Khoảng trời mênh mông
Chương 08
Ngày 15 tháng Ba
Cách Vida ba dặm về hướng Tây Bắc, Montana
Charlie thân mến!
“Ngài” Whiskers gửi lời hỏi thăm anh. Chắc anh chẳng còn nhận ra nó đâu. Giờ nó béo múp nhờ đám chuột nhắt. Có trời biết ngoài bắt chuột, nó còn làm những gì. Dù chưa thân lắm với Chase, nhưng nó với Mattie cùng trò chuyện, chơi đùa không biết chán. Hôm nọ, con bé còn lấy mũ của Mueller đội cho mèo. Đúng là chẳng ai từ chối được cô bé biết ăn nói dễ thương ấy.
Vậy là anh đã thành thợ máy? Ngày ngày làm việc quanh máy bay thì còn gì thú vị bằng. Nhưng anh nhớ coi chừng cánh quạt đấy.
Anh có nghe chiến dịch tiết kiệm nhờ tận dụng ánh sáng ban ngày chưa? Thật kì cục vì nó bắt đầu đúng vào lễ Phục Sinh. Tổng thống Wilson bảo nhờ sáng kiến này, ta có thể tiết kiệm hàng triệu tấn than phục vụ tiền tuyến. Khi hình dung anh ngủ trong doanh trại dột nát, cộng với bao sự hy sinh khác của anh và đồng đội cũng là lính bộ binh, em thấy chút thay đổi lối sống nhằm hưởng ứng chiến dịch của mình thật chẳng thấm tháp gì.
Phải vắt óc em nghĩ mãi mới hiểu ý nghĩa của những ngôi sao anh vẽ bên lề giấy viết thư. Mỗi ngôi sao là một mất mát lớn lao. Em khóc khi hình dung cảnh mẹ chiến sĩ thêu ngôi sao vàng trên quốc kỳ nhà mình, ghi nhớ sự hy sinh tột cùng của con trai bà.
Đêm nào em cũng cầu khẩn Thượng Đế kết thúc cuộc chiến này. Em còn cầu cho mọi người lính, trong đó có cả cầu thủ ném bóng chày xuất sắc nhất hạt Fayette, bình an và vinh quang trở về quê hương.
Cô bạn hay cáu kỉnh của anh
Hattie
Tường nhà mợ luôn treo một tấm vải thêu: “Thứ Hai: giặt quần áo; Thứ Ba: ủi quần áo; Thứ Tư: vá quần áo; Thứ Năm: đi chợ; Thứ Sáu: lau dọn nhà cửa; Thứ Bảy: nướng bánh; Chủ Nhật: nghỉ ngơi”. Hôm nay là thứ Ba nên hai cái bàn ủi chễm chệ ngồi trên bếp củi, còn tôi đã phủ tấm chăn sạch lên bàn ăn. Ga trải giường khó ủi nhất nên tôi bắt đầu từ đó. Khi một bàn ủi nguội, tôi lại đặt lên bếp, lấy chiếc nóng, đi mấy lần lên tấm khăn cắt từ bao bột mì cũ để lau lớp tro đen. Vừa xếp váy lót ngoài cạnh đống đồ lót chờ ủi tiếp, tôi nghe tiếng ngựa ngoài sân. Một giọng đàn ông gọi vào vào:
– Cô Brooks có nhà không?
Tôi thò đầu ngó ra cửa trước. Traft! Trong một thoáng, tôi ước sáng nay mình mặc váy áo chỉnh tề thay vì khoác chiếc áo bảo hộ cũ nhưng tiện lợi của cậu Chester.
Mình con ngựa ươn ướt mồ hôi.
– Chào cô. Xin cô cảm phiền cho con Rắc Rối uống chút nước, được không ạ? Tôi gật đầu:
– Anh vừa đi xa về à? thể coi là vậy.
Động tác xuống ngựa của Traft có kèm tiếng kêu từ đinh thúc ngựa, rất vui tai. Tôi khoát tay mời anh vào nhà:
– Anh vào nhà uống chút cà phê nóng nhé? Hay dùng chút bánh mì? Thi tài với chị Perilee thì tôi không dám, nhưng ăn bánh mì tôi làm, đảm bảo anh không chết.
Traft bật cười:
– Hệt như người ta hay nói về tài nấu nướng của tôi.
