T ôi đã bỏ ra cả buổi chiều để đọc tài liệu lịch sử Tây Tạng. Michael cho biết cậu ấy đã đích thân phỏng vấn những nhân vật còn sống, ghi chép và thu âm tất cả để làm tài liệu. Cậu ấy nhún vai:
– Biết đâu tôi chẳng viết một cuốn sách nói về những diễn biến này.
– Nhưng bạn đề cập đến những sự biến của người Tây Tạng, tại sao tôi không nghe nói gì về việc này?
Michael nói một cách chua chát:
– Thế giới bên ngoài đâu biết chuyện gì xảy ra ở Tây Tạng, có lẽ chẳng mấy ai biết xứ này nằm ở đâu nữa kìa. Tôi đã đích thân phỏng vấn những người Tây Tạng, nghe kể về những sự biến xảy ra trong các làng mạc xứ này. Thế giới bên ngoài đã vô tình hay cố tình không muốn đề cập đến vấn đề này. Nếu muốn biết rõ hơn, có lẽ bạn phải đến gặp Tashi Para, ông ta hiện sống ở đây.
Chiều hôm đó, Michael đưa tôi đến khách sạn Gakyi nơi Tashi Para đang làm việc. Đó là một ông lão khỏe mạnh quắc thước, chân cụt đến đầu gối đang cắt tỉa những bông hoa mọc quanh hàng rào. Chúng tôi kéo ghế ngồi nghe ông lão kể về cuộc đời của ông.
“Người Tây Tạng nào cũng muốn sẽ có ngày trở về quê hương, trở về với nếp sống yên lành bình dị dù có phải khổ cực thế nào chăng nữa. Tôi còn nhớ rõ mùa Đông năm đó (1959), tôi được lệnh phải hộ tống Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Ấn Độ. Vừa đi bộ theo ngựa của ngài, tôi vừa nhủ thầm rằng hễ ngài đến nơi an toàn là tôi sẽ trở về xứ Kham để làm công việc của chính mình. Suốt mấy trăm dặm từ Lhassa đến Darjeeling, tôi chỉ có một ý nghĩ là tìm lại sự thanh bình.”
Tashi Para đã giữ đúng lời cam kết, võ sĩ trưởng đoàn cận vệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã về xứ Kham cùng với trưởng tộc Andruk Gompo Tashi – đã làm việc suốt từ năm 1959 cho đến năm 1971. Khi Gompo Tashi qua đời tại Lokha, Tashi Para đã thay mặt ông cho đến khi một trưởng tộc khác, Gyatso Wangdu mang bộ lạc đến và đưa nhóm cố nhân về Nepal.
Dư luận thế giới không mấy ai biết đến những việc làm của người Tây Tạng nhưng mỗi khi nghe nhắc đến những tên tuổi như Gompo Tashi hay Gyatso Wangdu thì người Tây Tạng nào cũng hãnh diện: “Đó là những vị anh hùng xứ tôi, tôi biết gia đình của họ, một dòng họ toàn những anh hùng” .
Gyatso Wangdu qua đời tại Nepal năm 1971, Tashi Para cũng bị nạn, rồi về Darjeeling, dù bị mất một chân nhưng ông vẫn chống nạng đến ở tại biên giới Ấn – Tạng trước khi giao đoàn người lại cho một trưởng tộc khác, Dorjee Para.
Tashi Para vuốt chiếc chân cụt đến đầu gối:
– Nếu tôi có một chiếc chân giả bằng plastic thì tôi đã trở về Tây Tạng tiếp tục công việc.
– Tôi nghe nói sự việc ở Kham là một sự kiện lịch sử. Nhưng các ông có thấy rằng theo quan điểm Phật giáo, bạo động không đưa đến một giải pháp nào cả, bằng chứng là gần 1/5 dân số Tây Tạng đã biết nếu tiếp tục, các ông sẽ tự diệt chủng…
Tashi buồn bã lắc đầu:
– Ông nói cũng có lý nhưng đó là cái lý của một người đứng bên ngoài nhìn vào. Nếu chúng tôi không có một giải pháp nào khác, vậy thì người Tây Tạng cũng bị “đồng hóa” và như thế có khác gì một hình thức diệt chủng. Tuy nhiên, họ đã tính lầm một nước cờ.
– Họ tính lầm chuyện gì?
– Trước đây, người dân xứ này sống vô cùng biệt lập, không chú ý gì đến thế giới bên ngoài. Đa số các vùng đều tự trị và có những phong tục, tập quán riêng biệt. Người Tây Tạng chỉ được kết hợp bởi một tôn giáo chung và trông cậy hoàn toàn vào sự hướng dẫn tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi có sự biến thì người dân xứ này mới ý thức rằng họ từ trước vẫn sống riêng rẽ, bỗng dưng chuyển mình và ý thức rõ rệt về tinh thần, truyền thống dân tộc của mình. Ông không nhìn thấy gương người Do Thái hay sao? Chỉ những dân tộc có biến cố nhiều nhất mới đoàn kết chặt chẽ nhất và ngày nay người Tây Tạng đã trở thành một khối chung, họ sẽ không bao giờ khuất phục bất cứ một thế lực nào.
– Nhưng ông có lạc quan quá không?
Tashi nhấp một chén trà rồi thong thả:
– Nếu ông là người Tây Tạng, ông sẽ hiểu tại sao chúng tôi không thể khuất phục bất cứ một ảnh hưởng ngoại lai nào. Nếu ông biết rằng chỉ trong vòng vài chục năm, chùa chiền, tượng Phật bị hủy hoại, và tất cả truyền thống bị đảo lộn. Các thành phố, đường xá đều bị thay đổi vì những tên gọi này đều xuất xứ trong kinh điển Phật giáo. Thí dụ, vườn Norbulingka (tạm dịch: vườn mà cây cối đều biết nói Pháp) được đổi là “Công viên Nhân Dân” (People’s Park); tu viện Chakpori, nơi đào tạo những y sĩ nổi tiếng nhất Tây Tạng nay đã biến thành một cái chợ bán súc vật có tên là “Trại Chiến Thắng” (Victory Ranch); chùa Jokhang nơi chứa đựng những bộ kinh Phật đầu tiên được truyền vào Tây Tạng đã biến thành quán trọ có tên “Khách điếm số 5” (Guest House 5); điện Potala là nơi duy nhất còn giữ được tên nhưng cũng biến thành viện bảo tàng triển lãm “Tàn tích phong kiến” cho các du khách ngoại quốc…
Tashi Para thở mạnh một hơi để tránh xúc động rồi nói tiếp:
– Dân chúng Tây Tạng bị bắt buộc làm những điều mà mình không muốn. Ông thử nghĩ xem, một dân tộc mà gần như người nào cũng thuộc lòng bộ kinh Kangyur với những điều răn như Từ Bi, Hỷ Xả thì nay phải đọc những câu không đúng với lời nguyện của mình. Nếu các ông hiểu rằng họ đang cố gắng thay đổi hoàn toàn truyền thống Phật giáo tại đây thì các ông sẽ hiểu không người Tây Tạng nào có thể chấp nhận. Nó không chỉ đi ngược lại tín ngưỡng của người dân xứ này mà còn trái ngược với truyền thống, phong tục và tất cả các giá trị tại đây. Ngày nay, trẻ em Tây Tạng không được nuôi dưỡng trong gia đình mà được giáo dục theo một lối khác. Chúng được khuyến khích làm những việc không giống truyền thống của người Tây Tạng. Đây là những sự thật mà chính mắt tôi nhìn thấy trong thời gian ở đó, do đó những người như tôi không thể làm gì hơn ngoài việc giúp cho truyền thống Tây Tạng lớn mạnh.
– Nhưng làm sao một dân tộc hiền hòa sùng mộ đạo Phật như Tây Tạng lại có thể sử dụng bạo động?
