Ra khỏi cửa hiệu Hơn cả sự gợi cảm, trong vài phút tôi như người vừa thoát móng vuốt một con thú có bộ lông óng mượt. Món hàng phải mua bất đắc dĩ khiến tôi nhớ ra mình đang ở đâu. Tôi nhét nó vào túi và thấy mình giống như một thằng ăn cắp nhiều hơn là một nhà báo hay điều tra viên. Ý nghĩ cho quách một cô gái nào đó thấp thoáng trong đầu tôi. Nhưng có thể cho ai mà không cảm thấy vớ vẩn. Một cô gái tử tế, có học chắc sẽ cho tôi là một thằng điên. Một cô gái bán rong nhà quê thì không dám nhận, trước hết vì nó quá xa xỉ. Thứ nữa nó đầy vẻ bí ẩn, giống như một vật mà bọn lừa đảo dùng để dử mồi con nhà lành. Vứt vào thùng rác cũng không đơn giản. Trước hết hành động đó như một việc làm phi tang bằng chứng, rất dễ bị tai bay vạ gió. Thứ nữa chắc gì đã không bị chị lao công nào đó hiểu sai nếu ngay lúc đó chị moi ra. Vì thế muốn an toàn thì chỉ còn cách tôi cứ để nguyên trong túi. Thỉnh thoảng tôi thấy sởn gai ốc trước một cặp mắt ai đó. Vẫn là nỗi sợ bị con thú nào đó bất ngờ xồ ra, bám theo tôi cách đây ít phút.
Mải suy nghĩ khi ngẩng lên tôi hơi sững người vì đã ở trước quán bar (Bây giờ tôi mới biết nó là quán bar), nơi cô gái điếm nhầm lẫn giữa đề nghị của tôi với một mật hiệu nào đó (Tôi đoán thế!). Cũng bây giờ tôi mới nhìn thấy hàng chữ viết rất gợi dục: Cảm giác thiên đường. Trong khi tôi vừa nghĩ nhanh “Mình chẳng phải tìm địa ngục ở đâu xa”, vừa định cúi đầu đi nhanh qua thì nghe tiếng gọi:
– Cậu… kẻng giai kia ơi!
Người gọi tôi là một phụ nữ ngoài năm mươi tuổi, mặt hơi béo, nhiều dấu hiệu của sự trác táng còn in hằn trên cặp mắt kẻ vẽ xanh lè. Mụ súng sính trong bộ quần áo tơ tằm rộng thùng thình, cổ và tay đeo đầy vàng. Cái cách mụ đứng chạng chân, tay chống lên sườn thế kia và cái cách mụ gọi, cho thấy mụ là bà chủ quán bar và không ít quyền lực.
– Cậu lại gần đây – mụ vẫy tay một cách trịch thượng.
Tôi như bị hút về phía mụ.
– Ðẹp giai lắm! – Mụ bĩu môi, nói tỉnh khô – Cậu chắc chưa nghe tên chị bao giờ nhỉ?
– Tôi chưa có hân hạnh ấy.
– Thôi, tắt ngay cái lối lịch sự rởm ấy đi! Cậu vào trong này.
Tôi đi theo mụ qua vườn bầy các loại cây cảnh, vào một phòng nhỏ, đầy ngập tiện nghi đắt tiền nhưng toát lên một khiếu thẩm mỹ hạng bét của chủ nhân.
– Cậu ngồi xuống ghế!
Mụ gieo mình xuống chiếc đi văng bên cạnh, vắt chân lên nhau. Toàn thân mụ như chảy ra thành một đống nhão nhoét. Mụ há mồm ngáp, phô ra bộ răng hàm vàng chóe.
– Cậu chưa biết chị là ai thì để chị nói cho mà biết. Từ năm 14 tuổi chị đã là đĩ có nghề. Khắp cái thành phố này, trong hàng ngũ bọn hùm beo, có đứa nào mà không từng lăn lóc trên bụng chị. Bây giờ nhắc đến tôi chúng vẫn cụp tai như chó lạc chủ, không ông chúa Ðất, chúa Trời nào dám nghênh ngang qua mặt. Vậy mà hôm nay cậu dám! Ðể chị thử xem gan cậu có đáng cho chị ngâm rượu không?
– Tôi…
– Cậu chưa được nói. Bảo con Thương vào!
Một cô gái khép nép bước vào và tôi nhận ra cô gái lúc sớm.
– Ba mặt một lời mày nói đi. Có phải thằng này lúc trước rỡn mặt tao không?
– Thưa mợ – Cô ta liếc nhìn tôi – thưa mợ đúng ạ.
