Hy Vọng Táo Bạo

Chương 6: Niềm tin



Hai ngày sau khi tôi giành được vị trí ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử vào Thượng viện, tôi nhận được một 1 bức email của một bác sỹ ở trường Đại học Y khoa Chicago.

“Chúc mừng thắng lợi tuyệt đối và đầy cảm hứng ở vòng sơ bộ của anh”, vị bác sỹ viết. “Tôi rất vui được bỏ phiếu ủng hộ anh, và tôi muốn nói thêm là tôi đang nghiêm túc xem xét việc tiếp tục bỏ phiếu cho anh trong vòng tổng tuyển cử. Tôi viết lá thư này để trình bày những điều tôi lo ngại có thể dẫn đến việc tôi không ủng hộ anh nữa”.

Vị bác sỹ này tự giới thiệu là một người Thiên chúa giáo, hiểu rõ lời thề ước trọn vẹn, “toàn tâm toàn ý”. Niềm tin khiến cho ông phản đối mạnh mẽ nạo phá thai và hôn nhân đồng giới, nhưng ông nói niềm tin đó cũng khiến ông đặt câu hòi về sự sùng bái thị trường tự do và hành động nhanh chóng viện đến sức mạnh quân sự – có vẻ như là đặc trưng chủ đạo trong chính sách ngoại giao của tổng thống Bush.

Lý do ông xem xét bỏ phiếu cho đối thủ của tôi không phải vì tôi ủng hộ việc cho phép phá thai. Thực ra là vì ông đã đọc một bài viết được đưa lên trang web của tôi, trong đó nói rằng tôi sẽ đấu tranh với “những nhà tư tưởng cánh hữu đang muốn tước đoạt quyền lựa chọn của phụ nữ”. Ông viết tiếp:

Tôi cảm thấy anh có ý thức mạnh mẽ về công lý và về tình thế bấp bênh của nó trong bất cứ xã hội nào, và tôi biết anh đã luôn bảo vệ cho những người yếu đuối, tôi cũng cảm thấy anh là một người công bằng, không thành kiến, luôn tôn trọng lẽ phải… Dù nhận thức của anh thế nào đi nữa, nếu anh thực sự tin rằng những người phản đối nạo phá thai đều là những nhà tư tưởng có mong muốn vô lý là làm phụ nữ đau đớn, thì đối với tôi, anh không hề công bằng… Anh hẳn biết rằng chúng ta đang ở thời kỳ đầy những khả năng cả tốt lẫn xấu, thời kỳ mà chúng ta đang phải đấu tranh để có được một xã hội chung trong bối cảnh đa nguyên, khi chúng ta không chắc có thể dựa trên cái gì để đưa ra lời đòi hỏi người khác… Ở đây tôi không yêu cầu anh phải phản đối nạo phá thai, tôi chỉ muốn anh nói về vấn đề này một cách công bằng.

Tôi kiểm tra lại trang web của mình và thấy những từ ngữ khá khó chịu kia. Đó không phải những từ do tôi nói ra; hồi chiến dịch tranh cử sơ bộ trong đảng Dân chủ, nhân viên của tôi đã đưa câu đó lên để tóm tắt quan điểm của tôi là ủng hộ quyền tự do lựa chọn của phụ nữ khi một vài đối thủ đang nghi ngờ cam kết sẽ bảo vệ phán quyết trong vụ Roe và Wade của tôi. Trong nội bộ đảng Dân chủ, đây là một dạng câu mẫu để kích động cử tri. Dần dần, những ý kiến nhìn nhận cả hai mặt của vấn đề trở nên lạc lõng; mọi quan điểm không rõ ràng đều hàm ý sự yếu đuối, và khi đối mặt với cách nhìn đơn nhất, không khoan nhượng của những người chống nạo phá thai thì chúng ta đơn giản là không được phép tỏ ra yếu đuối.

Tuy nhiên, khi đọc lại thư của vị bác sỹ, tôi thấy ray rứt cảm giác xấu hổ. Phải, tôi nghĩ, có những người theo quan điểm chống nạo phá thai mà tôi không thể thông cảm nổi, đó là những người chen lấn hoặc không cho phụ nữ bước vào phòng khám, dí những bức ảnh bào thai bị cắt rời vào mặt họ và gào to hết cỡ; những người này chỉ biết ép buộc, dọa dẫm và đôi khi còn dùng đến bạo lực.

Nhưng nhóm người phản đối kiểu đó không phải những người thường xuất hiện trong các cuộc mít tinh vận động tranh cử của tôi. Những người tôi chạm trán thường có mặt ở những cộng đồng nhỏ vùng xa của bang nơi tôi đến thăm, thái độ của họ buồn chán nhưng kiên quyết khi họ đứng yên lặng suốt đêm bên ngoài tòa nhà nơi tôi tổ chức họp mặt, những khẩu hiệu, biểu ngữ viết tay đặt phía trước như tấm khiên bảo vệ. Họ không la hét hay tìm cách phá hỏng buổi họp mặt, nhưng họ vẫn làm cho nhân viên của tôi phải bồn chồn lo lắng. Khi lần đầu tiên gặp một nhóm phản đối, các nhân viên đi tiền trạm đã đưa tín hiệu báo động đỏ; năm phút trước khi tôi đến nơi, họ gọi điện vào xe tôi và nói tôi nên lánh vào hội trường từ cửa sau để tránh phải đối mặt với họ.

“Tôi không muốn vào từ cửa sau”, tôi nói với người lái xe. “Bảo họ chúng ta vẫn sẽ vào bằng cửa trước”.

Chúng tôi rẽ vào bãi đậu xe của thư viện và thấy bảy hoặc tám người phản đối đang tập trung dọc hàng rào: một vài phụ nữ lớn tuổi và mấy người có vẻ là một gia đình – một người đàn ông, một phụ nữ và hai đứa trẻ nhỏ. Tôi ra khỏi xe, tiến đến gần họ và tự giới thiệu.

Người đàn ông ngập ngừng bắt tay tôi và nói tên anh ta. Anh ta trông cũng trạc tuổi tôi, mặc quần jean, sơ mi kẻ ô và đội mũ lưỡi trai in biểu tượng đội bóng chày St. Louis Cardinals[169]. Người vợ cũng bắt tay tôi, nhưng mấy người phụ nữ lớn tuổi vẫn giữ khoảng cách. Bọn trẻ, chắc khoảng chín mười tuổi, nhìn tôi chằm chằm với vẻ tò mò không giấu giếm.

“Mọi người muốn vào trong không?” Tôi hỏi họ.

“Không, cám ơn ông”, người chồng trả lời. Anh ta đưa tôi một cuốn sách mỏng. “Ông Obama ạ, tôi muốn nói là tôi nhất trí với phần lớn những gì ông nói”.

“Cám ơn anh rất nhiều”.

“Và tôi biết ông cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo, cũng có gia đình”.

“Vâng đúng thế”.

“Thế sao ông lại ủng hộ giết hại trẻ em?”

Tôi trình bày là tôi hiểu quan điểm của anh ta nhưng không thể đồng ý với anh ta được. Tôi giải thích niềm tin của tôi rằng rất ít phụ nữ quyết định bỏ thai; bất cứ phụ nữ nào mang thai cũng đều cảm thấy có trách nhiệm đạo đức nặng nề và đều phải đấu tranh với lương tâm khi đưa ra quyết định đau lòng đó; và tôi rất lo ngại luật cấm nạo phá thai sẽ buộc phụ nữ phải tìm đến những biện pháp phá thai nguy hiểm như họ đã từng phải làm trước đây ở Mỹ, và ở những nước có quy định khởi tố các bác sỹ nạo thai và khách hàng của họ.

Tôi gợi ý rằng có lẽ anh ta và tôi có thể nhất trí về các phương pháp làm giảm số phụ nữ muốn phá thai ngay lần mang thai đầu tiên.

Anh ta lắng nghe một cách lịch sự, sau đó chỉ vào mấy con số thống kê trong cuốn sách cho biết số trẻ em không được sinh ra, mà theo anh ta là bị hiến tế mỗi năm. Sau vài phút, tôi nói tôi phải vào trong hội trường để gặp những người ủng hộ tôi, tôi hỏi mấy người lần nữa là họ có muốn vào không. Một lần nữa người đàn ông từ chối. Khi tôi quay đi vợ anh ta nói với theo:

“Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Tôi cầu nguyện rằng ông sẽ thay đổi ý kiến”.

Hôm đó, quan điểm và tình cảm của tôi không thay đổi, và cũng sẽ không bao giờ thay đổi sau này. Nhưng khi trả lời thư của vị bác sỹ, tôi nhớ lại gia đình này, và tôi cám ơn ông vì đã viết thư cho tôi. Hôm sau tôi chuyển bức email đó cho các nhân viên và sửa lại từ ngữ trên trang web thành những từ đơn giản và rõ ràng hơn về quan điểm bảo vệ quyền tự do lựa chọn cho phụ nữ của tôi. Đêm đó, trước khi đi ngủ, tôi cầu nguyện – rằng tôi cũng sẽ truyền được lòng tự hào về niềm tin cho người khác, giống như vị bác sỹ đã làm được đối với tôi.

CÓ MỘT SỰ THẬT hiển nhiên là người Mỹ là những người theo đạo. Theo cuộc điều tra gần đây nhất, 95% người Mỹ tin vào Chúa trời, hơn hai phần ba người Mỹ là con chiên nhà thờ, 37% tự coi mình là tín đồ Thiên chúa giáo, và thực tế số người tin vào các thiên sứ còn nhiều hơn số người tin vào thuyết tiến hóa. Tín ngưỡng không chỉ giới hạn ở nơi thờ cúng. Sách vở nói về ngày tận thế bán được hàng triệu bản, nhạc nhà thờ chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng Billboard[170], và mỗi ngày đều có những nhà thờ khổng lồ mới được dựng lên ở vùng ven các thành phố lớn, cung cấp cho người dân mọi dịch vụ từ giữ trẻ đến họp mặt giao lưu cho người độc thân, từ yoga đến các lớp tập thể dục Pilates[171]. Tổng thống thường xuyên nhắc lại Chúa đã khiến

ông thay đổi thái độ sống thế nào, và các cầu thủ bóng bầu dục chỉ tay lên trời sau mỗi bàn thắng, như thể Chúa đang kêu gọi họ từ trên thiên đường.

Dĩ nhiên, lòng mộ đạo đó không có gì mới. Những người Pilgrim[172] di cư đến bờ biển nước Mỹ để trốn tránh sự ngược đãi và để có thể thờ Chúa theo giáo lý Calvin[173] nghiêm ngặt. Phong trào phục hồi phúc âm đã lan truyền nhiều lần trên khắp đất nước, và làn sóng liên tục những người nhập cư luôn coi niềm tin làm chỗ dựa trong cuộc sống ở vùng đất mới này. Quan điểm tôn giáo cũng như việc truyền giáo đã khuấy động một vài động thái chính trị mạnh mẽ nhất trong lịch sử, từ bãi bỏ chế độ nô lệ, quyền công dân đến chủ nghĩa dân túy của William jennings Bryan[174] .