– Phong tục Tây Tạng luôn luôn đặt căn bản Từ Bi lên trên hết. Mặc dù luật pháp có án tử hình nhưng suốt mấy trăm năm nay chưa một ai bị xử án này. Ngay những người tù khổ sai cũng luôn luôn được ân xá, pháp luật luôn luôn áp dụng yếu tố khoan hồng nhưng hiện nay tình thế đã đổi khác, chúng tôi phải tìm cách để sống còn.
– Nhưng sử dụng bạo động có trái với lời dạy của Đức Phật không?
– Tuy phải áp dụng nó nhưng chúng tôi không bao giờ đề cao bạo động, chúng tôi sẵn sàng chọn một con đường khác nếu nó mang lại kết quả tốt hơn. Ông cũng thấy trong lịch sử Tây Tạng, đôi lúc bạo động là cần thiết như chuyện tu sĩ Paljor Dorje đã bắn chết vua Lang Darma. Paljor là một vị tu chứng, nhập thất mấy chục năm không màng đến chuyện đời nhưng trước sự đau khổ của dân chúng, trước sự tàn ác của Lang Darma, ông không thể yên tâm ngồi thiền mãi được. Ông đã mang cung, trà trộn vào các giáo sĩ Bon Pa để ám sát vị vua độc ác đó, ông thà giết một mạng còn hơn để Lang Darma tàn sát hàng ngàn sinh mạng khác. Đó là một sự bạo động cao quý, không thể coi là hành vi bạo động thông thường được. Việc tranh đấu của chúng tôi cũng thế thôi.
Tashi Para ngồi lặng lẽ:
– Mặc dù trong quá khứ, tất cả những chùa chiền, Phật tượng, kinh sách bị hủy hoại, ngày nay họ đã bắt đầu cho xây cất lại những tu viện nhưng phải xây cất theo kiến trúc của họ, người Tây Tạng phải đọc kinh điển bằng tiếng Hoa. Tất cả văn hóa truyền thống đều được cải đổi trên đất Tây Tạng, và tôn giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong truyền thống Tây Tạng, là linh hồn của người dân xứ này và không ai có thể sống mà không có hồn…
– Và ông tin rằng Tây Tạng sẽ được tốt đẹp hơn?
Tashi nói bằng một giọng quả quyết:
– Theo thời gian việc gì rồi cũng thay đổi, một ngày nào đó Tây Tạng sẽ trở lại với chính họ. Tôi chỉ mong còn sống đến lúc đó để trở về nhìn thấy điện Potala và lễ Phật ở chùa Jokhang là toại nguyện.
Từ giã Tashi, chúng tôi bước đi lòng vô cùng xúc động. Tôi nghĩ đến cuộc sống êm đềm của mình tại Hoa Kỳ, hình như tôi không để ý gì đến những vấn đề thời cuộc. Cuộc sống đã lôi kéo tôi vào những quay cuồng sinh kế khiến tôi có cảm tưởng như bị tách biệt với cái thế giới bên ngoài. Trong bao năm nay tôi chỉ chú tâm đến những vấn đề chuyên môn, những cuộc đầu tư, những vấn đề cá nhân. Tôi mơ hồ dường như vẫn có những cuộc chiến tranh ở một nơi chốn nào đó trên thế giới. Tôi đi thật chậm, theo dõi từng bước chân của mình nhịp nhàng trên mặt đất, mặt đường loang loáng ẩm ướt như vừa trải qua một trận mưa. Hôm qua tôi đã viết thư về văn phòng cho nhân viên biết rằng tôi sẽ đi dưỡng bệnh một thời gian. Ngồi trước trang giấy trắng, tôi không sao đặt bút viết được, hình như có một cảm giác khó chịu, buồn bực gì đó cứ ám ảnh đầu óc của tôi.
Vượt qua một ngã ba đường, chúng tôi đi ngang một cái tháp nhỏ với những quả chuông quay. Michael thong thả giơ tay xoay nhẹ những quả chuông và lẩm bẩm: “Om Mani Padme Hum” , âm thanh trầm trầm ngân dài trong gió.
Wangyang, người chủ khách sạn mời tôi dùng trà. Ông thong thả rót nước sôi vào ly, xoay chiếc ly một vòng để tráng đều cho ly nóng, đổ chỗ nước đó ra ngoài rồi mới rót trà:
– Đây là thứ trà ngon nhất, còn tốt hơn cả Thukpa, ông có thể uống bất cứ lúc nào, uống ban ngày, uống ban đêm, uống khi làm việc hay uống khi không làm việc. Con nít uống vào thì khỏe mạnh, da thịt hồng hào; người già uống vào thì tráng kiện, minh mẫn; đàn ông uống vào thì có nhiều con…
Tôi suýt bật cười vì giọng quảng cáo rẻ tiền của người chủ khách sạn nhưng khuôn mặt ông vẫn vô cùng nghiêm nghị, không một chút khôi hài. Tôi nhấp một hơi, trà hơi mặn và có vị chát làm tê tê đầu lưỡi. Tôi nhấp thêm một ngụm nữa, Wangyang gật đầu:
– Tôi nói không sai mà, ai đã uống một ly thì phải uống đến ly thứ hai và đã uống ly thứ hai thì phải uống đến ly thứ ba…
Ông nói thật thong thả, khuôn mặt vẫn nghiêm nghị như một vị Lạt Ma. Ông tự rót cho mình một ly, nhấp một hơi rồi thè lưỡi liếm quanh miệng một cách khoan khoái:
– Tôi đã nói mà, không gì hơn một chén trà nóng. Dù thời thế có đổi thay thế nào, trà vẫn là trà, phải không ông?
Ngưng lại một chút như chờ phản ứng của tôi, Wangyang chép miệng:
– Khi tôi còn nhỏ, gia đình nào cũng gửi con vào tu viện hy vọng nó sẽ trở thành một Lạt Ma.
Hiện nay thì nhiều gia đình lại gửi con đi học các trường dạy sinh ngữ hi vọng chúng trở thành những hướng dẫn viên du lịch. Thời thế đổi thay, thoáng một cái đã hơn hai mươi năm rồi. Theo thời gian, ai chẳng phải thay đổi…
Wangyang nhấp thêm một ngụm trà nữa rồi tặc lưỡi:
– Người Tây Tạng tị nạn như chúng tôi cũng không ra ngoài lề luật đó. Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu sử dụng buồng tắm, cầu tiêu, nhà bếp xây theo kiểu châu Âu. Một chiếc xe gắn máy là điều mơ ước của các thanh niên mới lớn, cũng như khi tôi còn trẻ chỉ mong thi đậu được kỳ thi Lạt Ma. Vợ tôi vừa mua một chiếc áo theo thời trang Paris mặc dù mụ ta chưa dám mặc đi ra đường. Tôi cũng có một chiếc đài phát thanh để theo dõi tin tức quốc tế. Thằng con trai tôi có một chiếc máy cát-xét với nhạc phim Ấn Độ. Tuần nào nó cũng xuống tỉnh xem phim và la cà trong những phòng trà. Con gái tôi bây giờ cũng có một chiếc “Walkman” kiểu mới nhất…
Chúng tôi tiếp tục uống trà dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn lồng trên tường. Một làn gió nhẹ thổi qua phảng phất hương đêm dìu dịu, hơi lạnh bắt đầu ngấm vào da thịt khiến tôi phải kéo cao cổ áo lên. Vị trà vừa mặn vừa chát làm tôi có cảm giác vừa ngây ngất lại vừa hơi say. Hai người con của Wangyang từ trong khách sạn bước ra. Cô gái có mái tóc cắt ngắn kiểu phương Tây, mặc một chiếc áo thun có in hình Snoopy. Cô ta thì thầm vài câu vào tai bố. Wangyang vội đặt ly trà xuống bàn:
– Xin lỗi ông nhé, tôi phải vào trong nhà một chút. Mời ông cứ tự nhiên dùng trà.
Cậu con trai mặc quần jean bó sát và khoác một chiếc áo choàng rộng, phía sau có ghi hàng chữ “Go ahead! Make my day”. Cậu mỉm cười nhìn tôi bắt chuyện:
– Ông có thích âm nhạc không? Tôi rất thích nhạc Rock… Tôi thích Rolling Stones và Paul McCartney. Tôi thích California vì ở đó con gái đẹp lại còn lẳng lơ.
