Khổng Tử Tinh Hoa

Phần V: ĐẠO CỦA CHÍ HƯỚNG



Trở thành người tốt nhất mà chúng ta có thể; có một gia đình tốt, trở thành người có ích cho đất nước mình, mang lại hòa bình cho thế giới: Đây là những việc mà tất cả chúng ta đều nên theo đuổi.

Khi Khổng Tử bàn về Chí với các học trò của mình, Ngài không có ý nói rằng Chí càng cao thì càng tốt. Mà điều Ngài thực sự muốn nói là bạn phải kiên định trong mục đích và giữ thái độ kiên trì đối với sự xác tín nội tâm của mình.

Dù các mục tiêu của bạn vĩ đại hay nhỏ bé thì cơ sở để hiện thực hóa chúng vẫn nằm ở việc tìm ra những điều gần gũi nhất với tâm hồn bạn. Việc để tâm hồn bạn dẫn đường quan trọng hơn việc theo đuổi những thành tích bên ngoài.

Ngày nay, chúng ta hiểu như thế nào về Chí? Liệu có xung đột nào giữa các thái độ của Khổng Tử với các mục đích hiện đại của chúng ta không?

Khổng Tử nói rằng: “Một vị nguyên soái thống lĩnh ba quân, người ta còn bắt được; chứ cái chí khí của một kẻ tầm thường thì chẳng ai đoạt nổi.” (Luận Ngữ, IX, 24). Câu nói này cho chúng ta biết mục đích của một cá nhân có tầm quan trọng vô cùng, vì chúng xác định sự phát triển và hướng đi của toàn bộ cuộc đời họ.

Vì vậy, khi Khổng Tử dạy học, Ngài thường bắt các học trò nói về chí hướng của họ. Trong cuốn Luận Ngữ có một vài đoạn tương đối dài thuật lại cuộc chuyện trò giữa Khổng Tử và các học trò về chủ đề này.

Một hôm, chung quanh Khổng Tử là bốn học trò Tử Lộ, Tăng Điểm, Nhiễm Cầu, Công Tây Hoa. Khổng Tử nói với họ hết sức thân tình rằng: “Tuy ta có hơn tuổi các ngươi, nhưng các ngươi đừng vì ta mà nệ, chí mình thế nào, cứ thẳng mà nói. Các ngươi bình thường hay nói: chẳng ai biết đến mà dùng đến mình. Nếu như có người biết mà dùng, thì các ngươi định làm sao?”.

Tử Lộ, vốn có tính hấp tấp, vội đứng lên thưa: “Một nước nghìn cỗ xe, ở chẹt vào với nước lớn, mà lại thêm có việc binh đao cùng sự đói kém, giá cho Do này được trị nước ấy, thì chỉ độ ba năm, có thể khiến cho dân nước ấy có lòng dũng cảm và biết đạo lý”.

Có thể chúng ta nhận thấy Tử Lộ là người rất có Chí và hẳn sẽ nghĩ rằng một người thầy như Khổng Tử, vốn đánh giá rất cao việc cai trị đất nước bằng các nguyên tắc lễ nghĩa và sự tự tu dưỡng, sẽ rất lấy làm vừa lòng khi thấy một trong những học trò của Ngài có thể thực hiện được những điều ấy. Nhưng Tử Lộ không ngờ rằng phản ứng của Khổng Tử chỉ là “Ngài mỉm cười với Tử Lộ”. Ngài cười nhẹ và lạnh nhạt, không đưa ra một phản ứng trực tiếp nào, rồi Ngài quay sang hỏi người học trò thứ hai: “Nhiễm Cầu thì sao?”.

Câu trả lời của Nhiễm Cầu khiêm tốn hơn nhiều so với câu trả lời của Tử Lộ. Ông không dám bàn về một nhà nước quá rộng lớn, hay quá nhiều vấn đề. Nhiễm Cầu thưa: “Một nước vuông độ sáu bảy mươi dặm, hay năm sáu mươi dặm, giá cho Cầu này trị nước ấy, thì chỉ độ ba năm có thể khiến cho dân được no đủ. Còn đến việc lễ nhạc, xin để đợi bậc quân tử”. Ông có ý nói rằng trên phương diện vật chất, ông có thể làm giàu cho dân và cho họ tất cả những gì họ cần, nhưng đối với niềm tin vào đất nước cùng việc mang lại sự thịnh vượng bằng Lễ, Nhạc, thì quá sức của ông. Tốt nhất là chờ đợi một người quân tử thông tuệ hơn ông.

Khi ông nói xong, Khổng Tử cũng không có phản ứng trực tiếp gì. Ngài tiếp tục hỏi đến người học trò thứ ba: “Công Tây Hoa thì sao?”.

Công Tây Hoa càng khiêm tốn hơn nữa. Ông đáp: “Tôi không nói rằng tôi có khả năng nhưng tôi sẵn sàng học hỏi”. Câu này có nghĩa là trước hết, ông trình bày thái độ riêng của mình: Tôi không có tuyên bố gì cho riêng mình, nhưng vì thầy hỏi tôi điều ấy, nên mọi điều tôi có thể nói là tôi muốn học. Sau đó, ông nói rằng: “Giá đến việc nhà Tông miếu, như lễ Hội đồng, mặc áo huyền đoan, đội mũ chương phủ, thì Xích này xin làm một chức tiểu [15] tướng ”. Ông hoàn toàn không đề cập đến việc cai trị một đất nước hoặc
người dân của nước ấy.

Bạn thấy rằng từng người trong ba học trò của Khổng Tử, người sau đều khiêm tốn hơn người trước, giảm nhẹ hơn người trước, mỗi người đều gần hơn với xuất phát điểm trong cuộc sống riêng của Ngài và xa hơn khỏi những mục tiêu tối hậu của Ngài.