Anh ta cho ngựa uống nước, cột dây cẩn thận rồi bước vào trong nhà.
– Mời anh ngồi…
Tôi chết sững trước đống đồ lót đang bày la liệt trước mặt Traft Martin. Nhưng với tôi, hình như cả thiên hạ đều thấy. Tôi vội vơ vén rồi ném chúng vào chiếc xô rỗng gần đó.
– Nhà có bàn tay phụ nữ có khác, ấm cúng hẳn.
Cái nhăn mặt phản bội nỗ lực cố tỏ ra lịch thiệp của Traft Martin. Vậy là anh ta đã nhìn thấy. Lạy trời, nếu biết chuyện, mợ Ivy sẽ nghĩ sao đây?
Tôi chỉ thùng táo bằng gỗ:
– Ngồi ghế này dễ chịu lắm.
Tôi nhanh tay úp ngược xô kia xuống đất, che không cho khách thấy những thứ trong xô, sau đó mới đi tìm vài món ăn nhẹ.
Traft ăn ngấu nghiến mấy lát bánh mì phết mứt anh đào và uống liền hai ly cà phê. Ăn xong, anh xếp ly đĩa gọn gàng sang một bên:
– Cảm ơn cô. Tôi đỡ hơn rồi. Bánh của cô đang xuống tận dưới này.
Anh ta vừa chỉ tay vào bụng vừa nói hóm hỉnh. Traft vung vẩy bàn chân trái đi giầy cao cổ.
– Tôi đang tập làm bánh mềm xốp hơn.
Khách cười thật tươi:
– Thời tiết ẩm ướt thế này khó giữ được bánh xốp mềm. Hay lần sau cô thử treo bánh ngay trên bếp xem. Mẹ tôi thường làm thế đấy.
– Phải nói thông tin của anh còn hữu dụng hơn cả t chí phụ nữ Ladies’ Home Journal!
– Nhắc tới mẹ tôi mới nhớ: Bà bảo tôi sang mời cô đến nhà thờ cùng mừng lễ Phục sinh. Sau buổi lễ còn tổ chức khâu vá tập thể có phục vụ ăn uống nữa. Ủng hộ Hội chữ thập đỏ ấy mà. (Traft đứng lên. Tôi không thể đoán má anh ta đỏ do trời lạnh hay do ngượng ngùng). Tôi sẽ rất hân hạnh nếu được đến đón cô.
– Cảm ơn anh! Nhưng không biết… ý tôi là nếu không bận ngoài đồng, tôi cũng đi. Nhưng tôi đi một mình được rồi.
Không hiểu ở đây, người ta nghĩ gì khi thấy một cô gái ngồi chung ngựa với một thanh niên đến nhà thờ. Còn ở Arlington, chỉ có hai người phải lòng nhau mới làm thế.
– Nếu cô thấy tiện, thưa cô.
Traft cầm mũ đội lên đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi như thể mắt anh ta chỉ làm được có thế. Bây giờ thì tôi đã cảm thấy được sự ngượng ngùng, bối rối từ anh ta. Ánh mắt ấy suýt chút nữa hủy hoại sự quyết tâm từ chối lời đề nghị của anh ta ban nãy:
– Chết thật, tôi quên khuấy đi mất. Sáng nay, tôi có ghé tiệm Bub Nefzger’s. Cô có thư. Tôi có hứa sẽ mang thư về cho cô.
Traft rút từ ngực áo một bó giấy nhỏ.
– Anh tốt quá.
Anh ta xốc lại cổ áo:
– Không có chi. Tôi thích quang cảnh nhà cô.
Giờ đến lượt tôi đỏ mặt.
Gật đầu chào lịch thiệp, Traft bước ra ngoài. Sau khi anh ta lên ngựa và phóng đi, tôi cầm bố giấy Traft vừa đưa quạt cho đỡ nóng. Thật lạ, không khí trong lều chợt nóng nực ghê gớm. Tôi tự trấn tĩnh, mở gói giấy ra xem. Bên trong có hai bức thư và tờ báo Woft Point Herald. Đọc tái bút sau thư đầu của cậu Holt, tôi vui khôn tả: “Cậu rất thích lá thư vừa rồi của cháu”.
Thư thứ hai của Charlie. Ngày đề trong thư cách nay cả mấy tháng. Hơn thế, nó được gửi về Arlington, rồi từ Arlington gửi đến đây. Bì thư lấm lem. Dấu “Đã kiểm duyệt” in đậm mặt sau phong bì.
