Kim Bình Mai
Hồi 27
Hôm sau Lai Vượng chuẩn bỉ hành lý từ sáng sớm, nhưng chờ tới trưa mà vẫn chẳng thấy động tĩnh. Mãi sau Tây Môn Khánh mới cho gọi Lai Vượng lên bảo:
Đêm qua ta đã nghĩ lại rồi, ngươi mới từ Hàng Châu về, chưa nghỉ ngơi mà đã sai ngươi đi xa xôi e không tiện, nên ta để Lai Bảo nó đi thay cũng được. Ngươi cứ về nghỉ ngơi ít bữa cho khỏe, có việc gì ta sẽ sai ngươi làm sau.
Lai Vượng không dám nói gì, chỉ vâng dạ lui ra.
Sau đó Tây Môn Khánh gọi Lai Bảo lên, giao tiền bạc lễ vật và thư từ rồi sai cùng Ngô Chủ quản đi Đông Kinh lo việc.
Lai Vượng về phòng, buồn giận lắm, uống rượu say mèm rồi bắt đầu chửi bới Huệ Liên, nhục mạ và đòi giết Tây Môn Khánh và Kim Liên. Huệ Liên bảo:
Này vừa vừa cái miệng chứ, uống rượu vào là lại nói bậy bạ, nhà có ngạnh vách có tai, coi chừng mà mang họa vào thân.
Nói xong dọn giường chiếu, bảo chồng nằm ngủ. Lai Vượng đặt mình ngủ như chết. Hôm sau, Huệ Liên vào phòng Ngọc Tiêu, nhờ Ngọc Tiêu mời Tây Môn Khánh tới nói chuyện. Tây Môn Khánh vào phòng. Ngọc Tiêu đứng ngoài lo canh gác. Gặp Tây Môn Khánh, Huệ Liên trách ngay:
Gia gia đã sai Lai Vượng đi, sao lại đổi ý vậy ? Gia gia là chủ trong nhà mà sao cứ phải nghe lời người khác, chẳng dám tự mình quyết định gì cả. Bây giờ hắn nằm lù lù ở nhà, làm sao tôi gần gũi gia gia được ?
Tây Môn Khánh nói:
Không phải là ta nghe ai mà đổi ý, nhưng Lai Vượng không quen thuộc lắm với phủ Thái sư ở Đông Kinh nên phải cho Lai Bảo đi thay. Bây giờ cứ để nó ở nhà ít ngày đi đã, rồi ta sẽ nhờ nó đi mua bán.
Huệ Liên hỏi:
Gia gia cho tôi biết là sẽ sai hắn buôn bán gì ? Tây Môn Khánh đáp:
Ta định sai hắn cùng một người chủ quản mở tửu điếm. Huệ Liên mừng lắm lát sau về phòng nói lại với chồng. Ngày giờ qua đi, một hôm Tây Môn Khánh đem sáu bao bạc ra phòng khách rồi cho gọi Lai Vượng lên bảo:
Vượng nhi à, ngươi mới ở Hàng Châu về, ta không muốn ngươi phải mệt nhọc lặn lội lên Đông Kinh, vả lại ngươi cũng không quen biết nhiều với phủ Thái sư cho nên ta mới để Lai Bảo đi thay. Bây giờ, sáu bao bạc này gồm ba trăm lạng, người cùng một chủ quản lo mở một ngôi tửu điếm, tiền lời hàng tháng, ngươi đưa lên cho ta bao nhiêu cũng được.
Lai Vượng mừng lắm, lạy tạ rồi lãnh bạc đem về phòng, kể lại cho vợ nghe. Huệ Liên bảo:
Nhờ tôi mà anh mới được như vậy đó. Bây giờ đã có tiền buôn bán làm ăn thì phải ráng chăm chỉ, rồi cũng nên an phận thủ thường, bớt uống rượu đi thì cũng bớt được cái tật ăn nói hàm hồ, như thế mới khỏi mang vạ vào thân. Lai Vượng đưa bạc cho vợ cất đi rồi bảo:
Bây giờ tôi phải ra ngoài phố lo việc.
Nói xong bước ra.
Lai Vượng đi cả ngày trời mà không nên công chuyện gì, bèn uống rượu say mà về nhà. Huệ Liên sợ chồng say rượu nói bậy, bèn săn sóc vỗ về rồi dọn giường cho chồng đi ngủ. Lát sau Ngọc Tieu đến gọi Huệ Liên. Huệ Liên theo ra. Lai Vượng ngủ được một giấc thì tỉnh dậy, nhưng hơi men chưa tan hết. Bỗng nghe ngoài cửa sổ có tiếng người gọi nhỏ:
– Vượng ca, không dậy mà xem hay sao ? Chuyện này hay lắm, vợ của anh đang ở trong hoa viên kia kìa, nước này mà anh còn ngủ như chết hay sao ?
Lai Vượng nghe xong thì hoàn toàn tỉnh ngủ, mở mắt nhìn quanh, không thấy vợ đâu.
Lại nghe như giọng nói Tuyết Nga, thì nghĩ là Tuyết Nga muốn giúp mình bắt quả tang Huệ Liên, tự nhiên bừng bừng lửa giận bảo:
– Ta ở nhà mà nó dám làm yêu làm quỷ như thế hay sao ?
Nói xong vùng dậy đập cửa, xăm xăm đi thẳng về phía hoa viên, nhưng vừa mới vào tới cổng vườn thì trong tối, một sợi dây thừng quăng ra. Lai Vượng vấp ngã, bốn năm gia nhân ùa ra trói nghiến Lai Vượng lại rồi tri hô: – Có trộm, có trộm!