Theo cách nói ngày nay, điều quan trọng nhất trong sự phát triển của một con người thường không phải là chí hướng tối hậu của họ cao bao nhiêu, mà là cơ sở mà họ đang có ngay lúc này. Chúng ta thường không thiếu gì những kế hoạch lớn và khát vọng lớn, nhưng chúng ta thiếu một con đường thực tế để dẫn ta, từng bước từng bước, đến những khao khát của mình.

Đến lúc này thì chỉ còn một người vẫn chưa nói gì, Khổng Tử lại hỏi: “Còn Điểm thì sao?”.

Tăng Điểm không đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Ngôn ngữ được sử dụng để miêu tả khoảnh khắc sinh động đáng chú ý ấy chỉ bằng ba từ: Cổ Sắt Hy [Gảy đàn sắt], mô tả âm thanh của một tiếng nhạc đang hãy còn ngân. Tăng Điểm đang tập trung hoàn toàn vào cây đàn năm mươi dây mà ông đang đánh, đến khi nghe thầy hỏi, ông từ từ ngưng đàn, để tiếng đàn ngân hết âm điệu sau cùng. Sau đó Tăng Điểm thong thả và hòa nhã “bỏ đàn xuống, đứng dậy mà thưa”. Vào thời ấy, người ta thường ngồi đất, và khi người học trò nghe thầy nói hoặc giảng, họ sẽ quỳ xuống, ngồi lên hai gót chân, nhưng họ phải đứng dậy khi trả lời thầy, để tỏ lòng tôn kính. Tăng Điểm bỏ đàn sang một bên, rồi nhón mình đứng lên và trả lời thầy.

Qua một vài từ mô tả ở trên, chúng ta có thể thấy rằng Tăng Điểm thuộc vào loại người điềm đạm và tự chủ; ông không trả lời một cách hấp tấp, vội vàng như Tử Lộ, mà thay vào đó ông nói rất khoan thai, sau khi đã ngẫm nghĩ thấu đáo. Trước tiên ông khẩn nài ý kiến của Khổng Tử rằng: “Chí tôi khác hẳn ba anh kia. Thầy có cho phép tôi nói không?”. Khổng Tử nói: “Có ngại gì, chẳng qua người nào cũng nói chí người ấy cả”.

Chỉ khi đó, Tăng Điểm mới điềm tĩnh nói: “Vào cuối xuân tiết tháng ba, áo mùa xuân đã may xong, cùng với năm sáu bạn thanh niên, sáu bảy cậu thiếu niên rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió ở đàn Vũ Vu, rồi ca vịnh với nhau mà về, đó là Chí của tôi vậy”.

Nghe xong, Khổng Tử thở dài mà than rằng: “Ta cũng thích như Điểm vậy”. Tức là, chí hướng của riêng Khổng Tử cũng giống như chí hướng của Tăng Điểm. Đó là những từ ngữ đánh giá duy nhất mà Khổng Tử nói ra trong suốt cuộc nói chuyện.

Sau khi mỗi người đều đã nói lên chí hướng của mình, ba học trò kia ra về, riêng Tăng Điểm còn nán lại và hỏi Khổng Tử: “Đối với lời của ba anh kia, thầy nghĩ thế nào?”.

Lúc đầu, Khổng Tử đã khéo léo tránh câu hỏi khi trả lời rằng: “Cũng đều cho biết cái chí của mình vậy thôi”. Nhưng Tăng Điểm lại hỏi: “Nhưng tại sao nghe anh Do nói thầy lại cười?”.

Khổng Tử bèn nói: “Bậc trị quốc cần phải có lễ nhượng; mà trong lời nói của Do, chẳng có một điểm lễ nhượng. Vậy nên ta mới cười”. Điều Khổng Tử muốn nói là nếu bạn muốn cai trị một đất nước bằng các lễ nghi thì trước hết bạn phải có lòng tốt, tính hòa nhã và một thái độ tôn kính làm xuất phát điểm. Trong khi đó Tử Lộ lại hấp tấp đứng ra trả lời như thế cho thấy thiếu sự tôn trọng lễ.

Tăng Điểm lại hỏi: “Còn anh Cầu chẳng phải nói việc trị nước sao? Sao thầy không cười anh ấy?”.

Khổng Tử nói: “Một địa phương dẫu vuông vức sáu, bảy mươi dặm hay năm, sáu mươi dặm, đó chẳng phải là một nước nhỏ, chớ là gì?”.

Ông Tăng Điểm lại hỏi: “Còn anh Xích chẳng phải nói về việc trị nước hay sao? Sao thầy không cười anh ấy?”.

Khổng Tử nói: “Việc tế tông và việc hội đồng, đó chẳng phải việc của nước chư hầu, chớ là việc của ai? Trò Xích khiêm nhượng xin dự là tiểu tướng, vậy chớ ai có thể làm đại tướng?”(Luận Ngữ, XI, 25).

Điều Khổng Tử muốn nói là Ngài không cười Tử Lộ vì Tử Lộ thiếu tài năng để cai trị một nước, mà là vì nội dung trong lời nói và sự thiếu khiêm nhượng của Tử Lộ. Vấn đề không phải là diện tích nước được cai trị là lớn hay nhỏ, hoặc nó có phải là một nước hay không; mà là về thái độ của mỗi người học trò. Vì thái độ của Nhiễm Cầu và Công Tây Hoa khiêm tốn, đồng thời họ cũng có năng lực thật sự, nên Khổng Tử không cười họ.

Khổng Tử không thích những kẻ khoe khoang mà rỗng tuếch, như Ngài đã nói: “Kẻ nào miệng nói lời hoa mỹ; còn mặt mày thì trau chuốt, hình dạng thì kiểu cách, áo quần thì lòe loẹt, hẳn kẻ ấy kém lòng nhân.” (Luận Ngữ, I, 3). Ngài cho rằng người quân tử chân chính phải “nói thì chậm rãi mà làm thì nhanh.” (Luận Ngữ, IV, 23). Vì thế, nhìn bề ngoài, một người quân tử có lẽ không gây nhiều ấn tượng, nhưng tâm hồn của người ấy là hết sức mạnh mẽ, cương quyết và kiên định.

