Khoảng trời mênh mông

Chương 19



Tháng Tám năm 1918

THỜI BÁO ARLINGTON

Mục Chuyện Nhà Nông

Mùa Thu Hoạch

Giờ tôi có đủ khả năng trình bày tại trường đại học nông nghiệp của bang về cắt và tuốt lúa. Lúc này, ngựa Plug cùng làm việc với mấy “chàng” bạn thân là Joey, Star và ngựa nhà Wayne, con Sage. Bộ tứ ấy được cột vào máy buộc lúa (việc ấy không khó khăn gì ngay cả đối với đôi bàn tay nhỏ bé của tôi) và cứ thế chúng đi khắp ruộng lúa mì. Lanh đã cắt xong cả. Thật tiếc làm sao vì tôi chưa sẵn sàng xóa sổ “đại dương nho nhỏ” của mình. Cánh đồng lanh mùa hoa nở có khác gì biển cả: Hàng mẫu đất trồng hoa mang màu xanh của biển dập dìu theo gió tháng Tám có thể ví với sóng biển dào dạt xô bờ.

Lúc này đây, cái cỗ máy ngựa kéo ây đang cắt phăm phăm lúa mì trên ruộng. Cái guồng đưa cây lúa đang mọc thẳng vào lưỡi dao. Tôi không biết trong bộ phận buộc lúa có phép lạ gì, nhưng sản phẩm cuối cùng là những bó lúa được buộc ràng gọn ghẽ. Những bó ấy sẽ được chất đống cuối ruộng chờ khô. Sau ngày đầu thu hoạch, tôi đi “thị sát” “vương quốc” của mình với tâm trạng không khác g một quân vương quyền thế. Vài tuần nữa thôi, bà con lối xóm sẽ đến giúp tôi tuốt lúa. Lúa mì của tôi đấy. Liệu có từ nào trên đời trìu mến hơn chăng? Độc giả nào là nông dân kỳ cựu chắc sẽ phải phì cười vì thấy tôi vui đến thế. Nhưng xin hãy nhớ lại mùa gặt đầu tiên trong đời mình. Tôi tin chắc độc giả cũng phải công nhận những cảm xúc của mình ngày đó cũng giống cảm xúc của tôi bây giờ.

Nhịp điệu mưa hân hoan, vui vẻ suốt mấy tuần đầu tháng Tám. Sau đó, thời tiết còn nóng hơn cả lúc trước. Nhờ hai anh Karl và Wayne giúp đỡ, việc gặt và bó nông sản nhà tôi chỉ mất vài ngày. Tôi cũng sang giúp họ như họ đã giúp tôi khi trước. Chỉ vài tuần sau, lúa nhà tôi đã được chất thành từng đống (mỗi đống mười hai lượm) đứng sừng sững ngoài đồng.

Thời tiết thuận lợi cho lúa đang phơi, nhưng chẳng tốt đẹp gì với tính khí cả người và vật. Con Plug nền tính là thế cũng giở chứng bất kham khi tôi lôi nó sang giúp nhà Robbins. Cũng trong đêm đó, tôi lục cục chuẩn bị bữa tối. Tôi bày đĩa men ra bàn, đầu tính cách kiếm cái gì ăn mà không phải nấu nướng. Chỉ sau vài phút quay lưng chế biến, tôi quay lại cầm đĩa đã thấy nóng rẫy.

Ăn xong, tôi mang lá thư tính gửi cậu Holt ra thềm viết nốt. “Ngài” Whiskers vươn vai trên ngưỡng cửa, cố vươn hết chiều dài thân mình hầu mong đón một luồng gió mát thổi qua. Tôi cúi xuống gãi bụng nó, thế mà nó chẳng buồn nhúc nhích. Tôi viết trong thư gửi cậu: “Anh Karl bảo trời nóng thế này, chỉ hai tuần sau là tuốt lúa được rồi. May mà cháu không trồng ngô. Nếu không, ngô sê bị rang chín ngoài đồng trước khi kịp thu hoạch”.

