Hoa Sen Trên Tuyết

Chương VI



T ừ hôm Paul Brady đề nghị tôi đến gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma thì tự nhiên có một cái gì thôi thúc khiến tối cứ áy náy không yên.
Tôi không còn hứng thú đi dạo trên đường phố Dharamsala để nghe Michael nói về phong tục Tây Tạng. Tôi không còn thích lười biếng ngồi trước hàng hiên khách sạn Kalaish với ly nước trà nóng mà Wangyang đích thân pha. Tôi cũng không còn nghỉ đến những việc đã xảy ra tại Chicago như trước. Tôi quên cả hình ảnh Amy, người đàn bà đã mang lại cho tôi những giờ phút say đắm cũng như đau khổ nhất. Tôi cảm thấy mình đã đi đến một khúc quanh quan trọng, một giây phút quyết định nhưng không hiểu sao tôi lại ngần ngại. Phải chăng tôi chưa sẵn sàng hay còn lo ngại điều gì đó?
Tôi thấy mình thường đến dự khóa lễ tại chùa Namgyal và đặc biệt chú ý đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi theo dõi từng cử chỉ của ngài như để chắc chắn rằng ngài thực sự hiện hữu. Có nhiều đêm tôi giật mình thức giấc, mồ hôi toát ra như tắm bởi ý nghĩ rằng biết đâu Paul Brady chẳng “sáng chế” ra một nhân vật như vậy? Biết đâu tất cả những việc đang xảy ra nơi đây chỉ là một giấc mộng?
Có lúc tôi nghĩ mình đang ngủ mê nhưng mộng hay thực vẫn còn là điều mà tôi có thể chấp nhận. Tình trạng của tôi hiện nay là tâm trạng của kẻ bối rối không biết phải làm gì, trong người cứ áy náy, bứt rứt và có lúc hốt hoảng.
Tôi định rời Dharamsala nhưng lại không đủ can đảm, tôi tự nhủ sẽ không đến chùa Namgyang nữa nhưng rồi mỗi buổi chiều tôi lại thấy mình chăm khoác áo đến chùa với một tâm trạng rộn ràng.
Tôi thường ngồi trong một góc khuất yên lặng quan sát mọi sự cho đến khi khóa lễ chấm dứt, nhưng có lẽ tôi chú ý đến Đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều hơn cả. Đôi khi sau khóa lễ, một vài người Tây Tạng bước đến quỳ lạy trước mặt ngài để xin ân huệ và ngài từ tốn giơ tay đặt lên trán họ. Ngài có thái độ như một người cha đối với các con, thương yêu nhưng không quá thân mật, oai nghi nhưng không nghiêm khắc. Càng quan sát, tôi càng thấy mỗi cử chỉ của ngài đều bao hàm một cái gì vừa thoải mái, vừa sống động của một người ý thức rõ rệt về hành động của mình.
Hôm đó, bất ngờ Đức Đạt Lai Lạt Ma quay về phía tôi và mỉm cười. Một sự giao cảm lạ lùng khiến tôi suýt đứng bật dậy bước về phía ngài nhưng tôi lại kìm hãm được. Tôi không hiểu sao mình lại bối rối như vậy, tôi chỉ biết ngây ngô mỉm cười lại một cách vô cùng thụ động. Đức Đạt Lai Lạt Ma khẽ gật đầu như đáp lễ rồi thong thả bước vào hậu liêu. Tôi ngồi đó một lúc khá lâu mới định thần lại được, phải chăng ngài đã gọi tôi? Phải chăng đó là một dấu hiệu gì hay tôi đang tưởng tượng?
Tôi đến gặp Tsewang, vị Lạt Ma trông coi tiếp tân để xin phép gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông này tỏ ra ngần ngại mặc dù tôi cho ông ta biết rằng tôi đã từng được ngài tiếp kiến trước đó với vợ chồng Kunz. Tsewang chăm chú nghe tôi nói một lúc rồi hứa sẽ chuyển lời đề nghị đến Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Hôm sau tôi vừa đến chùa Namgyal thì Tsewang đã chờ sẵn với một tin vui, Đức Đạt Lai Lạt Ma chấp thuận cho phép tôi được gặp ngài sau khóa lễ hôm đó.
Lạt Ma Tsewang cho biết:
– Anh phải biết thời giờ của ngài rất quý, ít ai được ngài cho phép gặp riêng như vậy.