Theo một câu châm ngôn xưa, có ba việc không thể lấy lại được: một mũi tên đã bắn, một lời đã nói và một cơ hội đã bị bỏ qua. Ngôn từ một khi đã được nói ra cũng khó lấy lại như nước chảy khỏi bình, vì vậy một người quân tử chân chính luôn làm trước, rồi sau mới nói về nó.

Khổng Tử nói rằng: “Hứa nhiều mà làm ít, người quân tử lấy làm hổ thẹn.” (Luận Ngữ, XIV, 29). Ngày nay chúng ta vẫn thấy có nhiều kẻ “nói nhiều làm ít”. Một người quân tử sẽ lấy làm hổ thẹn khi lời nói nhiều hơn hành động của mình.

Một người quân tử không nói về những việc họ muốn làm hoặc các mục đích mà họ muốn đạt được; một người quân tử luôn chờ cho đến khi họ đã làm xong cái gì mà họ định làm trước khi tình cờ nhắc đến nó trong cuộc trò chuyện. Đây là điều được nói đến qua câu: “Mình muốn dạy người ta điều gì, trước hết mình hãy làm điều đó đi. Rồi sau cứ theo đó mà dạy. Như vậy mới đáng là quân tử.” (Luận Ngữ, II, 13).

Có một vấn đề nữa ở đây là, dù Khổng Tử không bất đồng với chí hướng của Tử Lộ, Nhiễm Cầu và Công Tây Hoa, nhưng tại sao ông chỉ niềm nở khuyến khích một mình Tăng Điểm? Chúng ta có thể thấy được điều gì từ việc Khổng Tử ủng hộ Tăng Điểm?

Học giả vĩ đại về Khổng Tử đời Tống là Chu Hy có một lý giải khả tín về cuộc chuyện trò này. Ông nói rằng chí của Tăng Điểm chẳng gì khác hơn là “hài lòng với vị trí mà tôi đang ở lúc này, tìm niềm vui trong những công việc hàng ngày, tôi không có ý định hy sinh bản thân mình vì lợi ích của người khác”.

Cuộc đời của Tăng Điểm là những hoạt động rất bình thường hàng ngày, ông không có mong ước lớn lao là hy sinh bản thân mình cho những người khác, nhưng ông có một nội tâm phong phú. Đối với ông, sự hoàn hảo của tính cách riêng của bản thân ông là một xuất phát điểm cơ bản, và chí hướng của ông là nhìn toàn bộ tự nhiên trong đúng vị trí của nó. Điều này có nghĩa là những thành tựu công việc của ông hẳn sẽ ở một mức độ cao hơn ba người kia, khi ý hướng của họ vốn chỉ thuần công việc.

Đây là điều mà Khổng Tử muốn đề cập khi Ngài nói rằng: “Người quân tử không phải là món đồ khí cụ.” (Luận Ngữ, II, 12). Một người quân tử chân chính không bao giờ gắng sử dụng những thành tựu trong công việc để có một địa vị xã hội tốt hơn. Trái lại, người quân tử phải xem sự tự tu dưỡng như một xuất phát điểm; phải bắt đầu bằng những việc gần gũi nhất trong sự thống nhất trọn vẹn của tâm hồn.

Theo quan niệm của Khổng Tử, trách nhiệm xã hội của người quân tử mang dáng vẻ của chủ nghĩa lý tưởng, tức là một trạng thái cao hơn trình độ chuyên môn. Người quân tử không bao giờ bị giới hạn bởi một công việc cụ thể nào. Vì vậy, Ngài nói: “Người quân tử không phải là món đồ khí cụ”. Một khí cụ trong ngữ cảnh này có nghĩa là người nào đó đạt đến trình độ đáng mơ ước, tuân thủ các quy tắc và chỉ làm công việc mà họ được giao phó, ngoài ra không còn gì khác.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng con người là những sinh vật đặc biệt; các tư tưởng của chúng ta quy định hành động của ta, tức là, thái độ của ta quy định tất cả mọi thứ. Những việc mà mỗi người chúng ta làm hàng ngày trong xã hội là tương tự nhau, nhưng mỗi chúng ta đều có sự lý giải khác nhau về chúng.

Có lần tôi đọc một cuốn sách của một nhà cải cách tôn giáo ở thế kỷ 15, trong đó ông kể một câu chuyện xảy ra từ khi ông còn nhỏ. Câu chuyện ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông.

Ông viết rằng một ngày nọ ông đi dạo ngang qua một tòa nhà lớn đang xây dưới ánh mặt trời nóng đến rộp cả da, quanh đó là những người đàn ông đang bưng bê gạch đá, tất cả đều ướt đẫm mồ hôi.

Ông đến bên người đàn ông đầu tiên và hỏi: “Anh đang làm gì đó?”.

Người đàn ông nói với một thái độ rất gắt gỏng: “Mày mù à? Lao động khổ sai – bê gạch!”.

Ông hỏi câu hỏi ấy với người thứ hai. Thái độ của người này điềm tĩnh hơn người trước. Ông ta xếp những viên gạch thành một cột ngay ngắn, lướt mắt nhìn chúng, rồi nói: “Tôi đang xây một bức tường”.

Sau đó ông đến hỏi người thứ ba. Dường như có một luồng ánh sáng nhẹ nhàng, phấn khởi trong mắt người đàn ông này khi ông đặt những viên gạch xuống, ngẩng đầu lên, lau mồ hôi và nói rất hãnh diện: “Anh hỏi tôi à? Chúng tôi đang xây một công trình vĩ đại, một nhà thờ đấy!”.

Chúng ta có thể thấy rằng cả ba người này đều đang làm một công việc giống nhau, nhưng những lý giải của họ lại hoàn toàn khác nhau.

Tôi gọi thái độ của người đàn ông thứ nhất là bi quan. Anh ta xem công việc mình làm chỉ như một thứ gánh nặng trong cuộc đời cực nhọc; anh ta chỉ biết chăm chăm nhìn vào sự gian khổ của khoảnh khắc này (dĩ nhiên khoảnh khắc này là có thực).

