S iegfried Kunz ngồi trước hàng hiên khách sạn Kalaish với một ly trà trên tay.
– Tôi thích ngồi đây nhìn ngắm mọi người qua lại, có lẽ đó là một thói quen ở châu Âu. Tôi thích cái không khí lạ lùng huyền hoặc với những người khách hành hương, những du khách tò mò, những người lang thang đi tìm kiếm một cái gì đó. Ha… ha… ha…! Tôi là kẻ chỉ thích quan sát chứ không bao giờ nhập cuộc.
Vợ ông ấy, một người đàn bà phốp pháp trên tay cầm một chồng tạp chí điện ảnh bỗng bật cười:
– Thôi đi ông, nhìn lắm chỉ khổ vào thân thôi. Nếu chồng tôi ở Mỹ thì người ta sẽ gọi lão là “Peeping Tom [11] ” có phải không?
– Im đi Bertha, để người ta nói chuyện quan trọng.
– Chuyện gì đối với ông cũng quan trọng hết, mà toàn những chuyện đạo sĩ này và thuật sĩ kia, viển vông và không hấp dẫn chút nào.
– Còn bà thì sao? Chỉ toàn những chuyện tài tử này ly dị tài tử nọ hoặc ca sĩ đó cặp kè với cô đào kia.
Để tránh cuộc tranh luận gia đình, tôi xen vào:
– Ông bà đến đây làm gì?
– Đáng lý tôi phải hỏi ông điều đó mới phải chứ? Chúng tôi du lịch để cho đầu óc thảnh thơi và tốt cho sức khỏe.
Bertha trề môi:
– Tốt cho sức khỏe của ông thì tôi sụt mấy kí lô, cơm nước ở đây tệ quá không ăn được.
– Xin lỗi ông, mụ vợ của tôi ăn nói như vậy đó. Vợ tôi chỉ quan tâm đến tiền bạc, nữ trang, tin tức điện ảnh và nhu cầu ăn uống.
– Thế ông không quan tâm đến ăn uống sao? Tôi chắc ông có thể nhịn đói từ ngày này qua tháng nọ như những đạo sĩ tu nhập thất.
Siegfried lắc đầu đưa ly nước trà cho vợ:
– Khổ quá, lần nào cũng thế, gặp ai nói chuyện là bà xen vào không sao nói được. Bà vào trong lấy cho tôi một ly trà nóng đi.
Bertha cầm ly trà bước vào trong khách sạn lẩm bẩm:
– Đáng lý tôi phải lấy một người chồng Tây Tạng mới phải. Xứ này theo chế độ mẫu hệ, đàn bà có quyền ra lệnh cho đàn ông và tôi sẽ bắt tất cả đàn ông… chỉ được nghe mà cấm được nói.
Siegfried chờ cho vợ đi khuất rồi tủm tỉm cười:
– Tuy Bertha nói nhiều nhưng tôi lại thích người thành thật nghĩ sao nói vậy. Tôi là một kỹ nghệ gia thành công, có địa vị xã hội. Tôi làm chủ một công ty lớn với hàng ngàn nhân viên khắp thế giới. Có lúc tôi tự hào về sự thành công của mình nhưng có lúc lại thấy mình chỉ là một người may mắn. Gặp thời cơ, ai cũng có thể làm được như tôi.
Tuy nhiên, đời sống đầy đủ tiện nghi không làm tôi thỏa mãn, tôi thấy thiếu thốn một cái gì đó. Con người đâu phải chỉ sống bằng bánh mì, phải không ông? Nhưng tôi không thích những giáo sĩ đạo mạo, đăng đàn thuyết giảng. Những người lúc nào cũng mang “Thượng Đế” ra dọa nạt, miệng nói trơn tru nước chảy nhưng trong lòng trống rỗng không có gì. Tôi thích nền văn minh châu Á hơn, nó có cái gì đó vừa huyền hoặc vừa trong sạch, thánh thiện. Ông có nghĩ như thế không? Tôi đã đọc vài cuốn sách về tôn giáo phương Đông và đã tiếp xúc với một số đạo sư, tu sĩ… Tôi muốn tìm một con đường cho mình nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa thể nhập cuộc. Tôi không theo một tôn giáo, triết lý hay một vị thầy nào. Không hiểu vì tôi chưa gặp đúng thầy hay chưa tìm được một tôn giáo nào thích hợp.
Tôi vẫn chỉ là một kẻ đứng bên ngoài nhìn vào rồi quan sát.
Vợ tôi đã nói “Ông không thỏa mãn vì ông muốn nhiều quá, cái gì cũng muốn hết. Ông muốn trở thành triệu phú, nhà đại tư bản, kỹ nghệ gia, chính trị gia và… một bậc thánh sống. Chính lòng tham của ông đã làm ông thấy thiếu thốn và rồi ông đi tìm kiếm Thượng Đế. Thượng Đế đối với ông chỉ là một công ty, một hãng xuất nhập khẩu mà ông chưa mua hết cổ phần, chưa làm chủ hoàn toàn” .
Siegfried ngưng lại một lúc rồi gật đầu cười:
– Ông biết không? Bertha không dại như nhiều người nghĩ đâu, mụ ta rất có lý là đàng khác. Riêng về phần tôi, tôi chẳng biết làm gì nữa, gặp ông đây cũng là dịp để tôi tâm sự…
Chúng tôi nói với nhau một lúc về đủ mọi vấn đề, tinh thần và vật chất, các thời đại hoàng kim, văn minh kỹ thuật, tôn giáo và các tu sĩ Ấn Độ hiện đang “ăn khách” tại Hoa Kỳ.
Cách đây ít lâu chúng tôi có dịp tiếp xúc với một đạo sư nổi tiếng nhân dịp ông qua Đức diễn thuyết. Tôi mời ông ta về nhà riêng. Trong lúc chúng tôi đàm đạo về Bản Ngã và Chân Ngã thì Bertha nói với đạo sư “Các ông nói nhiều quá, Bản Ngã hay Chân Ngã thì ăn nhập gì đến đời sống hiện tại?” . Đạo sư tức giận nói rằng nhờ những buổi đàm luận quan trọng như vậy mà con người mới mở mang trí tuệ, thăng hoa tư tưởng để hòa nhập với Đấng Tối Thượng. Kẻ không biết thưởng thức những điều Chân, Thiện, Mỹ chỉ là một loài ếch ngồi đáy giếng, làm sao biết được bầu trời rộng rãi bao la… Ông có biết Bertha trả lời ra sao không? Mụ vợ tôi nhìn thẳng vào vị đạo sư nổi tiếng thế giới với hàng triệu tín đồ mà nói rằng “Đàn ông như các ông chỉ biết nói từ ngày này qua tháng nọ về những chuyện viển vông – nào là Thượng Đế, sự thật, nguyên lý vũ trụ – nhưng đàn bà chúng tôi mới là người lo cho các ông có bữa cơm ăn, chúng tôi không biết Chân, Thiện, Mỹ nhưng chúng tôi biết đời sống hiện tại thế nào, giá thịt bao nhiêu tiền một lạng, rau bao nhiêu đồng một ký. Nếu đó không phải là sự thật thì cái gì mới là sự thật” .
Bertha ở trong bước ra với hai ly trà nóng:
– Ông lại nói chuyện về vị đạo sư đó rồi phải không? Cái người gì mà ăn khủng khiếp, lại đòi toàn những thứ sơn hào hải vị. Tôi nhớ rõ bộ mặt sượng sùng của ông đó khi “đụng” với tôi. Ông ta quen được tín đồ xì xụp lạy chứ đâu ngờ gặp phải “gái già” này.
– Thôi bà ơi, bà làm tôi mất mặt với hết thảy mọi người. Tôi đang tìm thầy mà đưa người nào về nhà thì bà cũng phá hết.
Bertha trao cho tôi một ly trà nóng:
– Việc gì phải kiếm ai, thầy của ông có lo cho ông khi ông đau ốm không? Có săn sóc từng miếng ăn, có chia sẻ từng nỗi buồn với ông không? Tôi không hiểu nổi đàn ông các ông, hết việc làm thì lại rước người khác về nhà mà thờ. Cái gã yogi gì đó mà ông đón về, hắn chỉ ăn rồi ngủ cả ngày có giúp được gì đâu?
Siegfried vừa nói vừa lắc đầu rồi đổi đề tài:
– Ông đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa?
Tôi lắc đầu. Siegfried chồm lên:
– Cái gì? Ông đến đây bao lâu rồi mà chưa gặp ngài, gần như ai cũng đến Dharamsala với mục đích nghe ngài thuyết pháp kia mà.
– Nhưng tôi đến đây vì… tôi chẳng biết tại sao nữa.
Tôi kể cho Siegfried nghe việc gặp gỡ Dennis và chuyến đi dưỡng bệnh của mình.
Bertha tự nhiên chen vào:
– Ông thấy chưa? Đâu phải người nào cũng đến đây để đi tìm chân lý như ông. Chân lý chỉ là một thứ hàng hóa như tất cả mọi thứ hàng khác, nghĩa là lên xuống theo chu kỳ kinh tế. Lúc này, mức cầu có vẻ nhiều mà mức cung lại chả bao nhiêu nên chân lý bán đắt như tôm tươi. Ông hãy nhìn xem, đạo sư nào cũng hốt bạc đầy tài khoản ngân hàng. Ông có thấy Sai Baba hay Bagwann Raneesh không? Nếu những gã đó bán cổ phần thì tôi đầu tư liền, công ty gì mà chỉ thu vào chứ không hề chi ra, làm sao lỗ được. Nếu công ty điện tử của ông nhà tôi suy sụp, tôi sẽ đổi tên thành “Holy Bertha” đi rao bán “Chân lý” cũng khối người mua.
Siegfried khó chịu gắt gỏng:
– Thôi đi! Bà nói nhiều quá làm ông bạn đây khó chịu…
Bertha quay mặt qua chỗ khác lẩm bẩm:
– Tôi biết mà, đàn bà như tôi vừa ngu lại vừa hay nói nhiều.
– Nhưng nếu đã đến đây chắc ông cũng phải đi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp chứ?
Tôi ngẫm nghĩ rồi nhún vai:
– Tôi chưa định… có lẽ tôi cũng đến nghe.
– Tôi nghĩ ông phải đến nghe, người Tây Tạng tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm…
Tôi không hề có ý định đến gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vì thực ra đầu óc tôi chưa tỉnh táo để có thể quyết định điều gì rõ rệt, nhưng chiều hôm đó khi Siegfried đến rủ tôi vào chùa Namgyal xem lễ thì tự nhiên tôi lại nhận lời liền.
Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi, nhiệt độ chung quanh đã bắt đầu thay đổi. Tôi co ro trong chiếc áo ấm bước vào phòng, vợ chồng Kunz Bertha vừa chải tóc vừa kể lể:
– Ông nhà tôi là một người tháo vát trên chính trường cũng như công việc thương mại, vấn đề tâm linh thì ông ta khờ dại như con trẻ. Ai nói gì cũng tin, ai bảo gì cũng nghe… không phải tôi là một người vô thần, tôi tin ở Thượng Đế nhưng tu hành sao thấy khó quá. Tôi vốn dốt nát, lại lười biếng. Bắt tôi ăn chay làm sao tôi chịu nổi, bảo tôi bỏ tất cả tiện nghi vật chất để vào rừng ép xác khổ hạnh thì chưa vào đến rừng tôi đã bị muỗi cắn chết rồi. Khi nghe các bậc đạo sư nói tôi cũng thấy hay lắm chứ, chúng ta phải mở rộng lòng thương đến tất cả, thương yêu mọi người như anh em ruột thịt. Nhiều lúc tôi cảm động muốn khóc và chỉ muốn thực hành y như điều đó nhưng khổ nỗi khi về nhà đầu óc tôi cứ quanh quẩn với những vấn đề như con nhỏ thư ký có ăn cắp gì trong nhà không? Mấy đứa đầu bếp có ăn gian tiền chợ không? Mấy người hùn vốn làm ăn với nhà tôi có lừa gạt gì không? Do đó, dù muốn nhưng có lẽ tôi không tu được…
Siegfried gật đầu cười:
– Bà mà đi tu thì các tạp chí điện ảnh sẽ bán ế hết…
Bertha cũng cười theo:
– Nếu tôi mà đi tu thì ai lo cho ông đây?
Siegfried âu yếm quàng lấy vai vợ:
– Bà mà đi tu thì tôi lấy vợ khác, lo gì!
– Ông có thấy không? Ông nhà tôi nói vậy mà nghe được. Một mặt ông đòi đi tu không thèm nhòm ngó gì tới tôi, nhưng hễ tôi đòi bỏ nhà đi là ông lo ngay việc tìm một người khác hầu hạ săn sóc cho ông ấy liền. Nếu ông nhà tôi mà trở thành đạo sĩ thì chung quanh động đá của ông phải có vài chục gia nhân túc trực hầu hạ để lo cho ông ấy; còn như tu khổ hạnh phải ngồi bàn đinh thì thế nào cũng có bác sĩ trực kế bên, sẵn sàng chữa trị nếu ông ta gặp phải bệnh uốn ván…
Siegfried lắc đầu quả quyết:
– Nếu tôi quyết định đi tu thì tôi sẽ từ bỏ tất cả.
Tự nhiên Bertha trở nên nghiêm nghị:
– Việc tu hành đòi hỏi một sự chuẩn bị vô cùng cẩn thận, một người quen sống sung sướng dễ gì một sớm một chiều có thể bỏ được tất cả. Muốn đi tu thì ông chuẩn bị tư tưởng, tập tành thể xác cho quen cực khổ rồi bắt đầu từ bỏ dần dần.
Siegfried vẫn nói cứng:
– Nhưng tôi lại khác, tôi có thể thích hợp với mọi hoàn cảnh.
– Một kẻ chỉ thích “nhìn rồi nói” như ông thì có bao giờ nhập cuộc đâu. Ông vẫn chẳng nói như vậy kia mà?
Hai vợ chồng vừa đi vừa tiếp tục trêu chọc nhau cho đến khi đến trước cửa chùa Namgyal.
Khi chúng tôi bước vào Chánh điện thì buổi lễ đã bắt đầu. Dưới ánh nến chập chờn, hàng trăm tu sĩ mặc áo vàng đang chắp tay cầu nguyện. Tiếng tụng kinh trầm trầm, làn khói hương nghi ngút làm cho không khí nơi đây như phảng phất một cái gì trang nghiêm huyền bí. Một người ngồi trên cao đang xoay nhẹ chiếc chuông quay.
Siegfried khẽ kéo tay tôi:
– Đức Đạt Lai Lạt Ma đó…
Đức Đạt Lai Lạt Ma chăm chú nhìn lên tượng Phật như đặt cả tâm hồn vào đó, nếu không có bàn tay gõ nhẹ chiếc chuông quay thì người ta có thể nghĩ rằng đó là một pho tượng. Tiếng tụng kinh vẫn đều đặn vang lên, thỉnh thoảng lại kéo dài mỗi khi có tiếng tù và đệm vào. Siegfried nói nhỏ:
– Đọc kinh này coi vậy mà khó lắm đấy, tôi đã từng tập phát âm những câu chú nhưng sau phải bỏ vì không thể giữ hơi thở khi cần thiết. Niệm chú còn khó hơn các ca sĩ Opera luyện giọng vì vừa phải thở cho đúng, vừa phải phát âm rõ ràng…
Các tu sĩ ngồi phía dưới bắt đầu đọc theo. Âm thanh cộng hưởng vang rền Chánh điện. Đức Đạt Lai Lạt Ma quay mặt lại, thong thả cầm cây tích trượng giơ lên không trung như vẽ vào không khí những đường nét ngoằn ngoèo… Om Mani Padme Hum… Om Mani Padme Hum…
Tôi nín thở theo dõi, âm thanh câu chú vẫn vang rền. Trong ánh sáng mờ ảo, cây tích trượng loang loáng vẽ thành những hình tròn này nối tiếp hình tròn kia làm tôi liên tưởng ngay đến những quả chuông quay, những bánh xe luân hồi, những vòng tròn trong vòng tròn, những quay cuồng không bao giờ chấm dứt… Tiếng chuông chợt ngân lên rồi im lặng. Đức Đạt Lai Lạt Ma nhẹ nhàng đặt cây tích tượng xuống sàn rồi bốc một nắm gạo khẽ tung lên không trung… Om Mani Padme Hum…
Trên đường về, Siegfried trầm ngâm:
– Trông ông ta còn trẻ quá mà lãnh đạo cả một nước như Tây Tạng, người ta nói các vị Đạt Lai Lạt Ma đều hóa thân, không biết có đúng không?
Bertha xen vào:
– Có bằng chứng nào cho biết ông ta là một bậc hóa thân không, nếu chọn đại một đứa trẻ nào đó và nói nó là một vị hóa thân thì cũng đâu ai biết?
Tôi bèn kể cho Bertha nghe về những cuộc khảo nghiệm vô cùng đặc biệt, những bài kệ không ai hiểu, những di vật được để lại từ đời trước mà đứa nhỏ phải nhận đúng. Tôi kể về những vị Đạt Lai Lạt Ma đời trước mà tôi đã đọc trong hồ sơ nghiên cứu của Michael.
Siegfried lắng nghe một cách chăm chú rồi gật đầu:
– Ông cũng biết nhiều đấy chứ, đôi lúc chúng ta phải tin tưởng vào cái gì đó, nếu không thì cuộc đời này hóa ra vô lý lắm sao? Cách đây hai năm, tôi có quen một kỹ nghệ gia rất giàu tại Bonn. Hắn chăm chỉ làm ăn cho đến ngoài bốn mươi mới cưới vợ, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc nhưng mãi vẫn không có con. Bà vợ đã chạy chữa khắp các bác sĩ nổi tiếng mà cũng không có kết quả gì, cho đến khi ông ngoài năm chục và bà gần bốn mươi thì mới có con. Chuyện cũng thật bất ngờ, chữa mãi không kết quả, đến khi tuyệt vọng thì lại có bầu liền… Bà vợ sinh được một đứa con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh nhưng đặc biệt từ nhỏ đến lớn nó chỉ ăn rau, nhất định không ăn thịt. Cứ cho ăn thịt thì nôn mửa ra. Dĩ nhiên điều này đâu có gì lạ, có thể nó bị dị ứng đạm động vật. Khi thằng bé bắt đầu tập nói, thay vì gọi ba mẹ thì nó lại nói những thứ tiếng gì đâu. Lúc đầu không ai để ý nhưng về sau bà mẹ khám phá ra rằng nó nói thành từng bài, có vần có điệu đàng hoàng như một bài hát chứ không phải nói lung tung. Đến khi nó biết vẽ thì nó cứ vẽ đi vẽ lại những ký hiệu lạ lùng không ai hiểu, rồi treo đầy phòng. Bình thường con nít đứa nào chẳng vẽ lung tung rồi dán khắp nhà nhưng thằng bé này chỉ vẽ một ký hiệu đó thôi. Dĩ nhiên vợ chồng nhà kỹ nghệ không biết phải làm gì vì thằng bé vẫn khỏe mạnh, ngoan ngoãn chứ không có triệu chứng gì bất thường.
Một hôm, gia đình đang dùng cơm thì gia nhân cho biết có ba người khách lạ muốn gặp, họ đều là người ngoại quốc nói tiếng Đức không rành. Dĩ nhiên, anh bạn kỹ nghệ gia kia đâu chịu tiếp ai không quen biết hay không có hẹn trước. Ông bảo gia nhân đuổi họ ra thì thằng nhỏ bỏ bàn chạy ra mở cửa… Ba người khách bước vào cởi bỏ áo choàng, bên trong họ mặc y phục tu sĩ màu vàng. Họ quỳ ngay xuống đất, ôm lấy chân đứa bé. Lạ thay, nó cứ đứng yên cho họ xì xụp lạy rồi mới bắt đầu nói một tràng tiếng lạ lùng với những người lạ này. Tuy nó còn nhỏ chưa nói sõi mà sao những người kia hiểu hết. Đến lúc đó cả nhà mới biết thằng nhỏ nói tiếng Tây Tạng mà không ai ngờ.
Một người khách đưa ra một tờ giấy cũ nát có in ký hiệu lạ lùng y hệt như ký hiệu mà thằng nhỏ vẫn vẽ. Trước sự kinh ngạc của đôi vợ chồng kia, các vị tăng cho biết họ được lệnh đến tìm một vị trưởng lão Tây Tạng hóa thân vào gia đình này.
Dĩ nhiên anh bạn kỹ nghệ gia không biết phải xử trí ra sao. Mọi sự lạ lùng về thằng nhỏ đều hoàn toàn ăn khớp với những điều xảy ra. Các tu sĩ đưa ra một chiếc hộp nhỏ, trong đó đựng sáu cái vòng bằng vàng giống y hệt nhau nhưng thằng nhỏ đã chọn đúng cái vòng của vị Trưởng lão ngày xưa vẫn đeo, hai bên nói bằng tiếng Tây Tạng một hồi. Về sau, anh bạn kỹ nghệ gia mới biết những ký hiệu lạ lùng mà thằng nhỏ vẫn viết chính là Pháp danh của vị trưởng lão. Ba vị tăng sĩ cho biết họ được lệnh huấn luyện cho đứa nhỏ để nó phục hồi ký ức và hoàn tất tâm nguyện của vị Trưởng lão trong quá khứ. Tâm nguyện đó ra sao dĩ nhiên không ai được biết vì nó liên quan đến những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.
Siegfried quay qua bên tôi:
– Ông có biết kết quả chuyện này ra sao không?
Bertha nôn nóng:
– Thì ông kể lẹ lên đi, cứ úp mở hoài ai mà chịu nổi?
– Hiện nay nhà kỹ nghệ dành riêng một căn biệt thự tráng lệ trong vùng Bavaria cho đứa nhỏ và ba vị tăng sĩ. Lúc đầu họ còn bỡ ngỡ, hoang mang nhưng theo thời gian, họ hãnh diện đã giúp một “nhân vật đặc biệt” như vậy vào đời. Bây giờ họ đều ăn chay trường, học tiếng Tây Tạng và dành nhiều thời gian nghiên cứu kinh điển Phật giáo.
– Chuyện hấp dẫn vậy tại sao ông không kể cho tôi nghe?
