Kim Bình Mai
Hồi 22
Tây Môn Khánh về tới nhà, xuống ngựa một mình đi vào, đám gia nhân dẫn ngựa vào chuồng. Tây Môn Khánh đi ngang hành lang phòng Nguyệt nương, thấy Tiểu Ngọc đang bày bàn thờ, bèn lấy làm lạ, núp vào sau tường mà rình. Nguyên ít lâu nay, Nguyệt nương thấy chồng ghẻ lạnh với mình thì buồn tủi lắm, một tháng ăn chay ba ngày, lại thường cúng vái trời đất để mong chồng hồi tâm.
Lát sau, Tiểu Ngọc bày biện bàn thờ đồ cúng xong, Nguyệt nương xiêm áo chỉnh tề bước ra thắp nhang, vái trời đất rồi khấn rằng:
Con họ Ngô, về làm dâu họ Tây Môn đã lâu. Hiềm vì chồng con mê chuyện yên hoa nên đã vào tuổi trung niên mà không có con trai. Hai đời vợ, năm người thiếp mà chẳng ai sinh nở. Con hằng run sợ, cho là mình bạc phúc sau này không nơi nương tựa. Nay con phát thành tâm, đêm đêm khấn vái chín phương trời mười phương Phật, xui khiến cho chồng con sớm hồi tâm, xa chốn phồn hoa, lo bề gia sự, cho thê thiếp trong nhà sớm sinh con trai nối dõi tông đường, để cho vợ chồng có nơi nương tựa về sau. Đó là sở nguyện của con vậy.
Tây Môn Khánh nghe vợ khấn vái thì xúc động nghĩ thầm:
“Vậy mà bấy lâu nay mình xử tệ với vợ để vợ buồn lòng, trong khi vợ lúc nào cũng chỉ một lòng vì mình, vì gia đình. Vợ mình quả là người vợ hiền thục hiếm có”.
Nói xong nhẹ nhàng bước tới ôm lấy Nguyệt nương. Nguyệt nương thấy trời đã khuya, bên ngoài tuyết rơi nhiều. tưởng là “ma quái tới nhát, bèn kêu lên sợ hãi rồi định vùng bỏ chạy, nhưng Tây Môn Khánh kịp giữ lại bảo:
Vợ hiền của tôi ơi, quả là tôi không hiểu được lòng nàng nên mới có tội với nàng, nay tôi hiểu ra, hối hận thì cũng muộn rồi, nàng đã phải khổ vì tôi từ bấy lâu nay. Nguyệt nương tuy xúc động nhưng còn nói lẫy:
Trời tuyết như thế này, chàng thiếu gì chỗ vui thú, sao lại một mình ướt át lần mò tới đây làm gì ?
Tôi chỉ là con dâm phụ bất lương như lời chàng vẫn nói mà thôi, có tình có nghĩa gì với chàng đâu. Chàng cũng chẳng nên để ý tới tôi làm gì nữa, hai chúng mình đã nói là suốt đời không nhìn mặt nhau rồi mà.
Tây Môn Khánh không nói gì, chỉ cầm tay Nguyệt nương dẫn vào phòng, ngồi xuống ngắm, thấy Nguyệt nương ăn mặc giản dị, nhưng vẻ đẹp dường như tăng thêm muôn phần thanh tao kiều diễm. Ngắm một lúc, Tây Môn Khánh đứng dậy, vái Nguyệt nương một vái rồi nói:
Tôi là Tây Môn Khánh, nhất thời mê muội không chịu nghe lời phải của nàng, nay xin vái một vái mà nhận lỗi. Tôi quả là ngọc Kình sơn trước mắt không thấy, lại chỉ say mê loại đất đá tầm thường, xin nàng thứ lỗi cho.
Nguyệt nương nói:
Tôi xưa nay có bao giờ hợp ý chàng đâu, cho nên có được lời phải nào mà khuyên chàng ? Chàng làm như thế này quả là tôi không được yên lòng chút nào. Thôi, bây giờ chàng tới phòng nào để tôi bảo a hoàn nó đưa đi.
Tây Môn Khánh bảo:
Hôm nay ở ngoài gặp chuyện bực mình, nên dù trời tuyết tôi cũng về nhà, muốn nói với nàng cho bớt tức.
Nguyệt nương bảo:
Tức hay không tức thì cũng đừng nói với tôi làm gì. Đi nói với ai thì nói cho nó tâm đầu ý hợp.
Tây Môn Khánh thấy vợ còn giận, bèn quỳ ngay xuống mà nói những lời thành thật. Nguyệt nương không nỡ để chồng quỳ, nhưng cũng không muốn đỡ dậy, bèn bảo:
Chàng có đứng dậy không ? Tôi gọi a hoàn nó vào cho nó nhìn thấy bây giờ.
Đoạn quay ra gọi Tiểu Ngọc, Tây Môn Khánh thấy vậy, vội vàng đứng dậy. Tiểu Ngọc chạy vào khoanh tay đứng hầu. Tây Môn Khánh muốn đuổi Tiểu Ngọc ra bèn bảo:
Trời đang có tuyết, bàn thờ ở ngoài hành lang ướt hết, sao ngươi không ra dọn dẹp ? Tiểu Ngọc thưa:
Bàn thờ ngoài đó tôi đã dọn xong từ nãy rồi.