Ngoài khe đá có mấy đám mây bụi dâng cao. Ai đó đang cưỡi ngựa đến gần. Chắc anh Wayne đi săn về. Tuần trước, anh có mang sang cho tôi một cặp gà rừng.

Nhưng lần này không phải ngựa Sage đang phi nước kiệu vào tầm ngắm của tôi. Chỉ có trại nuôi gia súc Tipped M mới có con ngựa ấy. Ngồi vắt vẻo trên lưng con tuấn mã không ai khác ngoài Traft Martin.

Hò ngựa dừng cạnh giếng, anh ta hỏi lớn:

– Cho phép tôi lấy nước cho ngựa nhé?

Dù nghĩ gì về chủ nó, tôi và Rắc Rối cũng chẳng nên hiềm khích.

– Vâng, tất nhiên rồi.

Traft bơm nước vào máng:

– Thời tiết thế này, cái gì cũng khô ghê gớm (anh ta đẩy cái mũ ra sau đầu). Khô phát sợ.

– Vâng.

Chẳng phải vì thế mà nhiều đêm tôi cũng lo đến không thể chợp mắt đó sao? Khi nông sản chất đống ngoài ruộng chờ khô, người ta không thể không lo công sức bấy lâu của mình sẽ bị kẻ xấu thiêu ra tro.

– Cô định tuốt lúa sớm chứ?

– Vài ngày nữa.

Traft gật gù:

– Nghe nói Glendive mất mùa.

Tôi có thể đoán câu chuyên sẽ đi đến đâu:

– Glendive khác.

Anh ta cười gượng:

– Ở đây khác, đúng không?

Giờ tôi mới gật đầu. Traft vuốt mồ hôi ngang trán, chỉnh lại mũ cho ngay ngắn:

– Vẫn chưa muộn đâu, cô ạ.

Tôi máy móc lặp lại:

– Chưa muộn? Để làm gì mới được?

Anh ta hứng cái ca vào miệng vòi bơm.

– Tính đến đề nghị của tôi.

Sao anh ta lại đem chuyện này ra bàn nhỉ? Tôi cố giữ giọng thản nhiên:

– Tôi không quan tâm. Lần cuối cùng tói xin nói rỗ: Tôi không thể chấp nhận đề nghị của anh.

Màu mắt xanh lá cây của Traft biến thành xám:

– Sai lầm lớn đấy, thưa cô.

Tôi đáp lại cái nhìn của anh ta bằng ánh mắt dữ dội không kém. Tôi không còn lạ gì cảm giác đối đầu với kẻ chuyên đi bắt nạt

– Có thể. Nhưng tôi có quyền quyết định việc mình làm.

Traft giật mạnh dây cương:

– Vậy cô hãy nghĩ cho kỹ.

Anh ta cưỡi ngựa rời sân nhà tôi. Sân nhà của tôi.

Vâng, chỉ lúc này, nó vẫn là của tôi.

Sau khi Traft ghé hai ngày, anh Karl và vài người hàng xóm kéo sang nhà tôi tuốt lúa. Buổi sáng, tôi làm việc cùng nhóm đàn ông ngoài đồng. Sau đó, cô Leafie và chị Perilee sang giúp tôi nướng bánh chuẩn bị bữa trưa. Chắc chị Perilee có hứa sẽ làm bánh có nho khô, anh đào dại và mận nên cả đội mới làm hăng thế. Nhưng bánh bích quy của tôi cũng không tầm thường: Anh Karl ăn đến sáu bảy cái cơ mà.

Chị Perilee trêu:

– Cưng ơi, sở dĩ Karl ăn nhiều bánh thế là do mứt anh đào của Leafie đấy.

Ba bà nội trợ chúng tôi đứng rửa một đống bát đĩa cao ngất, còn bọn trẻ chạy đùa quẩn quanh chân. Chase đứng ngồi không yên. Mới lên tám mà cậu đã cho rằng mình đủ lớn để giúp tuốt lúa ngoài đồng. Chị Perilee dậm chân:

– Không mè nheo nữa. Máy móc đâu phải chỗ chơi của trẻ con.

