Giao Thừa
MỘT MỐI TÌNH
Mưa vô mùa, nghĩa là hết một đợt dài lưu diễn, tôi về quê. Má tôi chặt lá, giúc nếp cặm cụi ngồi gói bánh cà bắp, nấu một nồi tám đầy vun bánh. Tôi hỏi má gói chi nhiều vậy, má cười: “Cho cha con thằng Bầu, tội nghiệp tụi nó, nhà không có đàn bà nên cũng có bánh trái gì ăn đâu…”. Tôi giành: “Chừng nào bánh chín, để con đem qua bển cho. Mà, má nè, anh Hai có tính bước thêm bước nữa chưa, hả má?”. Má tôi cười: “Chưa, má biểu nó hoài, mà, cái con nầy, lần nào về cũng hỏi có mỗi chuyện đó…”. Mình à? Mình sao? Lần nào cũng hỏi chuyện đó à? Ủa, hỏi hồi nào sao mình không hay vậy ta?
Tôi ngủ lưng một giấc, bánh chín, một tay tôi bưng rổ bánh, tay kia xách cây dầm xuống bến. Có xa xôi gì đâu, từ nhà tôi bơi dọc theo rạch Ô Môi, ngược lên hướng mặt trời mọc chừng trăm thước là đã tới nhà Trọng rồi, nhà trồng nhiều thiệt nhiều cây ô môi, bông đỏ, lá xanh, trái chín không ai ăn, tụi con nít móc xuống làm gươm đánh nhau chan chát. Hai bên đầu nhà trồng toàn vú sữa, cao lớn lắm, già lắm, cỗi cằn lắm, lâu rày không thấy có trái trăng gì hết. Dưới mé kinh còn nguyên một đám nga cao ngòng. Mà, hết cái xóm kinh nầy có ai có cái nhà vừa cũ, vừa xưa như nhà Trọng đâu.
Ở nhà Trọng, có nhiều thứ mấy chục năm rồi không thay đổi. Cảnh cũ giữ nguyên đã đành, tánh tình lớp người sau cũng y chang người trước, như từ một khuôn đúc ra. Như Trọng vậy, mười năm, kể từ ngày chị Ái tôi bỏ Trọng đi, Trọng vẫn giữ nguyên cái khăn choàng tắm treo đầu sào, chiếc nón lá quai nhung đã ngả màu thâm sì, cũ mèm, giữ cây lược sừng đã gãy mất mấy cái răng với cái kiếng soi để ở đầu giường như thể chị Hai tôi vẫn còn ở đâu đây, như thể chút nữa khi tắm xong, chị sẽ bước vào, chải đầu, rồi vừa nghiêng đầu, vừa quạt hong khô tóc bên cái cửa buồng trông ra hàng lơn nước, chỉ cần một cơn gió nhẹ, lá vú sữa khô nằm trên mái nhà sẽ tuôn xuống như mưa. Sao tôi lúc nào cũng thèm ngồi ở đó, ở cái vị trí yên bình đó, nhất là bây giờ, khi tôi vừa lang thang hết một mùa nắng. Nhất là khi nghe Trọng biểu thằng Bầu ở nhà bắc nồi cơm để anh đi nhổ vài cọng bông súng nấu canh với mấy con cá vừa thả câu được hồi hôm. Tôi hỏi, đám trái giác ngoài bờ liếp còn không, thằng Bầu nói còn. “Vậy anh Hai hái giùm em một mớ nấu chua ăn, thèm quá chừng”, tôi dặn với theo. Rồi Trọng quay lưng đi, không để cho tôi kịp nhìn anh kỹ; nhưng thật thà vậy, Trọng đứng lớ ngớ ở đây một hồi, thể nào không nén lòng tôi cũng ôm chầm lấy anh mà khóc. Trời ơi, cảnh nầy, người nầy, sao y chang như năm ngoái, năm kia, chỉ khác là thằng Bầu đã lớn bộn lên, và mớ tóc bạc trên đầu Trọng là thay đổi, nó trắng thêm, nhiều thêm. Tôi tự hỏi mình lòng đang nghĩ đến cái gì mà lòng đau quá vậy cà.