Thái độ của người đàn ông thứ hai là cái mà tôi gọi là tinh thần chuyên nghiệp. Anh ta biết mình đang xây một bức tường, bức tường ấy là bộ phận của một sản phẩm hoàn chỉnh và anh ta phải làm hết sức để kiếm tiền. Đó là một bổn phận nghề nghiệp và thái độ của anh ta phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn. Đây là trạng thái mà Khổng Tử gọi là “một món đồ khí cụ”, anh ta không có bất kỳ thiên hướng nào cao hơn.

Tôi gọi thái độ của người đàn ông thứ ba là thái độ lý tưởng chủ nghĩa. Bởi vì anh ta biết mỗi viên gạch và mỗi giọt mồ hôi mình đang đổ ra sẽ đóng góp vào việc xây dựng nên một chốn thiêng liêng – một nhà thờ. Anh ta thấy mỗi đóng góp của mình đều có giá trị và anh đã nhìn thấy kết quả trong công việc gian khổ mình đang làm. Anh làm việc không phải với tư cách của một món đồ khí cụ. Những việc anh ta làm được nối kết với thế giới của chúng ta, với các ước mơ của chúng ta và như anh ta nói, đó là một thứ hiện hữu với chúng ta: một nhà thờ. Và tại cùng thời điểm ấy, vì anh ta đắm mình trong giấc mơ về một nhà thờ, nên tư tưởng anh ta vượt ra khỏi những thành quả mang tính cá nhân để đạt đến những giá trị tinh thần tuyệt vời hơn nhiều.

Vai trò của một người quân tử trong xã hội cũng thế. Điều quan trọng không nằm ở các hành động của một người quân tử mà nằm ở chính các động cơ đằng sau các hành động ấy. Người quân tử là lương tâm của xã hội. Nhưng làm một người quân tử là điều mà mọi người ai cũng có thể đạt đến được. Giấc mơ ấy, mục tiêu ấy, vừa cao lại vừa khó với tới, nhưng nó không vượt khỏi tầm với của chúng ta, thực tế nó tồn tại ở đây và ngay lúc này, trong nội tâm của mỗi người chúng ta.

Mỗi người trong chúng ta đều có những mục tiêu riêng, nhưng trong vòng tuần hoàn và những nhịp điệu vội vã, lặp đi lặp lại không ngừng của công việc, chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu thời gian và không gian để quan tâm đến thế giới nội tâm của mình? Phần con người mà ta thực hiện trong vai trò xã hội thì có thể thấy được rõ ràng, nhưng chúng ta lại xóa mờ và bóp nghẹt tiếng nói của chính tinh thần mình.

Có lần tôi đọc được câu chuyện ngắn về một người đàn ông cảm thấy mình rất bất hạnh trong đời. Ông ta ngờ rằng có lẽ đó là những triệu chứng ban đầu của sự trầm cảm, vì vậy ông ta đi gặp bác sĩ tâm thần.

Ông ta nói với bác sĩ rằng: “Mỗi ngày tôi đều rất sợ cảm giác trở về nhà sau giờ làm việc. Khi tôi làm việc, mọi thứ đều bình thường, nhưng ngay khi về đến nhà, tôi toàn cảm thấy nghi ngờ và lo sợ. Tôi không biết tâm hồn mình đang đi về đâu; tôi không biết phải nên lựa chọn gì nữa. Càng về đêm, cảm giác sợ hãi ấy càng dâng cao và áp lực càng lúc càng mạnh hơn. Suốt đêm, tôi thường không thể chợp mắt được. Nhưng vào sáng hôm sau khi tôi đi làm và bước vào vai trò chuyên môn của mình, các triệu chứng ấy lại biến mất. Nếu điều này tiếp diễn lâu hơn nữa, chắc tôi sẽ phát điên mất”.

Khi nghe ông ta nói xong, bác sĩ đưa ra một đề nghị: “Có một diễn viên hài kịch nổi tiếng trong thành phố, ông ta diễn xuất sắc lắm, mọi người xem ông ấy diễn đều phá lên cười và quên hết mọi phiền muộn của mình. Để bắt đầu, tại sao anh không thử đến xem một buổi diễn của ông ấy? Sau đó, chúng ta có thể có một buổi nói chuyện nữa, để xem liệu nó có giúp ích gì cho anh không. Rồi chúng ta sẽ bàn đến một kế hoạch chữa trị”.

Khi nghe xong, người đàn ông không nói gì. Một lúc lâu sau, ông ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào vị bác sĩ, nước mắt lưng tròng, khó khăn cất tiếng: “Tôi chính là diễn viên hài ấy đây”.

Đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng nhưng ý nghĩa của nó là rất thật, là tình trạng có thể dễ dàng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Hãy nghĩ xem: khi một người trở nên quen thuộc với một vai trò và đóng vai trò ấy một cách vui vẻ, họ sẽ tin rằng nó là chí hướng của mình, và họ có thể rất thành công trong sự nghiệp. Nhưng khi đó, còn bao nhiêu chỗ trống cho những khao khát tinh thần của họ đây? Chúng ta còn bao nhiêu khoảng trống bên ngoài vai trò của ta, để chúng ta thật sự biết đến tâm hồn của mình? Đây là gốc rễ của sự hoang mang và mất phương hướng mà nhiều người trải nghiệm khi họ bước ra khỏi các vai trò nghề nghiệp chuyên môn của họ.

Có một câu chuyện ngắn thú vị nữa là:

Ngày xưa, có ba chú chuột đồng sống chung với nhau. Khi mùa đông sắp đến, cả ba chú chạy ngược chạy xuôi qua các cánh đồng để tìm thức ăn dự trữ.

Thành công trong nghề nghiệp chuyên môn của chúng ta không hẳn là ý hướng thực sự của tâm hồn ta.

Chú chuột đồng thứ nhất sục sạo tìm kiếm đồ dự trữ, nó tha đủ mọi loại hạt về hang.