Chase đành bằng lòng với nhiệm vụ mang nước mát ra đồng cho thọ. Cậu bé xách nước đựng trong hũ sành bọc bằng vải bao tải rồi giấu vào đống lúa cho mát. Chase đánh dấu đống lúa có nước bằng một bó lúa đặt xéo trên cùng để đám thợ dễ tìm. Có một lần, sau khi cậu bé ra tiếp nước ngoài đồng, tôi thấy có bóng người nhỏ xíu đứng trên máy tuốt lúa cùng anh Karl. Tôi giấu nhẹm, không kể một lời với mẹ nó.

Chị Perilee ngồi xuống, nâng gấu tạp dề quạt quạt cho mát:

– Nghỉ tay chút rồi làm tiếp, vả lại, Lottie cũng đói rồi.

– Phải đấy. Nóng như lò bánh mì.

Tôi rót nước chanh cho cả ba rồi cùng ngồi xuống nghỉ. Cô Leafie cởi giày, cởi cả tất. Tôi cũng làm theo. Chị Perilee nhíu mày

– Hội Hỗ Trợ Phụ Nữ mà thấy, họ sẽ nghĩ gì đây?

Sau đó, chị cũng tháo luôn giày tất, ngọ nguậy mấy đầu ngón chân:

– Mặc kệ. Thế này mới thích.

Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau. m thanh duy nhất là tiếng chim dẽ kêu và tiếng bé Lottie bú mẹ nhóp nhép.

Cô Leafie gợi chuyện:

– Hôm kia có thấy Traft Martin cưỡi ngựa đi về hướng này.

Chị Leafie chuyển Lottie sang bầu sữa bên kia:

– Ít nhất lần này hắn cũng không động đến hàng rào nhà em.

Tôi áp ly nước mát vào cổ:

– Mấy tuần trước, anh ta cũng ghé nhà cháu. Không phải để nói chuyện xã giao.

Cô Leafie hỏi:

– Hắn định mua trang trại của cháu chứ gì? Hồi đó, hắn còn cả gan hỏi mua cả đất nhà cô.

Tôi gật đầu:

– Traft muốn trang trại Tipped M lớn hơn cả trại nuôi gia súc Circle nữa kìa.

Cô Leafie thở dài sườn sượt:

– Thế cháu trả lời sao?

Tôi giơ hai bàn tay ra. Hai bàn tay sưng lên vì nóng, khô ráp vì liên tục tiếp xúc với nước và chai sần vì công việc nặng nhọc.

– Cháu bảo cuộc sống ở đây quyến rũ nhường này, làm sao bỏ được.

Chị Perilee bật cười:

– Con bé này đáo để thật.

Cô Leafie nghiêm mặt:

– Cháu phải cẩn thận đấy. Cô từ chối thẳng thừng được. Thằng đó không dám lộn xộn với cô. Nhưng…

– Cháu biết, cháu biết chứ.

Tôi giơ tay ngăn cô tiếp thêm lời cho trí tưởng tượng vốn đã phong phú của tôi. Tôi biết khi tức tối, Traft không từ thủ đoạn nào.

– Cháu sẽ cố trì hoãn đến tháng Mười một.

Chị Perilee bảo:

– Từ nay đến lúc ấy, nếu có chuyện gì, cứ báo chị một tiếng.

Cô Leafle bảo:

– Cả cô nữa. (Chợt cô ngẩng lên nhìn trời). Chúa ơi! Nhìn kìa.

Những đám mây đen nhanh chóng bao phủ đồng cỏ. Tôi nhớ chuyện nói với Traft lúc trước. Tim tôi nhảy lên như muốn chặn ngang cổ họng:

– Không phải châu chấu đấy chứ?

Cô Leafle vụt đứng lên:

– Chắc không phải đâu.

Perilee đứng phắt dậy, vơ vén đồ đạc:

– Mưa! Mang đồ vào đi thôi. Mattie đâu? (Chị phất mạnh tạp dề). Đưa Fern về nhà ngay.

