ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH

TRÍCH HỒI KÍ NGUYỄN HIẾN LÊ



Để hiểu thêm về cuốn Đế Thích Đế Thích, Goldfish tôi mời các bạn đọc thêm mục Viết du kí trong chương XIII – Tôi tập viết. Xin trích:

“Làm việc ở Sở Thuỷ lợi, tôi có dịp đi kinh lí nhiều nơi, được biết thác Khôn (Lào), Đồng Tháp Mười, Long Hải, thác Trị An và Đế Thiên Đế Thích (năm 1943). Thấy cảnh nào đẹp tôi đều chép Nhật kí hoặc Du kí.

…Nhưng thích nhất là cuộc du lịch Đế Thiên Đế Thích. Năm 1943 viên kỉ sư thấy tôi làm việc đắc lực, tạo cơ hội cho tôi đi kinh lí ở ngay trong vùng có những cổ tích hoang tàn của Cao Miên đó mà có người gọi là “kì quan thứ tám của thế giới”.
Tôi mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang. Ở Nam Vang một ngày coi chùa Vàng, chùa Bạc, làm vài việc cỏn con cho sở rồi năm giờ chiều lên xe đi Siemreap, khoảng hai giờ khuya tới Siemreap. Hồi đó vào hạ tuần tháng giêng dương lịch 1943, mùa tốt nhất để đi coi cảnh Đế Thiên vì trời rất trong, không mưa mà hơi có gió bấc, không khí không nóng lắm, đêm hơi lạnh.

Ở Siemreap tôi ghé nhà anh Hách – anh đã đổi lên trên đó để xây một cái đập cho công cuộc thuỷ nông – và anh với hai anh bạn công chánh nữa đưa tôi đi thăm các di tích hoang tàn.
Trong hai ngày chúng tôi đi coi thành phố Siemreap và một khu rừng chu vi trên ba chục cây số chổ nào cũng có phế tích. Không thể coi hết được, chúng tôi chỉ thăm độ 15 ngôi đền lớn, nhỏ, kiến trúc đẹp nhất và ba cái hồ, mà lại coi vội vì không có đủ thì giờ.

Trong suốt cuộc du lịch đó, lòng tôi lúc nào cũng phơi phới, nhẹ nhàng, như nghe một bản nhạc êm đềm. Cảnh thật thanh tỉnh, nên thơ, gợi biết bao nỗi hoài cảm. Tôi thích cảnh Stung (sông) Siemreap dưới trăng với những chiếc cầu khom khom có tay vịn, như cầu Thê Húc ở cầu Hoàn Kiếm nhưng dài hơn. Trăng vằng vặc chiếu qua cành lá thưa, lấp lánh trên một dòng nước con con – mùa này nước Stung cạn – thỉnh thoảng có mùi hương dịu và tí tách có tiếng nước nhỏ giọt từ các guồng nước – thứ guồng dùng ở Quảng Nam – cứ đều đều, chầm chậm quay, như gạn từng giọt nước pha lê vào những máng nước dài đưa vào vườn hoa của các biệt thự trên bờ.

Tôi mê cảnh đền Bayon mà Doudart de Lagrée bảo là “thần tiên, lạ lùng”, với 50 chục ngọn tháp, 43 đầu Phật, mỗi đầu có bốn mặt, mặt nào cũng có nụ cười hiền từ, khoan hoà, bí mật.

Đền Angkor Vat dưới ánh tà dương làm cho tôi xúc động mạnh. Khi qua cái hào rộng trên 200 thước mà lục bình như muốn giữ mây chiều lại, vừa bước tới cửa Tây thì đền hiện lên đè nặng lên tâm hồn tôi. Tôi thấy ngộp gắp mấy lần khi thăm đền Hùng ở Phú Thọ. Ở đây kiến trúc Cao Miên đã đạt tới tuyệt đỉnh: hàng triệu phiến đá chỉ hợp thành một khối cân đối, hài hoà để diễn đạt một ý tưởng vừa hùng vừa diễm.

Nhưng hợp với tâm hồn tôi nhất là đền Ta Phrom. Kiến trúc khác hẳn các đền kia, không cao, không đồ sộ mà trải rộng ra trong một khu rừng, và ở sâu trong rừng, có một lối lát đá đi dài khoảng 500 thước đưa vào. Chỉ riêng đền này còn vẻ hoang vu. Trường Viễn Đông Bác cổ đã có sáng kiến lựa nơi đây mà bảo tồn cảnh thiên nhiên để ta được hưởng chút cảm giác rùng rợn của các nhà thám hiểm thời trước.

“Ở đây mới thực là cảnh hoang tàn. Ở đây ta mới thấy sự chiến đấu giữa cây và đá, giữa loài người và hoá công. Có những rễ cây lớn mấy tấc, dài hàng chục thước, uốn khúc ôm lấy bệ của toà đền và nổi gân lên như muốn vặn cho nó đổ mới chịu được. Có cây lại ngạo nghễ ngồi xếp bằng trên một toà khác, ung dung thả hàng trăm rễ xuống, như hàng trăm tay của loài bạch tuộc, ghì chặt lấy mồi của mình, không cho nó cựa rồi hút dần tinh tuý của nó, cho thịt rã, xương nó tan, mà hiện nay ngôi đền cũng gần tan gần rã. Có cây độc ác hơn, đâm một rễ lớn từ trên đỉnh xuống như cấm một lưỡi gươm vào đầu quân thù”
Mấy chục năm nay tôi ước ao chiến tranh trên bán đảo chữ S này chấm dứt, sẽ đi thăm lại Đế Thiên Đế Thích, cũng như tất cả cảnh đẹp ở Việt Nam, nhưng bây giờ thì không còn hy vọng gì nữa.

Về Sài Gòn, tôi chép lại ngay cảm tưởng khi du lịch, sợ để lâu quên mất, và trong khi viết tôi được sống lại những lúc vui đã qua, như được du lịch lần thứ hai. Khoảng giữa tháng hai năm 1943, tôi hoàn thành tập du kí Đế Thiên Đế Thích. Tập nầy viết cũng rất kỉ.

….Viết xong tập nào tôi cũng đưa bác
Ba tôi đọc. Bác tôi rất khen tập Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích và trong tập đó tôi đưa ra một chính sách giáo dục cho nhà nước, khen tôi có tài viết văn và văn của tôi hơi chịu ảnh hưởng của cổ văn Trung Quốc.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.