Chú chuột đồng thứ hai sục sạo tìm những thứ để giữ ấm, nó tha rất nhiều rơm và hạt mầm có lông tơ về hang.

Còn chú chuột đồng thứ ba thì sao? Nó cứ nhởn nhơ rong ruổi qua các cánh đồng, ngắm nhìn bầu trời, rồi nhìn mặt đất và chốc chốc lại nằm xuống nghỉ ngơi.

Hai anh bạn làm việc chăm chỉ kia quở mắng chú chuột thứ ba: “Mày lười quá, không chịu dự trữ thức ăn cho mùa đông, để xem mày xoay xở thế nào khi mùa đông đến!”.

Nhưng chú chuột đồng thứ ba không giải thích gì cả.

Sau đó, khi mùa đông đến, cả ba chú chuột đều nằm náu mình trong cái hang nhỏ hẹp. Chúng không thiếu thức ăn và đã có đủ mọi thứ chúng cần để giữ ấm, nhưng cả ngày chúng lại không có gì để nói với nhau. Dần dần, sự buồn chán cũng đến, chúng không biết làm sao để giết thời gian.

Lúc này, chú chuột thứ ba mới bắt đầu kể chuyện cho hai chú chuột kia nghe: về việc chú gặp một đứa trẻ ở rìa cánh đồng vào một buổi chiều mùa thu như thế nào, đứa trẻ ấy đang làm gì; về một người đàn ông mà chú thấy ngay bờ ao vào một buổi sáng mùa thu nọ và những việc ông ta làm. Chú kể cho hai chú chuột kia nghe về những cuộc chuyện trò mà chú tham gia; về một bài hát mà chú nghe được từ một chú chim…

Chỉ đến lúc ấy hai người bạn kia mới nhận ra rằng chú chuột đồng này đã thu nhặt ánh nắng mặt trời để giúp chúng sống qua mùa đông.

Nếu bây giờ chúng ta nhìn lại vào chí hướng của Tăng Điểm: giữ lễ để thanh tẩy bản thân và đến gần hơn với thiên nhiên khi mặt đất đã rũ bỏ lớp áo mùa đông và tất cả thiên nhiên đều đang vui mừng hoan hỉ. Dù điều ấy có vẻ như không hề có chút ý nghĩa thực tế nào, những nghi lễ ấy có thể mang lại sự thanh bình và trật tự cho nội tâm. Để đón nhận một sự thanh bình và ổn định như vậy, chúng ta phải hòa nhịp vào bầu trời và mặt đất, phải nhiệt thành đón nhận những sự thay đổi trong nhịp điệu của tự nhiên, và cảm nghiệm được bốn mùa, của cảnh đẹp tự nhiên trăng gió núi sông.

Đối với chúng ta ngày nay, việc hòa mình với thiên nhiên dường như là một việc làm quá xa xỉ. Trong thế giới hiện đại, chúng ta được trang bị quá nhiều đến nỗi khó có thể cảm nhận được thiên nhiên: dưới cái nóng của mùa hè, nhà của ta được máy điều hòa nhiệt độ làm mát bằng những làn hơi lạnh; khi mùa đông lạnh giá đến, hệ thống sưởi trung tâm làm ngôi nhà của ta ấm áp như mùa xuân… Khi quá đầy đủ và tiện nghi, cuộc sống của chúng ta cũng trở nên quá đơn giản, ảnh hưởng của sự luân chuyển giữa bốn mùa lên cuộc sống của chúng ta bị xóa nhòa; sự thay đổi mùa và những chu kỳ biến chuyển hàng năm của tự nhiên không còn tạo được cảm xúc trong tâm hồn ta nữa. Chúng ta mất đi sự nhạy cảm của Tăng Điểm – sự nhạy cảm đã khiến ông ao ước mình được thời khắc đẹp nhất của mùa xuân gọt giũa, định hướng cho tâm hồn. Và vì thế, chúng ta mất đi nền tảng mà từ đó ta có thể để cho chí hướng rộng lớn của mình cất cánh bay lên.

Mối quan hệ giữa các mục tiêu với các hành động của ta cũng giống như mối quan hệ của con diều với sợi dây. Điều quyết định để một con diều có thể bay bao xa là nằm ở sợi dây trong đôi tay bạn. Tâm trí bạn càng điềm tĩnh, kiên định và thực tế bao nhiêu, thì bạn càng dễ bỏ đi những tác động bên ngoài và càng biết lắng nghe một cách tôn trọng tiếng nói yên bình trong tâm hồn bạn bấy nhiêu. Điều này có nghĩa là khi bạn đảm nhiệm một vai trò trong xã hội, bạn sẽ không đánh mất quan hệ với bản thân mình; bạn sẽ có thể gánh vác trách nhiệm của mình một cách vui vẻ và đạt được điều tốt nhất.

Nhiều người cảm thấy rằng các chí hướng được nói đến ở trên hơi khác với sự hiểu biết thông thường của chúng ta về điều mà Khổng Tử và các học trò [16] của Ngài đã nói đến. Chẳng hạn, trái với câu nói của Tăng Tử : “Kẻ sĩ
cần phải có chí khí rộng lớn và cương nghị. Là vì gánh thì nặng mà đường thì xa.” (Luận Ngữ, VIII, 8).

Nhưng nếu chúng ta ngừng lại và suy nghĩ về nó một chút, thì những tư tưởng được nói đến ở đây thực sự là những cái cây mà trên đó những “gánh nặng”, những chí hướng cá nhân và xã hội, sẽ lớn mạnh và ra hoa kết trái. Nếu trong vai trò nghề nghiệp chuyên môn của mình, một con người thiếu mất cảm thức về sự điềm tĩnh này, hoặc thiếu mất sự thấu hiểu về nội tâm mình, thì họ sẽ chỉ giỏi đưa ra các mệnh lệnh, chứ không hy vọng gì cho việc tự hoàn thiện bản thân.

