Khoảng trời mênh mông
Chương 14
Tháng Năm, 1918
THỜI BÁO ARLINGTON
Câu Chuyện Nhà Nông
Nông Dân Nuôi Gà
Cuộc sống trang trại liên tục cung cấp nền học vấn cơ bản cho người chưa có bằng tú tài như tôi. Nhờ đó, tôi biết hàng xóm tốt là vô giá. Tôi không ngụ ý xa xôi mà chỉ muốn nói rằng tôi quý trọng sự giúp đỡ của bà con láng giềng. Nếu không có họ giúp đỡ, tôi đã không thể ngắm bức tranh tươi đẹp của lanh và lúa mì nảy mầm trên ruộng nhà mình. Tôi cũng không được may mắn đón thêm vài thành viên mới đến trang trại nhà mình.
Hơn thế, những bài học cuộc sống tôi mang theo trong tim mình không chỉ gắn với việc chăm sóc mùa màng. Nó quý hơn vàng bạc, hữu ích cho mục tiêu cụ thể của riêng cá nhân tôi, chứ không phải mục tiêu người đời thường lựa chọn.
Khoảng hai tuần sau trận đấu dừng ở tỷ số hoà với đàn ngựa hoang bên suối Woft Creek, tôi vội vàng đến Vida.
Ông Miltenberger nhắn tôi có tờ ngân phiếu đang chờ. Đồng thời, tôi cũng hy vọng sẽ có thư đang chờ ở bưu điện. Sau vụ hỏa hoạn, tôi mất luôn dịch vụ đưa thư tận nhà của Traft. Nhưng nếu nói từ đó trở đi, tôi không bao giờ gặp lại anh ta thì lại là quá sớm.
Thật mừng là tôi không phải người hành hương cô độc đến Vida. Thấy một người bươn bả phía trước, tôi gọi lớn:
– Cô Leafie!
Cô cười tươi, quay lại chờ tôi đến gần:
– Hồi này có ra đồng nhảy mấy điệu vui vui nữa không đấy?
– Cô lại nghe chị Perilee chứ gì?
Cô Leafie lắc đầu, chặc lưỡi nói đùa:
– Cưng à, chuyện hay như thế không giấu được mãi đâu. Thế cưng không muốn biết con ngựa hoang muốn biến cưng thành cái gì ư?
Tôi cố tình nói lảng:
– Cô lên thị trấn có việc ạ?
Cô Leafie vỗ vỗ cái túi đeo bên hông:
– Ghé chỗ này một tí, chỗ một tí. Vả lại, cô cũng giúp nhà Karl chút chuyện. Vừa tránh bụi lily nở rộ, tôi vừa hỏi:
– Anh ấy gieo hạt xong rồi cơ mà. Giờ còn bận gì tới nỗi không tự lên thị trấn? Cô bất chợt trầm ngâm:
– À… Karl nói không muốn để vợ ở nhà một mình nhưng…
Tôi bước khẩn trương hơn:
– Nhưng sao cơ ạ?
Dù hơn tôi những hai mươi tuổi, nhưng cô vẫn còn rất khoẻ như hồi trẻ. Từng bước đi của cô chắc chắn, nhanh nhẹn, tôi khó theo kịp cô Leafie.
– Thì cũng do mấy trò trẻ ranh của Hội đồng Tự vệ thôi. Anh em nhà Martin và đám bạn ngu đần làm náo loạn cả thị trấn. Cháu có biết tuần trước bọn chúng đến quậy phá nhà thờ Luti khi họ đang hành lễ không? Thằng Traft phạt tiền mục sư Schatz! Hắn còn bảo lần sau sẽ bỏ tù ông ta. (Cô lắc đầu). Nếu Đức Chúa Lòng Thành xui khiến chúng lộn xộn cỡ đó, chắc cô phải kêu thấu trời.
Tôi rùng mình:
– Thế ra anh Karl không lên thị trấn là vì vậy?
– Perilee bảo chồng đừng đi.
Cô Leafie lấy túi thuốc sợi từ túi áo sơ mi nam, cái áo cô mặc quanh năm không đổi. Cô khéo léo vấn một điếu rồi châm lửa:
– Con bé còn bảo chồng đừng đi lễ nhà thờ Luti, nhưng riêng chuyện ấy thì Karl không chịu. (Cô lấy sợi thuốc dính nơi đầu lưỡi). Cái thằng! Trước chẳng bao giờ đi lễ, bây giờ ở đó gặp chuyện, nó đòi đi bằng được.
Hai cô cháu tôi đến ngã rẽ cuối cùng trên con đường mòn. Nhà thờ Vida bất ngờ hiện lên. Tôi nhớ bài giảng gần nhất của cha Tweed có nhan đề: “Thắng Cả Cuộc Chiến ở Hậu Phương”
– Chẳng ai làm hại người đi lễ nhà thờ đâu, cô nhỉ?