Mọi người đổ xô ra túm chặt lấy Lai Vượng. Lai Vượng kinh ngạc, tỉnh hẳn ngủ, tỉnh hàn rượu, kêu lên:
– Tôi là Lai Vượng đây mà, tôi vào đây tìm vợ tôi sao lại bắt trói tôi là thế nào ?
Đám gia nhân không cần nghe lời phân giải, vừa đánh đấm túi bụi, vừa lôi lên phòng khách. Nơi đây đèn đuốc sáng choang, Tây Môn Khánh ngồi trên quát bảo dẫn Lai Vượng tới gần. Lai Vượng quỳ dưới đất nói:
Tôi đang ngủ, chợt thức giấc không thấy vợ tôi đâu, tôi định vào hoa viên tìm vợ, sao lại bắt trói tôi rồi bảo là trộm ?
Đang nói thì Lai Hưng đem con dao sáng loáng tới, đặt trên bàn. Tây Môn Khánh nhìn qua con dao rồi quát:
Mày chẳng những ăn trộm mà còn định giết người nữa. Tao thấy mày mới ở Hàng Châu về mệt mỏi, muốn thưởng công cho mày bằng cách cho ba trăm lạng bạc để mày ra ngoài làm ăn buôn bán, sao đang đêm lại lẻn vào đây định giết tao ? Mày không mưu giết tao thì mang dao này vào đây làm gì ?
Đoạn quát gia nhân:
Vào phòng nó lấy ba trăm lạng bạc ra đây cho tao.
Đám gia nhân vâng dạ đi ngay. Lúc đó Huệ Liên đang trò chuyện với Ngọc Tiêu, nghe tin chồng bị bắt trói thì trở về phòng lăn khóc. Gia nhân tới bảo đem trả bạc. Huệ Liên khóc kể:
Khổ không cơ chứ, uống rượu vào say sưa, tôi đã dọn giường cho ngủ rồi, làm sao lại tự nhiên thức dậy tìm tôi, mà tìm tôi làm gì để trúng phải kế của người ta như thế này.
Nói xong mở rương đem sáu bao bạc ra phòng khách. Tây Môn Khánh mở mấy túi bạc ra coi thì chỉ có một túi là bên trong có bạc, còn các túi khác thì toàn sắt gang vụn mà thôi, bèn giận dữ đập bàn quát:
Sao lại đổi bạc bằng những thứ này, bạc của ta trong các túi này đâu cả rồi ? Thằng khốn kia, mày phải nói thật ra.
Lai Vượng khóc nói:
Tiền bạc gia gia cho để tôi buôn bán, tôi nào dám lấy đi đâu.
Rõ ràng là mày đem dao vào đây định giết tao, con dao còn sờ sờ ở đây, người chứng cũng sờ sờ ở đây, mày còn lẻo mép gì nữa.
Nói xong gọi Lai Hưng ra làm chứng. Lai Hưng bước ra quỳ trước mặt Tây Môn Khánh rồi bảo Lai Vượng:
Ngày nào ngươi cũng nói với gia nhân là người sẽ giết gia gia, chính tai ta nghe rõ điều đó có không ?
Lai Vượng không biết ăn nói làm sao, chỉ thở dài ứa lệ. Tây Môn Khánh bảo:
Thôi, khỏi phải dông dài nhiều lời, bây giờ giam nó lại, khóa kỹ cửa phòng, rồi mai ta làm đơn đưa cho lên sở Đề hình, lúc đó sẽ khai với quan..
Bỗng Huệ Liên quần áo xốc xếch, tóc tai rũ rượi, chạy tới trước mặt Tây Môn Khánh, quỳ xuống khóc nói:
Gia gia ơi, chuyện này quả tôi không hiểu sao, chồng tôi vào vườn tìm tôi, sao lại bị bắt trói rồi bảo là ăn trộm, là giết người ? Sáu bao bạc của gia gia chính tay tôi cất vào rương, khóa kỹ lại, chưa hề mở ra sao lại bảo là chồng tôi đổi chác ? Như thế này thì còn trời đất nào nữa ? Chồng tôi có tội tình gì thì gia gia cứ hạch tôi rồi đánh đòn, chứ bây giờ định đưa chồng tôi đi đâu ?
Tây Môn Khánh bảo:
Ngươi không biết đâu, nó giấu dao định giết ta, sự việc rành rành ra đó. Tuy nhiên chuyện này không liên quan gì tới ngươi.
Đoạn quay sang bảo Lai An:
Ngươi đưa Huệ Liên vào trong. Bảo nó đừng sợ.
Lai An bước tới định xốc Huệ Liên dậy, nhưng Huệ Liên nhất định cứ quỳ nói:
Gia gia làm vậy thì còn trời đất nào nữa. Chồng tôi tuy say sưa nói bậy nhưng quyết chắc là không có hành động như thế.
Tây Môn Khánh hơi hoảng, vội quát Lai An lôi Huệ Liên vào trong nhà khuyên giải. Sáng hôm sau Tây Môn Khánh viết một lá đơn, tố cáo là Lai Vượng cầm dao định giết chủ, lại kể cả chuyện tiền bạc, nêu tên người làm chứng là Lai Hưng lên sở Đề hình thì Nguyệt nương bảo chồng:
Kẻ ăn người ở trong nhà có lỗi thì trong nhà phân xử được rồi, việc gì phải dẫn lên quan làm phiền nha phủ.
Tây Môn Khánh trợn mắt bảo:
Nàng đàn bà biết gì, nó định giết tôi mà nàng bảo tha cho nó hay sao?