Điều cốt yếu cần ghi nhớ là sự tự-hoàn-thiện này không vị kỷ. Sự nhấn mạnh của Khổng Tử đối với việc tu dưỡng nội tâm không hề gợi ý rằng chúng ta phải từ bỏ trách nhiệm đối với xã hội; mà đúng hơn, chúng ta tự tu dưỡng bản thân để có thể phục vụ xã hội tốt hơn.

Do đó mà có khái niệm “kẻ sĩ” với ý nghĩa rất cao quý. Đó là tầng lớp trí thức cao nhất, những người xem xã hội mà họ sống là trách nhiệm của chính bản thân họ.

Khổng Tử từng nói rằng: “Kẻ sĩ mà mong được ăn ở cho sung sướng, thì chẳng đáng gọi là kẻ sĩ vậy.” (Luận Ngữ, XIV, 3). Nói khác đi, nếu ai đó ngày ngày sống mà trong đầu không có chỗ cho bất kỳ điều gì khác ngoài vòng tròn gia đình nhỏ hẹp của riêng họ và những công việc thường nhật của riêng họ, thì họ không thể trở thành một kẻ sĩ đích thực.

Đây chính là phương diện trách nhiệm mà học trò của Khổng Tử là Tử Cống bàn đến khi ông hỏi Khổng Tử rằng: “Phải làm thế nào mới đáng gọi là kẻ sĩ?”.

Khổng Tử đáp: “Trong mọi cử chỉ và hành động của mình, phải biết hổ thẹn, để tránh những việc trái lễ nghĩa; khi đi sứ đến các nước, đừng làm nhục cái mạng lệnh mà vua giao phó cho mình; như vậy có thể gọi là kẻ sĩ được”.

Điều Khổng Tử muốn nói là người ta phải hiểu sự khiêm nhượng và sự chính trực. Họ phải là người có thể kiềm chế được hành vi của mình; có một tâm hồn kiên định, vững chắc và không xa rời những chuẩn mực, trong khi đồng thời phải có ích cho xã hội. Nói cách khác, khi một người đạt được sự tu dưỡng nội tâm này, họ sẽ không cho phép bản thân trở nên cao ngạo; họ sẽ tiếp tục dấn thân và làm những điều có ích; sẽ trung thành với sứ mệnh của mình và sẽ “không làm nhục cái mạng lệnh mà vua giao phó cho mình”. Theo Khổng Tử, đó là tiêu chuẩn cao nhất của kẻ sĩ. Và điều này không dễ, vì không có cách nào biết trước được sứ mệnh của bạn sẽ là gì.

Tử Cống nghĩ tiêu chuẩn ấy là quá cao, nên ông hỏi tiếp: “Kẻ sĩ bậc dưới hơn thì thế nào?”. Liệu có tiêu chuẩn nào thấp hơn một chút không?

Khổng Tử đáp: “Ấy là người mà họ hàng khen là thảo cha, làng xóm khen là thuận anh”. Nói khác đi, đó là người được họ hàng khen là sống tốt với cha mẹ của mình, và được làng xóm biết tiếng là có cách cư xử tôn kính với người dân trong làng. Nếu bạn có thể bắt đầu từ những gì quanh bạn, nếu bạn có thể tỏa sáng với ánh sáng của tình yêu con người và các mối quan hệ con người, và sử dụng sức mạnh của tình yêu ấy khiến cho những người xung quanh phải khen ngợi, và không làm xấu hổ tổ tiên của mình, đó là cấp bậc thứ hai của kẻ sĩ.

Tử Cống hỏi nữa: “Dám hỏi kẻ sĩ bậc thứ ba là như thế nào?”. Liệu có cấp bậc thấp hơn nữa không?

Khổng Tử nói: “Người nói ra thì giữ lời, làm việc thì quả quyết, tuy là người hay chấp nhất, nhưng cũng có thể sắp vào bậc thứ ba đó.” (Luận Ngữ, XIII, 20).

Có lẽ những độc giả hiện đại sẽ ngạc nhiên vì điều này. Những tiêu chuẩn cư xử cao như vậy mà chỉ đặt vào hạng kẻ sĩ bậc ba sao? Một người có thể kiên định giữ lấy lời của mình và xem xét những hành động của mình từ đầu chí cuối, người mà một khi đã quyết định làm điều gì, sẽ làm đến cùng – con người có những phẩm chất ấy mà chỉ có thể miễn cưỡng được liệt vào hạng kẻ sĩ bậc ba sao? Liệu có bao nhiêu người ngày nay có thể làm đúng những gì mình đã nói và biết xem xét hành động của mình từ đầu chí cuối đây?

Khổng Tử nói: “Kẻ sĩ chuyên tâm cầu đạo, nhưng còn thẹn vì nỗi áo xấu, cơm thô, thì chưa đáng nghe ta bàn luận đạo lý.” (Luận Ngữ, IV, 9).

Mặc dù ba tiêu chuẩn ấy khó mà đạt được, nhưng đối với Khổng Tử, chúng là ba điều khái quát cho những cá nhân trưởng thành có thể đảm nhiệm thành công mọi vị trí trong xã hội.

Có một câu chuyện về Lạn Tương Như, một chính khách nổi tiếng của nước Triệu thời Chiến quốc (475-221 TCN); câu chuyện này sẽ minh họa cho tiêu chuẩn cao nhất của kẻ sĩ, đó là người “không làm nhục cái mạng lệnh mà vua giao phó cho mình”.