Cô Leafie bồn chồn rít một hơi dài:
– Lẽ phải ấy không ngăn được chúng. Cháu có nghe chuyện Edward Foster chưa? Chúng hành hạ dã man ông già tội nghiệp chỉ vì ông ta bảo lúc này, con em mình chết trận nhiều quá. Mà ông là cựu chiến binh xuất sắc đấy nhé.
Cô dừng lại tháo dây giày:
– Lại đá nữa rồi.
Cô càu nhàu, dựa vào tôi tháo giày, lắc mạnh. Không có gì rơi ra ngoài. Cô nheo mắt nhìn vào trong rồi lắc lần nữa:
– Cứ như tìm người lương thiện trong Hội đồng Tự vệ ngu ngốc ấy.
Cô bật cười tự tán thưởng rồi xỏ giày lại. Tôi hoảng hốt nhìn quanh:
– Cô đừng nói đùa kiểu đó nữa. Nhỡ có người nghe thấy thì sao?
Cô bĩu môi, vỗ nhẹ tay tôi:
– Cứ thử nhắm vào ta xem. Nghe này, còn nhiều chuyện tệ hơn nhà Martin làm tang. Còn nữa, trên đời tệ nhất là kẻ khoanh tay nhìn người khác làm bậy. (Cô bất chợt tư lự). Lemuel Johnson là ngườiMỹ trăm phần trăm thì đáng ngưỡng mộ hơn người khác chăng? (Cô quay sang nhìn thẳng vào tôi). Nói cô nghe xem: có phải cháu nghĩ ta làm thinh để bọn óc bằng trái nho ấy lấy có gốc gác mà giở trò hèn hạ với Karl?
Ánh mắt cô nhìn xoáy vào tôi. Tôi nhớ lại mọi chuyện xảy đến trong vòng một tháng trở lại đây:
– Không phải làm thinh, nhưng…
Cô lắc đầu như con gà mái xù lông:
– Cháu có nghe cô không thì bảo? Bây giờ, mười người như cả mười đều căm tức bọn đê hèn ấy. Xin lỗi nhé Hattie. Cô cháu mình đến quán Charlie Mason ăn bánh, uống cà phê đi.
Tôi tự hỏi sao người ta làm được như cô Leafie. Hoặc thậm chí là như Traft. Họ tin tưởng chắc chắn vào những gì tự coi là đúng. Có thể khi bằng tuổi cô Leafie, với tôi, mọi chuyện cũng sáng tỏ như ban ngày trong óc tôi. Cũng như cô bây giờ, không hề lưỡng lự, lầm lẫn. Nhưng với tôi lúc này, cuộc đời cũng không trong gì hơn ly cà phê đục ngầu của quán Charlie Mason.
Xúc miếng bánh sữa cuối cùng, cô Leafie hỏi:
– Có muốn lát nữa cô cháu mình cùng về không? Khoảng một tiếng nữa, mình gặp nhau ở đây nhé?
Tôi đồng ý, trả tiền phần cà phê và bánh của mình, còn để lại một đồng kẽm boa cho người phục vụ. Tôi cần đến tiệm Nefzger và bưu điện. May mà cả hai đều ở một chỗ, loanh quanh trong ngôi nhà cỏ của ông Nefzger.
Tôi vừa bước qua ngưỡng cửa, ông Nefzger đã hồ hởi:
– Có thư của cháu đây.
– Cảm ơn bác!
Tôi xào xáo đống phong bì. Ơn trời có một thư từ tòa soạn báo Arlington. Thế có nghĩa tôi có thể mua thêm ít thực phẩm:
– Cho cháu lấy thêm bao đậu cùng với ít dầu hoả.
Ông xếp đồ tôi mua lên quầy:
– Hồi này, công việc của cháu thế nào?
Tôi mở sổ tay lấy tiền:
– Tốt ạ. Hôm nào bác ghé xem ruộng nhà cháu. Mấy cánh đồng cứ như thảm nhung ấy. (Tôi bật cười kiểu câu ví von đầy tự hào ấy). Lúc trước, chưa bao giờ cháu nghĩ trồng trọt lại thúvị như vậy.
– Bác cũng chưa bao giờ chán ngắm đồng ruộng vào mùa này. Nhưng chưa đâu, cứ chờ đến khi lanh trổ bông mà xem. Tuy chưa bao giờ thấy biển, nhưng bác hình dung nó cũng không thể xanh hơn ruộng lanh khi ấy.
– Cháu sẽ nhớ để xem cảnh ấy.
Tôi trả tiền hàng. Ông Nefzger đằng hắng:
– Hattie này, bác cũng không muốn nhắc chuyện này đâu. Nhưng ông Chester có hoá đơn cần thanh toán ở chỗ bác.
Đang lật sổ lấy tiền, bàn tay tôi sững lại:
– Hóa đơn ư? Ông gật đầu:
– Vật tư làm hàng rào.
