Khi trở lại phố G tôi nhận ngay ra gã thanh niên nháy mắt với tôi sau khi tỉnh dậy bởi cú đấm trời giáng của gã bán thuốc rong. Gã còn trẻ, đầu tóc nghiêm chỉnh, trông khá điển trai và đứng đắn.
– Ông bạn đây rồi – Gã reo lên và chạy lại phía tôi một cách suồng sã.
– Chào anh bạn – Tôi đáp lễ – anh bạn có vẻ như chờ ai ở đây.
– Ðại loại thế – gã nháy mắt, tay dùng chiếc thước nhỏ đập đập vào giầy. Còn ông?
– Ðại loại cũng thế – Tôi đáp ỡm ờ.
Gã cười váng.
Tôi cười váng.
– Hay nhỉ! – gã nói.
– Hay nhỉ! – tôi đáp.
Gã hỏi:
– Hình như ông định hỏi tôi cái gì?
Tôi cười thầm: “Ðừng tinh quái thế, anh bạn. Tôi biết cái bẫy của anh bạn rồi!”. Tôi đáp:
– Tôi định hỏi cái gì nhỉ? à, tôi định hỏi “có phải anh định hỏi tôi cái gì?”
Gã nghiêng tai:
– Há? Tôi a? Tôi định hỏi cái gì nhỉ?
Tôi cười:
– Có thế chứ!
Gã hỏi:
– Cái gì có thế chứ?
– Anh phải biết cái gì có thế chứ, chứ!
– Ông vui tính lắm.
– Tôi vui tính à? Ngộ nhỡ tôi đang buồn thì sao?
– Ồ, còn tôi thì đang buồn.
– Ðại loại thế!
– Ðại loại thế! Ông hỏi tôi câu gì đi.
– Anh bạn muốn tôi hỏi câu gì?
– Ông muốn tôi muốn ông hỏi câu gì?
Cả tôi và gã lại cùng cười ngất:
– Ðại loại thế! – Chúng tôi đồng thanh.
– Tôi nom ông quen lắm – Gã thăm dò.
– Vậy thì anh là người quen của tôi rồi.
– Có thế chứ!
– Có thế chứ!
– Hình như tôi chờ ông thì phải? – Gã đột ngột hỏi.
– Anh hỏi ai thế?
– À… tôi không lầm đâu.
– Tôi cũng không lầm đâu.
– Ông vẫn chưa hỏi tôi?
– Tôi vẫn chưa nghe anh hỏi.
– Tôi chờ ông đây.
– Tôi chờ ai đây?
– Ông chờ ai? – Gã hỏi như xoáy.
– Anh nghĩ tôi chờ ai?
Gã nháy mắt:
– Ðại loại thế! Ông hỏi tôi cái gì nhỉ?
– Tôi hỏi rồi à? Tôi hỏi anh cái gì nhỉ?
– Tôi đang chờ đây.
– Tôi đang chờ đây.
– Oẳn-tù-tì nhé – gã đề nghị.
– Thì oẳn-tù-tì.
– Nào, hai ba! Oẳn-tù-tì ra cái gì ra cái này.
Cả tôi và gã cùng giơ quả đấm. Gã nhìn xoáy vào tay tôi.
– Ông đang nắm cái gì trong tay?
– Còn anh?
– Lại vậy. Hai ba?
Lần này chúng tôi chĩa vào nhau mũi dùi.
– Ông thích đập bằng búa hay đâm bằng dùi?
– Anh thạo dùng búa hay dùng dùi?
– Lại nhé!
– Lại thì lại.
– Oẳn-tù-tì… ra cái gì, ra cái này.
Tôi xòe tay ra còn gã thu tay lại, mắt lại xoáy vào bàn tay tôi.
– Anh không xuất chiêu à?
– Tôi thua – Gã đáp một cách mãn nguyện.
– Nhưng mặt anh lại bảo anh thắng.
– Ông thấy mặt tôi thế nào?
– Nó cứ như không phải của anh.
– Mặt ông cũng thế. Nó luôn luôn không phải là của ông.
– Vậy nó là của ai?
– Tôi chưa nói hết: Nhưng nó lại thường xuyên là của ông.