Tuy nhiên, nếu năm mươi năm trước, bạn hỏi nhà bình luận văn hóa lỗi lạc nhất thời đó là tương lai tôn giáo nước Mỹ sẽ như thế nào, hằn bạn sẽ nhận được câu trả lời rằng nó đang trên đà suy giảm. Người ta cho rằng tôn giáo kiểu cũ đang tàn lụi do hậu quả của khoa học, của việc dân chúng ngày càng có trình độ cao hơn và của những tiến bộ công nghệ đáng kinh ngạc. Những người đáng kính có thể vẫn đến nhà thờ vào Chủ nhật; những người cầu nguyện thường xuyên và những người chuyên chữa bệnh bằng lòng tin có thể vẫn tiếp tục phục hồi niềm tin vào Chúa. Nhưng đối với đa phần người dân, việc thờ phụng những tôn giáo truyền thống – và dĩ nhiên, các dòng tôn giáo chính thống – vẫn bị coi là không còn phù hợp với xã hội hiện đại, đó chỉ là nơi nương náu của người nghèo, người thất học trước cuộc sống khó khăn – không hơn không kém. Ngay cả cuộc vận động lớn của Billy Graham[175] cũng bị các nhà phê bình và chuyên gia coi là lỗi thời, dấu vết của thời kỳ quá khứ, không có ảnh hưởng gì đến hoạt động của nền kinh tế hiện đại hay hình thành nên chính sách đối ngoại.

Đến thập kỷ sáu mươi, rất nhiều nhà lãnh đạo Tin lành và Công giáo đưa ra kết luận rằng nếu tôn giáo ở nước Mỹ vẫn còn tồn tại thì cũng phải tự điều chỉnh sao cho “phù hợp” với thời đại thay đổi – thông qua giải thích học thuyết của nhà thờ theo khoa học và cất lên phúc âm xã hội về những vấn đề quan trọng như bất công kinh tế, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và chủ nghĩa quân phiệt kiểu Mỹ.

Nhưng điều gì đã diễn ra? Một phần, người ta đã phóng đại sự suy giảm lòng nhiệt tình tôn giáo của người Mỹ. Về điểm này, ít nhất, những lời phê bình “chủ nghĩa tinh hoa tự do” là rất đúng: Chỉ ru rú ở các trường đại học và trung tâm đô thi lớn, các chuyên gia, nhà báo và nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng đơn giản không thể hiểu đúng vai trò quan trọng của tất cả các hành vi tôn giáo dưới mọi hình thức đối với cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Thực tế, những tổ chức văn hóa lớn của Mỹ không nhận thức được sức mạnh tín ngưỡng đã góp phần dẫn đến một khối tôn giáo lớn mạnh mà ở bất cứ một nước công nghiệp nào khác cũng không sánh bằng. Bị đẩy ra khỏi tầm nhìn nhưng vẫn đầy sức sống ở khắp các vùng trung tâm và vùng Vành đai Kinh thánh[176], một thế giới song song đã xuất hiện, thế giới không chỉ của đức tin được phục hồi, của những đoàn mục sư đầy quyền lực mà còn của truyền hình, phát thanh, trường đại học, nhà xuất bản và hoạt động giải trí Thiên chúa giáo, tất cả những điều đó giúp lòng mộ đạo phát triển mà không cần quan tâm đến văn hóa đại chúng, cũng giống như nền văn hóa đại chúng không quan tâm đến lòng mộ đạo.

Sự miễn cưỡng tham gia chính trị của nhiều người Tin lành (họ tập trung sức lực vào cứu rỗi mọi người và sẵn lòng trả lại cho Caesar những gì của Caesar) hẳn đã kéo dài mãi nếu không có bước ngoặt xã hội xảy ra vào thập kỷ sáu mươi. Trong tâm trí những người Thiên chúa giáo miền Nam, quyết định bác bỏ sự tách biệt theo màu da[177] của một tòa án liên bang xa xôi cũng có tác động tương tự như quyết định chấm dứt cầu nguyện ở trường học – một cuộc tấn công nhiều

hướng vào những giá trị trụ cột của cuộc sống truyền thống ở miền Nam. Trên khắp nước Mỹ, phong trào phụ nữ, cách mạng tình dục, tình trạng ngày càng nhiều người thừa nhận họ là đồng tính nam hoặc nữ, và có lẽ đáng kể nhất là phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe và Wade là những thách thức trực tiếp đối với những lời thuyết giảng của nhà thờ về hôn nhân, tình dục và vai trò tự nhiên của đàn ông và phụ nữ. Cảm thấy bị nhạo báng và bị tấn công, các tín đồ Thiên chúa giáo bảo thủ thấy họ không thể đứng tách biệt khỏi xu hướng chính trị và văn hóa chung của cả quốc gia thêm nữa. Và mặc dù Jimmy Carter là người đầu tiên đưa ngôn ngữ nhà thờ Tin lành vào chính trị hiên đại, nhưng chính đảng Cộng hòa, ngày càng đề cao truyền thống, trật tự và “giá trị gia đình”, mới là những người có lợi nhất từ hiện tượng tín đồ Tin lành tham gia chính trị khi huy động họ chống lại dòng Chính thống tự do.

Có lẽ không cần nhắc lại câu chuyện Ronald Reagan. Jerry Falwell, Pat Robertson[178], Ralph Reed và sau cùng là Karl Rove và George W. Bush đã sử dụng đội quân Thiên chúa giáo này như thế nào. Chỉ cần nói rằng ngày nay những người Tin lành da trắng (cùng với dân Công giáo bảo thủ) là trái tim, là linh hồn của lực lượng cử tri của đảng Cộng hòa. Và mạng lưới các nhà thuyết giáo và các kênh truyền thông – đang phát triển rất nhanh nhờ công nghệ – thường xuyên tận dụng nhóm người đó. Chính những vấn đề của đảng này – nạo phá thai, hôn nhân đồng giới, cầu nguyện trong trường học, thuyết sáng tạo thông minh, vụ Terri Schiavo, đưa Mười điều răn vào trong trụ sở tòa án, giáo dục tại nhà, kế hoạch phiếu chọn trường và bản chất của Tòa án Tối cao – mới thường xuyên chiếm trang đầu các bản tin và là một trong những sai lầm lớn trong chính trị Mỹ. Cách biệt lớn nhất giữa những người da trắng trong mối quan hệ đảng phái không phải là giữa đàn ông và phụ nữ hay giữa người sống ở bang đỏ và người sống ở bang xanh, mà là giữa những người đi nhà thờ thường xuyên và những người không đi nhà thờ. Trong khi đó, các đảng viên đảng

Dân chủ đang tranh nhau làm “người có đạo”, ngay cả khi lực lượng cử tri chủ chốt của đảng chúng ta vẫn kiên quyết theo hướng phi tôn giáo và sợ rằng trong chương trình hành động của một quốc gia tự khẳng định là theo Thiên chúa giáo sẽ không có chính sách gì quan tâm đến họ hay lựa chọn cuộc sống của họ – một nỗi sợ hoàn toàn có cơ sở.

Nhưng ảnh hưởng ngày càng lớn của phong trào thiên chúa giáo[179] chỉ là một phần của câu chuyện. Tổ chức Đa số đạo đức và Liên minh Thiên chúa giáo[180] có thể làm cho nhiều tín đồ Tin lành bất mãn, nhưng điều đáng chú ý hơn là việc dòng Tin lành vẫn không chỉ tồn tại được mà còn phát triển mạnh trong lòng một nước Mỹ hiện đại, công nghệ phát triển. Vào thời kỳ khi các nhà thờ Tin lành chính thống mất dần con chiên với tốc độ rất nhanh thì những nhà thờ Tin lành không thuộc giáo phái nào lại phát triển mạnh mẽ, đưa ra cách thức tham gia cho các tín đồ rộng rãi hơn bất cừ nhà thờ nào khác ở Mỹ. Lòng nhiệt tình của họ cuối cùng đã trở thành chính thống.

Có nhiều cách giải thích cho thành công này, từ khả năng quảng cáo tín ngưỡng của người Tin lành đến uy tín của người lãnh đạo dòng đó. Nhưng thành công của họ cuối cùng cho thấy xã hội đang khao khát sản phẩm mà họ cung cấp, một sự khao khát vượt lên mọi vấn đề hay lý lẽ. Mỗi ngày, có lẽ có hàng nghìn công dân Mỹ đang làm những công việc hàng ngày – đưa con đi học, lái xe đến chỗ làm, bay đến những cuộc họp làm ăn, mua sắm, cố gắng duy trì thói quen ăn kiêng – và nhận ra rằng họ đã bỏ qua điều gì đó. Họ kết luận rằng nghề nghiệp, tài sản, các thú vui giải trí và sự bận rộn khủng khiếp của họ vẫn chưa đủ. Họ muốn có cảm giác có mục tiêu, có cao trào trong cuộc sống, họ muốn có cái gì đó làm vợi bớt nỗi cô đơn vô tận hay giúp họ quên đi được những thua thiệt mệt mỏi, nặng nề hàng ngày.

Họ muốn được bào đảm rằng luôn có người quan tâm đến họ, lắng nghe họ – rằng số phận của họ không phải đi một quãng đường dài đến hư không.

NẾU TÔI HIỂU được tại sao con người ngày càng hướng về tôn giáo sâu sắc hơn thì có lẽ lý do chính là vì tôi cũng từng đi qua con đường đó.

Tôi không sinh ra trong một gia đình theo đạo. Ông bà ngoại tôi, người vùng Kansas, hồi nhỏ cũng rất thấm nhuần giáo lý: Ông ngoại được ông bà cố tổ là tín đồ Baptist[181] sùng đạo nuôi nấng sau khi ông cố mất tích và bà cố tự sát; còn ông bà cố ngoại (cha mẹ của bà ngoại tôi) đã từng có việc làm khá tốt ở một thị trấn nhỏ về sau bị ảnh hưởng của Đại Khủng hoảng (ông cố làm việc cho một nhà máy lọc dầu, còn bà cố là giáo viên), thì theo dòng Giám lý[182].

Nhưng có thể cùng một lý do khiến ông bà ngoại tôi rời Kansas đến Hawaii, đó là niềm tin tôn giáo chưa bao giờ bắt rễ sâu sắc trong tâm trí ông bà. Bà tôi luôn quá lý trí, quá cứng nhắc, không chấp nhận bất cứ điều gì mà bà không nhìn thấy, không cảm thấy, không sờ thấy, không đếm được. Ông tôi, người mơ mộng nhất trong nhà, có tâm hồn nồng nhiệt, hẳn đã có thể được tĩnh tâm nhờ tín ngưỡng nếu ông không có một vài tính cách khác – nổi loạn bẩm sinh, hoàn toàn không thể tự kiềm chế ham muốn của bản thân và rất rộng lượng với nhược điểm của người khác. Những tính cách đó khiến cho ông không thể có thái độ nghiêm túc về bất cứ vấn đề gì.

Sự kết hợp những tính cách đó – tính duy lý sắt đá của bà ngoại và tính vui vẻ, không bao giờ đánh giá bản thân hay ai khác quá nghiêm khắc của ông ngoại – đã truyền sang mẹ tôi. Thời thơ ấu ham đọc sách. nhạy cảm, lớn lên ở những thị trấn nhỏ ở các bang Kansas.