Ông lục ngăn kéo lấy một mảnh giấy. Giấy ghi nợ. Tôi trân trối nhìn, tay bấu chặt mép quầy hàng mới đứng vững.
– Hai trăm hai mươi đô la. Cậu cháu chưa trả đồng nào ư?
Ông dọn giọng:
– Thấy ông ấy ốm quá, bác không nỡ đòi gắ
Tay tôi run rẩy, lóng ngóng với cuốn sổ. Những hai trăm hai mươi đô la!
– Xin lỗi bác, nhưng trả hết một lúc, cháu chưa làm được.
Tôi móc toàn bộ tiền còn lại bày cả lên quầy. Ông chưa vội cầm tiền ngay. Trông ông cũng khổ sở không kém gì tôi.
– Đáng lẽ bác nên nhắc sớm. Cháu cũng đang khó khăn, bác biết lắm chứ. Ngặt nỗi Ngân hàng đang giục bác kết sổ.
Tôi cố lê đôi chân tê dại về phía cửa:
– Cảm ơn bác. Cháu sẽ thu xếp trả nợ càng nhanh càng tốt.
Khi bước qua ngưỡng cửa, hai mắt tôi mờ đi. Nếu không bị sốc mạnh, chắc tôi đã mặn mà trò chuyện với con người lạnh lùng giáp mặt ngay sau đó: Traft Martin. Anh ta điệu đàng nhấc mũ chào:
– Chào cô Brooks. Công việc ngoài trang trại hôm nay thế nào?
– Tốt ạ. Cảm ơn anh.
Tôi ôm sát gói thư vào ngực, chân rảo bước. “Để xem nào. 220 đô la từ… Món nợ lần này lớn quá”. Traft cố bắt kịp tôi:
– Cô đến quán cà phê phải không? Cho phép tôi tháp tùng tôi nhé.
– Ồ, không cần đâu.
Tôi lẩm nhẩm tính toán. Tiền hiện có không biết có đủ trả công buộc lúa không? Lại còn tiền công gặt nữa? Tiền mua bao đựng thành phẩm biết tính sao đây? Ông Nefzger sẽ chấp nhận trả nợ dưới hình thức nào? Liệu tôi có nên đến Woft Point, rút hết tiền từ tài khoản Ngân hàng không nhỉ?
Traft mỉm cười:
– Đừng ngại. Hattie sao vậy?
Hay tôi đi vay nhỉ? Anh Karl không thích vay mượn, nhưng…
– Kìa Hattie?
– Gì cơ?
Tôi giật mình nhận ra nãy giờ Traft và tôi vẫn sánh đôi. Tôi rảo bước nhanh hơn. Anh ta
– Lâu rồi tôi không thấy cô đấy.
Giọng Traft kéo tôi ra khỏi cảm giác choáng váng khi biết tin về món nợ cũ. Anh ta bảo lâu rồi không thấy tôi. Nhưng tôi thấy anh ta. Và cả việc do chính anh ta gây ra.
– Không ngờ cô vóc người nhỏ nhắn mà đi nhanh thế. (Traft chạm nhẹ vào cánh tay tôi, ra hiệu tôi đi chậm lại). Xin hỏi cớ gì mà cô tránh mặt tôi?
Tôi không ngờ anh ta trơ tráo đến thế:
– Cớ gì ư? Anh còn hỏi tôi duyên cớ ư?
Traft chìa tay ra như muốn mời tôi giải thích.
Câu thận trọng là một phần của lòng dũng cảm có thể đúng. Nhưng những lời cô Leafie nói trên đường đi đến thị trấn cứ quay cuồng trong đầu óc tôi. Lại còn vẻ trơ tráo của con người này nữa. Chẳng lẽ anh ta không những hèn mà còn ngu nữa?
– Hôm ấy tôi có thấy anh.
– Thấy tôi ư?
– Sau vụ hỏa hoạn. Anh ở nhà tôi đi ra.
Traft giật nảy mình, như bị nói trúng tim đen.
– Cô hiểu sai bét.
Hai bàn tay tôi nắm chặt, giận dữ:
– Đừng chối rằng anh không đến đó. Đừng thêm dối trá vào đống thành tích bất hảo của anh nữa.
Giọng Traft mất hẳn vẻ khoác lác:
– Tôi không nói dối. Đúng là tôi có đến nhà cô. Nhưng là để dập lửa. Không phải châm lửa.
Dù đang run như dẽ, tôi cũng phải nói cho xong chuyện này.
– Như khi anh châm lửa nhà Karl chứ gì?
Anh ta giơ tay ngăn lại. Ánh mắt Traft buồn bã. Buồn thật sự:
– Tôi không phóng hỏa nhà ấy. Lần ấy… (Anh ta nín bặt). Giờ có giải thích cũng chẳng ích gì. Nhìn nét mặt cô, tôi biết cô chẳng tin tôi đâu.
