Hoa Sen Trên Tuyết

Chương II



C hiếc xe lửa cũ kỹ đang leo dần lên đèo cao, nhiệt độ xung quanh bắt đầu thay đổi, nhiều người trong xe vội vã khoác lên mình những chiếc áo ấm nhưng tôi vẫn yên lặng nhìn ngắm những tia nắng chập chờn nhảy múa trên sườn núi phủ đầy tuyết trắng.
Mọi ấn tượng từ trước của tôi về rặng Himalaya đều không thể so sánh với sự hùng vĩ thực sự của nó. Nét uy nghi đồ sộ của rặng núỉ cao nhất thế giới đã làm mọi vật xung quanh trở nên nhỏ bé tầm thường. Tôi nói nhỏ:
– Himalaya! Rốt cuộc rồi tôi cũng đến đây.
Cô gái Đức có mái tóc vàng óng ả ngồi bên cạnh bỗng reo lên:
– Trời ơi đẹp quá! Trông giống như một tòa lâu đài…
Cô ta chỉ vào một tảng đá lớn trên sườn núi:
– Ông thấy không? Trông như tòa lâu đài miền Bavaria…
Tôi mỉm cười lắc đầu:
– Tôi trông nó giống như một khuôn mặt người…
Cô gái nghiêng đầu chăm chú nhìn rồi rú lên:
– Phải rồi, khuôn mặt của Beethoven! Ông nói đúng đấy… Trông mái tóc bồng bềnh kìa… Còn chiếc mũi nữa… Không thể sai vào đâu được. Đúng là Beethoven.
Tôi mỉm cười không nói gì, những tảng đá trập trùng quanh đường đèo với muôn hình vạn trạng mà tùy trí tưởng tượng, người ta có thể nhìn thấy nó dưới một hình ảnh nào đó. Câu nói của Dennis bỗng vang vang trong tâm trí tôi: “Bạn có thể coi đó là những tảng đá vô tri cũng được, nhưng tôi thì lại thấy đó là những vị Thiên Long, Hộ Pháp che chở cho thung lũng miền này…”.
Gã thanh niên người Pháp ngồi gần đó từ bấy đến giờ vẫn chúi mũi vào cuốn sách dày cộp bỗng xen vào:
– Tôi trông nó giống như mũi của de Gaulle [2] … Không ai có chiếc mũi giống như ông ta…
Cô gái Đức cau mặt nguýt anh chàng người Pháp một cái thật dài rồi chỉ vào một tảng đá khác:
– Còn tảng đá kia chắc là… nhà thờ Đức Bà ở Paris ha?
Anh chàng người Pháp hóm hỉnh:
– Không! Đó là bức tượng Nụ hôn [3] của Rodin.
Cô gái Đức bật cười:
– Chắc ông là một sinh viên điêu khắc?
Anh chàng người Pháp nghiêm nghị:
– Thưa không? Tôi là giáo sư Toán ở Toulouse. Tôi tên là Jean Claude.
– Tôi là Anna Ulmer… còn ông đây?
– Tôi là Alan Havey, các bạn bè thường gọi tôi là Al.
– Al… nghe giống như “Al Capone [4] ”?
– Phải rồi… ông trùm “Al Capone”.
Anh chàng người Pháp gấp cuốn sách lại mỉm cười:
– Này anh bạn “Al Capone”, anh đến đây làm gì? Phải chăng anh là một văn sĩ, nghệ sĩ hay triết gia?
– Tôi chỉ là một khách du lịch…
Gã hippy râu tóc bờm xờm ngồi ghế sau lúc nãy cũng đã tỉnh dậy, nhấc chiếc nón rộng khỏi đầu và lẩm bẩm:
– Đẹp quá… Đẹp quá!
Chiếc xe lửa dừng lại ở một thị trấn nhỏ, ánh mặt trời đã khuất sau sườn núi. Gã hướng dẫn viên người Ấn huơ tay nói lớn:
– Chúng ta tạm nghỉ ở đây một chút.
Một đám trẻ em ở đâu ùa tới bám lên thành cửa sổ rao bán những sản phẩm địa phương và nói líu lo điều gì đó không rõ. Gã hướng dẫn viên xua tay đuổi chúng như xua một đàn ruồi. Cô gái Đức vươn vai rồi lôi trong bọc ra một chai rượu gin khá lớn:
– Làm một ngụm chơi anh bạn?
Tôi mỉm cười lắc đầu từ chối, gã hippy ngồi đằng sau chợt vươn tay ra chụp lấy chai rượu:
– Tôi thì không từ chối đâu…
Gã ngửa cổ nốc một ngụm lớn rồi khoan khoái thở một hơi mạnh:
– Rượu này được lắm đấy chứ…
Cô gái Đức cũng ngửa cổ nốc một hơi dài rồi mỉm cười:
– Yeah!… Tuyệt diệu!
Anh chàng người Pháp cau có đứng dậy vặn mình mấy cái rồi châm một điếu thuốc. Anh ta chăm chú nhìn tôi:
– Tôi trông ông không giống như một nghệ sĩ hay triết gia. Nhất định ông bạn phải đi tìm kiếm một cái gì đó?
– Tại sao tôi phải đi tìm kiếm một cái gì đó?
– Trông ông không giống như một du khách, các du khách Hoa Kỳ không mấy ai mạo hiểm đến những vùng hẻo lánh này…
– Thì anh bạn cứ xem tôi là một du khách mạo hiểm đi.
Anh chàng người Pháp nghiêm mặt nói thật chậm:
– Phải chăng ông muốn đi tìm kiếm chính mình?
– Tại sao bạn lại nghĩ thế?
– Tôi biết mà! Tôi đoán không sai, ông bạn đang phân vân về câu hỏi “Tôi là ai?” và tìm câu trả lời. Ông bạn đang tìm kiếm cách trở về với cái “bản lai chân diện mục”, danh từ Phật giáo đã gọi như thế và Tâm lý học thì gọi là “khám phá bản thân” phải không?
Tôi mỉm cười nhìn anh chàng người Pháp với tập sách dày trên tay, anh ta liến thoắng:
– Ông đã đọc The Jewel in the Lotus chưa? Hoặc ông có thích loại sách của Trungpa, Alan Watts, Suzuki, Govinda? Tôi có mang theo đây một cuốn sách mới nhất của Restif de la Bretonne, và cả sách của Krishnamurti nữa.