Oklahoma và Texas của mẹ chỉ làm tăng tính hoài nghi mẹ được thừa hưởng. Hồi ức về những người Thiên chúa giáo sống cùng mẹ thời trẻ

không hề vui vẻ. Đôi khi, vì lợi ích của tôi, mẹ nhắc đến những người thuyết giáo ra vẻ cao đạo, coi ba phần tư dân số thế giới là những kè ngoại đạo ngu dốt, sau khi chết sẽ phải xuống địa ngục vĩnh viễn, nhưng đồng thời khẳng định rằng trái đất và thiên đường được tạo ra trong bảy ngày (trong khi tất cả mọi bằng chứng địa chất và vật lý thiên thể đều chứng tỏ điều ngược lại). Mẹ tôi nhớ đến những quý bà đáng kính đi nhà thờ thường lảng tránh rất nhanh những người không đáp ứng được tiêu chuẩn khuôn phép của họ, trong khi lại khổ sở giấu giếm những bí mật xấu xa của riêng mình, những cha cố nói ra những lời nặng tính phân biệt chủng tộc và đẽo con chiên từng xu có thể.

Đối với mẹ tôi, các tổ chức tôn giáo quá hẹp hòi dưới bề ngoài mộ đạo tàn nhẫn và áp bức dưới cái vỏ đạo đức.

Nhưng điều này không phải là mẹ tôi không cho tôi lời chỉ dẫn mang tính tôn giáo nào. Đối với bà, tìm hiểu những tôn giáo lớn của thế giới là một phần cần thiết của giáo dục toàn diện. Trong nhà tôi, Kinh thánh, Kinh Koran, Bhagavad Gita[183] đặt trên kệ cùng với sách thần thoại Hy Lạp, Na Uy và châu Phi. Vào lễ Phục sinh hay Giáng sinh, mẹ tôi đưa tôi đến nhà thờ, và bà cũng đưa tôi đến chùa Phật giáo, lễ mừng Tết Nguyên đán của người Trung Quốc, miếu thờ Thần giáo Nhật Bản và các nghĩa địa cổ của người Hawaii. Nhưng tôi được giáo dục để hiểu rằng những nơi chốn thuộc tín ngưỡng đó không hề đòi hỏi một lời thề ước nào vĩnh viễn từ phía tôi – không phải rèn luyện nội tâm hay tự hành xác gì cả. Mẹ tôi giải thích rằng tôn giáo là một hình thức biểu hiện chứ không phải nguồn gốc văn hóa loài người, chỉ là một trong rất nhiều cách – và hẳn nhiên không phải cách tốt nhất – để con người nỗ lực kiểm soát những điều không thể biết và hiểu được sự thật sâu xa của cuộc sống. Tóm lại, mẹ tôi nhìn tôn giáo bằng con mắt của nhà nhân loại học; nó là một hiện tượng cần được xem xét với thái độ tôn trọng nhưng cũng phải vô tư. Hơn nữa, suốt thời thơ ấu tôi rất ít tiếp xúc với những người có quan điểm khác về niềm tin.

Bố tôi gần như hoàn toàn vắng mặt khi tôi còn nhỏ vì bố mẹ tôi ly hôn từ khi tôi hai tuổi; mặc dù bố tôi sinh ra trong một gia đình Hồi giáo, nhưng khi gặp mẹ tôi thì ông chắc chắn là người phi tôn giáo –

1

ông cho rằng tôn giáo chỉ là mê tín, giống như vật thờ linh tinh của các thầy lang phù thủy mà ông thấy hồi trẻ ở những ngôi làng Kenya.

Mẹ tôi tái hôn với một người Indonesia cũng có khuynh hướng hoài nghi như bà, một người không thấy tôn giáo có lợi ích gì trong cuộc sống hàng ngày, một người lớn lên ở một quốc gia mà tín ngưỡng Hồi giáo dễ dàng trộn lẫn với di sản Ấn Độ giáo, Phật giáo và các tôn giáo thờ linh vật cổ xưa. Trong năm năm sống với cha dượng ở Indonesia, đầu tiên tôi được đi học ở trường Công giáo, sau đó là trường mà học sinh chủ yếu là Hồi giáo; và ở cả hai trường, mẹ tôi đều không lo chuyện tôi sẽ học sách giáo lý hay suy nghĩ về ý nghĩa của lời nhắc nhở cầu nguyện buổi tối của giáo sỹ Hồi giáo bằng chuyện liệu tôi đã học thuộc bảng cửu chương hay chưa.

Dù có tính phi tôn giáo công khai, nhưng về nhiều mặt, mẹ tôi chính là người có nhận thức tinh thần cao nhất mà tôi biết. Bà có bản năng không thay đổi về lòng tốt, khoan dung và tình yêu thương, và dành phần lớn cuộc đời hành động theo bản năng đó, đôi khi còn tự làm tổn thương mình. Không cần sự hỗ trợ của những lời giáo lý hay sức mạnh bên ngoài, mẹ tôi cố gắng hết sức truyền cho tôi những giá trị mà rất nhiều người Mỹ được học ở nhà thờ vào Chủ nhật: trung thực, cảm thông, kỷ luật, không sớm hài lòng, làm việc chăm chỉ. Bà thù ghét sự nghèo đói và bất công, và khinh thường những người bàng quan với hai vấn đề này.

Và hơn hết, mẹ tôi có bản năng nhận biết những điều kỳ diệu, một thứ tình cảm tôn kính cuộc sống và bản chất kỳ diệu, ngắn ngủi của nó, bản năng đó có thể được mô tả chính xác là sùng đạo. Suốt cả ngày bà có thể ngắm một bức tranh, đọc một câu thơ, hay nghe một đoạn nhạc, và tôi thấy lệ dâng đầy trong mắt bà. Khi tôi lớn hơn, đôi khi bà đánh thức tôi dậy trong đêm và cùng tôi nhìn ngắm vầng trăng đẹp tuyệt mỹ, hoặc bà bảo tôi nhắm mắt lại khi chúng tôi đi dạo lúc mờ sáng để lắng nghe lá cây xào xạc. Bà thích trẻ con – bất cứ đứa trẻ nào – bà thường đặt chúng vào lòng, cù nhẹ vào người chúng, chơi với chúng hoặc xem xét bàn tay chúng, tìm ra những điều kỳ diệu từ xương, đường gân và làn da chúng và thích thú với những điều tìm được. Ở đâu bà cũng thấy những điều bí ẩn và vui mừng trước mọi sự lạ lùng trong cuộc sống.

Tất nhiên, chỉ khi hồi tưởng lại tôi mới hiểu rõ tinh thần của mẹ tôi ảnh hưởng lên tôi sâu sắc đến mức nào – tinh thần đó nuôi dưỡng được tôi cho dù trong nhà vắng mặt người cha, là nơi nương tựa cho tôi qua những khó khăn tuổi mới lớn, vô hình dẫn dắt tôi theo con đường mà cuối cùng rồi tôi sẽ chọn. Khát vọng mãnh liệt của tôi có thể do cha tôi gây ra – do những gì tôi biết về thành công và thất bại của ông, do mong muốn thầm lặng là làm sao để được ông yêu thương, do sự oán hờn, giận dữ của tôi với ông. Nhưng chính niềm tin của mẹ tôi vào tính thiện của con người và vào giá trị cuối cùng mỗi chúng ta có được trong cuộc sống ngắn ngủi này mới khơi nguồn cho những khát vọng đó. Chính để tìm kiếm sự xác nhận các giá trị của mẹ mà tôi đi vào nghiên cứu triết lý chính trị, tìm kiếm thứ ngôn ngữ và hành động có thể giúp xây dựng cộng đồng và đem lại công lý. Cũng chính nhằm tìm kiếm cách áp dụng những giá trị đó mà sau khi tốt nghiệp, tôi đồng ý làm công việc hoạt động cộng đồng cho một nhóm các nhà thờ ở Chicago lúc đó đang cố gắng giải quyết nạn thất nghiệp, ma túy và trạng thái tinh thần tuyệt vọng trong vùng.

Trong cuốn sách trước, tôi đã nói về việc công việc đầu đời ở Chicago đã giúp tôi trưởng thành như thế nào – làm việc với các mục sư và người giúp việc trong nhà thờ đã khiến tôi đào sâu quyết tâm theo đuổi nghề hoạt động công chúng. Họ đã khẳng định đặc điểm màu da của tôi và xác nhận niềm tin của tôi rằng người bình thường cũng có khả năng làm được việc phi thường. Nhưng những kinh nghiệm ở Chicago cũng buộc tôi phải đối mặt với một vấn đề khó khăn mà suốt đời mẹ tôi cũng không giải quyết được: đó là tôi không có một cộng đồng hay một truyền thống chung nào để gieo hạt những niềm tin sâu sắc nhất của tôi. Những người Thiên chúa giáo làm việc cùng tôi tìm thấy họ trong con người tôi; họ nhận thấy rằng tôi biết Kinh thánh của họ, có chung giá trị với họ và hát bài hát của họ. Nhưng họ cũng cảm nhận rằng một phần khác con người tôi vẫn xa cách, tách biệt, chỉ là một người ngoài đối với họ. Tôi nhận ra là nếu không có mạch dẫn niềm tin, nếu không có lời cam kết rõ ràng với một cộng đồng tín ngưỡng, tôi sẽ luôn bị tách biệt ở mức độ nào đó, tự do như mẹ tôi đã từng tự do, nhưng cũng cô đơn như bà rút cục luôn cô đơn.

Còn có nhiều thứ lồi tệ hơn cả tự do đó. Mẹ tôi có thể sống hạnh phúc như một công dân thế giới, xây dựng nên một nhóm bạn bè bất cứ nơi nào bà tìm thấy bản thân, tự tìm sự hài lòng trong ý nghĩa công việc và con cái. Với cuộc sống như vậy, tôi cũng có thể bằng lòng nếu như không có những việc làm của nhà thờ da đen trong lịch sử đã khiến tôi bớt đi phần nào tính hoài nghi và có được niềm tin vào Thiên Chúa.

Trước hết tôi bị cuốn vào sức mạnh của truyền thống tín ngưỡng Mỹ gốc Phi là khuyến khích thay đổi trong xã hội. Nhà thờ da đen thấy cần thiết phải chăm nom toàn bộ con người. Nhà thờ da đen thấy cần thiết phải từ bỏ sự xa xỉ là tách việc cứu tế từng người khỏi việc cứu tế cả xã hội. Nhà thờ da đen đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và cả tinh thần của cộng đồng; họ hiểu sâu sắc lời kêu gọi trong kinh thánh là phải cho người đói thức ăn, cho người rét quần áo mặc, phản đối quyền lực và sự thống trị. Trong lịch sử những cuộc đấu tranh đó, tôi nhận thấy niềm tin không chỉ an ủi con người trong gian khó, bảo vệ con người trước cái chết, nó còn là một phương tiện chủ động, rõ ràng. Khi làm việc hàng ngày với những người đàn ông và phụ nữ tôi gặp ở nhà thờ, khi thấy họ có khả năng “tìm ra lối thoát trong tuyệt vọng” và luôn giữ được hy vọng và phẩm giá dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tôi cảm giác Phúc âm đang hiển thị ngay trước mắt.