Chị Ái, tôi với Trọng cùng một đám con trai con gái nữa lớn lên cùng nhau trên cái xóm rạch Ô Môi nầy. Cỡ mười bảy, mười tám tuổi, thấy Trọng thương quá, tôi nói chơi chơi với chị Ái: “Em xí thằng Trọng”. Chị tôi cười ngất, xong trề môi như đưa đò “người ta mà em làm như trái bình bát chín cây vậy, bày đặt xí phần”. Ba Trọng mất sớm, má đi lấy chồng ít về, từ nhỏ Trọng sống với ông nội, mười tuổi, ông nội cũng mất, đang ở tuổi con nít chưa hết con nít, người lớn cũng chưa tới người lớn, anh đã gánh vác trọng trách lo hương hoả cho gia đình. Một mình, với hai con chó, một con mèo, học xong, Trọng còn phải quần quật với chín công ruộng, một mảnh vườn đất cằn cỗi, già nua, lâu rày không thu được huê lợi gì, nhưng quý là trên đó chôn cả thảy chín cái mả ông bà, và ngôi nhà gạch đã có 3 đời, cất trên nền cao theo kiểu chữ công, ba gian nhà rộng mênh mông trông ra cái sân gạch trơn rêu, mút sân là cái hàng rào giăng ngang, đứng dưới mé sông nhìn lên, dãy rào che tầm nhìn, chỉ thấy thấp thoáng mái ngói lợp trài màu vừa xanh vừa mốc.
Nhà Trọng có một cái lạ nữa là trên bàn thờ lúc nào cũng chong đèn, ngày tháng nầy qua ngày tháng khác, năm nầy qua năm khác, ngọn đèn truyền thống từ đời cố Trọng, nội rồi tới Trọng, không bao giờ được phép tắt. Chiều nào chị em tôi đi ngang qua cũng thấy Trọng lọ mọ ngồi lau cái bóng đèn hột vịt ám khói, châm dầu bằng cái vẻ mặt thành kính, nâng niu. Lúc đó, tôi ước thầm, phải chi Trọng ngỏ lời thương, tôi sẽ làm hết thảy công việc đó thay Trọng đến suốt đời, đến khi trở thành bà già cóc kiết, tôi giữ lửa thì hay phải biết. Nhưng Trọng thì lại thích chị Ái hơn tôi, Trọng thương thầm chị cũng nhiều như tôi thương thầm anh vậy. Vậy mà anh không biết, còn cắc cớ biểu tôi làm mai. Nên có bữa, tôi hỏi má cho hai chị em đi coi hát, tới cái đập vô xóm Chẹt, Trọng đã bồn chồn chờ sẵn, tôi trao chị cho anh, giả đò đau chân để tụt lại đằng sau một khoảng xa xa. Tới sân ủy ban xã, Trọng với chị tôi mua vé vào coi hát, tôi ngồi ngoài đầu cầu, đập muỗi. Trọng không quên mua cho tôi một ly đá bào như để cảm ơn lắm lắm. Ngồi buồn, nghe hát văng vẳng trong kia, tuồng thì giễu nhau ong óng như gà kêu đẻ, nhưng nước mắt tôi chảy ròng ròng lúc nào không biết. Vài người trong đoàn hát thấy, họ hỏi, sao khóc mò vậy, tôi cười thưa, tại tuồng cải lương hay quá. Họ cười, sao nhạy nước mắt vậy, đi hát đi, đem nước mắt mình ra để lấy nước mắt người ta. Tôi thưa má cho lên thị xã xin vô Đoàn Cải lương Bông Tràm, lang thang nguyên một mùa nắng, mùa mưa về thăm má. Cũng có lúc gặp Trọng, kêu anh Hai ơi, anh Hai à, tuồng như anh em một nhà thương nhau lắm (ai mà biết có thương thiệt). Cũng có lúc viện cớ qua nhà thăm nom thằng Bầu, ôm nó lên, nựng nịu, đả đớt, coi nó giống Trọng ở chỗ nào, mà giống chỗ nào tôi cũng ưa. Cũng có lúc ngồi trân trân ngó chị Ái tôi mặc áo đỏ, chân xỏ guốc cao đi ngúc ngắc trong nhà, thấy không hợp mà cũng không muốn nói ra. Chị thì lại nhìn tôi, săm soi guốc giày, quần áo tôi rồi tấm tắc, “Em sướng thiệt…”. Tôi cười, “Chị cũng sướng thấy mồ, anh Trọng hiền khô, lại thương vợ…”. Chị cười nhẹ, “Thương thôi thì được cái gì. Chị không hợp với cảnh nhà nầy, thầy Thành nói vậy…”. Tôi hỏi, thầy Thành nào, chị cười, thầy mới về dạy ở trường xã mình nè, thầy hay lại nhà chơi, chưa vợ nên hay biểu chị làm mai, tưởng chuyện gì khó, con gái xứ nầy giỏi giang thiếu gì. Có lần, thầy thấy chị ngồi lau ống khói đèn thờ, thầy bảo, xứ nầy không hợp với chị, thầy nói câu nào nghĩ lại cũng trúng. Em gặp thầy một lần coi, thầy Thành nói chuyện hay lắm, thì người ta từ thành phố xuống mà. Nghe kể chuyện trên đó rồi, chị thấy sống ở đây chán thiệt, chán thí mồ đi. Gì mà ngày nào cũng giống y ngày nấy, hổng thấy thay đổi gì hết trơn”.