Anh chàng lôi trong chiếc túi sau lưng ra một chồng sách:
– Tôi mang theo đủ cả, từ Krishnamurti đến Matthiessen. Tôi rất thích triết học phương Đông, tôi đã đọc tất cả sách về tư tưởng này. Tôi đã từng đọc nhiều sách vở, nhưng càng đọc thể loại sách này nhiều thì càng thấy thiếu sót. Tôi bèn quyết định qua tận nơi nghiên cứu và biết đâu tôi chả “ngộ” hay học được một phép lạ nào đó. Ông biết không? Tây Tạng có nhiều bí mật lắm, tôi tin các vị Lạt Ma còn cất giấu những phương pháp tu luyện bí mật như Thần Nhãn, Thiên Nhĩ, Khinh Công. Ông đã đọc cuốn The Third Eyes chưa? Biết đâu tôi chẳng mở được “Thần Nhãn” tại đây…
Anh ta ngưng một lát để thở rồi tiếp tục:
– Chúng ta gặp nhau bữa nay phải là một “đại sự nhân duyên” vì nếu không thì làm sao chúng ta, những người sống ở những quốc gia xa cách hàng ngàn dặm lại gặp gỡ nhau nơi đây?
– Có thể đó là một sự tình cờ ngẫu nhiên…
– Làm sao có thể ngẫu nhiên được? Theo toán học thì cơ hội gặp một người cùng sở thích, theo đuổi cùng một con đường gần như khó có thể xảy ra.
Tôi mỉm cười vỗ vai Jean Claude:
– Bằng cớ nào mà bạn cho rằng chúng ta cùng sở thích hay đi chung một con đường? Biết đâu tôi chỉ là một du khách tò mò…
Jean Claude lắc đầu:
– Một du khách tò mò đến Dharamsala ư? Không! Trăm ngàn lần không thể được. Không một ai đến đây chỉ để vãn cảnh…
– Tại sao không?
– Dharamsala thì có quái gì để vãn cảnh? Đây đâu phải một đô thị dành cho các du khách. Không ai đến đây để tham quan trừ khi họ đã hết chỗ để đi. Tôi chắc ông đến đây vì một mục đích rõ rệt nào đó…
Tiếng còi xe lửa bỗng rú lên, tàu bắt đầu chuyển bánh ra khỏi nhà ga một cách chậm chạp. Gã hướng dẫn viên người Ấn vừa đi vừa quát mắng những đứa trẻ còn cố bám lấy cửa sổ để bán nốt một vài món hàng. Jean Claude dụi tàn thuốc rồi nghiêm nghị:
– Tôi tin rằng chúng ta có cùng một mục đích.
Đoàn tàu tiếp tục lăn bánh, để lại đằng sau một đám bụi mờ, gã hippy đã leo lên ngồi cạnh Anna Ulmer và thản nhiên lôi chai rượu ra uống ừng ực. Những tia nắng cuối cùng đã biến mất sau rặng núi và trời bắt đầu tối…
Pathankot là một thị trấn nhỏ bé nằm ngay lối vào thung lũng Kangra. Đây là trạm cuối của đường xe lửa, muốn đến Dharamsala người ta phải dùng xe buýt. Trước sân ga, một đám trẻ nhỏ đã chờ sẵn, xe lửa chưa dừng bánh thì chúng đã xông ra mời chào inh ỏi bằng một thứ tiếng Anh không đúng giọng:
– Thưa ngài! Nhà nghỉ ấm cúng đây… chỉ có 20 rupee [5] thôi…
– Quý ngài! Ở chỗ tôi phục vụ thức ăn ngon và có chăn êm nệm ấm…
Gã hướng dẫn viên người Ấn vừa mở cửa xe thì đám trẻ đã ùa vào như nước lũ, có đứa leo qua cửa sổ mời chào:
– Chào mừng quý khách đến Pathankot… Khách sạn tốt đây…
– Hê! Nhà nghỉ ở chỗ này mới tốt hơn nè… Có cả thức ăn ngon nữa…
Tôi là người xuống xe sau cùng, đám trẻ đã lôi kéo những người khác đi được một khoảng khá xa. Tôi định choàng chiếc túi xách lên vai thì một bàn tay nhỏ bé đã nắm chặt lấy chiếc túi.
– Xin chào đón quý ngài. Tôi tên là Ali, làm việc cho khách sạn tốt nhất vùng này, chỗ này yên tĩnh, sạch sẽ, lại có quang cảnh đẹp. Cam đoan không đâu bằng.
Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn xe lửa, tôi thấy một đứa bé trạc mười hai, mười ba, quần áo rách rưới đang nhe răng cười.
– Phòng ốc tốt lắm, thưa ngài… phục vụ cũng chu đáo lắm, thưa ngài…
Tôi vừa gật đầu thì đứa bé đã chụp ngay lấy chiếc túi xách đội lên đầu và rảo bước về phía trước, tôi phải cố gắng lắm mới bắt kịp nó:
– Từ từ thôi chứ, đi đâu mà vội vậy?
Đứa nhỏ dừng lại chờ tôi rồi nhe răng cười:
– Ngài có thuốc lá không?
Nụ cười của cậu bỗng tắt hẳn khi nghe câu trả lời của tôi, cậu bé quay lưng tiếp tục rảo bước và chỉ dừng lại khi đến trước một căn nhà nhỏ với ánh đèn lờ mờ không đủ soi rõ bảng hiệu khách sạn. Một người đàn bà to lớn, tóc bạc như cước bước ra, miệng bà ta đã móm không còn chiếc răng nào nhưng bà vẫn cười toe toét và xổ ra một tràng tiếng địa phương…
Ali dừng lại líu lo một hồi rồi đưa thẳng tôi vào một căn phòng ở phía sau, cậu bé đẩy mạnh cánh cửa gỗ ọp ẹp:
– Đây là phòng của ngài, phòng tắm ở cuối hành lang. Nếu cần gì ngài cứ việc gọi chủ nhà và nói “Ali” là họ hiểu…
Tôi liếc nhìn bộ quần áo rách rưới từ trên xuống dưới của cậu bé rồi rút túi đưa cho cậu 5 rupee:
– Cám ơn cậu, nếu có gì tôi sẽ gọi…
Đôi mắt cậu bé bỗng sáng lên:
– Cám ơn ngài… Ngài đã có người hướng dẫn chưa? Tôi là người hướng dẫn giỏi nhất vùng, ngài nên thuê tôi… Giá rẻ lắm! Chỉ có 15 rupee một ngày…
– Tại sao tôi lại cần một người hướng dẫn?