Và có lẽ chính vì nhà thờ da đen hiểu được sự gian khó đó – nền móng của niềm tin trong đấu tranh – nên nhờ họ tôi có cái nhìn thấu suốt tiếp theo: đó là niềm tin không có nghĩa là bạn không nghi ngờ hay bạn phải từ bỏ mọi thứ bạn có trên đời. Rất lâu trước khi trở thành mốt của các nhà tryền giáo trên truyền hình, bài thuyết giảng điển hình của người da đen đã nói rằng tất cả tín đồ Thiên chúa giáo (kể cả mục sư) đều có thể trải qua thói tham lam, oán giận, dục vọng và giận dữ giống như mọi người khác. Những bài hát gospel, những bước nhảy vui sướng, nước mắt và tiếng la hát đều là sư bộc lộ, thừa nhận và cuối cùng là truyền tình cảm. Trong cộng đồng da đen, ranh giới giữa người có tội và người được cứu rỗi rất mềm dẻo, tội lỗi của những người đi nhà thờ cũng không khác nhiều tội lỗi của người không đi, cũng như người ta nói về họ với sự hài hước thì cũng không khác mấy khi nói với thái độ chỉ trích. Bạn cần đến nhà thờ chính vì bạn là một phần của thế giới chứ không tách biệt khỏi nó; là người giàu, người nghèo, người có tội, người được cứu rỗi, bạn vẫn cần yêu Chúa chính vì bạn cần rửa sạch tội lỗi – vì bạn là con người và cần có người đồng hành trên hành trình khó khăn, để những đỉnh núi cao và thung lũng thấp dễ đi hơn và để những con đường quanh co trở nên thẳng tắp.

Có lẽ vì những hiểu biết mới đó – rằng lời thề ước không bắt tôi phải từ bỏ cách tư duy phê phán, phải rút lui khỏi cuộc chiến vì công bằng trong kinh tế và xã hội hay phải trốn tránh khỏi thế giới mà tôi biết và hằng yêu mến – nên cuối cùng, vào một ngày tôi đã được đi trên lối đi giữa hai hàng ghế của nhà thờ Trinity của Hội thánh đấng Jesus[184] và được rửa tội. Đó là lựa chọn của tôi chứ không phải do Chúa hiển linh; và các câu hỏi của tôi trước đây không hề bỗng nhiên biến mất. Nhưng khi quỳ dưới cây thánh giá ở khu Nam Chicago, tôi cảm thấy tinh thần của Chúa đang vẫy gọi tôi. Tôi hiến dâng bản thân cho ý muốn của Chúa và toàn tâm toàn ý tìm hiểu chân lý của Chúa.

Ở THƯỢNG VIỆN, các cuộc tranh luận về niềm tin thường ít khi nặng nề. Không ai đùa cợt trên tín ngưỡng hoặc mối quan hệ tôn giáo của người khác; tôi rất ít khi nghe thấy có ai gọi tên Chúa trong những cuộc tranh luận trên phòng họp. Cha tuyên úy của Thượng viên, Barry Black, là một người khôn ngoan và từng trải, từng là người đứng đầu các cha tuyên úy hải quân. Ông là một người Mỹ gốc Phi lớn lên ở một trong những vùng nghèo khó nhất ở Baltimore và ông luôn thực hiện chức trách ít ỏi của mình – tổ chức lễ cầu nguyện buổi sáng, các buổi nghiên cứu Kinh thánh tự nguyện, cố vấn tinh thần cho những người cần lời khuyên – với sự nhiệt tình không thay đổi. Buổi cầu nguyện trước bữa sáng thứ Tư hoàn tuần mang tính tự nguyện, được sự đồng ý của hai đảng cũng như của mọi dòng Thiên chúa giáo (thượng nghị sỹ người Do Thái Norm Coleman hiện đang là chịu trách nhiệm tổ chức chính phía đảng Cộng hòa); những người muốn tham gia lần lượt chọn một đoạn trong Kinh thánh và dẫn dắt buổi thảo luận. Trong bữa sáng, khi lắng nghe ngay cả những thượng nghị sỹ công khai sùng đạo nhất như Rick Santorum, Sam Brownback hay Tom Coburn – chia sẻ con đường dẫn đến niềm tin của họ với sự chân thành, cởi mở, khiêm tốn và hài hước, ai cũng thấy có vẻ như tín ngưỡng có tác động rất tốt lên chính trị, nó kìm hãm tham vọng cá nhân, giữ thăng bằng trước những cơn gió độc mà những tít bài trên báo và thủ đoạn chính trị gây ra.

Tuy nhiên, bên ngoài không gian quý phái của Thượng viện thì các cuộc tranh luận về tôn giáo và vai trò của tôn giáo trong chính trị đều kém lịch thiệp hơn chút ít. Ví dụ, đối thủ bên đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử 2004 của tôi là Đại sứ Alan Keyes, người đã đưa một lý lẽ khá mới lạ để thu hút thêm phiếu khi chiến dịch tranh cử gặp khó khăn:

“Chúa sẽ không bỏ phiếu cho Barack Obama”, ông ta tuyên bố, “vì Barack Obama đã luôn bỏ phiếu cho những cách ứng xử mà Chúa không thể hiểu nổi”.

Đây không phải lần đầu ông Keynes nói những câu kiểu đó. Sau khi đối thủ Cộng hòa đầu tiên của tôi bị buộc phải rút lui sau khi một vài rắc rối trong vụ ly hôn của ông bị phơi bày, đảng Cộng hòa bang Illinois, không thể tìm được một ứng viên khác là người trong bang nên họ quyết đinh mời ông Keynes trám vào vị trí này. Thực tế ông Keynes là người bang Maryland, chưa bao giờ sống ở Illinois, chưa từng thắng lợi trong bất cứ cuộc tranh cử nào, và bị khá nhiều người của đảng Cộng hòa cho là kiểu người không thể chịu nổi, nhưng tất cả những điều này cũng không ngăn được quyết định của những người đứng đầu đảng Cộng hòa bang Illinois. Một đồng nghiệp của tôi ở Thượng viện bang là đảng viên Cộng hòa đã giải thích với tôi chiến lược của họ: “Chúng tôi phải có một ứng viên da đen, bảo thủ, đã từng học ở Harvard để cạnh tranh với một ứng viên da đen, cũng học ở Havard ở phe tự do. Có thể ông ta không thắng, nhưng ít nhất ông ta cũng đánh bật được cái hào quang đó khỏi người anh”.

Bản thân ông Keynes không thiếu tự tin. Là một tiến sỹ tốt nghiệp Havard, được Jeane Kirkpatrick[185] đỡ đầu, từng là đại sứ Mỹ ở ủy ban

Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc thời Ronald Reagan, ông xuất hiện trước công chúng đầu tiên với tư cách hai lần là ứng cử viên vào Thượng sản của bang Maryland, sau đó là hai lần tranh cử vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Cả bốn lần ông đều thất bại hoàn toàn, nhưng điều đó không hề làm suy giảm uy tín của ông trong mắt những người ủng hộ; đối với họ thất bại trong các lần bầu cử có lẽ chỉ khẳng định thêm tinh thần tận tâm sâu sắc của ông với nguyên tắc bảo thủ.

Không nghi ngờ gì rằng ông ta có thể diễn thuyết. Nếu cần, ngay lập tức ông Keyes có thể trinh bày một bài tham luận về hầu như mọi chủ đề mà không có sai sót gì về ngữ pháp. Khi diễn thuyết, ông ta tự đẩy mình vào cảm xúc mãnh liệt, cả cơ thể nhún nhảy, trán đẫm mồ hôi, ngón tay chỉ trỏ trong không khí, giọng nói âm vực cao run run trong tình cảm mà ông gọi là niềm tin chiến đấu chống lại sức mạnh ma quỷ.

Không may là cả trí tuệ lẫn tính điềm đạm của ông đều không thể bù đắp được một vài nhược điểm của ông với tư cách là ứng cử viên.

Ví dụ, không như đa phần các chính trị gia khác, ông Keyes không hề cố gắng che giấu những điều mà ông hiển nhiên coi là sự ưu việt về đạo đức và trí tuệ của mình. Tác phong cường điệu cứng nhắc, gần như là trang trọng thiếu tự nhiên và kiểu nhìn chằm chằm làm cho ông trông lúc nào cũng nhàm chán, cuối cùng ông có vẻ như là sự kết hợp giữa một nhà truyền giáo dòng Ngũ tuần[186] và William F.Buckley[187].

Hơn nữa, sự quá tự tin vào bàn thân đã làm ông mất đi cái bản năng tự kiểm soát giúp phần lớn mọi người sống được trên đời mà không bị sa vào việc phải tranh đấu liên miên. Ông Keyes nói ra bất cứ ý nghĩ gì xuất hiện trong đầu với thứ logic kiên định vượt qua mọi trở ngại để đi đến cùng gần như mọi ý tưởng của ông. Bị thiệt thòi vì xuất phát muộn, thiếu nguồn tài chính, lại là người đi vận động bầu cử ngoài địa bàn của mình, trong ba tháng vận đông ông tiếp tục gây

sự với hầu hết mọi người. Ông gọi tất cả những người đồng tính – bao gồm cả con gái của Dick Cheney – là “những kẻ hưởng lạc ích kỷ”, và khẳng định việc các cặp đồng tính nhận con nuôi không thể tránh khỏi dẫn tới loạn luân. Ông gọi lực lượng báo chí ở Illinois là công cụ của “chương trình hành động chống hôn nhân và chống sự sống”. Ông buộc tội tôi là “mang lập trường chủ nô” vì tôi bảo vệ quyền nạo phá thai và gọi tôi là “kẻ trung thành với chủ nghĩa Marx” vì tôi ủng hộ các chương trình y tế cho mọi người và các chương trình xã hội khác. Ngoài ra ông còn bổ sung thêm rằng vì tôi không phải là hậu duệ của những người nô lệ nên tôi không phải người Mỹ gốc Phi thực thụ. Có lúc ông còn tìm cách xa lánh các đảng viên Cộng hòa bảo thủ, những người đã mời ông đến Illinois làm ứng cử viên – có lẽ để giành phiếu của cộng đồng da đen, bằng cách đề xuất chính sách bồi thường dưới hình thức bãi bỏ hoàn toàn thuế thu nhập cho tất cà người da đen là con cháu của nô lệ xưa kia. (“Đây đúng là một thảm họa!”, một người đã thốt lên trong bài bình luận gửi lên diễn đàn của một trang web cánh hữu ở Illinois, trang Người lãnh đạo Illinois. “THẾ CÒN NGƯỜI DA TRẮNG THÌ SAO!!!”)