Cậu ta châm một điếu thuốc rồi hào hứng nói về một đời sống mà trong đó tất cả mọi người đều lái những chiếc xe hơi phóng hết tốc độ. Tại sao? Tại vì nơi đó mới thật là “sống”… Người Tây Tạng không biết sống nhưng người Hoa Kỳ thì… “Number One”.
Cậu ta hít mạnh một hơi thuốc rồi tiếp tục:
– Tôi chán thành phố này, chán cái đời sống tẻ nhạt mỗi ngày như mọi ngày, chán cảnh chờ đợi du khách ở bến xe buýt, đưa họ đến thăm những ngôi chùa cũ kỹ với những pho tượng đã bạc màu. Tôi chán cảnh gạ gẫm để bán cho du khách những chiếc chuông nhỏ, những chiếc vòng đồng, những chuỗi tràng hạt bằng gỗ Bồ Đề, những chiếc áo đan bằng da bò Yak, tôi chán những câu nói trên đầu môi chót lưỡi “Thank you Sir, Thank you Madam” . Đời sống như thế thật không có một ý nghĩa gì hết. Thế hệ Tây Tạng trước đã không chịu chấp nhận và thay đổi, họ chỉ sống tạm bợ với hy vọng sẽ có ngày trở về quê hương. Ông nhìn kỹ mà xem, cả ngàn người sống trong những chiếc lều cũ kỹ năm này qua năm khác chờ đợi một ngày nào đó sẽ về Tây Tạng để tiếp tục sống trong những chiếc lều cũ kỹ bẩn thỉu y như vậy.
Cậu ta tỏ ra giận dữ hơn:
– Họ chỉ biết sống cho quá khứ, một quá khứ lạc hậu chả đẹp đẽ gì. Thời thế đã thay đổi rồi nhưng họ không quan tâm, họ chỉ biết đến ngày hôm qua. Trong khi cả thế giới đã tiến bộ với hàng trăm phát minh kỹ thuật, người ta đã đặt chân lên cung trăng từ lâu mà người Tây Tạng vẫn mơ mộng được trở về Tây Tạng. Tây Tạng thì có quái gì? Ngay như Ấn Độ cũng chả có quái gì hết nhưng chắc chắn còn hơn Tây Tạng… Ông biết không, một người đầu óc tân tiến như cha tôi mà cũng tin vào những câu sấm ký, những lời tiên tri. Người ta nói vào năm con chó (1970) [8] thì Tây Tạng sẽ được giải phóng… Biết bao người đã chuẩn bị, bán nhà cửa để thu xếp trở về quê hương. Sau năm đó, các nhà tiên tri lại họp nhau bàn tán rồi nói rằng phải chờ đến năm con khỉ (1980) [9] thì Tây Tạng mới thực sự được giải phóng. Bây giờ họ lại nói đến năm con ngựa (1990) [10] thì mới có thể trở về nước. Những điều tiên tri huyễn hoặc đó chỉ có thể lừa bịp những dân quê thất học, những người chăn bò ngây thơ mà thôi. Thời thế đã thay đổi và đã đến lúc người Tây Tạng phải mở mắt ra nhìn thẳng vào thực tế. Họ sống thầm lặng quá lâu rồi, đã đến lúc họ phải thức tỉnh và hòa nhập với đời sống bên ngoài. Phải không ông?
Người thanh niên dụi điếu thuốc lá xuống đất:
– Có lẽ sẽ có ngày tôi bỏ nơi này để đi xa. Tôi đã đến Delhi, tôi có nhiều bạn tại đây nhưng Delhi không phải là mục tiêu của tôi. Sự thực thì tôi muốn đến California… nếu có cơ hội. Có lẽ tôi sẽ tìm một cô gái người Hoa Kỳ, thằng Namgyang, bạn tôi đã làm chuyện đó, nó có một người bạn gái Hoa Kỳ và cô này hứa sẽ đưa nó qua California.
Gã thanh niên nhắm mắt lại tưởng tượng đến California:
– “I love California” … “Life’s a beach” … Nếu tôi được sống ở đó, tôi sẽ lái một chiếc xe thể thao màu đỏ, tôi sẽ tập lướt sóng… Ông nghĩ thế nào?
– Đời sống tại Hoa Kỳ không đơn giản như cậu nghĩ đâu.
Người thanh niên mở trừng mắt ra tức giận:
– Tại sao chúng tôi phải gìn giữ một truyền thống lạc hậu khi cả thế giới đều phát triển một cách văn minh? Tại sao Tây Tạng không nên thay đổi? Tại sao chúng tôi phải sống bữa đói bữa no, chui rúc trong những căn lều tồi tàn tại miền đất khỉ ho cò gáy này khi mọi người có thể sống thoải mái tại những nơi khác? Tại sao vật chất là xấu xa? Tiền bạc có gì xấu? Các ông ai cũng có tiền kia mà? Điều đó có gì không tốt? Sở hữu nhiều tiền đâu phải là cái tội. Tôi thực không hiểu người da trắng các ông chút nào, một mặt các ông sống thoải mái sung sướng rồi các ông qua đây du lịch, nghiên cứu phong tục tập quán xứ này. Sau đó các ông muốn chúng tôi đừng thay đổi, nên giữ gìn truyền thống, các ông nói y hệt như các Lạt Ma, rồi các ông trở về nước tiếp tục đời sống tiện nghi như trước.
– Tôi không có ý như vậy…
Người thanh niên hậm hực nói như quát:
– A! Phải chăng ông không muốn chúng tôi lớn mạnh như các ông? Ông muốn nói rằng đời sống Hoa Kỳ có cái hay cũng như điều không hay chứ gì? Tôi đã đọc sách báo Hoa Kỳ, tôi biết về Hoa Kỳ, tôi đã theo dõi tình hình bên Hoa Kỳ. Tôi vẫn đọc tạp chí Rolling Stones và People … Đôi khi tôi cũng đọc cả Times và Newsweek .
Wangyang ở trong bước ra đằng hắng một tiếng, cậu con trai ngưng bặt rồi quay mặt đi chỗ khác. Người chủ khách sạn lặng lẽ cầm một bình nước sôi ra châm vào bình trà:
– Trà phải uống thật nóng mới ngon, để tôi pha cho ông thêm một chút trà nữa.
Cậu con trai lẳng lặng bỏ vào trong, một lúc sau có tiếng nhạc “Saturday Night Fever” của Bee Gees vọng ra.
Mặt trăng đã lên cao, treo lơ lửng giữa bầu trời màu sẫm, một cơn gió nhẹ làm lay động chiếc đèn treo trên vách. Wangyang nói nhỏ:
– Dù tất cả có thay đổi nhưng trà vẫn là trà phải không ông?
Đường phố Dharamsala hôm nay náo nhiệt lạ thường vì một chuyến xe buýt vừa chở du khách đến. Không như những chuyến xe thông thường của công ty Himachal Transport, đây là chuyến xe thuê bao từ Delhi lên. Hàng trăm du khách quần áo sặc sỡ trang bị máy ảnh, máy quay phim xông xáo khắp đường phố. Các tiệm buôn bỗng ồn ào tiếng mời chào rối rít, những đứa bé Tây Tạng cuống quít hướng dẫn các du khách tò mò đi khắp nơi. Một cặp trai gái tóc nhuộm xanh đỏ, quần áo da đen bóng vừa đi vừa lắc lư theo điệu nhạc phát ra từ chiếc máy phát thanh vặn ầm ĩ.
Michael lắc đầu than:
– Họ thật không coi ai ra gì hết, một thành phố bé nhỏ hoang vu như thế này mà cũng không tránh được nạn du khách.