Ngày 10 tháng Hai năm 1918
Hattie mến!
Em biết tính anh không hay phàn nàn. Nhưng anh ở Pháp ba tháng rồi mà không nhận được một lá thư nào của em cả. Hay em không còn nhớ đến anh bạn cũ tên Charlie này nữa? Anh hy vọng không phải thế.
Đúng là anh chưa thể đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến này. Gia hạn thêm cho anh vài ngày được không? Cho đến giờ, anh vẫn chỉ tập luyện, tập luyện và cố giữ mình không ốm. Bạn cùng phòng anh hiện đang nằm bệnh viện vì chứng kiết lỵ. Tụi anh mong sao không bỏ xác trong bệnh xá trước khi kịp thấy chiến trường.
Em sẽ té xỉu nếu thấy gã điển trai này mặc quân phục. Hôm qua, một y tá của Hội chữ thập đỏ chụp hình cho anh. Khi nào rửa hình xong, anh sẽ gửi cho em.
Anh không thể kể nhiều về nơi ở hiện tại (đội kiểm duyệt sẽ biến thư anh thành pho mai của tổ ong Thụy Sỹ mất), nhưng anh mong có ngày về nhà. Ở đây có vô số tòa nhà đã tồn tại nhiều thế kỷ. Còn thức ăn ngon hơn cả đồ mẹ anh nấu. Anh kể chuyện này cho em, nhưng nhớ đừng mách mẹ anh. Anh đã uống thử rượu vang Pháp đấy. Dễ nuốt ra phết.
Hôm nay là ngày tập ném lựu đạn. Với cầu thủ ném bóng giỏi nhất hạt Fayette, trò ấy chẳng bõ bèn gì. Anh không sao quên được ngày dạy em ném bóng. Em còn nhớ có lần bóng của em bay lạc vào người gã Jack huênh hoang không? Sau đó, đường bóng của em tiến bộ đáng kể, nhưng anh chắc gã Jack tội nghiệp chẳng bao giờ bình phục hẳn sau lần ấy.
Có chuyện này nghe hay lắm. Mấy hôm trước họ kêu gọi lính tình nguyện học nghề sửa chữa và bảo trì máy bay. Chắc em cũng biết anh xung phong nhận ngay vị trí ấy. Công việc vừa sức anh. Viên trung sĩ trực tiếp phụ trách bọn anh bảo anh học rất nhanh.
Đừng quên bạn cũ nhé. Thỉnh thoảng viết cho anh, một dòng thôi cũng được.
Charlie
Bực mình ngành bưu điện quá đi thôi.Từ khi đến Montana, tôi đã gửi cho Charlie năm lá thư rồi. Sau khi thư được gửi đi, phải thật lâu sau nó mới đến tay người nhận. Rõ ràng các lá thư cũng không đến theo thứ tự gửi đi. Tuy nhiên, anh nhận thư tôi lúc nào không quan trọng. Tôi chắc chắn anh sẽ hú vía khi đọc thư tôi kể chuyện con sói của tôi. Tôi đọc lại thư anh, rồi rót cho mình một ly cà phê trước khi đọc lại lần nữa. Lần này, tôi sẽ tận hưởng từng từ hiện lên tờ giấy mỏng. Tôi đọc thư anh như thuộc lòng từng chữ một. Việc ủi quần áo để lát nữa làm cũng được. Tôi quyết định như vậy và lấy tờ báo Woft Point Herald ra xem. Theo trang nhất tờ Herald, giữa ban ngày quân Anh đã tấn công vào Stuttgard, một tàu chiến vốn được dùng làm bệnh viện bị trúng ngư lôi, nhưng lần này không bị chìm. Không có tình hình chiến sự tại Pháp. Nếu có đọc báo này, mợ Ivy sẽ bảo thời sự chẳng bao giờ đưa tin tốt lành. Tuy nhiên, tôi vẫn bực bội khi lướt qua trang nhất. Tin gây chấn động nhất cũng không thể hơn chuyện con ngựa xám nhà Henry Hahn lại xổng chuồng lần nữa. Bên cạnh có thông báo rạp Glacier đang chiếu phim Trong thế cân bằng, có sự góp mặt của minh tinh màn bạc Earle Williams. Ngay trướckhi Charlie nhập ngũ, tôi có xem Kitty Gordon trong phim Hoa ly ly tím. Suốt từ đó đến nay, tôi chưa ghé rạp lần nào.