Nói cách khác, Alan Keyes đúng là một đối thủ lý tưởng; tất cả những gì tôi phải làm chỉ là im lặng và lên kế hoạch cho lễ tuyên thệ nhậm chức. Và khi chiến dịch diễn ra, tôi phát hiện ông ta đã chọc tức tôi theo cách rất ít người làm trước đó. Khi chúng tôi gặp nhau trên đường vận động, tôi thường phải tự kiềm chế cái ham muốn khủng khiếp được chửi mắng hoặc vặn cổ ông ta. Có lần, khi chúng tôi đụng nhau trong lễ diễu hành nhân ngày Độc lập của người da đỏ, tôi đã thúc vào ngực ông ta khi trình bày vấn đề, một chút hành vi bản năng của đàn ông mà tôi không bao giờ làm từ khi học trung học, hành động đó đã bị một nhóm săn tin ghi lại: và ngay tối hôm ấy khoảnh khắc đó được quay chậm nhiều lần trên ti vi. Trong ba lần tranh luận diễn ra trước ngày bỏ phiếu, tôi thường xuyên bị cứng lưỡi, nổi cáu và căng thẳng một cách bất thường – một điều mà đa phần người xem (lúc đó đã quyết đinh gạch bỏ tên ông Keyes rồi) không nhận ra, nhưng lại khiến những người ủng hộ tôi lo lắng không ít. Họ hỏi tôi: “Sao anh lai để hắn đánh bại dễ dàng như vậy?” Đối với họ, ông Keyes là một người lập dị, một kẻ cực đoan, lý luận của ông còn thậm chí không đáng dùng để giải trí. Họ không hiểu một điều rằng tôi không tránh được suy nghĩ coi ông Keyes là đối thủ nghiêm túc. Vì ông tự nhận là lên tiếng cho tín ngưỡng mà tôi tin theo, và mặc dù tôi không thích những gì từ miệng ông ta nói ra, tôi vẫn phải thừa nhận một vài quan điểm của ông có quan hệ khá chặt chẽ với nhà thờ Thiên chúa giáo.

Lý lẽ của ông ta đại khái như sau: Nước Mỹ ra đời dựa trên hai nguyên tắc là tự do được Chúa ban tặng và tín ngưỡng Cơ đốc. Các nội các phe tự do sau này đã cưỡng ép chính phủ liên bang đi theo chủ nghĩa vật chất phi tôn giáo và do đó – thông qua các quy định quản lý các chương trình phúc lợi kiểu xã hội chủ nghĩa, quy định kiểm soát súng, bắt buộc học sinh đi học ở trường công và thuế thu nhập (hay “thuế nô lệ” như ông Keyes gọi) – dần dần tước bỏ đi tự do cá nhân và đánh mất các giá trị truyền thống. Các vị thẩm phán phe tự do còn đóng góp nhiều hơn vào sự suy đồi đạo đức này khi xuyên tạc Hiến pháp sửa đổi lần thứ nhất, dẫn tới tách nhà thờ khỏi nhà nước, công nhận những hành vi lầm lạc – đặc biệt là nạo phá thai và đồng tính luyến ái – có thể đe dọa phá hủy mô hình gia đình truyền thống. Do đó, câu trả lời cho vấn đề khôi phục nước Mỹ rất đơn giản: Trả lại cho tín ngưỡng nói chung – và Thiên chúa giáo nói riêng – địa vị đúng đắn của nó ở trung tâm cuộc sống của xã hội và của từng cá nhân, sắp xếp các điều luật theo giáo lý, và giới hạn quyền lực của chính quyền liên bang là chỉ lập pháp trong những lĩnh vực mà Hiến pháp hay những lời răn dạy của Chúa chưa nhắc đến.

Nói cách khác, Alan Keyes đại diện cho quan điểm của những người theo phong trào tôn giáo trên đất nước này, chỉ khác là ông không bao giờ đưa ra lời cảnh báo, thỏa hiệp hay xin lỗi như họ. Xét về ngôn từ thì nó hoàn toàn mạch lạc, nhờ đó ông Keyes nói chắc chắn và trôi chảy như lời tiên tri trong Kinh Cựu ước. Tôi thấy việc bác bỏ các lý lẽ về chính sách và hiến pháp của ông khá đơn giản, nhưng cách diễn giải Kinh thánh của ông ta lại đẩy tôi vào thế phải phòng ngự

“Ông Obama nói rằng ông là tín đồ Thiên chúa”, Keyes nói, “Nhưng ông ta lại ủng hộ một lối sống mà Kinh thánh gọi là xấu xa”.

‘Ông Obama nói rằng ông là tín đồ Thiên chúa, nhưng ông ta lại ủng hộ việc phá hoại sự sống trong sạch và thần thánh”.

Tôi có thể nói gì được? Rằng đọc kinh thánh theo nghĩa đen là nực cười? Rằng ông Keyes, một tín đồ Công giáo La Mã, nên bỏ qua những lời dạy của Giáo hoàng? Vì không muốn đẩy cuộc tranh cãi đến tận đó tôi trả lời theo cách thông thường của phe tự do trong những cuộc tranh luận kiểu này – rằng chúng ta sống trong một xã hội đa dạng về văn hóa và chủng tộc, rằng tôi không thể áp đặt tín ngưỡng của tôi lên người khác, rằng tôi tranh cử vị trí thượng nghị sỹ đại diện cho bang Illinois chứ không phải vị trí linh mục Illinois. Nhưng ngay khi tôi trả lời ông ta, tôi nghĩ về lời buộc tội ngầm của Keyes – rằng tôi vẫn còn hoài nghi, rằng niềm tin của tôi vẫn còn lẫn lộn, rằng tôi không phải tín đồ Thiên chúa giáo thực thụ.

THEO NGHĨA NÀO ĐÓ, tình thế khó khăn của tôi trước ông Keyes cũng phản ánh tình thế khó khăn ở phạm vi rộng hơn mà chủ nghĩa tự do gặp phải khi đứng trước phong trào tôn giáo. Chủ nghĩa tự do nói rằng chúng ta phải khoan dung với niềm tin tín ngưỡng của người khác chừng nào niềm tin đó không làm hại ai hay ảnh hưởng đến quyền có niềm tin khác của người khác. Nếu các cộng đồng tôn giáo bằng lòng với việc sống tách biệt và niềm tin chỉ là vấn đề lương tâm mỗi người thì không cần đến sự khoan dung đó.

Nhưng tôn giáo không bao giờ tách biệt: ít nhất những tổ chức tôn giáo đều liên quan đến cả cộng đồng. Những tín đồ sùng đạo có thể cảm thấy bị thúc ép phải chủ động truyền bá Phúc âm ở mọi nơi. Họ có thể cảm thấy một nhà nước phi tôn giáo sẽ thúc đẩy những giá trị chống lại niềm tin của họ. Họ có thể muốn có một cộng đồng lớn hơn để xác nhận và củng cố quan điểm của họ.

Và khi động cơ tín ngưỡng đòi quyền lợi chính trị để đạt được những mục tiêu đó thì phe tự do đâm ra lo lắng. Chúng ta, những người làm chính trị, có thể cố tránh nói về các giá trị tín ngưỡng, sợ xúc phạm người khác và cho rằng – bất kể tín ngưỡng của chúng ta là gì – các nguyên tắc trong hiến pháp đã trói tay chúng ta trong những vấn đề như nạo phá thai hay cầu nguyện trong trường học. (Một thế hệ các chính trị gia Công giáo có lẽ quá cẩn trọng, có lẽ vì họ sinh ra vào cái thời mà phần lớn nước Mỹ vẫn còn đặt câu hỏi liệu John F. Kennedy cuối rùng có nghe tênh Giáo hoàng không). Một số người cánh tả (mặc dù không hoạt động chính trị) còn đi xa hơn, trước công chúng họ bác bỏ tôn giáo vì cho rằng tôn giáo luôn phi lý, hẹp hòi và do đó rất nguy hiểm. Họ lưu ý rằng vì tôn giáo nhấn mạnh vào cứu rỗi cá nhân và kiểm soát đạo đức riêng tư nên những lời giáo huấn của tôn giáo chỉ là lớp vỏ che đậy cho phe bảo thủ để bỏ qua những vấn đề của cả xã hội như nghèo đói hay hành vi phi pháp của doanh nghiệp.

Chiến lược né tránh đó có thể có hiệu quả nếu đối thủ là Alan Keyes. Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta đã nhầm khi không hiểu đúng sức mạnh của tín ngưỡng trong đời sống người dân Mỹ, và việc tránh những cuộc tranh luận nghiêm túc về việc làm thế nào cân bằng được niềm tin với nền dân chủ hiện đại, đa nguyên của chúng ta cũng là sai lầm.

Trước hết, đó là thứ chính trị có hại. Có rất nhiều người Mỹ có tín ngưỡng bao gồm cả đa số đảng viên Dân chủ. Khi chúng ta bỏ mặc vấn đề tôn giáo – bỏ qua cuộc tranh luận thế nào là một người Thiên chúa giáo tốt, một người Hồi giáo tốt hay một người Do Thái giáo tốt, chỉ thảo luận về tôn giáo theo nghĩa tiêu cực như ở đâu và tại sao không nên thờ phụng, thay vì theo nghĩa tích cực như tôn giáo nói gì về nghĩa vụ của con người đối với nhau; khi chúng ta tránh những địa điểm và hoạt động quảng bá tín ngưỡng vì nghĩ sẽ không được chào đón thì những người khác sẽ bước vào thay thế chúng ta. Và những người bước vào đó có lẽ chính là những người có quan điểm hẹp hòi nhất về niềm tin, hoặc những người bất chấp đạo lý, sử dụng tôn giáo để biện minh cho những mục đích phe phái.

Cơ bản hơn, việc một số người cấp tiến không thoải mái với mọi dấu hiệu sùng đạo cũng thường khiến chúng ta không thể giải quyết hiệu quả các vấn đề xét về mặt đạo đức. Một phần khó khăn liên quan đến từ ngữ: vứt bỏ đi ngôn ngữ giáo lý của mọi tôn giáo, chúng ta sẽ mất đi những hình ảnh là biểu tượng mà người Mỹ qua đó nhận biết được đạo đức cá nhân và công lý xã hội. Hãy tưởng tượng bài Diễn văn Nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của Lincoln không đề cập đến “phán quyết của Chúa” hay bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” của King[188] không nhắc đến “tất cả con chiên của Chúa”. Khi hai người này đề cập đến chân lý cao hơn, họ đã truyền cảm hứng cho những điều tưởng như không thể và đưa đất nước đi theo vận mệnh chung. Dĩ nhiên, những tổ chức tôn giáo không độc quyền về đạo đức, và một người không cần phải có tín ngưỡng mới nói được những lời đạo đức hay đòi hỏi phải có điều tốt đẹp chung. Nhưng chúng ta không nên tránh đưa ra những nhận xét hay đòi hỏi đó – hay bác bỏ mọi lời viện dẫn đến truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp của chúng ta – chỉ để tránh làm mất lòng người khác.

Tuy nhiên, chúng ta thất bại khi những người cấp tiến tấn công vào những trụ đỡ đạo đức không chỉ đơn thuần là chuyện từ ngữ. Nỗi sợ bị coi là “dạy đời” còn khiến chúng ta coi nhẹ vai trò của giá trị và văn hóa trong những vấn đề xã hội cấp bách nhất.