Cũng như lần trước, chúng tôi bước vào căn phòng nhỏ bày biện giản đơn sau chùa. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi xếp bằng trên một tấm thảm dày, trước mặt ngài là một khay trà và một quả cam nhỏ. Chúng tôi cung kính chắp tay chào, ngài ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên cạnh, Tsewang rón rén ngồi ở một góc xa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chăm chú nhìn tôi rồi mỉm cười:
– Lần trước hình như anh đã đến đây với một người bạn?
– Thưa vâng.
– Tôi nghe Tsewang nói là anh muốn được học hỏi thêm về Phật giáo?
Tôi cúi đầu cung kính:
– Thưa vâng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma yên lặng như tập trung tư tưởng rồi nói bằng một giọng từ tốn:
– Nhiều người chỉ muốn thu thập thật nhiều kiến thức để thỏa mãn tham vọng của mình. Điều này không có ích gì cả, học hỏi mà không thực hành thì học để làm gì? Nhiều người muốn học hỏi, nghiên cứu về đạo Phật nhưng phương pháp học hỏi chỉ là một hình thức trốn tránh sự thật chứ không phải tiến gần đến sự thật. Do đó anh cần phải biết điều quan trọng nhất của người học Phật là cái động lực thúc đẩy anh làm việc đó. Nếu cái động lực đó không chân chính thì tất cả những gì anh học đều không có ích lợi gì hết.
Ngài ngưng lại một lúc rồi mới tiếp tục:
– Học không chỉ là sử dụng đầu óc để suy nghĩ mà còn phải biết sử dụng cả trái tim. Anh phải biết rằng thế gian này đang đau khổ và chính ham muốn mang lại sự khổ đau. Còn ham muốn là còn đau khổ, ngay cả ham muốn có được cảm giác bình an cũng là một vọng niệm không khác gì việc ao ước có nhà lầu, xe hơi hay tiền của vật chất. Anh phải hiểu và ý thức điều này thật rõ ràng, phải trải nghiệm nó không chỉ bằng suy tư mà bằng tất cả những gì anh có.
Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười nhìn tôi rồi tiếp tục:
– Ý thức được rằng mình khổ đau thì anh phải tìm cách chấm dứt nó, không phải tạm thời mà là vĩnh viễn. Đức Phật đã nói rằng thế gian này đau khổ, ví như một căn nhà đang cháy mà mọi người trong đó vẫn không biết, cứ mải mê nô đùa. Ý thức được mình đang ở trong căn nhà cháy thì anh không thể di chuyển từ phòng này đến phòng khác mà phải tìm cách rời khỏi căn nhà.
Đức Đạt Lai Lạt Ma im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng:
– Nhưng tránh khỏi cảnh khổ cũng chưa đủ, anh không thể nhẫn tâm nhìn những người khác đau khổ. Do đó anh còn phải cứu giúp những người khác nữa, không những anh nhất định rời khỏi căn nhà đang cháy mà còn phải giúp đỡ những người khác thoát ra ngoài. Đó là con đường quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng: con đường Bồ Tát đạo. Người đi trên con đường này phải ý thức tính chất vô ngã của mình, phải nhận thức rằng mình và mọi người hay tất cả chúng sinh đều không có sự sai khác. Bậc Bồ Tát không làm gì cho mình mà sẽ chỉ cho người khác, vì giữa mình và người khác đâu còn sự phân biệt nữa. Đây là điều anh cần suy nghĩ cho kỹ rồi ngày mai đến gặp tôi.
Lạt Ma Tsewang khẽ ra hiệu. Tôi cung kính chắp tay váy chào, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẽ gật đầu đáp lễ. Vừa ra khỏi phòng, Tsewang đã nói nhỏ:
– Anh may mắn lắm đấy, ngài không chỉ tiếp anh mà còn cho phép anh gặp ngài vào ngày mai nữa.
Chúng tôi đi qua một dãy hành lang dài, Tsewang chỉ lên bức họa vẽ một vị thần có khuôn mặt cực kỳ dữ tợn đang nhe nanh múa vuốt:
– Đó là Hộ pháp “Cho Kyong Gon Po” tượng trưng cho động lực thay đổi và chuyển hóa trong chúng ta. Đối với những người còn ham mê danh lợi, bám víu vào thế giới vật chất thì đây là một vị hung thần vô cùng dữ tợn; nhưng đối với những người cương quyết tìm sự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi thì đây là một động lực rất tốt để giúp ta phá tan màn vô minh…
Ông chỉ vào một bức tranh khác gần đó:
– Còn đây là bức chân dung Padmasambhava, vị tổ đã mang Mật Tông truyền vào Tây Tạng. Con đường của Mật Thừa là con đường chấp nhận tất cả, không phủ nhận điều gì, sử dụng tất cả sức mạnh, năng lực của sự sống để đạt đến giác ngộ.
