Dưới Nắng Trời Châu Âu

ĐỨC : Lưu luyến Berlin



ĐẶT CHÂN TỚI BERLIN lần đầu tiên vào mùa thu năm 2001, thành phố không đẹp như những gì tôi tưởng tượng. Giữa những ngày tháng Mười, tôi lang thang trên khắp các nẻo đường để tìm lại những gì day dứt đã từng bỏ lại ở quê hương, để rồi trong lá thư đầu tiên gửi về cho mẹ, tôi đã viết: “Mẹ ơi, ở bên này con chẳng thấy mùa thu!”

Là một người lãng mạn, trong tôi mùa thu luôn là thứ gì đó mang cho con người nhiều cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, bồi hồi. Vậy mà trong tôi lúc ấy chỉ là sự trống rỗng, tôi bỗng nhớ những chiều thu Hà Nội đến nao lòng.

Để rồi mãi đến lần thứ tư trở lại Berlin, tôi mới dám khẳng định tình yêu của mình dành cho thành phố này. Sống ở Đức nhiều năm, được đi khắp các thành phố lớn nhỏ nhưng mỗi lần tới Berlin, lòng tôi luôn dấy lên một nỗi niềm khó tả.

Là thành phố nằm ở phía Đông của nước Đức với nhiều di tích lịch sử, kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, Berlin là nơi thu hút khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới không phải bởi vẻ đẹp trang hoàng, lộng lẫy mà bởi những nét đẹp văn hóa còn lưu lại cho đến ngày hôm nay. Và có lẽ cũng không quá ngạc nhiên khi xếp Berlin vào danh sách những thành phố đẹp nhất châu Âu!

Tôi cứ nhớ mãi cái khoảnh khắc trong lần đầu tiên tôi tới Berlin, với tôi Berlin là một thành phố xanh-sạch-đẹp và dường như chẳng bao giờ ngủ vào ban đêm. Những ấn tượng của tôi về người Berlin trong lần đầu tiên ấy không mấy thân thiện! Tôi sống ở một vùng quê yên ả, bình yên của miền Tây Bắc Đức, khi ra ngoài đường, bất kể người lớn hay trẻ con, họ đều có thói quen chào nhau “Hallo” (xin chào) hoặc nở một nụ cười, nhưng ở Berlin đó là điều không thể. Khi tôi đem thắc mắc này ra hỏi thầy giáo tôi, ông đã nhẹ nhàng giải thích cho tôi rằng: “Ở một thành phố với một lượng người đông như thế, người ta không thể ‘Hallo’ suốt cả ngày được, thế nên em đừng trách người Berlin”. Tôi tạm bằng lòng với lời giải thích như thế dù trong lòng vẫn còn rất nhiều hoài nghi, để rồi rất lâu sau tôi mới biết thầy đã đúng.

Bất cứ thủ đô nào trên thế giới đều mang một vẻ đẹp riêng tượng trưng cho đất nước của mình và Berlin cũng vậy. Đến Berlin, bạn không thể không ghé thăm cổng thành Brandenburg – biểu tượng của thành phố. Cổng thành cao 26m, rộng 66,5m, trước đây từng là vạch phân chia ranh giới giữa hai miền Đông và Tây Đức. Cổng Brandenburg được bắt đầu xây dựng từ năm 1788 và mãi đến năm 1791 mới được hoàn thành. Vua Friedrich Wilhelm II là người đã cho xây chiếc cổng này như biểu tượng của hòa bình. Hầu như bất cứ du khách nào đến Berlin cũng đều phải ghé qua cổng thành này.

Tôi không phải là người say mê lịch sử, nhưng khi đến Berlin tôi đã dành thời gian ghé thăm gần hết các viện bảo tàng – nơi ghi dấu những gì còn sót lại của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều người bạn Việt Nam từng hỏi tôi: “Lịch sử nước Đức có gì thú vị?”. Tôi chỉ cười. Thật khó giải thích điều đó bởi hầu như bất cứ ai khi nghĩ về lịch sử Đức cũng gắn liền với hai chữ “Hitler”. Người dân Đức không bác bỏ điều này, thế hệ trẻ của Đức ngày hôm nay vẫn phải hứng chịu những cái nhìn soi mói khi học về lịch sử nước nhà. Còn tôi, tôi học để biết và cũng để hiểu rằng những gì đã đi vào lịch sử thì cũng nên biết đến một lần.