– Ngài cần tôi hướng dẫn để tham quan phong cảnh trong vùng… Nếu không có người hướng dẫn thì ngài chỉ quanh quẩn trong phố là cùng; nhưng tôi sẽ đưa ngài đi khắp nơi, tôi thông thuộc mọi chỗ trong vùng này… Chỉ mất 15 rupee thôi…
Tôi gật đầu lấy lệ:
– Được rồi, mai cậu hãy đến, bây giờ tôi cần nghỉ ngơi đã.
Đứa nhỏ cúi gập mình xuống:
– Cám ơn ngài! Ngài hãy nhớ tên tôi là Ali…
Nói xong, cậu bé lùi ra khỏi phòng và biến mất trong bóng đêm. Tôi mệt mỏi ngồi xuống giường, một chiếc giường gỗ sơ sài không có nệm và lạnh như đá. Cũng may tôi có đem theo chiếc túi ngủ dày như Dennis đã dặn nên không thấy phiền lòng về sự thiếu tiện nghi này.
Ban đêm ở Pathankot thật yên tĩnh, không một tiếng động ồn ào, chỉ có tiếng suối róc rách từ xa vẳng lại. Đây là lần đầu tiên tôi đến một nơi xa lạ, trong một khách sạn tồi tàn không có những tiện nghi tối thiểu. Tôi nằm vật xuống tự hỏi tại sao mình lại làm một cuộc du hành như thế này?
Sáng hôm sau, Ali đến phòng tôi, cậu trông có vẻ tươm tất hơn trong bộ quần áo thể thao màu xanh da trời. Trong lúc tôi sửa soạn thì cậu bắt đầu mở “máy nói”:
– Thưa ngài, ngài quả không nhìn lầm người khi chọn tôi làm hướng dẫn viên. Tôi biết hết mọi nơi, mọi người và tất cả những gì người ta muốn biết về miền này. Dĩ nhiên đó là nghề nghiệp của tôi, nhưng ngài có thể yên chí rằng người mà ngài chọn là kẻ lành nghề nhất trong vùng…
– Cậu làm nghề này lâu chưa? Trông cậu chỉ trạc mười hai, mười ba tuổi là cùng…
– Tôi đã hành nghề này từ nhiều năm nay và tôi có thể hãnh diện nói rằng rất ít ai biết về vùng này bằng tôi. Thưa ngài, tôi chỉ là một đứa bé nghèo tại Kashmir. Nhà tôi nghèo đến nỗi mẹ tôi chỉ ăn có bốn bữa mỗi tuần. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng đó là sự thật. Gia đình tôi lại đông anh em, chúng nó cũng chỉ ăn năm bữa mỗi tuần thôi. Do đó tôi quyết định bỏ lên tỉnh kiếm ăn để lo cho gia đình có thể ăn đủ bảy bữa mỗi tuần…
Tôi mỉm cười nhìn khuôn mặt tinh ranh của cậu bé:
– Thế cậu ăn mấy bữa mỗi tuần?
– Dĩ nhiên tôi phải ăn đủ ngày hai bữa vì tôi phải làm việc, nếu ăn không đủ thì làm sao có sức khỏe…
– Nhưng cậu có thể bỏ cái thói hút thuốc lá đi, đây là một thói quen tốn kém cho gia đình chỉ ăn có bốn bữa mỗi tuần…
Ali liếc mắt nhìn tôi rồi cười xòa:
– Ngài nói đúng! Thuốc lá không tốt nhưng do thói quen mà… Tôi cũng phải “hưởng thụ” một chút chứ…
– Bây giờ tôi đói bụng, cậu có biết nơi nào ăn không?
Ali đứng thẳng người, chân chụm lại theo kiểu nhà binh:
– Ăn sáng ư? Ngài muốn ăn cơm Ấn Độ không? Quán Chandra ngon nhất, giá cả cũng bình dân. Cơm Hồi thì có quán Mohamed, Papou và Mustafa, cả ba đều đặc biệt nhưng gần như du khách nào cũng thích Mustafa vì tại đó thực đơn có nhiều món hấp dẫn… Cơm Tây Tạng có quán Khompa, quán Chumpra, nhưng theo ý tôi thì cơm Tây Tạng tồi lắm, không hợp tiêu chuẩn vệ sinh… Nhiều người ăn bị đau bụng. Có lẽ ngài nên ăn tại Mustafa là chắc nhất.
Mustafa là một căn nhà nhỏ chật hẹp nằm ở góc đường với bàn ghế sơn xanh đỏ đủ màu sặc sỡ, chứng tỏ chủ nhân không có một năng khiếu thẩm mỹ nào. Trên tường treo những tấm hình lớn của Mohamed Ali, The Beatles và một bức ảnh đã cũ của Tổng thống Nixon. Trong quán cũng khá đông người, phần lớn là du khách. Tại góc phòng có một chiếc máy nhạc cũ kỹ với đĩa nhạc của Pat Boone, Nat King Cole lẫn với Bee Gees và Donna Summer.
Tôi vừa kéo ghế ngồi vào chiếc bàn nhỏ thì một cô gái Thụy Điển to lớn đã tự nhiên bước đến:
– Hình như ông là người Hoa Kỳ? Tôi thấy ông trên chuyến xe lửa chiều hôm qua? Ngọn gió nào đưa ông đến đây vậy?
Không đợi tôi trả lời, cô ta nói luôn:
– Thành phố này chả có quái gì hết, đi qua đi lại vài phút là hết rồi. Thật là chán chết, may là ngày mai tôi về lại New Delhi rồi chứ ở đây thêm vài ngày nữa chắc tôi điên lên mất.
– Vậy sao? Người ta nói vùng này có nhiều danh lam thắng cảnh rất đẹp kia mà…
Cô gái trợn mắt:
– Thắng cảnh? Ông không ngủ mê đấy chứ? Thành phố này thì có cái quái gì? Chỉ độc một con đường chính với vài chục tiệm buôn bẩn thỉu nhưng giá cả lại mắc như vàng. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì toàn những thứ gì đâu… Hôm qua tôi chọn lựa mãi mới tìm được một cái giỏ đan theo kiểu Tây Tạng nhưng xem kỹ thì nó được sản xuất tại Đài Loan.
Tôi đang bán tính bán nghi thì cô gái đã nói luôn:
– Còn cái thằng nhãi vẫn bám theo ông nữa. Cái đám trẻ như nó ở đây nhiều vô kể và ông cẩn thận cái túi tiền. Tôi không tin chúng nó chút nào… Mặt mày lúc nào cũng lấm la lấm lét.
