Tôi ra khỏi nhà lúc 8 giờ 5 phút tối. Tôi đã nhìn đồng hồ tới hai lần để thấy rõ kim phút chỉ vào con số một. Tôi muốn mình được làm chứng về điều đó, rằng tôi đã ra khỏi nhà lúc 8 giờ 5 phút. Tôi không hiểu vì lẽ gì điều đó lại cần thiết với tôi, cũng như không hiểu tại sao mình cần một sự chính xác số học đến như vậy? Nàng nói là nếu muốn gặp nàng, trước 9 giờ tôi phải có mặt dưới chân Cổng Vòm. Từ nhà, tôi đi bình thường đến đó cũng chỉ mất nửa giờ. Như vậy mình hoàn toàn có thể yên tâm là mình đã tính thời gian dôi ra gần gấp đôi.
Vào giờ ấy đường phố ken dày các loại xe cộ. Những ngọn đèn đủ mầu như chảy ra thứ ánh sáng nhão nhoét, dính nhớp nháp. Vào giờ ấy những bản năng ban ngày vờ vĩnh nhắm mắt nhẩy xổ ra như con mèo trong câu chuyện ngụ ngôn đội lốt cô gái mỹ miều, vụt thò hết móng vuốt khi thấy con mồi. Bất cứ xó xỉnh nào cũng thấy ẩn hiện những chủ nhân của bóng tối. “Thật là một sự nhạo báng dễ chịu” – Tôi thầm nghĩ. Và rồi những ý nghĩ cứ nối tiếp nhau xuất hiện trong đầu tôi. Ðột nhiên tôi nhớ tới một kỷ niệm từ thời thơ bé. Nỗi dày vò sau khi cô gái dở điên dở dại bỏ đi từ trong sâu thẳm ký ức tôi nhoi lên như một con sâu. Hắn và bóng đêm tiền định với nỗi u ám của màu thời gian. Những lời hô hào giả dối của tên độc tài trước đám đông không còn cá tính. Nàng Mona Liza trên bức tường nhiễm vi trùng giang mai… Những ý nghĩ, những ý nghĩ xảo quyệt, tìm đủ mọi cách để cắt nhỏ tôi ra. Tôi cảm nhận nó như một căn bệnh của thế kỷ: Bệnh nhiễu tâm do bị ức chế bởi quá nhiều nỗi sợ và dục vọng. Khi tôi tự ra lệnh cho mình không nghĩ gì cả, thì ngay cái mệnh lệnh đó lại trở thành một ý nghĩ chết tiệt và lập tức kéo theo lúc nhúc những ý nghĩ khác. Cuối cùng bất lực, tôi đành phải nói to lên cho chính mình nghe: Cần phải đến Cổng Vòm trước 9 giờ! Như một trò chơi xảo quyệt, đúng lúc đó tôi chợt nhớ ra là mình chưa rút phích ấm điện. Nước sẽ cạn cho đến khi ruột ấm đỏ hồng lên và kết thúc bằng một tiếng nổ. Căn phòng có thể bốc cháy cùng với những bí mật của quá khứ mà tôi vẫn chưa dám động đến. Hàng trăm người sẽ hô hoán nhau chạy đến để thấy kẻ không phải là mình gặp nạn. Những ý nghĩ đó làm đầu tôi muốn vỡ ra. Nhưng quay về sẽ muộn mất. Tôi liếc nhanh vào đồng hồ để tự bào chữa cho hành động quay về của mình.