– Luôn luôn khác với thường xuyên ở chỗ nào?
– Theo ông nó khác ở chỗ nào?
– Tôi hỏi anh cơ mà.
– Nhưng tôi mới là người hỏi – Nó khác nhau ở chỗ đó đấy. Rồi ông xem. Hôm nay tôi thua.
Gã bỏ đi như một kẻ không mong gì hơn ở cuộc sống này.(1)
o O o
Sẩm tối tôi vác bộ mặt không phải của mình đến chỗ nàng. Câu đầu tiên nàng hỏi tôi:
– Tối hôm kia anh đi đâu?
Tôi nhìn nàng như nhìn vào cõi mù mịt bởi vì đó chính là câu hỏi tôi muốn hỏi nàng nhưng sau bao nhiêu vòng vo vẫn không đủ can đảm. Giờ đây chính nàng lại hỏi tôi câu hỏi định mệnh đó. Tôi đáp một cách thăm dò:
– Tối hôm kia… em biết là anh đi đâu à?
– Nếu em biết thì em đã chả phải hỏi.
Tôi có cảm tưởng nàng đã lại nhanh chóng chuồi khỏi tầm tay tôi, rút vào cái vỏ kiên cố mà tôi luôn luôn chờn vờn bên ngoài. Tôi cố bám theo:
– Em biết mà! Tối hôm kia, em biết mà – Tôi nhìn nàng như cầu xin nàng đừng tiếp tục cuộc ẩn náu nữa – Anh biết là em biết tối hôm kia anh ở đâu mà.
– Anh làm em rối hết cả lên đây này. Anh biết em biết, là biết thế nào?
– Tối hôm kia – tôi nóng cả gan – tối hôm kia, tối hôm kia…
– Thôi đi anh. Nếu em hỏi tháng trước hoặc năm ngoái anh đi đâu thì anh cũng khăng khăng là em biết? Lạ thật. Em hỏi anh đâu để phải trả lời.
– Ðúng, em phải trả lời – tôi đáp lạnh lùng – em phải trả lời tối hôm kia anh ở đâu…
– Anh sống ra sao? – Nàng gạt câu chuyện sang hướng khác.
– Vẫn thế, trừ tối hôm kia.
Nàng buồn bã nhìn đi chỗ khác.
– Ðừng nhắc đến tối hôm kia nữa cho em nhờ. Em xin anh đấy.
– Nhưng… nếu em biết, cái ngôi nhà bí ẩn ấy, anh không muốn bị chôn sống bởi nó.
– Ngôi nhà nào?
– Em phải biết nó là ngôi nhà nào, em biết rõ nó mà.
– Anh biết gì về nó thì nói đi. Rút cuộc anh muốn gì ở em?
– Muốn em nói về nó.
– Về cái gì?
– Về ngôi nhà, về tối hôm kia, về hắn. Hắn là ai? – Tôi nhớ tới khoảng sâu hun hút phía sau cổng ngôi biệt thự.
– Hắn?
– Phải, chính hắn. Hắn có quyền gì mà chơi xỏ anh, chất thêm nỗi buồn lên cuộc đời anh.
– Anh đang nói về ai thế?
– Em biết anh đang nói về ai mà…
– Vậy thì là ai?
Tôi lại chỉ biết trả lời: “là hắn”. Bởi vì đó là toàn bộ những gì tôi biết về kẻ tình địch của tôi. Nàng nhìn tôi độ lượng và quả là tôi tin vào vẻ buồn bã của nàng hơn những phán đoán của tôi. Nhưng còn tòa biệt thự? Tôi phải biết phía trong nó có cái gì. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ đó. Vì thế hôm sau tôi quyết định trở lại nơi xảy ra sự kiện đêm hôm kia mặc dù tới giờ đã là hôm kìa. Khi tôi đinh ninh rằng mình đang đứng trước ngôi biệt thự tôi cần thì tôi thấy anh ta – tức gã thanh niên tôi gặp trên phố G – đã như đang nheo mắt chờ tôi. Gã nhìn tôi đi như ngắm trước chỗ để ra đòn chặt một nhát đứt ngang người tôi và thế là xong.