Tôi nhìn ra phía cửa, Ali đang đứng với một đám trẻ phì phèo thuốc lá. Cô gái lắc đầu:
– Tôi tưởng sẽ được thấy danh lam thắng cảnh như trong sách du lịch nhưng tôi đã lầm… Tây Tạng ngày nay thay đổi quá nhiều…
– Nhưng đây đâu phải là Tây Tạng?
– Kashmir, Ấn Độ hay Tây Tạng cũng vậy thôi…
– Cô nghĩ như vậy sao?
– Chỗ nào cũng thế, cũng chỉ là một lũ rách rưới sống bám vào du khách nhưng không tồi tệ như ở đây.
Khi tôi mở thực đơn ra thì Mustafa có đầy đủ những món ăn như trứng omelette, thịt xông khói, jambon… những món ăn quen thuộc của du khách. Tôi gọi một ly cà phê sữa nhưng cà phê ở đây nhạt như nước ốc, không có mùi vị gì ngoài vị tanh tanh của sữa dê tươi chưa tiệt trùng. Tôi nhấp vài ngụm lấy lệ rồi bước ra cửa. Ali đã chờ sẵn:
– Bữa ăn của ngài thế nào? Có ngon không?
– Kém lắm, không thể ăn được nhưng đây đâu phải cơm Hồi…
Ali nhe răng cười:
– Ngài muốn gì bây giờ? Du khách các ngài ai chả vậy, muốn gọi là cơm Hồi, cơm Ấn hay cơm Tây Tạng gì chả được…
– Nhưng tôi muốn thử xem người Hồi ăn sáng ra sao kìa? Tôi muốn thử ăn cơm Hồi…
Ali mở to mắt nhìn tôi như chế nhạo rồi buông thõng:
– Người Hồi nghèo như chúng tôi không hề ăn sáng. Chúng tôi làm gì có cơm sáng, cơm trưa hay cơm tối như các ngài. Mỗi ngày chỉ có một bữa thôi và muốn gọi là bữa gì cũng được.
– Nhưng họ ăn thứ gì? Tôi muốn ăn thử cho biết.
Ali nhìn tôi dò xét rồi gật đầu tính toán:
– Được lắm, nếu muốn ăn thì ngài sẽ phải trả thêm 5 rupee.
Tôi bật cười:
– Cô gái Thụy Điển nói không sai, từ nay tôi phải cẩn thận túi tiền mới được.
Ali nháy mắt nói một cách hóm hỉnh:
– Trên đời này đâu có gì “miễn phí”, phải không? Cô gái Thụy Điển đó nói gì với ngài vậy?
Tôi mỉm cười nháy mắt lại với cậu bé:
– Được lắm, nếu muốn biết thì cậu phải trả tôi 5 rupee.
– Tôi chắc cô ta không nói tốt gì cho chúng tôi nhưng điều này không quan trọng. Những hạng du khách “bần tiện” không dám tiêu pha đó sẽ không bao giờ hưởng được một thứ gì khi họ chỉ nghĩ đến tiền…
– Thế còn cậu? Cậu không nghĩ đến tiền hay sao?
– Tôi thì khác, nghề nghiệp của tôi là kiếm tiền trong khi các du khách đi du lịch để tiêu tiền kia mà.
– Thôi được rồi, theo ý cậu thì tại đây có những danh lam thắng cảnh nào? Tôi muốn đi dạo vài nơi…
– Nhưng muốn xem cái gì? Phong cảnh, đền đài, chùa chiền hay những “thứ khác”?
– Phong cảnh thì có những gì?
– Có thật ngài muốn xem phong cảnh không?
Tôi ngạc nhiên nhìn thằng bé, nó cũng đưa mắt nhìn tôi dò xét.
– Tôi “thực sự” đến đây chỉ để xem phong cảnh chứ không có ý gì khác, nhưng tôi không muốn đến những chỗ dành riêng cho du khách hay các khu “đặc biệt” sống nhờ du khách. Tôi muốn đi xa hơn vì còn đợi chuyến xe buýt đi Dharamsala.
– Cũng như ngài “thực sự” muốn ăn thử cơm Hồi?
Tôi gật đầu, Ali nhìn tôi một hồi lâu rồi dịu giọng:
– Được lắm, tôi sẽ đưa ngài đến những nơi rất ít du khách nào biết nếu ngài “thực sự” thích xem phong cảnh…
Cách Pathankot khoảng nửa cây số có một cây cầu treo bắc ngang sông Indus. Cây cầu đã cũ lại không được sơn sửa như những cây cầu khác mà tôi đã đi qua nhưng người ta lại treo rất nhiều cờ quạt xanh đỏ đủ màu.
Ali giải thích:
– Người Tây Tạng đã treo những chiếc cờ này vào đây, ngài nhìn kỹ trên mỗi ngọn cờ đều có viết những câu thần chú, khi gió thổi cờ lộng gió phần phật…
– Nhưng cờ này dùng để làm gì?
– Người Tây Tạng tin tưởng vào hiệu lực của những lời cầu nguyện, ngài không thấy lúc nào họ cũng lẩm bẩm cầu nguyện hay sao. Ngoài ra, họ thích ghi khắc những câu thần chú khắp nơi để ai cũng nhìn thấy và phát tâm nguyện cầu. Từ khi người Tây Tạng di tản vào đây thì họ cắm cờ quạt khắp nơi, trên mỗi cây cầu đều viết những câu kinh hoặc thần chú. Ngài nên biết đây là thượng lưu của sông Indus, một con sông quan trọng chảy qua nhiều thành phố và rất nhiều người sống nhờ con sông này. Người Tây Tạng tin rằng khi gió thổi, cờ quạt bay phần phật như là cầu nguyện và những câu thần chú in trên lá cờ sẽ theo gió lan tràn xuống dòng sông mang điều tốt đẹp cho tất cả mọi người…
Ali mỉm cười khôi hài:
– Điều này thực ra không hại gì, người Tây Tạng cứ việc cầu nguyện hay cắm cờ quạt cho nhiều miễn là họ mua vải của người Hồi chúng tôi để may cờ là được rồi.
– Coi bộ cậu không tin tưởng gì hết?
– Thưa ngài, tôi là người Hồi và chúng tôi rất thực tế chứ không ngây thơ chất phác như người Tây Tạng.
– Tại sao cậu lại nghĩ người Tây Tạng ngây thơ?