Nói xong quát gia nhân dẫn Lai Vượng theo. Nguyệt nương buồn rầu vào trong, gặp
Ngọc Lâu bảo:
Như thế thì có còn ra gì nữa không. Chẳng biết nghe ai mà đối xử với gia nhân như vậy. Chuyện gì cũng phải có sự thật chứ.
Nguyệt nương đang nói thì Huệ Liên theo vào quỳ lạy khóc lóc Nguyệt nương bảo:
Đứng dậy đi, đừng khóc nữa, chồng ngươi cũng không đến nỗi bị ghép vào tội tử hình đâu mà sợ.
Lão gia này thật hôn mê lũ lẫn quá rồi, ta nói cũng chẳng chịu nghe nữa.
Ngọc Lâu cũng bảo:
Gia gia đang giận, để rồi từ từ chúng ta sẽ khuyên giải sau. Ngươi cứ yên tâm về phòng nghỉ đi.
Trong khi đó Tây Môn Khánh sai Đại An đem một trăm thạch gạo tốt tới biếu Hạ Đề hình và Hà Thiên hộ. Hai người nhận lễ vật rồi đăng đường. Lai Hưng dẫn Lai Vượng vào rồi nộp lá đơn lên Hạ Đề hình xem đơn, thấy nói là Lai Vượng lãnh tiền của chủ đi buôn bán nhưng tiêu xài hết, sợ chủ phạt bèn đang đêm cầm dao đột nhập nhà chủ mưu giết chủ, thì nổi giận, chỉ vào Lai Vượng đang quỳ trước án thư mà mắng:
Tên phản chủ kia, mau khai sự thật ra.
Xin đèn trời soi xét cho tôi được nhờ, nếu đại quan chịu nghe thì tôi xin nói còn không chịu nghe thì quả tôi không dám nói.
Hạ Đề hình quát:
Bằng chứng đã rành rành đây rồi, nhưng ngươi muốn nói thì cứ sự thật khai ra, đừng để ta phải dụng hình.
Lai Vượng bèn kể hết đầu đuôi, từ lúc Tây Môn Khánh nhờ Ngọc Tiêu đem lụa cho vợ mình, đến những vụ gặp gỡ giữa hai người, rồi thưa rằng Tây Môn Khánh vu oan để được tự do thông gian với vợ mình. Hạ Đề hình nghe xong đập bàn quát mắng rồi sai lính lấy bàn vả, vả vào miệng Lai Vượng rồi mắng:
Ngươi mới là đồ phản chủ, vợ ngươi cũng do chủ cưới cho, chủ lại đưa tiền cho ngươi làm vốn kiếm lời, ngươi đã chẳng báo đáp được gì, lại mưu giết chủ, bây giờ cơ mưu bại lộ lại nói oan cho chủ. Như vậy thì thử hỏi hình phạt nào mới xứng đáng với ngươi ?
Lai Vượng lại kêu oan. Hạ Đề hình liền sai đánh hai chục trượng máu chảy thịt nát vô cùng đau đớn, sau đó sai giam vào ngục thất.
Lai Hưng và Đại An trở về thưa lại với chủ. Tây Môn Khánh mừng lắm, gọi đám gia nhân lên dặn rằng:
Không đứa nào được đem tiền bạc hay đồ ăn gì vào cho nó. Vợ nó có hỏi thì các ngươi chỉ nói rằng nó không bị đánh đập gì cả, chỉ tạm giam vài ba ngày là được thả về. Chúng bay nghe rõ cả chưa ?
Đám gia nhân vâng dạ lui ra.
Về phần Huệ Liên từ lúc chồng bị giải lên quan thì mặt không trang điểm, đầu không chải, chỉ đóng chặt cửa phòng nằm khóc, cơm nước chẳng chịu ăn uống. Tây Môn Khánh lo lắng, sai Ngọc Tiêu và vợ Bôn Tứ vào phòng khuyên giải. Ngọc Tiêu bảo:
Chị cứ yên tâm, gia gia cũng biết là Lai Vượng rượu say nói nhảm nên chỉ nhờ giam vài ngày rồi sẽ thả ra, chị không việc gì phải lo sợ.
Huệ Liên không tin, nhờ Lai An đem đồ ăn vào ngục cho chồng, nhân tiện hỏi tin tức. Lai An trở về bảo rằng:
Tôi đưa đồ ăn cho anh nhà rồi. Trên phủ Đề hình nói là chỉ giam vài ngày rồi cho về, không có gì phải lo. Anh nhà không bị đánh đập gì cả, bảo tôi về nói rằng chị cứ yên tâm.
Huệ Liên nghe vậy mới chịu thôi khóc, vẽ nhạt lại đôi mày, đánh sơ một lớp phấn mỏng và đi lại làm việc trong nhà. Tây Môn Khánh thấy vậy, chờ lúc vắng người tới phòng Huệ Liên gõ cửa. Huệ Liên nói vọng ra:
Trong phòng chỉ có mình tôi, gia gia vào không tiện đâu.
Ngươi cứ yên tâm, vì ngươi mà ta đã viết thiếp tới phủ Đề hình bảo là đừng đánh đập gì cả, giam tạm vài ngày rồi cho về, lúc đó nó đã biết tội thì ta lại cho tiền buôn bán. Huệ Liên nói:
Gia gia ơi, xin vì tôi mà giam hắn vài ngày cho hắn sợ thôi, rồi thả hắn ra. Lúc đó gia gia cho hắn buôn bán hay làm gì cũng được, sai hắn việc nặng việc nhẹ, đi gần đi xa gì cũng được. Hắn được thả ra, tôi sẽ khuyên hắn chừa rượu. Nếu có thể, gia gia cưới cho hắn người vợ khác cũng được. Miễn là đừng bắt tội thì thôi. Tây Môn Khánh bảo:
Được rồi, nàng cứ yên tâm đi. Còn chuyện của ta với nàng thì ngày mai ta mua một căn nhà của họ Kiều, cho nàng ra ở đó, ta với nàng được tự do.
