Hạnh phúc lối nào

Còn nhớ gia tài



Huynh Huệ Minh cười mà nói:

– Em hiểu rồi, em rất cám ơn cô chỉ dẫn đường sáng suốt cho em biết mà đi.

Huynh lấy giấy tờ đút hết vào bao thơ rồi từ giã cô Diệu Nga mà trở về chùa.

Ai cũng biết cô Oanh, con gái của Hội Đồng Mai ở Rạch Kiến, là dâu của bà Xã Cầm, vợ của cậu Đường. Nhưng biết cô là nhờ người ta nói mà thôi, chớ chưa thấy hình dáng, mặt mày thế nào. Biết cô về nhà chồng hồi 19 tuổi, cô được mẹ chồng cưng, mà cô lại không hạp tâm chí với chồng, ưa đi lên Sai Gòn ta bà, làm cho chồng buồn rầu, chán nản. Biết cô ghen, làm vỡ lở cả chợ Cần Giuộc ai cũng ghét, biết chồng chết cô ở bên nhà chồng được một năm, chừng thấy mẹ chồng rước cháu ngoại của người tá điền về mà nuôi, lại nuôi thêm mẹ đứa nhỏ nữa, thì cô giận nên cô bỏ trở về ở với cha mẹ, rồi trong vài tháng cô lấy chồng khác ở trên Sài Gòn, cải giá không đợi mãn tang chồng, không thèm trình cho bà mẹ chồng trước hay, mà từ đó đến nay, đã hơn ba năm rồi, cô cũng chẳng hề bước chưn tới nhà mà thăm bà mẹ chồng cũ.

Vậy tưởng cũng nên trình cho anh chị em có dịp đọc truyện nầy biết sơ nhan sắc của cô Oanh và biết thêm coi người chồng thứ nhì của cô là ai và mấy năm nay cô làm việc chi.

Năm bà Xã Cầm nhờ ông mai tiến dẫn mẹ con bà qua Rạch Kiến mà xem tướng mạo cô Oanh, thì cô là một thiếu nữ mới lớn lên, thuộc con nhà có ăn, áo quần và nhan sắc cũng như muôn ngàn gái thuộc hạng trung lưu như cô, không thua ai, mà cũng không hơn ai. Cô có hơn gái ở đồng là vì có anh chị ở Sài Gòn, cô có lên ở đi học vài năm nên biết đọc biết viết, cô có xem chớp bóng và xem hát cải lương nhiều lần, lại có được ra Long Hãi chơi cho biết biển một lần, nhờ vậy mà cô dạn dĩ, lanh lợi, rồi cô cho cô là gái tân tiến, gái trí thức, gái thời đại, mặc dầu cô không hiểu ý nghĩa về mấy danh từ ấy.

Chừng chồng chết, cô giận mẹ chồng già rồi mà không chịu giao quyền cho cô cai quản sự nghiệp, lại rước mẹ con đứa nhỏ giống hệt chồng cô về nhà mà nuôi, cô mới bỏ áo quần mà về ở với cha mẹ, rồi cô cặp với người chồng khác, không cần hôn thơ hôn thú chi hết. Người chồng sau nầy là ông Thông, lối bốn mươi tuổi, cũng một chạn với cô.

Ông Thông nầy bành khành, vui vẻ, nhậm lẹ, ưa hoạt động, lại cũng thích nhậu nhẹt. Trước khi đụng cô Oanh ông ở một căn phố phía sau chợ Tân Định; người ta thấy ông ở một mình chớ không có vợ con, chỉ có một người đàn ông ở nấu ăn và giữ nhà. Vì ông có một cái xe hơi cũ, ông lái mà đi hoài, nhiều bữa ông không về ăn cơm nhứt là buổi chiều ở nhà khỏi lo nấu cơm, vì thường thường ông ăn nhậu tới khuya rồi ông mới về. Nếu bữa nào ông về sớm thì ông sai mua bánh mì, cháo mà ăn vậy thôi.