Ali bật cười chỉ dòng sông:
– Ngài hãy nghĩ mà xem, người Tây Tạng tốn công nhọc sức cầu nguyện để dòng sông mang lại những điều tốt lành nhưng nếu điều này linh ứng thì người được hưởng đâu phải là họ mà là người Ấn hay người Hồi chúng tôi vì chúng tôi đều sống ở hạ lưu con sông này.
– Cậu cho rằng như thế là thiếu thực tế sao?
– Dĩ nhiên, không những tôi nghĩ thế mà tất cả người Ấn hay người Hồi đều nghĩ như vậy, họ vẫn cười người Tây Tạng với những ông Phật của họ…
Không thấy tôi có vẻ tán đồng, Ali đổi giọng:
– Xét cho cùng người Tây Tạng cũng không đến nỗi tệ mặc dù Hồi giáo và Phật giáo có những điểm không giống nhau. Hồi giáo chỉ có một Đấng Allah, trong khi người Tây Tạng lại tin tưởng vào rất nhiều Phật, đâu cũng thấy tượng Phật, chính người Tây Tạng cũng xác nhận không biết hết danh hiệu các vị Phật. Họ chỉ cắm đầu cầu nguyện rồi khắc những câu thần chú lên đá, cắm cờ quạt khắp nơi để đem lại điều tốt lành cho tất cả. Họ ăn uống cực kỳ khổ hạnh, toàn “Thukpa” (củ cải muối) và “Tsampa” (bột mì rang khô), lâu lắm mới có được ít “Chang” (rượu nếp) rồi lại ngồi yên lặng suy tư lẩm bẩm mấy câu thần chú. Bởi thụ động như thế nên họ không thể thích hợp sống ở những nơi khác. Tôi đã sống ở New Delhi, nơi đó người ta tranh chấp, giành giật nhau xô bồ lắm. Lúc nào cũng chỉ kiếm tiền rồi kiếm tiền chứ không biết gì hơn ngoài tiền bạc.
– Nhưng tôi nghe nói người Tây Tạng làm việc rất chăm chỉ kia mà.
– Có thể, nhưng họ cũng chẳng khôn ngoan gì. Ngài có thấy người Tây Tạng nào giàu đâu? Họ không biết buôn bán hay làm những nghề nghiệp khác, họ chấp nhận một nếp sống thụ động, nghèo khổ và suốt ngày chỉ vẩn vơ suy nghĩ những đề tài không thực tế. Suốt bao năm nay họ không chịu hòa đồng với những dân tộc khác mà chỉ tập trung quanh những vùng biên giới, sống trong những trại tị nạn của người Tây Tạng vì “vua” của họ, ông Đạt Lai Lạt Ma sống ở đó.
Tôi nhìn lên sườn núi và thấy một tảng đá to lớn dị thường nằm chênh vênh, trên đó có khắc một dòng chữ ngoằn ngoèo kỳ lạ.
Ali chỉ vào tảng đá giải thích:
– Đó là câu thần chú “Om Mani Padme Hum”, câu thần chú linh thiêng nhất của người Tây Tạng. 
Nếu để ý, ngài sẽ thấy câu thần chú này được ghi khắc khắp nơi và người Tây Tạng cứ đi đến đâu là khắc câu thần chú này đến đó…
Tôi tự hỏi tại sao có người cất công leo lên một sườn núi cheo leo đầy nguy hiểm như vậy chỉ để khắc lên đó câu thần chú này?
– Những câu này có nghĩa gì?
– Làm sao tôi biết được? Tôi đâu phải người Tây Tạng nhưng tôi nghe nói hình như là… “viên ngọc và đóa hoa sen” thì phải?
– Viên ngọc và hoa sen?
– Phải rồi! Viên ngọc nằm trong hoa sen. Tôi chẳng hiểu người Tây Tạng muốn nói cái gì nhưng họ rất tin tưởng vào câu thần chú này và đi đâu cũng lẩm bẩm “Om Mani Padme Hum”…
Khi tôi trở về Pathankot thì mặt trời đã lên cao. Dọc đường tôi nhìn thấy rất nhiều tảng đá lớn có khắc câu thần chú này. Chắc hẳn phải có một lý do gì khiến người Tây Tạng làm như vậy? Tôi nhủ thầm sẽ phải tìm một người nào đó để hỏi cho ra lẽ. Chúng tôi đến trước một quán ăn lụp xụp, Ali mỉm cười:
– Ngài muốn ăn thử cơm Hồi chứ gì? Ăn không được thì chớ trách tôi đấy nhé… Nhưng trước hết tôi cần 5 rupee.
Pathankot chỉ là một thị trấn nhỏ nằm trên trục giao thông giữa Delhi và Dharamsala. Đúng như lời cô gái Thụy Điển đã nói, nơi đây chả có gì đáng xem nhưng vì không có gì đáng xem mà Pathankot lại có một sắc thái riêng. So với Delhi thì cuộc sống tại đây trôi thật chậm vì dường như không ai có ý niệm gì về thời gian. Muốn đi Dharamsala phải dùng xe buýt, nếu chiếc xe buýt khởi hành đúng giờ. Đôi khi khách phải chờ đợi vài giờ vì chiếc xe buýt cũ kỹ bị hỏng cần sửa chữa. Cũng có khi xe buýt quá đông và người ta phải chờ chuyến sau mà chuyến sau có thể là một giờ, hai giờ hoặc một ngày tùy tình trạng của chiếc xe. Tất cả những thị trấn nhỏ bé nằm dưới chân rặng Himalaya đều có một sắc thái như vậy, đời sống chậm chạp một cách thản nhiên. Nếu hôm nay không có xe buýt thì chờ đợi ngày mai và nếu ngày mai cũng không có xe thì hôm khác cũng được, không một ai tỏ vẻ bực bội, khó chịu hay vội vã trừ những du khách ngoại quốc.
– Này anh bạn “Al Capone”.
Tôi ngẩng đầu lên và thấy Jean Claude hấp tấp từ bên đường băng qua:
– Xe buýt hỏng phải sửa chữa, không biết bao giờ mới xong…
Tôi giới thiệu Jean Claude với Ali, cậu nhìn anh chàng người Pháp một cách dò xét rồi gật đầu chào:
– Ngài cũng là du khách ư? Nếu muốn đi xem phong cảnh cùng với quý ngài đây thì tôi tính giá đặc biệt cho, chỉ thêm 5 rupee nữa thôi…
Jean Claude càu nhàu:
– Ở đây thì có quái gì mà xem, tôi đã đi vòng quanh thành phố này đến vòng thứ mấy rồi…
– À! Tại vì ngài không có người hướng dẫn…
– Vậy cậu hãy nói thử ở đây có những chỗ nào đáng xem?