Tôi đứng yên quan sát hai bức họa, hình như nó được vẽ bởi cùng một họa sĩ vì nét vẽ rất giống nhau nhưng bức họa “Cho Kyong Gon Po” thì vẽ toàn lửa đỏ rực với những thân thể nát bét đầy máu me, cực kỳ ghê gớm; còn bức kia thì lại vẽ những đám mây, những bông sen và những vị thần bay lượn hết sức đẹp đẽ.
– Hình như bức họa này được vẽ bởi cùng một người vì có những nét tương đồng thì phải?
– Anh tinh tế lắm, bức này được vẽ bởi một họa sư lừng danh Tây Tạng cách đây nhiều thế kỷ. Đây là một bản họa lại vì bản chính đã bị tiêu hủy. Lịch sử bức họa này cũng rất đặc biệt: Trong cuộc cách mạng văn hóa, một trong ba tu viện lớn nhất Tây Tạng là tu viện Ganden không còn nữa. Bức họa này được vẽ trên tường ở chánh điện nên dĩ nhiên cũng bị tiêu hủy. Trước đó vài ngày, một vị Lạt Ma không biết một chút gì về hội họa đã phát nguyện vẽ lại bức tranh này. Ngày nào ông ta cũng đến ngắm nhìn bức họa cho nhập tâm rồi tìm cách trốn thoát qua đây để hoàn tất hai bức tranh này. Sau khi hoàn tất, không ai có thể phân biệt bức họa này và bản chính vì nó chính xác đến độ các họa sư nổi tiếng cũng không thể phân biệt được… Điều lạ lùng nhất là vị Lạt Ma đó chưa hề cầm bút và chưa được học hỏi một chút gì về hội họa, sau bức vẽ ông cũng không thể vẽ thêm một bức nào nữa.
Tôi im lặng đứng nhìn bức họa với hàng trăm đường nét chi tiết rất tỷ mỉ, công phu và thầm phục vị Lạt Ma đã có một trí nhớ vô cùng sắc sảo.
Hôm sau, khi chúng tôi bước vào căn phòng nhỏ thì Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa uống trà xong, ngài mỉm cười hỏi tôi:
– Anh có điều gì thắc mắc không?
– Thưa ngài, lần trước ngài có nói rằng muốn giúp đỡ người khác thì phải ý thức tính chất vô ngã nơi mình. Tại sao phải ý thức tính chất này mới có thể giúp đỡ người khác được?
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu rồi thong thả:
– Động lực nào đã khiến một người còn đầy sân hận, tham lam giúp đỡ một người khác? Liệu người đó có thực tâm muốn giúp đỡ hay y còn mưu cầu một việc gì khác? Nếu động lực thúc đẩy người đó không trong sáng thì việc làm của người đó không có ý nghĩa gì cả. Khi hành động xuất phát từ cái tâm trong sáng, không tư lợi, không làm vì một động lực bất chính nào thì nó mới có ý nghĩa. Nếu anh thực sự muốn giúp người khác, hiểu rõ nguyên nhân đã làm họ đau khổ và muốn đem lại cho họ lòng can đảm, không sợ hãi để họ có thể vượt qua sự đau khổ thì ít nhất anh cũng phải có lòng can đảm và tâm hồn không sợ hãi đã. Nếu anh không có đủ sức thì làm sao anh có thể giúp đỡ ai? Nếu anh không thoải mái với chính mình, làm sao anh có thể mang lại sự thoải mái cho kẻ khác? Nếu anh chưa đạt đến sự giải thoát, làm sao anh có thể mang lại sự giải thoát cho người khác?
– Nhưng ta có đau khổ thì mới thông cảm với kẻ khác cũng đang đau khổ và muốn giúp đỡ họ. Phải chăng lòng thương xót đó chưa đủ?
– Một người chỉ có thể cứu giúp kẻ khác khi người đó có đủ sức cứu giúp. Nếu một người chết đuối mà người khác dù không biết bơi, vẫn nhảy xuống cứu thì làm sao có thể cứu được? Một người đau khổ dĩ nhiên có lòng thương xót người cùng cảnh ngộ nhưng họ chưa đủ sức để cứu giúp người khác. Muốn có sức mạnh này, họ không thể trông cậy vào lòng thương xót mà cần phải có khả năng cần thiết thì mới giúp đỡ người khác một cách hiệu quả. Chỉ những người ý thức được tính vô ngã mới có thể sử dụng những sức mạnh này mà không sợ lạm dụng nó để gây hại cho mình hay cho người khác.