Tôi mở cửa phòng và lao thốc vào. Có mùi khét nhưng không có chiếc ấm điện nào hết. Nó đã hỏng từ hôm qua do tôi cắm phích mà quên chưa đổ nước, hiện đang ở chỗ thợ sửa chữa. Ngay lúc ấy tôi nhìn thấy một con chuột đang ung dung vuốt râu. “Thủ phạm đây rồi” – Tôi nhớ tới tập bản thảo bị cắn nát và hét lên. Tôi vơ chiếc chổi phất trần lao vào nó. Tay tôi vồ xuống đất, vẹo khớp đau điếng trong khi con chuột đã rúc rích ở chân giường phía trong cùng. Tôi căm tức bò sát đất, định lừa đâm cho nó một nhát. Nhưng nó đã kịp biến mất và chui tọt qua khe cửa ra ngoài. “Bây giờ thì nó sẽ ngồi ở chỗ nào đó để cười nhạo mình”. Tôi sập mạnh cửa, lập bập móc khóa. Khi tôi đang lựa chiều bấm khóa thì chuông điện thoại réo. Thây kệ! Nếu đầu dây bên kia có là Thượng Ðế chăng nữa thì ngài cũng cứ vui lòng gọi lại cho tôi vào lúc khác. Nó sẽ tắt sau hồi réo thứ ba – tôi tự nhủ. Nhưng chiếc khóa chết tiệt cứ luôn luôn chệch ra ngoài lỗ bấm. Chuông điện thoại đổ sang hồi thứ tư, thứ năm và không có dấu hiệu gì chứng tỏ nó chịu im đi cho. Tôi xoay ngược khóa một vòng khiến nó rít lên một tiếng han gỉ rất ghê rợn. Chuông điện thoại đổ sang hồi thứ bảy, nghe nóng bỏng và gấp gáp. Hay lão sếp về với quỷ Satan rồi cũng nên và người ta coi việc chưa báo được cho tôi là một day dứt? ít có khả năng xảy ra điều đó. Hôm qua lão còn hẹn tôi sẽ nói chuyện nghiêm túc. Ngay sau lời hẹn đầy dọa nạt, lão ưỡn bụng cười khiến nếp thịt kéo yếm ở cổ rung lên như sóng. Chuông điện thoại đã kịp đổ đến hồi thứ chín, y như tiếng chuông báo động ngày tận thế. Tôi giật cửa lao vào, vồ lấy ống nghe. Tôi vừa áp lên tai thì một giọng phụ nữ the thé quát vào tai:
– Hẹn hò thế đấy hả! Anh đùa với tôi phải không? Sao cái lúc ấy thì anh ngọt ngào thế?
Chị ta chợt gào rống lên:
– Ðồ xỏ lá! Tôi đâu phải là con điếm để anh cần thì gọi. Anh hãy nói thẳng với tôi một câu, bao giờ thì bố mẹ anh đến rước tôi về. Nếu không tôi sẽ bóp chết cái mầm lừa đảo của anh trong bụng tôi.
– Này, nhưng mà ai đấy?
– A, còn ai nữa cơ à – Chị ta rít lên. Ðồ, đồ…
– Tôi ở số máy…
Ðầu dây bên kia chợt im phắc rồi một giọng phụ nữ nhỏ nhẹ e lệ cất lên:
– Xin lỗi, em nhầm máy…
Tôi dập ống nghe xuống. Lần này chiếc khóa đã chịu chui vào lỗ bấm. Tôi chạy bộ trên hè phố. Thật may là tôi đã dự phòng số thời gian gấp đôi. Chợt một người đàn ông ăn mặc lịch sự, trông rất quen đang đi về phía tôi. Tôi không sao nhớ ra ông ta là ai. Ông ta khẽ nghiêng người tránh tôi. ở sát mặt nhau, tôi nhìn rõ cả chiếc nốt ruồi quen thuộc dưới cằm ông ta. Ông ta là ai nhỉ. Tôi lục tung các ngăn trí nhớ và ngăn nào cũng thấy khuôn mặt ông ta nhưng vẫn không giúp tôi nhớ cụ thể là ai. Một người tôi từng gặp đâu đó, từng mặt đối mặt. Tôi bước chậm lại, tay đặt lên trán. Một cảm giác khó chịu như kiểu một chiếc khóa nào đó của trí nhớ bị hóc, không sao mở ra được. Tôi gõ vào trán và chỉ thấy nó âm âm, u u. Hình ảnh ông ta gắn với một cái gì đó thuộc về quá khứ, với chiến tranh, với thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết, với kim Tự-tháp, với động vật hoang dã, với những nụ cười nhợt nhạt, toe toét, nham hiểm, với ánh sáng và bóng tối… nhưng không thuộc về một cái gì mà trí nhớ có thể bám vào được. Tôi thấy mệt, bứt rứt, hoang mang và điên loạn khi chưa nhớ ra ông ta là ai. Tôi lao vụt trở lại đuổi theo ông ta. Nhưng ở một lối rẽ, ông ta đã biến mất. Tôi giậm chân lạch bạch xuống vỉa hè.