– Mày còn gì để nói? – mụ chỉ vào mặt tôi, đổi cách xưng hô.
– Thưa bà – tôi cố trấn tĩnh – Thực ra giữa tôi và cô đây có sự nhầm lẫn…
– Lý do của những thằng lưu manh giả danh trí thức như mày đều giống nhau hết. Mày nói đi, nhầm lẫn như thế nào?
Một gã đàn ông thò mặt vào, bộ dạng hắn khiến người ta nghĩ hắn được đúc bằng thép và chỉ liếc qua cũng có thể thấy ngay hắn có năng khiếu giết người bẩm sinh.
– Thưa mợ, có việc cho con chưa ạ?
– Chờ ngoài đó, chưa cần – Mụ quay sang tôi – mày nói đi!
Tôi cảm thấy bị uy hiếp từ bốn phía và thầm nguyền rủa cái buổi sáng đen đủi này. Cần phải thoát khỏi tay lũ đồ tể khi tôi đơn thương độc mã. Tôi giả bộ lễ phép:
– Chị phải cho em nói đấy nhé!
– Nói nhanh lên!
– Việc của em sáng nay và những ngày sau là phải tìm cho ra nguyên nhân khiến một gã đàn ông đâm chết thằng bé đánh giầy vào chiều hôm kia, lúc 16 giờ…
– Chúng nó giết chóc nhau thì liên quan gì đến việc mày lừa con bé kia?
– Chị cứ bình tĩnh nghe em nói. Vì thằng bé đánh giầy…
– Mày vừa nói thằng bé đánh giầy… – mụ dừng lại sau khi cắt ngang lời tôi, quay sang cô gái: “Thằng Cún chết rồi à?”. Khi cô gái đáp “chưa” thì mụ lại quay sang tôi: – thằng bé đánh giầy nào chết mà tao lại không biết. Mày đừng láo!
– Một thằng bé đánh giầy quãng 10 – 12 tuổi, bị đâm chết bởi một gã đàn ông.
– Ðã biết kỹ thế còn điều tra làm gì? Vả lại tao không nghe hôm kia có thằng bé đánh giầy nào bị chọc tiết – Mụ hỏi ra ngoài – thằng Mực có nghe thấy không?
– Mợ bảo sao ạ? Có việc cho con rồi ạ?
– Mày có nghe ai nói chuyện thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết chiều hôm kia không?
– Mợ bảo con cho nó một nhát thì con làm ngay chứ con không biết chuyện gì khác.
– Ðấy, mày thấy chưa. Chúng tao ở đây, là Thổ công Hà bá mà còn không biết, không nghe ai nói trong khi mày ở tận đẩu tận đâu lại dám bảo có thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết. Mày bịa không biết đường bịa.
– Cứ cho là em hồ đồ đi. Nhưng chính vì hồ đồ mà em mới hỏi cô đây.
– Mày nói cho bướm tao đây nó nghe – mụ ưỡn bụng về phía tôi – Ðã hồ đồ lại còn “vì hồ đồ”. Trí thức chúng mày toàn loanh quanh thế à. Con Thương, nó hỏi mày thế nào?
– Ông ta hỏi con hai câu. Câu đầu con quên rồi, còn câu sau là: “Có thằng bé đánh giầy…” đại loại con chỉ nghe đến thế, còn đoạn sau đúng là có nhắc đến chuyện chết chóc gì đó.
– Ðược, tạm gác lại ở chỗ đó. Bây giờ tao hỏi mày, tức là mày có biết hoặc có nghe ai nói chuyện một thằng bé đánh giầy nào đó bị đâm chết không?
– Thằng Cún còn sống, vẫn đưa khách đều đặn nên con không biết đến thằng đánh giầy nào khác.
– Gọi tất cả ra phòng khách, chờ tao ở đấy. Ðược – mụ quay sang tôi – Tao sẽ bắt mày tâm phục khẩu phục. Nếu không một ai biết hoặc nghe đến điều mày viện ra làm lý do, thì có nghĩa là mày bịa ra để chơi đểu tao.
Khoảng 15 cô gái và 3 gã đàn ông làm việc ở quán bar của mụ chủ đã ngồi cả ở phòng khách. Mụ bảo tôi cùng ngồi ghế với mụ. Gần hai chục cái mặt nặn bằng sáp, mệt mỏi và bệnh hoạn nhìn tôi một cách vô cảm. Mụ chủ hỏi:
– Chúng bay nghe đây, có đứa nào trong số chúng bay biết hoặc nghe ai nói, chiều hôm kia, ở góc phố kia, có một thằng bé đánh giầy bị đâm chết không?