Rõ không biết xấu, sai a hoàn mà cũng chẳng nên thân. Tiểu Ngọc hiểu ý lui ra. Tây Môn Khánh lại quỳ xuống năn nỉ vợ. Nguyệt nương đỡ chồng dậy, gọi Ngọc Tiêu mang trà vào, hai vợ chồng uống trà nói chuyện, tình vợ chồng thân ái mặn mà hơn trước. Tây Môn Khánh kể lại cho vợ nghe chuyện bực mình hồi tối tại nhà Quế Thư, lại nói là mình đã thề không tới đó nữa. Nguyệt nương bảo:
Chàng tới đó nữa hay không tới nữa là do chàng. Có điều tôi muốn nói cho chàng biết là những thứ đó dù chàng có bỏ tiền ra bao nó, nuôi cả gia đình nó thì nó vẫn tiếp khách khác như thường. Tiền của chàng chỉ mua được thân nó chứ không mua được lòng dạ nó đâu.
Vợ chồng nói chuyện một lúc rồi cùng nhau đi nghỉ. Đêm đó tình nghĩa mặn mà như cá với nước, nồng thắm không sao kể xiết. Hôm sau, mới sáng sớm, Ngọc Lâu đã tới phòng Kim Liên vừa tới đã hỏi:
Ngũ nương dậy chưa ?
Xuân Mai chạy ra đáp:
– Nương nương tôi cũng mới vừa dậy, đang chải đẩu, mời Tam nương vào.
Ngọc Lâu bước vào, thấy Kim Liên đang trang điểm trước gương, bèn ngồi xuống bên cạnh mà bảo:
Tôi có chuyện này muốn nói với thư thư, chẳng hay thư thư đã biết chưa. Kim Liên đáp:
Không phải là chuyện của tôi thì làm sao tôi biết được, mà chuyện gì vậy ? Ngọc Lâu làm vẻ quan trọng:
Này, canh hai tối qua gia gia về nhà, lên phòng trên cùng Đại nương tương đắc lắm, lại nghỉ đêm với Đại nương.
Sao lạ vậy nhỉ, hai người bao lâu nay như mặt trăng mặt trời, ai khuyên bảo thế nào cũng không được sao bây giờ tự nhiên lại làm lành với nhau mau chóng vậy, hay là có ai khuyên nhủ gì chăng ?
Ngọc Lâu nói:
Mãi sáng hôm nay tôi mới biết đây này. Con a hoàn Lan Hương của tôi sáng nay xuống bếp, nghe đám gia nhân a hoàn nói lại là hôm qua chẳng biết gia gia cùng bạn bè tức giận gì mà phá phách nhà Lý Quế Thư, rồi trời tuyết như vậy mà gia gia cũng về nhà. Tới nhà, tình cờ gia gia chứng kiến Đại nương lễ bái khấn khứa gì đó, rồi hai người làm hòa với nhau. Bọn a hoàn nói chuyện buồn cười lắm, nói là gia gia quỳ trước mặt Đại nương mà van xin thứ lỗi, thế mới lạ chứ.
Kim Liên tiếp lời:
Thế thì ghê thật, Đại nương quả là người cơ mưu lắm. Người ta lễ bái khấn khứa gì thì khấn nho nhỏ được rồi, chắc là Đại nương biết có gia gia đứng. nghe nên mới cố ý khấn to lên, rồi nhân đó mà kể lể này kia chứ gì. Gia gia nghe được tất phải cảm động, như vậy chẳng cần ai khuyên bảo mà chồng cũng hồi tâm quay lại với mình.
Ngọc Lâu bảo:
Chưa chắc đã phải là Đại nương giả vờ làm vậy đâu. Đại nương tuy ngoài mặt giận gia gia nhưng trong lòng lúc nào cũng muốn nhà cửa được êm ấm. Bây giờ như thế này cũng là mừng rồi. Đại nương mà vui vẻ thì bọn mình cũng được yên. Cho nên bây giờ tôi tính thế này, hai đứa mình tới gặp Nhị thư thư, mỗi người bỏ ra ít tiền, chung nhau làm một bữa tiệc, trước là để mừng gia gia, Đại nương hòa hợp, sau là nhân trời có tuyết, mình họp nhau lại uống rượu thưởng tuyết, không vui hay sao ? Thư thư nghĩ thế nào ?
Kim Liên bảo:
Vậy cũng được, nhưng không biết gia gia hôm nay có rảnh rang ở nhà hay không. Ngọc Lâu bảo:
Trời tuyết như thế này mà đi đâu, hồi nãy đi ngang phòng trên, tôi thấy Tiểu Ngọc bưng nước rửa mặt vào, chắc là hai ông bà mới dậy.
Kim Liên trang điểm xong, vội cùng Ngọc Lâu sang bên Lý Bình Nhi. Bình Nhi còn nằm trên giường. Nghênh Xuân vào báo:
Có Tam nương và Ngũ nương tới.