– Này, này…
Tôi quay ngoắt sang tiếng người vừa gọi, mắt long lên. May là ban đêm nên chị ta không nhận ra cơn giận dữ của tôi. Chị đi dạo với một con chó cảnh và không hiểu sao tôi chỉ muốn hét lên với chị ta.
– Gì thế?
– Làm ơn cho biết mấy giờ rồi ạ.
Tôi đáp đại khái:
– Chín giờ kém.
– Thôi chết! Sao lại thế được. Làm ơn xem giúp lại xem.
– Chín giờ kém.
– Sớm quá! – chị ta quay sang tôi – Cảm ơn anh.
Khuôn mặt người đàn ông lại hiện lên. Ông ta khiến tôi nhớ đến một cái gì chảy nhão nhoẹt và cái sự nhão nhoẹt ấy gợi tôi nhớ tới những cơn đau vò xé của cha tôi luôn thể gợi tôi nhớ đến những ghi chép bí ẩn của ông mà tôi chưa dám động đến. Tôi biết rằng chỉ cần tôi cả gan lật trang đầu tiên, cánh cửa quá khứ sẽ rít lên kèn kẹt và khi đó tôi có muốn đóng lại cũng không được. Tôi sẽ bị đẩy đến chỗ một mình đối mặt với những thứ có thể đánh tráo số phận của tôi.
Chiếc ba-ri-e sắt có bánh xe khoang đen khoang đỏ đột ngột từ nơi ẩn nấp lao ra, rít lên một chuỗi những âm thanh gai người. Dòng xe cộ đang chảy bị chặn đứng lại, ùn lên. Ngay cả lúc này cái khuôn mặt vừa bắt gặp kia cũng không tha ám ảnh tôi.
– Chú đánh giầy chứ?
Tôi gầm gừ:
– Lúc này là lúc nào? Ðợi đến ngày mai.
Sai lầm của tôi là cho nó thấy rõ trong câu trả lời một sự lưỡng lự. Nó bám chặt lấy như tôi vẫn bám vào hy vọng.
– Còn lúc nào hơn lúc này nữa? – nó cúi xuống vuốt ve chiếc giầy của tôi – Giầy của chú “xịn” thế, da cá mập hẳn hoi.
Tôi dùng chân hất nó ra bằng một sự ghét bỏ mà tôi chưa thấy xuất hiện ở tôi bao giờ. Có thể từ một tình huống tương tự thế này mà một thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết – Tôi nghĩ một cách lạnh lùng. Thằng bé thấy tôi khó đăm đăm thì thôi không nài nữa. Mặt nó khá ngộ nghĩnh. Nó ngã xuống, khuôn mặt kia sẽ tối lại, y như một ngọn nến bị thổi tắt. Nó có vẻ đang chăm chú vào một điểm nào đó. Chợt nó lách nhẹ về phía trước, như con mèo tiến về phía con chuột, nơi một phụ nữ đang cúi xuống sửa tất miệng ê a hát… Ðoàn tàu rầm rầm lao qua, như một con quái vật, trùm lên một khoảng tối. Thằng bé lặn sâu vào khoảng tối đó và khi mặt đường sáng trở lại thì không ai, kể cả quỷ sứ, còn thấy bóng dáng nó. Và ngay cả quỷ sứ cũng phải giật mình trước tiếng kêu chói tai của người bị cắt mất bóp tiền.