Ba chúng tôi quơ quào mọi thứ, dắt bọn trẻ, trừ Chase, vào lều trước khi trời đổ mưa.

– Không phải mưa.

Tôi tựa trán vào khung cửa sổ. Với từng ấy người ướt rượt mồ hôi, căn phòng ngột ngạt không khác ngày nấu quần áo. Cô Leafie ôm ngực:

– Lạy chúa! Mưa đá.

Những viên nước đá to bằng hạt đậu nhanh chóng biến thành những hòn đá to bằng quả trứng. Chị Perilee lao ra, giật tung cánh cửa, miệng gọi lớn:

– Chase!

Cô Leafie kéo chị trở vào:

– Đừng lo cuống lên thế. Karl và mọi người biết tìm chỗ núp. Karl không đời nào để thằng bé xảy ra chuyện.

Ông trời nhanh tay ném cả nắm đá xuống ruộng tôi. Như cầu thủ ném bóng chày đang cơn thịnh nộ thẳng tay n hết trái bóng này đến trái bóng khác, cao xanh vùi dập tôi tơi bời. Đầu tiên là đám lanh đã cắt, bó gọn ghẽ rồi xếp thành hàng, rã ra. Sau đến lúa mì bị ép chặt xuống đất như vừa bị người khổng lồ dẫm lên. Cứ thế, gã khổng lồ dẫm nát bao ước mơ của tôi. Tôi không biết làm gì hơn, đành để mặc trái tim vỡ vụn. Sau quãng thời gian tưởng như dài vô tận, tiếng lộp độp trên mái nhà thưa dần. Cô Leafie bảo:

– Hình như tạnh rồi đấy.

Cửa bật mở. anh Karl, Wayne Robbins và Chase lao vào.

– Anh Karl!

Chị Perilee chạy vội đến bên chồng. Máu chảy ròng ròng trên trán anh. Anh Wayne cáu tiết:

– Mấy cục nước đá chết tiệt to bằng quả cam, cứng như than đá mới khiếp chứ.

Trong lúc chị Perilee chăm sóc anh Karl, tôi vội đi pha trà. Tôi đưa cho Chase một ly:

– Trà đường ngon lắm đấy. Uống cho tỉnh người em ạ.

Trà nóng làm cậu bé đang lạnh cóng này ấm hơn, nhưng còn tôi? Ai giúp tôi được đây? Chase run rẩy đưa ly trà lên môi:

– Dượng Karl đẩy em vào gầm máy kéo. Ở ngoài, dượng và chú Wayne đành ôm đầu chịu trận.

Bầu không khí im lặng đáng sợ không kém tiếng mưa đá rơi thì thụp khi nãy. Tôi nhìn cánh đồng qua cánh cửa mở rộng.

Rau ngoài vườn dập nát, ngả nghiêng. Một góc mái chuồng gà đổ nghiêng ngả cạnh cần bơm nước ngoài giếng. Albert cùng mấy nàng gà mái ướt sũng, chúi đầu trong góc chuồng. Cây hướng dương bấy lâu nay tôi nâng niu như trứng mỏng giờ gẫy gập. Những cánh hoa vàng rực bị vùi xuống đất bùn.

Tôi lê bước qua ngưỡng cửa, tới cánh đồng. Wayne Robbins đi theo, lắc đầu ngán ngẩm. Lúc chúng tôi cân nhắc hậu quả, anh bảo:

– Bố anh bảo mưa đá là thần chết trắng. Hattie này, lanh coi như mất hết. Nhưng lúa mì còn vớt vát được chút đỉnh. (Giọng anh nhỏ dân, như thể câu cuối cũng khó lòng thuyết phục được anh). Bán đi làm thức ăn gia súc, em ạ.

– Cho bò ăn ư?

Suốt mấy tháng qua, tôi chỉ việc bán nông sản cho chủ tiệm xay xát theo giá lúa mì thương phẩm, không phải bán cho nông dân dư tiền mua về làm thức ăn cho bò ngựa.