Hai người bước vào cười bảo:
– An nhàn tự tại quá nhỉ, giờ này mà còn nằm sao ?
Kim Liên nhìn vào, thấy Bình Nhi nằm ngủ mà không mặc áo bèn bảo:
Lục thư thư nằm đắp chăn cứ như cái trứng trong vỏ, kéo chăn ra thì da thịt cứ như trứng gà bóc ấy thôi. Bình Nhi vơ áo mặc không kịp, Ngọc Lâu bảo:
Ngũ thư thư đừng chọc phá người ta nữa.
Đoạn nói với Bình Nhi:
– Thư thư dậy mau lên, chúng tôi có chuyện muốn bàn với thư thư đây.
Bình Nhi xiêm áo chỉnh tề xong. Ngọc Lâu lặp lại câu chuyện hồi nãy, Bình Nhi nghe xong bảo:
Nếu vậy thì tùy các thư thư, muốn tôi xuất ra bao nhiêu cũng được. Kim Liên bảo:
Chúng tôi nghèo thì đóng ít, thư thư giàu thì đóng nhiều, thư thư cứ bỏ ra một lạng là được rồi.
Lát nữa tôi sẽ gặp Kiều Nhi và Tuyết Nga, rủ cùng góp cho vui. Bình Nhi vừa lau mặt, trang điểm, vừa bảo Nghênh Xuân mở rương ra, lấy một thỏi bạc đưa cho Ngọc Lâu. Kim Liên ghé mắt nhìn vào tờ giấy bọc ngoài thỏi bạc thì thấy ghi là trọng lượng một lạng hai tiền năm phân.
Ngọc Lâu cầm bạc bảo Kim Liên:
Thư thư ngồi đây với Lục thư thư nhé, để tôi đi gặp Kiều Nhi và Tuyết Nga. Kim Liên gật đầu. Lát sau, Ngọc Lâu trở lại bảo:
Kiều Nhi mới đầu nói là không có tiền, lấy cớ tiền bạc chi tiêu trong nhà đều có sổ sách, không thể thiếu được, nên không biết lấy tiền ở đâu ra mà đóng góp. Tôi mới bảo là người giữ tiền chi tiêu trong nhà như Kiều Nhi mà nói là không có tiền thì chúng mình đây có ai có tiền nữa. Sổ sách là một chuyện khác nếu không có tiền thì thôi vậy. Tôi nói xong, bèn giả vờ tức giận quay ra, Kiều Nhi hoảng lên giữ tôi lại rồi lòi tiền ra, lại năn nỉ là tôi đừng giận.
Nói xong đưa số bạc của Kiều Nhi ra. Kim Liên cầm lấy, thấy quá nhẹ, chỉ độ gần năm tiền, bèn nói:
Con dâm phụ đó gian hoạt thật, mà lại bủn xỉn nữa. Lục thư thư đây đóng nhiều không nói làm gì, còn mọi người ít nhất phải là năm tiền, vậy mà nó cũng không đóng cho đủ số nữa.
Mọi người đóng góp xong xuôi thì được tất cả ngoài ba lạng. Kim Liên cho gọi Đại An tới hỏi:
Hôm qua mày theo gia gia, có biết tại sao lại xảy ra chuyện đập phá nhà Quế Thư không ?
Đại An bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện đại náo nhà Quế Thư đêm trước, một điều gọi Quế Thư là dâm phụ, hai điều gọi Quế Thư là dâm phụ. Kim Liên nghe xong hỏi:
Lạ nhỉ, gia gia say mê Quế Thư là như thế, vậy mà thề không tới nữa sao. Đại An, mày nói thật không đấy ?
Đại An thưa:
Tôi đâu dám nói láo, đánh lừa nương nương. Kim Liên mắng:
Thằng khốn kia, người ta chẳng gì cũng là cháu của Nhị nương nhà này, sao mày dám ăn nói hỗn hào ? Mày là gớm lắm, mày chỉ biết có gia gia thôi, gia gia yêu quý ai thì mày nịnh hót bợ đỡ người đó.
Chúng tao đây sai mày chuyện gì mày lờ đờ lẫn đẫn, vậy mà gia gia sai mày tới nhà
Quế Thư thì mày tong tóc đi ngay. Bây giờ gia gia tức giận Quế Thư thì mày lại gọi Quế Thư là dâm phụ này dâm phụ kia. Để rồi tao nói lại cho gia gia hay.
Đại An nói:
Tôi đâu dám nói người ta như vậy, đấy là trong khi kể chuyện, tôi nhắc lại những lời gia gia mắng người ta mà thôi.
Kim Liên bảo:
Gia gia nói vậy thì được, bây giờ mày cũng dám nói vậy hay sao ?
Đại An nói:
Nếu tôi biết trước là Ngũ nương làm khó tôi thì tôi đã chẳng nói cho Ngũ nương nghe làm gì.