Tất cả im lặng như sự kiện đó chả liên quan gì đến họ.
– Ðứa nào biết thì nói đi!
– Con… con có nghe – Một cô gái ngồi khuất sau mấy cô gái khác và vì thế mà tôi không nhìn thấy, rụt rè nói – Con có nghe, mợ ạ – Cô mạnh bạo hơn nhưng có thể thấy ngay cô phải trấn tĩnh ghê lắm.
– Thảo cưng! – mụ chủ tỏ ra âu yếm khác thường – Con nghe thế nào? Con lên hẳn đây nói cho mợ biết con nghe thế nào?
Cô gái đứng dậy và thoáng nhìn cô tôi thấy rùng mình mặc dù tôi không giải thích nổi trạng thái này. Cô còn trẻ, có cặp mắt rợp một nỗi u buồn và vì thế nó cũng khá bí ẩn. Tôi có cảm giác cho dù có dìm cô xuống bùn đen thì tâm hồn cô vẫn tỏa hương trinh trắng. Cô liếc nhìn tôi, mặt hơi tái đi, lộ rõ một sự lo lắng nào đó. Nhưng ngoài tôi ra sẽ chẳng ai biết được biểu hiện đó ở cô. Ðến cạnh mụ chủ, cô khép nép ngồi quỳ xuống sàn trải thảm.
– Nào, con nghe ai nói, cưng của mợ – mụ chủ đưa tay vén mấy sợi tóc xõa xuống trán cô, cử chỉ của một người mẹ đối với con gái.
– Một khách hàng quen của con nói. Ông ấy còn bảo, phí của giời, thằng bé đẹp quá – ông ấy còn bảo thêm – Cô liếc nhanh tôi lần nữa – Giá nó là con ông ấy thì nó sướng như vua vì ông ấy không có con trai.
– Sao con không bôi ớt bột vào chim nó! – Mụ chủ nổi cáu – Thời buổi trai gái bình quyền mà còn dám coi khinh đàn bà! Không có đàn bà thì nó chui ra từ háng trâu chắc, lại còn chưa kể ai cho nó thỏa cơn rửng mỡ. Con nhớ mặt nó sau này bảo mợ, mợ sẽ thiến nó lấy cật uống rượu. Ðứa nào thở ra cái thứ hơi cứt ấy trước mặt tao đều ăn đủ. Nhưng thôi, chuyện đó chưa vội bàn. Con nghe thằng chó ấy nó nói đúng thế à?
Cô gái, dường như lại phải lấy can đảm để ngẩng lên:
– Ông ta nói đúng thế ạ!
– Mợ tin con – mụ đứng dậy – Thế nghĩa là việc mày hỏi con bé kia về thằng bé đánh giầy không phải là vô cớ bịa ra. Chúng bay – mụ bảo bọn nhân viên – đứa nào về việc ấy. Còn cậu – mụ quay sang tôi, đổi cách xưng hô – cậu đi theo tôi.
Mụ không dẫn tôi vào căn phòng lúc trước mà theo một lối hàng lang vào sâu hơn rồi rẽ lên gác hai. Tại đây mụ dẫn tôi lòng vòng thêm một đoạn nữa trước khi vào căn phòng trang trí lòe loẹt, chỉ nhìn qua cũng biết là phòng ở riêng của mụ. Mụ bảo tôi ngồi xuống ghế rồi biến mất sau tấm ri-đô. Lát sau mụ quay ra, thay bằng bộ váy trắng muốt vì thế trông mụ càng xấu xí một cách lố bịch. Mụ hỏi tôi thích uống gì và khi tôi lắc đầu thì mụ có vẻ phật ý:
– Này cậu, không phải ai tôi cũng mời vào phòng này và được tôi chiều chuộng đâu nhé.
Tôi tỏ thái độ là việc đó với tôi hoàn toàn vô nghĩa nhưng mụ không hiểu, tưởng là tôi ân hận.
– Hồi trẻ chị cũng mơ mộng, cũng lý tưởng lắm chứ cậu. Ðúng ra số chị phải làm bà hoàng mới phải – mụ ngồi sát vào tôi – Cậu có biết vì sao chị mời cậu vào đây không – mụ nhìn tôi một cách ngây dại – Vì cậu làm chị nhớ tới anh người yêu đầu tiên của chị quá. Anh ấy cũng đẹp trai, cũng có mẽ trí thức như cậu. Bọn chị thân nhau từ hồi nhỏ. Năm 14 tuổi chị phải ra phố làm con sen. Lão chủ của chị đè chị ra hiếp ngay dưới bếp. Thế là từ đấy chị bị quăng quật, qua hết tay thằng này đến tay thằng khác. Chị không thể nhớ có bao nhiêu thằng chết đi sống lại trên bụng chị. Mỗi thằng một cách và chị tởm chúng nó hơn cả cứt – mụ cầm tay tôi, lắc lắc, nói như van xin:
– Này em, uống với chị một ly đi!