Hattie của ngày xưa sẽ nấn ná lâu hơn với mục quảng cáo phim đang chiếu ngoài rạp, nhưng Hattie của ngày nay thì không. Tôi chuyển ngay sang mục thông tin thị trường và biết hạt lanh sắp có giá 3.66 đô la một giạ (đơn vị đo dung tích xấp xỉ bằng 36 lít). Giá lúa mì tại thị trường Chicago là 2.20 đô la một giạ. Tôi viết vội mấy con số ấy ra lề tờ báo. Lúc trước cậu Chester từng trồng hai mươi mẫu lanh và thu hoạch tám mươi giạ thành phẩm. Chắc chắn tôi cũng sẽ làm được như vậy và thu về 292.8 đô la. Cậu Holt bảo sẽ thu nhập ít hơn nhưng chưa có bút toán đỏ (không bị lỗ). Theo như tính tóan, nếu tôi trồng hai mươi mẫu lanh và hai mươi mẫu lúa mì, tôi sẽ có bốn mươi mẫu đất canh tác đúng theo yêu cầu. Nhưng nếu thế tôi sẽ thu được bao nhiêu lúa mì thành phẩm? Lại phải tìm anh Karl để hỏi thôi. Tôi dụi mắt. Chả trách lúc nào trông người nông dân cũng khắc khổ.
Tôi gập tờ báo lại. Trangcuối có tờ quảng cáo “Cơ hội nghề nghiệp”. Quán Shamrock Café đang cần “đầu bếp nấu món Tàu có kinh nghiệm”. Chắc chắn vị trí ấy không dành cho tôi. Nhà trọ Smith Rooming House sắp mở cửa: “cần phục vụ phòng quen việc”. Tôi thở dài. Tôi rời Iowa vì không muốn làm cho nhà trọ của bà Inatha Wells. Nhưng bây giờ, muốn giữ đất, chắc có lẽ tôi phải đến làm cho nhà trọ Smith Rooming House mất. Xung quanh đây người ta toàn làm thế: vừa đi làm vừa trông nom trang trại. Tôi hoàn toàn mù tịt, không biết người ta lấy đâu thời gian cho cả hai. Clarice, em ông Gorley, dạy học ở trường Power Creek; Wayne Robbins vừa phụ việc ở nhà thờ, vừa phụ bán ở tiệm Nefzger’s. Cô Leafie kểcó một thanh niên gốc Anh hành nghề chụp ảnh dạo bằng cách cưỡi ngựa đến các thị trấn phụcvụ bà con. Còn trang trại của anh ở mãi tận BrockawTôi không dạy học được, ông Bub Nefzger cũng không thiếu tay phụ bán hang. Còn nữa, chắc chắn tôi khôngcó máy chụp ảnh. Viễn cảnh tương lai của tôi thật thiểu não. Tôi nói lớn:
– Thượng Đế ơi, giờ là lúc để Người hành xử bí ẩn đây!
“Ngài” Whiskers giật mình tỉnh giấc. Giả sử có trúng mùa lớn, một mình tôi cũng không thể tự thu hoạch bốn mươi mẫu đất. Jim Gà Trống bảo dân trong vùng thường thuê Wayne Robbins hay ông Gorley: Hai người họ có máy gặt kèm bộ phận buộc lúa thành bó và máy tuốt lúa. Lúc ấy tôi quên không hỏi giá thuê là bao nhiêu. Lần sau có gặp anh ta, tôi phải hỏi kĩ mới được. Hình ảnh đồng đô la cứ bay lởn vởn trong óc tôi, làm tôi có thêm niềm tin và hi vọng.
Tôi uống nốt ly cà phê cuối cùng trong ngày, đọan đứng lên ủi áo quần cho xong. Đủ tiền hay không đủ tiền, tôi vẫn phải cố giành quyền sở hữu trang trại của cậu Chester. Một việc không làm không được.