– Hattie à, đâu chỉ mình em mất mùa.

Rõ ràng, anh Wayne muốn an ủi, nhưng nghe anh nói, tôi đâm lo. Trận mưa đá này còn phá hủy bao nhiêu cánh đồng khác nữa? Có dễ đến hàng chục người quanh đây đang cố vớt vát từ vụ mùa này. Còn nữa, nông dân muốn bỏ tiền mua thóc đãi bò ngựa liệu có được mấy người? Chắc chắn người mua thì ít, người bán thì nhiều. Hai mắt cay xè, nước mắt chực trào ra nhưng tôi nhất định nuốt dòng lệ đắng vào trong. Khóc lóc bây giờ phỏng có ích gì?

Tôi nhanh chóng định thần cùng mọi người lao vào cứu lúa. Anh Karl điều khiển Joey, Star, Sage và Plug khó nhọc kéo xe thường chở cỏ khô trên cánh đồng tiêu điều vì thiên tai. Chỉ còn đống lúa mì nhỏ nằm ở góc ruộng xa nhất thoát được trận mưa vừa rồi. Anh Wayne, Chase và tôi dùng chạc ba hất lúa ấy lên xe. Cả đống lúa không đủ chất đầy một xe như thế. Cô Leafie nhẫn nại nhặt từng bó lúa nhỏ bỏ vào máy tuốt lúa. Tôi đã sắp sẵn một đống bao tải chất ngất, hy vọng sẽ dùng hết vào việc chứa lúa thành phẩm. Anh Karl bảo, bình thường phải cần đến ba người trần lưng đóng gói mới theo kịp máy. Họ chỉ khâu đúng bảy mũi trên miệng bao tải trước khi quang lên thùng xe, rồi quay sang đón bao khác. Còn hôm nay, nhờ Thần Chết Trắng nên chỉ cần mình anh Wayne cũng dư sức làm.

Sau này tôi có viết thư gửi Charlie: “Chiều ấy, khi cảm ơn bà con xóm giềng, em cảm tưởng mình đang đi đưa đám. Mà đúng thế thật. Tang lễ giấc mơ của em đấy. Em bàng hoàng, không thể tin thành quả của bao tháng ngày vất vả bị hủy hoại chỉ trong vài phút đồng hồ.”

Viết thư xong, tôi giở sổ ghi chép cho tháng này. Hôm kia, khi niềm hy vọng về vụ mùa phơi phới trong lòng, tôi đã quá tự mãn với Traft. Giờ tôi ngồi đây, loay hoay tính toán mọi đường. Dù tính cách nào, tiền nợ vẫn nhiều hơn doanh số. Dù có tiền nhuận bút, tôi vẫn sa lầy. Biết lấy đâu ra tiền trả công buộc lúa, tuốt lúa đây? Khoản nợ hàng rào chỗ ông Nefzger biết tính sao? Còn tiền mua hạt giống nữa? Điểm sáng duy nhất giữa đám ngổn ngang là tôi được miễn 100 đô la tiền tem ủng hộ tiền tuyến. Nhưng khốn nỗi nó chỉ khiến tôi xấu hổ, chứ không nhẹ nhõm như nhiều người khác.

Tôi tự đãi mình một ly trà. Chắc chắn “Ngài” Whiskers phải biết tinh thần tôi xuống thấp cỡ nào. Nó nhảy lên lòng tôi, kêu rừ rừ như muốn an ủi, động viên.

Tôi rà lại sổ sách lần cuối: “Ngoài Traft ra, vẫn còn một lối thoát”. Tôi gãi nhẹ sau tai con mèo. Sau đó, tôi cầu nguyện. Xong, tôi quay sang may chăn. Rồi cầu nguyện lần nữa. Vậy mà chẳng thấy linh ứng gì cả.