Mụ lại ngây người nhìn tôi, vẻ trác táng, độc ác lúc trước biến mất. Thay vào đó là một vẻ mặt đàn bà với cái nhìn yếu đuối, đầy lên sự cầu xin. Tôi và mụ cùng ngửa cổ uống một thứ rượu mạnh cháy cổ. Thấy tôi ho sặc sụa mụ lấy làm thích chí lắm, càng ngơ ngẩn ngắm nghía tôi, miệng cười như say như dại.
– Em giống anh ấy lắm. Không hiểu sao, với hàng ngàn thằng đàn ông rồi, chị vẫn khao khát được cùng anh ấy một lần. Nhưng suốt từ bấy đến nay chị cho bao nhiêu đàn em đi tìm vẫn không thấy – mụ càng dính sát vào người tôi, cơ thể nóng rực – Thật là trời đưa em đến cho chị. Sở dĩ em chưa bị thằng Mực cho nếm món “trục khuỷu” của nó là do chị đấy. Em là ngoại lệ đấy. Bởi vì chị căm ghét bọn đàn ông đến xương tủy. Chúng nó chỉ có ý nghĩa mang tiền đến cho chị và đố thằng nào dám chạy làng. Thế mà em thì chính chị lại che chở cho. Lúc nhìn thấy em, không vì công việc, suýt chị ôm chầm lấy em vì chị đinh ninh rằng anh ấy của chị hoàn đồng trở về tìm chị.
Mụ nói huyên thuyên, uống liên tục, cười ngây ngất, mắt đong đưa… hừng hực như người đàn bà tuổi thanh xuân, không còn dấu hiệu gì của một con đĩ thập thành, một mụ Tú Bà độc ác, xảo quyệt cách đây ít phút.
– Em nhìn nhan sắc chị thế nào? – mụ quỳ xuống, hai tay ấp lên ngực. Nếu em muốn chị có thể đánh đổi tất. Chị xin em…
Ðúng cái lúc mụ gần như mất trí thì có điện thoại réo. Mụ đã định dập đi nhưng nghĩ thế nào lại áp tai nghe. Mặt mụ hơi biến sắc và trong phút chốc nó trở lại nguyên hình bộ mặt con mẹ chủ chứa. Mụ đặt máy, môi mím lại suy tính và như chợt nhớ ra, bảo tôi:
– Cậu cứ ngồi chờ tôi ở đây nhé, muốn gì cứ việc ấn vào cái chuông kia. ở đây lệnh của chị Cúc là lệnh trời – mụ nói nhiều hàm ý – Chị còn cần em để hồi tưởng. Chị sẽ quay lại ngay.
Mụ vào thay áo xống, tất tưởi đi qua mặt tôi. Ðến cửa mụ lưỡng lự quay lại, ghé tai tôi:
– Chị đi cứu một thằng đàn em bị lưới.
Chờ mụ đi khỏi, tôi nghĩ ngay đến việc chuồn cho nhanh. Nhưng tiếng bước chân, rất mơ hồ, vẳng lại từ đâu đó cho tôi cảm giác bị con thú nào đó đang rình từng li từng tí. Chỉ cần tôi ló cổ ra là nó chồm tới, xé tan ra làm nhiều mảnh trước khi nhai nuốt. Tôi nghĩ đến việc làm thế nào để liên hệ được với cô gái có tên là Thảo. Nếu câu chuyện do cô bịa ra thì vì sao cô lại cứu tôi khỏi đòn của mụ chủ? Bởi vì không nhờ cô thì hẳn số phận tôi đã được định đoạt bởi tay thằng Mực. Còn nếu cô nói thật thì chính tôi rất cần gặp ông khách nào đó của cô biết về cái chết của thằng bé đánh giầy. Và lần này tôi lại rùng mình khi nhớ lại cặp mắt của cô. Nó như chứa đựng nỗi buồn vĩnh cửu, vừa như chiếc vực tối sâu hút, vừa le lói tận nơi đáy sâu thứ ánh sáng của niềm cứu rỗi. Thứ ánh sáng đó tôi chỉ thấy một lần và chính là tỏa ra từ cặp mắt cô gái dở người cái đêm đã rất xa xưa. Nhưng cứ nhớ đến cô thì tôi lại thấy cả cặp mắt con chim bồ câu và câu nói tôi nghe được trong mơ “em dâng anh cả hồn cả xác”.