Giọng buồn hiu của Traft khiến cơn giận của tôi dịu lại:
– Đừng. Xin anh đấy, hãy nói tôi nghe đi. Tôi không thể cứ buộc tội anh nếu không có…
Một giọng đàn ông thất thanh át mất giọng tôi.
– Ối! Ối, dạt ra!
Hai chúng tôi quay sang xem có chuyện gì. Kìa, đang lao vun vút giữa đường là Jim Gà Trống trên chiếc xe đạp mới toanh.
– Coi chừng!
Tôi kêu lên khi thấy Jim Gà Trống định lao thẳng vào quán cà phê gần đó. Traft tấp tểnh chạy theo:
– Thắng xe đi! Cái thắng!
Cũng có mấy người chạy theo Jim Gà Trống, í ới chỉ dẫn mỗi người một kiểu.
Jim không thèm nghe “cao kiến” của ai. Miệng kêu còn to hơn con Violet hôm bị chó sói cắn, anh lảo đảo liêu xiêu theo mọi hướng. Suýt nữa anh đụng phải cô Leafie vừa bước ra từ tiệm vải nhà Dye. Cô la lối:
– Này Jim ngố, cậu làm cái gì thế hả?
– Cố dừng cái đồ chết tiệt này.
Đến đây, con đường đổ dốc. Xe Jim bắt đầu phóng như bay. Bà Schillinger nhảy phắt lên hè, kịp thời kéo theo bé Edward.
– Dẹp! Dẹp!
Jim hét tướng. Khi xe lao thẳng tới lò rèn nhà Gust Trishalt, hai chân Jim đá vung lên, bỏ quên đôi bàn đạp. Traft guồng chân chạy hết tốc lực cố giúp Jim dừng lại.
Vừa thò đầu ra cửa, anh Gust hiểu chuyện ngay:
– Lao vào đống cỏ khô kia kìa!
Gust hét lớn, anh vỗ đồm độp như anh có thể lái Jim về hướng đống cỏ chất sau lò rèn.
Traft mệt quá, đành phó mặc sự đời. Anh ta dựa lưng vào cây cột trước cửa nhà Gust, thở hổn hển:
– Gã này định phóng đến Circle chắc
Bằng động tác ngoạn mục, Jim giật mạnh tay lái, khiến chúng xe đạp chệch đường lao thẳng vào đống cỏ.
– Thịch!
Jim bay một đằng, chiếc xe bay một nẻo.
Cô Leafie và tôi kéo vạt váy dài chạy đến bên anh. Rơm cắm tua tủa trên cái đầu vốn đã bù xù của Jim. Thậm chí có cọng cỏ còn xuyên vào chòm râu quai nón dài thậm thượt của anh nữa. Người đầu tiên đến bên Jim là tôi:
– Jim! Anh không sao chứ?
Cô Leafie ôm đầu “tay đua bạt mạng”:
– Jim! Tỉnh dậy đi!
Cô tát mạnh vào mặt anh. Cuối cùng, Jim cũng giật mình choàng tỉnh. Anh cố đứng dậy, dựng “nỗi kinh hoàng” hai bánh đổ chổng kềnh lên, miệng lẩm bẩm:
– Thứ này chỉ được cái… (Jim phun phì phì cỏ khô trộn đất cát trong miệng). Thật đúng là đồ vô dụng.
Dù mấy phút trước còn đâm quàng đâm xiên, mấy phút sau Jim đã hiên ngang rời thị trấn, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn thẳng dắt xe đạp đi dọc con đường trung tâm Vida.
Anh Gust nhặt mũ hộ Jim. Tôi bảo:
– Để tôi giữ hộ cho. Sắp tới, thể nào Jim cũng ghé tôi chơi cờ.
Tôi nhón tay, thận trọng kẹp cái mũ giữa ngón cái và ngón trỏ. May mà tôi mới mua dầu hỏa đây; tôi sẽ ngâm mũ này với dầu để đuổi đám chấy rận khu trú trong đó.
Cô Leafie khoác tay tôi:
– Ngoạn mục chẳng kém xinê. Mình đi thôi cháu. Ta thà đi bộ, chậm mà chắc. Đi mãi rồi cũng đến đích. Cứ vững chãi trên hai chân, thể nào cũng về nhà an toàn.
Khi đến cuối đường, tôi chợt nhớ mình chưa xong chuyện với Traft. Có thật anh không dính líu đến vụ hỏa hoạn nhà anh Karl? Thái độ của Traft có vẻ thật thà lắm. Tôi không biết nên suy nghĩ thế nào cho phải.