Thôi đi thằng khốn kia, mày định đứng đó mà đấu khẩu với Ngũ nương sao đây ? Hôm nay chúng ta cho gọi mày là để sai việc mày. Hơn ba lạng bạc đây, mày cầm lấy rồi cùng với thằng Lai Hưng mua rượu và các đồ ăn, chúng tao muốn đãi tiệc, mời gia. gia và Đại nương uống rượu thưởng tuyết. Nếu mày lo việc này cho chu đáo thì để tao nói với Ngũ nương bỏ qua cho mày, không nói với gia gia nữa.
Đại An nói:
Các nương nương sai tôi thì tôi xin hết lòng.
Nói xong cầm lấy tiền, trở ra tìm Lai Hưng lo bữa tiệc.
Tây Môn Khánh thức dậy đã lâu, quần áo chỉnh tề, ngồi trong phòng Nguyệt nương nhìn ra trời tuyết, thấy Lai Hưng đi trước, lễ mễ xách gà vịt tiến về phía nhà bếp, rồi thấy Đại An đi sau ôm mấy vò rượu Kim Hoa, bèn hỏi Ngọc Tiêu đang đứng cạnh:
Mấy đứa đó mua đồ ăn về làm gì ? Ai đãi tiệc vậy? Ngọc Tiêu thưa:
Hôm nay các nương nương đặt tiệc để mời gia gia và nương nương uống rượu thưởng tuyết.
Đại An xách rượu đi ngang. Tây Môn Khánh hỏi:
Rượu đó là của ai mua? Đại An thưa:
Do Tam thư và tôi bỏ tiền ra mua. Tây Môn Khánh bảo:
Nhà có nhiều rượu, việc gì phải đi mua.
Nói xong đưa chìa khóa bảo Đại An mở kho lấy ra hai vò rượu Mạt Lỵ. Lát sau trong nội sảnh, bàn ghế được kê dọn, xung quanh là bình phong, cẩm trướng và rèm Mai Hoa, tiệc rược bày ra. Năm người thiếp kéo nhau lên phòng trên mời Tây Môn Khánh và Nguyệt nương vào tiệc, rồi người rót rượu, kẻ nâng chung, trước tiên mời Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh tiếp lấy chung rượu đầu tiên cười bảo: – Các nàng hôm nay bày vẽ quá.
Mấy người thiếp lại rót rượu mời Nguyệt nương. Nguyệt nương bảo:
Các muội muội muốn làm tiệc thưởng tuyết, sao không nói với tôi một tiếng, các muội muội thật có lòng với tôi quá.
Ngọc Lâu cười:
Có gì đâu, nhân trời xuống tuyết, chúng tôi có chén rượu nhạt mời gia và nương nương tới để giải muộn mà thôi.
Sau đổ năm người thiếp bước tới lạy mừng Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh vui vẻ nâng từng người dậy. Họ lại tới lạy Nguyệt nương. Nguyệt nương đứng dậy, không chịu nhận lễ. Ngọc Lâu bảo:
Nếu Đại nương không chịu ngồi nhận lễ thì chúng tôi cũng không đứng dậy đâu. Nguyệt nương bất đắc dĩ phải ngồi xuống, nhưng các nàng thiếp mới chỉ lạy được một lạy đã vội đỡ dậy. Sau đó mọi người phân ngôi thứ, ngồi vào bàn tiệc. Kim Liên cười bảo Nguyệt nương:
Hôm nay có đầy đủ chúng tôi đây, xin Đại nương bỏ qua hết lỗi lẩm của gia gia, nếu lần sau gia gia còn phạm lỗi, chúng tôi không dám xin nữa.
Đoạn qua sang bảo Tây Môn Khánh:
Bây giờ chàng còn ngồi đó mà không chịu rót rượu mời Đại nương hay sao ? Tây Môn Khánh chỉ cười. Mọi người uống rượu chuyện trò vui vẻ.
Nguyệt nương sai Ngọc Tiêu rót rượu mời lại đám tiểu thiếp. Kim Liên nhắc:
Lục thư à, thư thư cũng nên đứng dậy mời rượu Đại nương, lúc trước cũng chỉ vì chuyện của thư thư mà Đại nương phải chịu buồn phiền đó.
Bình Nhi vừa định đứng dậy rót rượu mời thì Tây Môn Khánh ngăn lại:
Nàng đừng nghe lời Kim Liên, nó đặt điều đánh lừa nàng đó. Hồi nãy có mời rượu rồi, bây giờ thì miễn đi, nên ngồi ăn uống vui vẻ là hơn. Rượu được vài tuần thì ban gia nhạc kéo ra, Xuân Mai đàn tỳ bà, Nghênh Xuân đàn tranh, Ngọc Tiêu đàn huyền, Lan Hương đàn nguyệt, vừa đàn vừa hát bài hát “Nam thạch lựu hoa, quế kỳ trùng hội”.
Tây Môn Khánh nghe xong hỏi:
Ai dặn các ngươi là hát bài đó?
– Ngũ nương dặn chúng tôi.