Sau cùng, không thể giải quyết vấn đề nghèo đói và phân biệt chủng tộc những người không được bảo hiểm và không có việc làm đơn giản bằng cách tìm ra kế hoạch hành động mười gạch đầu dòng hoàn hào. Các vấn đề này xuất phát từ việc các cá nhân có đặc điểm xã hội khác nhau và ai cũng có tính ích kỷ – một số người ở nấc thang xã hội cao nhất thì có tham vọng muốn giữ vị thế và tài sản của mình bất kể giá nào, trong khi những người ở dưới đáy xã hội luôn thất vọng và có lối sống tự huỷ hoại mình. Để giải quyết vấn đề này cần thay đổi chính sách của chính phủ, và cần cả biến chuyển trong tâm trí mọi người. Tôi tin rằng không nên cho phép lưu hành súng ở các khu phố cũ, rằng quan chức chính phủ nên nói thẳng điều đó khi nhà sản xuất súng đang vận động hành lang. Nhưng tôi cũng tin rằng khi một kẻ xã hội đen bắn bừa vào đám đông vì hắn cảm thấy có người không tôn trọng hắn thì lúc đó chúng ta đã gặp phải vấn đề về đạo đức. Chúng ta không chỉ cần trừng phạt kẻ đó vì tội ác hắn gây ra mà còn phải biết có một chỗ trống trong tim hắn mà không chương trình, chính sách nào của chính phủ giải quyết được. Tôi tin vào hiệu quả mạnh mẽ của luật pháp không phân biệt đối xử tôi cũng tin rằng chì cần các tổng giám đốc điều hành thay đổi nhận thức và chân thành cam kết chấp nhận sự đa dạng[189] thì sẽ đạt được kết quả nhanh hơn nhiều so với cả đội quân luật sư tranh tụng. Tôi nghĩ chúng ta nên đầu tư tiền thuế nhiều hơn vào công tác giáo dục trẻ em nghèo, cho chúng thông tin về các phương pháp tránh thai để giảm tình trạng có thai ngoài ý muốn, giảm trừ tỷ lệ nạo phá thai và đảm bảo mọi đứa trẻ sinh ra đều được yêu thương và chăm sóc. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng niềm tin sẽ khiến người phụ nữ có ý thức hơn về bản thân, đàn ông có trách nhiệm hơn, và thanh niên có thái độ tôn trọng hơn với những cử chỉ thân mật về giới tính.

Tôi không nói rằng tất cả những người cấp tiến đều đột nhiên hiểu ra ngôn ngữ tôn giáo hay chúng ta đã chấm dứt đấu tranh đòi thay đổi thể chế vì “một nghìn điểm sáng”[190]. Tôi nhận thấy việc đòi hỏi thông cảm với đức hạnh cá nhân thường xuyên trở thành lý do biện minh cho sự trỳ trệ, không hành động. Hơn nữa, không có gì dễ thấy hơn một biểu hiện giả tạo về đức tin – ví như khi một chính trị gia xuất hiện ở một nhà thờ của người da đen vào khoảng thời gian bầu cừ và vỗ tay (sai nhịp) theo dàn đồng ca nhạc gospel hoặc thêm mùi vị cho bài phát biểu chính sách khô khan bằng cách rải rác đưa vào một vài câu trích dẫn từ Kinh thánh.

Tôi chỉ muốn nói rằng nếu chúng ta, những người cấp tiến, bỏ đi được một vài thành kiến thì sẽ nhận ra rằng người theo đạo và người không theo đạo đều có chung những giá trị định hướng đạo đức và vật chất cho đất nước. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng lời kêu gọi hy sinh vì thế hệ sau, nhu cầu nghĩ cho “anh” chứ không phải chỉ nghĩ cho “tôi” đang vang lên từ mọi giáo hội tôn giáo trên khắp đất nước. Chúng ta phải coi trọng niềm tin không chỉ đơn giản để ngăn chặn sự lấn tới của phong trào tôn giáo mà còn để thu hút tất cả những người theo đạo vào một sự nghiệp chung lớn hơn, đó là đổi mới nước Mỹ.

Một vài điều trong số này đang bắt đầu xảy ra. Những mục sư ở các nhà thờ lớn như Rick Warren và T. D. Jakes[191] đang sử dụng ảnh hưởng lớn của mình để chống lại dịch AIDS, xóa nợ cho các nước thế giới thứ ba và nạn diệt chủng ở Darfur. Những người tự gọi mình là tín đồ “Tin lành cấp tiến” như Jim Wallis và Tony Campolo[192] đang giương cao những lời dạy trong Kinh thánh để giúp người nghèo bằng cách huy động người Thiên chúa giáo chống lại chính sách cắt giảm ngân sách cho các chương trình xã hội và hiện tượng bất bình đẳng xã hội gia tăng. Và trên khắp cả nước, nhiều nhà thờ riêng lẻ giống như nhà thờ của tôi đang tài trợ cho các chương trình giữ trẻ, xây dựng các trung tâm cho người già và giúp những người đã từng phạm tội làm lại cuộc đời.

Nhưng để tiếp tục sự hợp tác ban đầu giữa hai thế giới của tôn giáo và phi tôn giáo thì cần phải làm nhiều hơn nữa. Sự căng thẳng và nghi ngờ của mỗi dòng tôn giáo phải được giải quyết dứt khoát, và họ cần phải chấp nhận một vài quy tắc cơ bản để hợp tác.

Bước đầu tiên và khó nhất đối với một vài người Tin lành là hiểu được vai trò quan trọng của điều khoản Quyền thành lập tôn giáo và giáo hội dành cho công dân[193], không chỉ trong nền dân chủ mà còn cả đối với sức mạnh của nghi lễ tin ngưỡng. Trái ngược với đòi hỏi của những người thuộc phong trào Thiên chúa giáo phản đối tách nhà thờ khỏi nhà nước, lý lẽ của họ không được sự ủng hộ của các thẩm phán tự do thập kỷ sáu mươi. Nhưng họ lại được sự ủng hộ của những người đã dự thảo nên Đạo luật Nhân quyền và những người thuộc thế hệ trước đây ở các nhà thờ Tin lành.

Rất nhiều nhân vật quan trọng hàng đầu trong cuộc Cách mạng, nổi bật nhất là Franklin và Jefferson. hai nhà thần học, những người vừa tin vào Chúa toàn năng lại vừa nghi ngờ không chỉ tín điều của nhà thờ Thiên chúa giáo mà cả giáo lý trung tâm của chính đạo Thiên

chúa (bao gồm cả tính thần thánh của chúa Jesus). Đặc biệt Jefferson và Madison đã bảo vệ cho cái mà Jefferson gọi là “bức tường ngăn cách” giữa nhà thờ và nhà nước vì đó là phương cách bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng của các cá nhân, bảo vệ nhà nước trước xung đột giữa các bè phái tôn giáo, và bảo vệ các tổ chức tôn giáo trước sự xâm phạm hoặc ảnh hưởng thái quá của nhà nước.

Dĩ nhiên, không phải toàn bộ nhóm người sáng lập đất nước đều đồng ý với điều đó; những người như Patrick Henry[194] và John Adams đã xúc tiến nhiều đề xuất trong đó có việc sử dụng cánh tay của nhà nước để phát triển tôn giáo. Tuy Jefferson và Madison là người thúc đẩy hoàn thiện đạo luật Virginia về tự do tin ngưỡng – sau đó trở thành mô hình của các điều khoản liên quan đến tôn giáo trong Hiến pháp sửa đổi lần thứ nhất đi theo, nhưng các vị môn đồ của Thời kỳ Khai sáng này chưa phải là người bảo vệ cho nhà thờ và nhà nước đạt hiệu quả nhất.

Thực tế, chính những người Baptist như Mục sư John Leland[195] và những người Tin lành khác mới đem lại sự ủng hộ cần thiết để những điều khoản đó được thông qua. Họ làm như vậy vì họ là người ngoài cuộc; cách thờ phụng cởi mở của họ được những người ở tầng lớp dưới ưa thích; vì họ truyền đạo cho tất cả những người có tiềm năng – bao gồm cả nô lê – khiến cho trật tự xã hội cũ bị đe doạ; họ không phân biệt địa vị hay đặc quyền; và vì họ bị cả Nhà thờ Anh giáo ở miền Nam và Trật tự Giáo đoàn ở miền Bắc ngược đãi và khinh bỉ. Họ không chỉ sợ – một nỗi sợ hợp lý – rằng những tôn giáo được nhà nước bảo hộ, nếu có, sẽ xâm phạm quyền hành đạo của họ vì họ là tôn giáo thiểu số, mà họ còn tin rằng tín ngưỡng sẽ không tránh khỏi bị tàn lụi nếu bị nhà nước ép buộc hoặc ủng hộ. Như Mục sư Leland đã nói, “chỉ có sai lầm mới cần tồn tại nhờ sự ủng hộ của chính phủ; còn chân lý có thể và sẽ làm được tốt hơn mà không cần đến điều đó”.

Công thức vì tự do tín ngưỡng của Jefferson và Leland đã có hiệu quả. Nước Mỹ không chỉ tránh được các cuộc xung đột tôn giáo hiện vẫn đang lan tràn trên thế giới mà các tổ chức tôn giáo ở đây vẫn tiếp tục phát triển. Đây là hiện tượng mà một vài nhà quan sát cho rằng nguyên nhân trực tiếp là do không có nhà thờ nào được nhà nước bảo hộ, và do đó vai trò quan trọng thuộc về tinh thần thử nghiệm và tự nguyện trong tôn giáo. Hơn nữa, với dân số ngày càng đa dạng của nước Mỹ, chủ nghĩa bè phái đang đe dọa hơn bao giờ hết. Bất kể trước kia chúng ta là gì thì chúng ta cũng không còn là quốc gia chỉ theo Thiên chúa giáo nữa; chúng ta còn là đất nước của Do Thái giáo, Hôi giáo, Phật giáo, ấn Độ giáo, và cũng là đất nước của những người không theo đạo.

Nhưng hãy giả sử rằng ngay cả khi chỉ Thiên chúa giáo tồn tại trong biên giới đất nước. Thì khi đó chúng ta sẽ giảng dạy giáo lý nào ở trường học? Của James Dobson hay của Al Sharpton[196]? Quyển nào trong Kinh thánh sẽ được dùng để dẫn đường cho chính sách công? Chúng ta nên theo Leviticus trong đó nói rằng chế độ nô lệ là tốt và ăn các loại thủy sản không xương sống là hành động đáng ghê sợ? Thế còn Deuteronomy[197], trong đó nói rằng hãy ném đá đứa con của mình nếu nó lạc mất niềm tin? Hay chúng ta chỉ nên bám lấy đoạn Thuyết pháp trên núi[198] – một đoạn kinh cực đoan đến nỗi tôi nghĩ là Bộ Quốc phòng của chúng ta chưa chắc đã tồn tại được trước thực tế áp dụng đoạn kinh này.

Điều này dẫn chúng ta tới một điểm nữa – đó là các quan điểm tôn giáo nên truyền đạt thông tin cho các cuộc tranh luận công khai và định hướng cho các quan chức được bầu theo cách nào. Chắc chắn là những người không theo đạo đã sai lầm khi yêu cầu các tín đồ phải đặt tín ngưỡng của họ ngoài cửa trước khi bước vào nơi công cộng:

Frederick Douglass, Abraham Lincoln, William Jennings Bryan, Dorothy Day[199], Martin Luther Keng Jr. – thực tế là đa số những nhà cải

cách vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ – không chỉ có động cơ là niềm tin mà còn nhiều lần sử dụng ngôn ngữ tôn giáo để giải thích quan điểm của họ. Nói mọi người không nên đưa “đạo đức cá nhân” vào các cuộc tranh luận chính sách công khai thì nghe rất ngớ ngẩn; bản thân luật pháp của chúng ta đã được định nghĩa là bộ quy tắc về đạo đức, và phần lớn luật được dựa trên các truyền thống của Do Thái – Thiên chúa giáo[200].