Suốt dọc đường, cô Leafie trò chuyện không ngớt nên tôi không cần nói nhiều. Tâm trí tôi quay cuồng với bao chuyện mắt thấy tai nghe trên thị trấn. Tr tôi vẫn biết ơn cậu Chester tích lũy đủ loại nguyên liệu làm hàng rào. Chỉ có điều, cậu quên chi tiết nhỏ: trả tiền mua chúng. Nếu còn hậm hực sau quá nhiều điều cậu làm vì mình, chắc chắn tôi là người chẳng ra gì. Nhưng giấy nợ kia khiến tôi bàng hoàng, cay đắng. Đến bao giờ nỗi lo cơm áo gạo tiền mới buông tha tôi đây?
Mải suy nghĩ mông lung, tôi không nhớ hai cô cháu tôi chia tay ra sao. Sau khi mỗi người đi một ngả, tôi chìm vào dòng suy tưởng. Về tới sân nhà mình, tôi mới như người tỉnh giấc chiêm bao. Chú mèo cưng nằm trên ngưỡng cửa chờ tôi, ngay cạnh mấy cây hoa hướng dương tôi trồng trong hộp thiếc lúc trước đựng cà phê. Những suy nghĩ về Traft cứ bám nhằng nhẵng vào trí não tôi. Liệu anh có đáng tin không nhỉ? Phải chăng chiến tranh dung dưỡng thói hay cay cú của Traft, khiến tính cách Traft trở nên méo mó, vặn vẹo như thân cây hướng dương vặn mình hứng ánh nắng mặt trời? Tôi cúi đầu gãi tai “Ngài” Whiskers:
– Chắc loài mèo không phức tạp bằng loài người đâu nhỉ?
Chú mèo cưng kêu meo meo tán thành.
Sau biến cố xe đạp một tuần, Jim Gà Trống vẫn chưa ghé nhà tôi. Trong khi chờ đợi, tôi đã kịp làm xong hàng rào. Thật khó tin! Hàng rào tưởng chừng dài vô tận ấy đã xong. Tôi đã hoàn thành xuất sắc một yêu cầu chính trong thủ tục chứng minh quyền sử dụng đất. Tôi viết thư cho Charlie:
“Không biết sân bay lớn nhất của anh rộng chừng nào, nhưng em dám chắc hàng rào của em đủ vây quanh vài sân bay như thế”. Tôi khum tay ngang trán che nắng, ngắm không chán mắt công trình do chính tay mình tạo nên. Tôi cảm thấy rất mừng và hạnh phúc. Tôi lẩm bẩm những lời chỉ có thể nói với chính mình: Bốn trăm tám mươi cọc của hàng rào vững chãi. Bốn trăm tám mươi cọc của hàng rào đẹp nhất Montana! Thôi được, cứ cho là tôi hơi bốc đồng. Nhưng với riêng tôi thì đúng là như thế. Bởi từng xăng ti mét của hàng rào ấy (ngoại trừ do “vị tiên giáng trần” dựng hộ) đều “mọc lên” từ hai bàn tay nhỏ bé của tôi.
Phải ăn mừng mới được. Tôi quyết định tự chúc mừng bằng chuyến đi trả mũ tận nhà cho Jim Gà Trống. Sau khi sửa soạn qua loa, tôi tất tả lên đường.
Tìm nhà Jim không khó. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là đàn lợn nghênh ngang ngoài đồng cỏ, kiểu chăn thả đa phần chỉ áp dụng với bò hoặc ngựa. Nó cũng là đề tài đàm tiếu của bao gã cao bồi tôi từng gặp. Họ không hiểu sao Jim lại nuôi lợn kiểu ấy. Đi qua đàn lợn, khách viếng thăm sẽ gặp “cây ma”. Nắng gió cùng năm thángy cây ấy thành trắng xóa. Giờ thành viên tội nghiệp của giới thực vật ấy đã thành một mốc xác định phương hướng và là nơi các cặp tình nhân khắc tên mình lên trên. Đứng bên “cây ma”, ta đã có thể thấy nhà Jim, chí ít cũng thấy mái nhà anh, nơi có cây anh đào mọc sum suê. Jim bảo rằng quả cây ấy đem làm bánh sẽ cho chất lượng thượng hạng, cả Montana không ai có. Cũng khó chứng minh Jim sai vì trong vùng này, nhà trồng anh đào làm bánh không nhiều, huống hồ chẳng có ai trồng anh đào trên mái nhà như Jim cả. Mong sao trong chuyến sinh hoạt ngoài trời nhân ngày Quốc Khánh năm nay, tôi sẽ được thưởng thức bánh nhân anh đào.
Khi đến gần nhà Jim, tôi không nhịn được cười: Vườn nhà Jim bây giờ trồng thêm “cây” mới: chiếc xe đạp hôm nào. Jim đã hiểu công dụng của xe: làm giàn cho khóm đậu leo.
– Này! Chào cô láng giềng!
Jim Gà Trống vẫy tay. Rên rỉ, anh đứng thẳng lưng trước mảnh vườn đang làm cỏ dở dang:
– Đi tản bộ ngày Chủ nhật cơ đấy.