Chúng tôi rời những khu phố chính, đi dọc theo những dãy nhà lụp xụp xây dọc theo sườn đồi. Một đám trẻ nhỏ đang đùa giỡn dưới suối, thấy chúng tôi đi ngang chúng giơ tay vẫy chào một cách thân mật. Một con chó nhỏ gầy yếu chạy rong đứng lại tò mò đưa mũi ngửi chúng tôi rồi lại quay đầu bỏ đi, vài ông lão già ngồi trước nhà lim dim ngủ gà ngủ gật. Có tiếng mẹ ru con ở đâu vọng lại êm đềm, những làn khói bếp nhẹ nhàng tỏa lên không trung.
Michael cảm khái:
– Đời sống ở đây thật là thần tiên phải không? Không biết cái “Thiên Đường” này còn tồn tại được bao lâu nữa? Thời thế đã bắt đầu thay đổi khi những đứa trẻ sinh ra tại đây lớn lên, chúng chỉ thích mặc quần jean, nghe nhạc Rock. Văn minh tiến bộ là cả một phép lạ, vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng.
– Vậy chúng ta có thể làm gì?
Michael lắc đầu nói một cách buồn rầu:
– Tôi không nghĩ chúng ta có thể làm gì được, dù nói cũng chẳng ai tin. Làm sao ta có thể giải thích cho những người đang say mê những hào nhoáng của văn minh tiến bộ, thèm khát các sản phẩm như máy phát thanh, truyền hình, xe gắn máy rằng việc gì cũng có cái giá của nó và đôi khi họ sẽ phải trả bằng một giá rất cao…
Chúng tôi yên lặng đi dọc theo bờ suối nhỏ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Một lúc sau, Michael ngập ngừng:
– Tôi không biết một nền văn minh vốn được che chở từ bao thế kỷ nay sẽ thay đổi ra sao? Có thể nó chỉ còn lại vài mảnh vụn, hình thức bề ngoài trong những cộng đồng Tây Tạng rải rác trên thế giới. Sự phát triển của văn minh kỹ thuật đã nuốt chửng những nền văn minh tâm linh cao cả này…
Tự nhiên giọng Michael có vẻ cay đắng hơn trước:
– Tôi đi khắp nơi nhưng không nơi nào tôi lại quyến luyến như nơi này, trước sau gì tôi cũng phải rời nó. Bốn năm tại đây đã biến nơi này thành quê hương thứ hai của tôi, nó đã đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm, nó đã làm đời sống của tôi có ý nghĩa hơn nhưng tôi đã làm gì để trả lại? Tôi chỉ thu nhặt những mảnh vụn của một nền văn minh cổ, góp nhặt những tài liệu lịch sử cho luận án tiến sĩ của mình. Ha… ha… ha… Tôi chỉ nhận vào chứ chưa cho đi, tôi chỉ vay chứ chưa hề trả.
– Nhưng một ngày nào đó người ta sẽ biết đến Tây Tạng qua công trình nghiên cứu của bạn.
– Có lẽ đó là điều duy nhất mà tôi có thể làm cho những người dân hiền lành chất phác tại đây nhưng nghĩ cho kỹ tôi vẫn thấy có cái gì không ổn.
Chúng tôi yên lặng đi bọc qua phía bên kia đồi để trở lại thành phố. Mặt trời tỏa những tia nắng ấm áp trên những cành lá xanh tươi, vài con chim nhỏ xòe cánh phơi mình trong nắng. Tiếng suối vẫn chảy róc rách, êm đềm.
Một thanh niên khỏe mạnh mặc quần áo thể thao đang đi dọc theo bờ suối về phía chúng tôi. Michael gọi lớn:
Uygen, phải Uygen Dhondup đấy không?
Người thanh niên đứng lại nhìn chúng tôi rồi gật đầu chào Michael một cách miễn cưỡng, khuôn mặt anh ta có vẻ phẫn nộ bực tức chuyện gì đó. Michael vừa cười vừa lắc đầu:
– Lại đi uống rượu phải không? Có chuyện gì vậy?
– Tôi đang khó chịu đây… mấy thằng du khách khốn nạn… làm tôi bực mình…
Michael giới thiệu tôi với người thanh niên, anh này bắt tay tôi một cách uể oải:
– Xin lỗi ông, tôi đang bực bội. Ngày hôm nay quả là một ngày xui hết sức. Cái đám du khách tôi hướng dẫn lần này quả là một đám vừa ngu vừa dốt, lại cứng đầu cứng cổ.
– Chuyện đâu còn có đó mà, nghỉ ngơi một chút bạn sẽ thấy khỏe ra.
– Nhưng tôi sẽ khỏe hơn khi có vài bát “Chang”.
Kyichu là một quán rượu nhỏ, nói là một túp lều thì đúng hơn vì nó chỉ độc có vài chiếc bàn bằng gỗ sơ sài, một quầy nhỏ bày vài cái bánh đã khô queo và một bức ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũ kỹ treo trên vách. Chủ quán là một người đàn bà có khuôn mặt tròn hơn trăng rằm, mặc quần áo lem luốc dường như không bao giờ giặt.
Uygen Dhondup vừa kéo ghế ngồi vừa kể lể:
– Tôi đưa họ lên tháp Namgyalma, ai cũng muốn xem những quả chuông quay. Tôi giải thích ý nghĩa quả chuông và bánh xe luân hồi thì họ cười ầm lên nói rằng trong khi thế giới tiến bộ, sắp bước vào thế kỷ 21 mà người Tây Tạng vẫn còn mải mê với những “đồ chơi” này, thảo nào họ không tiến bộ được bao nhiêu. Làm sao tôi có thể giải thích cho họ hiểu rằng cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật Thích Ca đã chuyển bánh xe Pháp Luân, mở một con đường sáng cho tất cả mọi người; người Tây Tạng nào cũng ghi nhớ điều này và xoay quả chuông quay như một hình thức tự nhắc nhở mình hãy tỉnh thức để đi theo con đường Đức Phật chỉ dạy. Khi tôi giải thích những câu thần chú khắc trên quả chuông và nói rằng mỗi khi quay chuông thì giống như đang đọc hàng ngàn câu thần chú. Đám du khách cười ồ lên nói rằng người Tây Tạng đã tìm ra một phương pháp “lừa bịp” cả thần thánh, thay vì cầu nguyện họ lại để quả chuông cầu nguyện dùm. Nghe mà phát tức lên được. Thái độ trịch thượng, hống hách của những người này làm tôi nóng mặt, từ trước đến nay những người đến Dharamsala đều ít nhiều hiểu biết, nhưng thời gian gần đây du khách càng ngày càng tệ hơn trước. Họ nghĩ rằng quăng ra vài rupee là có thể mạt sát, chê bai tất cả mọi thứ.
Uygen ngừng lại thở hổn hển như dằn lại cơn tức giận:
– Khi đến trước bức ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma thì họ nói với nhau rằng đó là “God” của người Tây Tạng. Tôi giải thích rằng tuy người Tây Tạng tôn kính Đức Đạt Lai Lạt Ma như một hóa thân của Bồ Tát nhưng ngài không phải là một vị “God”. Tôi nói rằng Đức Phật cũng chỉ là một vị đạo sư, hướng dẫn chúng sinh chứ không phải là “God”. Vậy Phật giáo không có “God” hay sao? Một người khác hỏi. Tôi bèn giải thích cho họ một hồi về ý nghĩa tôn giáo theo quan niệm của người Tây Tạng. Nhóm du khách chụm đầu vào nhau bàn tán rồi một người nói “Nếu vậy thì đã đến lúc người Tây Tạng cần phải bỏ cái tôn giáo yếu kém này đi mà theo chúng tôi, tôn giáo mà không có ‘God’ thì lấy ai cứu vớt các anh khi chết, ai xóa bỏ tội lỗi cho các anh?” . Thế là chúng tôi cãi nhau một trận kịch liệt về vấn đề tôn giáo.
Michael lắc đầu than:
– Khổ quá! Anh làm nghề hướng dẫn du khách mà lại gây chuyện với những người thiếu hiểu biết, không tế nhị đó làm gì.