Trong khi đi đi lại lại suy tính và hồi tưởng, tôi bắt đầu quan sát căn phòng. Vật đầu tiên tôi nhìn thấy là một bức ảnh chụp từ rất lâu, nước ảnh đã úa nhưng còn nguyên hình đôi trẻ, một trai một gái. Cô bé có vẻ mặt như thiên thần với cái nhìn và vầng trán gần như trong suốt. Cậu bé ngơ ngác nhìn đi đâu đó, như là điềm báo rồi họ sẽ lưu lạc nhau. Chắc chắn cô bé chính là mụ chủ bây giờ, còn cậu bé là người tình đầu tiên mà mụ kể. Bỗng dưng tôi cảm thấy buồn tê tái. Từ cô bé kia đến người đàn bà độc ác, là chủ cái nhà chứa này, làm sao lại có thể là một được? Vậy mà họ là một và sóng gió cuộc đời hay là số phận đã định sẵn biến một thiên thần thành quỷ dữ? Liệu quỷ có tâm hồn không và tâm hồn nó có chứa tình yêu không? Ðó là những câu hỏi khiến đầu óc tôi trở nên trống rỗng.
Tôi nhớ lại một chuyện có thể nói là kỳ lạ, xảy ra với tôi. Ðể kể lại nó tôi phải thú nhận đã từng một lần ngủ với gái điếm. Ðó là hồi tôi bị bỏ lại một mình sau khi mẹ tôi qua đời. Tôi theo một ông anh họ về đằng ngoại đi làm thuê ở bến cảng H. Ban ngày chúng tôi làm đủ thứ việc kể cả mổ máy thứ gì đó đem bán, còn ban đêm tìm một chỗ kín gió lăn ra ngủ. ở đáy cùng của cuộc sống ấy tồn tại những luật lệ đơn giản, rõ ràng nhưng không kém phần nghiêm khắc. Ngoài công việc bốc vác, quét dọn thuê, đấm lưng cho bọn thủy thủ… Chúng tôi không được biết hoặc bén mảng sang địa hạt của những công việc khác. Vì thế suốt nhiều ngày chỉ có hai anh em tôi âm thầm đi, về.
Dạo ấy trời thường đổ mưa định kỳ vào buổi chiều, kéo rả rích qua đêm để sáng hôm sau bầu trời lại quang quẻ. Ông anh họ tôi bắt đầu mất ngủ. Nằm cạnh tôi anh cứ trở mình liên tục, bụng luôn luôn căng cứng. Tiếng mưa khiến không khí buồn não nề. Có hôm anh họ tôi bắt tôi thức gần hết đêm để nghe anh kể chuyện, toàn chuyện tục tĩu.
Một hôm, khi chúng tôi chuẩn bị đi ngủ thì xuất hiện một ả gái điếm. Trông ả khá bẩn thỉu, thậm chí phát buồn nôn bởi từ cơ thể ả tỏa ra một thứ mùi rất hôi hám nhưng ông anh họ tôi cam đoan ả là một phụ nữ đẹp và hấp dẫn nhất mà anh từng quen. Chúng tôi thỏa thuận trong khi ngồi xổm và trong khi ả gãi bụng sồn sột. Anh tôi bảo phải tính đến quyền lợi của tôi, vì thế ả phải hầu suốt đêm. Hai suất nhân hai.
Ả hỏi:
– Vị chi là bốn lần, cho được bao nhiêu?
Anh tôi nóng lòng lắm nên hấp tấp nói giá. Tôi nhẩm tính mất toi một tuần è lưng khuân vác, xót ruột quá, có ý đánh tháo:
– Ðấy là ý anh tôi. Tôi chỉ đồng ý một nửa mức giá thôi.
Ả lườm tôi:
– Chú nhóc ăn suất phụ mà cũng tinh tướng gớm nhỉ! Chim bằng ngần nào rồi? Liệu hồn chị nhét cả đầu vào đấy. – ả quay sang ông anh tôi – Cho thêm suất cháo gà lúc thay ca. Ðược thế thì đây cho tha hồ, không tính lượt, còn cứ cò kè thì đây cũng có chỗ rồi. Thà biếu không lão bảo vệ để sáng mai quét đường vãi vẫn còn lời hơn.
Anh tôi bật chun quần phừn phựt, cuống lên:
– Ai cò kè! Ðược, cứ thế vậy. Bắt đầu ngay chứ?
