Khuyến Học

PHẦN 10: HÃY SỐNG VÀ HY VỌNG Ở TƯƠNG LAI



CÒN TRẺ MÀ LẠI MUỐN LỰA CHỌN NHỮNG CÔNG VIỆC AN NHÀN
Tiếp theo phần trước
Dâng tặng bạn hữu cùng quê Nakatsu.
Trong phần trước, tôi đã nói về “mục đích của học vấn” trên hai khía cạnh. Đó là: 1. Không nên mãn nguyện vì đã ổn định cuộc sống của riêng bản thân và gia đình mình. 2. Mỗi con người đều là một thành viên trong xã hội, vì vậy phải ý thức được vai trò đó, phải đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
Mục đích của học vấn phải đặt ở tầm cao.
Nếu tôi không nhầm thì việc nấu cơm, đun nước cũng là học vấn. Việc bàn luận về quốc gia đại sự cũng là học vấn. Nhưng lo cuộc sống của gia đình thì dễ hơn lo kinh tế, chính trị của một quốc gia. Hơn nữa, trên đời này cái gì dễ kiếm thì ít được quý trọng, càng khó kiếm thì giá trị càng cao.
Tôi nhận thấy sinh viên hiện nay có xu hướng né tránh việc khó, tìm kiếm việc dễ.
Dưới thời phong kiến, người học có miệt mài học hành cũng không có chỗ để ứng dụng học vấn, vì trong xã hội đó con người mất tự do. Do vậy, cực chẳng đã họ chỉ chì còn biết học, tự mình tích lũy học thức. Vì thế, sinh viên chúng ta hiện nay khó mà theo kịp họ về tri thức.
Sinh viên hiện nay không bị bất kỳ hạn chế nào cả. Cứ có học là có thể ứng dụng ngay kết quả học tập vào thực tế. Tôi lấy ví dụ, các sinh viên theo ngành u học trong ba năm, họ học lịch sử, học vật lý… Sau khi ra trường họ được tuyển dụng ngay tức thì để làm giáo viên giảng dạy, hoặc đi làm công chức chính quyền nếu họ muốn. Ngoài ra, nhiều người còn tìm cách đơn giản hơn, nhanh hơn. Đó là chỉ cần lùng sục và đọc qua các cuốn sách dịch(1) đang bán chạy, đi đây đi đó để có chút thực tế, tích lũy thêm một ít thông tin trong và ngoài nước, gặp dịp may là được chọn ngay vào làm việc trong các công sở. Thế là họ nghiễm nhiên trở thành một thành viên đắc lực trong bộ máy nhà nước.
———————
(1) Theo tài liệu Niên biểu tân tuyển u học thì trong khoản thời gian từ năm 1720-1867, các học giả Nhật Bản đã dịch rất nhiều tác phẩm trên mọi lĩnh vực của các học giả phương Tây để học tập. Cụ thể như sau: Lĩnh vực quân sự: 103 quyển. Thiên văn học: 27 quyển. Mỏ địa chất và động thực vật học: 17 quyển. Y học: 108 quyển. Địa lý, đo đạc: 35 quyển. Toán học và vật lý học: 29 quyển. Hóa học: 19 quyển. Chính trị kinh tế học: 24 quyển. Ngôn ngữ học: 54 quyển. Lịch sử các quốc gia trên thế giới: 51 quyển.
——————–
Nhưng điều tôi lo sợ là các hiện tượng trên đây nếu trở thành xu hướng, thành trào lưu trong xã hội thì học vấn sẽ mất đi bản chất đích thực và bản chất cao quý của nó.
Tôi nói cụ thể hơn, và thành thật xin lỗi bạn đọc vì tôi sẽ đề cập chuyện tiền bạc ra đây. Có nhiều sinh viên ngành u học tính toán thế này. Học phí một năm phải đóng khoảng một trăm yên. Ba năm theo học mất ba trăm yên. Bỏ ra khoản tiền như vậy, sau khi tốt nghiệp, nếu có việc làm, hằng tháng được lĩnh từ năm mươi đến bảy mươi yên tiền lương. Nói trắng ra, đi học có lãi thế này tội gì chẳng học.
Thế còn những người có được một mớ kiến thức rời rạc, qua số sách dịch đọc được, thì sao? Họ chẳng phải tiêu đến ba trăm yên, mà vẫn thành quan chức đàng hoàng và số thu nhập là khoản lãi ròng tròn trịa. Trên đời này không có cách kinh doanh nào lại lãi đến vậy, ngay cả những người sống chuyên bằng nghề cho vay nặng lãi cũng phải ghen tị.