Tôi tự nhủ là mình không được mủi lòng. Còn những tiếng kêu khác của đồng loại, thê thảm hơn, chói tai hơn mà ta buộc phải làm ngơ. Việc cao cả nhất với tôi lúc này là phải đến được Cổng Vòm trong vòng ít phút nữa. Qua nốt đoạn đường này, đến chỗ ngã tư đằng kia là tôi có thể nhìn thấy nó. Chỗ đó tôi đã từng đến. Ðó là hôm từ quán cà phê bước ra, trong khi còn đang muốn tiếp tục câu chuyện về tính cách người Việt, tiến sĩ N kéo tôi đến dưới Cổng Vòm. Nhưng đến nơi, hà hít cái hương vị mốc meo của thời gian, chúng tôi quên khuấy mất cuộc tranh luận dang dở. Tiến sĩ N ngửa cổ nhìn lên nóc vòm trong khi tôi chợt nhớ đến cuốn sách bìa da dê của cha tôi mà cũng đột nhiên tôi nhớ ra không bao giờ còn thấy nó nữa. Lát sau tiến sĩ N hỏi tôi: “Cậu có biết câu chuyện về chiếc cổng Kerkaporta(1) không?”. Tôi thành thật lắc đầu thì ông ta mỉm cười bảo: “Cậu cứ hình dung nó như một thứ lỗ chó ở ta. ấy thế mà nhân loại đã chui qua nó để từ dã man sang nền văn minh ngày nay đấy”.
Cái sự bất tuân kỷ luật một cách vô tâm, lạnh lùng này của ký ức, một lần nữa làm tôi muốn phát điên. Nó còn muốn dìm tôi ngập sâu vào những sự kiện gần như vô nghĩa với tôi. Và tôi liên tục tự hỏi để thoát khỏi nó, rằng, những sự kiện ấy thì có liên quan gì đến thời khắc hiện tại, khi tôi chỉ có một mục đích duy nhất là đến chỗ nàng chỉ trước 9 giờ?
o O o
Có những người khi còn sống họ chỉ cứ thấp thoáng trong tầm quan sát của ta. Họ bị ẩn khuất trước vô vàn những sự kiện, những cá nhân khác. Họ chìm đi dưới bề mặt cuộc sống ồn ào. Ðôi khi ta lãng quên họ, như lãng quên một kỷ niệm trung tính. Họ kể những câu chuyện liên quan đến số phận họ nhưng ta không nhớ. Ta không nhớ vì bản thân họ không kích thích sự quan tâm hiếu kỳ của ta. Họ lại chẳng có gì đặc biệt, đôi khi chỉ cần giống như một sự dị dạng. Tóm lại họ cứ chết dần trong ta cho đến khi, một hôm nào đó, họ lặng lẽ tắt thở, từ biệt thế gian này. Sự lãng quên vốn là căn bệnh của văn minh, được thời gian phụ họa, nhanh chóng chôn vùi một cá thể không lặp lại xuống đáy. Ðôi khi (và ngày càng thường xuyên hơn) nó chôn cả những người đang sống. Nó chôn cả những người vừa mới sống. Và theo đà tăng tiến, khi mà lãng quên đạt đến độ hoàn hảo, nó chôn cả những người chưa sinh ra, chưa từng sống.