– Bà đã chán những chuyện tài tử điện ảnh rồi sao? Lúc nào bà chả nói mấy câu chuyện huyền bí của tôi thường nhạt như nước ốc.
– Chuyện này… kể ra không đến nỗi tệ.
Siegfried có vẻ trầm ngâm:
– Tôi nghe nói rằng trường hợp này không phải độc nhất mà còn nhiều trường hợp khác nữa. Rất nhiều vị Trưởng lão tu hành công phu thay vì hóa thân trở lại Tây Tạng thì bây giờ lại qua phương Tây để hoàn tất một nhiệm vụ nào đó.
– Do đó tôi tin tưởng rằng thế kỷ tương lai sẽ có những thay đổi lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của mình. Tôi đã chứng kiến một cuộc cách mạng cơ khí, cuộc cách mạng điện tử và hậu quả của nền văn minh máy móc đã đem đến cho con người. Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến một cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng về tâm linh. Một kẻ thích xem xét như tôi đâu thể bỏ qua dịp may hiếm có này phải không? Phần bạn thấy thế nào, có tin được không?
– Việc này kể ra cũng lạ… không biết chuyện gì sẽ xảy ra?
– Chuyện gì xảy ra thì cũng khó đoán nhưng tôi tin chắc rằng chuyện đó sẽ tốt đẹp, những bậc Trưởng lão tu hành công phu từ trước đến nay thường hóa thân tại Tây Tạng, bây giờ lại qua châu Âu đầu thai vào những gia đình hết sức thế lực, quyền quý. Biết đâu họ chẳng chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới?
– Điều đó cũng có thể xảy ra…
Siegfried hăng hái:
– Tôi tin chắc nó sẽ xảy ra. Xã hội ngày nay đang sa vào hố thẳm của sa đọa, rất cần một cuộc thay đổi…
Bertha tự nhiên bật cười lắc đầu:
– Tôi đã nghe ông nói không biết bao nhiêu lần về sự thay đổi rồi. Gặp bất cứ đạo sư nổi tiếng nào ông cũng tin rằng họ sẽ đem lại những đổi thay cho nhân loại. Tôi không đồng ý chút nào, theo tôi họ chỉ là những “con buôn” đầy kinh nghiệm rao bán “ảo vọng” cho những người ngồi chờ sung rụng…
– Thực tế như bà thì đời sống còn gì thú vị nữa.
– Tôi phải thực tế vì nếu không ai sẽ lo cho ông? Ai sẽ kiểm soát ông trong những lúc bốc đồng chứ? Tôi không tin những vị đó có thể thay đổi được gì. Dù có là bậc thánh cũng chẳng thể thay đổi được những gì đang xảy ra.
– Tại sao bà có vẻ mỉa mai vậy?
– Lịch sử vẫn chứng minh đấy thôi, ông không thấy sao? Có bậc vĩ nhân nào không gặp tai họa đâu?
Siegfried vừa lắc đầu vừa cười lẩm bẩm:
– Tôi tưởng bà chỉ đọc tạp chí điện ảnh thôi chứ?
Khi chúng tôi trở về khách sạn thì trời đã khuya, ánh đèn lồng lờ mờ trước sân không đủ soi rõ hàng hiên. Đa số khách trọ có lẽ đều đi ngủ hết nên hàng hiên vắng lặng không một bóng người.
Siegfried bỗng lên tiếng:
– Bạn nghĩ sao về Đức Đạt Lai Lạt Ma?
– Tôi không biết…
– Bạn có muốn gặp ông ta không?
– Gặp để làm gì?
– Biết đâu cuộc tiếp xúc với một bậc đạo sư như vậy có thể thay đổi được mình…
– Nhưng làm sao mà gặp được? Ông ta đâu tiếp khách lạ.
Siegfried mỉm cười:
– Tuy ngài rất ít tiếp khách nhưng tôi đã có những sự quen biết đặc biệt… Tôi đã được thu xếp để gặp ngài vào trưa ngày mốt.
Bertha nhanh miệng giải thích:
– Công ty của nhà tôi đã nhận lời bảo trợ cho một cuộc triển lãm nghệ thuật Tây Tạng tại Đức vào năm tới. Cộng đồng Tây Tạng ở châu Âu muốn tổ chức một buổi triển lãm văn hóa nghệ thuật với mục đích giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của họ. Dĩ nhiên cuộc triển lãm như vậy cần phải có sự bảo trợ và nhà tôi đã nhận lời cố vấn cho hội đồng bảo tồn văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng.
– Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ gặp ông về việc đó sao?
– Tôi không biết ngài có biết gì về việc này không nhưng nhân viên ngoại giao của ngài đã thu xếp cho tôi gặp ngài.
“Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp các ông.”
Chúng tôi dừng chân trước cánh cửa gỗ dầy, vị sư trẻ giơ tay gõ nhẹ lên hai tiếng. Một tiếng đáp lại từ bên trong vọng ra rồi cánh cửa từ từ được mở rộng. Đó là một căn phòng nhỏ hẹp, không trưng bày một thứ gì ngoài một chiếc thảm nhỏ. Sự giản dị gần như trơ trụi của căn phòng đã làm chúng tôi ít nhiều ngạc nhiên, về sau tôi được biết đó là căn phòng riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma dùng để nghỉ ngơi. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi trên tấm thảm, tay cầm một chuỗi hạt bồ đề. Ông ta trông trẻ hơn những hình ảnh tôi thường thấy, ông mỉm cười ra hiệu cho chúng tôi bước vào.
Theo phong tục Tây Tạng, mỗi người trong chúng tôi bước đến dâng lên một tấm khăn choàng lụa và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ nhẹ nhàng đón lấy rồi trả lại bằng cách quàng vào cổ chúng tôi, sau khi phát ra một âm thanh nhẹ và trầm như tỏ ý cảm ơn. Tôi hơi run khi bước đến trước mặt ngài, đây là lần đầu tiên tôi chào kính theo phong tục địa phương. Hình như tay tôi run đến độ không sao đưa tấm khăn lên trước trán được. Có lẽ nhận thấy vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhẹ nhàng tiếp lấy tấm khăn, choàng lại vào cổ tôi và vỗ nhẹ lên vai tôi một cái như tỏ lòng thân ái.
Chúng tôi ngồi yên lặng, không ai thốt lên một tiếng nào nhưng trong sự yên lặng này có một cái gì đó bình an, nhẹ nhàng làm cho mọi người cảm thấy thoải mái. Đây là lần đầu tiên tôi nhận thấy khả năng im lặng tuyệt vời của vị tu sĩ này, mặc dù ông ta nói bằng một giọng trầm nhẹ nhàng nhưng ông ta im lặng nhiều hơn. Ông ngồi yên, hai chân xếp bằng, hai tay buông thõng trên đầu gối. Cả thân hình của ông như toát ra một cái gì đó an tĩnh, thánh thiện khiến người ta không biết làm gì hơn là yên lặng. Tôi thấy cặp mắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma quay về phía tôi như quan sát và tự nhiên tôi thấy mình lại mỉm cười, mặc dù tôi không hiểu tại sao mình lại mỉm cười với một người chưa từng quen biết.
– Các bạn từ đâu đến?
– Chúng tôi là người Đức, anh bạn đây người Hoa Kỳ.
– Các bạn đến đây với mục đích gì?
Siegfried lịch sự không đả động gì đến việc bảo trợ cho cuộc triển lãm mà chỉ kể vắn tắt về chuyến du lịch cũng như những điều đã nghe nói về Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma yên lặng chăm chú nghe, bàn tay ông cầm chuỗi hạt bồ đề và tiếp tục lần đều đặn.
– Các ông muốn tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng ư?
– Thưa vâng.
– Tốt lắm, các ông hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt.
Ngài chỉ nói đến thế rồi lại im lặng, ngồi yên như chờ đợi một câu hỏi khác. Siegfried đằng hắng mấy tiếng như muốn nói điều gì đó nhưng rồi lại ngại ngùng. Sau cùng ông ta ấp úng:
– Thưa ngài, tôi đã thăm viếng miền này được mấy hôm nay. Trước đó tôi đã có dịp viếng thăm Tây Tạng, tôi thấy Tây Tạng ngày nay đang thay đổi rất nhiều và nếu không có biện pháp thích ứng nào để duy trì thì kho tàng văn hóa xứ này có thể bị mai một theo thời gian. Tôi rất đau lòng khi đọc một tờ báo gần đây nói đến việc những tu viện cổ kính bị phá hủy, để lấy gạch xây phi trường. Nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật quý báu của Tây Tạng đã không còn nữa. Liệu chúng tôi có thể làm gì để giúp Tây Tạng khôi phục điều này.
Đức Đạt Lai Lạt Ma im lặng, hình như ông không bao giờ trả lời ngay mà thong thả như chờ đợi một cái gì từ bên trong thúc đẩy rồi mới nghiêng người ra phía trước nói một cách từ tốn:
– Vâng, chúng tôi biết giai đoạn này hết sức khó khăn. Tây Tạng đang gặp nhiều sự thay đổi và những người như chúng tôi chỉ biết cố gắng làm tất cả những gì có thể. Chúng tôi rất cám ơn sự quan tâm của các ông…
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc rồi thong thả:
– Vấn đề chính hiện nay của chúng tôi không phải là xây dựng lại những di tích cổ mà làm sao duy trì tinh hoa Phật giáo tại Tây Tạng. Nếu không có Phật giáo, Tây Tạng sẽ không là gì cả. Lẽ dĩ nhiên các tu viện cần được sửa chữa lại, các tăng sĩ cần được học hỏi nhiều hơn, các lớp học cần được mở để giáo dục quần chúng…
Siegfried xen vào:
– Và những tác phẩm nghệ thuật cần được phục chế lại…
– Điều đó không quan trọng, chúng tôi có thể hoàn tất những tác phẩm nghệ thuật đó khi nào cần thiết.
– Nhưng các tác phẩm nghệ thuật cổ còn sót lại hết sức quý giá, nếu không phục chế kịp thời thì làm sao có thể bảo tồn được. Những người thợ đời sau đâu có khả năng như những bậc thầy ngày trước.
– Điều quan trọng không phải là tu sửa những tác phẩm cổ mà làm sao giữ được những đường nét nghệ thuật trong lòng mọi người. Tây Tạng không phải là một viện bảo tàng sao? Việc tu học quan trọng hơn việc xây chùa, đúc tượng, vẽ tranh. Tại sao lại gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa khi trong nước không còn một ai muốn thưởng lãm? Tại sao lại tái thiết những ngôi chùa khi dân chúng không còn ai muốn tu học? Tại sao lại lo làm những việc mang tính hình thức bên ngoài mà không lo tu sửa nội tâm?
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng nói, một bầu không khí tĩnh lặng bao trùm lên căn phòng. Siegfried có vẻ bối rối, trán hắn lấm tấm mồ hôi. Hình như hắn đã hy vọng một điều gì đó mà không được đáp ứng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười:
– Dù sao chúng tôi cũng hết sức cảm ơn trước thịnh tình và lòng ưu ái của các ông đối với dân tộc tôi.