Nền dân chủ thảo luận, đa nguyên của chúng ta đòi hỏi những người hành động vì động cơ tín ngưỡng phải trình bày mối lo ngại của họ dưới hình thức những giá trị phổ biến chứ không phải giá trị đặc trưng của tôn giáo. Tức là những đề xuất của họ phải có lý lẽ và phải theo lẽ phải. Nếu tôi phản đối nạo phá thai vì lý do tín ngưỡng và tìm cách thông qua một đạo luật cấm nạo phá thai thì tôi không thể chỉ đơn giản viện dẫn đến lời dạy của nhà thờ hay ý muốn của Chúa và hy vọng lý do đó thuyết phục được mọi người. Nếu tôi muốn người khác lắng nghe tôi, tôi phải giải thích tại sao nạo phá thai lại vi phạm những nguyên tắc chung của tất cả mọi niềm tin tín ngưỡng, kể cả của những người không theo tín ngưỡng nào.

Với những người tin vào tính đúng đắn tuyệt đối của Kinh thánh – phần lớn người Tin lành tin vào điều này – những quy tắc cam kết kiểu như vậy có vẻ như chỉ là một ví dụ nữa chứng tỏ sự chuyên chế của thế giới vật chất và phi tôn giáo trước thế giới linh thiêng và vĩnh cửu. Gần như mặc định, niềm tin và lý lẽ vận động ở hai thế giới khác nhau và có những con đường khác nhau để tới được nhận thức về chân lý. Lý lẽ – là khoa học – là sự tích lũy kiến thức dựa trên thực tế mà chúng ta thấy được. Ngược lại, tín ngưỡng dựa trên những chân lý không phải được chứng minh bằng hiểu biết của người thường – đó là “niềm tin vào những điều không được thấy”. Khi giáo viên dạy khoa học khẳng định thuyết Sáng thế[201] hay thuyết Sáng tạo thông minh không có chỗ trong lớp học thì không phải họ đang nói rằng kiến thức khoa học ưu việt hơn tinh thần tôn giáo. Họ chỉ muốn nêu rõ rằng

mỗi con đường dẫn đến hiểu biết liên quan đến những quy tắc khác nhau, và không thể hoán đổi các quy tắc đó với nhau.

Chính trị hầu như không phải là một môn khoa học, nó quá ít khi phụ thuộc vào lý lẽ. Nhưng trong nền dân chủ đa nguyên, nguyên tắc tách biệt tương tự cũng được áp dụng. Chính trị, giống như khoa học, phụ thuộc vào khả năng chúng ta thuyết phục được lẫn nhau về mục tiêu chung dựa trên thực tế chung. Hơn nữa, chính trị (không như khoa học) liên quan đến sự thỏa hiệp, nghệ thuật của sự có thể.

Cơ bản ở mức độ nào đó, tôn giáo không cho phép thỏa hiệp. Nó khẳng đinh cái không thể. Nếu Chúa đã từng thuyết giảng thì tín đồ hẳn phải sống theo những lời dạy đó, bất kể hậu quả ra sao. Nếu một người sống dựa vào lời cam kết không thỏa hiệp đó thì là siêu phàm, còn nếu chính sách được xây dựng dựa trên cam kết không thỏa hiệp đó thì sẽ là nguy hiểm.

Câu chuyện về Abraham và Isaac chính là một ví dụ đơn giản nhưng thuyết phục. Theo Kinh thánh, Abraham, theo lệnh của Chúa, phải hy sinh “con trai duy nhất, Isaac, người mà ngươi yêu” để cúng tế cho Chúa. Không suy nghĩ gì, Abraham đem Isaac lên đỉnh núi, trói con vào bàn thờ và vung dao lên, chuẩn bị thực hiện điều mà Chúa ra lệnh.

Dĩ nhiên, chúng ta đều biết câu chuyện kết thúc có hậu – vào phút cuối cùng Chúa đã gửi một thiên sứ xuống để ngăn hành động đó.

Abraham đã vượt qua được thử thách của Chúa về sự tận tụy. Ông ta trở thành hình mẫu về lòng trung thành với Chúa, và niềm tin lớn lao của Abraham được tưởng thưởng cho các thế hệ sau. Còn hiện tại, hoàn toàn bình thường khi nói rằng nếu bắt cứ ai trong chúng ta thấy một Abraham ở thế kỷ 21 đang vung dao trên nóc một tòa nhà thì chúng ta sẽ gọi cảnh sát, sẽ vật ngã anh chàng đó kể cả khi anh ta nói rằng vào phút cuối cùng anh ta đã hạ con dao xuống; chúng ta chờ đợi ủy ban Trẻ em và Gia đình sẽ đưa Isaac đi và buộc Abraham vào tội ngược đãi trẻ em. Chúng ta làm vậy vì Chúa không hiển linh hoặc gửi thiên sứ tới tất cả chúng ta cùng một lúc. Chúng ta không nghe thấy điều Abraham nghe thấy, không nhìn thấy điều Abraham nhìn thấy, không biết liệu sự thật có giống như Kinh thánh không.

Do đó cách tốt nhất chúng ta có thể làm là hành động theo những điều mà tất cả chúng ta đều có khả năng biết, hiểu rằng một phần của những gì chúng ta biết là đúng – như niềm tin cá nhân hoặc cộng đồng – sẽ chỉ đúng với chúng ta mà thôi.

Cuối cùng để có sự hòa hợp giữa tín ngưỡng và nền dân chủ đa nguyên cần phải có thái độ công tâm, cân bằng. Điều này hoàn toàn không xa lạ với các lý luận tôn giáo; ngay cả những người tin vào tính đúng đắn của Kinh thánh cũng phân biệt những lời Kinh thánh giáo huấn, dựa trên quan điểm rằng một số phần, ví dụ Mười lời răn của Chúa hay niềm tin vào tính thần thánh của Jesus, là cốt lõi của niềm tin Thiên chúa, còn những phần khác chỉ mang tính đặc thù văn hóa và có thể thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bằng trực giác, người Mỹ cũng hiểu điều này, đó là lý do tại sao đa số người Công giáo vẫn áp dụng các biện pháp tránh thai và một vài người phản đối hôn nhân đồng giới cũng đồng thời phản đối những sửa đổi trong hiến pháp dẫn tới cấm hình thức hôn nhân này. Những người đứng đầu các dòng đạo có thể không cần chấp nhận điều này khi giảng đạo cho con chiên của họ, nhưng họ nên biết cần có thái độ đó khi liên quan đến chính trị.

Nếu tinh thần công tâm là điều định hướng cho hoạt động của Thiên chúa giáo thì nó hẳn cũng là cái định hướng cho những người đang kiểm soát ranh giới giữa nhà thờ và nhà nước. Không phải cứ đề cập đến Chúa trước công chúng có nghĩa là đang phá bỏ bức tường ngăn cách; như Tòa án Tối cao đã diễn giải hợp lý rằng bối cảnh mới là điều quan trọng. Tôi không chắc là những đứa trẻ đọc lời tuyên thệ trung thành với Tổ quốc đều cảm thấy bị sức ép gì khi thì thầm cụm từ “con chiên của Chúa”[202] hay không; tôi thì không hề. Không nên coi việc cho phép các nhóm cầu nguyện tự nguyện của sinh viên sử dụng trường học để hội họp là mối đe dọa, cũng giống như các Câu lạc bộ Cộng hòa ở trường trung học sử dụng trường để hội họp không phải mối nguy gì đối với dòng Dân chủ. Và ai cũng có thể hình dung ra những chương trình chính sách dựa vào tín ngưỡng – hướng đến người từng là tội phạm hoặc người nghiện – có thể đem lại biện pháp có sức mạnh lớn lao không gì sánh được giúp giải quyết vấn đề, và vì thế hoàn toàn đáng được ủng hộ.

NHỮNG NGUYÊN TẮC chung áp dụng khi thảo luận về tín ngưỡng trong nền cộng hòa nói trên cũng chưa hẳn đã đầy đủ. Sẽ rất tốt nếu, ví dụ, khi tranh luận về những vấn đề đả động đến tôn giáo – như trong mọi bài diễn văn dân chủ – chúng ta chống lại được cái cám dỗ là quy niềm tin xấu cho những người bất đồng ý kiến với ta. Khi đánh giá mức độ thuyết phục của những lời kêu gọi đạo đức khác nhau, chúng ta nên xem xét khả năng không thể có được sự nhất quán khi áp dụng những lời kêu gọi đó: Quy tắc chung của tôi là, tôi thường thiên về lắng nghe những người bị cảm giác bất bình trước tình trạng vô gia cư nhiều hơn những người bất bình trước những vi deo nhạc đầy cảnh khiếm nhã. Và chúng ta phải nhận thấy được rằng đôi khi chúng ta không nói về việc thế nào là đúng nhiều bằng chuyện ai là người quyết định cuối cùng – hai chúng ta có cần nhà nước phải cưỡng bức để áp dụng giá trị của chúng ta hay không, hay tốt nhất là để cho lương tâm và quy tắc hành động của cá nhân tự làm điều đó.

Dĩ nhiên, ngay cả khi áp dụng nhất quán các nguyên tắc này cũng không thể giải quyết được mọi tranh chấp. Việc rất nhiều người chống nạo phá thai lại sẵn lòng cho phép có ngoại lệ với tội cưỡng hiếp và loạn luân cho thấy người ta chấp nhận thay đổi các nguyên tắc khi áp dụng trong thực tế; việc ngay cả những người bảo vệ quyền tự do lựa chọn nạo phá thai của phụ nữ cuồng nhiệt nhất cũng chấp nhận một vài quy định hạn chế phá thai muộn cho thấy họ biết rằng bào thai không chỉ là một bộ phận cơ thể và xã hội quan tâm đến sự phát triển của bào thai đó. Tuy nhiên, nhóm những người tin rằng một sự sống bắt đầu ngay từ thời điểm thụ thai và nhóm những người tin rằng bào thai chỉ là một bộ phận của cơ thể người mẹ cho đến khi được sinh ra sẽ nhanh chóng đi đến một điểm mà ở đó không thể có thỏa hiệp. Tại điểm này điều tốt nhất chúng ta có thể làm là đảm bảo tín ngưỡng chứ không phải bạo lực hay sự đe dọa quyết định đến kết quả chính trị – và rằng chúng ta ít nhất cần tái tập trung một phần nỗ lực của mình vào việc giảm số vụ có thai ngoài ý muốn thông qua giáo dục (bao gồm cả về hạn chế quan hệ tình dục), các biện pháp tránh thai, việc nhận con nuôi hay bất cứ cách nào được nhiều người dân ủng hộ và đã cho thấy có hiệu quả.