Nếu hỏi ông làm nghề gì thì thiệt không biết sao mà nói cho đúng. Ông không phải công chức, mà cũng không phải tư chức; không phải thương gia, mà cũng không phải kỹ nghệ gia. Mà không được phép nói ông là người vô nghiệp nghề, bởi vì ông có công việc làm hằng ngày có khi làm thêm tới ban đêm nữa, làm đủ thứ việc, ai cậy việc nào ông làm việc ấy, bất luận việc gì, dắt mối cho Trạng sư, qua Thương khẩu lãnh hàng nhập cảng giùm cho mấy hãng hoa kiều, chạy chọt kiếm mua mấy thứ hàng khan mà bán lén lại cho người cần dùng, ai muốn thứ nào thì cho ông biết, ông sẽ chạy cho, giá mắc một chút, mà thế nào ông cũng mua được vì ông giao thiệp rộng lại được lòng tín nhiệm của nhiều tiệm nhiều sở, chỗ nào ông cũng có bạn thân, bởi vậy, việc khó mà giao cho ông lo chạy chọt thì khó hóa ra dễ. Ông làm việc như vậy mà ông sống dư dả, no ấm, trong mình có bạc ngàn luôn luôn, nhiều khi có tới bạc muôn nữa.

Mấy năm nay làm bạn với Cô Oanh, tánh tình của ông hạp ý với cô Oanh lắm vợ chồng đồng chí, vì vậy mỗi ngày ông đi cô xin theo mà giúp tay cho ông; thiệt cô giúp thường được việc lắm nên người ta tin cậy rồi khi ông mắc chạy lỡ việc nầy thì ông biểu cô chạy việc khác thế cho ông. Rủi làm sao mà ăn ở với nhau mới có mấy tháng rồi cô lại có thai. Chừng ngày gần sanh cô phải nằm nhà mà nghỉ trót một tháng. Sanh con gái cô phải kiếm mướn người ở mà nuôi cho bú sữa bò đặng cô rảnh tay mà đi làm việc phụ với chồng.

Có con rồi ông Thông thuần nết không dắt vợ vào tửu điếm trà đình nữa. Mặc dù ông cũng mặc áo sơ mi cụt tay lái xe hơi mà đi, có cô uốn tóc quăn, mặc áo màu, ngồi một bên luôn luôn, nhiều bữa phải nhậu nhẹt với anh em đặng bàn tính công việc, nhưng gần tới bữa ăn thì vợ chồng về nhà ăn cơm rồi giỡn chơi với đứa con gái nó lớn lần lần đã biết nói biết đi rồi.

Cũng vì lo chạy việc giùm cho một người bạn nên chiều bữa đó vợ chồng cô oanh đi Gò Vấp về khát nước mới ghé nhà hàng “con gà vàng” ở Đất Hộ mà uống la ve với người bạn. Chừng ra xe mà đi, cô Oanh thấy ông Đốc Thắng và bà Xã Cầm, cô đứng mà ngó trân trân, không hiểu có việc chi mà bà Xã thường không chịu nới ra Cần Giuộc, bữa nay bà lên tới Sài Gòn, lại đi với ông Đốc Thắng và cô nào đó. Cô Oanh phát nghi, cô biết cô giáo Đào, và mấy năm gặp nhau thường nên cô biết chỗ cô Đào ở. Cô chắc ông Đốc Thắng với bà Xã lên ở đó, bởi vậy thấy mấy người vô nhà hàng cô lên xe biểu ông Thông chạy lại nhà cô giáo Đào cho cô hỏi thăm một chút chuyện.

Nhờ cô giáo Đào thiệt tình cô không giấu chi hết, mà nghĩ có hại gì sợ mà phải giấu, bởi vậy cô Oanh mới hay hồi trước, Đường kết tình với cô giáo Hưởng có sanh được một đứa con trai. Bà Xã cậy ông Đốc đi tìm mẹ con cô Hưởng giùm cho bà. Tìm được rồi nên bà lên nói mà rước mẹ con cô Hưởng về ở với bà mà quản suất sự nghiệp và phụng tự ông bà. Cô chắc người đứng với bà Xã hồi nãy là cô Hưởng. Cô hỏi còn người con trai của Đường ở đâu sao không thấy. Cô Đào mới nói còn tu ở bên chùa Nhơn Hòa chắc ăn chay không thể ăn nhà hàng được, nên không thấy.