– Bắt đầu lúc nào mà chẳng được. Nhưng đây cứ ăn chắc cho xin tiền trước.
Anh tôi móc cuộn tiền mà anh khâu kỹ vào đũng quần đến nỗi những đồng tiền cuốn tít lại, đếm cẩn thận từng tờ. Tôi bù chỗ lẻ để ả khỏi phải trả lại. Ðếm đủ tiền, ả chui vào ổ của chúng tôi lăn kềnh ra, nằm dạng chân, dạng tay, bảo: “Anh em các vị tự bốc thăm nhé”.
Anh tôi thở gấp bảo: “Chú là phận em đành ăn thèm gánh nặng vậy. Ðạo lý từ ngàn đời vẫn thế”. Tôi đáp: “Cổ nhân đã dạy chí lý như vậy, em đâu dám trái!”.
Trời vẫn mưa như vãi nước. Những ngọn đèn chiếu sáng, chảy ra nhão nhoét như những chiếc vú mướp, ướt át, lù mù… Tôi ngồi chờ bên ngoài, lòng hồi hộp như sắp được khám phá một bí mật lớn. Rất lâu sau ông anh tôi mới chui ra, mặt nở bung, cười toe toét:
– Thật đáng đồng tiền. Ðến lượt chú.
Tôi lẩy bẩy chui vào. Tay tôi sờ soạng trên lớp vải ẩm ướt và tưởng như khoắng phải vũng bùn thì cũng đúng lúc ả vồ lấy kéo tôi ngã sấp xuống. Một mùi kinh tởm xộc vào mũi tôi khiến tôi giãy giụa định thoát ra. Thấy tôi khịt khịt mũi, mụ quát:
– Mày khinh tao à? Nước hoa của giời đấy đồ mũi lòi dom ạ. Ðể chị dạy cho mày một mẻ.
Ả ghì tôi xuống, bóc như bóc khoai. Không cho tôi kịp định thần, ả giần tôi một mẻ tơi bời, miệng thở phì phì, nước bọt bắn tứ tung, hơi thở thối hoắc.
– Tao đang đổ bệnh sang chú em đây. Những con tim-la sẽ phá tan đời trai trinh tiết của chú.
Ả lộn một vòng, cưỡi lên tôi, cả khối thịt lùng bùng của ả như từng lớp sóng nhồi lắc tôi. Tôi chỉ cảm thấy phần dưới cơ thể tôi bị lún vào một vũng lầy lội. Tôi cứ nhằm ngực ả đấm thốc lên.
– Mày bất kham hả? – ả bửa tôi ra – Tao ngắm mày từ hôm mày lớ ngớ thò mặt vào bến cảng này. – ả thở dữ dội. – Giãy đi cún con, tao đang thích đây – ả ấn tay vào yết hầu tôi bắt buộc toàn thân tôi phải gồng lên khiến ả hú hét khe khẽ. Thế là từ đó ả đều đặn ấn vào yết hầu tôi làm tôi tưởng vỡ cuống họng. ả rít lên the thé:
– Tao ớn bọn dê già quá rồi. Tao chỉ thích loại lún phún lông như mày. Sướng không con?
Tôi bị tung lên, bẹp gí xuống đều theo ý muốn của ả. Mọi cố gắng cưỡng lại của tôi đều vô ích. Ả sử dụng tôi như sử dụng một con ngựa non bắt tập phi.
– Tao hồi trẻ cũng khá gái lắm, mày đừng tưởng. Ả vừa ngoáy mông vừa nói – Rồi một thằng chó nó lừa tao, bụng tao ễnh ra. Tao trốn đến một nơi xa xôi hẻo lánh, đẻ xong định vứt ngay cho lợn ăn nhưng lương tâm tao không cho tao làm. Thế là tao theo ma cô, ma cậu để lấy tiền nuôi cái nghiệp chướng. Bây giờ thì tim-la đến tận tim gan, lá lách rồi – ả rền rĩ đồng thời vò tôi như vò cục bột – Mày sao thế, xong rồi à? Ðừng ích kỷ thế cu con, tao chưa xong. – ả lại tiếp tục kể lể – Mày biết không, tao vừa trả thù được thằng chó ấy rồi. Tao chơi đã lắm. Tao thuê đàn em dắt con gái tao, tức cũng là con gái hắn đến cho hắn, bây giờ làm to lắm. Mày đoán ra chưa? Thằng dê cụ ấy vồ lấy, xơi ngay mà không biết hắn đang loạn luân. Tao chờ cơ hội vỗ vào mặt hắn sự thật ấy.