– Điều đó còn tùy vào việc ngài muốn xem cái gì?
Jean Claude bực tức:
– Cái gì cũng được, bất kể Chùa (Gompa) hay Tháp (Stupa), hoặc chỗ nào ly kỳ hấp dẫn…
Ali nhanh nhẹn xen vào:
– Tưởng gì chứ các đền chùa Tây Tạng thì quanh đây thiếu gì, nhưng nếu muốn đặc biệt hơn thì phải đến Gosainkunda.
– Gosainkunda là cái gì?
Ali chỉ tay lên ngọn đồi gần đó:
– Đó là một chỗ đặc biệt mai táng người chết theo phong tục Tây Tạng, nơi gần nhất cũng mất hai giờ đi bộ, ngài nhắm đi bộ nổi không? Chỗ đó có rất nhiều điều lạ lùng…
Jean Claude trợn mắt nói như reo lên:
– Thế ư? Thế thì phải đi chứ…
Ali lập tức đề nghị:
– Nhưng ngài có thể thuê một con lừa, giá không đắt lắm, chỉ 20 rupee mỗi ngày. Nếu đi bằng lừa thì chỉ nửa giờ là đến nghĩa địa rồi, nhưng các ngài có thực sự muốn đến nơi đó không?
– Chú mày vừa nói chỗ đó có nhiều sự huyền bí ly kỳ kia mà?
– Nhưng đó không phải chỗ dành cho du khách, có lẽ không ai dám đến thì đúng hơn. Ngay cả những người Hồi như chúng tôi cũng ít khi bén mảng đến những nơi đó. Đó là địa bàn hoạt động của nhóm Âm Công (Ragyapa).
Jean Claude gật đầu lia lịa:
– Tôi nhớ rồi, Âm Công là những người chuyên lãnh việc tống táng theo phong tục Tây Tạng… Tôi đã nghe nói về nhóm này trong những cuốn sách nói về Tây Tạng… Được lắm, chú mày đi kiếm hai con lừa về ngay đây.
Trong lúc Ali chạy đi thuê lừa, Jean Claude múa tay kể lể:
– Phong tục Tây Tạng coi xác thân như một dụng cụ để linh hồn sử dụng, khi hồn đã lìa khỏi xác thì cái xác đó không còn giá trị gì nữa nên họ mang cái xác đó lên khe núi cắt ra làm mồi cho chim ăn. Bạn đã nghe nói đến tục lệ “Điểu Táng” này chưa?
Nhìn bộ mặt nhăn nhó của tôi, Jean Claude giải thích:
– Phong tục này có từ ngàn xưa, lúc đầu nghe nói tôi cũng khiếp nhưng nghĩ lại thì điều này cũng không đến nỗi man rợ lắm. Đất đai tại Tây Tạng toàn đá cứng, không thể chôn sâu được mà nếu chôn không kỹ thì Sơn Cẩu đến đào lên ăn còn ghê gớm hơn nữa. Xứ Tây Tạng không có hồ hay biển nên không thể Thủy Táng; vì ở trên cao, cây cối không mọc được thì lấy gỗ đâu mà Hỏa Táng nên giải pháp duy nhất là cắt ra thành những mảnh nhỏ mang cho chim ăn.
Jean Claude còn tiếp tục nói một hồi nhưng tôi lơ đãng nhìn quanh khu phố, trên một bức tường cũng đã loang lổ có dán vài tấm bích chương quảng cáo những bộ phim Ấn Độ. Vài người Hồi chít khăn đi qua đi lại lăng xăng, những người đàn bà Tây Tạng xách rổ đi chợ, một vài đứa bé con nheo nhóc chạy đùa trên hè phố thỉnh thoảng lại ré lên cười. Một lúc sau, Ali trở lại mặt mày nghiêm trọng.
– Tôi phải mặc cả mãi mới thuê được lừa nhưng người chủ nhất định đòi giá 25 rupee…
Jean Claude gạt đi:
– 25 rupee cũng được rồi…
– Nhưng ngài còn phải trả tôi thêm 5 rupee nữa vì đi hai người.
Jean Claude nóng nảy đưa tay gõ vào đầu Ali:
– Được rồi, nếu chỗ đó đáng xem, tao cho mày thêm 5 rupee nữa.
Chúng tôi đến trước một ngôi chùa nhỏ nằm khuất trong núi. Đường đi hết sức quanh co, và nếu không có Ali dẫn lối thì khó ai có thể tìm được những con đường mòn này. Chưa bước vào Chánh Điện, chúng tôi đã nghe tiếng tụng kinh đều đặn vang lên. Ali reo lên:
– Hay quá! Hôm nay có người chết.
Dưới ánh nến lờ mờ, mấy chục tu sĩ đang lâm râm cầu nguyện trước một cái xác phủ tạm vải liệm vừa mỏng vừa ngắn để lòi cả chân ra ngoài. Gia đình thân nhân ngồi quây quần gần đó lẩm bẩm đọc kinh bằng một giọng trầm trầm.
Jean Claude quay qua tôi giảng giải:
– Người Tây Tạng tin rằng khi chết linh hồn sẽ thoát lên cõi Trung Giới (Astral Plane), danh từ Tây Tạng gọi cõi này là Bardo. Trong vòng 49 ngày, linh hồn sẽ vơ vẩn tại đây cho đến khi tìm được một nơi nào đó để đầu thai… Do đó, thời gian cầu nguyện vào lúc này hết sức quan trọng, nếu không được chỉ dẫn cẩn thận, linh hồn có thể đi lạc vào những nơi chốn phiêu diêu vô định. Lạt Ma giáo nghiên cứu rất kỹ về cõi vô hình và có hẳn một cuốn kinh chỉ dẫn kỹ lưỡng về cõi này để người chết biết lối mà đi, biết nơi mà đến. Cuốn sách này gọi là Tử Thư (Book of the Death) hay Bardo Thodol , một cuốn sách chứa đựng rất nhiều chi tiết về cõi bên kia. Theo cuốn sách này thì khi hồn rời khỏi xác, họ sẽ thấy một thế giới đầy ánh sáng và các màu sắc huyền hoặc, đôi khi họ cũng có dịp tiếp xúc với những linh hồn khác. Tùy theo tâm thức cũng như các nghiệp quả mà họ bị thu hút vào một cảnh giới có màu sắc nhất định nào đó…
– Tại sao bạn lại biết nhiều thế?