Dù muốn buông xuôi, vùi mình khóc cho thỏa, tôi vẫn không thể làm thế. Tôi làm việc nhà, cố xới xáo mảnh vườn nhỏ cây cối đang rủ rượi, quét dọn chuồng gà, đặt nồi đậu lên bếp hầm nhừ cho bữa tối. Khi dọn phân trong chuồng ngựa, tôi thấy cái rương của cậu Chester. Đặt cây chạc ba xuống, tôi quỳ bên rương, vuốt ve dòng chữ dập nổi trên nắp. Tôi cúi xuống, áp má lên nắp rương, mong có một tình cảm an ủi nào đó làm dịu lòng tôi lúc này. Nhớ lúc trước, cậu Chester tin tưởng tôi biết bao. Bản thân tôi cũng tin vào chính mình.

Tôi mân mê khóa rương:

– Cháu phải làm gì bây giờ? Bán đất cho Traft, cháu buồn, cậu cũng chẳng vui đâu.

Chùi nước mắt, tôi ngồi thẳng, mở nắp rương. Biết đâu lần đầu lục tìm, tôi bỏ qua thứ gì đó bên trong. Biết đâu có một cuộn tiền trong lớp vải lót rương dành cho tôi chi dùng lúc khốn khó. Chẳng phải cậu Chester tự nhận mình là du thủ du thực đó sao? Mà phàm là dân du thủ du thực thì hay giấu của phi pháp lắm.

Lần này, tôi xem xét kỹ từng xăng ti mét mặt trong của rương lẫn đồ đạc trong đó. Tôi lấy từng thứ ra ngoài, bày la liệt ngay bên cạnh. Khi dọn hết những gì có trong rương ra ngoài, tôi vuốt lớp vải lót rương, mong tìm được điều bí ẩn giấu bên trong.

Trong rương không hề có ngăn phụ hay của cải bí mật.

Biết hy vọng thế là rất ngớ ngẩn, nhưng khi tuyệt vọng người ta có thể tin bất cứ thứ gì. Tôi nhẹ tay xếp trả đồ đạc vào rương. Khi đặt cuốn Người Mohican Cuối Cùng vào trong, tôi thấy có cái gì đó lấp ló giữa tập sách. Tôi chợt mừng thầm. Tôi mở sách ra.

– Ôi!

Tôi ngồi hẳn xuống, nhìn trân trân vào tấm ảnh trong tay mình. Trong ảnh có mẹ và bố tôi. Mẹ ôm một đứa trẻ trong lòng: chính là tôi đấy. Một người nữa đứng sau lưng mẹ. Tôi xoay mặt sau tấm ảnh thấy dòng chữ: Tôi, Katherine và Raymond cùng bé Hattie, tháng Giêng năm 1902. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt em bé mới ba tháng tuổi trong ảnh. Tràn trề hy vọng, thật dễ thương và hạnh phúc làm sao.

Kế đến, tôi như bị hút hồn vào khuôn mặt cha mẹ mình. Tôi gần như được tiếng mẹ hát ru, cảm giác được bộ râu quai nón của cha chạm nhẹ vào má nghe buồn buồn. Tôi áp môi vào tấm hình và cứ giữ nguyên như thế trong giây lát.

Rồi tôi ngắm người còn lại. Những dòng viết phía sau tấm hình cho tôi biết danh tính người đó: Cậu Chester.

Tôi ngắm kỹ khuôn mặt ông. Trên đó có mang chút dấu vết nào của sự thất vọng? Hay trách móc? Không! Chỉ có nụ cười ấm áp, đầy khích lệ. Có thể nói là đầy cảm thông nữa. Tôi cẩn thận kẹp tấm hình vào sách. Những món đồ còn lại cũng được trả vào rương. Tôi đóng nắp rương, cài khóa vào cẩn thận, đoạn thì thầm:

– Cháu cảm ơn cậu.

Trong một ngày buồn bã nhất như hôm nay, tấm ảnh kia chẳng khác nào món quà quý giá cậu ruột tặng tôi.

Tôi chỉ ước sao mình biết được món quà ấy có ý nghĩa đến thế nào với cuộc đời mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.