Vậy rồi tôi lại đi, một bữa má tôi lên thăm, mới bước chân tới cửa đã vừa nói vừa khóc: “Con Ái tệ quá, nó bỏ chồng nó theo người ta rồi. Biết nó hư thân vậy, má thà sanh cái hột gà, hột vịt còn hơn. Thôi, hết rồi, coi như đời nầy má không coi nó là con má nữa”. Rồi má hỉ mũi cái rột: “Con coi kỹ, có phải cái nhà thằng Trọng chỉ có đàn ông là sống được?”. Tôi không trả lời, Trọng mà rước tôi về bên ấy, chừng nào tôi bỏ đi.
Trời Ô Môi rộng vô cùng, đất thênh thang vô cùng bởi những khoảng trống mà chị Hai tôi bỏ lại. Má tôi xấu hổ vì con gái một dạ hai lòng, nhà có gì ăn cũng chắt chiu cho cha con Trọng, như bù đắp nỗi đau, nỗi thiệt thòi. Tôi cười thầm má tôi hoài, buồng chuối xiêm, trái mướp, nắm rau với mấy cái bánh con con làm sao bù đắp nổi một con người, sao má tôi không đem tôi qua bển để đền, tôi hy sinh liền cho má coi. Nhưng từ lúc chị Ái tôi bỏ đi, cứ mỗi lần qua nhà, Trọng lánh đi chỗ khác. Tôi buồn, trách. Thằng Bầu mới sáu tuổi nhưng đã trở thành xướng ngôn viên cho ba nó, nó biểu: “Dì út đừng có giận, ba con nói dì giống má con quá, nhìn dì, ba con chịu hổng nổi”.
Mười năm rồi, không biết đã thay đổi gì chưa. Tôi hỏi thằng Bầu lúc rày ba nó làm gì mà đen thui vậy. Thằng Bầu nói, hết mùa, ba nó chạy xuồng ra bến đò ngoài thị trấn chạy đò dọc. Nhiều công chuyện lắm, ba con nó còn coi sóc cái rẫy khóm ngoài liếp nữa.
Trọng không nghèo, nhưng cũng chưa đủ giàu để sửa lại ngôi nhà đã bệu rệu. Mối mọt, bù xè thi nhau tấn công vào những cây cột gỗ, bộ ngựa chân quỳ, mấy cái tủ thờ, trường kỷ. Tôi nằm nghe rõ ràng tiếng bù xè nhai cây trèo trẹo. Thằng Bầu nói con mèo mướp càng già càng tệ, mỗi lần bắt được một con chuột là mỗi lần làm ngói rớt xuống, bể tan nát. Thật ra, với tài bươn chải, tháo vát, tằn tiện, lại thêm má tôi giúp đỡ, Trọng có thể cất được một cái nhà khác, gọn gàng, vừa đủ để ở.
Tôi nói gần xa, chê chỗ nầy cây mục, chỗ kia kèo sắt gãy. Trọng nói anh cũng lo không biết căn nhà có qua nổi mùa mưa năm nay không. Không biết cha con anh có còn giữ gìn được những bức liễn chạm trổ cầu kỳ, những bức tranh vẽ cảnh đồng quê, trời đất, trâu bò, trẻ con hiền hòa, những tờ giấy dán tường vẽ truyện Trầu Cau, truyện Tấm Cám, rồi cái giường, căn buồng, cái ngạch cửa… Bữa nào mưa lớn, hai cha con cũng chạy xất bất xang bang. Tôi hỏi chạy làm gì, thằng Bầu cười: “Chạy đi lấy đồ hứng nước dột đó, dì Út”. Tôi cười:
– Anh Hai à, để vầy hoài đâu có được, thôi, cất nhà mới cho rồi, ông bà mình rồi cũng hiểu cho mình chớ chấp nhứt gì. Trọng chỉ cười nhẹ, ngó ra khoảng sân nắng. Thằng Bầu cười: “Dì Út giống hệt ngoại, biểu y chang. Ba con nói với con hoài, ba con hỏng muốn thay đổi gì hết, để má con nhớ được đường, nhớ được nhà mà về”.
