Kim Bình Mai
Hồi 34
Tây Môn Khánh từ phủ Đề hình về nhà là hỏi ngay:
Ca nhi thế nào? Đã khá chưa? Nguyệt nương đáp:
Tôi đã cho gọi Lưu bà tới cho thuốc rồi, thằng nhỏ uống thuốc xong thì không khóc, không ọc sữa nữa, ngủ yên từ nãy tới giờ rồi.
Tây Môn Khánh đáp:
Con mẹ đó mà biết gì, đáng lẽ phải mời lang y tới thăm bệnh cho cẩn thận. Nhưng thôi, ca nhi khá rồi thì không sao, nếu còn không khỏi thì để tôi lôi con mẹ đó lên phủ Đề hình cho một trận.
Nguyệt nương nói:
Sao lại nói vậy? Con mình uống thuốc của người ta bây giờ đã khỏe rồi, sao lại định làm khó dễ người ta.
A hoàn dọn cơm lên, Tây Môn Khánh mới ăn được vài miếng thì Đại An vào báo là Ứng Bá Tước đến. Tây Môn Khánh bảo Đại An mời Ứng Bá Tước vào Tụ Cảnh Đường trong hoa viên, đem trà ra mời, rồi quay lại bảo Nguyệt nương:
Bảo gia nhân dọn cơm rượu ra, gọi Kính Tế nó tới tiếp, lát nữa tôi ra.
Chàng nhờ người ta chuyện gì mà bây giờ mới tới. Tây Môn Khánh đáp:
Ứng nhị ca cho biết là có một thương gia muốn bán gấp một số lớn tơ lụa vải sợi, đòi giá năm trăm lạng. Tôi định trả bốn trăm năm chục lạng rồi nhờ Ứng nhị ca thương lượng. Hôm qua tôi đã sai Lai Bảo theo Ứng nhị ca tới coi đặt trước hai chục lạng, hẹn là hôm nay sẽ chồng đủ. Tôi nghĩ rằng đường Sư Tử cũng là nơi thị tứ, buôn bán được, mình lại sẵn nhà đó, chi bằng mình dùng nhà đó để mở một tiệm buôn bán tơ lụa vải sợi, cho gia nhân tới trông coi lấy lời, mà khỏi phải cắt người tới coi nhà. Lại thêm Lai Bảo cũng đang làm việc quan, nó có thể giúp mình trong việc làm ăn này. Nguyệt nương bảo:
Như vậy mình phải tìm một quản gia thạo việc buôn bán chứ. Tây Môn Khánh nói:
Ứng nhị ca đã nói với tôi rồi, nhị ca có người quen, họ Hàn chuyên làm nghề tơ sợi, nhưng nay hết vốn nằm nhà. Ứng nhị ca cho biết, người họ Hàn này chữ nghĩa thông thạo, kế toán giỏi, tính tình đứng đắn. Ứng nhị ca tự đứng ra bảo lãnh, định là hôm nào sẽ dẫn tới gặp tôi để làm hợp đồng.
Nói xong bảo Nguyệt nương lấy bốn trăm năm chục lạng bạc, sai Lai Bảo đem ra. Tại phòng khách ở hoa viên, Ứng Bá Tước và Kính Tế ăn cơm xong, Bá Tước đang nóng ruột thì thấy Lai Bảo đem bạc ra, trong lòng mừng lắm. Lát sau Tây Môn Khánh tới, cùng Bá Tước uống trà nói chuyện. Bá Tước nói:
Tối qua tiệc tùng say sưa, về tới nhà thì đã trễ rồi. Sáng sớm hôm nay tôi phải đi ngay đó.
Tây Môn Khánh cười bảo:
Số bạc này đủ bốn trăm năm chục lạng, hôm nay tốt ngày, giao tiền rồi lấy xe chở hàng về căn nhà ở đường Sư Tử cho xong đi.
Bá Tước nói:
Đại ca tính rất phải.
Nói xong cùng Lai Bảo ôm bạc lên ngựa mà đi. Tới nơi, đôi bên làm giấy tờ mua bán. Bá Tước chỉ đưa cho người thương khách bốn trăm hai chục lạng, còn ba chục lạng thì giữ lại, bảo là tiền trả công làm trung gian. Lai Bảo cũng được chia chút ít trong số ba chục lạng đó. Xong xuôi hai người cho chất hàng lên xe chở ngay về, xếp cẩn thận trong căn nhà ở đường Sư Tử rồi khóa cửa lại, sau đó trở về báo cho Tây Môn Khánh biết. Tây Môn Khánh bảo Bá Tước chọn ngày tốt, dẫn người họ Hàn tới.