Siegfried có vẻ ngần ngại nên mãi mới thốt nên lời:
– Chúng tôi đã đọc khá nhiều sách về đạo Phật và rất thích triết lý này. Có lúc tôi nghĩ đến việc trở thành một Phật tử, theo ngài thì việc này thế nào?
Đức Đạt Lai Lạt Ma không trả lời ngay mà im lặng nhìn Siegfried một hồi lâu rồi thong thả:
– Trở thành một Phật tử không phải là một nhãn hiệu để dán lên người, mà là một lối sống. Ông hãy tìm hiểu đạo Phật một cách kỹ lưỡng, nếu thấy nó thích hợp thì hãy sống theo lời Đức Phật chỉ dạy, được như thế thì các ông đã là Phật tử rồi. Vấn đề không phải là trở thành một Phật tử mà là khám phá ra chính mình và sống thực với chính mình. Tất cả những gì không thực đều phải loại bỏ đi…
– Như vậy thì còn lại những gì?
Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười:
– Không còn gì cả, vì tất cả đều là không. Không có bản ngã, không có Thượng Đế, không có linh hồn, không có một cái gì trường tồn tuyệt đối, tất cả chỉ là huyễn…
Siegfried lắc đầu:
– Nói như vậy có quá phũ phàng không?
– Có hai cách diễn tả cái không , tôi có thể nói một cách phũ phàng hay nhẹ nhàng đều được cả. Nói phũ phàng có thể ví như bàn tay của Tử Thần đến gõ cửa nhà, nó làm người ta sợ hãi, như vậy cái bản ngã mà người ta vẫn yêu mến, vẫn bám cứng lấy nó vốn không có thật. Nói nhẹ nhàng hơn, khi không có gì hết thì mới thực sự tự do, ung dung vượt qua các điên đảo, mộng tưởng để đạt tới Niết Bàn. Khi đó không còn sống, không còn chết, không còn sợ hãi, không còn chia cách, không còn chủ thể, không còn đối tượng.
Siegfried hấp tấp:
– Vậy ngài đã trải nghiệm được điều đó chưa?
Đức Đạt Lai Lạt Ma bật cười:
– Tôi đủ trải nghiệm để biết rằng điều này không phải là vô lý nhưng chưa đủ trải nghiệm để sống từng giờ, từng phút với nó.
– Làm sao tôi có thể hiểu được tính không này?
– Tôi có thể giải thích điều này bằng ngôn ngữ nhưng muốn hiểu điều tôi nói, ông cần phải trải nghiệm nó; và ông chỉ có thể trải nghiệm nó qua nhiều năm thiền định và quán tưởng mà thôi. Thiếu công phu này thì người ta không thể hiểu nó một cách rốt ráo được.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng nói, nhìn Siegfried nhưng ông ta không hỏi thêm mà chỉ im lặng như đang đăm chiêu suy nghĩ về điều gì đó. Sau cùng ông thở dài:
– Tôi đã đọc những cuốn sách nói về Luân hồi (Reincarnation). Nhiều người cho rằng luân hồi là một điều tốt vì người ta không hoàn toàn chết hẳn mà sẽ đầu thai trở lại thế gian này. Riêng tôi cứ nghĩ đến việc trở đi, trở lại mãi trong cái vòng quay cuồng mà không chết luôn được thì lại thấy kinh sợ; nhưng ngẫm lại nó cũng đem lại một hy vọng rằng con người sẽ học hỏi và tiến hóa để ngày nào đó họ sẽ tiến gần đến sự thật hơn…
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thật nhẹ nhàng:
– Nhưng tại sao người ta phải chờ đợi kiếp này qua kiếp khác để tiến hóa? Nếu ông có một chiếc xe hơi thật tốt, tại sao ông lại chờ đợi một kiếp nào đó mới sử dụng nó? Tại sao ông cứ tiếp tục đi bộ ngày này qua ngày khác mà không sử dụng xe hơi?
Một bầu không khí im lặng bao trùm lên căn phòng. Tôi chăm chú nhìn Đức Đạt Lai Lạt Ma hy vọng rằng ngài sẽ nói thêm nữa nhưng ngài vẫn ngồi yên, bàn tay tiếp tục lần chuỗi tràng một cách đều đặn. Vị sư trẻ giơ tay ra hiệu cho chúng tôi, Siegfried gật đầu rồi lễ phép nói vài câu từ biệt. Chúng tôi cúi người xuống chào, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đưa tay đáp lễ.
Trên đường về, Siegfried im lặng không nói gì, nhưng vừa ra đến con lộ lớn thì Bertha hỏi ngay:
– Thế nào? Ông đã hài lòng chưa? Ông thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma ra sao? Liệu ông ấy có xứng đáng làm “Thầy” ông không?
Siegfried tỏ ra lừng khừng:
– Ông ấy cũng được…
Bertha quay qua bên tôi phân bua:
– Ông nhà tôi đi tìm thầy từ bao lâu nay, gặp vị nào ông ấy cũng xin yết kiến nhưng rồi chả đi đến đâu cả vì ông ấy chỉ nói chứ không bao giờ làm. Lần này, trước khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông nhà tôi hồ hởi lắm và nghĩ rằng với sự bảo trợ của ông ta thì Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp ông ta thật trọng hậu. Ha… ha… ha…! Ông ấy có đề cập gì đến việc đó đâu mà chỉ khuyên nhà tôi nghiên cứu thêm về đạo Phật. Kể cũng lạ thật, mỗi khi gặp các vị đạo sư, nhà tôi thường hùng biện, đấu hót lung tung nhưng lần này ông ấy lại ít nói hẳn đi.
Siegfried ngập ngừng nói như chữa thẹn:
– Người như thế mình đâu thể ăn nói lung tung được, ông ta càng thánh thiện thì mình càng cảm thấy tội lỗi làm sao.
– Việc gì ông lại mang mặc cảm tội lỗi? Ai chỉ trích ông đâu mà ông sợ?
– Bà cứ chọc tôi hoài, tôi thấy người nào đáng kính phục thì tôi “nể nang” một chút…
Siegfried quay qua nhìn tôi:
– Phần bạn thấy ngài ra sao?
– Tôi thấy ngài rất đúng đắn…
– Chỉ thế thôi sao?
– Tôi không biết, tôi không có ý định tìm thầy học đạo như ông nên không có ý kiến gì…
Tôi đã không nói đúng, đêm đó tôi trằn trọc suy nghĩ rất nhiều về từng câu nói cũng như cử chỉ của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đường phố Dharamsala mấy hôm nay lất phất mưa, đa số du khách đã kéo nhau về hết trả lại cho nơi đây cái không khí yên tĩnh êm đềm thuở ban đầu. Vợ chồng Kunz cũng đã rời đây từ mấy hôm trước, lúc từ giã, Siegfried xiết chặt tay tôi:
– Cứ nghĩ đến việc phải trở về Bonn với văn phòng, giấy tờ, lo âu, phiền muộn là tôi muốn nhức đầu nhưng chúng ta không sao thoát ra được cái vòng luẩn quẩn này phải không? Đã nhiều lúc tôi có ý định từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời giản dị nhưng lại không có can đảm làm việc này. Phải chăng tôi không dám thay đổi hay còn nghi ngại điều gì đó?
Bertha thản nhiên xen vào:
– Thôi đi ông, việc gì ông cứ băn khoăn về con đường của mình. Ông chỉ nói chứ có dám làm đâu mà thắc mắc chi cho mệt.
– Thôi mà! Bà cứ chọc tôi hoài…
Bertha lắc đầu, vừa cười vừa không chịu ngưng:
– Ông đòi đến gặp hết đạo sư này đến tu sĩ kia mong rằng họ sẽ mang lại cho ông chút hy vọng nào đó. Ông nghiên cứu sách vở để tìm kiếm một lý thuyết có thể giúp ông thỏa mãn niềm tự hào về kiến thức. Ồng thăm viếng những thánh địa với hy vọng sẽ gặp được các phép lạ nhưng rồi ông cũng trở về với công việc hàng ngày. Ông chẳng thay đổi được gì hết.
Tôi nhìn bộ mặt nhăn nhó của Siegfried, toan nói vài câu an ủi thì Bertha đã gạt đi:
– Anh đừng lo, ông ấy vẫn nhăn nhó như vậy nhưng khi về đến Bonn là hết ngay. Chỉ vài cú điện thoại của các bạn gọi đi uống rượu hay đua ngựa rồi đâu lại vào đấy… nhưng anh chớ nên bắt chước ông nhà tôi. Anh phải có thái độ dứt khoát chứ đừng “nửa chừng” rồi rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Anh đừng trở thành người mà tôi gọi là “đạo đức giả”.
Bertha ngưng lại rồi nghiêm nghị:
– Hãy thành thật với mình, hãy tìm bằng trái tim rồi anh sẽ gặp điều anh muốn…
Trong suốt thời gian quen vợ chồng Kunz, nhiều lúc Bertha đã làm tôi phải phì cười vì cách ăn nói khôi hài, trào phúng nhưng bà cũng nói nhiều câu ý nhị khiến tôi phải suy nghĩ.
Siegfried xen vào:
– Thôi đi bà, đừng đóng vai cố vấn khuyên bảo người khác. Thế giới này có quá nhiều cố vấn rồi…
Bertha nhún vai rồi tiếp tục:
– Trực giác của tôi cho biết anh đang bối rối về một vấn đề nào đó, có thể anh đang tìm kiếm câu trả lời. Nhưng câu trả lời không thể đến từ bên ngoài được đâu. Ông nhà tôi đã đi tìm kiếm bao lâu mà nào có thấy, rốt cuộc ông ta chỉ tự mình phóng chiếu lên những ảo vọng mà thôi. Phần anh thì khác, anh còn trẻ, còn có thể thay đổi.
Gã tài xế xe buýt thò đầu ra cửa xe la hét inh ỏi, Siegfried vội kéo vợ lên xe. Bertha hôn nhẹ lên trán tôi:
– Đừng quá nghiêm khắc với chính mình.
Chiếc xe từ từ chuyển bánh. Tôi đứng yên nhìn theo cho đến khi nó khuất dần sau con đường đèo. Tự nhiên tôi cảm thấy vô cùng cô đơn. Trong mấy ngày qua, tôi đã cố hòa mình vào hoàn cảnh mới như để quên đi nỗi phiền muộn, nhưng rồi tôi vẫn không quên được những việc đã xảy ra tại Chicago. Những người bạn mới, những phong tục tập quán xa lạ tuy đem đến cho tôi nhiều thích thú nhưng nó không giúp tôi quên được nỗi cay đắng chán chường vẫn tiềm ẩn trong tâm khảm. Tôi thong thả đi trên con đường vắng ẩm ướt nước mưa và một lần nữa suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời.
Đêm đó, tôi nằm mơ thấy mình đang ngồi trong căn nhà cũ nhìn qua cửa sổ xuống hồ Michigan. Bên ngoài tuyết đang rơi thật chậm và thật êm, tôi có thể nhìn thấy những thân cây trơ trụi khẳng khiu sát bờ hồ… Lòng tôi tràn ngập cảm giác chán nản, bực bội, cảm giác mà tôi đã trải qua vào những giờ phút cuối trong căn nhà đó. Tôi tự hỏi trọn cuộc đời tôi đã làm được những gì? Học hỏi được gì? Tôi đã lăn vào đời kiếm tiền với hy vọng sẽ tìm được hạnh phúc, nhưng tôi không hề có hạnh phúc mà chỉ cảm thấy đã gần đạt được hạnh phúc mà thôi. Đó là một sự thật mà không bao giờ tôi dám nghĩ đến, tôi chỉ chạy theo hạnh phúc chứ chưa bao giờ thực sự nắm bắt được nó.