Trời ơi, tới bây giờ, Trọng còn mong một ngày như thế, cái ngày mà chị tôi sẽ trở về. Chị sẽ về ư? Sẽ về à? Không biết! Chỉ biết anh giữ nguyên cảnh cũ nhà xưa là để chờ người đang sống. Tự nhiên trong bụng tôi thấy rầu. Bầu lại tròn con mắt: “Để con nấu cơm đãi dì Út một bữa, mà, chút xíu nữa cơm chín rồi, dì ở lại ăn cơm với hai ba con, trừ ngoại ra, lâu lắm nhà con mới mời cơm được một người”.
Càng lớn, thằng Bầu càng giống Trọng, tử tế, đàng hoàng lại pha thêm một chút gàn gàn. Bữa giỗ, Trọng uống hơi nhiều, nó ngồi kế bên nhắc: “Ba, ông cố nói, uống rượu có chừng thôi, uống ít còn nhiều, uống nhiều là mất hết đó”. Cao hứng cỡ nào Trọng cũng ngưng lại ngay đó, ai cũng lạ khi thấy thằng con nói vậy mà cha cũng nghe.
Bây giờ, Bầu vừa bước qua tuổi mười lăm, chưa chắc nó nhớ chuyện cũ. Hai dì cháu lụi hụi trong bếp, tôi hỏi, “Bầu, còn nhớ má hôn con?”, nó ngần ngừ một lúc, nhìn quanh, rồi nó thầm thì “Con cũng hổng biết, chắc là không. Nhưng nói thiệt, con sợ ba buồn… Hồi má đi, con mới chút tẳn chớ gì…”. Nó nói, có má cũng được, mà không có cũng được. Bây giờ quần áo rách, nó tự may được rồi, nhà cửa nó cũng dọn dẹp gọn bân nhưng cũng có lúc nó cần có má, để hỏi vài chuyện… Tôi hỏi chuyện gì, nó cười, bẽn lẽn, dường như những câu chuyện đó người ta chỉ dành để nói với má người ta. Tôi thương nó chút nữa đã ghì đầu nó ôm vào ngực. Chợt nó hỏi: – Sao dì Út không lấy chồng, dì ở vậy hoài, bà ngoại rầu lắm đó. – Dì còn phải đi hát. – Đi hát vui hơn lấy chồng hả dì?
Tôi cười, lấy chồng vui hơn, nhưng phải lấy ngay trân người mình thương kìa. Còn đi hát thì không vui không buồn, mơ hồ lắm, thấy cười ha ha chưa chắc là vui, thấy rặn ra một đống nước mắt vậy mà hổng phải buồn. Có lúc đang ở nhà lại muốn đi, có lúc đang hát trên sân khấu vậy tự nhiên thèm về nhà. Bầu hỏi tôi thường đóng vai gì, tôi kể, nhiều lắm, hiền có, ác có, mà toàn vai phụ không thôi… Tự dưng tôi nghe nỗi buồn chao chát trong lòng, tôi bảo, nhưng có một vai dì thèm mà không ai cho đóng, vai gì hả, vai một người bình thường, có chồng, sống với nhau trong căn nhà xưa, cũ kỹ. Buổi sáng chở mớ rau vườn ra chợ, mua ít thức ăn mang về nấu bữa cơm trưa, chiều phụ chồng mần cỏ rẫy, chạng vạng chờ chồng từ ngoài đìa vác một mớ bông súng bước vô nhà… Và để được nghe con trai mình nói với mình những câu chuyện chỉ để dành nói cho má nó nghe thôi. Ừ, dì chỉ ước có vai bình thường vậy…
Trọng đang nằm võng, tôi nghe nhịp đưa vùn vụt rồi cò kẹt dùng dằng chậm lại, tôi biết anh có nghe lời tôi nói. Căn nhà tự nhiên lặng lẽ đến kỳ lạ, nghe tiếng thằng Bầu thở ngỡ ngàng, nghe cả tiếng ơ cá kho sôi tăm tăm trên bếp, tôi ngửi thấy đâu đây mùi bông súng Đà Lạt thơm dịu, ngọt thanh pha cái mùi tanh tanh của bùn dưới đáy ao. Không lẽ im re hoài, tôi nói với Trọng, rằng anh có nhớ chị Hai thì cũng vậy thôi, người vẫn chưa về, thử thương tôi đi, tôi sẽ giúp thằng Bầu nấu cơm, vá áo, giúp anh lau ống khói, châm dầu cái đèn chong nhỏ, giữ cho ngọn lửa suốt đêm ngày le lói đỏ như giữ vạn truyền thống nhà mình đã trăm năm nay. Sau này, chị Hai có về, tôi sẽ trao anh lại, như ngày xưa vậy, tôi làm cũng được lắm mà, gọn bân chớ gì.
Mà, trời ơi, Trọng ác với tôi chi vậy, sao bắt tôi phải kìm lòng không được để nói ra, nhìn tôi mà không hiểu à?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.