Trường hợp ông Bân với tôi, có thể nói, là một bi kịch của thời gian và trí nhớ. Khi ông sống, mặc dù chúng tôi có mối quan hệ đặc biệt, ông vẫn không sao khiến được tôi chú ý. Tôi, thậm chí còn cười nhếch mép trước cái ý định ít nhiều kỳ quặc, đi tìm nhân vật của ông. Vì thế ông chỉ sống trước mắt tôi chứ ít sống trong tôi. Nghĩa là chỉ khi nào gặp ông, cùng ăn bữa cơm đạm bạc trong tình trạng chỉ vài câu là hết chuyện, cùng đối mặt nhau bên tách cà phê mà cả tôi và ông không nghiện, tôi mới có khái niệm về sự hiện diện của ông. Còn lại tôi lấp đầy ký ức bằng những thứ không dính gì đến ông. Ngoài những gì do chính ông kể về kỷ niệm đau đớn thời thơ bé, tôi không biết (đúng hơn là không muốn biết) tí gì về đời tư của ông, nhất là mỗi lần đến căn phòng ở tầng áp mái của ông, thấy ngập lên một sự tự hành xác, tự đày đọa mình trong cô đơn, trong sự vò nát tâm can bằng những đêm ngồi bóp trán khiến râu ria tua tủa, mắt trũng xuống, môi khô nứt khiến phô ra những chiếc răng cửa không được che kín (và cũng là do tôi phỏng đoán thế thôi do ấn tượng đập vào mắt là chính). Tôi chưa bao giờ hỏi về vợ con ông hay chí ít về một mối tình nào đó. Nhìn dáng ông lòng khòng, ngực lép, hơi lõm vào trong… luôn luôn gợi trong tôi một ý nghĩ hài hước: “Sao ông ta không nghĩ ông ta có tất cả những yếu tố để thành một nhân vật, còn phải tầm ở đâu?”. Ðó chỉ là một trong hàng trăm ý nghĩ của tôi về ông Bân mỗi khi chúng tôi gặp nhau.
Ấy vậy mà sau khi ông chết trong sự lãng quên đạt đến độ hồn nhiên của người đời, thì từ những mảnh sa mạc khô cằn trong ký ức tôi lại nảy lên chiếc mầm xanh kết quả từ sự sống của ông. Tôi có thêm một bí ẩn nữa thêm vào đống tài sản được thừa kế từ quá khứ. 13 cuốn sổ ghi chép của ông, cùng với bọc thư khổng lồ “gửi từ thế giới bên kia”, cùng với những phác thảo trong đó có một phác thảo về tôi, đủ cho tôi giải mã những bí mật lớn của thời cuộc mà ông và tôi là nhân chứng, là người bị văng ra ngoài thành những vật thể mất trọng lực. Nhưng chính vì bị văng ra mà chưa bao giờ ông và tôi thèm khát hướng về cuộc sống đến thế.
Chỉ còn phải qua một ngã tư là tôi đã có thể nom thấy chiếc Cổng Vòm. Nếu gặp nàng tôi sẽ nói cho nàng biết một trong những bí mật vào loại lớn nhất của cả tôi và nàng. Rằng, trong vòng một phần triệu triệu giây, chỉ vừa đủ thời gian một tia sáng lóe lên rồi tắt, tôi đã được bay bằng tốc độ siêu ánh sáng qua trùng trùng điệp điệp những miền lãng quên của ký ức trở về với một trong những sự kiện, vào loại tầm thường nhất, để mở chiếc khóa vào một thế giới sâu thẳm như vũ trụ, đó là bi kịch của một số phận. ở đó ký ức tôi còn ghi nguyên vẹn câu chuyện sau đây:
Vào một buổi chiều đầu đông, cái thời điểm mà chỉ một kẻ đần độn và vô cảm mới không đi ra đường để hàng tỉ đầu dây thần kinh được rung lên một cách đầy hoan lạc. Một buổi chiều như thế tôi đến thăm ông Bân. Tôi bắt gặp ông trong cái dáng vẻ của một kẻ “đần độn và vô cảm”. Ông mặc chiếc áo dạ cũ kỹ, ngồi tụt xuống trong chiếc ghế mây thủng mặt và gần như một kẻ đã chết. Tôi dừng lại ở cửa bởi không nỡ khuấy động ông. Lát sau ông ra hiệu cho tôi vào và tự tìm lấy một chỗ mà ngồi. Tôi làm theo cái mệnh lệnh im lặng đó. Mãi lâu sau ông mới như bừng tỉnh để cảm thấy mình vừa là một kẻ phi lý và bất nhã.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau và như thường lệ, tôi nghe, nhìn ông làm phép là chính. Luôn luôn tôi nghĩ, giả sử ông ta không tự tìm đến mình và giả sử không có sự trùng lặp giữa một số phận do ông ta bịa ra với cuộc đời thật của mình, thì mình sẽ không bao giờ phí thì giờ với con người tẻ nhạt này. Còn ông Bân, như một sự quỵ lụy bẩm sinh, ông cố gắng không mệt mỏi để giữ chân tôi, cầu xin tôi cái điều luôn luôn thừa mứa.