Huệ Liên bảo:
Việc đó thì tùy gia gia tính thế nào cũng được.
Nói xong lấy trong người ra một cái túi vải hoa có thêu bốn chữ “Kiều hương mỹ lệ” ra tặng Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh mừng lắm, nói toàn nhưng lời ngon ngọt thủy chung rồi lấy ra hai lạng bạc tặng Huệ Liên nói là để mua quà ăn, sau đó bảo:
Nàng cứ yên lòng đi, đừng lo buồn gì cho hại người, ngày mai ta sẽ viết thiếp xin Hạ đại nhân thả hắn ra.
Nói xong bước ra khỏi phòng vì sợ Ở lâu có người trông thấy. Huệ Liên tin lời hắn, ra sau nhà kể lại với Ngọc Tiêu. Ngọc Tiêu nói lại với Ngọc Lâu. Ngọc Lâu tìm gặp Kim Liên nói:
Huệ Liên nó nói là gia gia sẽ thả Lai Vượng ra, cưới vợ khác cho Lai Vượng, rồi sẽ mua nhà riêng cho Huệ Liên ở, mua hai đứa a hoàn để hầu hạ, sống riêng ở ngoài. Kim Liên nghe xong bảo:
Tôi không tin như vậy, con nô tài dâm phụ đó mà trở thành vợ thứ bảy của Tây Môn Khánh, ngang hàng với chúng mình thì còn trời đất nào nửa…
Ngọc Lâu bảo:
Gia gia mà đã quyết thì Đại nương cũng chẳng làm gì được, nhưng chúng mình cũng phải cản ngăn một tiếng chứ.
Kim Liên mặt dỏ tưng bừng, dựng ngược đôi mày bảo:
Tôi thì tôi dám sống chết vì vụ này lắm, để con tiện tỳ dâm phụ đó ngang hàng với mình thì thà chết còn hơn. Nếu tôi nói mà gia gia không nghe thì tôi quyết chết cho
mà xem.
Ngọc Lâu cười:
– Tôi thì nhát, không dám liều, nhưng tôi xem thư thư hành động như thế nào.
Tối hôm đó, Tây Môn Khánh ngồi tại thư phòng trong Phỉ Thúy hiên tại hoa viên, đang định gọi Trần Kính Tế tới viết thiếp xin Hạ Đề hình thả Lai Vượng ra thì Kim LIên tới hằn học hỏi:
Gia gia định thả thằng khốn đó ra phải không ? Tây Môn Khánh ngần ngừ đáp:
Ừ thì đánh cho nó một trận thừa sống thiếu chết rồi thả nó ra chứ giam giữ nó làm gì.
Kim Liên ngồi xuống bên cạnh nói:
Chàng đường đường là người như thế này mà sao u mê như vậy? Đã bao lần tôi nói với chàng rằng con nô tài dâm phụ Huệ Liên nó chỉ nghĩ đến thằng chồng của nó mà thôi, vậy mà chàng say mê nó, tính chuyện lâu dài với nó sao được? Bây giờ chàng thả nó ra thì khó mà cướp vợ của nó. Thả nó ra để nó trở về nhà này thì chàng lại phải tiếp tục lén lút, mà thả nó ra rồi cho nó ra ngoài, hay lấy vợ khác cho nó cũng rất bất tiện. Trong khi vợ nó là thiếp của chàng, lỡ sau này có chuyện gì nó cần tới gặp chàng, thì vợ nó phải đứng lên chào nó hay sao? Như vậy thì gia nhân trong nhà sẽ nghĩ thế nào, chàng còn mặt mũi gì nữa?
Vả lại nó còn sờ sờ ra đấy mà chàng cướp vợ nó thì hàng xóm láng giềng sẽ xem chàng là người gì? Cho nên muốn tính chuyện lâu dài thì phải làm sao cho nó đừng loanh quanh luẩn quẩn gì ở nơi này nữa mới được.
Tây Môn Khánh trầm ngâm một hồi rồi viết một thiếp cho Hạ đề hình nhờ tìm cách hãm hại Lai Vượng. Từ đó Lai Vượng hàng ngày bị bỏ đói, đánh đập tàn nhẫn, chết đi sống lại. Các quan trên dưới lớn nhỏ trong phủ Đề hình đều được Tây Môn Khánh đút lót rất hậu. Chỉ riêng có một vị là Khổng Mục âm tiên sinh, tự là âm Chất, vốn người huyện Hiếu Nghĩa tỉnh Sơn Tây, rất nhân từ chính trực, là không chịu để cho Lai Vượng bị hãm hại. Hạ Đề hình không biết tính sao, đành phải xử là tha tội cho Lai Vượng, nhưng trục xuất khỏi huyện Thanh Hà, đuổi về nguyên quán là Từ Châu làm ăn. Xử xong, một mặt viết thiếp nhờ Lai Hưng về báo cho Tây Môn Khánh, một mặt cho làm công văn, giao Lai Vượng cho hai người lính giải về Từ Châu, giao cho quan địa phương.