Vê ăn cơm tối với ông Thông. Cô Oanh mới nói gia đạo của bà Xã Cầm cho ông biết, rồi thuật việc cô Đào nói hồi nãy nữa. Cô quyết định sáng bữa sau cô phải đi xuống Cần Giuộc mà tranh gia tài của chồng trước có hôn thú đàng hoàng, chớ mẹ con cô Hưởng với mẹ con cô Thậm là đồ trôi sông lạc chợ không có bằng cớ gì, mà tranh gia tài của bà Xã được. Nếu bà Xã cự nự thì cô kiện mà đòi chia phân nửa. Còn nếu bà Xã muốn êm thì ít nữa cũng phải cho cô lối ba chục ngàn cô mới chịu hòa.

Áp phe nầy thuộc trong khuôn khổ hoạt động của ông Thông, bởi vậy nghe nói rồi thì ông đốc vợ đi. Ông nói việc đó đáng làm, dầu tốn công đôi ba tháng cũng không nệ chẳng luận thất công đi ít bữa. Nhưng ông dặn phải cẩn thận phải dùng chiến lược tiên lễ nhi hậu binh. Mấy bà già quê mùa ưa mình lấy lễ nghĩa mà bôm ngọt, chừng nào họ không biết nghe rồi mình sẽ khai chiến, sẽ hăm dọa.

Vợ chồng đồng tâm hiệp ý bởi vậy sáng bữa sau cô Oanh đi Cần Giuộc thăm mẹ chồng cũ, chắc hồi hôm sẵn có xe lô nên ăn cơm rồi bà đã về liền. Cô mặc quần lãnh đen, áo cẩm nhung cũng đen, chớ không bận áo màu sợ mẹ chồng nói mình còn ham lòe loẹt.

Xe đò xuống tới đầu bờ vô nhà bà Xã Cầm thì cô Oanh kêu sớp phơ biểu ngừng cho cô xuống. Cô ôm bóp đi vô, ngó cảnh cũ cô bỏ mà đi đã hơn ba năm rồi, cô có hơi nao nao trong lòng chút đỉnh, nhưng không buồn mà cũng không thẹn. Lúa hai bên bờ đã chạy lá gai, trong mươi bữa nữa sẽ gặt được. Cây sua đũa trồng dài theo hàng rào đến mùa gió chướng trổ bông trắng coi rất đẹp, mà đẹp thiệt thà theo cảnh thú thôn quê.

Cô Oanh bước vô sân. Một con chó vàng với một con chó vện ở trong nhà luôn chạy ra đón cô mà sủa om sòm, làm cho cô sợ nó cắn, nên cô đứng khựng lại, không dám đi nữa.

Ông Ba Tào đương giẫy cỏ dọn sân đặng chừng gặt có chỗ sẵn mà chất lúa bó. Ông đứng dậy la chó và đuổi nó đi cho khách vô.

Cô Oanh ngó ông vừa cười vừa hỏi:

– Ông Ba, ông mạnh giỏi hả?

– Mạnh giỏi… Ủa? Mợ hai mà tôi tưởng ai ở đâu lạ chớ.

– Ừ, lâu quá rồi chó nó lạ, nên nó sủa dữ quá. Có bà ở nhà hay không ông Ba?

– Không có. Bà đi Sài gon, đi hồi sáng hôm qua bà chưa về.

– Bà bỏ nhà cho ai coi mà đi lâu như vậy được?

– Có hai mẹ con cô Thậm coi. Cô Thậm là con của ông hương nghị Thiệt ở dưới Mồng Gà, có lẽ mợ biết mà. Tôi nhớ năm bà rước hai mẹ con về giúp coi trong coi ngoài cho bà thì mợ hai còn ở bên nầy mà.