Nhưng buổi chiều hôm ấy thì khác. Sau khi cố gắng lịch sự với tôi, bằng thái độ, ông muốn hôm nay, ngay cả tôi cũng đừng quấy rầy ông. Ông muốn ngồi một mình, tự dày vò mình, được là kẻ cô đơn với cái khoái cảm bệnh hoạn là sỉ nhục mình. Ông đã ý tứ nói xa xôi về điều đó. Ông đã đuổi khéo tôi bằng câu hỏi: “Hôm nay anh không có việc gì sao?”. Nhưng, cũng như một thứ khoái cảm bệnh hoạn, tôi thích xử sự một cách trái khoáy, một kiểu chơi ác với người ít có ấn tượng: Tôi quyết định lì lợm ngồi lại.
– Cảm ơn cậu đã không tự ái – ông Bân nói thay cho lời thú nhận quả là ông đã muốn đuổi khéo tôi – Cảm ơn cậu đã hình dung ra hoàn cảnh nguy hiểm của mình mà ở lại. Bởi vì nếu hôm nay cậu không đến, mình dự định sẽ nộp mình cho quỷ sứ.
Cái giọng khác thường của ông không hiểu sao khiến tôi muốn bật cười. Nhưng cũng ngay tức khắc tôi hiểu ra rằng tôi rất có thể là kẻ lạc lõng bỉ ổi. Tôi cố gắng im lặng để nghe ông và để rồi, như quý vị thấy, suốt nhiều năm tôi đã không nhớ tới câu chuyện này, giống như không nhớ hàng ngàn câu chuyện tôi cho là vô bổ khác.
Câu chuyện ông Bân kể, chỉ cần đổi vị trí người kể, sẽ trùng khít với câu chuyện nàng thổ lộ với tôi qua bức thư. Nhân vật của nàng là ông và em, còn nhân vật của ông Bân là tôi và Nàng. Chính tôi là nguyên nhân của việc kể lại câu chuyện ấy và đổi cách xưng hô. “Kẻ làm chứng cũng ngủ tít thò lò thì ai sẽ là người làm sáng lên công lý?” – ý nghĩ này len vào đầu tôi một cách giảo hoạt. Hai câu chuyện cùng một nội dung và chỉ khác nhau ở phần kết. Ông Bân bảo rằng ông đã lừa dối nàng một cách tinh tế. Ông đã phóng đại sự khốn khổ bằng một màn kịch tuyệt khéo, bằng vai diễn xuất thần và ông ngầm theo dõi sự biến chuyển từng tí một trên gương mặt nàng. Ðầu tiên, ông nhận thấy nàng quyết sẽ hy sinh đời nàng cho một người có khát vọng lớn như ông. Ông lập tức điều chỉnh dung lượng, rằng nỗi khổ của ông đem chia cho người khác là một sự độc ác và ai nhận hộ ông sẽ chất lên cuộc đời ông nỗi khổ lớn gấp bội. Ngay lập tức ông đọc được từ nàng: “Vậy thì em sẽ giải phóng cho ông”. Ông phát tín hiệu im lặng, đủ để vô tội với nàng. Ðêm ấy ông vờ ngồi vào bàn viết để vô can hóa sự cổ vũ nàng ra đi của ông. Nàng sẽ bịa ra lý do nào đó. Và quả nhiên nàng đã làm như vậy: “Em ra