***
Jean Claude giơ một xấp giấy dày ra trước mặt tôi:
– Tôi vừa khám phá ra một bộ sách cổ rất đặc biệt…
Tôi ngạc nhiên nhìn bộ mặt đầy vẻ đắc thắng của Jean Claude:
– Nhưng anh có biết đọc tiếng Tây Tạng đâu?
– Tôi đã nhờ người phiên dịch dùm, bạn hãy nghe đây: “Mật Tông là con đường ngắn nhất… Có ba con đường chính đưa đến giác ngộ hay còn gọi là ba cỗ xe (Yana): Tiểu Thừa (Hianyana), Đại Thừa (Mahayana) và Kim Cương Thừa (Vajrayana). Tiểu Thừa còn gọi là cỗ xe nhỏ hay con đường hẹp, Đại Thừa là cỗ xe lớn hay con đường rộng, và Kim Cương Thừa là cỗ xe bí mật hay con đường tắt (Sudden Path)…”
– Rồi sao nữa?
Jean Claude trợn mắt:
– Bạn không biết gì hết sao? Một con đường tắt. Bạn nghe rõ chưa? Tôi biết mà, thế nào tôi cũng tìm ra được bí mật của các vị Lạt Ma. Họ cất giấu rất kỹ lưỡng nhưng làm sao qua được mặt tôi… Con đường tắt sẽ giải thích rất nhiều việc.
– Giải thích việc gì?
– Tại sao Phật giáo Đại Thừa hay Tiểu Thừa không đề cập gì đến những phương pháp, quyền năng thần thông? Tại sao chỉ ở Tây Tạng mới có những hiện tượng huyền bí? Điều này chỉ có thể giải thích được ở một con đường khác hẳn con đường thông thường, một lối tu bí mật, một con đường tắt… Do đó, người Tây Tạng mới cất giấu kinh điển của họ vô cùng cẩn thận và phương pháp tu luyện của họ được gọi là Mật Tông.
– Tại sao họ phải cất giấu như vậy?
– Bạn không biết một chút gì về lịch sử Phật giáo hết sao? Ngày trước, Đức Phật truyền dạy cho các đệ tử rất nhiều phương pháp khác nhau, mỗi người tùy căn cơ của mình mà lĩnh hội được điều Phật dạy nhưng không ai ghi chép lại. Mấy trăm năm sau, các tăng sĩ mới họp lại nghiên cứu và viết thành những bộ Kinh nhưng các bộ này cũng bị thất truyền ít nhiều. Những bộ Kinh dễ đọc, dễ hiểu còn được truyền tụng; những bộ Kinh cao siêu không ai hiểu thường được cất kỹ một nơi. Huyền thoại Phật giáo kể rằng các kinh điển Đại Thừa được cất giấu dưới Long Cung hơn năm trăm năm cho đến khi ngài Long Thọ (Nagarjuna) xuống Long Cung học thuộc lòng và mang ra truyền bá. Long Thọ được xem là người có công lớn nhất trong việc truyền bá tư tưởng Đại Thừa. Tuy nhiên, Đại Thừa cũng chỉ là một con đường mà thôi, còn một con đường khác nữa từ trước đến nay vẫn được gìn giữ rất kỹ. Tại Tây Tạng gọi là Kim Cương Thừa hay Mật Thừa… Đây là một phương pháp hết sức bí mật chỉ một thiểu số Lạt Ma được dạy dỗ mà người nào cũng có thần thông như Thần Nhãn, Thiên Nhĩ, Khinh Công v.v …
Nhìn bộ mặt nghi ngờ của tôi, Jean Claude xòe tờ giấy ra:
– Bạn hãy nghe đây, tôi nhờ một Lạt Ma tại thư viện dịch giùm vài tựa đề trong cuốn sách và ông ta đã dịch như thế này: Phương pháp mở con mắt trí tuệ . Cái đó không phải “Thần Nhãn” thì còn là gì nữa? Nhưng chưa hết, còn một chương khác Phương pháp chuyển nhiệt trong mình … Ha… ha… ha…! Đây là cách luyện luồng Hỏa Hầu đây mà… Chỉ tiếc rằng vị Lạt Ma này không đủ trình độ sinh ngữ để đi sâu vào chi tiết nhưng ông ta nói chỉ có học giả Paul Brady, người thông thạo tiếng Tây Tạng mới có thể dịch được những tài liệu này. Tôi đã đến tìm ông này nhưng chưa gặp được…
Tôi đã nghe Michael đề cập đến học giả này nên gật đầu:
– Có lẽ vị Lạt Ma đó nói đúng, một người đã tu nhập thất mười năm trên Tuyết Sơn chắc chắn phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm khác thường.
Theo Jean Claude thì vị học giả này vẫn tạm trú tại khách sạn Manasarova mỗi khi có việc đến Dharamsala, nhưng ông thường sống trong một túp lều nhỏ trên rặng Dhauladhur, một nơi hẻo lánh rất ít ai biết.
***
Hôm đó, tôi vô tình ghé vào khách sạn Manasarova để mua một tờ báo. Nagasen, người chủ khách sạn chỉ vào một ông già người Âu đang chăm chú đọc sách bên cạnh ly trà nóng:
– Đó là Paul Brady, nhà học giả nổi tiếng vùng này.
Paul Brady là một người to lớn khỏe mạnh như một cầu thủ bóng bầu dục chứ không có cái phong thái của một bậc học giả như tôi vẫn nghĩ. Ông ngồi yên như chăm chú để hết tâm trí vào cuốn sách dày và chỉ ngẩng lên khi tôi bước đến trước mặt đằng hắng và tự giới thiệu, Paul Brady tháo cặp kính dày cộ trên mặt ra:
– Anh là bạn của Michael Goodman ư? Tốt lắm, tôi nghe nói cậu ấy sắp rời khỏi đây thì phải, cậu ấy ở đây cũng khá lâu đấy chứ? Có lẽ ba hay bốn năm rồi. Cậu ấy chịu khó thật, bốn năm đâu phải ít.
– Nhưng đâu bằng ông, tôi nghe nói ông đã sống hơn hai mươi năm ở đây và đã từng tu nhập thất trong một động đá…
– À cái đó… Cái đó chẳng có nghĩa gì cả…
Paul nói bằng một giọng hết sức dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Có nhiều người khôn khéo từ chối một lời khen để người khác phải khen thêm một lần nữa nhưng ở Paul tôi không thấy có sự kiểu cách như vậy. Ông ta nói một cách thản nhiên cũng như về sau ông đã nói đến những câu chú dài lê thê, những phương pháp tu luyện lạ lùng bằng một giọng bình thản.
Paul Brady thong thả gập cuốn sách lại:
– Còn anh thì sao? Anh đến đây làm chi?
– Tôi chỉ là một khách du lịch, có lẽ một người đi dưỡng bệnh thì đúng hơn.
– Đi dưỡng bệnh ư? Khí hậu miền này tuy tốt nhưng có lẽ hơi lạnh đối với một người đi dưỡng bệnh.
– Ông nói có lẽ đúng… ngoài ra tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về Phật giáo.
– Anh biết gì về Phật giáo.
Câu hỏi của Paul làm tôi nhớ lại cách đây ít lâu Dennis cũng đã hỏi tôi một câu tương tự.
– Tôi không biết nhiều… chỉ đọc vài cuốn sách thôi nhưng tôi thấy có nhiều điểm lạ lùng mà tôi muốn nghiên cứu thêm. Một người bạn của tôi là Jean Claude đã tìm được nhiều bộ cổ thư rất có giá trị trong thư viện Dharamsala…
Paul nghiêm nghị lắc đầu:
– Anh không nên coi việc nghiên cứu Phật giáo như là một phương tiện để thỏa mãn trình độ tri thức của mình hay một hình thức giải trí bằng tôn giáo.
Ông ta ngừng lại như muốn chờ xem phản ứng của tôi thế nào, khi thấy tôi vẫn yên lặng, ông bèn đổi giọng nhẹ nhàng hơn:
– Phật giáo không phải một lý thuyết để nghiên cứu hay mang ra bàn luận, người ta sẽ không được lợi ích gì khi làm chuyện đó.
Ông rót nước trà mời tôi và nói bằng một giọng từ tốn:
– Ngày trước tôi đã làm thế. Tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách về Phật giáo. Tôi có thể trích dẫn những câu trong kinh điển, đã sống như một tu sĩ, đã lên Tuyết Sơn tu nhập thất trong một hang đá và tôi nói rằng, tất cả những cái thuộc về tri thức đều không có giá trị gì cả.
Ông nhìn tôi một hồi lâu rồi tiếp tục:
– Ngày trước tôi đã từng hãnh diện về kiến thức và công trình nghiên cứu của mình. Tôi được gọi là “nhà chuyên môn” về Phật giáo. Tôi đã đi diễn thuyết khắp nơi, biết bao người khâm phục khả năng ăn nói và kiến thức chuyên môn của tôi nhưng rất ít ai biết rằng đằng sau những câu nói khôn ngoan, những danh từ tốt đẹp, tôi đã thu mình vào một cái vỏ ốc kiên cố mà tôi đã tạo ra. Tôi đã xây một bức tường bằng kiến thức giữa tôi với thế giới bên ngoài. Phật giáo đâu phải một học thuyết hay một kiến thức để đem ra nói đi nói lại. Phật giáo là vượt lên mọi kiến thức, kinh nghiệm để không vướng mắc vào đâu cả… Tôi đã mất bao nhiêu năm mới nhận thức rằng lời dạy của Đức Phật thật giản đơn và vô cùng thực tế?
– Tại sao ông lại nói như thế?
– Vì đó là sự thật.
Paul Brady ngả người ra trên chiếc ghế bành:
– Đức Phật không quan tâm đến những vấn đề nhằm thỏa mãn trí tò mò của con người như nguyên nhân của vũ trụ, sự sáng tạo đầu tiên hay các câu hỏi tương tự. Ngài chỉ quan tâm đến hoàn cảnh của con người, sự khổ đau mà con người phải gánh chịu, nguyên nhân dẫn đến sự khổ đau đó, và cách nào để chấm dứt sự đau khổ. Do đó, giáo lý của ngài không đề cập đến những vấn đề siêu hình, mà lại vô cùng thực tiễn. Bất cứ sự diễn giải nào không có tính thực tiễn đều không mang lại lợi ích gì cả.
– Tôi đã từng nghe Michael đề cập đến sự thực tế này nhưng…
Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, Paul Brady mỉm cười:
– Anh muốn biết xem có thể áp dụng được những gì vào trường hợp riêng của anh chứ gì?