[17] Chuyện kể rằng, vua nước Triệu được viên ngọc bích của họ Hòa nước Sở, một bảo vật quý hiếm không thể lượng giá được, đáng giá hơn nhiều thành trì. Vua nước Tần khao khát muốn có trong tay viên ngọc ấy, liền cử sứ thần gặp vua nước Triệu, nói rằng ông sẵn sàng đổi mười lăm thành của mình để lấy viên ngọc ấy. Vua nước Triệu biết rằng nước Tần là một nước lớn nhưng tham lam và tàn nhẫn: một khi ngọc đã đến nước Tần thì không thể nào đòi lại được nữa. Nhưng Lạn Tương Như tâu rằng: “Tần đem thành đổi lấy ngọc mà Triệu không cho, thì điều trái là ở Triệu. Triệu cho ngọc mà Tần chẳng cho thành, thì điều trái là ở Tần. Xét lại kế đó thì thà cho ngọc để Tần chịu phần trái… Nếu nhà vua thiếu người, thì thần xin mang ngọc bích đi sứ. Thành có về tay nước Triệu thì ngọc mới ở lại đất Tần, nếu thành không về, thần xin giữ nguyên vẹn viên ngọc mang về Triệu”.

Khi Lạn Tương Như mang theo ngọc họ Hòa nước Sở đến nước Tần, vua Tần đón tiếp ông ở một sảnh bên không có gì là trang trọng và để các quan lại cùng các mỹ nữ trong triều chuyền tay xem viên ngọc quý vô giá ấy rồi cười đùa với nhau. Lạn Tương Như thấy vậy, nhận ra rằng vua Tần không có ý giữ lời mà chỉ muốn lừa để lấy viên ngọc quý. Tuy nhiên, lấy lại bảo vật ấy là việc không dễ dàng gì. Vì vậy, ông nói với vua Tần: “Tâu Đại vương, ngọc bích có vết, tôi xin chỉ cho đại vương xem”. Khi vua Tần trao lại viên ngọc bích vào tay ông, Lạn Tương Như nhân cầm lấy ngọc đứng lùi vài bước tựa vào cột. Ông đứng đó, giữ chặt lấy viên ngọc, nổi giận nói với vua Tần rằng: “Đại vương muốn được ngọc, sai người đem thư đến vua Triệu. Vua Triệu cho mời quần thần đến bàn bạc, tất cả đều nói: “Nước Tần tham, cậy mình mạnh, đem lời nói suông để cầu lấy ngọc, chưa chắc đã giao thành cho ta”. Họ bàn không muốn đưa ngọc bích cho Tần. Thần cho rằng: “Kẻ áo vải chơi với nhau còn không dối nhau, huống nữa là nước lớn. Vả chăng vì một viên ngọc mà làm nước Tần mất vui thì không nên”. Vì vậy nên vua Triệu trai giới năm ngày, sai thần mang ngọc bích đi, vái mà đưa ở giữa triều đình. Tại sao thế? Vì trọng cái uy của nước lớn để tỏ lòng tôn kính vậy. Nay thần đến, đại vương tiếp thần ở nơi tầm thường, lễ tiết rất khinh mạn. Được ngọc, đại vương đưa cho các mỹ nhân để đùa bỡn. Thần xem đại vương không có ý đổi thành ấp cho vua Triệu, cho nên, thần lấy ngọc về. Nếu đại vương thật sự muốn lấy ngọc, đại vương cũng nên trai giới năm ngày, đặt lễ cửu tân, thì thần mới dám dâng ngọc. Nếu đại vương cứ muốn bức bách thần, thì đầu thần và viên ngọc đều vỡ ở cái cột này!”. Vua Tần lo sợ, vội vã thuận theo các yêu cầu của ông.

Lạn Tương Như biết rằng vua Tần không muốn giữ lời, vì thế, ông sai gia đinh nửa đêm lẻn mang ngọc về Triệu. Tuy vậy, ông vẫn ở lại Tần và thú nhận với vua Tần mọi việc. Ông nói: “Thần biết đại vương không có ý trao thành cho Triệu, nhưng lúc này thì ngọc đã nguyên vẹn trở về đến Triệu rồi”.

Những câu chuyện thế này không hiếm trong sách xưa và các sử ký kinh điển của Trung Quốc. Cách thức mà một người nào đó tiếp cận một nhiệm vụ nghề nghiệp chuyên môn khi mọi thứ quanh họ thay đổi bất ngờ là một thử thách tốt cho sự chín chắn của họ. Làm thế nào một người có thể chế ngự nỗi sợ; làm sao họ có thể giữ bình tĩnh, tự chủ và không dao động? Về điều này, chúng ta cần tìm được điều gì đó mà ta có thể đặt hy vọng vào. Có thể nó không nhất thiết phải là một tham vọng lớn: quyền lực, tiền bạc hay bất kỳ cái gì thuộc loại ấy. Ta có thể nói rằng mỗi người trong chúng ta trong vòng quay lớn của cuộc đời đều có một mục tiêu mà chúng ta quan tâm hơn tất cả mọi thứ. Và người nào có thể tìm được một lý tưởng để đặt hy vọng của mình vào sẽ có một mỏ neo cho cả cuộc đời họ và một nền tảng vững chắc cho nội tâm họ.

Đối với Khổng Tử, mọi mục tiêu vĩ đại đều được dựng lên trên những nền tảng giản dị và đơn sơ như vậy. Tư duy tích cực là một trong những sức mạnh lớn nhất trên thế giới, và cái mà tất cả chúng ta đều khao khát là thời gian dành để trầm tư suy ngẫm – không phải là sự xa hoa vật chất, mà là sự phong lưu của cuộc hành trình tinh thần.

Khổng Tử có lần nói rằng ông muốn đến ở vùng hẻo lánh ngoài ranh giới miền đông Trung Quốc, nơi không có cư dân người Hán mà vào thời ấy là đất của “những kẻ man di”.

Có người nói với ông rằng: “Phong tục họ thô lỗ, làm sao Ngài ở với họ được?”.

Khổng Tử đáp đơn giản rằng: “Bậc quân tử ở với họ thì giáo hóa họ, làm sao họ còn thô lỗ được?” (Luận Ngữ, IX, 13).

Có hai lý giải cho câu trả lời của Ngài. Một là, “sứ mệnh” của người quân tử đối với toàn thế giới; đối với người quân tử, bất kỳ một nơi nào cũng không khác gì một môi trường bên ngoài, dù giàu có, xa hoa, hay giản dị và thô lỗ. Hai là, tinh thần của một người quân tử có một năng lượng ổn định, thường hằng, vốn có thể tác động khiến những sự vật quanh họ tốt hơn lên. Luồng khí mà họ tạo ra quanh mình và bên trong cuộc sống riêng của họ có thể biến đổi thậm chí cả một nơi lạc hậu, thô lỗ.