– Ðồ mẹ chó! – Tôi nghiến răng – bà là quỷ cái chứ không phải giống người – Tôi lại đấm vào ngực ả và lần này tôi phải trả một cái giá nhớ đời: ả điên tiết kẹp chặt lấy tôi rồi cứ thế siết mạnh ngang lưng tôi khiến tôi càng phải ghì lấy ả.
– Con ơi là con ơi! – ả nghiến ngẩm kêu lên. Tay ả giống như đôi gọng kìm khiến tôi tưởng gẫy vụn xương cốt – con ơi là con ơi, đã quá! – Ðến lượt tôi bám theo từng cơn thác lũ của ả, như con thuyền buộc phải nương theo sóng. Và cái điều kỳ lạ nhất trong đời tôi đã xảy ra. Nó xảy ra bất ngờ, y như sự lừa đảo. Tôi vừa thích thú, vừa ghê sợ, vừa thấy mình được nâng lên, vừa thấy mình bị dìm xuống đáy bùn đen, nơi từng dòng ánh sáng sền sệt, hắc ám bò ra như lũ rắn. Thoạt đầu tôi bấu chặt vào vai ả, đu người lên. Sau đó tôi cảm thấy cơ thể nhão nhoét, dính bết xuống trong một tâm trạng trống rỗng đến cực độ. Ðấy là bài học vỡ lòng làm đàn ông của tôi, được thụ giáo bởi một ả gái điếm.
Nhiều năm sau này, cảm giác ghê tởm xen lẫn nỗi nhục nhã vẫn bám chặt lấy tôi, phụ họa với những nguyên nhân khác, đã giáng xuống đầu tôi đòn trừng phạt tai ác, khiến tôi luôn luôn thấy ô nhục trước bạn gái.
Tôi nhớ sau khi bị hút kiệt sinh lực, tôi cứ nằm ở tư thế dính bết ấy, mặc cho ả vần vò thêm một lát rồi bỏ ra ngoài. Tôi lơ mơ thấy anh tôi bảo ả:
– Bà vặt nó ghê thế!
Tiếng ả:
– Thế là tiền đã trao, cháo đã múc, sòng phẳng nhé. Vào xem nó thế nào, cậu ấm còn nguyên tuyết.
Chúng tôi ngủ đến sáng bạch và chỉ thức giấc khi có tiếng huyên náo ở phía cầu cảng. Hai anh em tôi đau ê ẩm chạy theo mọi người về chỗ có đám đông. Ả điếm đêm qua vừa được vớt lên, bụng trương phềnh. Có người thấy lúc gần sáng ả ngồi khóc hồi lâu và không tin ả lại có thể khóc. Khám trong người ả thấy một chiếc nhẫn mặt ngọc cùng số tiền chúng tôi trả cho ả. Tôi tò mò và sợ hãi nhìn mặt ả lần cuối: Nó trắng bệch, mắt sưng húp. Tôi rùng mình nhớ lại lúc ả vừa lắc tôi vừa rên lên: Bây giờ thì tim-la đến tận tim gan rồi!
Trở về chỗ ở, anh tôi bảo:
– Hôm qua tôi ngồi bên ngoài, nghe hết. Thương chú quá! Hình như ả yêu chú đấy, kiểu như yêu một thằng con trai.
… Mải nghĩ tôi không biết mụ Tú Bà đã về và đang đi đi lại lại phía bên ngoài. Cái cách mụ nắm chặt tay vào vạt áo, đi lại nôn nóng thế kia là mụ đang toan tính điều gì đây. Thông thường khi người đàn bà đã say quyền lực, thì họ coi những việc làm độc ác là bổn phận của họ.
Bất ngờ mụ Cúc hét lên: “Ðồ chó! Nó cứ chờ đấy”. Và mụ sầm sầm bước vào phòng. Dường như bấy giờ mụ mới lại nhớ ra đang có tôi còn ngồi đó, mụ hỏi như chưa hề gặp tôi:
– Ai đưa thằng này vào đây?
Tôi chưa kịp mở miệng thì mụ đã nói:
– À, mày vẫn chờ tao à, đồ rỗi hơi – mụ chộp ống nói, nhấn từng số một, miệng vẫn lẩm bẩm:
– Phúc cho mày đấy. A lô, cho gặp thằng Chột. Nó đi đâu à? Nếu nó đang ở âm ty thì thôi, còn không nội nhật hôm nay phải có mặt ở chỗ chị Cúc, nghe rõ chưa?
Mụ dập máy tiếp tục suy tính. Chợt nhớ ra mụ ấn tay vào chiếc nút đỏ. Ngay tức khắc gã đàn ông lúc trước như chui từ dưới sàn lên, mặt lạnh như đồng, cúi đầu chờ lệnh.