Không hiểu sao tôi bỗng trút hết tâm sự của mình:
– Tôi đang thắc mắc và tự hỏi cuộc đời có ý nghĩa gì? Tôi là một người thành công nhưng sự thành công chỉ mang lại cho tôi những bất an. Tôi không thoải mái với tình trạng hiện nay vì chưa biết sẽ phải làm gì? Tôi đang bị bệnh ung thư, chưa biết sống chết thế nào thì lại gặp những biến cố xảy ra khiến tôi hụt hẫng, chới với không biết phải bám víu vào đâu hay làm lại cuộc đời như thế nào? Dĩ nhiên tôi có thể lao đầu vào cuộc đời để xây dựng lại nhưng trước cái chết đe dọa, tôi sợ sẽ lại mất nó như tôi đã từng bị mất nó. Hiện nay tôi đang mất đi niềm tin về những điều đã được dạy bảo về cuộc đời. Trường học chỉ khuyến khích tôi trở thành chuyên viên giỏi, người đắc lực điều hành guồng máy xã hội, kinh tế nhưng tôi thấy mình không hề được sửa soạn để đối phó với những hoàn cảnh như hiện nay…
Paul im lặng một lúc rồi thong thả:
– Xã hội là như thế, người ta chỉ dạy bảo mọi người để thích hợp với đời sống tập đoàn. Giáo dục được đặt ra để giúp học sinh có thể tìm kế sinh nhai theo một khuôn mẫu nhất định chứ không hề giúp họ nhìn thấy khía cạnh rộng lớn hơn cuộc sống. Hiện nay anh bối rối vì anh không biết làm gì? Anh cần tìm hiểu về đời sống trước khi có thể tiếp tục, có đúng như thế không?
– Ông nói đúng, hiện nay tôi đang bối rối, đau khổ vì chưa biết rõ sẽ phải làm gì? Tôi đi tìm nhưng chưa biết mình tìm cái gì? Tôi muốn quên nhưng lại không quên được, tôi muốn tiếp tục nhưng lại sợ mất đi. Tôi nghĩ đến hạnh phúc, đau khổ mà cuộc đời đã mang lại và tự hỏi không lẽ cuôc đời chỉ như vậy sao?
Paul Brady gật đầu:
– Cuộc đời là như vậy, đã là người ai lại không đau khổ. Bất cứ hạnh phúc nào hôm nay cũng dọn đường cho sự đau khổ ngày mai và cứ thế tiếp diễn mãi không thôi. Sinh ra đã khổ. Già cũng khổ, bệnh tật cũng khổ và dĩ nhiên chết là một điều ai cũng sợ hãi. Phải sống với người mình không ưa đã là khổ, phải xa lìa người mình yêu mến cũng là một điều khổ nữa. Ham muốn mà không toại nguyện đã là khổ, nhưng toại nguyện rồi cũng vẫn còn khổ vì được cái này lại mất cái kia hoặc còn ham muốn cái khác nữa. Nhưng có đau khổ thực sự thì mới mong đi tìm con đường diệt khổ, chưa có đau khổ thì cuộc đời còn đẹp lắm, có nếm mùi đau khổ người ta mới tỉnh ngộ và nhận thức một cách đúng đắn hơn về mục đích của cuộc đời.
– Như vậy ông giải thích mục đích cuộc đời như thế nào?
– Phải chăng đó là thắc mắc của anh?
– Tôi cũng đang suy nghĩ về câu hỏi này…
Paul Brady thong thả nhấp một ngụm trà:
– Câu trả lời mỗi người khác nhau vì mỗi người có hoàn cảnh không giống nhau. Không một giải đáp nào có thể xem là chính xác, hay có thể áp dụng chung cho mọi người. Thực ra đây là câu hỏi chúng ta chỉ nên đặt với chính mình và tự tìm lấy câu trả lời. Không ai có thể bắt người khác phải nghe theo mình được vì không lời giải đáp nào tốt hơn lời giải đáp nào. Dĩ nhiên, tôi có thể thuyết phục anh bằng những lý thuyết, phương pháp, biện bác hoặc hứa hẹn nhưng điều đó đâu thực sự giúp ích gì cho anh vì cuộc sống là của anh chứ đâu phải của tôi.
– Nhưng ít ra ông cũng nên đưa ra ý kiến…
– Theo sự hiểu biết của tôi thì mục đích cao cả nhất của cuộc đời là tìm cách vượt ra khỏi đau khổ. Dĩ nhiên tất cả mọi người đều muốn tránh đau khổ nhưng vì họ không ý thức rõ rệt nguyên nhân của sự đau khổ nên cách thức tránh đau khổ của họ chỉ mang tính tạm bợ, không trực tiếp đi sâu vào nguyên nhân dẫn đến đau khổ nên đau khổ vẫn tiếp diễn. Tại sao chúng ta đau khổ? Phải chăng đó là cái ước muốn, cái tham vọng không nguôi để theo đuổi một cái gì đó mà ta không hề biết rõ? Phải chăng vì ham muốn? Anh nghĩ rằng có nhiều tiền bạc anh sẽ hạnh phúc nhưng anh có hạnh phúc không? Hiện nay tiền bạc đâu còn nghĩa lý gì nữa khi anh đang bối rối với tình trạng sức khỏe của mình. Anh nghĩ rằng nếu được mạnh khỏe anh sẽ hạnh phúc nhưng anh có hạnh phúc không? Nếu có tiền bạc và sức khỏe, anh lại thấy cuộc đời thiếu tình yêu sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Tóm lại, anh vẫn chạy đuổi theo những ham muốn mà không biết mình muốn gì và anh tiếp tục đau khổ vì chẳng bao giờ toại nguyện.
– Nhưng tôi phải làm gì đây?
– À! Nếu anh ý thức rằng mình đau khổ vì lòng ham muốn thì anh hãy loại bỏ sự ham muốn này đi. Đau khổ hay hạnh phúc tùy thuộc vào thái độ của anh đối với cuộc sống. Khi xưa anh muốn có thật nhiều tiền, dĩ nhiên anh đã trải qua nhiều khó khăn, cực nhọc mới tích lũy được tài sản. Nhiều lúc anh khổ tâm vì không biết sự cố gắng của mình có đem lại kết quả như ý không? Để đạt được điều mong muốn, anh còn phải lao tâm khổ trí, vất vả từ tinh thần đến thể xác để vượt qua các chướng ngại. Anh phải lo đối phó với người này, kẻ nọ. Anh phải lo lắng vì các luật lệ phức tạp nơi mình sinh sống. Khi đạt được điều mong muốn, anh lại lo sẽ mất đi điều vừa đạt được. Anh sống trong bất an, lo sợ và anh phải lo kiếm thêm, bù đắp thêm nữa để bảo đảm cho cái gọi là sự an toàn trong cuộc sống. Nhưng có bao giờ anh được an toàn đâu? Nếu anh hiểu được rằng tài sản chỉ như một cái “Cúp Luân Chuyển” trong các cuộc tranh giải thể thao, khi đạt được anh phải biết rằng một ngày nào đó nó sẽ được chuyển qua tay người khác thì có lẽ anh sẽ thoải mái hơn. Tóm lại, tùy thái độ của anh trước cuộc sống mà cuộc sống hiện ra hạnh phúc hay đau khổ. Được – thua, còn – mất đều là những sự kiện xảy ra trong cuộc đời như ngày và đêm, mưa và nắng…
Tôi im lặng, những câu nói của Paul Brady đã đề cập rõ rệt đến tình trạng của tôi hiện nay. Quả thế, tôi đã chạy đuổi theo những tham vọng mơ hồ, tôi chỉ cắm đầu đi tìm hạnh phúc mà tôi chưa có một ý thức nào rõ rệt.
– Nhưng làm sao chấm dứt những đau khổ này?
– Nếu anh đã ý thức được nguyên nhân gây nên đau khổ thì anh có thể tìm cách chấm dứt nó. Có nhiều cách thoát khổ và tùy theo hoàn cảnh mỗi người mà họ giải quyết theo những phương pháp thích hợp với họ nhất.
– Bạn tôi, Jean Claude đã nói rằng có ba con đường thoát khổ: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Con đường sau cùng là con đường tắt vô cùng huyền bí mà rất ít ai biết. Đa số kinh điển, tài liệu nói đến con đường sau cùng này được cất giữ rất kỹ lưỡng tại Tây Tạng… Điều này là thế nào?
Paul Brady bật cười lớn rồi lắc đầu:
– Làm gì có chuyện đó, ông bạn Jean Claude của anh thật là một người có nhiều tưởng tượng. Có lẽ anh ta chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết… Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cương Thừa đều là Phật Thừa cả. Tất cả đều là những con đường đưa đến cùng một mục đích là giải thoát. Mục đích mới là điều quan trọng chứ đâu phải những con đường.
– Nhưng hắn cho rằng con đường sau cùng vô cùng bí mật, một con đường tắt có thể giúp ta đạt đến kết quả nhanh chóng.
Paul Brady vừa lắc đầu vừa cười đến chảy cả nước mắt:
– Tôi không ngờ có người lại nghĩ như vậy. Lúc nào người ta cũng muốn tìm một lối đi thật nhanh, một con đường thật ngắn, một phương pháp thật dễ để đem lại kết quả tối đa. Họ quan niệm rằng đi bộ không nhanh bằng đi xe hơi và xe hơi không nhanh bằng phi cơ. Muốn theo Kim Cương Thừa chỉ cần đọc vài câu chú, thực hành vài phương pháp bí mật nào đó là sẽ giống như trên tay cầm sẵn chiếc vé phi cơ hạng nhất để về Niết Bàn.
– Nhưng nếu vậy tại sao người ta gọi nó là con đường tắt?
Pauld Brady im lặng suy nghĩ rồi lên tiếng:
– Điều này có lẽ phải giải thích bằng thí dụ thì mới dễ hiểu. Có một bình điện 110 Volt và một dòng điện cao thế một triệu Volt. Làm cách nào để dẫn luồng điện cao thế đó vào bình điện. Đó là con đường Tiểu Thừa (Hinayana).
Người ta cũng có thể gắn 10.000 bình điện vào dòng điện cao thế, như vậy sức mạnh dòng điện được phân phối đều ra, mỗi bình sẽ nhận đủ 110 Volt. Đó là con đường Đại Thừa (Mahayana).
Hoặc người ta có thể sửa đổi bình điện khiến nó có thể trực tiếp nhận dòng điện cao thế một triệu Volt mà không hư hại. Đó là con đường Kim Cương Thừa (Vajrayana), trực tiếp đón nhận chân lý như một sự thật hiển nhiên vì kim cương có tính cứng rắn, bền vững, không thể hư hoại. Dĩ nhiên chỉ những bậc Tổ, những bậc Bồ Tát mà công phu tu hành bền vững, kiên cố rắn chắc như kim cương thì mới dám đi vào con đường này. Người không đủ công lực, chưa đủ trí tuệ để đón nhận chân lý, chưa đủ sức nhận luồng điện cao thế chắc chắn sẽ bị cháy như than. Đó là sự hiểm nguy của con đường tu Mật Tông.