– Ngài đã nói đến sức mạnh này như một quyền lực thiêng liêng, hay đó là một kết quả của công phu tu hành?
– Đúng thế, nó là những quyền năng đến một cách tự nhiên do sự tu hành theo một số phương pháp và kỷ luật gắt gao. Đó là những quyền năng để chuyển hóa, chữa lành, quyết định đời sống ở kiếp sau v.v… Nó chỉ có thể sử dụng, để giúp đỡ người khác vì quyền năng này không hề có tính chất cá nhân, chỉ sử dụng nhằm mang lại sự tốt đẹp cho muôn loài. Chỉ những người đã ý thức được chính mình mới có thể sử dụng quyền năng này đúng với ý nghĩa của nó.
– Làm sao tôi có thể hiểu được tính vô ngã?
– Đây là một vấn đề tuy có thể giải thích bằng ngôn ngữ nhưng muốn hiểu được điều tôi nói, anh cần phải trải nghiệm nó và trải nghiệm chỉ đến sau công phu thiền định, suy ngẫm. Bất kỳ sự giải thích nào mà thiếu trải nghiệm tâm linh đều chỉ là những danh từ vô nghĩa vì ngôn ngữ có những giới hạn của nó.
– Nhưng dù không hiểu được tính chất vô ngã, người ta vẫn có thể sử dụng những quyền năng được chứ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười lắc đầu:
– Đó là một quan niệm không đúng đắn về các quyền năng. Đối với đa số thì quyền năng được xem như là một động lực phi thường mà người sử dụng có thể làm nhiều chuyện lạ lùng như biến đá thành vàng, bay bổng trên không trung. Đối với họ, thế gian này là một sự phiền phức nên họ phải thay đổi nó để vừa lòng mình, thay vì đi xe lửa thì họ bay, khi cần thứ gì thì họ hóa phép ra thứ đó… Tất cả quan niệm này đều xây dựng chung quanh cái bản ngã và đây là một sai lầm căn bản phải triệt để loại trừ. Một số người tin rằng chỉ cần tu luyện theo một phương pháp, kỹ thuật là có thể đạt được những quyền năng phi thường vượt ngoài sức tưởng tượng, muốn gì được nấy. Những kỹ thuật nhỏ mọn này chỉ có hại vì nó xây dựng trên bản ngã và bản ngã thì bao giờ cũng có những lầm lạc của nó.
Ngài ngưng lại nhìn tôi rồi từ tốn:
– Đó cũng là lý do anh không nên hấp tấp trong việc phải giúp đỡ người khác trước khi hiểu được chính mình. Thoạt đầu anh cần tu sửa Thân – Khẩu – Ý cho trong sạch, thiền định và suy ngẫm về vô ngã rồi phát triển lòng từ bi đến muôn loài. Khi anh thay đổi, hoàn cảnh chung quanh sẽ thay đổi theo và thế giới sẽ không còn là một cái gì phiền toái nữa mà trở nên thân mật hơn, gần gũi hơn, rồi anh sẽ ý thức được sự mầu nhiệm của sự sống. Khi anh biết sống thực, anh sẽ làm được nhiều việc phi thường…
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng nói, căn phòng trở nên tĩnh lặng chỉ có tiếng gió thổi rì rào bên ngoài. Một lúc sau, ngài lên tiếng:
– Anh hãy suy nghĩ kỹ về những điều này, tuần này tôi bận nhiều việc nhưng tuần sau anh có thể ghé lại đây.
Một lúc sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma thong thả nói tiếp:
– Anh nên biết rằng trải nghiệm này không phải là điều mà bản ngã có thể phóng chiếu, tưởng tượng ra được. Đó là trải nghiệm về quyền năng, một thứ quyền năng nội tại để chuyển hóa và thăng hoa bằng tình thương, một thứ tình thương bao la rộng lớn, ban rải cho muôn loài chúng sinh. Tuy nhiên, anh còn phải tiếp tục đi vào một giai đoạn nữa. Khi trải nghiệm được những điều trên, anh không được xem đó là những ấn chứng đặc biệt gì mà phải để cái trải nghiệm đó tự nó tiêu dung, không được bám víu lấy nó, hồi tưởng đến nó nữa. Đây là điều hết sức quan trọng cho những người tu quán tưởng.