Hắn quay qua bên tôi nói nhỏ:
– Uygen đã từng là một vị Lạt Ma nên dễ bị đụng chạm về tôn giáo. Làm nghề hướng dẫn khách du lịch đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó; nó không thích hợp với người đã từng làm tu sĩ quen được mọi người kính trọng. Uygen đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống nên suốt ngày rượu chè say khướt.
Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao một tu sĩ lại chuyển qua hành nghề hướng dẫn du lịch như vậy. Hiểu ý tôi, Michael quay qua nói với Uygen:
– Anh bạn đây đang thắc mắc tại sao anh không tiếp tục tu hành mà lại làm cái nghề vất vả này?
Uygen nâng bát Chang lên làm một hơi cạn sạch rồi quay qua chủ nhân đòi rót thêm. Bà chủ không nói nửa lời xòe bàn tay trước mặt ra dấu đòi tiền. Uygen thò tay vào túi cố móc ra được vài xu lẻ, hắn vừa cười vừa lầm bầm:
– Khổ quá, tôi chưa kịp đòi tiền đám du khách đó…
Tôi rút một tờ giấy 10 rupee đưa cho chủ quán, bà chủ gật đầu rồi bắt đầu rót. Uygen không khách sáo làm một hơi dài:
– Tôi đi tu từ khi còn nhỏ, đời sống êm đềm trong tu viện không làm tôi thoải mái. Mặc dù siêng năng học hỏi kinh điển và thuộc lòng rất nhiều câu chú niệm nhưng đời sống phẳng lặng trong tu viện làm tôi bứt rứt khó chịu muốn thay đổi. Nếu sống mãi trong tu viện, tôi sẽ không bao giờ hiểu được thế giới bên ngoài. Sống trong tu viện, các tu sĩ được che chở và bảo bọc kỹ quá khiến một người có đầu óc “nổi loạn” như tôi cảm thấy tù túng, ngột ngạt. Tôi nhìn các vị Trưởng lão rồi tự hỏi “Họ biết gì về cuộc đời?” . Tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời, muốn biết thế nào là khổ đau và hạnh phúc, sau cùng tôi quyết định hoàn tục.
Tôi kể với Sư Trưởng về quyết định này và nghĩ rằng thế nào người cũng ngăn cản nhưng bất ngờ người lại nói “Đó là quyết định của con, mọi người đều phải chọn con đường cho mình và nếu đó là nghiệp quả thì con phải trả. Ta không biết khuyên con gì hơn ngoài việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy cố gắng áp dụng những điều học hỏi trong kinh điển vào đời sống hàng ngày và chấp nhận mọi sự vui cũng như buồn, tốt cũng như xấu, hạnh phúc cũng như khổ đau, vì tất cả đều chỉ là những bài học mà con muốn học” .
Uygen châm một điếu thuốc, chậm chạp thả khói:
– Người thật sáng suốt đã tiên đoán trước mọi sự và truyền cho tôi một chân lý để sống nhưng lúc đó tôi đâu có hiểu. Tôi chỉ nôn nóng muốn tìm hiểu về cuộc đời. So với bên ngoài thì đời sống tu viện thật là thần tiên, thoải mái không lo âu buồn phiền gì cả nhưng con người thường có khuynh hướng tự làm khổ mình thì phải. Tôi vừa rời tu viện ít hôm thì gặp ngay một thiếu nữ người Hoa Kỳ. Nếu không phải là nghiệp (Karma) thì tôi không biết phải nói thế nào đây?
Tôi gặp nàng tại Shrinagar, cách đây không xa. Lúc đầu tất cả dường như tình cờ, nàng kém tôi vài tuổi nhưng sự hiểu biết trên tình trường thì vượt xa tôi… Chúng tôi đã sống với nhau mấy tháng trời một cách tự do phóng túng, rồi một hôm nàng nói “Nếu chúng ta đã yêu thương thì nên sống với nhau trọn đời” . Tôi nghĩ “Tại sao lại không nhỉ? Chúng ta hợp nhau trên mọi phương diện kia mà” . Thế là chúng tôi cưới nhau.
Cuộc sống lứa đôi không đơn giản như tôi nghĩ. Nàng là người độc tài tuyệt đối trong khi tôi đang vui vẻ hồn nhiên muốn sống cho thật ra “sống”. Nàng không thích tôi giao du với đám bạn bè trong xóm, mỗi khi tôi nhậu nhẹt với các bạn thì nàng hầm hầm xông đến đòi tôi phải về nhà lập tức. Các bạn hữu không ai muốn đến nhà tôi vì thái độ độc đoán của nàng.
Nàng là một người đàn bà lạ lùng, lúc nào cũng đòi hỏi tất cả mọi sự phải theo ý mình. Nàng không thích giao thiệp với ai nên không có một người bạn nào trừ tôi, vì thế nàng bám cứng lấy tôi ngày cũng như đêm. Tôi vừa là người chồng, vừa là người bạn, một người nghe nàng thổ lộ tâm sự và người chịu đựng tất cả những cơn thịnh nộ của nàng. Thế là tôi từ giã cái thế giới êm đềm giản dị của tu viện để bước vào một thế giới đầy phức tạp của cuộc đời.
Sống với nàng ít lâu, tôi ý thức rằng người Âu Mỹ có những niềm tin khác thường, họ muốn được hạnh phúc nhưng phải là thứ hạnh phúc theo quan niệm của họ. Trong tình yêu phải có sự đắm đuối ngày này qua ngày khác chứ không được đổi thay, một thứ hạnh phúc vĩnh cửu nhưng đời làm gì có thứ hạnh phúc ấy. Do đó lúc nào nàng cũng lo sợ, bất an. Nàng không chấp nhận để tôi đi đâu hay làm gì một mình mà lúc nào cũng đeo cứng lấy tôi, bắt tôi phải trấn an nàng, dạy dỗ nàng những điều nàng muốn tìm hiểu rồi nghe nàng tâm sự về những kỷ niệm quá khứ của nàng ở Hoa Kỳ.
Dĩ nhiên đâu ai có thể chịu đựng mãi sự ép buộc ngột ngạt này nên chúng tôi cãi nhau suốt. Lần nào nàng cũng khóc lóc, chửi rủa tôi là đồ phụ bạc, tàn nhẫn và không có lương tâm. Tôi cũng to tiếng cãi lại rồi bỏ đi uống rượu mấy ngày mới về nhà.
Chúng tôi sống như thế mấy tháng thì hết tiền, tôi tìm được việc làm tại Shrinagar nhưng không giữ được việc làm nào lâu. Tình trạng tài chính bấp bênh càng làm cuộc sống gia đình thêm sóng gió, chúng tôi cãi nhau ngày này qua ngày khác và tôi càng ngày càng uống rượu nhiều…
Một hôm, nàng cho tôi biết đã có thai, tôi mừng quýnh trước hạnh phúc bất ngờ này và tự nhủ sẽ phải thay đổi để làm nàng thoải mái hơn. Trong suốt thời gian nàng có bầu, tôi chỉ quanh quẩn bên nàng và lo tất cả mọi việc từ cơm nước đến giặt giũ. Nàng rất hài lòng nên chúng tôi lại sống trong hạnh phúc, một phần nữa cũng nhờ số tiền của ông bà nhạc ở Hoa Kỳ gửi sang.
Khi đứa nhỏ ra đời, tôi muốn nó ngủ chung giường nhưng nàng không chịu, bắt nó nằm riêng. Đó là một phong tục ngu xuẩn của người Âu Mỹ. Đứa bé phải nằm cùng với cha mẹ thì mới sung sướng được vì lúc nào nó cũng cảm thấy được yêu thương, bao bọc, che chở bởi hơi ấm của cha mẹ. Khi nó lớn lên sẽ không cảm thấy bất an, rồi sinh các bệnh thần kinh. Trái lại, nàng nói ngủ chung là mất vệ sinh và sắm một cái giường nhỏ. Thế là một cuộc tranh chấp xảy ra với những cãi vã về phong tục, tập quán.