Nhiều thói quen nhỏ dần hình thành trong cuộc sống của tôi lúc nào không hay. Chase và Mattie “thiết lập” một con đường mòn nhỏ sát nhà tôi. Mỗi ngày đi học về, hai anh em lại ghé qua nhà tôi trước khi về nhà. Có khi, chúng chỉ cần nhìn thấy tôi vẫy tay chào cho đỡ nhớ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng dừng lại. Ba chị em lại nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Chắc chắn Chase đã đi nhiều nơi, học hỏi được rất nhiều. Cậu có nhiều ý tưởng độc đáo, ngay cả người lớn còn không biết, chưa nói gì một cậu bé trai lên tám. Cậu huấn luyện con Fawn thành thục đến độ Chase chỉ cần tu huýt như tiếng chim là con bê non đã chạy ngay đến. Tuần trước, Chase làm một cái bẫy chó hoang khá tinh vi. Sau đó, cậu còn cho tôi xem một cỗ máy trông rất kì cục:
– Em sẽ cột chặt nó vào cái ròng rọc này. Máy này bắn vỏ bào vào bếp. (Cậu bé vung tay) Vút! Vỏ bào rơi trúng vào bếp củi, không mảnh nào trượt ra ngoài.
Đúng là Chase có bẫy được chó thật, nhưng phần còn lại của sự nghiệp phát minh không thành công rực rỡ như cậu bé mong muốn. Tuy nhiên, Chase vẫn không bỏ cuộc.
Và đọc sách! Chase luôn “đói” sách.
Chase mê sách, còn Mattie mê nói. Gặp ai, cô bé cũng véo von không biết mệt. Từ những cuộc trò chuyện giữa Mattie với Mullie, tôi biết nhiều chuyện ở Vida. Nếu có điện thoại, như vài người ở thị trấn, tôi cũng không cần nghe đường dây hội họp làm gì. Mattie luôn cập nhật thông tin cho, nhưng toàn là những thông tin kiểu trẻ con. Nhất là loại tin tức một cô bé sáu tuổi hay tò mò, cho là quan trọng.
Hôm nay trời mát, ẩm vì mới có mưa. Lại thêm một ngày thời tiết thuận lợi để nhặt đá trên khoảng đất sau này sẽ thành ruộng lúa mì. Trên đất này, cây thì hiếm mà đá thì nhiều. Tôi cảm tưởng với đá lượm được, tôi sẽ xây cả bức tuờng thành chống giặc ngoại xâm, như cái tường gì ở mãi tận Trung Quốc ấy. Mải cặm cụi nhặt đá hết ngày này sang tháng khác khiến tôi nghĩ chắc mai mốt lên thiên đàng rồi, tôi vẫn quen tay dọn đá trên đó.
Bóng nắng chiều xiên xiên, nhắc tôi ngẩng lên ngóng hai bong người nhỏ xíu thường đến vào giờ này. Tôi có làm vài cái bánh, theo chị Perilee gọi là “bánh ngón tay”: Có nghĩa là phải nhào bột cho đến khi các khớp ngón tay mỏi nhừ, ta mới nặn bột thành viên tròn rồi đem nướng. Tôi có rắc thêm đường vàng lên mặt bánh, mong mấy cái bánh nhỏ ấy rút ngắn đường về nhà của hai học trò nhỏ chuyên cần.
Khi chất đá nhặt được thành đống, nhân tiện chờ Chase và Mattie đi ngang qua, tôi nhẩm sẵn trong đầu thư gởi cho cậu Holt. Tôi rất muốn tả trong thư mùi của đồng cỏ, lời hứa hẹn ngọt ngào của mùa xuân sau những cơn gió ấm, tả tiết trời ấm áp, mùi của lá xô thơm khi ta xát mạnh nó trong lòng bàn tay và mùi của viễn cảnh mùa màng bội thu ngay trên cánh đồng của tôi. “Ước gì cháu phát minh một bảng chữ cái mới nhằm sáng tạo ngôn từ có thể tả thực hỗn hợp mùi hương tỏa ra từ đất này. Dần dà, cháu cũng biết không nên hít thở không khí quá sâu khi dọn chuồng gia súc. Tuy nhiên, hầu hết mùi hương nơi đây đều thơm lành, tuyệt diệu và tràn trề hy vọng, như thể mùi thơm là cái gì đó thật cụ thể vậy”.
Cứ thế, tôi thầm đưa từ này nối từ kia nên gần như quên hẳn hai người bạn nhỏ.
– Ôi!