Phần đông sau khi trải nghiệm được điều này đã cho rằng mình thành công. Họ cố gắng bảo tồn cái trải nghiệm đó trong tâm trí và cái trải nghiệm màu nhiệm đó đã trở thành ký ức, quan niệm mà họ có thể hồi tưởng lại khi cần thiết. Họ ghi chép cẩn thận các chi tiết vào nhật ký, sử dụng ngôn ngữ để diễn tả nó và mọc rễ trong cái trải nghiệm đã qua ấy. Tóm lại, khi hào quang của trải nghiệm đó phai nhạt đi, họ chỉ còn một mớ danh từ khô khan, một kỷ niệm đã cũ…
Thông thường, khi coi trọng một vật gì, dù đó là một viên ngọc vô giá hay một trải nghiệm tâm linh, người ta đã vô tình biến nó thành một đối tượng tách biệt với chính họ. Thí dụ như, anh không xem các giác quan của mình (mắt, tai, mũi, lưỡi) là quan trọng vì chúng là một phần của anh, lúc nào sử dụng mà chẳng được. Dĩ nhiên khi mất đi một giác quan nào đó, anh mới biết nó là quý, mới tiếc rẻ. Một vật mà anh nhìn thấy hàng ngày thường không còn quý vì lúc nào nó chẳng ở đó. Nói cách khác, anh quý trọng trải nghiệm tâm linh vì anh sợ mất nó, vì anh vẫn xem nó là cái cao thượng, xuất phát từ một đấng thiêng liêng nào đó chứ không phải từ anh. Nhưng đúng vào lúc anh sợ mất đi điều quý báu thì anh đã thực sự mất nó. Khi anh muốn bám víu lấy, anh đã xa rời nó và để tránh đau khổ vì mất nó, bản ngã của anh bắt đầu hành động. Bản ngã sẽ giúp anh sắp đặt lại tư tưởng để đặt vào ký ức những gì cao cả, tuyệt đẹp để anh có thể sử dụng nó khi cần thiết và rồi anh sẽ tự đánh lừa mình, anh không còn chiêm nghiệm được cái hiện tại vĩnh cửu nữa mà vật vờ trôi ngược vào quá khứ. Anh không còn sống thực với mình. Cái trải nghiệm kia đã trở thành điều mà anh mong cầu, ao ước vì đó là điều anh muốn chứ không phải điều anh đang trải nghiệm.
Dĩ nhiên khi anh tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc, cảm giác bình an xuất phát từ ký ức, từ óc tưởng tượng thì anh sẽ chỉ lặp đi lặp lại cái cảm giác nhiệt thành lúc ban đầu. Một lúc nào đó, nó sẽ không còn hào hứng nữa, rồi anh sẽ chán nản, sợ hãi, mất tin tưởng v.v…
Trải nghiệm thực sự là vượt qua thế giới mơ mộng đó, anh phải luôn luôn ghi nhớ tất cả đều do tâm tạo ra. Anh phải bước vào chỗ tột cùng của tánh không (Sunyata), nghĩa là không còn thấy mình, không thấy Đức Bồ Tát, không thấy những hào quang rực rỡ, không thấy những hình ảnh âm thanh, mà tất cả đều rỗng lặng.
Ngài nhìn tôi và nói thật thong thả:
– Anh phải biết từ bỏ các trải nghiệm, từ bỏ mọi sự phóng chiếu, từ bỏ những cảm giác tuyệt vời để vượt lên, vượt qua bờ bên kia, chỉ chú tâm vào sự uyên nguyên rỗng lặng (Sunyata) vốn không hình, không tướng, không còn sự phân biệt, rồi anh sẽ hiểu được điều tôi muốn nói.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại mỉm cười:
– Nhưng trước hết anh hãy thực hành những điều mà tôi chỉ dẫn, chúng ta hãy cùng quán tưởng đến hình ảnh của Đức Quán Thế Âm như tôi vừa trình bày…
Tôi nhắm mắt lại, cố gắng nghĩ đến những chi tiết mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã diễn tả. Tai tôi nghe vang vang âm thanh câu chú “Om Mani Padme Hum” mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tụng…
Một lúc sau, Ngài quay qua bên tôi nói một cách thân mật:
– Thế nào? Anh thấy sao?
– Tôi chẳng thấy gì cả, có lẽ sự quán tưởng của tôi còn kém lắm.
– Phải thực hành chứ, anh mới tập lần đầu mà… Để tôi nhắc lại các chi tiết về hình ảnh của ngài, anh hãy lặp lại theo tôi…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.