Với rất nhiều người Thiên chúa giáo, trong vấn đề hôn nhân đồng giới cũng không thể có sự thỏa hiệp tương tự. Tôi thấy quan điểm này thật khó hiểu, nhất là trong một xã hội mà đàn ông và phụ nữ theo đạo Thiên chúa có thể ngoại tình hoặc vi phạm nguyên tắc tín ngưỡng của họ mà không hề bị trừng phạt. Khi ngồi trong nhà thờ tôi thường xuyên thấy một mục sư dùng cách tấn công người đồng tính như một mánh lới ngôn từ rẻ tiền – “Là Adam và Eve chứ không phải Adam và Steve!”, ông ta gào lên khi buổi thuyết giáo bắt đầu nghe chừng không ổn lắm. Tôi tin rằng xã hội Mỹ có thể chọn cách dành ra một chỗ riêng để một người đàn ông và một người phụ nữ kết hợp với nhau như một mô hình nuôi dạy trẻ nhỏ thông thường, quen thuộc với mọi nền văn hóa. Tôi không muốn có một nhà nước lại từ chối cho công dân Mỹ một hình thức kết hợp giữa hai người mà hoàn toàn đáng được hưởng quyền lợi về những vấn đề cơ bản như đi khám chữa bệnh ở bệnh viện hay bảo hiểm y tế, với lý do đơn giản chỉ vì họ yêu người cùng giới, cũng như tôi không thể chấp nhận kiểu đọc Kinh thánh coi những dòng mơ hồ trong quyển Romans lại giàu tính Thiên chúa hơn bài Thuyết giáo trên núi.

Có lẽ tôi rất nhạy cảm với vấn đề này vì tôi đã chứng kiến sự bất cẩn của tôi khiến người khác đau đớn như thế nào. Trước kỳ bầu cử mà tôi là ứng cử viên, giữa những cuộc tranh luận với ông Keyes, tôi nhận được một tin nhắn qua điện thoại từ một trong những người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất. Đó là chủ một doanh nghiệp nhỏ, một người mẹ, và là một người rất rộng lượng, sâu sắc. Cô cũng là một người đồng tính nữ, sống chung thủy với bạn tình suốt mười năm qua.

Khi quyết định ủng hộ tôi cô từng biết là tôi phản đối hôn nhân đồng tính và cô đã nghe thấy tôi nói rằng, khi không có sự đồng thuận cần thiết, việc quá tập trung vào hôn nhân khiến chúng ta quên mất những cách khác có thể làm được để tránh phân biệt đối xử với người đồng tính. Cô gửi tin nhắn này vì cô nghe thấy trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, tôi đã đề cập đến truyền thống tín ngưỡng khi giải thích quan điểm của tôi về vấn đề hôn nhân đồng tính. Cô nói vớ tôi rằng cô đã bị những lời nói của tôi làm tổn thương; cô cảm thấy khi đưa vấn đề tín ngưỡng vào, tôi muốn nói rằng cô ấy, và những người giống như cô, dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác, là những kẻ xấu.

Tôi cảm thấy buồn, và khi gọi lại cho cô, tôi nói với cô cảm giác đó.

Khi chúng tôi nói chuyện, tôi nhớ lại rằng bất kể những người Thiên chúa phản đối hiện tương đồng tính có nói bao nhiêu lần rằng họ ghét tội lỗi nhưng vẫn yêu thương kẻ phạm tội thì những lời phán xét của họ cũng gây đau khổ cho nhiều người tốt – những người sinh ra là con của Chúa, những người thường trung thành với lời dạy của Jesus hơn cả những kẻ phê phán họ. Và tôi nhớ lại rằng nghĩa vụ của tôi, không chỉ với tư cách là một người được cử tri bầu ra trong xã hội đa nguyên mà còn là một tín đồ Thiên chúa giáo, là phải cởi mở với thực tế là có khả năng việc tôi không ủng hộ hôn nhân đồng tính là một sai lầm, cũng như tôi không thể nói rằng việc tôi ủng hộ quyền nạo phá thai là hoàn toàn đúng đắn. Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã bị ảnh hưởng bởi định kiến và thiên vị của xã hội và quy chúng do Chúa tạo ra; lời Chúa kêu gọi phải yêu thương người khác đòi hỏi tôi cần có một kết luận khác; và trong nhiều năm tôi có thể bị coi là một người đứng về phía sai lầm của lịch sử. Tôi không tin những mối nghi ngờ đó sẽ khiến tôi trở thành một tín đồ xấu. Tôi tin những quan niệm đó làm cho tôi đúng là con người, với hiểu biết hạn chế về mục đích của Chúa và do đó có thể mắc lỗi. Khi cầm cuốn Kinh thánh, tôi đọc với niềm tin rằng đó không phải là những câu chữ tĩnh lặng mà đó là những Từ-ngữ-sống và tôi luôn phải mở rộng tâm trí với thiên khải mới – bất kể lời đó do một người bạn đồng tính nữ hay một vị bác sỹ phản đối nạo phá thai nói ra.

NHỮNG ĐIỀU NÀY không nói lên rằng tôi chưa gắn bó với tín ngưỡng của mình. Có những điều tôi hoàn toàn chắc chắn – Quy tắc Vàng[203], cần đấu tranh chống lại cái ác dưới mọi hình thức, giá trị của tình yêu và lòng nhân, thái độ khiêm tốn và nhã nhặn.

Cách đây hai năm, niềm tin đó được khẳng định khi tôi bay đến Birmingham, bang Alabama để phát biểu ở Học viện Quyền công dân của thành phố. Viện này nằm ngay bên kia đường, đối diện với nhà thờ Baptist đường 16. Ở chính nhà thờ này, vào một buổi học Chủ nhật năm 1963, bốn em nhỏ – Addie Mae Collins, Carole Robertson, Cynthia Wesley và Denise McNair – đã chết khi một quả bom do một kẻ phân biệt chủng tộc đặt phát nổ[204]. Trước khi vào phát biểu tôi đã không bỏ lỡ cơ hội thăm nhà thờ này. Vị mục sư trẻ và vài trợ tế đón tôi ở cửa vào, chỉ cho tôi những vết sẹo còn thấy rõ trên tường do quả bom gây ra. Tôi nhìn chiếc đồng hồ phía sau nhà thờ đứng yên ở thời điểm 10 giờ 22 phút sáng. Tôi ngắm chân dung bốn cô bé.

Sau chuyến thăm, mục sư, các trợ tế và tôi bắt tay nhau và vào cầu nguyện trong thánh đường. Rồi họ đi, còn lại tôi ngồi một chỗ trên ghế dài và suy nghĩ. Bốn mươi năm trước, bố mẹ những cô bé đó cảm thấy gì khi biết đứa con gái quý giá của họ bị bạo lực cướp đi tính mạng nhanh chóng một cách vô tình và độc ác như thế? Làm sao họ có thể chịu được nỗi đau trừ khi họ biết chắc rằng có mục đích gì đó nằm sau vụ giết hại con cái của họ, rằng có thể tìm thấy điều gì đó trong mất mát không thể đo đếm này? Nhưng người cha người mẹ ấy hẳn đã thấy người từ khắp đất nước đến dự lễ tang, hẳn đã đọc được lời chia buồn trên toàn thế giới, hẳn đã xem Lyndon Johnson tuyên bố trên truyền hình rằng cần vượt qua khó khăn, hẳn đã chứng kiến Quốc hội cuối cùng cũng thông qua Đạo luật Quyền công dân năm 1964. Bạn bè và những người xa lạ cùng đảm bảo với họ rằng con gái họ không chết một cách vô nghĩa – cái chết của các cô bé đã đánh thức lương tâm của cả quốc gia và giúp giải phóng một dân tộc; rằng vụ đánh bom đã phá bỏ con đập ngăn để nhờ đó dòng nước công lý có thể tuôn chảy và dòng suối công bằng vĩ đại được khai thông. Và cho đến giờ liệu điều đó đã đủ an ủi nỗi đau của bạn, giúp bạn tránh được cơn giận dữ, thịnh nộ thường xuyên chưa – trừ khi bạn cũng biết là con bạn được đến một nơi an toàn?

Ý nghĩ của tôi lại quay về những ngày cuối đời của mẹ tôi, khi bệnh ung thư đã lan khắp cơ thể bà và rõ ràng không còn cách gì nữa. Trong thời gian bị bệnh, bà phải thừa nhận với tôi là bà chưa sẵn sàng cho cái chết, nó xảy ra quá đột ngột làm bà bị bất ngờ, như thể cái thế giới mà bà yêu quý vô cùng bỗng quay lưng lại, phản bội bà. Và mặc dù bà đã đấu tranh với bệnh tật một cách dũng cảm, chịu đựng những cơn đau và những đợt hóa trị với thái độ nhẹ nhàng và hài hước cho đến phút cuối cùng, nhưng cũng hơn một lần tôi thấy những giọt lệ ngấn trong mắt bà. Không phải nỗi sợ sự đau đớn hay sợ những điều không thể biết, tôi nghĩ chính nỗi cô đơn vô tận của cái chết mới làm bà sợ hãi – bà biết rằng trên hành trình cuối cùng này, trong cuộc phiêu lưu cuối cùng này, bà không có ai đi cùng để chia sẻ, không có ai cùng bà ngạc nhiên trước khả năng chịu đựng những cơn đau của chính cơ thể hay cười vào sự ngớ ngẩn khắc nghiệt của cuộc sống khi tóc con người bắt đầu rụng và tuyến nước bọt khô dần.

Tôi tiếp tục nghĩ về những điều này khi rời nhà thờ và đọc bài phát biểu. Tối đó, khi trở về Chicago, tôi ngồi ở bàn ăn tối, nhìn Malia và Sasha cười đùa, tranh cãi và dùng quả đậu tây giả vờ đấu kiếm với nhau trước khi bị mẹ xua lên cầu thang đi tắm. Khi còn lại một mình rửa bát đĩa trong bếp, tôi tưởng tượng cảnh hai con gái của tôi lớn lên, và tôi cảm thấy nỗi đau mà bất cứ người bố người mẹ nào cũng phải trải qua lúc này hay lúc khác, đó là khát khao giữ lại từng khoảnh khắc hiện diện của đứa con và không bao giờ để chúng biến mất – muốn giữ lại mọi hành động cử chỉ, muốn khóa chặt vĩnh viễn hình ảnh lọn tóc quăn của chúng hay cảm giác ngón tay chúng đan qua ngón tay bạn. Tôi nghĩ đến Sasha một lần đã hỏi tôi điều gì xảy ra khi chúng tôi chết – “Con không muốn chết bố ạ”, con bé nói giản dị – tôi ôm lấy con và bảo: “Con còn phải đi một đoạn đường rất rất dài trước khi phải lo về chuyện đó”, câu trả lời có vẻ làm con bé hài lòng. Tôi không biết liệu có nên nói với con sự thật, rằng tôi cũng không biết chắc điều gì xảy ra khi chúng tôi chết, cũng như tôi không thể chắc được các linh hồn cư trú ở đâu hay cái gì tồn tại trước khi diễn ra vụ nổ BigBang[205]. Nhưng khi đi lên thang gác, tôi biết tôi hy vọng điều gì – rằng theo nghĩa nào đó mẹ tôi đang ở cùng bốn cô bé kia, có thể yêu thương chúng, tìm thấy niềm vui với chúng.

Tôi biết rằng đêm đó khi đưa con lên giường ngủ, tôi đã chạm được chút ít vào thiên đường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.