Nàng là lắm chuyện lắm đấy nhé. Kim Liên cũng cười:
Ai dặn chúng nó hát, bây giờ chúng nó lại đổ cho tôi. Nguyệt nương bảo:
Sao không gọi Trần hiền tế cùng ra đây cho vui. Nói xong sai gia nhân mời vợ chồng Kính Tế ra, Kính Tế bước ra vái chào mọi người, hai vợ chồng ngồi đối diện nhau ở cuối bàn tiệc. Bên ngoài trời tuyết thật đẹp, tuyết rơi như những sợi tơ bạc quấn quít, như trăm nghìn cánh hoa lê bay lả tả Mọi người vừa uống rượu vừa ngắm tuyết. Tiệc rượu xong, Nguyệt nương đích thân lo pha trà quý cho mọi người cùng uống. Mới được một tuần trà thì Đại An vào thưa:
Lý Minh tới, đang đứng ở ngoài chờ lệnh. Tây Môn Khánh bảo:
Mời vào đây.
Ngươi từ đâu tới vậy ? Tới đây cũng đúng lúc. Lý Minh đáp:
Tôi ở bên Lưu công dạy nhạc rồi về đây để dạy cho đám nhà này. Tây Môn Khánh đưa cho Lý Minh một chung trà Mộc Trĩ mà bảo:
Thôi hôm nay không phải dạy nữa, uống trà đi rồi hát cho ta nghe một bài.
Lý Minh uống trà rồi tới chỗ ban nhạc, cầm cây đàn tranh so giây, lại đằng hắng mấy tiếng rồi hát bài:
“Đông cảnh ráng đô xuân”. Khúc hát chấm đứt, mọi người khen hay. Tây Môn Khánh bảo Tiểu Ngọc đem rượu ra rót mời. Lý Minh uống một lượt ba chung. Sau đó Tây Môn Khánh gọi Lý Minh, cho ngồi chung bàn rồi bảo a hoàn đem thức ăn và rượu ra mời. Lý Minh cảm tạ rồi ngồi vào ăn uống. Tây Môn Khánh kể lại vụ lộn xộn tối qua tại nhà Quế Thư. Lý Minh nghe xong nói:
Tôi quả không biết chuyện đó, nhưng xin gia gia đừng giận, để hôm nào gặp tôi sẽ nói, hồi này tôi cũng ít tới đó.
Mọi người chuyện trò một lát, gia nhân lại đem các món ăn khác lên, tiệc lại tiếp tục. Cứ như thế cho tới tối. Vợ chồng Kính Tế cáo từ trước, rồi tới Lý Minh. Tây Môn Khánh dặn:
Ngươi có tới đằng đó thì đừng nói là hôm nay ăn tiệc tại đây.
Lý Minh đáp:
– Vâng, tôi xin nhớ.
Tây Môn Khánh sai gia nhân đưa Lý Minh ra cổng. Đám tiểu thiếp sau một ngày vui vẻ cũng ai về phòng nấy. Tây Môn Khánh lại ở đêm với Nguyệt nương. Hôm sau thì tuyết lạnh, nhà họ Lý sợ Tây Môn Khánh trả thù, nhờ Ứng, Tạ hai người tới gặp Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh và Nguyệt nương đã dậy, đang ăn sáng trong phòng, Đại An vào thưa.
– Có Ứng nhị gia và Tạ đại gia tới.
Tây Môn Khánh đứng dậy định bước ra thì Nguyệt nương bảo:
Hai ông trời đánh đó lại tới đây để rủ chàng đi chơi chứ gì? Trời tuyết lạnh thế này mà đi đâu. Vả lại hôm nay cũng là ngày sinh nhật của Tam muội đó.
Tây Môn Khánh nói:
Biết rồi, tôi không đi đâu.
Đoạn gọi gia nhân đem bánh ra phòng khách, rồi bước ra. Tại phòng khách, đôi bên chào hỏi rồi an tọa. Ứng Bá Tước nói:
Chuyện tối qua quả là đáng giận, chẳng những đại ca mà cả chúng tôi cũng tức giận nữa. Sau khi đại ca về rồi, chúng tôi còn ở lại mắng cho mẹ con họ một trận. Mẹ con sợ hãi và hối hận lắm. Sáng sớm hôm nay họ đã sai người mời chúng tôi tới, rồi cả mẹ lẫn con kêu khóc, quỳ nhờ chúng tôi đến nói với đại ca, vì họ sợ đại ca làm khó dễ trừng phạt họ. Hiện ở đằng đó đã dọn sẵn tiệc rượu, nhờ chúng tôi thỉnh đại ca tới cho họ được xin tha tội. Tây Môn Khánh nói:
Tôi chẳng trả thù làm gì, nhưng từ nay tôi không tới đó nữa.