ngoài một lát”. Ông đã hoàn toàn ra ngoài bi kịch để nói: “Em nhớ về sớm nhé”. Quỷ nhại lại theo cách của nó: “Em nhớ biến sớm đi nhé”. Bởi vì cả ông và nó đều biết rất rõ nàng bỏ đi, dấn thân vào nơi mà nàng sẽ bị nuốt chửng. Ông vờ lừa quỷ: “Nàng đi đâu nhỉ, không khéo…”. Nó nháy mắt: “Mọi chuyện thế là xong nhé. Chào ông bạn, kẻ dối trá tinh tế!”. Ông quát lên: “Mi xem đây. Ta sẽ đi tìm nàng”. Ông lao bổ xuống phố, không cần xem đồng hồ cũng biết nó đã quá đủ để nàng đi khuất. Ông quay về trong sự nhẹ nhõm ngụy tạo: “Ta đã đi tìm nàng. Ta tìm khắp chốn. Ta lo lắng cho nàng xiết bao. Cầu cho nàng bình an”…
Kể từ bấy đến nay – ông Bân nói tiếp – đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy nàng. Sự thật mà tôi chôn chặt là bằng việc có mặt của nàng, tôi cứ thấy lo sợ về điều gì đó. Có thể là những bước chân dậm dịch khua trên cầu thang mà đêm nào tôi cũng nghe trong nỗi hốt hoảng. Thực ra mình sợ ai và sợ cái gì nhỉ? Nỗi sợ thực sự chính là tôi đã không tìm được câu trả lời cho mình. Mỗi ngày nó một đè nặng lên cuộc sống của tôi. Khi nàng viết cho tôi những bức thư (chi tiết này tôi quên hoàn toàn khi ông Bân còn sống) từ thế giới bên kia, tôi lại thấy nó như những lời phán quyết tôi về sự hèn nhát. Chỉ có sự hóa thân trở lại làm trinh nữ của nàng mới giúp tôi tháo được chiếc ách, chính là chiếc ách đã cùm Ponti Pilat.
Một phần triệu triệu giây sau tôi đã lại ở trong dòng ý nghĩ: “Mình không có lý do gì để không đến Cổng Vòm trước 9 giờ”. Tôi bỗng ngước nhìn trời như tìm kiếm xem giờ này ông Bân đang ở đâu. Ðúng vào lúc tôi nhìn và xác định dứt khoát chiếc kim phút chỉ vào số 11, nghĩa là cộng vào mọi trục trặc, tôi mới chỉ đi hết 50 phút, thì một tiếng quát khô khốc cắt đôi niềm hứng khởi của tôi:
– Anh kia! Mắt mù à?
Tôi sững lại và nhận ra chiếc dây thừng căng ngang đường. Trước mắt tôi Cổng Vòm hiện lên đen đúa như một vật sót lại của cơn đại hỏa hoạn. Phía dưới nó mọi người đang đi lại, đo vẽ quanh một vật gì đó đen thui. Họ gồm cảnh sát, những người mặc áo blouse, như những cái bóng di động. ở vòng xa xa bọn người hiếu kỳ đang vừa theo dõi các nhà chức trách vừa sôi nổi tranh cãi. Tôi hỏi một gã đàn ông có ria quanh mép khiến mặt gã nom như bị quệt nhọ nồi:
– Có chuyện gì thế anh bạn?