– Ðưa thằng này ra theo lối nó vào.
Thằng đàn ông hất hàm ra hiệu cho tôi.
– Khoan, mụ phẩy tay, à thôi, đi đi! Nhớ khám người nó xem.
Thằng Mực – chính hắn – đưa hai tay nặn tôi từ cổ đến gót. Nó thọc tay vào túi tôi lôi ra bọc đồ lót, hỏi:
– Cái gì đây?
– Thứ này tôi mua ở cửa hiệu gần ngã tư.
Thằng Mực tãi ra sàn. Mụ chủ nhìn thấy, bặm môi hỏi:
– Mày mua đồ của phụ nữ làm gì? – Mụ dùng chân đá đá món đồ. Mày có vợ rồi à?
– Tất nhiên là tôi phải mua cho ai đó.
Mụ lồng lên như con bò cái bị điên:
– Mày nói là mày đi tìm thằng bé đánh giầy nào đó, sao lại thủ theo đồ lót đàn bà. Thế mà tao cứ tưởng – mụ nghiến răng – Cút xéo cả đi cho khuất mắt tao.
Thằng Mực bảo tôi nhặt món đồ lên rồi đẩy lưng tôi – như cái cách người ta đẩy một tên tội phạm – hướng ra lối đi. Tôi đi trước, gã lầm lì đi sau. Chợt mụ chủ gọi gã quay lại. Tôi cũng ngoái cổ nhìn mụ lần nữa và tôi thấy rõ những giọt nước mắt chảy thành vệt xuống sống mũi mụ. Tự nhiên lòng tôi dịu đi nỗi uất ức. Khi đuổi kịp tôi, thằng Mực – rõ ràng là khá lễ độ – bảo: “Bà chủ tôi đang có chuyện không vui, mong ông thứ lỗi”.
Khi ra tới phòng ngoài cùng, tôi thấy cô gái có tên là Thảo Miện, trong bộ váy trắng muốt và vì thế trông cô như một thiếu nữ con nhà đang chuẩn bị đi hội hơn là một gái bar. Tim tôi chợt thắt lại khi thêm một lần nữa tôi thấy nét tinh khiết tỏa ra từ cặp mắt buồn, hơi lo lắng khi nhìn ai đó của cô. Tôi cố bước chậm lại trong khi cô vẫn nhìn xuống. Lúc tôi đi đến cửa và ngoái lại thì tôi bắt gặp cặp mắt cô nhìn tôi. Cặp mắt mở to, vừa như có lỗi, vừa như trách móc. Tôi còn đang rối tơ vò bởi vô vàn phỏng đoán thì một chiếc xe sang trọng lướt nhẹ từ đâu tới, đỗ xịch trước mặt tôi. Cô gái mệt mỏi đứng dậy trong khi gã lái xe đã mở cửa đứng chờ sẵn. Cô uể oải vén váy bước lên xe, cố ý nhìn ra phía trước nhưng rõ ràng là để tránh khỏi phải nhìn tôi. Cửa xe sập lại. Chiếc xe lướt nhẹ đi và không hiểu sao tôi cứ đứng nhìn hút theo, hy vọng cô gái sẽ ngoái lại. Bởi vì tôi thấy rõ cặp mắt cô nói với tôi: “Hãy thứ lỗi cho em!”. Tôi ngơ ngẩn như người vừa bị cướp trên tay một vật quý giá. Khi tôi nhìn quanh thì không thấy thằng Mực đâu. Ngay lập tức cái cảm giác bị một con thú, lông óng mượt đang nấp rình ở đâu đó lại bủa vây lấy tôi. Nó có thể nhảy xổ ra, xé tan tôi thành từng mảnh. Tôi hiểu rằng ngoài sức mạnh của công lý, luôn luôn tồn tại những mãnh lực của bóng tối. Chính những mãnh lực đó ấn bẹp con người xuống, dồn đuổi họ tới chân tường trước khi hủy diệt họ. Dường như mỗi số phận đôi khi giống như một con rối nối với một sợi dây, được điều khiển bởi những cỗ máy giấu trong bóng tối. Ðấy là nơi khán giả không được vén màn lên hoặc bước chân vào để không cảm thấy cuộc đời là một sân khấu. Bỗng nhiên có một liên tưởng bất ngờ và ngay tức khắc rối mù rối mịt trong đầu tôi: đầu kia của sợi dây, sau khi xuyên qua một chuỗi các sự kiện tôi vừa chứng kiến, rất có thể dẫn thẳng tới cái chết của thằng bé đánh giầy?