Nói xong, Jim chép miệng liền mấy cái vì chợt nhận ra hôm nay là thứ tư.
– Tôi làm xong hàng rào rồi. (Đáng lẽ phải có trống dong cờ mở đường đi kèm tin này). Thiết nghĩ cũng nên đi bộ ngao du để ăn mừng. Vả lại mấy hôm nay trời nắng nóng, chắc anh nhớ cái này lắm.
Jim cầm nón từ tay tôi, nhẹ nhàng đặt lên đầu:
– Vật nhau với cỗ máy quỷ xong, tôi không hiểu mũ mình biến đi đằng nào. (Jim tặc lưỡi hít hà). Ái chà. Gió xuân thơm mùi bánh vừa ra lò mới hay chứ.
Tôi giơ cao chiếc giỏ mang theo:
– Chắc tôi có biết nguyên do. Bánh này không cần phải ngâm nước trước khi ăn đâu, tôi nói thật đấy.
Jim cười ha hả:
– Bánh ngon cỡ đó phải đổi lấy thứ gì xứng tầm chứ.
Tôi nói ngay:
– Đừng, không cần đâu mà.
– Ghé nhà cô Hattie Brooks một hai lần, tôi đều phải nghe âm thanh lạ nhất trên đời
– Thế ư? Âm thanh gì thế?
Jim lắc đầu:
– Thứ âm thanh thật đáng sợ. Nhà nông mà không nuôi gà.
– À, gặt xong, tôi cũng định bắt vài con về nuôi.
– Nếu thế, suốt hè, cô sẽ không có trứng dùng.
Anh ra hiệu bảo tôi đi theo. Vào mảnh sân nuôi gà có hàng rào quay kín, Jim chỉ vào ba con gà xơ xác:
– Martha, Rose và June đấy. Chúng vẫn đẻ trứng được, còn tôi đang tỉa bớt đàn. Cô có muốn đem chúng về nuôi không? Tất nhiên, Albert (anh chỉ con gà trống giống lơ go bảnh chọe) cũng sẽ về cùng.
Từ nay, tôi sẽ không phải quý trứng như quý ngọc, không phải ăn dè nữa! Bữa điểm tâm sẽ có thêm hương vị trứng gà. Bữa tối lại thêm cả gà rán. Từ nay, bánh quế sẽ đậm đà thêm nhờ có trứng.
– Có chứ ạ.
Jim khéo léo lùa ba ả gà mái và “chàng hiệp sĩ” vào góc sân. Sau đó, anh đút gọn cả bốn vào bao tải, mặc chúng kêu quàng quạc bên trong.
– Cô có cầm được không?
– Hy vọng là được.
Cái bao vẹo vọ, lùng nhùng như thể bên trong toàn rắn. Jim nhặt nón rơi lúc đuổi gà lên, đoạn bảo:
– Chúng ngoan lắm. Sẽ quen với nơi ở mới ngay thôi.
Tôi loạng choạng mang chiến lợi phẩm về nhà. Vừa đặt bao tải xuống, tôi đã nghe “Ngài” Whiskers meo meo tán thưởng. Tôi đe:
– Này, tao cấm tiệt đấy, nghe chưa?
Nói thế chứ con mèo không phải nỗi lo lớn nhất. Tôi phải bảo vệ đàn gà khỏi chó sói đồng cỏ và diều hâu mới được. Trong số “của nả” cậu Chester để lại có một cái chuồng gà. Ngặt nỗi, hàng rào vây quanh mảnh sân nuôi gà vịt chưa có. Tôi bật cười: Ai bảo tôi đã xong chuyện với hàng rào?
Tôi thả các thành viên mới của gia đình vào nhà, rồi nhanh tay đóng chặt các cửa lại. Cứ vậy đã, dọn dẹp để . Trong lúc tôi quay góc sân nhốt gia cầm, lũ gà phải được an toàn trước đã. Cuộn lưới quay sân nhốt gà là món đồ cuối cùng trong kho cậu Chester. Nếu trời đoái thương thì chắc cậu đã thanh toán tiền mua lưới ấy rồi. Hầu bao tôi không còn đủ sức chịu thêm bất cứ cú sốc nào nữa.
Kinh nghiệm làm hàng rào lớn cho tôi tay nghề vững, tuy tốc độ vẫn hơi chậm chạp. Lần này khó hơn một chút vì tôi phải đào đất chôn mép dưới của lưới, tránh những loài thú đói đào bới giỏi như chồn chẳng hạn. Vì không nghỉ tay ăn tối, sau đó còn đốt đèn làm cho xong, nên cuối cùng tôi cũng quay kín góc sân. Mấy ngón tay tôi đau rát, phồng rộp nhưng tôi không thể ngừng tay chăm sóc vết thương ngay được. Cuối cùng, tôi dọn dẹp chuồng gà, sẵn sàng đón cư dân về nhà mới.