– Phải. Bữa rước về đó có tôi. Qua bữa sau tôi mới về bển.

– Mợ hai vô nhà uống nước. Có cô Thậm ở trỏng.

Cô Oanh xăng xớm đi ngay vô thềm mà bước lên hàng tư.

Nãy giờ cô Thậm nghe cô Oanh nói chuyện với ông Ba Tào thì cô biết là vợ lớn của cậu Đường hồi trước, bởi vậy cô bước ra cữa đón chào:

– Em chào mợ hai. Lâu quá mợ hai mới qua thăm bà, mà lại rủi không có bà ở nhà. Mời mợ hai vô uống nước.

Cô Oanh ngó cô Thậm trân trân rồi nói:

– Tôi qua có việc riêng một chút. Sẵn dịp tôi ghé thăm má tôi. Má tôi mạnh hả? Có nói đi chừng nào về hay không?

Cô Thậm nói:

– Bà nói đi công chuyện ít bữa, chừng nào xong thì bà về chớ không định trước chắc bữa nào.

Cô Oanh vô nhà, cô đi lại chái dòm bàn thờ chồng rồi thủng thẳng đi hết mấy căn mà coi. Cô Thậm kêu con biểu chế một bình trà đặng mợ hai uống.

Cô Oanh đi thẳng xuống nhà dưới và vô bếp. Cô thấy chị bếp nấu ăn lạ, mà người ngồi bửa củi ngoài sân sau cũng lạ nữa. Cô mới trở lên nhà trên, lại ván mà ngồi.

Cô Thậm thấy con Cát xách bình trà ở nhà sau đi ra cô rước mà rót một tách, rồi biểu con bưng lại mời khách uống.

Cô Oanh ngó Cát và hỏi cô Thậm:

– Phải con nhỏ của cô đây hay không?

– Thưa, phải.

– Năm nay nó đuợc mấy tuổi?

– Mười lăm tuổi.

– Gương mặt nó giống anh Đường quá. Ngó thấy thì biết con của ảnh liền. Má tôi có nhìn nó là cháu nội hay không?

– Thưa, không.

– Ủa! Không nhìn cháu, sao lại đem về nuôi mà chi? Cô lại đây, lại ngồi gần đặng tôi hỏi thăm một chút.

Cô Thậm kéo ghế ngồi trước mặt cô Oanh.

Cô Oanh hỏi tiếp:

– Vậy chớ má tôi không biết nó giống anh Đường hay sao?

– Thưa, không hiểu. Em về ở mấy năm nay, em không nghe bà nói gì hết.

– Mà phải nó là con của anh Đường hay không?

– Con cậu chớ con ai.

– Cô cũng không nói cho má tôi biết hay sao? Không nói thì sao lại chịu về ở đây ?

– Năm trước bà xuống thăm ruộng, bà than với cha em không có người coi sóc việc trong nhà. Bà cậy cho mẹ con em lên giúp bà, em coi việc trong nhà, còn con Cát thì hầu trầu nước. Cha em là tá điền. Bà chủ điền cậy thì từ chối sao được. Bởi vậy mẹ con em phải ở từ đó đến giờ. Bà không biểu về thì đâu dám về. Bà không nói tới việc con cháu thì em đâu dám nhắc tới làm gì.

– Mỗi năm má tôi có cho tiền bạc gì hay không?

– Bà mướn may áo quần cho mẹ con em bận tử tế. Mỗi năm bà bớt vài chục thùng lúa cho cha em. Bà mua bông tai cho mẹ con em đeo. Năm ngoái tới tết bà cho con nhỏ em một đôi vàng chạm. Em tưởng vậy thì đã nhiều lắm rồi. Có phải bà mướn ở đợ đâu mà đòi tiền công.