Theo sách vở Mật Tông thì nếu đi theo con đường Đại Thừa, một người cần phải trải qua rất nhiều kiếp tu hành mới có thể đạt đến quả vị Phật; nhưng nếu theo con đường Kim Cương Thừa, được một vị thầy đã chứng đắc hướng dẫn và gặp các duyên tốt thì người ta có thể đạt quả vị Phật ngay trong kiếp hiện tại. Vì thế người ta gọi nó là “con đường tắt” nhưng nói vậy không có nghĩa Kim Cương Thừa là con đường mà ai cũng có thể đi được. Theo sự hiểu biết của tôi, đây là một chân lý tối thượng dành cho các bậc Bồ Tát mà công phu tu hành tinh tấn đã trải qua vô lượng vô số kiếp, các ngài đã đến giai đoạn cuối cùng của con đường chứng đắc, chỉ cần một nhát gươm chém tan màn vô minh để hốt nhiên giác ngộ, đạt đến cảnh giới Niết Bàn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các vị Tổ, Bồ Tát này đã có đủ Giới, Định, Tuệ, đã mở lòng Từ Bi Bác Ái, đã phát tâm Bồ Đề kiên cố, hiểu lý Vô Thường, luật Nhân Quả chứ những kẻ mà Giới chưa giữ nổi, Định chưa yên, lòng đầy ích kỷ ngạo mạn, Tâm còn lao chao như ngọn đèn trước gió mà đòi đi đường tắt thì thật là quá rồ dại, ngông cuồng.
– Như vậy theo ý ông người ta chỉ nên đi vào những con đường khác ít nguy hiểm hơn hay sao?
– Đó chỉ là một thí dụ, thật ra muốn hiểu về Kim Cương Thừa phải có kiến thức rất rõ rệt về Tiểu Thừa cũng như Đại Thừa vì tất cả đều là Phật Thừa. Gọi là Tiểu Thừa, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa chỉ là những danh từ, những giai đoạn, trình độ hay những phương tiện mà thôi chứ cả ba con đường hoàn toàn không có gì sai khác.
– Xin ông nói rõ hơn về ba con đường này.
Con đường nhỏ hay Tiểu Thừa (Hinayana) đặt căn bản trên Giới Luật, Thiền Định để kiểm soát Thân, Khẩu, Ý. Nhờ sự giữ gìn những kỷ luật nghiêm cẩn, có một đời sống trong sạch, thanh tịnh và nhờ sự thiền định, theo dõi từng hơi thở, từng cảm giác, từng ý tưởng nhen nhúm trong tâm mà người hành thiền ý thức được rằng trong thế gian này thật không có gì bền vững, vĩnh cửu mà chỉ là do Tâm tạo ra. Nhưng Tâm hay tư tưởng cũng không hề bền vững mà thật ra chỉ là những diễn tiến chập chờn, xáo động, trùng trùng điệp điệp không hề chắc chắn.
Từ ý thức này, họ sẽ thấy rõ ràng tính cách Vô ngã của mình, và sự lầm lẫn về cái Ngã là nguyên nhân của tất cả đau khổ, phiền não. Vì nhận thấy rằng có một cái Ngã nên con người mới cố gắng tô điểm, bảo vệ, gìn giữ cho nó được trường tồn. Họ đã nhân danh đủ mọi thứ, từ tôn giáo đến triết học để đề cao cái bản ngã này. Họ đã tạo ra hình ảnh Thượng Đế hay lý thuyết về sự bất tử để thỏa mãn ước vọng thầm kín tồn tại mãi mãi trong cái vòng vô minh. Cho đến khi thực sự quán triệt được tính chất Vô Ngã của mình, họ mới chán ghét Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức [12] và tìm cách thoát khỏi màn vô minh. Tự giác là mục đích của con đường này.
Từ sự ý thức về tính Vô Ngã của mình, cái Ngã trở nên không còn quan trọng nữa, sẽ đưa đến việc mở rộng lòng thương đến những người xung quanh. Khi cái “Ta” không còn nữa thì đâu còn sự phân biệt giữa ta và người khác, chủ thể và đối tượng. Con đường rộng hay Đại Thừa (Mahayana) dựa trên sự ý thức về tính Vô Ngã của mình và mở rộng lòng thương đến tất cả muôn loài chúng sinh, không tìm sự giải thoát cho mình mà giúp đỡ tất cả đều được thoát khỏi phiền não, khổ đau. Kinh điển Đại Thừa nhiều như rừng bể, cao siêu khôn lường không thể nói trong ít lâu mà hết được nhưng tựu trung đều dựa trên sự phát triển lòng Từ Bi, không những tự giác ngộ mà còn giác tha.
Con đường tắt hay Kim Cương Thừa (Vajrayana) được gọi là Kim Cương vì đề cao sự khám phá ra tính cứng rắn, không thể hư hoại được của trạng thái giác ngộ, nhìn thấy thực tướng của sự vật. Kim Cương là thứ sắc bén có thể xuyên thủng mọi vật, là lưỡi dao bén xuyên thủng màn vô minh để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát. Kim Cương Thừa đề cao sự phát triển Trí Tuệ siêu việt, gọi là Trí Tuệ Bát Nhã. Để đạt đến trí tuệ này phải có một tấm lòng Từ Bi vô cùng rộng lớn. Do đó, Kim Cương Thừa liên quan mật thiết với Đại Thừa và có thể nói rằng Kim Cương Thừa là giai đoạn chót của Đại Thừa, giai đoạn sau khi đã khai mở rốt ráo lòng Từ Bi, bắt đầu chuyển Thức thành Trí để nhận thức chân lý.
Điều quan trọng cần biết là cả ba con đường tuy thế vẫn chỉ là một (Nhất Thừa) vì trên thực tế không hề có sự sai khác, cả ba đều chỉ là một sự tiếp diễn không ngừng vì tên gọi Mật Thừa (Tantra) còn có nghĩa là sự nối tiếp. Tuy gọi là nối tiếp nhưng không hề có khởi đầu hay chấm dứt mà thực ra nó là một cái vòng tròn, trong đó ba con đường có thể ví như những sợi chỉ ba màu cùng quấn lại. Vì tính chất tương quan này, ta có thể nói đó là những giai đoạn, trình độ trên cùng một con đường, con đường giải thoát.
Nếu không áp dụng các căn bản Giới, Định của Tiểu Thừa để tự độ thì khó có thể đi vào con đường phổ độ của Đại Thừa, và nếu thiếu lòng Từ Bi của Đại Thừa thì không thể đi vào con đường Trí Tuệ của Kim Cương Thừa.
Kim Cương Thừa (Vajrayana) hay Mật Thừa (Tantric) là một con đường hết sức linh thiêng và bí mật. Các tổ Mật Tông đều nhấn mạnh đến việc tu học Thần Chú (Tantra) như phương tiện để đạt đến sự giác ngộ.
Truyền thống Mật Tông xây dựng trên sự truyền khẩu quyết giữa thầy và trò. Các khẩu quyết này được giữ hết sức bí mật, nhưng “bí mật” ở đây không thể hiểu như một sự giấu giếm, không muốn cho ai biết. Sở dĩ có sự bí mật vì khẩu quyết đó chỉ có thầy, vốn biết rõ căn cơ, trình độ của học trò nên mới có thể chỉ dạy một phương pháp thích hợp nhất, riêng cho học trò đó mà thôi. Khẩu quyết này có thể tạm ví như một “Thiền Tông Công Án”, chìa khóa giúp người đó tỉnh ngộ, nhưng chỉ một người thôi chứ không thể áp dụng cho hàng loạt. Nhờ chuyên tâm tu hành khẩu quyết này mà học trò có thể phá vỡ tà kiến, vén màn vô minh để nhìn thẳng vào Sự Thật. Do đó, tu theo Mật Tông phải có thầy chứ không thể nghiên cứu vài cuốn sách hay học thuộc lòng vài câu chú như nhiều người thường nghĩ. Đã thế, vị thầy hướng dẫn còn phải là người kinh nghiệm, có những ấn chứng mới hướng dẫn học trò một cách tốt đẹp, hiệu quả được.
Có hai sự nguy hiểm lớn trong việc tu theo Mật Tông. Vì sự truyền dạy không dựa trên sách vở, lý thuyết nên người học không biết đâu là đúng, là sai; vì thiếu các chỉ điểm nên rất dễ đi vào con đường Tà Đạo.
Vì phải dựa vào một vị thầy nên sự lựa chọn bậc chân tu đạo hạnh, có kinh nghiệm hành trì Mật Tông là rất khó. Nếu gặp người thiếu kinh nghiệm thì cả thầy lẫn trò đều dễ lạc vào những cảnh giới huyền hoặc và vô cùng nguy hiểm của vô minh.
Ngoài ra, vì tính “bí mật” không thể giải thích nên đã có nhiều ngộ nhận, lầm lẫn của những người nghiên cứu Mật Tông theo sách vở. Nhiều người đã hiểu lầm những Biểu Tượng, Mật Nghĩa rồi theo đó giải thích, tạo ra nhiều ngộ nhận vô cùng đáng tiếc – như Mật Tông là một kỹ thuật giao hoan, hưởng lạc, khai mở luồng hỏa hầu, tu dưỡng chân khí, thái Âm bổ Dương v.v… Đây chỉ là sự phóng chiếu các tư tưởng bệnh hoạn của những đầu óc ích kỷ, thiếu hiểu biết.
Ngôn ngữ không thể diễn tả được Chân Lý, có những điều chỉ có thể cảm được, ngộ được nhưng không thể diễn tả được nên các Tổ đã sử dụng những Biểu Tượng để tượng trưng cho điều các ngài muốn nói, những Mật Nghĩa để người đời sau phải suy nghĩ, phải sống, phải trải nghiệm thì mới hiểu được. Nhiều người đã dựa vào những Biểu Tượng, Mật Nghĩa này để giảng giải Mật Tông một cách hoàn toàn sai lạc – chẳng hạn như đây là con đường tắt, nhanh chóng để đạt đến kết quả.
Làm sao một người sống trụy lạc, Thân – Khẩu – Ý hoàn toàn bất tịnh chỉ cần đọc vài câu chú đã có thể giác ngộ, nhập Niết Bàn được? Giả sử như nếu có một câu mật chú mang lại kết quả như thế thì tại sao người truyền dạy nó chưa nhập Niết Bàn ngay mà còn mang ra rao bán bừa bãi để đổi lấy những số tiền “cúng thầy, cúng tổ” hay những danh vọng hão huyền mà người đời tôn cho họ?
Người ta không thể tìm một giải pháp cấp tốc, trong một thời gian thật ngắn mà đạt được kết quả tối đa. Tất cả những gì thiếu mục đích chân chính, chỉ nhằm đạt đến kết quả thì sẽ không bao giờ thành tựu được, không những mình đã làm người khác lầm lẫn mà còn đánh lừa chính mình nữa.
Kim Cương Thừa có tính bí mật vì nó là một phương pháp tuyệt đối, dành cho các bậc tu hành hết sức cao chứ không phải để mang ra truyền dạy bừa bãi. Đa số mọi người chỉ thích nhắm vào kết quả mà không chịu hành động, họ muốn học cách nào nhanh nhất, lẹ nhất và ít tốn công nhọc sức nhất, cũng ví như người muốn lên lầu nhưng không muốn leo cầu thang mà đòi dùng thang máy. Không những họ lười biếng, thiếu kiên nhẫn mà còn tham lam. Với thái độ như vậy, không bao giờ họ có thể đi vào con đường này. Có lẽ vì biết thái độ của đa số chúng sinh đều như thế nên các vị Tổ Mật Tông đã gìn giữ giáo lý này trong vòng bí mật, những bộ kinh của Kim Cương Thừa ít được truyền bá rộng rãi.