Ứng Bá Tước nói:
Đại ca giận là phải, nhưng tôi xin nói để đại ca rõ là chuyện này quả không phải là tội của Quế Thư. Đinh Nhị quan nhân chỉ thân với Quế Khanh mà thôi. Nguyên là thuyền chở hàng của cha Đinh Nhị cùng thuyền chở hàng của Trần Giám sinh mới ghé đây vài ba bữa. Trần Giám sinh lại là con của Trần Tham chính. Đinh Nhị muốn làm tiệc tại nhà để đãi Trần Giám sinh, nên mới tới để một mặt mời Quế Khanh, một mặt đưa tiền cho Quế Thư, vì Quế Thư giữ tiền bạc trong nhà. Đúng lúc Đinh Nhị đem tiền tới thì anh em mình tới, Lý ma ma sợ phật lòng đại ca nên phải giấu họ vào nhà sau. Sáng nay mẹ con họ kể lại rồi khóc lóc thề độc đủ điều, lại lạy chúng tôi như tế sao, nhờ tới nói với đại ca, thỉnh đại ca tới cho họ tạ tội và kể lể sự tình, hầu đại ca bớt giận. Tây Môn Khánh nói:
Tôi cũng thề với tiện nội là không tới nữa, như vậy tôi còn giận gì đâu, nhị ca cứ tới nói với họ là họ cứ yên lòng, đừng nghĩ ngợi gì cả. Vả lại hôm nay trong nhà tôi cũng có chút việc, không đi được đâu.
Hai người nghe vậy thì hoảng quá, vì đã trót ăn tiền của nhà họ Lý, nên vội quỳ ngay cả xuống, Ứng Bá Tước nói:
Đại ca nói vậy sao được, họ không được tạ tội với đại ca thì làm sao yên tâm mà sống. Vả lại, như thế này chẳng hóa ra chúng tôi không mời nổi Đại ca hay sao ? Chúng tôi còn mặt mũi nào tới gặp họ nữa.
Hai người thay nhau cầu khẩn, lát sau Tây Môn Khánh xiêu lòng, sai Đại An vào lấy mũ áo, Nguyệt nương đang ngồi nói chuyện với Ngọc Lâu thấy ĐạiAn vào bèn hỏi:
Gia gia ngươi định đi đâu vậy ?
Đại An đáp:
Tôi cũng không biết, gia gia chỉ sai vào lấy quần áo mà thôi. Nguyệt nương nói:
Thằng khốn, mày lại nói dối tao để che chở cho chủ mày phải không ? Hôm nay là sinh nhật của Tam nương, gia gia mà trễ là tao đánh mày tuốt xác.
Đại An nói:
Tôi có tội gì đâu.
Gia gia mày đã bị mấy tên trời đánh đó lôi đi thì mày có bổn phận phải nhắc gia gia mày về sớm, gia gia về trễ là tội của mày chứ còn sao nữa. Tao biết mà, mấy tên trời đánh đó tới đây là mày mừng lắm, được đi chơi mà…
Đại An lấy mũ áo rồi lui ra. Nguyệt nương sai gia nhân dọn tiệc để mừng sinh nhật Ngọc Lâu.
Trong khi đó, Tây Môn Khánh mới cùng hai bạn tới cổng nhà họ Lý thì Lý bà đã chạy ra quỳ xuống mà đón tiếp, Quế Khanh, Quế Thư chờ sẵn ngoài thềm, trong nhà tiệc đã dọn xong, hai ca nữ được mời tới đang đàn hát chào mừng. Ba người vào tiệc, Quế Khanh rót rượu, Quế Thư nâng chung chuốc cho Tây Môn Khánh. Úng, Tạ, hai người ngồi hai bên. Ứng Bá Tước cười bảo:
Hai anh em chúng tôi nói gẫy cả lưỡi, quỳ gãy cả gối mới thỉnh được quan nhân tới đây, vậy mà giờ này không mời anh em chúng tôi được một tiếng hay sao ? Quan nhân mà hôm nay không chịu đến thì mẹ con chị em nhà này tha hồ mà khóc sưng mắt. Thật đồ bạc bẽo vô ơn quá. Quế Thư lườm Ứng Bá Tước:
Thôi đi ông, đừng mắng chúng tôi mà cũng đừng Tào Tháo kể ơn nữa, có rượu thịt thì cứ việc ăn uống đi, còn làm khó nữa:
Ứng Bá Tước bảo:
Đại ca thấy không ? Rõ ràng là hạng vô ơn mà, chưa khỏi vòng đã cong đuôi. Mới khóc lóc lạy van người ta đó rồi bây giờ lại trở mặt ngay được. Đại ca xích ra để tôi coi kỹ xem mặt mũi hạng người đó thế nào.
Nói xong nhoài người nắm kéo Quế Thư. Quế Thư cười khanh khách:
Khỉ không, đổ hết rượu ra áo quần quan nhân bây giờ.
Thì cứ xích gần đây, để ta kể một câu chuyện vui cho nàng nghe. Ngày xưa có một con cua kết nghĩa huynh đệ với một con gà. Hai con hẹn rằng con nào nhảy qua được cái lạch thì làm anh. Con gà vỗ cánh nhảy qua bờ lạch bên kia. Con cua định nhảy theo thì chợt có hai thiếu nữ tới lạch múc nước. Thiếu nữ thấy con cua thì bắt rồi lấy một sợi dây buộc lại, lát nữa đem về. Nhưng lúc múc nước xong thì hai thiếu nữ quên con cua, không đem theo. Con gà ở bờ bên kia mãi không thấy gì, bèn trở lại bờ bên này thì thấy cua đang bị trói chặt. Gà hỏi duyên cớ thì cua đáp…
Tới chỗ này, Bá Tước nhìn thẳng vào Quế Thư mà nói – …Tôi đang định nhảy sang thì bị hai con ngựa cái nó trói tôi…
Bá Tước chưa dứt lời thì Quế Thư vừa cười vừa chạy tới dùng quạt mà đánh. Tây Môn Khánh cũng không nín cười nổi. Mọi người vui vẻ ăn uống.