Đương nhiên, thù lao cao hay thấp tùy thuộc vào mức cung cầu trên thị trường nhân lực. Hiện nay, chính phủ và nhiều bộ ngành đang cần tuyển nhiều người có kiến thức u học nên mới dẫn đến tình trạng tuyển người ồ ạt. Đừng nghĩ rằng tôi “vơ đũa cả nắm”, phê phán tất cả những người đã được tuyển dụng đều không có năng lực và là lũ cơ hội. Thiển ý của tôi, chỉ mong sao họ đừng “tham bát, bỏ mâm” mà nên tiếp tục theo học một vài năm nữa, nỗ lực tiếp thu kiến thức kỹ thuật thực hành, rồi hẵng đi làm. Như vậy, chắc chắn họ sẽ thu được thành quả lớn hơn.
Chỉ đến khi khắp mọi miền đất nước Nhật Bản, nơi đâu cũng gặp những người vừa có tài, vừa có đức, ngày đêm rèn giũa và tích lũy thực lực thì ắt hẳn đến một ngày nào đó chúng ta sẽ ngang hàng, sánh vai với văn minh của các cường quốc phương Tây.

HỌC TẬP PHƯƠNG TÂY NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC QUÁ SÙNG BÁI
Sinh viên học tập để làm gì? Nào là để giành được độc lập thực sự, để có được quyền tự chủ, tự do cho mình. Mà đúng là như vậy. Thế nhưng, đằng sau đó đương nhiên còn phải có ý thức tự giác về nghĩa vụ.
Độc lập cho bản thân mình không phải cứ miễn sao có căn nhà riêng để sinh sống, miễn sao không làm phiền, không cản trở người khác là được. Đó mới chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần.
Tạm gác sang bên vị trí của cá nhân, nếu chúng ta quan tâm tới nghĩa vụ đối với xã hội, trước hết không làm vẫn đục danh dự người Nhật Bản, tiếp đến là mọi người dân đồng lòng góp sức mang lại vị trí quốc tế trong độc lập và tự do cho Nhật Bản. Như thế mới được coi là làm tròn nghĩa vụ giữa cá nhân và xã hội.
Tôi thừa nhận những người đang toại nguyện với cuộc sống của bản thân họ trong căn nhà riêng của mình là những người độc lập. Nhưng tôi không thể thừa nhận họ là những người Nhật Bản độc lập được. Hãy thử nhìn kỹ xem. Ở thời điểm này, nền văn minh của nước Nhật Bản chỉ có Danh mà không có Thực. Về hình thức thì trông cũng được đấy, nhưng về tinh thần thì thật đáng buồn lòng.
Lực lượng quân sự của Nhật Bản, từ lục quân tới hải quân, đã có khả năng kháng cự với lực lượng quân sự của các cường quốc phương Tây chưa? Hiển nhiên là chưa. Nước Nhật Bản không thể chống chọi được với các thế lực phương Tây trong lúc này.
Thế còn trình độ học vấn của Nhật Bản hiện nay ra sao? Với nền học vấn hiện thời, chúng ta có thể đem ra rao giảng cho người phương Tây không? Rõ ràng là không có cái gì cả. Ngược lại, chúng ta phải học ở họ mọi thứ. Và không chỉ đơn thuần là cứ học những thứ mà chúng ta chưa có là được.
Mấy năm qua, chúng ta gửi lưu học sinh sang các nước phương Tây, mặc khác chúng ta đang thuê họ đến giảng dạy(1). Từ việc điều hành bộ máy chính phủ đến nội dung, phương pháp giảng dạy tại các trường công lập, từ việc chuyển đổi hệ thống hành chính của ba phủ đến việc vận hành năm cảng quốc tế(2), từ việc lập các kế hoạch sản xuất kinh doanh của các công ty tư nhân đến hình mẫu của các trường tư thục, không chỗ nào là chúng ta không phải thuê người phương Tây(3). Chúng ta trả lương cao, tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho họ và trông cậy ở họ nhiều thứ. Chúng ta sử dụng thế mạnh của họ để bổ sung cho điểm yếu kém của chúng ta.
——————————
1. Theo tài liệu u học và công cuộc Minh Trị Duy tân, ngay từ năm 1853, u học đã phát triển rộng khắp ở Nhật Bản. 35% số trường học lúc đó đã đưa môn khoa học tự nhiên vào chương trình giảng dạy. Từ năm 1868, trong số 240 trường học trên toàn quốc Nhật Bản, có 141 trường đưa toán học vào chương trình giảng dạy, 68 trường dạy Y học, 5 trường học dạy Thiên văn học. Từ 1872 (năm Minh trị thứ năm), chính phủ Minh trị ban hành chế độ giáo dục bắt buộc trên toàn quốc 4 năm cấp một và 4 năm cấp hai.