– Tội nghiệp! Thiệt thà quá! Để cho chủ điền lừa công mà cũng không dám phiền. Nầy, để tôi hỏi việc nầy coi có phải vậy hay không nghe hôn. Tôi nghe người ta nói trước anh Đường trai gái với cô giáo Hưởng có sanh được một đứa con trai, mà ảnh giấu nên bà già không hay. Mới đây bà già nghe nói bà cậy ông Đốc học Thắng đi tìm dùm mẹ con cô Hưởng cho bà. Tìm được ở trên Saigon rồi nên bà già lên rước hai mẹ con về đặng bà già giao sự nghiệp cho hai mẹ con quản suất mà phụng tự ông bà. Bà già đi Saigon là vì có việc đó, phải hôn? Cô nói thiệt cho tôi nghe chơi coi họ đồn như vậy mà có hay không?

– Hôm qua, trước khi đi, bà căn dặn em coi nhà cho bà đi ít bữa, đi kiếm cháu nội mà rước về đặng ngày sau nó cúng quẩy ông bà. Bà nói vậy thì hay vậy, em không dám hỏi cho kỹ.

– Chuyện đó tôi biết rõ hết. Má tôi kiếm được cô Hưởng với thằng con của cổ đương ở tu trên chùa Nhơn Hòa rồi. Thiệt má tôi tính rước mẹ con cô Hưởng về đây mà nuôi đặng giao hết ruộng đất cho mẹ con coi thâu góp lúa để cúng quẩy ông bà. Tôi tưởng đã về rồi nên tôi mới xuống đây.

– Chưa về.

– Nếu bữa nay không về thì mai cũng về. Kiếm được rồi còn ở trển làm chi. Tôi nhứt định tôi tranh cản, không chịu để má tôi giao gia tài cho mẹ con cô Hưởng ăn. Tuy tôi ở với anh Đường không có con, nhưng vợ chồng có hôn thú rành rẽ. Có giao gia tài thì giao cho tôi chớ giao cho quân bá láp, thuở nay không có ai biết hết, giao như vậy sao được. Cô ăn ở với anh Đường cô cũng có con vậy. Con của cô giống anh Đường ai thấy cũng biết hết. Lại mẹ con cô về ở trong nhà đã ba bốn năm nay rồi. Cô cũng phải tranh cản như tôi, đừng để cho họ ăn uổng.

– Phận em thiệt thà, em có hiểu gì đâu mà dám tranh giành mợ. Bà làm sao tự ý bà. Em không dám nói.

– Sợ gì? Quyền lợi của cô mà cô nói xụi lơ vậy sao được. Có con cô phải lo tương lai cho con cô chớ. Cô hiệp với tôi mà tranh gia tài nầy rồi chị em mình chia với nhau mà hưởng.

– Mợ hai làm sao được mợ làm. Phận em quê dốt em có biết luật lệ gì đâu mà dám tranh gia tài.

– Cô không biết thì có tôi biết. Tôi bày biểu cho, cô đừng sợ. Nếu má tôi làm ngang để hết sự nghiệp cho mẹ con cô Hưởng ăn thì mình mướn Trạng sư làm đơn mà kiện tới tòa.

– Cha chả mợ hai bày cho em thưa kiện thì mích lòng bà lắm. Cái đó chắc em không dám rồi.

– Ở đời phải tranh đấu mới sống được. Cô thiệt thà thì tôi chỉ biểu giùm cho. Có tôi cầm đầu thì cô còn lo gì nữa. Phải tranh cản gia tài nầy đặng tôi với cô chia nhau mà hưởng mới phải. Bây giờ má tôi chưa về, thì chắc có việc gì trục trặc sao đây, nên còn ở trển. Vậy để tôi về tôi hỏi lại, chừng nào về thì tôi sẽ xuống nữa.

– Mợ hai ở cho tôi dọn cơm ăn rồi hãy về, chắc cơm cũng gần chín rồi.

– Thôi cảm ơn. Hồi sớm mơi ăn đồ no rồi tôi mới đi đây. Tôi chưa đói. Cô nhớ nghe hôn. Hễ tôi xuống tôi mở chuyện gia tài ra mà nói đặng tranh cản, thì cô tiếp vô. Hai chị em mình hiệp nhau mà tranh mới mạnh.

Cô Thậm cười. Cô Oanh từ giã ôm bóp mà đi.