Thương cho Lai Vượng, sau cả nửa tháng trong ngục, bị bỏ đói và đánh đập tàn nhẫn, quần áo rách bươm, thân thể đau đớn suy yếu, không đi nổi, bèn nói với hai người lính rằng:
Nhị vị xét tình thương giùm tôi, hiện trong người tôi không có lấy một đồng một chữ mà trà nước cho nhị vị, bây giờ tôi nhờ nhị vị đưa tôi về nhà chủ cũ của tôi, vợ tôi còn ở đó, quần áo đồ đạc tôi cũng còn ít nhiều, sẽ bán đi để nhị vị làm lộ phí đưa tôi về Từ Châu.
Hai người lính nói:
Anh thật lẩn thẩn, chủ anh đã bày kế hãm hại anh như thế này, bây giờ đâu chịu để anh vào nhà nói chuyện với vợ và lấy đồ đạc quần áo. Chúng tôi vẫn thường noi gương nhân đức của Khổng tiên sinh chứ không tệ hại như những người khác đâu, anh đừng sợ là chúng tôi hạch sách tiền bạc.
Lai Vượng nói.
Xin các anh cứ dẫn tôi tới nhà người quen vậy, tôi sẽ nhờ người ta, không có nhiều thì có ít, chính tôi cũng cần chút đỉnh tiền bạc.
Hai người lính bảo:
Thôi được, nếu vậy thì để chúng tôi đưa anh đi.
Trước tiên, Lai Vượng tới nhà Ứng Bả Tước, nhưng Bá Tước cho người ra nói là không có nhà. Lai Vượng phải nhờ tới hai người quen là Giả Nhân Thanh và Y Miễn Từ tới nhà Tây Môn Khánh báo tin cho vợ mình biết. Nhưng Giả, Y hai người tới cổng, nhờ gia nhân vào nói thì Tây Môn Khánh đã sai, năm bảy gia nhân cầm gậy ra đánh đuổi. Giả, Y hai người tức giận trở ra nói lại cho Lai Vượng hay. Trong khi đó Huệ Liên vẫn trông tin chồng, nhưng lại hoàn toàn không hay biết chuyện gì. Tây Môm Khánh cấm gia nhân không được nói cho Huệ Liên biết, lại dặn là có ai tới cổng hỏi Huệ Liên thì cứ vác gậy mà đánh đuổi.
Lai Vượng không biết tính sao, bèn nhờ hai người lính đưa mình về nhà cha vợ là Tống Nhân, từ trước tới nay vẫn làm nghề bán quan tài. Lai Vượng khóc lóc kể hết mọi chuyện cho cha vợ nghe, Tống Nhân xúc động lấy một lạng bạc đưa cho hai người lính, lại cho Lai Vượng ít tiền bạc quần áo và ít gạo để đi đường, Lai Vượng cáo từ cha vợ, cùng hai người lính lên đường trực chỉ Từ Châu. Lúc đó là vào thượng tuần tháng Tư.
Trong khi đó ngày ngày Huệ Liên vẫn nhờ một gia nhân đem cơm vào ngục cho chồng. Tên gia nhân này đem cơm và đồ ăn cùng chúng bạn ăn rồi trở vào nói:
Anh ấy ăn rồi, hiện anh ấy vẫn bình an, không có gì đáng lo. Chỉ kẹt là suốt mấy hôm nay quan Đề hình mắc nhiều công vụ, chưa xét được nên anh ấy chưa ra được mà thôi, chắc ngày một ngày hai là ra chứ gì.
Trong khi đó, thỉnh thoảngTây Môn Khánh lại nói dối rằng:
Ta đã sai người tới nói rồi, chắc nay mai là nó ra mà thôi.
Huệ Liên tin lắm, cố đợi. Nhưng một hôm có gia nhân nói chuyện với nhau:
Lai Vượng được ra rồi, có tới cổng nhờ người vào lấy quần áo đồ đạc, nhưng không hiểu sao lại bỏ đi.
Huệ Liên vội chạy ra hỏi thì gia nhân đó nói là không biết. Hỏi các gia nhân khác thì không ai chịu nói. Lát sau gặp Đại An, bèn nắm lại mà hỏi:
Lai Vượng ở trong ngục có khổ lắm không ? Chừng nào thì ra được ?
Đại An ái ngại:
– Chị Ơi để tôi nói thật chị nghe, có lẽ giờ này, anh ấy đã tới sông Lưu Sa rồi.
Huệ Liên kinh ngạc hỏi nguyên do. Đại An bèn kể hết chuyện rồi nói:
Thôi bây giờ chị cứ yên tâm ở đây đi, anh ấy như vậy cũng yên rồi, mà chị nhớ không được nói là tôi đã tiết lộ cho chị nghe chưa.
Huệ Liên nghe xong choáng váng mặt mày, trở về phòng đóng cửa lại rồi lăn khóc thảm thiết:
Trời đất ơi, chồng tôi ở nhà này có làm nên tội nên tình gì đâu mà người ta bày mưu hãm hại chồng tôi. Chồng tôi chăm chỉ làm việc, một đồng một chữ của chủ cũng không tơ hào, vậy mà bây giờ phải đầy ải đi xa. Đường đất xa xôi nguy hiểm, không biết chồng tôi sống chết thế nào. Ới anh ơi, anh có hiểu cho lòng tôi khổ thế nào không ?