Tôi đứng thẳng lưng, từ hông đến đầu ngón chân đau nhức do động tác cúi kéo căng các cơ suốt nhiều giờ liền. Tôi phóng tầm mắt về phía chân trời. Chúng kia rồi. Tôi vẫy tay, vui vẻ hét toáng lên:
– Có bánh mới đây.
Nhưng hai em không đi về hướng tôi. Thực ra, chúng đang chạy thục mạng, vừa chạy vừa vấp ngã theo hướng càng lúc càng xa nhà tôi. Hai cái bóng bé xíu, đứa lớn kéo tay đứa nhỏ cùng chạy thẳng đến bờ đá.
– Mattie! Chase!
Tôi gọi. Chắc mải cắm đầu chạy nên chúng không thấy tôi. Đến lúc ấy, tôi mới thấy có ba người đang đuổi theo chúng. Cảnh đuổi bắt kia chắc chắn là không vui rồi.
– Này hai em!
Tôi la lên, vén váy chạy đón đầu chúng. Tôi cố chạy thật nhanh; tuy nhiên, dù chân ngắn nhưng hai đứa trẻ lại có quyết tâm.
Tôi hớt ha hớt hải leo lên bờ đá. Lúc kịp định thần lại cũng là lúc tôi đứng chắn giữa Chase, Mattie và ba thằng con trai quần áo xộc xệch đang hùng hổ đuổi theo. Bất thần, một hòn đá ném trúng vai tôi:
– Oái! Chuyện gì thế này?
Cả ba đứa dừng lại, hai tay cầm cả nắm đá dấu sau lưng. Không một đứa nào trả lời tôi. Tôi nói với tên cao nhất bọn, trông có vẻ là tên đầu sỏ:
– Này cậu, tôi hỏi có chuyện gì thế?
Hắn chỉ nhìn tôi trừng trừng, gan lì không chịu nói.
Tôi cúi xuống nhặt hòn đá bay trúng vai tôi khi nãy. Hai đứa kia thả tay đang giấu sau lưng. Thằng cầm đầu lên tiếng:
– Tụi tôi chỉ chơi thôi mà.
Tôi bước lên, sát cánh cùng hai anh em Mattie:
– Ném đá vào người khác không phải trò chơi mà là trò hèn hạ.
Câu ấy nói trúng tim đen lũ trẻ hư. Thằng cao lớn bước lên, còn tôi chuẩn bị tư thế sẵn sàng:
– Nhà mấy em ở đâu?
Tôi lăn hòn đá trong tay như lăn con xúc xắc trong trò chơi may rủi. Không trả lời. Trông mặt đứa cao nhất có nét quen quen:
– Em này con nhà Martin chứ gì?
– Đây không cần phải trả lời.
– Đúng. Nhưng chắc mẹ em muốn biết thái độ hòa nhã của em khi làm quenvới chị. Chủ nhật này, chúng tôi có hẹn cùng đi lễ.
Bớt hung hăng, thằng nhóc hỏi:
– Sao chị quan tâm đến chúng? Hay chị cũng kết thân với giặc
Phải nghe những từ ngữ ấy thốt ra từ miệng con trẻ thì thật đau lòng.
– Chị là bạn của hai em này.
Tôi tung hứng hòn đá trong tay. Rõ ràng lời tôi nói không ấn tượng gì mấy đến tay trưởng nhóm. Đã đến lúc cần thay chiến thuật.
Tôi nhìn quanh, tìm mục tiêu. Cây mận dại tít đằng xa kia là tiện nhất. Tôi vung tay ném mạnh. Hòn đá bay trúng thân cây.
Một trong hai đứa nhỏ con hơn bối rối lùi lại:
– Tao phải về. Nếu vắt sữa bò muộn, ba tao lột da tao mất.
Đứa đứng sau cùng thả mấy hòn đá trong tay xuống đất, miệng giục:
– Đi thôi, Lon.
Lon thách thức nhìn tôi, đốp chát:
– Đúng là nhận kẻ thù là bạn.
Tôi nhìn thẳng mắt cậu ta:
– Đó là cậu nói đấy nhé.
Tôi cúi xuống nhặt hòn đá khác. Cả ba đứa cùng vờ bình thản quay lưng trước khi chân thấp chân cao chạy xuống gò đá.
Tôi hỏi:
– Sao lại thế này?