Cô Thậm lơ lãng không biết có nên nghe lời cô Oanh hay không. Ăn cơm rồi cô muốn đi về Mồng Gà mà hỏi cha. Ngặt cô sợ ra đi rồi bà Xã về, bà không thấy cô bà trách sao bà có dặn mà cô dám bỏ nhà mà đi.

May xế có ông Hương nghị Thiệt đi chợ mua đồ, luôn dịp ông qua thăm bà chủ điền và thăm con cháu của ông. Cô Thậm mừng cha, cô nói cho cha hay bà chủ điền đi Saigon đặng rước dâu với đứa cháu nội trai mới tìm được. Cô cũng nói việc cô Oanh xuống tranh gia tài và xúi cô Thậm cũng phải tranh như cô, hai chị em hiệp nhau mà giành rồi chia nhau mà hưởng chớ đừng nhịn thua chịu hẹp để cho mẹ con cô Hưởng ăn hết uổng lắm.

Ông Hương nghị Thiệt ngồi nghe con tỉ mỉ thuật đủ mọi điều rồi ông mới nói:

– Mợ hai muốn làm giống gì tự ý mợ. Con đừng có dại nghe lời mợ xúi con nói bậy bạ mà mích lòng bà chủ điền. Bà hiền lành nhơn đức, bà đãi mình tử tế quá còn gì nữa. Con nghĩ mà coi, cậu Hai có vợ nhà, nhưng vì cậu yêu con, nên cậu xáp với con, lỡ sanh con Cát, vì tánh mợ Hai khó, sợ đem mẹ con con về ở chung sanh rầy rà trong nhà, nên cậu để ở dưới nầy cho êm. Nhưng hơn mười năm cậu châu cắp cho mẹ con con ấm no lành lẽ luôn luôn, chớ có bỏ bê gì đâu. Rủi cậu mất đi, không hiểu cậu có trối trăn gì với bà già cậu hay không. Nhưng cách ít tháng bà xuống chơi, tuy bà không hỏi gốc tích con Cát, bà không nói bà nhìn nó là cháu nội, song bà rước hết mẹ con con về bà nuôi, cho ăn một mâm, cho ngủ như con cháu trong nhà, mua bông tai cho con đeo, cho mặc đồ hàng lụa luôn luôn, lại sắm vàng cho con Cát nữa. Mấy năm nay mẹ con con sung sướng như chủ nhà, muốn thứ gì cũng có hết. Còn về phần cha thì bà bớt lúa ruộng đỡ cho cha lung lắm. Bà ở với mình tử tế như vậy, mình nỡ nào mở miệng mà nói gì được con. Bà chủ điền biết điều lắm. Con với con Cát cứ trung thành tận lực mà phục sự cho bà thì bà không quên công ơn đâu mà lo. Còn đừng có nghe lời mợ hai. Mợ nói mai mợ xuống nữa hay sao?

Cô Thậm nói:

– Dạ, hồi sớm mơi mợ về, mợ nói mai mợ trở xuống cho gặp bà đặng mợ tranh gia tài. Mà về trển mợ hỏi coi như ngày nay bà về thì buổi chiều mợ trở xuống.

– Nếu vậy thì cha ở chơi, nếu chiều nay mợ có trở xuống thì cha cắt nghĩa phải quấy cho mợ nghe. Như mợ không xuống thì chiều tối cha về, sáng mai cha trở lên mà đón mợ nữa. Lúa chưa chín nên lúc nầy ở nhà thì nằm co, chớ không có công việc gì mà làm. Mợ nói chuyện gia tài với bà chủ điền phải có cha ở đó đặng nếu mợ có kèm con vô thì cha cãi với mợ, chớ để con nói bậy hoặc con làm thinh, bà chủ điền tưởng con a ý với mợ, bà giận luôn tới con thì hại lắm.

Ông Hương nghị Thiệt ở chơi tới chiều mà không có bà Xã về, lại cũng không thấy cô Oanh xuống. Cô Thậm dọn cơm cho ông ăn rồi ông về, nói sáng mai ông lên nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.