Uygen vươn vai cho dãn gân cốt rồi buông thõng:
– Tôi muốn biết về cuộc đời thì tôi đã nếm ngay mùi vị của cuộc đời. Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới nhận thức được lời khuyên của sư phụ tôi… nhưng khi đó đã muộn rồi.
Tôi sốt ruột:
– Rồi sao nữa? Hai người cãi nhau…
– Hôm đó nàng đã nặng lời “Anh tự xưng là một tu sĩ, đi tu từ nhỏ, vậy anh đã học được gì? Anh cư xử có khác gì một người đàn ông tầm thường đâu?” … Lời nói bất ngờ của nàng như dội một gáo nước lạnh lên đầu tôi, tự ái của tôi bị đụng chạm ghê gớm, thế là tôi xông đến đập cho nàng một trận chí tử. Từ trước, chúng tôi chỉ cãi nhau, nhưng lúc đó tôi như con thú điên cuồng. Kết quả là nàng lãnh một trận đòn thừa sống thiếu chết, thâm tím mặt mày. Tôi bỏ đi uống rượu suốt mấy ngày mới mò về nhà, nhưng nàng và đứa bé đã dọn đi mất tăm rồi. Tôi hoảng hốt tìm kiếm khắp nơi thì được biết nàng đã mang con về Hoa Kỳ…
Uygen im lặng một lúc rồi chép miệng:
– Lúc đó tôi mới ý thức được thế nào là hạnh phúc và đau khổ. Những gì tôi muốn biết về cuộc đời đều do chính mình tạo nên và con người thường có khuynh hướng tự làm khổ mình. Mất cả vợ lẫn con, tôi không còn chỗ nào bám víu. Lúc trước tôi chỉ muốn được rảnh rỗi đi uống rượu với các bạn thì bây giờ tôi lại không thể làm như vậy được nữa. Tôi đâm ra thích uống rượu một mình. Để có tiền sinh sống, tôi đã xoay xở đủ mọi nghề nhưng không nghề nào thành công vì tôi uống rượu nhiều quá, làm chỗ nào ít lâu cũng đều bị đuổi. Cuối cùng, tôi đành lần mò về đây sử dụng vốn liếng sinh ngữ làm nghề hướng dẫn du khách… Việc hôm nay xảy ra cho thấy tôi cũng khó mà làm nghề này lâu được.
Uygen uống cạn bát rượu rồi nói tiếp:
– Nhưng đó là con đường tôi chọn, tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời kia mà. Ha… ha… ha… Tôi đã nếm mùi cuộc đời rồi.
– Tại sao bạn không trở lại tu viện?
– Trở lại tu viện để làm gì? Tôi đâu cần một nơi để nương tựa, tôi đã chọn con đường đời kia mà. Dù chưa học được gì nhiều nhưng tôi cũng đã biết được điều tôi muốn biết. Hạnh phúc và đau khổ luôn song hành cùng nhau, và cuộc đời chỉ là một chuỗi hạnh phúc lẫn khổ đau liên kết trùng trùng điệp điệp. Tôi đang học bài học cay đắng này và biết đâu nhờ vậy mà kiếp sau tôi có thể tu hành một cách nghiêm chỉnh.
Tôi im lặng, câu chuyện của Uygen làm tôi nghĩ đến trường hợp của mình. Tôi lăn vào cuộc đời mà không ý thức cuộc đời là gì còn Uygen muốn tìm hiểu cuộc đời nên phải trả cái giá khá đắt cho bài học này. Phải chăng cuộc đời là một trường học mà người ta phải học bằng sự đau khổ?
– Vậy anh định làm gì?
– Tôi chưa biết, lúc này tôi không thể nghĩ được điều gì nên đành mượn hơi men để quên mặc dù tôi biết điều này là sai quấy. Nếu biết phải làm gì thì tôi đâu ngồi đây như thế này.
Michael kéo tôi đứng dậy, chúng tôi đi đến tận cuối phố vẫn thấy Uygen ngồi gật gù trước bát Chang. Ngoài phố, du khách qua lại vẫn còn đông, tiếng người nói cười ồn ào xen cùng tiếng mời chào rối rít. Một du khách to lớn đeo kính mát, mặc áo ngắn tay hiệu Hawaii cầm một chiếc máy chụp hình:
– Phải chăng hai ông là người Hoa Kỳ? Tốt lắm, tôi cũng vậy. Nhờ hai ông chụp dùm một tấm cho tôi đứng cạnh cái tháp này và nhớ lấy cho rõ bức ảnh ông thần có mấy chục cái đầu và mấy trăm cánh tay này nè…
“Ông thần có mấy chục cái đầu và mấy trăm cánh tay” rất thịnh hành tại Dharamsala. Hầu như các tháp (Stupa) nào cũng khắc hình ảnh vị này, ngay trong Chính điện chùa Namgyang cũng có một pho tượng như vậy rất lớn.
– Bạn không biết ư? Đó là Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara), vị Bồ Tát được tôn thờ nhiều nhất ở Tây Tạng.
– Tôi nghe nói Đức Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng Đại Từ, Đại Bi nhưng tại sao pho tượng lại có hàng chục đầu, hàng trăm cánh tay? Thấy kỳ kỳ làm sao!
Michael bật cười vỗ mạnh vào vai tôi:
– Tôi quên rằng bạn mới đến đây mấy hôm nay. Phần tôi có lẽ quá quen rồi nên không thấy lạ nữa. Bạn có biết tại sao ngài có hàng ngàn cánh tay không? Người Tây Tạng kể rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát đã tu thành Phật. Khi sắp bước vào Niết Bàn thì ngài chợt quay đầu nhìn lại thế gian và thấy chúng sinh còn đau khổ quá nhiều. Ngài phát nguyện nếu còn một chúng sinh đau khổ thì ngài không vào Niết Bàn. Người Tây Tạng tạc tượng ngài với hàng chục cái đầu ý nói rằng chỗ nào cũng có người để ngài cứu vớt. Dĩ nhiên đó chỉ là một trong hàng trăm ngàn câu chuyện về Đức Quán Thế Âm. Người Tây Tạng sùng kính ngài không thua gì Đức Phật A Di Đà hay Đức Phật Thích Ca vì sự hi sinh vô cùng lớn lao này.
– Bạn biết nhiều thật, tôi phục bạn quá…
– Tôi thì đã thấm vào đâu, bạn mà gặp Paul Brady thì còn phục ông ta hơn nữa…
– Paul Brady là ai?
Michael trợn mắt:
– Bạn chưa đọc sách của Paul Brady hay sao?
– Ông là tác giả cuốn The Real Tibetan Buddhism và hàng chục cuốn sách khác. Ông là một nhà học giả rất giỏi hiện đang sống tại đây.
– Tôi không nghe nói về tác giả này…
– Có lẽ bạn phải gặp nhân vật đặc biệt này. Ông ta từng tu nhập thất 10 năm trên dãy Tuyết Sơn, một điều rất hiếm. Ông có kiến thức rất rộng về Phật giáo.
Chúng tôi dừng chân trước một dòng suối, một thanh niên Tây Tạng vạm vỡ đang tắm cho một con ngựa, hắn vừa dội nước lên mình con vật vừa ca hát.
Michael giải thích:
– Đó là một bài dân ca phổ thông đại ý nói về sự thoải mái, tự do của những người chăn dê trên thảo nguyên.
Hắn đang nói thì có tiếng động cơ nổ giòn rồi hai chiếc xe gắn máy với ống hãm thanh đã bị tháo chạy ngang. Hai thanh niên Tây Tạng cúi sát người xuống xe, phóng hết tốc lực làm cát bụi bên đường bốc lên mù mịt.
Gã thanh niên chăn ngựa ngưng hát, nhìn theo đám bụi mờ rồi tiếp tục công việc nhưng không còn hát nghêu ngao như trước nữa. Hình như tiếng động cơ ồn ào vừa qua đã làm hắn cụt hứng.