Bụng kêu ùng ục đòi ăn, lưng mỏi nhừ lên giường, nhưng cuối cùng tôi cũngcó tòa lâu đài đón đoàn “đại biểu” có cánh. Miệng quang quác tức tối, Rose dẫn đàn lên nơi ở mới, theo dấu dải thóc rải vào tận trong chuồng. Martha, June và Albert lục tục theo sau. Tôi đút cái nồi cũ đựng nước cho gà và đóng chặt cửa chuồng.
Quá mệt, tôi không còn thiết nấu nướng, đành ăn bữa ăn của công nhân làm ca đêm với một tô bánh mì xé nhỏ rưới sữa ấm và đường mật.
Đêm đầu tiên với tư cách nữ nông dân có nuôi gà của tôi trôi quá nhanh. Albert dậy quá sớm, dai dẳng gáy vang bài Tia nắng đầu tiên. Tôi lồm cồm bò dậy làm việc nhà còn sớm hơn cả người thường. Một việc mới thêm vào núi việc hằng ngày là mở cửa chuồng, thả gà ra góc sân quay sẵn. Một vụ ẩu đả với Albert, “Ngài” Whiskers hiểu nên quên ngay bữa tối có thịt gà tươi đi là vừa.
Mấy ngày sau đó, tôi khấp khởi ra chuồng gà. Nhưng sáng nào cũng vậy, tôi chỉ thấy ba ả gà mái cục cục trên đống vỏ trứng vỡ. Chưa thấy gà nào lười ấp trứng như ba ả này. Cứ cái đà này, tôi không thể mơ phát triển đàn gia cầm được.
May thay, vài ngày sau, Jim Gà Trống ghé sang:
– Tôi ghé qua xem cô và ba ả kia có chung sống hòa thuận không. Còn Albert chắc mến cô ngay từ cái nhìn đầu tiên chứ gì.
Không thể nói tôi mến gã Albert kia được. Hai quầng thâm dưới mắt tôi chứng minh tài dậy sớm ông ổng báo sáng của nó. Rủi thay, nếu muốn nhân giống đàn gà từ bốn lên hằng hà sa số, tôi nhất định phải chấp nhận Albert.
Jim Gà Trống ngắm nghía tấm lưới quay quanh góc sân
– Trời! Tỉ phú Aldrew Carnegie có chi cả gia sản làm chuồng gà cũng không được thế này. (Anh vỗ mạnh vào lưng tôi đau điếng). Nhưng rõ là mấy ả gà mái không chịu hợp tác với bà chủ trại.
Ít nhất thì sáng cũng có trứng, không quả nào bị vỡ:
– Chúng không chịu ấp trứng. Tôi chẳng biết phải làm gì.
Jim gật gù:
– Nuôi gà cần mạnh tay, cô ạ. Để tôi chỉ cho cô.
Loáng cái, anh đã lùa được mấy con gà lên chuồng. Jim nối sợi dây từ chân gà vào cây đinh đóng trên vách chuồng. Sợi dây chỉ đủ dài để mỗi ả gà rời ổ, ra đến máng ăn mà thôi.
– Tối nay, cô nhớ chụp thùng lên từng con. Thế chúng mới chịu ấp trứng. Hướng dẫn xong, Jim lùi lại ngắm nghía phần chuồng vừa được cải tạo.
– Nhỡ chúng hoảng lên thì sao?
– Không đâu. (Jim vuốt chòm râu dài ngang ngực). Nếu không hiệu quả, ta vẫn còn thùng hứng nước mưa.
– Để đựng trứng ư?
– Không, để trấn nước gà. Nếu úp xô rồi gà vẫn không chịu ấp, hãy dìm chúng vào thùng nước mưa vài lần rồi thả ra. Cách ấy hiệu quả tức thì.
Tôi mời Jim bữa tối. Hai chúng tôi im lặng suốt bữa ăn. Chắc Jim định bỡn cợt tôi nên mới bảo thế. Tối nay, tôi sẽ thử mẹo úp xô. Nhưng nếu không hiệu quả, tôi đành bó tay. Còn nhấn nước mấy con gà tội nghiệp, không đời nào tôi thử.
Hôm sau, Martha và June đã chịu nằm ổ. Chúng đã biết điều và hiểu việc. Còn ả Rose với Violet cùng một giuộc. Nó nhất định không chịu ấp trứng. Lại thêm một tuần nữa trôi qua.
Một sáng nọ, sau một đêm thiếu ngủ và phải nghe Albert ca vang trời khúc nhạc “gọi mặt trời dậy”, tôi cáu kỉnh thức giấc. Đống vỏ trứng dưới bụng Rose như giọt nước tràn ly. Giận quá mất khôn, tôi chụp lấy chân nó chạy thẳng tới thùng lớn chứa nước mưa. Tôi dốc ngược đầu con gà xuống. “Quác! Quác! Quác!”, bị tôi “rửa tội”, Rose kêu ầm ĩ. Khi bị lôi lên khỏi mặt nước lần thứ ba, Rose chỉ giãy giụa yếu ớt. Tôi vừa đặt ả xuống đất, Rose đã ngã vật
– Trời ơi! Mình giết nó mất rồi!
