiều thần, họ tránh được cái nạn đục tượng và đúc tượng, và dạy họ tìm sự yên ổn trong xã hội, sự bình tĩnh của tâm hồn, những điều mà họ khát khao trong suốt đời vua Jayavarman VII. Có lẽ chính giáo lý tiểu thừa đó làm cho họ dễ suy, hết tinh thần chiến đấu, nên trải sáu thế kỷ sau, không lúc nào họ thịnh lại được như trong thời đại Angkor.
Không hiểu ngày nay họ cho Đế Thiên Đế Thích là một vinh dự hay một chương sử bi thảm của họ.
———-
(1) Tức Angkor Thom
(*) Xem bản đồ Đế quốc Khmer cuối thế kỷ XII (theo Wikipedia)
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.