2. Ba phủ là Tokyo, Osaka và Kyoto. Năm cảng quốc tế là Yokohama, Kobe, Nagasaki, Nigata và Hakone.
3. Để học hỏi thể chế chính trị, xã hội và kỹ thuật phương Tây chỉ riêng chính phủ Minh trị đã thuê hơn 500 chuyên gia, học giả trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là Giáo dục, Luật pháp, Xây dựng, Nông nghiệp và In ấn, sang Nhật Bản làm việc trong suốt thời kỳ Minh Trị Duy tân (1868-1912).
—————————–
Càng ngẫm càng thấy phương Tây hơn hẳn chúng ta về mọi mặt. Mà cũng phải thôi. Nước Nhật Bản theo đuổi chính sách đóng cửa “bế quan tỏa cảng” cả mấy trăm năm, mới mở cửa được vài năm nay. Mối giao thương với các quốc gia văn minh Tây phương lại phát triển quá nhanh, không sao theo kịp. Vì vậy, chúng ta đang ở trong tình trạng giống như lửa gặp nước, làm cái gì cũng chưa được. Chúng ta trong tình trạng phải chịu đựng cho đến khi chúng ta có đủ lực. Khi đó chúng ta không phải thuê người phương Tây nhiều như hiện nay, chúng ta không phải nhập ồ ạt hàng hóa của họ như hiện nay. Nhưng hỗn loạn trong buổi đầu du nhập văn minh phương Tây là điều không tránh khỏi. Việc chính phủ Nhật Bản yêu cầu phương Tây viện trợ, cung cấp văn minh cho chúng ta cũng không phải là sai.
Những điều quan trọng mà tôi muốn nói là tất cả những gì đang diễn ra trên đất nước ta hiện nay cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Chúng ta không thể thuê vĩnh viễn người phương Tây làm thay chúng ta. Chúng ta ra sức học tập họ, nhưng không nên quá sùng bái, tôn thờ họ.
Có cách nào để Nhật Bản không phụ thuộc vào quốc gia khác? Làm như thế nào để chúng ta có thể đi trên đất nước mình bằng chính đôi chân của chúng ta? Để đạt điều này, chúng ta cần phải vượt qua cả một chặng đường vô cùng khó khăn.
Các bạn sinh viên! Chỉ có một cách, đó là các bạn phải ra sức học tập, chờ ngày đem mọi tinh lực ra phục vụ cho đất nước. Chính điều này cũng là trách nhiệm mà các bạn phải gánh trên vai, là trách nhiệm vô cùng cấp bách.

HY VỌNG VÀO TƯƠNG LAI XÁN LẠN LÀ LIỀU THUỐC AN ỦI NỖI BẤT HẠNH HIỆN THỜI
Thực lực của thanh niên sinh viên Nhật Bản còn yếu nên chúng ta vẫn phải tiếp tục mời người nước ngoài vào làm việc thay. Trình độ sản xuất của nước ta còn thấp nên chúng ta phải nhập hàng hóa từ nước ngoài. Việc chúng ta phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa cũng bởi vì trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết, như thế có khác nào “ky cóp cho cọp nó xơi”.
Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã với tư cách là những nhà tri thức, những người quyết chí theo đuổi sự nghiệp học hành.
Tuy vậy, đã là con người, ai nấy cũng đều hy vọng vào tương lai. Không có hy vọng thì không thể cố gắng trong mọi việc. Chính vì hy vọng vào tiền đồ xán lạn nên con người mới có sức lực, mới có tinh thần chịu đựng được mọi nỗi bất hạnh hiện thời. Ngày xưa, mọi sự vật trên đời đều bị trói buộc trong các hủ tục tập quán cũ. Ngay cả người can đảm nhất cũng không dám hy vọng, không dám đánh cược vào tương lai.
Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Mọi sự trói buộc đã bị quét sạch. Xã hội mới đang xuất hiện vì các bạn, mọi chốn mọi nơi đều có những công việc đang đợi các bạn. Làm nông nghiệp, làm thương nghiệp, trở thành học giả, trở thành quan chức chính phủ… mọi thứ các bạn đều có thể làm được. Viết sách, soạn thảo luật pháp, nghiên cứu nghệ thuật, khởi sự doanh nghiệp, trở thành nghị sĩ quốc hội… tất cả đều tùy thuộc vào năng lực của các bạn.