Trong khi đó tại nhà Tây Môn Khánh, Nguyệt nương sai bảo gia nhân làm tiệc. Vợ Ngô đại cữu và Dương cô nương cùng vài người khách cũng tới mừng sinh nhật Ngọc Lâu. Nguyệt nương chờ mãi không thấy chồng về thì không biết nên mời mọi người vào tiệc hay nên đợi thêm chút nữa. Kim Liên nói:
Đại nương à, giờ này mà gia gia chưa về, để tôi và Bình Nhi ra cổng đợi nhé. Nguyệt nương bảo:
Thôi, đợi thì đợi chứ việc gì phải ra cổng.
Ở đây nghe mọi người kể chuyện vui có hơn không. Kim Liên ngồi lại để nghe chuyện. Một bà khách họ Vương kể một câu chuyện vui, Kim Liên nghe xong bảo:
Chuyện đó không hay, xin kể chuyện nào khác hay hơn đi.
Nhà nọ có ba người con dâu, một hôm nhân sinh nhật của cha chồng, người con dâu lớn dâng rượu rồi nói:
“Cha giống như một vị quan”. Cha chồng hỏi:
“Ta thế nào mà bảo là giống vị quan ?” Con dâu lớn nói:
“Cha ngồi trên cao, lớn bé trong nhà đều sợ như vậy không giống vị quan hay sao ?”. Con dâu thứ dâng rượu nói:
“Cha giống như viên thư lại có uy”. Cha chồng hỏi:
“Ta thế nào mà giống viên thư lại có uy ?”. Con dâu thứ hai đáp:
“Cha hét một tiếng thì cả nhà đều kinh, như vậy không giống hay sao ?”. Cha chồng bảo :
“Ngươi nói đúng”. Con dâu thứ ba dâng rượu nói:
“Cha không giống quan mà cũng không giống thư lại”. Cha chồng hỏi:
“Vậy ta giống cái gì ?”. Con dâu thứ nói:
“Cha giống như vị Ngoại Lang?”. Cha chồng hỏi:
“Ta thế nào mà bảo giống Ngoại Lang ?”. Con dâu thứ ba đáp:
“Không giống Ngoại Lang thì làm sao coi sóc được hết cả lục phòng ?”.
Bà khách họ Vương kể xong, mọi người đều cười. Sau đó Kim Liên, Bình Nhi và
Ngọc Lâu rủ nhau ra ngoài hành lang chờ Tây Môn Khánh. Ngọc Lâu bảo:
Trời lạnh như thế này, không hiểu gia gia đi đâu. Kim Liên bảo:
Tôi chắc là lại tới nhà hai con dâm phụ Quế Khanh, Quế Thư mà thôi. Ngọc Lâu nói:
Phá nhà người ta, lại thề rằng không tới, chẳng lẽ bây giờ lại tới. Tôi cá là gia gia không tới đó đâu.
Kim Liên bảo:
Cá thật không ? Có Lục nương làm chứng nhé. Tôi thì bảo là nhất định gia gia tới đó. Các thư thư không thấy sao ? Hôm qua thì thằng Lý Minh tới dò xét tình hình, rồi sáng hôm nay, mới bảnh mắt ra, hai tên Ứng, Tạ đã tới, chẳng biết nói gì mà kéo được gia gia đi. Tôi chắc là mấy mẹ con loài dâm phụ đó đã nhờ Ứng, Tạ tới mời gia gia, để được tạ tội chứ gì. Bây giờ tới nơi, đàn ngọt hát hay, thịt béo rượu ngon, mấy con dâm phụ đó lại trổ nghề quyến rũ thì làm sao gia gia về nhà sớm được, vậy mà Đại nương cứ chờ, tôi không hiểu chờ cái gì bây giờ.
Ngọc Lâu bảo:
Không về thì cũng phải cho gia nhân vế nói chứ, gia gia biết hôm nay ở nhà có đặt tiệc mà.
Đang nói chuyện thì có người bán dưa đi ngang, ba người bèn gọi vào mua ăn. Chợt thấy Tây Môn Khánh về tới cổng, ba người chạy không kịp. Tây Môn Khánh xuống ngựa, đưa dây cương cho Đại An rồi hỏi:
Ngươi coi coi những ai mua bán gì kia ? Đại An đỡ lấy dây cương đáp:
Thôi đó là Tam nương, Ngũ nương và Lục nương. Các nương nương gọi hàng dưa vào mua.
Tây Môn Khánh bước vào. Ngọc Lâu và Bình Nhi đã chạy vào trong báo cho Nguyệt nương biết, chỉ riêng mình Kim Liên thì núp vào sau bức tường hoa. Tây Môn Khánh bước vào, chợt thấy Kim Liên thì giật mình bảo:
Đồ khỉ, làm người ta giật cả mình. Mấy nàng ở ngoài này làm gì vậy ?