Có một bài thơ Đường rất nổi tiếng ở Trung Quốc có tên là “Lậu thất minh” (Bài minh về căn nhà quê mùa) của Lưu Vũ Tích, trong đó tác giả tả về phong thái ung dung của các đại học sĩ Trung Quốc qua các thời đại đối với cuộc sống trong môi trường bần hàn xung quanh. Ông nói rằng chúng ta có thể không có khả năng thay đổi môi trường vật chất mà chúng ta sống, nhưng không cần thiết phải quá đòi hỏi trong các nhu cầu của ta, vì chính những người quanh ta mới tạo nên môi trường quan trọng nhất của ta.

Ông nói về “tiếng cười sảng khoái của người có học và bậc hiền nhân”, mô tả làm thế nào để “không có bất kỳ sự thô tục nào có thể len vào được”. Nói khác đi, ngôi nhà của một người có thể rách nát, nhưng nó là nơi mà trong đó họ và bạn bè của họ đàm luận về những hoài bão và chí hướng của mình. Vì thế điều kiện sống dù có thế nào cũng không phải là điều thực sự quan trọng.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình? Chúng ta phải có một xuất phát điểm bình dị, đơn giản, một xuất phát điểm sẽ đưa ta đến niềm hạnh phúc tinh thần.

Khi chúng ta thực sự hiểu được quan niệm về cái Chí của Khổng Tử; khi chúng ta đã đọc những lời chân thành rằng “Ta cũng thích như Điểm vậy”; khi chúng ta biết rằng một bậc hiền nhân như thế, một hình mẫu cho mọi người chúng ta qua các thời đại, lại ước mơ một cuộc sống “tắm sông Nghi, hóng gió đàn Vũ Vu”, rồi sau đó được “ca vịnh với nhau mà cùng về nhà”, thì chúng ta sẽ thấy rằng những khao khát ấy rất giống với sự đồng cảm của người ẩn sĩ với các thần linh trên trời và dưới đất được triết gia Trang Tử nói đến.

Đạo “chí hướng” sẽ mang lại cho ta một xuất phát điểm cố định và có thể tiếp cận được, một suối nguồn và kho chứa niềm hạnh phúc bên trong.

Nói khác đi, những bậc có Trí và những người có Đức ngày xưa, tất cả đều bắt đầu cuộc du hành tinh thần của mình từ một cốt lõi cố định, đó là: các giá trị cá nhân của riêng họ. Trước hết, họ đi đến chỗ hiểu những khao khát tinh thần của bản thân và chỉ sau đó, họ mới có thể vạch ra những kế hoạch lớn lao hoặc đưa ra những chí hướng cao rộng.

Tất cả chúng ta đều muốn tìm những điểm cố định trong cuộc đời mình, để chúng ta cũng có thể tìm được một xuất phát điểm cho cuộc du hành dài phía trước. Hãy xây dựng cho chúng ta sự hiền minh trong tâm hồn, được đặt nền tảng trên sự hiền minh đến từ sự tự-nhận-thức. Hãy để chúng ta bước vào sự hiền minh của Khổng Tử, để chúng ta cũng có thể là các học trò khoan hòa của Ngài, vượt qua những thay đổi và những khuấy động của thời thế để nhìn thấy gương mặt thanh bình, kiên nghị, trầm lắng của Ngài ngày hôm nay. Chúng ta hãy nhớ đến sự khuyến khích đến gần với tự nhiên của Ngài và trong những đợt ngưng nghỉ hiếm hoi của cuộc sống bận rộn, lo toan của ta, hãy thết đãi mình bằng một nghi lễ riêng, nho nhỏ của tâm hồn, không như nhà hài kịch kia, người mà nhân cách đã bị nứt gãy và không còn dám nhìn vào chính tâm hồn mình. Thực tế, trong kỷ nguyên hiện đại của chúng ta, sự trầm lắng mà chúng ta gặp được nơi những khái niệm căn bản của Khổng Tử, sự trong sáng và chân lý từ các ý tưởng của ngài, và sức mạnh mà ta thấy bên trong đó sẽ giúp ta có can đảm nuôi dưỡng tâm hồn và nhận ra rằng những gốc rễ của mọi ý hướng và mục tiêu của ta đều được tìm thấy nơi sâu thẳm bên trong ta.

Khổng Tử cũng biết những điều này khó thực hiện thế nào, nhưng lời giảng của Ngài dẫn chúng ta xuyên qua những thách thức khác nhau mà chúng ta sẽ phải đối mặt khi bước qua từng tuổi đời. Ngài giúp ta hiểu cái gì cần cho ta tại mỗi giai đoạn trong cuộc hành trình đi qua cuộc đời này.

Chú thích:

[15] Tiểu tướng: Quan phụ giúp việc tế lễ.
[16] Tăng Tử tên thật là Tăng Sâm (505 – 435 TCN), tự Tử Dư, là con trai của Tăng Điểm. Tăng Sâm nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi, nhưng là một học trò xuất sắc của Khổng Tử, được người đời kính trọng tôn xưng là Tăng Tử.
[17] Thời Xuân Thu ở nước Sở có người họ Hòa tìm được ngọc quý, mang dâng Sở Lệ Vương. Lệ Vương cho là ngọc giả, bèn chặt chân Hòa trị tội lừa dối. Sở Vũ Vương lên ngôi, Hòa lại mang dâng, Vũ Vương cũng không tin và chặt nốt chân kia của Hòa. Tới đời Sở Văn Vương, Hòa vẫn mang dâng lần nữa. Văn Vương nhận ra là ngọc quý, bèn trọng thưởng Hòa. Từ đó ngọc quý được gọi là ngọc họ Hòa nước Sở.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.