Do quá lo lắng, tôi không để ý thấy “Ngài” Whiskers đang lởn vởn trong sân. Nó đang mơ tưởng trò vờn gà chết đuối thú vị. Tôi lau tay vào tạp dề, bụng rủa thầm mình ngu dốt. Đáng lẽ tôi không nên nghe lời Jim. Liệu pháp bắt gà ấp trứng “hiệu quả” của anh hóa ra chỉ là trò đùa. Ngay lúc này, kiểu đùa tai quái đã cướp đi của tôi thành viên thứ ba của đàn gà. Say sẩm mặt mày vì tiếc của, tôi phải dựa vào thùng nước mưa mới đứng vững.
Thừa dịp đó, “Ngài” Whiskers len lén đến gần. Thấy tôi không rít lên xua đuổi, nó tưởng mặc nhiên được tận hưởng bữa thịt gia cầm no nê. Khi nghe tiếng gầm gừ theo bản năng của con thú săn mồi, tôi hoàn hồn, miệng gào lên:
– Đừng!
Quá muộn mất rồi. Con mèo chồm lên.
Rủi thay cho “Ngài” Whiskers! Nó nhào đúng lúc Rose bừng tỉnh. Ả gà mái xỉa cái mỏ nhọn hoắt vào ngay phần thịt mềm dưới bụng mèo.
– Ngao!
Con mèo nhảy dựng lên rồi chạy biến vào nhà ngồi liếm vết thương. Gà Rose đập cánh phành phạch cố đứng lên, lảo đảo xoay một vòng rồi ngất ngư chạy về phía cửa chuồng. Sau tiếng gáy gióng giả của Albert mừng bạn hồi sinh, Rose nhảy vào chuồng, ngồi bẹp xuống. Sau đó, nó chứng minh tài đẻ trứng giỏi, ấp trứng còn giỏi hơn. Tuy nhiên, đó là lần cuối cùng tôi mang gà đi nhúng nước.
Hattie thân,
Trông mãi, cuối cùng anh cũng nhận thêm một lá thư nữa của em. Anh không hình dung nổi em nhiều công việc đến thế nào mà không có cả thời gian viết thư cho bạn cũ.
Ở đây, mọi người mong tin em, mong được nghe chuyện cuộc sống trang trại của em nhiều nhất. Tụi anh đang vất vả, lăn lộn khắp các chiến trường. Mục đích mới của cuộc đời anh lúc này là làm sao giữ giày (và chân) khô ráo. Phải nói rằng anh không còn tán thưởng nước Pháp nhiều như trước. Anh không có ý định làm khách xứ này lâu. Anh nhớ sách, nhớ bạn bè, nhớ bà con thân thuộc. Để anh kể em nghe: làm lính phía bên kia chiến tuyến hấp dẫn hơn bọn anh nhiều! Người ta còn kháo nhau rằng tối nay họ sẽ được ăn thức ăn nóng và tắm vòi hoa sen nữa kìa.
Tuy nhiên, anh vẫn chưa phải là người khổ nhất. Em có nhớ Harvey Bloch không? Nghe nói cậu ấy hy sinh rồi. Thế có nghĩa cửa sổ Hạt Arlington đã có mười hai ngôi sao vàng. Hy vọng tụi anh làm xong việc ở đây thật sớm, đồng thời không phải gánh thêm việc gì nữa.
Gã bạn thân mệt mỏi và hoang mang của em,
Charlie
Tôi cầm bút hồi âm ngay.
Charlie thân mến!
Nghe tin về Harvey em rất buồn.
Tôi lại đặt bút xuống. Harvey. Lúc trước quả táo bằng gỗ Harvey đẽo tặng cô giáo bày trên bàn giáo viên đã khiến cô Simpson hãnh diện biết bao. Tôi nhớ anh làm gì cũng từ tốn, chừng mực. Anh luôn kiên nhẫn với cậu em trai tính nết không bình thường. Tôi nhớ ngày anh nhập ngũ, mẹ anh treo cờ báo hiệu nhà có quân nhân lên cửa sổ. Cờ ấy có ngôi sao xanh, viền đỏ nổi bật trên nền trắng. Bây giờ, người ta sẽ may đắp lên sao xanh một ngôi sao khác màu vàng. Tôi đau lòng thay cho gia đình bác Bloch. Và cho cả chính mình. Tôi viết tiếp thư gửi Charlie, kể anh nghe mọi thứ ngoài chuyện chiến tranh. Sau đó, tôi kết thúc bằng câu sau:
Mong anh luôn giữ giày khô. Và giữ cho mọi người mang giày được bình an.
Mãi là bạn thân,
Hattie
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.