Chàng còn hỏi nữa hay sao ? Chàng đi đâu giờ này mới về, để Đại nương nóng lòng sốt ruột, chúng tôi thấy vậy phải ra đây chờ đó.
Tây Môn Khánh bước vào đại sảnh, Nguyệt nương mừng quá, chạy ra tiếp đón, mời vào tiệc. Khách khứa và mọi người đều phân ngôi thứ mà ngồi. Nguyệt nương tự tay rót rượu mời chồng, rồi bảo a hoàn rót rượu mời mọi người. Xuân Mai và Nghênh Xuân ngồi ở cuối phòng đàn hát. Rượu được vài tuần thì Nguyệt nương sai dọn hết để bày tiệc mới, và đây mới là tiệc chính thức mừng sinh nhật Ngọc Lâu. Tiệc kéo dài tới gần tối thì mấy người khách đàn bà cáo từ. Nguyệt nương cùng đám tiểu thiếp tiếp tục bồi rượu cho Tây Môn Khánh. Nguyệt nương lại sai bẻ cành mai vào rồi dùng trò chơi “tửu lệnh”, bắt mọi người đều phải uống. Lát sau, tửu lệnh không được dùng nữa, Nguyệt nương bảo Tiểu Ngọc:
Ngươi rót rượu mừng cho Tam nương.
Lại quay sang bảo Ngọc Lâu:
Muội muội phải uống một lượt ba chung lớn mới được. Đêm nay gia gia sẽ tới với muội muội.
Đoạn bảo Kim Liên và Bình Nhi:
Lát nữa tiệc tan, tôi sẽ đích thân đưa gia gia và tam muội muội vào phòng.
Kim Liên cười:
– Đại nương đã ra lệnh như vậy thì ai mà dám cãi.
Ngọc Lâu đỏ mặt thẹn thùng không nói. Lát sau tiệc tàn, Nguyệt nương đưa Tây Môn Khánh vào phòng Ngọc Lâu, mọi người cũng đi theo. Ngọc Lâu vào phòng mời mọi người ngồi nhưng không ai ngồi.
Hôm nay tân lang và tân giai nhân tha hồ loan phượng vui vầy nhé. Đoạn quay sang Nguyệt nương, bắt chước giọng bà già mà bảo:
Lão thân gia à, cháu nó còn nhỏ dại, xin vì tôi mà dạy bảo nó.
Thôi con gái ở đây đi ngủ đi, ngày mai ta sẽ sang thăm. Mọi người cùng cười. Ngọc Lâu điểm mặt Kim Liên bảo:
Để mai rồi biết tôi.
Kim Liên cười bảo mọi người:
– Thôi để cho đôi trẻ nó nghỉ, chúng mình ra đi.
Mọi người bước ra. Bình Nhi đi sau, suýt trượt ngã vì tuyết trơn, kêu lên một tiếng.
Kim Liên bảo:
Có mắt mà cũng như không, đi thì phải để ý chứ, dẫm cả lên chân tôi rồi đây này, thôi để tôi dắt.
Nguyệt nương quay lại bảo:
Trời này tuyết đóng dày lắm, tôi đã bảo gia nhân mấy lần rồi mà chúng nó lười biếng không đứa nào chịu quét, để cho người ta trượt chân như thế này bao giờ không.
Đoạn gọi Tiểu Ngọc bảo:
Ngươi mang đèn lồng đưa Ngũ nương và Lục nương về phòng. Trong này, Tây Môn Khánh bảo Ngọc Lâu:
Kim Liên ghê gớm lắm chứ không vừa, cái miệng chẳng lúc nào ngừng nói, hết chọc người này đến trêu người khác, bày đặt chuyện này chuyện kia.
Ngọc Lâu nói:
Thì tính tình của Ngũ thư thư ai mà không biết.
Nàng không biết đâu, nó còn nhiều thủ đoạn lắm. Ngọc Lâu nói sang chuyện khác.
Nguyệt nương đã về phòng, Tiểu Ngọc cầm đèn đưa Kim Liên và Bình Nhi vào hoa viên. Kim Liên có vẻ say, nắm tay Bình Nhi bảo:
Tôi uống hơi nhiều, thư thư đưa tôi tới phòng nhé.
Bình Nhi bảo:
– Tôi biết thư thư không say đâu.
Tuy nhiên vẫn đưa Kim Liên về phòng. Kim Liên cho Tiểu Ngọc lui, mời Bình Nhi ngồi nói:
Đã tưởng là chị em mình không được ở chung một nhà với nhau, vậy mà cũng có ngày nay. Nói thật, tôi vì muốn thư thư về nhà này mà phải chịu bao nhiêu điều tiếng đó. Tôi làm vậy là do lòng tôi muốn như vậy, có trời đất biết cho tôi. Bình Nhi nói:
Tôi biết là thư thư rất có lòng với tôi, ơn ấy tôi nguyện sẽ báo đáp.
Kim Liên bảo:
– Thư thư biết cho lòng tôi là được rồi.
Xuân Mai mang trà lên. Bình Nhi uống trà rồi cáo từ về phòng…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.