Gã dựa vào hàng lan can của bức tường, đưa một tay lên làm ống nhòm, chĩa về phía tôi. Chờ tôi đến thật gần, gã bỏ tay xuống và nói thản nhiên:
– Tôi đang chờ ông đây.
– Anh bạn chờ tôi? ở đây?
– Không chờ ông thì tôi còn biết làm gì nữa chứ. Chúng ta có duyên gặp nhau thật đấy.
Tôi định nói với gã tôi đến đây vì một việc không liên quan gì tới gã cả. Nhưng gã đã nói tiếp:
– Ông có cặp mắt của con cáo, cặp giò của con hươu, tôi rất thích những người như vậy. Họ làm cho mình luôn luôn phải mệt lử theo họ.
– Anh bạn cũng thế. Tôi có cảm giác anh bạn nhìn qua được đêm tối – Tôi muốn ví mắt gã như mắt cú vọ.
– Thật à? – Gã hỏi hồn nhiên – ông thấy ở tôi khả năng cú vọ ấy à?
Gã cười ầm lên.
– Ðại loại thế!
– Hay lắm. Ông có việc gì ở đây?
– Anh bạn làm gì ở đây? – Tôi đánh trống lảng.
– Ông nghĩ tôi làm gì ở đây? – Gã hỏi lại.
– Tôi đoán thế thôi…
– Ông đoán thôi à?
– Có đúng tôi đã đoán không nhỉ?
– Tôi cam đoan ông có đoán.
– Tôi đoán gì nhỉ?
– Ông đoán cái điều ông muốn biết.
– à, đại loại thế!
– Thôi, cho qua chuyện đoán. Ông làm gì thì làm đi.
– Anh bạn muốn tôi làm gì?
– Ông muốn làm gì?
– Tôi muốn làm gì ư? Làm gì nhỉ?
– Làm cái việc mà vì thế ông đến đây.
– Tôi đến đây vì tôi biết anh bạn ở đây.
– Vì sao ông biết tôi ở đây?
– Tôi biết anh ở đây vì tôi đến đây.
– Ông biết tôi là ai à? – Mắt gã chợt lóe sáng.
Tôi cảm thấy có một luồng điện phóng ra từ cặp mắt gã, chạy dọc cột sống tôi. Gã nhắc lại:
– Ông biết tôi là ai à?
– Anh bạn là ai?
– Ông nghĩ rằng tôi là ai?
– Anh bạn nghĩ tôi nghĩ anh là ai?
– Chả lẽ tôi biết tôi là ai?
– Tôi nghĩ anh bạn biết anh bạn là ai.
– Ông nghĩ thế thật à?
– Tôi nghĩ hình như tôi chẳng nghĩ gì cả.
– Thời tiết đẹp quá!
– Nắng nhạt trong khi lại không nóng – Tôi phụ họa.
– Thời tiết miễn chê! – Gã nhấn mạnh điều mình nhận xét – ông nói đúng. Nắng nhạt trong khi lại không nóng.
– Không nóng nhưng vẫn có nắng.
– Vấn đề bắt đầu hay rồi đây.
– Tôi cho rằng anh nói đúng.
– Tôi nói gì nhỉ?
– Vấn đề bắt đầu…
– À, phải. Ông từng đến đây à? – Mắt gã lại ánh lên.
– Tôi đang ở đây – Tôi đáp.
– Ông đang ở đây. Tôi biết – Gã khẳng định.
– Chúng ta đang ở đây.
– Chúng ta? Ô, ông tinh thật đấy. Vậy mà tôi không nhận ra điều đó.
Lúc đó cánh cổng mở ra. Gã bảo tôi:
– Họ mở cho ông đấy.
– Họ mở cho anh bạn thì sao?
– Tôi biết họ mở cho ông mà…
– Anh bạn biết họ mở cho tôi?
– Bởi vì tôi vẫn thường đi từ trong ấy ra – Gã khiến tôi sởn tóc gáy – Tôi vừa ở trong ấy ra.
– Anh vừa ở trong ấy ra?
– Tôi nghĩ điều đó có cơ sở.
– Có gì ở trong ấy? – Tôi nhớ đến mục đích chính của việc tôi đến đây.