Hiện tại ở Berlin, người ta vẫn lưu giữ những bức tường còn sót lại từ năm 1991 và trong những cửa hàng lưu niệm bạn có thể mua những mô hình nho nhỏ bằng ngón tay để làm kỉ niệm. Khi đi ngoài đường, nếu để ý kĩ, bạn sẽ còn được nhìn thấy vạch phân chia ranh giới giữa hai miền ngày xưa. Tôi tìm đến Checkpoit Charly, đây là một trong những những trạm kiểm soát của Mỹ ngày xưa đóng tại Berlin để kiểm soát giấy tờ khi người dân muốn di chuyển từ Đông Đức sang Tây Đức hoặc ngược lại. Khách du lịch đến đây thường chụp những bức hình làm kỉ niệm để hồi tưởng lại không khí ngày xưa. Sau khi nước Đức thống nhất thì trạm kiểm soát này đã bị hủy bỏ nhưng từ năm 2000 người ta đã cho xây dựng lại một trạm kiểm soát được phỏng theo bản gốc để khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Sau khi đã xem được gần hết các công trình lịch sử và các viện bảo tàng, tôi bắt đầu khám phá một gương mặt khác của Berlin – nơi là lịch sử không còn đóng vai trò chủ đạo của thành phố, mà thay vào đó là những dòng sông, những cây cầu, những cung điện tạo cho thành phố một vẻ đẹp nên thơ, tao nhã. Vào mùa hè, trên những thảm có trong những công viên hay thậm chí chỉ là một bãi cỏ ven đường, giới trẻ thường tận dụng đó làm nơi nghỉ mát, hóng gió, hàn huyên hay ngồi đọc một cuốn sách hay, ngắm vài lượt người qua lại. Trên những cây cầu khi nắng tắt và hoàng hôn bắt đầu buông xuống, Berlin khi đó không còn là một thành phố với những tòa nhà chọc trời mà là một thành phố thật sự yên bình và đáng yêu. Người dân Berlin không ồn ào, vội vã, cuộc sống dẫu tất bật nhưng họ vẫn tìm cho mình những giây phút để thư giãn. Trên những tàu điện ngầm hay những chuyến xe buýt, tôi không hề thấy biểu hiện của sự hớt hải, bon chen, kẻ lên người xuống vẫn với những bước chân thật nhịp nhàng. Tôi vẫn nhớ những buổi sáng sớm thức dậy, đứng trên kí túc xá tầng 15 từ phòng của Trang nhìn xuống, ngắm thành phố từ phía trên cao, để gió, để mặt trời tỏa vào đôi mắt biếc, một cảm giác thật dễ chịu.

Người ta đặt cho Berlin rất nhiều những cái tên mỹ miều, nào là “Trái tim của châu Âu”, “Nơi gặp nhau của quá khứ và hiện tại” hay “Thành phố của nghệ thuật”. Còn tôi thì lại gọi Berlin là thành phố của yên bình, bởi mỗi lần quay trở lại nơi này tôi đều bồi hồi, xúc động. Thành phố này luôn mang tới cho tôi cảm giác của sự bình yên, bỏ lại phía sau những tính toán đời thường để sống một cuộc sống của một người trẻ tuổi mang trong mình những hoài bão và khát vọng tự do. Khó có ai nghĩ rằng hơn nửa thế kỉ trước Berlin vẫn còn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh khi ghé đến thăm thành phố này. Ở Berlin, sinh viên Việt Nam và châu Á khá nhiều, thế nên vào các ngày nắng đẹp, họ thường tụ tập cùng gia đình, bạn bè ở Thaipark nướng thịt, thưởng thức các món ăn châu Á khác nhau, trong đó có món chè và nộm đu đủ của Thái Lan, cùng món thịt nướng kiểu Lào là những món ăn tôi tâm đắc vô cùng.

Tôi thích nhất là được ngắm Berlin vào mỗi buổi đêm, được lang thang trên con đường lộng gió, trút bỏ những nhọc nhằn của một ngày đã qua và đắm mình trong hơi thở của thành phố. Ở Berlin có hai địa điểm mà bạn nên dừng lại và ngắm nhìn vào buổi đêm đó là Alexander Platz, bạn có thể ngước nhìn lên tháp truyền hình với độ cao 368m và những người không sợ độ cao thì có thể xếp hàng mua vé lên đỉnh tháp để ngắm nhìn toàn bộ Berlin vào ban đêm với những ánh đèn lấp lánh đủ sắc màu.

Thư giãn trong công viên ở Berlin

Còn Postdamer Platz là nơi từng bị chia cắt bởi hai miền nước Đức, khi tới đây bạn có thể nhìn thấy vạch ngăn cách bức tường ngày xưa, nay đã bị phủ bằng những lớp đá. Hiện nay, quảng trường này là nơi có mật độ giao thông gần như cao nhất ở Berlin, những tòa nhà cao tầng, khách sạn và nhà hàng mọc lên rất nhiều. Quảng trường này cũng là nơi “cực kì giản dị”, bởi đây là nơi trải chiếc thảm đỏ thu hút các ngôi sao tài tử, minh tinh màn bạc từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây để làm áp phích quảng cáo cho bộ phim sắp được trình chiếu và giao lưu cùng khán giả. Tôi còn nhớ cái lần đi theo chân chị Trang tới Postdamer Platz chỉ để chờ và chiêm ngưỡng tận mắt hai diễn viên chính trong bộ phim Transformer. Trước đó, tôi không hề biết đến tên tuổi của hai tài tử điện ảnh này, nhưng hình như sau bộ phim này, họ đã bắt đầu nổi tiếng ở Hollywood. Thế mà rồi tôi cũng “mò” lên được hàng đầu tiên (dáng người mảnh khảnh khiến việc luồn lách của tôi rất dễ dàng), được đạo diễn và hai tài tử tận tay kí tặng. Tôi cười toe toét trong tiếng hò reo khản cổ của những bạn trẻ xung quanh.