Chase không trả lời, chỉ đi như chạy, lắc đầu nguây nguẩy. Mattie giải thích:
– Chúng lấy sách của dượng Karl.
Ánh mắt buồn xo của cô bé khiến lòng tôi nhức nhối.
– Chase!
Tôi chạy theo gọi giật, nắm lấy cánh tay rắn chắc và xoay người nó về phía tôi:
– Trời!
Một vệt máu khô dính chặt vào má Chase, mũi cậu bé ướt nước. Mặt cậu đầy vết sưng đỏ, mắt trái tím đen. Tôi hốt hoảng, nhưng vội lấy lại bình t
– Để chị xem nào.
Tôi kéo vạt áo lau mũi cho Chase mà hai tay run bắn. Tôi chưa lau xong, Chase đã vùng tránh ra.
Cậu nghiến răng:
– Em không quay lại trường nữa. Mẹ có bắt, em cũng không đi.
Cậu bé quệt mũi thật nhanh, vô tình “vẽ” thêm vệt đỏ dài vắt ngang mặt. Tôi không muốn chị Perilee trông thấy cảnh này.
– Ít nhất cũng vào nhà chị rửa mặt cái đã.
Chase ngần ngừ:
– Vâng.
Trên đường đi, tôi cố gợi chuyện, hỏi han Chase xem để biết thêm chút thông tin về chuyện vừa xảy ra không. Nhưng cậu bé vẫn không kể hết chuyện. Mattie bổ sung những chi tiết bị Chase bỏ qua, mọi chuyện đã quá rõ ràng.
Chân bước lên hai bậc nhỏ trước ngưỡng cửa nhà tôi, Chase kể:
– Sách ấy của mẹ dượng Karl. Nhiều chuyện cổ tích lắm chị ạ.
– Thế mà Lon ném sách… (Mattie bịt mũi, ôm chặt búp bê Mullie) vào nhà xí.
Tôi múc nước ấm từ bồn chứa trên bếp vào chậu men, nhúng khăn, vắt khô rồi đưa cho Chase. Thằng bé áp nhẹ khăn lên mặt. Một làn hơi ấm thoảng qua nhè nhẹ.
– Nhưng tại sao chứ?
Chase lí nhí trong miệng, nhỏ đến độ gần như tôi không nghe thấy.
– Chúng bảo luật không cho giữ sách của Đức.
Tôi cầm khăn từ tay Chase nhúng vào nước ấm lần nữa. Nước trong chậu biến thành màu hồng sậm.
– Thế thầy giáo bảo sao?
Chase lắc đầu. Mattie lắc lắc Mullie trên tay.
– Mullie giận anh Chase lắm vì anh không mách thầy.
– Sao em không báo thầy Nelson
Chase nhăn mặt khi toa thuốc mỡ lên bên má bị đau:
– Em không sợ thằng Lon.
Tôi dừng tay, nhìn thẳng mắt cậu:
– Chị biết.
Cậu bé vùng vằng:
– Chị đừng đùa nữa mà.
Hai tay tôi buông thõng:
– Em nói đúng. Chị cố tình làm như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng lần này không thể thế được nữa rồi.
– Mullie bảo bánh bích qui thơm ghê.
Nghe thế, tôi chợt nhớ, bèn đứng lên lấy bánh gói vào khăn ăn cho hai em đem về.
Ra đến cửa, tôi vỗ vai Chase:
– Rồi sẽ ổn cả thôi. Chúng không dám làm gì em nữa đâu. Mà nếu có, nhớ báo thầy Nelson.
Chase kéo mạnh tay Mattie:
– Không cần đâu. Vì em sẽ không đi học nữa.
Tôi đứng nhìn theo hai đứa trẻ leo lên gò đá, lủi thủi về nhà. Những câu chữ tôi định viết trong thư gửi cậu Holt lại tràn về. Tôi hít thật sâu, thật dài nhưng không trung không còn mùi vị ngọt ngào hay phảng phất niềm hy vọng. Một mùi mới thoảng bay trong gió. Nó khiến cổ họng tôi nghẹn đắng và tim đau thắt. Phải chăng đó là mùi của nghi ngờ và sợ hãi?
Tôi cầm đôi găng bảo hộ lên. Dù thế giới này có đi về đâu, đá trên ruộng tôi vẫn không tự biến đi được. Tôi phải trở lại lo chuyện ấy đây.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.