Michael lắc đầu tỏ vẻ bực bội:
– Phần lớn thanh niên chăn bò đã từ bỏ cuộc sống cực khổ ngoài đồng ruộng, tìm đến những thành phố lớn như New Delhi, Srinagar. Tại đây họ làm những nghề như phu quét đường, đổ rác; nếu may mắn hơn thì lao động trong những nhà máy thép, xưởng kỹ nghệ. Họ dành dụm tiền để ăn mặc theo thời trang Âu Mỹ, quần jean bó sát, áo rộng, tóc uốn quăn hay nhuộm xanh đỏ… Thỉnh thoảng một vài người trở về đây với y phục lố lăng, máy cát-xét, nhạc kích động, xe gắn máy như để tự hào về cái tài sản vật chất mà họ sở hữu được. Họ đã bỏ đời sống thoải mái, ung dung tự do trên thảo nguyên để đổi lấy những thứ vật chất tầm thường trong cuộc sống chật hẹp giả tạo của cái gọi là “văn minh tiến bộ”. Tuy nhiên, phần lớn ít trở lại, rời khỏi đây thì họ bị cuốn hút luôn vào đời sống quay cuồng không thoát được. Để có xe gắn máy, quần áo sặc sỡ, họ phải nai lưng ra làm việc và rồi ngụp lặn trong đống nợ nần chồng chất, các thói hư tật xấu của đời sống văn minh. Khi từ bỏ truyền thống, con người như cái cây bị bứng mất gốc rễ không còn biết bám víu vào đâu nên đâm ra hoang mang, phiêu bạt. Trước áp lực của cuộc sống, họ luôn cảm thấy bất an, lúc nào cũng lo lắng đủ thứ. Để trấn an, họ phải bám víu vào của cải vật chất, lấy thành công làm nguồn an ủi, lấy cạnh tranh làm phương pháp xử thế nhưng càng bám víu vào những cái này, họ càng cảm thấy bất an hơn bao giờ hết, cuộc sống không còn là cái gì đó gần gũi, thân mật nữa mà là một sự đe dọa ghê gớm… Nhiều lúc tôi tự hỏi xã hội ngày nay đang tiến bộ hay suy thoái? Là một nhà Nhân chủng học nghiên cứu các đời sống cổ xưa, tôi thấy rằng cuộc sống giả tạo máy móc ngày nay không những kém xa ngày trước mà càng ngày càng có tính phi nhân. Ngày nay đã mấy ai thoải mái ca hát nghêu ngao như trước, không hiểu họ đã nghẹn họng không thể ca hát được nữa hay vì đã có máy thu thanh hát giùm rồi?
Michael im lặng một lúc rồi cảm khái nhịp chân hát một bản dân ca bằng tiếng Tây Tạng, nét mặt hắn trở nên thoải mái hơn:
– Không hiểu tại sao mỗi lần hát những bài dân ca, tôi lại thấy khoan khoái lạ thường. Tôi nghĩ đến những buổi họp mặt gia đình bên chiếc chòi lá, chung quanh một đống lửa ấm cúng với những món ăn đơn sơ mộc mạc nhưng đầy tình người. Những bài dân ca là tình tự của một dân tộc nhưng nếu nó mất đi thì dân tộc không còn gì nữa. Làm sao một đứa bé Tây Tạng có thể hiểu về lai lịch, truyền thống, nguồn gốc nếu không được tham dự những buổi họp mặt gia đình như vậy?
– Bạn lại nói như một người Tây Tạng rồi.
– Dĩ nhiên, tôi sống ở đây đã mấy năm rồi và nhiều lúc tôi quên rằng mình là một người Âu.
Michael im lặng một lúc rồi buộc miệng:
– Phải chăng tôi là một kẻ lãng mạn, thích đi đây đó và than thở cho số kiếp con người?
– Điều đó cũng không sao.
Bỗng nhiên Michael chăm chú nhìn tôi:
– Phần bạn thì sao? Tại sao bạn lại đến đây?
Đây là lần đầu tiên Michael đề cập đến lý do này. Trước đó hắn vẫn giữ ý xem tôi như là một người khách du lịch mà thôi.
– Tôi không biết… Có thể tôi bị lôi cuốn bởi sự huyền bí của rặng Tuyết Sơn nhưng cũng có thể do Dennis đã thuyết phục tôi, cậu ấy nói rằng tôi sẽ không hối hận khi đến đây…
– Thế bạn có hối hận không?
– Không.
– Tốt lắm, tôi tin rằng nơi này sẽ giúp cho bạn, cũng như nó đã giúp cho Dennis vậy.
Tự nhiên tôi đâm ra tò mò:
– Dennis đã làm gì ở đây?
– Bạn không biết sao?
– Cậu ấy có nói qua với tôi rằng cậu ấy đã chán nếp sống giang hồ phiêu bạt. Cậu ấy đã hưởng tất cả những gì cuộc đời mang lại và muốn tìm ý nghĩa của cuộc sống.
– Bạn biết gì về Dennis?
Tôi ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:
– Tôi biết cậu ấy từ khi còn nhỏ, Dennis là một người tài hoa, xuất sắc trên mọi lĩnh vực. Một người từng trải, kinh nghiệm, có đầu óc cởi mở. Người như cậu ta có thể thành công trên bất cứ phương diện nào. Tôi nghĩ nếu tiếp tục chơi bóng thì cậu ấy có thể trở thành cầu thủ nổi tiếng không kém Fran Tarkenton, Joe Namath hay Joe Montana… Nếu tiếp tục soạn nhạc, ca hát thì biết đâu cậu ta sẽ nổi tiếng như John Lennon, Neil Diamond… Nhiều lúc chúng tôi đã ghen tức với Dennis vì cậu ấy có quá nhiều tài và quá nhiều bạn gái…
Michael im lặng một lúc rồi lên tiếng:
– Khi tôi gặp Dennis thì cậu ấy đang ít nhiều khủng hoảng tinh thần. Cậu ấy có vẻ thất vọng về những mối tình thì phải…
Tôi ngạc nhiên kêu lên:
– Dennis mà thất tình ư? Cậu ta đào hoa lắm kia mà…
– Có nhiều bạn gái không có nghĩa là cậu ấy đã tìm được người yêu lý tưởng. Theo tôi biết, Dennis là một người cô đơn vì không ai hiểu cậu ấy, có lẽ vì cậu ấy muốn tìm kiếm một thứ tình yêu tuyệt đối, một thứ tình yêu mà những người bạn gái qua đường không thể cho cậu ấy.
– Động lực nào đã thúc đẩy Dennis trở thành một tu sĩ?
Michael mỉm cười:
– Có nhiều nguyên nhân đã khiến Dennis đi vào con đường tâm linh, ý tưởng xuất gia có lẽ đã nhen nhúm trong đầu óc cậu ấy từ lâu rồi nên cậu ấy mới lang thang đến Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Tạng rồi cuối cùng lưu lạc đến Dharamsala này. Cậu ấy dành khá nhiều thời giờ nghiên cứu, tìm hiểu nhưng vẫn thiếu một động lực chính thúc đẩy, cái mà nhà Phật gọi là “Túc duyên”.
Hôm đó, tôi và Dennis đi Lamayuru. Thị trấn này sở dĩ có tên Lamayuru vì trước đó Lạt Ma Naropa đã tu ở đây. Tôi đến đó để sưu tầm tài liệu và Dennis tháp tùng theo cho vui. Vì nằm ở một địa thế hiểm trở, không tiện đường giao thông nên thị trấn này gần như bị bỏ hoang, dân cư nghèo xơ xác, chỉ còn vài tu viện cũ kỹ đổ nát. Chúng tôi đi dọc theo những thung lũng hoang vu không một bóng cây ngọn cỏ, chỉ toàn sỏi đá khô cằn. Hôm đó không hiểu sao Dennis trở nên im lặng, ít nói khác thường. Hình như cậu ấy bận tâm suy nghĩ về điều gì đó. Bình thường cậu ta rất vui vẻ, hoạt bát, thích pha trò hài hước chứ ít khi nào lặng im như vậy.