Huệ Liên kêu khóe thảm thiết một hồi rồi cởi dây lưng, buộc lên xà nhà thắt cổ tự tử. Tại phòng kế bên, vợ của gia nhân Lai Chiêu mới đầu nghe Huệ Liên kêu khóc, sau đó không thấy động tĩnh gì, rồi lại nghe có tiếng ằng ặc, bèn chạy sang gọi cửa nhưng không thấy Huệ Liên trả lời. Vợ Lai Chiêu cuống quá kêu ầm lên, Bình An chạy tới tông cửa mà vào, cắt dây hạ Huệ Liên xuống. Vợ Lai Chiêu đun nước gừng mà đổ vào miệng cấp cứu, lát sau thì Huệ Liên khóc lên được. Nguyệt nương và mọi người cũng tới. Nguyệt nương thấy Huệ Liên đã tỉnh thì bảo:
Ngươi có điều gì buồn phiền uất ức thì cứ nói ra, sao lại nghĩ quẩn làm bậy như vậy ? Thật trẻ con quá. Huệ Liên chỉ vật vã kêu khóc mà không đáp. Nguyệt nương lại bảo:
Có điều gì thì cứ nói, ta sẽ giúp cho.
Đoạn sai Ngọc Tiêu dìu lên giường. Huệ Liên khóc lóc lăn từ trên giường xuống đất. Nguyệt nương cùng mọi người khuyên giải một hồi rồi ai về phòng nấy. Vợ Bôn Tứ và Ngọc Tiêu ở lại săn sóc cho Huệ Liên. Lát sau thì Tây Môn Khánh bước vào thấy Huệ Liên đang ngồi khóc dưới đất thì bảo Ngọc Tiêu: – Ngươi dìu nó lên giường.
Ngọc Tiêu đáp:
Hồi nãy Đại nương cũng bảo tôi dìu chị ấy lên giường nhưng chị ấy không chịu. Tây Môn Khánh nhỏ nhẹ:
Sao lạ vậy ? Ngồi dưới đất lạnh quá mà. Ngươi có điều gì cần nói thì cứ nói với ta, sao lại quẫn trí như thế ? Ngươi thật trẻ con.
Huệ Liên lắc đầu:
Gia gia à, gia gia đánh lừa tôi. Gia gia tử tế quá mà, xử sự hay quá mà, bây giờ còn bảo tôi là trẻ con hay sao ? Gia gia là người nham hiểm, gia gia đánh lừa tôi, nay nói là chồng tôi được về, mai nói là chồng tôi được về, nhưng sự thật là gia gia đã ngầm đày chồng tôi đi xa rồi. Tôi không hiểu tại sao gia gia nghe ai mà hạ độc kế như vậy. Thế mà gia gia còn làm ra vẻ tử tế với tôi, đã đến nước này thì gia gia còn muốn tôi ở đây nữa làm gì ?
Tây Môn Khánh cười bảo:
Ngươi không biết gì đâu, thằng đó làm bậy thì phải đày nó đi xa. Nhưng ngươi cứ yên tâm đi, ta sẽ đối xử tử tế với ngươi, bao bọc cho ngươi.
Đoạn quay lại bảo Ngọc Tiêu:
Ngươi và vợ Bôn Tứ cứ ở đây bầu bạn với nó, để ta bảo gia nhân đem rượu thịt vào cho các ngươi. Nói xong bước ra. Trong này, vợ Bôn Tứ và Ngọc Tiêu lựa lời bảo Huệ Liên lên giường ngồi rồi thủ thỉ khuyên giải. Tây Môn Khánh ra ngoài đưa tiền cho Đại An mua rượu thịt mang về cho Huệ Liên. Đại An nói:
Gia gia sai tôi đem rượu thịt tới cho chị đây.
Thằng khốn kiếp kia, mày có đem ra ngay không tao hất cả xuống đất bây giờ. Đại An năn nỉ:
Chị nhận giùm cho đi, tôi mang ra bây giờ gia gia lại đánh chửi tôi.
Nói xong đặt rượu thịt xuống bàn. Bỗng có con Bôn Tứ vào bảo:
– Cha về rồi muốn ăn cơm bây giờ đó.
Vợ Bôn Tứ vội bước ra. Đi được mấy bước thì gặp Tây Môn đại thư đang đứng nói chuyện với vợ Lai Bảo và Huệ Tường. Tây Môn đại thư hỏi: – Đi đâu vậy ?
Vợ Bôn Tứ đáp- Nhà tôi về rồi, cho cháu tới gọi, tôi phải về nhà một chút. Lát nữa tôi sẽ trở lại. Gia gia bảo tôi khuyên bảo Huệ Liên, nhưng Huệ Liên chẳng chịu nghe lời khuyên của tôi.
Huệ Tường hỏi:
Lúc nãy gia gia vào đó, có nói gì không ? Vợ Bôn Tứ cười đáp:
Gia gia thì không nói gì nhưng Huệ Liên thì xỉa xói mà mắng gia gia, ai đời gia nhân đày tớ mà dám như vậy không.
Huệ Tường bảo:
Chị đó không giống người khác đâu, cả nhà này còn ai lạ gì nữa, chị ta có coi ai ra gì đâu.
Đang nói chuyện thì đứa con giục:
Về nhà mau đi.
Thôi để tôi chạy về nhà một chút không lại ầm ỹ lên bây giờ. Nói xong dắt con bước ra.