Hơn nữa, đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.
Vì lẽ đó, niềm hy vọng của chúng ta lớn lao thế nào, mục tiêu rõ ràng ra sao, chắc các bạn đều đã hiểu.
Phát triển quốc gia là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ. Tuy vậy, dù có thế nào đi nữa thì sự nghiệp khẩn cấp nhất – vì đất nước Nhật Bản hiện nay – là mọi quốc dân chúng ta, bất kể người nào cũng phải học tập, phải nghiên cứu. Nhất là sinh viên – những người ý thức rõ nhất nghĩa vụ của quốc dân – lại càng không thể bàng quan trước sự tình của đất nước. Phấn đấu học tập là công việc quan trọng nhất trong lúc này của các bạn.
Nếu nghĩ được như vậy thì sinh viên hiện nay quyết không thể thỏa mãn với một chút kiến thức học được ở trong nhà trường. Cần phải đặt mục tiêu cao hơn, xa hơn. Cần tìm hiểu cặn kẽ bản chất của học thuật. Cần phải xây dựng được vị trí độc lập đích thực. Dù chỉ một mình – không có bạn cùng chí hướng – cũng phải có khí phách để xây dựng đất nước Nhật Bản, tận tâm tận tụy đem hết mọi khả năng đóng góp cho xã hội.
Từ trước tới nay, tôi vốn không ưa lối học của các sĩ phu, các nhà nho tối ngày vùi đầu dùi mài kinh sử, làm thơ phú, câu đối theo kiểu khoa cử Trung Hoa vì với lối học đó, có đỗ đạt ra làm quan, họ chỉ biết cai trị xã hội, cai trị dân chúng hoàn toàn theo cảm tính. Chính vì thế, ngay từ Phần Một, tôi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của “Thực học”, học các môn tự nhiên, các môn xã hội, ứng dụng vào cuộc sống thường ngày, sao cho tất cả mọi người đều có thể gây dựng cuộc sống bằng trách nhiệm và khả năng của chính mình. Tôi nhấn mạnh tới tầm quan trọng về sự bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội.

HÃY CAN ĐẢM LÊN HỠI CÁC BẠN HỮU NAKATSU!
Gần đây, tôi nghe nói trong số bạn bè cũ vùng Nakatsu quê tôi, có nhiều người bỏ dở việc học hành, vội vàng tìm kế sinh nhai. Lẽ dĩ nhiên, tôi không coi nhẹ việc mưu sinh. Con người ta, có người tài có người không. Vì vậy, việc sớm quyết định tương lai của cuộc đời tùy vào cảnh ngộ cũng là lẽ bình thường. Nhưng nếu hiện tượng này biến thành phong trào trong xã hội – tất cả mọi người, ai ai cũng chỉ nghĩ kế sinh nhai, cứ đua nhau bỏ ngang việc học hành như thế – thì tôi sợ rằng sẽ làm thui chột tài năng không chỉ thế hệ hiện nay mà còn làm hỏng cả thế hệ mai sau nữa. Điều này vừa làm thiệt thòi cho các em, vừa làm tổn thất cho xã hội.
Vẫn biết rằng cuộc sống còn cơ cực, nhưng nếu bình tâm suy nghĩ cho kỹ về kinh tế, thì cái được, sau nhũng nỗ lực và cần kiệm, do biết chờ thời để đạt được thành quả lớn sau này – chẳng phải là nhiều hơn so với việc kiếm được một chút ít tiền bạc trước mắt và sự ổn định nhỏ bé hay sao.
Cho dù còn phải mặc áo vá, phải ăn gạo hẩm cơm độn, phải chịu nóng, chịu rét cũng vẫn học được.
Thức ăn của con người, không cứ gì phải món u mới là ngon. Dù húp canh rong biển(1), dù ăn kê, ăn mạch vẫn học được văn minh Tây u chứ sao.
————
1. Misoshiru: loại canh người Nhật thường ăn, gồm mắm tương, một chút rong biển nấu với nước sôi.
————
Đã quyết chí học hành thì phải học cho đến nơi đến chốn.
Còn nếu theo nghề nông thì phải quyết trở thành hào phú.
Nếu làm thương nghiệp thì phải quyết trở thành đại thương gia.
Sinh viên không được mãn nguyện vì sự ổn định cỏn con.

Tháng Sáu năm Minh Trị thứ bảy
(tức năm 1874)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.