Chúng tôi đi dọc theo con đường chính duy nhất của thị trấn, con đường vắng tanh không một bóng người. Mọi nhà đều đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng chỉ có vài con chó hoang gầy ốm chạy rong. Chúng tôi nhìn thấy một bà lão hành khất, thân hình còm cõi chỉ còn da bọc xương đang lê lết trên vỉa hè. Tôi bèn dúi cho bà 5 rupee nhưng bà vẫn giơ tay ra trước mặt như muốn xin thêm cái gì đó. Dennis rút ổ bánh mì đựng trong chiếc túi đeo trên vai đưa cho bà, bà lão mừng rỡ chụp lấy ăn ngay, thì ra bà lão đói quá. Trong lúc bà đang ăn ngấu nghiến thì một con chó hoang ở đâu đấy chạy đến. Trước cặp mắt kinh ngạc của chúng tôi, bà lão bẻ đôi ổ bánh mì chia cho con chó.
Cảnh tượng một bà lão không có một thứ gì ngoài bộ quần áo rách tả tơi, đang lả đi vì đói lại thản nhiên chia sẻ nửa phần ăn của mình cho một con chó hoang đã làm chúng tôi xúc động. Bà lão hành động một cách tự nhiên, không ngại ngùng hay suy tư cân nhắc, hình như bà không hề phân biệt giữa mình và con chó.
Trong lúc tôi đang ngơ ngác về cảnh tượng này thì Dennis bất chợt run bắn người rồi thốt lên “Đó mới thật là tình thương tuyệt đối” . Cậu ấy quỳ xuống trút tất cả mọi thứ trong chiếc túi ra cho bà lão hành khất. Hành động bất ngờ của Dennis làm tôi ngạc nhiên nên trên đường về tôi đã hỏi “Tại sao bạn cho rằng đó là một thứ tình thương tuyệt đối?” . Cậu ấy trả lời ngay không do dự “Khi cho mà không suy nghĩ, không đòi hỏi gì trả lại, không hối tiếc hay phân biệt thì đó mới thật là tuyệt đối. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này rất lâu và không biết có người nào thực sự bố thí một cách tuyệt đối như vậy không? Tôi đã đi khắp nơi và chỉ thấy bất cứ cái gì được cho đi đều hy vọng phải có thứ gì đó đền đáp lại, đôi lúc điều muốn đạt được lại nhiều hơn điều người ta cho đi… Sự ích kỷ được che đậy khéo léo và ngụy tạo dưới nhiều danh nghĩa tốt đẹp nhưng tựu trung vẫn là một hình thức ích kỷ” .
Tôi bật cười “Thì ra những cô bạn gái của bạn không cho bạn một cách ‘tuyệt đối’ chứ gì?” . Dennis có vẻ tức giận nhưng dằn lại được. Tôi tiếp tục trêu chọc hắn “Thế bạn có ‘tuyệt đối’ như vậy với những người bạn gái đó không?” . Câu này làm hắn khựng lại, hắn thở dài “Có lẽ không” . Tôi khoái chí “Đấy bạn xem, trên đời này đâu có gì tuyệt đối, đâu có ai cho mà không đòi hỏi gì đâu, đi tìm sự ‘tuyệt đối’ chỉ là vô ích thôi” . Dennis gật đầu “Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng bạn không thấy bà lão hành khất đó sao? Tại sao bà lại chia sẻ miếng ăn cho con chó hoang? Có ai bắt bà phải chia sẻ cho con chó đâu? Cái đó không phải là một hình thức bố thí tuyệt đối thì thế nào nữa? Tóm lại, sự tuyệt đối là điều có thể thực hiện” .
Chúng tôi nói bông đùa một hồi rồi chuyển sang vấn đề khác, nhưng tôi không ngờ sự kiện này lại có tác động mạnh mẽ đến Dennis như vậy. Ít lâu sau cậu ấy xin xuất gia và trở thành một tu sĩ Phật giáo. Cậu ấy chủ trương “đoạn tuyệt sở hữu”, nghĩa là không giữ một vật gì cả, tài sản chỉ có một tấm áo nâu sồng.
Michael kết luận:
– Đôi khi chỉ một hành động, cử chỉ dường như vô tình lại có sức mạnh thay đổi hẳn cuộc đời một con người.
Chúng tôi yên lặng một hồi lâu, câu chuyện Michael kể đã làm tôi xúc động:
– Nếu bạn không nói thì tôi không thể nào ngờ được, tôi không bao giờ nghĩ rằng Dennis là một người lý tưởng như vậy.
Michael gật đầu:
– Rất ít ai biết rõ cậu ấy, chắc chắn trong cuộc đời giang hồ phiêu bạt phải có chuyện gì đó xảy ra mới khiến cậu ấy muốn tìm điều tuyệt đối.
Chúng tôi đi qua một chiếc chòi nhỏ dựng bên bờ suối. Một ông lão đang cắm cúi khắc những câu chú niệm lên đá. Mặc dù đã nhìn thấy những hòn đá như thế khắp nơi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một người đang khắc lên đá…
Michael giải thích:
– Người Tây Tạng rất tin hiệu lực của câu chú niệm, họ thường khắc những câu chú niệm lên đá rồi xếp vào một nơi gọi là “Mani Wall”…
– Nhưng câu chú niệm này có nghĩa là gì?
Michael giải thích:
– Câu chú này hết sức đặc biệt và linh thiêng, nó có nhiều mật nghĩa không thể giải thích được. Theo chỗ tôi biết thì tùy theo trạng thái của Tâm mà câu chú này lại biểu hiện với một ý nghĩa khác nhau… Nếu dịch sát thì câu này chỉ có nghĩa là “viên ngọc nằm trong hoa sen”, nhưng người ta có thể hiểu rằng hoa sen (Padme) tượng trưng cho trí tuệ. Chỉ khi nào lòng từ bi lớn mạnh hoàn toàn như một bông hoa vươn cao khỏi vũng bùn vô minh thì ánh sáng trí tuệ mới chiếu sáng rực rỡ được. Đây là ý nghĩa thông thường nhưng ngoài ra còn rất nhiều ý nghĩa khác nữa mà người ta không thể hiểu trọn vẹn nếu không bước vào con đường đạo và có những trải nghiệm tâm linh. Một hòn đá chỉ là một hòn đá nhưng khi đã được khắc câu chú này lên thì nó trở thành một viên ngọc, người Tây Tạng gọi những hòn đá này là “Mani Stone”. Tùy theo định lực và tâm nguyện của người khắc câu chú mà “viên ngọc” này sẽ thu hút những năng lượng thiên nhiên, tạo ra những rung động thần bí, ảnh hưởng đến hoàn cảnh chung quanh. Thí dụ như có một người phát nguyện rằng hòn đá họ khắc sẽ mang lại điều lành cho những người chung quanh, có người lại nguyện rằng chỉ cần nhìn thấy câu chú này thì một người khác sẽ phát tâm tu hành v.v… Oai lực của câu chú này rất lớn, kinh điển Phật giáo đã nói rằng ngay cả các vị Phật cũng còn phải trì tụng câu chú này…
Ông lão khắc đá ngước mắt lên nhìn chúng tôi, Michael gật đầu chào bằng tiếng Tây Tạng và nói chuyện với ông lão một hồi. Sau đó cậu ấy giải thích:
– Umdze thường khắc đá rồi bán cho những tiệm buôn, nhiều du khách thích mua những phiến đá này làm kỷ niệm. Tuy nhiên, ông thường mang đá xếp lên cái “Mani Wall” trên núi và cầu nguyện.
– Ông ấy muốn cầu nguyện điều gì?
– Ông ấy mong gió sẽ mang lời cầu nguyện qua bên kia biên giới để những đứa cháu của ông nghe được những lời cầu nguyện này mà phát tâm tu hành.
Tôi đứng lặng yên nhìn những nét khắc ngoằn ngoèo trên đá, hình như có cái gì đó thân mật giữa tôi và câu chú này, nét khắc nhảy múa linh hoạt như đập vào mắt tôi, tự nhiên tôi lẩm bẩm “Om Mani Padme Hum”…