Tôi có dịp gặp lại Paul Brady nhiều lần sau đó. Sau mỗi lần gặp gỡ, tình bạn giữa chúng tôi lại nảy nở thân thiết hơn. Paul luôn luôn nhấn mạnh đến sự thực hành và khuyên tôi nên tránh con đường nghiên cứu một cách từ chương:
– Tôi đã phung phí gần mười năm trời làm chuyện vô ích này nên không muốn thấy ai đi vào con đường này nữa. Đó cũng là lý do tôi không còn thích viết sách, tôi muốn quên đi tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra. Chân lý không phải để mang ra nói đi nói lại mà phải sống theo đó thì mới có lợi ích. Anh không nên chạy theo những lý thuyết viển vông mà hãy đặt câu hỏi xem chân lý đó có giúp gì cho mình không và nếu được thì hãy sống theo nó.
– Làm sao một người đang đi trên con đường trí thức, từ chương như ông lại có thể thay đổi như vậy được?
– Là một học giả, tôi chỉ biết nói về lý thuyết chứ chưa hề có trải nghiệm tâm linh. Dĩ nhiên tôi ý thức việc này hơn ai hết nhưng trải nghiệm này đâu phải muốn mà được? Việc nghiên cứu của tôi chỉ đi đến một giai đoạn rồi bế tắc, người ta không thể đi xa hơn nữa nếu không có trải nghiệm tâm linh. Do đó, tôi chỉ lặp lại những lý thuyết khô khan và quanh quẩn trong phạm trù trí thức rồi rơi vào cái bẫy ngôn từ.
Khi không thể diễn tả các trải nghiệm thực sự, người ta bắt đầu tưởng tượng, phóng chiếu các sự kiện này lên bằng những danh từ thật kêu. Lúc đầu tôi còn lúng túng, vụng về nhưng về sau chính những danh từ, hình ảnh của sự tưởng tượng này đã ám ảnh tôi.
Nói cách khác, tôi đã tự lừa dối chính mình bằng các ảo ảnh đó lúc nào cũng không hay. Về sau, ý thức được điều này, tôi đã qua Nhật tìm đến một vị thiền sư nổi tiếng để nhờ người giúp cho. Vị thiền sư nói rằng chỉ khi nào tôi có thể quên tất cả những sách vở đã đọc thì mới có thể chỉ điểm cho tôi thêm được. Tóm lại, những điều tôi học hỏi, nghiên cứu đều trở thành chướng ngại cho việc tu học của tôi.
Paul Brady ngưng lại rồi lắc đầu:
– Giá như anh có thể hiểu được sự sụp đổ của trí thức kinh khủng và ghê gớm như thế nào, tất cả những gì tôi tin tưởng và tự hào bỗng dưng trở nên vô giá trị. Tất cả những mốc điểm đều biến mất khiến tôi cảm thấy hụt hẫng, chới với và hoảng hốt gần như phát điên vì không biết phải làm gì. Tôi cầu xin vị thiền sư giúp tôi, vị này cũng tử tế chỉ cho tôi cách thiền định để chế ngự cái tâm nhưng sau mấy tháng liền tôi không sao định tâm được, các định nghĩa, danh từ, lý thuyết cứ nổi lên ám ảnh đầu óc đang hoang mang của tôi. Đến khi đó tôi mới thực sự trải nghiệm được sự vô ích của từ chương… Sau một thời gian tập thiền không kết quả, tôi đành trở về châu Âu, trên đường về tôi ghé qua Ấn Độ.
– Phải chăng có điều gì đã xảy ra làm ông thay đổi?
Paul Brady gật đầu:
– Phải, tôi đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và cuộc đời tôi thay đổi từ đó…
– Không lẽ ông ta có khả năng thay đổi người khác như vậy sao?
Paul Brady xác nhận:
– Phải, khi tiếp xúc với một bậc “Thiện Tri Thức”, mình có thể thay đổi được chứ.
– Nhưng ông có tin Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị Bồ Tát hóa thân như người Tây Tạng vẫn tin tưởng?
– Điều đó tùy sự tin tưởng của mỗi người, Phật giáo không quan niệm về một quyền lực ngoại giới mà chú trọng đến sự toàn thiện của mỗi con người. Khi một người đã chuyển được tất cả những năng lực trong mình, kết tinh thành một tâm thức siêu đẳng hay tâm thức Bồ Đề, ta có thể gọi đó là một vị Thánh hay một vị Đạt Lai Lạt Ma. Vì đã có nhiều người đạt đến trạng thái này nên ta có thể biết chắc rằng điều này có thể thực hiện được. Ngay quả vị cao tột như Phật mà cũng đã có người, thái tử Tất Đạt Đa đạt đến thì phải biết chắc rằng con người có thể đạt đến những quả vị rất cao, có đủ năng lực để giải phóng chính mình ra khỏi luân hồi sinh tử. Chính Đức Phật đã nói “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” , một lời nói cao quý tràn đầy hy vọng.
Danh từ “Đạt Lai Lạt Ma” có nhiều nghĩa, nhưng mật nghĩa của nó là một người đã vượt qua cái bản ngã của mình. Khi một người không còn bị giam hãm trong cái bản ngã nhỏ bé nữa thì người đó là tất cả, người đó trở thành một biển tình thương rộng lớn. Danh từ “Đạt Lai” là phiên âm tiếng Mông Cổ của tiếng Hoa “Đại Hải”, hay biển lớn.
– Ông đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma trong trường hợp nào?
– Từ trước đến nay các kinh điển Tây Tạng rất ít được truyền ra ngoài. Khi người Tây Tạng tị nạn vào Ấn Độ, họ đã mang theo rất nhiều sách vở, kinh điển và cần phải thu xếp, sắp đặt theo thứ tự để kiểm kê trước khi thành lập một thư viện. Là một học giả thông thạo nhiều thứ tiếng, kể cả Tạng ngữ nên tôi đâu bỏ qua cơ hội hiếm có này. Dĩ nhiên tôi đã tình nguyện giúp họ soạn thảo hồ sơ, sắp đặt và tổ chức một thư viện chính. Hôm đó, đang cắm cúi ghi chép những tài liệu thì Đức Đạt Lai Lạt Ma từ đâu bước vào, ngài im lặng nhìn tôi rất lâu nhưng tôi không hay biết cho đến khi một nhân viên làm việc lên tiếng giới thiệu tôi với ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma từ tốn nói: “Ông làm việc như vậy đã đủ rồi, đừng nên tham lam nữa” . Câu nói thoáng nghe không có gì quan trọng nhưng không hiểu sao tôi thấy như có một cái gì rung động lạ thường. Tôi định lên tiếng hỏi thì ngài đã chỉ vào tờ giấy nháp mà trong đó tôi đã ghi chép các chi tiết bằng tốc ký và nói: “Tờ giấy nháp đầy chữ đó không dùng được, phải biết lựa lọc ra thì mới có ích lợi” . Lời nói dường như vô tình đó tự nhiên có một sức mạnh vang dội vào đầu tôi. Trong thoáng chốc, những thắc mắc từ trước của tôi bỗng sáng ra. Tôi đứng sững, mồ hôi toát ra đầm đìa cho đến khi ngài bước ra khỏi phòng lúc nào cũng không hay.
– Rồi sao nữa?
– Anh không hiểu ư? Trọn cuộc đời tôi đã đọc hàng ngàn cuốn sách ví như tờ giấy nháp đầy chữ, tôi chưa biết chọn lọc trong đó ra những gì cần thiết để áp dụng cho mình. Cái kiến thức mà tôi sở hữu lúc ấy chỉ như một tờ giấy nháp “đầy chữ”. Vì quá nhiều kiến thức nên nó ám ảnh tôi ngày cũng như đêm. Khi xưa, vị thiền sư người Nhật chẳng phải đã nói rằng chỉ khi nào quên hết chữ nghĩa thì tôi mới tiến bộ được kia mà.
Tôi đã suy ngẫm về vấn đề này rất lâu nhưng chưa đạt đến kết quả nào. Lời nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một tia sét phá vỡ tất cả thắc mắc của tôi, nó có một oai lực rất mạnh làm tôi chấn động toàn thân như bừng tỉnh. Suốt đêm hôm đó, tôi không ngủ được vì quá xúc động, toàn thân tôi nóng ran như lên cơn sốt. Hôm sau, tôi xin yết kiến ngài. Lạ thay, khi vừa gặp tôi, ngài đã nói rằng bây giờ tôi có thể thiền định được rồi. Ngài chỉ cho tôi thêm một vài khẩu quyết để bổ túc vào phương pháp thiền tôi đã học ở Nhật. Trước đó tôi không thể định tâm, mà sao lần này tôi có thể làm được dễ dàng. Các danh từ, quan niệm, từ chương bỗng biến đâu mất hết. Càng thiền định về các chân lý khẩu truyền này, tôi càng quên đi những gì thuộc về sách vở, tri thức.
Sau đó, tôi đã tu nhập thất để suy ngẫm về những điều đã học hỏi; và càng suy ngẫm, tôi càng thấy cái gọi là tri thức chỉ đáng vứt đi, không có một chút ích lợi gì cả.
– Nhưng ông tu nhập thất thế nào?
– Tu nhập thất cũng có nhiều giai đoạn, trong những năm sau cùng tôi chỉ nhìn vào vách tường.
– Tại sao lại nhìn vào vách tường?
– Anh có thể suy ngẫm rất nhiều khi nhìn vào một vách đá trơn tru, anh có thể quán chiếu về sự rỗng lặng, sự đau khổ, hư hoại, sinh tử luân hồi, anh có thể quán xét từng viên sỏi, từng hạt bụi bám trên vách đá cũng như tất cả những hiện tượng đến từ cái Không. Tóm lại, nhờ quán tưởng những điều này mà anh thấy rằng anh không thể tin tưởng vào giác quan của mình được. Một khi đã kiểm soát được sự nhận thức của mình, anh có thể thay đổi thực tại, anh sẽ trải nghiệm được cái hiện tại vô cùng. Tôi không thể giải thích thêm những điều mà ngôn ngữ không thể diễn tả, đây là điều mà anh chỉ có thể trải nghiệm mà thôi.
– Nhưng làm sao tôi có thể trải nghiệm được?
– Anh cần phải tập thiền và trước hết anh cần một vị thầy.
– Nhưng ông cũng có thể giúp tôi được kia mà?
– Tôi chỉ là một kẻ cũng đang lần mò đi như anh thôi, anh cần một người đã có kinh nghiệm hướng dẫn.
– Làm sao tìm được người đó?
Paul Brady mỉm cười:
– Anh thử xin gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma xem sao? Hình như trước đây anh đã gặp ngài rồi kia mà…
Tôi bối rối, quả thật tôi đã nghĩ đến điều này nhưng vì một lý do nào đó tôi lại e ngại. Hôm gặp ngài, mặc dù không nói gì nhiều nhưng tôi không bỏ sót một cử chỉ, câu nói nào của ngài. Hình như có một cái gì thân mật, thánh thiện ở con người này khiến tôi vừa kính phục vừa ngại ngùng.