– Cuốn Bardo Thodol nói rõ như vậy. Cuốn này đã được dịch sang tiếng Anh và là một cuốn sách bán rất chạy, bạn không biết sao?
– Không! Tôi không nghe nói…
Jean Claude ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi:
– Vậy thì bạn đã đọc những cuốn sách nào về Tây Tạng chưa?
– Tôi không nhớ rõ, hình như tôi chưa đọc một cuốn nào thì phải. Sao bạn lại hỏi vậy?
Jean Claude có vẻ ngạc nhiên:
– Lạ nhỉ? Không biết gì về Tây Tạng thì đến Dharamsala làm gì?
– Tại sao lại không? Tôi đã nói tôi là loại du khách thích mạo hiểm kia mà.
Ali đưa chúng tôi ra sau chùa, chỉ lên ngọn đồi nhỏ gần đó:
– Đó là nơi nhóm Âm Công làm việc, các ông có thấy bầy kên kên đang bay vòng vòng đó không? Chắc hôm nay có mổ xác chết?
– Làm sao chúng ta có thể lên trên đó xem? 
Ali trợn mắt nhìn Jean Claude:
– Bộ hết chỗ xem rồi hay sao mà các ông muốn xem mổ xác chết?
Tôi cũng gạt đi:
– Mổ xác thì có gì mà coi…
Jean Claude vẫn khăng khăng:
– Đã đến đây rồi thì đâu thể không xem được, “Al Capone” mà cũng sợ xác chết ư? Tôi tưởng học y khoa thì sợ gì mấy thứ này.
Ali lắc đầu:
– Chỗ đó không thể lên được đâu, nguy hiểm lắm.
– Chú mày dọa tao đấy ư? Chú quên rằng tao là kẻ trả tiền cho chuyến này hay sao?
Chúng tôi trèo lên một con đường nhỏ đầy vết chân trâu, Ali vừa đi vừa ngó dáo dác như sợ hãi điều gì đó. Jean Claude có vẻ rất hào hứng, phăng phăng đi trước, rồi nói vọng lại:
– Này anh bạn, nếu có dịp, anh cần đọc qua cuốn Bardo Thodol bản dịch của giáo sư Evans Wenz, đây là bản dịch công phu và đầy đủ nhất… Lạ nhỉ, thế mà tôi nghĩ bạn phải là một người đã đọc rất nhiều sách về Tây Tạng…
Chúng tôi vừa vượt qua một khúc quanh thì nhìn thấy một nhóm người Tây Tạng lù lù bước ra chặn đường. Đó là những người quần áo rách rưới, bẩn thỉu, mặt mày vô cùng dữ tợn: Nhóm Âm Công. Ali kêu lên một tiếng sợ hãi rồi lùi lại, một gã Âm Công to lớn quần áo rách rưới với hàng trăm miếng vá chằng chịt hầm hầm xông ra quát lớn bằng tiếng Tây Tạng. Có lẽ Ali quá sợ hãi nên không thể trả lời mà cứ tiếp tục lùi dần về phía sau. Jean Claude xua tay giải thích nhưng anh chưa nói được gì thì bị gã Âm Công túm chặt lấy ngực quát tháo rầm rĩ. Đang lúc bối rối, tôi nhìn thấy một đoàn tu sĩ mặc áo vàng từ xa đi tới, tôi đẩy Ali về phía họ:
– Kêu cứu đi, hãy kêu cứu đi.
Nhóm tu sĩ rảo bước đến đúng lúc gã Âm Công túm chặt lấy áo Jean Claude kéo đi xềnh xệch.
– Các ông làm gì ở đây?
Chúng tôi giật mình vì một tu sĩ lớn tuổi, râu tóc bạc phơ đã nói bằng tiếng Anh khá đúng giọng. Vị tu sĩ quay ra nói vài câu với nhóm Âm Công, nhóm này dừng tay và lùi ra xa nhưng vẫn gườm gườm ngó chúng tôi như muốn ăn tươi nuốt sống.
– Các ông không nên đến chỗ này, đây không phải là chỗ cho du khách… Những người Âm Công này không thích bị nhòm ngó.
Jean Claude đã hoàn hồn, định lên tiếng phản đối nhưng tôi kịp chặn anh lại:
– Như thế đủ rồi, bạn đừng gây phiền phức nữa.
Vị tu sĩ chỉ tay xuống ngôi chùa phía dưới:
– Các ông nên theo tôi về chùa, đừng chọc giận những người này, họ không dễ đối xử đâu.
Jean Claude lắc đầu lia lịa:
– Đã đến đây mà không xem cho biết… thật uổng.
Nhưng anh chợt im bặt khi thấy một gã Âm Công to tướng đang xách một chiếc túi rách có lòi cán dao ra ngoài.
Chúng tôi theo đoàn tu sĩ trở về chùa, vị tu sĩ tự giới thiệu:
– Tôi là Lạt Ma Tarke Gyang trụ trì tại đây. Trước đây tôi theo Đức Đạt Lai Lạt Ma du hành qua châu Âu nên có dịp học tiếng Anh. Các ông đến đây làm gì?
Jean Claude được dịp bèn kể lể một hồi. Lạt Ma Tarke lắc đầu:
– Các ông nên biết nhóm Âm Công thường sống riêng rẽ với các quy luật riêng. Họ không thích người lạ nhòm ngó, ngay những người Tây Tạng cũng không dám bén mảng đến đây. Nơi mổ xẻ người chết là chỗ đặc biệt chỉ những Âm Công được chỉ định mới đến đây thôi.
Jean Claude cãi bướng:
– Nếu vậy thì các ông đến đó làm gì?
– Chúng tôi thì khác, chúng tôi đến đó để quán xét một phương pháp tu hành…
Cặp mắt Jean Claude bỗng sáng lên, anh hấp tấp cắt lời:
– Phải chăng ông muốn nói đến một phương pháp bí mật nào đó?
– Không, đó chỉ là một phương pháp đơn giản để sửa đổi lòng tham dục thường có ở các tu sĩ trẻ.
Jean Claude khoái chí như muốn nhảy cỡn lên, anh quay qua bên tôi thì thầm:
– May quá, gặp đúng thầy rồi… phương pháp tu luyện gì mà liên quan cả đến “dục” thế này thì nhất rồi…
Nói xong, Jean Claude nghiêm trang quay qua hỏi tu sĩ:
– Liệu ông có thể nói thêm về phương pháp này không?