Tối hôm đó Tây Môn Khánh sai Ngọc Tiêu tới ngủ chung với Huệ Liên để khuyên giải. Ngọc Tiêu nói:
Tống đại thư à, chị là người thông minh lanh lợi, chị có nhan sắc lại ở trong tuổi son trẻ, gia gia yêu mến chị, đang tìm cách bao bọc cho chị. Chị bây giờ như một đóa hoa mới nở, nhưng lại ở vào hoàn cảnh trên không tới thấp không thông, chủ không ra chủ mà tớ cũng không phải tớ. Chồng chị dù sao cũng yên bề rồi, chị có khóc than thì chỉ hại cho sức khỏe mà thôi. Người ta thường nói chấp kinh thì phải tòng quyền, gió chiều nào che chiều nấy, chị không nghĩ tới điều đó mà lo cho thân mình hay sao ? Nhưng Ngọc Tiêu khuyên giải thế nào Huệ Liên cũng chỉ khóc. Mấy ngày sau đó thì bỏ cả ăn uống.
Ngọc Tiêu thưa lại với chủ. Tây Môn Khánh sai Kim Liên tới khuyên bảo, nhưng Huệ Liên cũng chẳng thèm nghe. Kim Liên giận lắm, trở ra nói với Tây Môn Khánh:
Con dâm phụ cứng đầu lắm, nó chỉ nghĩ tới thằng chồng nó mà thôi. Nó khăng khăng một mực nói là một ngày cũng là nghĩa, bây giờ nó chỉ muốn được theo thằng chồng khốn kiếp của nó mà thôi. Tôi xem ra thì không thể thay đổi được lòng dạ nó đâu.
Tây Môn Khánh cười bảo:
Hơi đâu mà nàng nghe lời nói hàm hồ của nó. Nếu nó quả có lòng chung thủy thì nó đã thủ tiết với Tương Thông, đâu có làm vợ Lai Vượng. Nếu quả nó chung thủy với Lai Vượng thì đã không tham của thất thân với tôi.
Nói xong trở ra phòng khách, gọi gia nhân lên hỏi xem đứa nào đã tiết lộ chuyện Lai Vượng cho Huệ Liên biết, đoạn nói thêm:
Chúng bay biết đứa nào nói thì cứ thưa, ta sẽ không đánh đập gì cả, kể cả đứa đã nói, nhưng nếu chúng bay không chịu thưa, ta mà tìm ra đứa nào nói thì ta đánh tất cả chúng bay mỗi đứa ba chục trượng và đuổi ra liền.
Họa Đồng bước tới quỳ thưa:
Hôm nọ sau khi theo gia gia từ ngoài phố về, tôi thấy Đại An đã gặp Huệ Liên và nói sự thật.
Tây Môn Khánh gọi Đại An, không thấy Đại An đâu thì nổi giận bắt gia nhân đi tìm Đại An. Đại An đã nghe tin tức từ trước nên tới trốn trong phòng Kim Liên. Kim Liên đang rửa mặt, Đại An chạy vào quỳ thưa:
Xin Ngũ nương cứu tôi.
Nói xong thì sợ quá mà khóc. Kim Liên quay lại bảo:
Thằng khốn, đi đâu mà xồng xộc, làm tao hết cả hồn, có chuyện gì vậy?
Đại An nói:
Xin Ngũ nương cứu tôi, hôm nọ tôi trót nói cho Huệ Liên biết là Lai Vượng bị đuổi về Từ Châu.
Bây giờ gia gia biết, đang đòi đánh tôi. Nếu Ngũ nương không khuyên can giùm cho thì gia gia giận đánh tôi chết mất.
Kim Liên mắng:
Thằng khốn, vậy mà mày làm tao tưởng là chuyện gì kinh thiên động địa, hóa ra lại vẫn là chuyện của dâm phụ đó. Thôi được, mày cứ trốn ở đây đừng ra ngoài để ta liệu. Trong khi đó Tây Môn Khánh la hét như điên ở phòng khách, sai gia nhân tìm kiếm khắp nơi, lại sai một đứa tới hỏi Kim Liên, nhưng bị Kim Liên mắng cho mấy câu mà đuổi ra. Lát sau, Tây Môn Khánh xách roi da đi tìm khắp nơi trong nhà. Tới phòng Kim Liên, Tây Môn Khánh hỏi:
Thằng khốn đó đâu rồi ?
Kim Liên cứ ung dung đánh phấn, không thèm trả lời. Tây Môn Khánh xông vào phòng tìm kiếm, Kim Liên ngăn lại không kịp, Đại An bị lôi ra từ sau cửa. Kim Liên vội chạy tới giật cái roi từ tay Tây Môn Khánh ném vào gầm giường rồi bảo:
Rõ không biết xấu, làm chủ mà tán tỉnh đày tớ không được rồi lại kiếm chuyện đánh người, thế là thế nào ?
Tây Môn Khánh giận quá, mắt trợn lên không nói được gì. Kim Liên bảo Đại An:
Mày cứ ra ngoài làm việc như thường không việc gì phải sợ cả, gia gia đánh mày thì còn có tao đây.
Tây Môn Khánh tức giận bỏ ra ngoài.
Kim Liên thấy Tây Môn Khánh vẫn còn tơ tưởng đến Huệ Liên, thì nghĩ ra một kế, bèn tới gặp Tuyết Nga mà bảo:
Con Huệ Liên nó nói là thù thư định tằng tiu với chồng nó, nên nó mới nói lại với gia gia. Gia gia tức giận, hôm nọ đánh cho một trận thừa sống thiếu chết rồi lại đuổi Lai Vượng đi. Tất cả mọi chuyện đều do cái miệng của con Huệ Liên mà ra.
Tuyết Nga tức lắm. Kim Liên lại sang bảo Huệ Liên:
Tuyết Nga nói với mọi người rằng ngươi là loài đày tớ thay chủ, là thứ vợ đổi chồng. Ngươi về đây quyến rũ chủ để chồng ngươi phải chịu oan khiên. Thôi thì nói ngươi không thiếu thứ gì.