Thay cho việc trả lời, gã lạnh lùng nhìn tôi, hất hàm về phía mọi người, lên xe rồ máy lao thẳng. Một linh cảm nào đó khiến giọng tôi y như thứ giọng của kẻ vừa phạm tội. Cuối cùng thì một gã đầy hiếu thắng đã mô tả một đoạn văn phiếm chỉ như sau:
– Ngọn lửa bùng lên, bốc cao, sáng rực cả một vùng. Nhưng ở lõi của nó, một khuôn mặt xinh đẹp còn rực sáng gấp bội. Ngọn lửa ôm lấy khuôn mặt phát sáng ấy và nó cho cảm giác đang vuốt ve khuôn mặt nàng.
Tôi lảo đảo bám vào chiếc cọc người ta vừa kịp cắm xuống. Tiếng bàn tán vẫn râm ran:
– Tôi dạo mát ở đây và thấy cô ta, ăn mặc như một thiếu nữ quý phái. Cô ta có vẻ như đang chờ ai, liên tục xem đồng hồ, cho đến khi tôi tưởng có một quả pháo sáng. Không, lửa của sao băng thì đúng hơn.
– Như một mảnh thiên thạch lao từ trời xuống và phát sáng – người khác sửa lại.
Tôi ôm chặt lấy đầu, cố gắng đừng để ai nhận ra tôi là kẻ liên can đến vụ tự bốc cháy (thật khó tin vào điều này) của cô gái nào đó mà lý trí lạnh lùng của tôi khẳng định chính là nàng. Một lần nữa tôi muốn được cả thế giới chứng cho rằng tôi đã đến trước chín giờ.
– Ðồng hồ của ông chỉ mấy giờ rồi?
– Kém 9 phút nữa thì đến 10 giờ…
– Ông nói sao! Tại sao đồng hồ của tôi mới có 9 giờ 7 phút? – Tôi chìa tay có đeo đồng hồ ra, cảm thấy đất dưới chân đang cựa mình.
Người đàn ông đã cẩn thận quay sang so giờ với một chiếc đồng hồ khác, thấy hoàn toàn yên tâm, thản nhiên cười với tôi:
– Ðồng hồ chạy chậm là chuyện bình thường. Chẳng biết ông thế nào chứ tôi đã từng may mắn khi để đồng hồ chạy sai đấy.
Tôi có cảm giác gã đàn ông này đang ngọt ngào nhạo báng tôi. Tôi chờ thêm câu hỏi “khi đi ông có nhìn đồng hồ không?” để hoàn tất một buổi tối rủi ro của gã. Nhưng hình như ngay lập tức cả thế giới cũng không là gì trước mắt gã. Do không nện được cho gã một cái, tôi hét lên:
– Không, không thể thế được! Không thể có sự chơi xỏ nhau từ ở cấp ấy được. Ðồ lừa lọc nham hiểm!
Chẳng ai hiểu gì, đúng hơn, tôi cứ việc hét, gào, rú… chẳng bận tâm đến ai. Từ những cái nhìn vô cảm mà tôi thấy mình bị xốc lên giá treo cổ. Tự dưng tôi muốn rũ xuống, như một con rối xổ hết cót. Có cái gì cực kỳ phi lý vừa mới xảy ra. Bàn tay số phận thò vào để thực hiện ý muốn của nó hay chỉ là trò nhạo của những kẻ chuyên ẩn mình trong bóng tối? Tôi thấy kiệt sức trước những câu hỏi đó, mà âm vang của nó từng dội suốt bao nhiêu thế kỷ vào trời thẳm. Và gần như không thể chịu nổi hay đó chính là cái cách giữ cho bộ mặt cuộc sống vẻ hài hước trong cả những trò đùa ác, bỗng dưng tôi nhớ ra, rõ mồn một, bộ mặt người đàn ông đi ngược chiều với tôi trên vỉa hè: Ông ta là phát thanh viên truyền hình nổi tiếng. Ngày nào cả triệu khuôn mặt của ông ta cũng hiện lên ở khắp nơi.