Tarke Gyang hơi ngạc nhiên nhìn tôi và Jean Claude, nhưng ông cũng gật đầu:
– Được lắm, nếu các ông muốn nghe…
Jean Claude mừng quýnh xuýt xoa:
– Thế thì còn gì bằng, chúng tôi sẵn sàng xin “thụ giáo” ngay.
Lạt Ma Tarke Gyang bắt đầu giảng giải:
– Sắc dục là một phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể bắt nguồn từ những tư tưởng ham thích sắc đẹp và các khoái lạc xác thân. Nếu không biết quán xét một cách đúng đắn thì nó có thể trở thành chướng ngại cho việc tu hành. Như ông thấy đa số tu sĩ theo học với tôi đều còn trẻ, họ đang tập tu sửa, kiểm soát bản thân và tâm. Quán xét lòng tham dục là một căn bản mà họ phải học.
Jean Claude thắc mắc:
– Nhưng tham dục và nghĩa địa thì liên quan gì đến nhau?
– Chúng tôi đến nghĩa địa để quán xét những xác chết thối tha, những thây ma đầy máu mủ, mục nát. Nhờ vậy mà học trò của tôi sẽ ý thức được sự vô thường của cuộc đời, và tự hỏi một xác chết hôi thối như thế thì có gì đáng ham thích?
Jean Claude lên tiếng cãi ngay:
– Khi sống và lúc chết khác nhau nhiều chứ…
– Cả hai vẫn đều là một thân thể, chỉ khác ở chỗ một cái có sự sống và một cái thì không. Vậy nếu thích là thích cái có sự sống chứ đâu phải thân xác. Ta yêu thích cái gì mà ta không biết rõ thì có đúng không? Nhưng sự sống cũng đâu có tính vĩnh viễn. Chính do tâm người điên đảo, không biết phân biệt sự vô thường nên mới nảy sinh dục vọng, ham thích các thú vui xác thịt. Điều này có khác gì một con kên kên ăn xác chết cho là ngon nhưng người đứng xem thì thấy ghê tởm.
Jean Claude lắc đầu lia lịa nhưng Lạt Ma Tarke vẫn tiếp tục:
– Phương pháp diệt trừ tính tham dục là suy ngẫm thật kỹ về sự xấu xa, bẩn thỉu của cái xác thân tứ đại giả hợp, nay còn mai mất này để dứt lìa các vọng tưởng điên đảo…
Chúng tôi đến trước chánh điện, Lạt Ma Tarke chỉ vào cái xác nằm gần đó:
– Các ông hãy xem xét kỹ, cái xác này đã nằm đây mấy ngày rồi và đã bắt đầu hư hoại, thịt da sưng phồng và bắt đầu thối… Các ông có muốn xem kỹ không?
Jean Claude lắc đầu quầy quậy nhưng Lạt Ma Tarke vẫn vô tình:
– Nếu để ý, các ông sẽ ngửi thấy mùi hôi thối của thịt xương rữa nát, cái xác đã bắt đầu trương phình lên rồi. Nếu ham thích xác thịt thì các ông hãy tự hỏi xem nó có điểm nào để các ông ham thích? Hãy quán xét và suy ngẫm về điều này… Cái xác này hôi quá rồi, cũng may chút nữa các Âm Công sẽ đem nó đi. Để tôi kéo tấm vải này ra cho các ông xem kỹ.
Jean Claude đưa tay bịt miệng rồi ấp úng xua tay:
– Không… không, thôi… đủ rồi.
Thay vì bước vào chánh điện, Jean Claude lại đi giật lùi ra chỗ buộc lừa. Lúc trước anh tỏ ra hăng hái bao nhiêu thì bây giờ lại tiu nghỉu bấy nhiêu. Không biết có phải vì phương pháp tu hành lạ lùng này quá phũ phàng hay mùi hôi của xác chết đã làm anh khó chịu.
Vừa đến chỗ buộc lừa, Jean Claude đã khạc nhổ một hồi:
– Mẹ kiếp! Ông Lạt Ma lẩm cẩm ăn nói vô duyên quá.
– Nhưng đó là một phương pháp tu hành…
– Tu hành cái nỗi gì mà xem xác chết? Nghe nói đã thấy buồn nôn.
Jean Claude càu nhàu một hồi nhưng khi nhìn bộ mặt của tôi và nhất là ánh mắt tinh ranh của Ali thì anh cụt hứng không nói thêm câu nào nữa mà chỉ lầm lũi giục lừa đi thẳng.
Đối với một y sĩ như tôi, xác chết hôi thối không phải là điều gì lạ lùng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến một phương pháp mà đối tượng là sự phán xét những dơ bẩn của xác chết. Trong cuộc đời y sĩ, chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi như vậy.
Trên đường về, để đổi không khí, Ali đưa chúng tôi đi vòng qua một ngọn đồi khác để ngắm phong cảnh thung lũng Kangra phía dưới.
Trên đỉnh đồi chênh vênh, một tảng đá lớn sừng sững nằm ngay cạnh lối đi. Có lẽ tảng đá này đã nằm ở đây lâu lắm rồi vì câu thần chú quen thuộc “Om Mani Padme Hum” khắc trên mặt đã mờ và bị rêu phong phủ kín, nhưng chung quanh nó còn rất nhiều tảng đá nhỏ chi chít những câu thần chú khác. Ali chỉ vào đống đá:
– Người Tây Tạng gặp chỗ nào cũng cầu nguyện được, ngoài chợ, trong thành phố, khi ra đồng làm ruộng, ngay trên đỉnh núi hoang vu này cũng có người đến đây sắp xếp những tảng đá để cầu nguyện. Người Hồi chúng tôi chỉ cầu nguyện vào những giờ giấc nhất định và quay về hướng Mecca chứ không làm phiền Thượng Đế vào những giờ giấc không nhất định.
Tôi đứng nhìn đống đá lộn xộn với những dòng chữ ngoằn ngoèo, một vài hòn đá có khắc hình Bồ Tát và những bông sen. Tôi tự hỏi tại sao lại là hoa sen mà không là bông hoa nào khác? Ai đã leo lên tận đây để tạc vào những tảng đá này? Một làn gió nhẹ thổi qua triền núi. Làn gió sẽ mang những lời kinh, những câu thần chú xuống thung lũng phía dưới, nơi có những đồng lúa chín vàng, những túp lều đơn sơ của mục đồng, những đàn bò Yak vạm vỡ đang ăn cỏ và những con chó vàng chạy nhảy sủa vu vơ. Tôi im lặng thả hồn theo chiều gió xuống thung lũng và tự nhiên thấy lòng dâng lên một cảm xúc nhẹ nhàng khó tả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.