Huệ Liền căm giận lắm.
Một hôm, vào ngày sinh nhật của Bình Nhi, Lý bà và Quế Thư tới ăn sinh nhật Bình Nhi. Hôm đó Tây Môn Khánh đi ăn uống ở ngoài, không có nhà. Huệ Liên cứ nằm trong phòng mà ngủ. Tuyết Nga muốn tìm Huệ Liên để nhờ phụ việc, sai a hoàn tới gọi mấy lần không được, đành phải đích thân tới bảo:
Huệ Liên à, ngươi bây giờ là tiên nữ mỹ nhân rồi hay sao mà khó mời thế ?
Ngươi đang nghĩ tới Lai Vượng phải không ? Nếu ngươi nghĩ sớm một chút thì đã không đến nỗi này.
Huệ Liên liền nhỏm dậy mắng Tuyết Nga:
Thôi đi, tôi lâm tình cảnh như thế này là do ai ? Ai đã nói xấu tôi, ai đã ỏn thót để chồng tôi bị đuổi đi ? Đừng có già hàm tới đây kiếm chuyện nữa.
Tuyết Nga giận quá:
Con dâm phụ hại chồng kia, sao mày dám hỗn với tao ?
Phải, tôi là dâm phụ hại chồng, tôi ăn nằm với chủ, nhưng không như chị là chủ mà lại định tán tỉnh gia nhân. Chẳng phải là chị đã muốn tằng tịu với chồng tôi hay sao ? Tuyết Nga lửa giận bừng bùng, sấn lại đánh Huệ Liên hai tát tai thật lực, năm ngón tay in rõ trên má Huệ Liên. Huệ Liên tức quá bảo:
– Sao lại đánh tôi ?
Nói xong cũng sấn tới túm lấy Tuyết Nga, hai người nắm lấy nhau mà loạn đả, tay thì đánh đấm cấu xé, miệng thì chửi bới không ngừng. Vợ Lai Chiêu hốt hoảng xông vào can hai người ra, rồi Tuyết Nga về phòng. Tuyết Nga vừa đi vừa chửi, Huệ Liên cũng chửi theo. Nguyệt nương hay chuyện bèn bước vào mắng Huệ Liên:
Thế này thì không còn ra thể thống gì nữa rồi. Sao mày dám làm loạn nhà loạn cửa lên vậy ? Để rồi chủ mày về, tao sẽ nói xem chủ mày xử thế nào.
Huệ Liên không nói gì, trở ra sau nhà khóc lóc không thôi. Đến gần tối trở về phòng, nhân lúc vắng người, lấy dây treo lên xà nhà thắt cổ chết. Thương cho Huệ Liên, năm đó mới hai mươi lăm tuổi.
Tối hôm đó, sau khi tiễn Lý bà và Quế Thư ra về, Nguyệt nương trở vào, đi ngang phòng Huệ Liên, thấy cửa đóng, bên trong hoàn toàn im lặng, trong lòng nghi ngờ lo sợ lắm, bèn gọi cửa, nhưng không thấy trả lời, vội gọi gia nhân phá cửa vào. Gia nhân kêu lên, vội cắt dây hạ xuống, mọi người hốt hoảng chạy tới cứu chữa đủ cách nhưng vô hiệu. Huệ Liên đã chết hẳn. Nguyệt nương cũng hoảng, vội bảo Lai Hưng:
Mày có lấy ngựa đi mời gia gia về ngay không ?
Tuyết Nga sợ Tây Môn Khánh về sẽ buộc tội mình gây ẩu đả để Huệ Liên phải tự ải, bèn quỳ trước mặt Nguyệt nương, xin đừng nói lại với Tây Môn Khánh về vụ xô xát vừa qua với Huệ Liên. Nguyệt nương bảo:
Bây giờ mới biết sợ, lúc nãy sao không nhịn đi một chút có phải tốt không. Lát sau Tây Môn Khánh về, Nguyệt nương nói:
Huệ Liên cả ngày chỉ khóc lóc thương nhớ chồng. Hôm nay nhà có khách, người nào cũng bận rộn, không dể ý, nào ngờ nó đã thắt cổ chết trong phòng tự bao giờ.
Tây Môn Khánh buồn rầu:
Con đó coi vậy mà bạc phận.
Nói xong sai làm một lá đơn báo với Tri huyện rằng nhân nhà có khách, Huệ Liên có phận sự dọn tiệc, sửa soạn chén bát, rủi làm thất lạc một món đồ bằng bạc, quá lo sợ chủ trừng phạt nên thắt cổ chết. Lại sai đem đến cho Tri huyện ba chục lạng bạc. Tri huyện nhận bạc và bỏ qua mọi chuyện. Tây Môn Khánh sai mua quan tài khâm liệm rồi định bảo Bôn Tứ và Lai Hưng đem ra chùa Địa Tạng ở ngoại thành, nạp tiền xin làm lễ hỏa táng. Nhưng cha của Huệ Liên là Tống Nhân hay tin, bèn tới ngăn cản, nói là con gái mình chết không minh bạch, lại bảo đám gia nhân rằng:
Con gái tao một lòng chung thủy với chồng, Tây Môn Khánh dụ dỗ không được nên bức tử nó.
Tao sẽ làm đơn kiện, chúng bay không được thiêu xác nó.
Mấy người giữ phận sự hỏa thiêu tại chùa nghe vậy thì lẩn đi. Bôn Tứ và Lai Hưng đành phải tạm cho quàn quan tài Huệ Liên tại chùa rồi trở về thưa với chủ…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.