Xe bia trên đường

Nói đến Berlin là không thể không nhắc tới Đồng Xuân – khu trung tâm mua bán của người Việt tại Đức. Khi lạc vào đây, tôi cứ ngỡ mình đang ở Việt Nam, bởi số lượng người Việt buôn bán ở trong này chiếm tới hơn 60%, 40% còn lại được chia cho người Trung Quốc, người Thổ, người Ấn Độ và Đức. Người ta có thể mua bất cứ thứ gì họ cần, sách báo, băng đĩa cho đến cả những món đặc sản mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ ở Việt Nam mới có thể mua được. Thế mới biết người Việt Nam mình, dù sống ở đâu cũng muốn có đủ đầy hương vị quê nhà. Lần nào tới đây, tôi cũng được chiêu đãi những món ăn Việt Nam truyền thống, nào là bún ốc, phở bò và các loại chè thập cẩm khác nhau, ăn cho no nê rồi mới quay trở lại trung tâm thành phố.

Ở Berlin, ngoài việc tới Đồng Xuân để thưởng thức những món ăn Việt Nam, bạn cũng nên tranh thủ nếm thử những món đặc sản khác cũng không kém tuyệt vời, như xúc xích cà ri (Currywurst), salad khoai tây, giò heo ăn kèm bắp cải muối, bánh rán Berlin (Berliner). Tôi nhớ mùa hè năm ngoái trước khi lên Berlin. Thủy có nhắn tin cho tôi bảo sẽ dẫn tôi đi ăn món Döner Kebab ngon nhất Berlin khiến tôi háo hức vô cùng. Thật ra các cửa hàng bán Döner Kebab ở Berlin thì hầu như ở trên con đường nào cũng có nhưng không phải cửa hàng nào cũng ngon. Từ Alexander Platz, chúng tôi phải đổi tàu điện tới hơn ba lần mới tới được cái lều bán Döner của hai anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chúng tôi đã có chừng hơn 20 người đang xếp hàng ở đó dù lúc đó mới chỉ hơn mười một rưỡi trưa và bữa ăn chính của người dân Berlin chưa bắt đầu. Thật không uổng công xếp hàng chờ đợi, đúng như những gì Thủy nói, tôi đã được thưởng thức món Döner Kebab ngon nhất trong đời ở Berlin.

Viết về Berlin chẳng biết đến khi nào cho đủ, bởi mỗi lần trở lại Berlin, tôi luôn khám phá ra được rất nhiều điều mới lạ. Từ khi nào tôi đã thấy yêu tha thiết thành phố này. Rất lâu rồi, tôi nhớ có một lần mình ngồi khóc giữa quảng trường Alexander Platz chỉ vì một lý do hết sức ngớ ngẩn, đó là nhìn thấy một gia đình người Việt đi chơi cùng nhau, tiếng cháu gọi ông bà, tiếng người con gọi mẹ, tôi bỗng thấy nhớ gia đình của mình biết bao nhiêu và thèm được trở về những ngày tháng xưa trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Nhưng tôi biết, thời gian không trở lại bao giờ. Nước mắt tôi lã chã rơi cho những điều gọi là số phận. Và như thấu hiểu được nỗi niềm chất chứa đó ở trong tôi, Tú đã mời tôi về nhà mình ở ngoại ô Berlin để ăn một bữa tối cùng bạn và gia đình, cho tôi được sống những giờ phút ấm cúng trong không khí gia đình.

Căn nhà của bố mẹ Tú nằm ở ngoại ô Berlin, không khí rất trong lành và xung quanh là thiên nhiên bao bọc. Dọc theo trục đường chính, Tú dẫn tôi về phía một quả đồi trong một chiều nhạt nắng, cùng nhau hái mận, hái hoa và tận hưởng những khoảnh khắc bình yên mà tôi biết không phải lúc nào mình cũng có được.

Kỉ niệm về Berlin luôn song hành cùng tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ. Tôi vẫn thường nói với bạn bè tôi rằng đó là thành phố tôi thấy mình có duyên nhiều nhất. Nhất định tôi sẽ còn trở lại nhiều và nhiều lần nữa vì chẳng có lý do gì để mà không trở lại, bởi khi đã có duyên rồi thì “đi xa mấy cũng có ngày tìm lại với nhau”. Và quan trọng hơn cả, ở Berlin, tôi cũng đã tìm thấy mùa thu của mình.

Dresden – nhìn từ dãy núi Sächsische Schweiz


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.