– Ông có vẻ xúc động lắm. – Gã nhận xét. Ông rất muốn biết có gì ở trong ấy, tôi biết.
– Anh bạn biết gì?
– Tôi biết cái điều ông muốn biết: Có gì ở trong ấy…
– Ðúng, tôi hỏi anh bạn điều ấy.
– Ông sắp vào và ông sắp biết. Còn tôi thì không.
– Nhưng ông vẫn thường ở trong ấy ra?
– Kẻ đi ra làm sao biết những cái chỉ nhìn thấy khi đi vào?
– Vậy đây là đâu? – Tôi trấn tĩnh hỏi.
– Ông lại quá xúc động. Ông muốn biết lắm phải không?
– Tôi hoàn toàn thật lòng.
– Tôi biết chứ. Vì thế mà tôi trả lời ông đây, cũng hoàn toàn thật lòng: Là nơi mà ông nóng lòng muốn biết có cái gì trong ấy. Ðại loại thế!
– Nhưng bây giờ thì tôi không muốn biết nữa…
– ồ không, ông vào đi!
– Cảm ơn anh!
– Ông vào đi, vào đi.
– Tôi sẽ vào khi thấy cần.
– Ông vào đi, vào đi, vào đi.
Gã chìa tay ra:
– Chúc ông may mắn!
– Anh bạn đi đâu? – Tôi luống cuống hỏi.
– Tôi về chỗ của tôi.
– Anh bạn đừng đi – tôi van vỉ gã.
– Tôi phải về chỗ của tôi.
– Tôi xin anh bạn nán lại với tôi thêm một lát nữa.
– Chán ông bỏ mẹ! Gã nổi cáu – Chúng ta sẽ còn gặp nhau, rồi ông xem.
Lần này gã cương quyết bỏ đi. Còn lại một mình, tôi thầm nghĩ: Thà cứ vờn nhau với một con thú dữ còn hơn chỉ có một mình với chiếc cổng kia. Tôi tò mò nhìn ngắm nó từng li từng tí, để tin chắc đêm đó nàng biến ở đúng cái chỗ gã đàn ông, nai nịt gọn gàng, đứng im như pho tượng. Thấy tôi cứ loanh quanh ngó nghiêng, gã chỉ khẽ đu đưa cặp mắt. Nàng biến mất ở đúng chỗ đó – Tôi thầm nghĩ để kích thích tính can đảm, để tôi nhớ ra mục đích của việc đến đây. Vừa như canh chừng một con thú có thể xồ ra, tôi vừa quyết tâm tiến lên. Tôi hỏi:
– Này bác… canh cổng, đây là đâu?
Gã đảo mắt:
– Ông hỏi làm gì?
– Tôi muốn biết có cái gì ở trong ấy.
– Ông muốn biết để làm gì?
– Ðể… để… – tôi thấy mồ hôi rỉ ra cổ, nách và bẹn, buồn buồn, xon xót – để biết đây là đâu.
Gã mặt người bất ngờ cười. Nom gã cười còn hãi hùng hơn lúc gã cáu. Gã cười rung cả bụng.
– Là nơi mà ông vào thì đừng hòng ra còn đã ra thì đừng hòng vào.
Gã lại cười một cách khoái trá, tự thưởng cho câu nói hài hước của mình. Chờ lúc gã cúi xuống ho, tôi lén quay gót và phải khi tôi dừng lại thở, tôi mới biết là mình vừa chạy bán sống bán chết. Tôi đưa khăn lau mặt và tưởng mình vừa nằm mơ: Lại vẫn như hôm nào, trước mặt tôi là một dãy biệt thự giống nhau và cái nào cũng có thể là nơi nàng từng bị nó nuốt chửng trong cái đêm định mệnh ấy.
Giống như mọi khi, tôi chỉ còn cách đi về nhà.
——————————————————
(1) Bạn đọc có thể hình dung đến một cuộc rượt đuổi trong đấu trường hình tròn. Kẻ bị rượt đuổi càng tỏ ra khôn ngoan lại càng khờ khạo, càng muốn chạy trốn càng cứ phải bám lấy kẻ rượt đuổi mình (chú thích của người biên tập)