Tới ngày đó, hai người cùng lại, Tây Môn Khánh thấy họ Hàn vào khoảng tam tuần, mặt mày tươi tỉnh, cử chỉ đoan chính, ăn nói nhã nhặn thì mừng lắm, bằng lòng làm hợp đồng ngay. Từ đó Hàn quản gia cùng Lai Bảo trông coi tiệm tơ sợi của Tây Môn Khánh tại đường Sư Tử. Mỗi ngày cũng bán được tới mấy chục lạng.
Thời gian như bóng câu qua cửa, thấm thoắt đã tới ngày rằm tháng tám, là sinh nhật của Nguyệt nương. Trong nhà lại rộn rịp tiệc tùng khách khứa. Nguyệt nương giữ Ngô đại cữu mẫu, Phan bà, Dương cô nương ở lại chơi một hai ngày. Vì Ngô đại cữu mẫu ở hậu đường với Nguyệt nương, Tây Môn Khánh không tiện vào đó, do đó tới phòng Bình Nhi, và định ngủ lại đó. Nhưng Bình Nhi bảo:
Con nó cũng chưa khỏe hẳn, sợ đêm nó khóc làm chàng thức giấc, hay là chàng qua nghỉ bên Ngũ thư thư.
Tây Môn Khánh cười:
Nàng nói, ta đâu dám cãi.
Lúc đó Phan bà đang trò chuyện với con gái. Kim Liên thấy Tây Môn Khánh tới thì mừng quýnh, vội bảo mẹ sang ngủ bên Bình Nhi, rồi trang điểm thật đẹp đón tiếp Tây Môn Khánh, chiều chuộng đủ điều, uốn éo đong đưa dể mong giữ Tây Môn Khánh mọi đêm như trước. Thật là:
Đêm thu giấc ngủ đang nồng, Mộng uyên ương chứa bên trong bao tình.
Trong khi đó Bình Nhi thấy Phan bà lò dò sang xin ngủ nhờ thì vồn vã mời ngồi, rồi sai Nghênh Xuân dọn rượu thịt ra mời. Sau đó sai dọn giường chiếu sạch sẽ để Phan bà ngủ.
Sáng hôm sau Bình Nhi tặng Phan bà một cái áo mới, một xấp lụa, một đôi hài và ít tiền. Phan bà cười tít mắt đem về đưa cho Kim Liên coi rồi bảo:
Lục nương cho ta đấy. Kim Liên ngó qua rồi nói:
Mấy thứ này thường quá, mẫu thân lấy về làm gì ? Phan bà bảo:
Người ta có lòng tốt cho ta, sao con nói vậy? Mày có cho ta được cái gì bao giờ đâu. Kim Liên đáp:
Con đâu giàu có như người ta mà mẫu thân đem ra so sánh đến ngay vật dụng của con còn chưa đủ thì lấy đâu mà cho mẫu thân được. Bây giờ mẫu thân đã nhận quà tặng của người ta rồi thì phải soạn một mâm hoa quả, một bình rượu sang mà cám ơn người ta chứ. Sáng hôm sau, nhân lúc Tây Môn Khánh vắngnhà, Kim Liên sai Xuân Mai đem một mâm hoa quả và một bình rượu sang thưa với Bình Nhi:
Phan bà và nương nương tôi xin mời nương nương uống chén rượu. Bình Nhi bảo:
Thật làm Ngũ nương phí tâm quá.
Lát sau thì Phan bà và Kim Liên sang Bình Nhi mời hai người cùng ngồi rót rượu uống. Xuân Mai đứng hầu một bên. Ba người trò chuyện thì Thu Cúc vào bảo Xuân Mai:
Chị ra mở cổng hoa viên cho cậu Kính Tế vào nhà lấy quần áo thay. Kim Liên bảo Xuân Mai:
Ngươi ra nói với cậu Kính Tế là lấy quần áo xong rồi tới đây uống chén rượu. Xuân Mai trở ra, lát sau quay lại thưa:
Cậu Kính Tế thay quần áo xong thì đi luôn chứ không chịu vào đây.
Thì mày với Tú Xuân phải chạy theo gọi vào đây chứ. Hai đứa chạy ra dẫn được Kính Tế vào. Kim Liên bảo:
Tôi có lòng tốt cho Xuân Mai ra mời cậu vào uống chén rượu, sao cậu lại từ chối? Nói xong quay lại bảo Xuân Mai:
Mày rót rượu mời cậu xơi.
Kính Tế kéo ghế ngồi xuống. Xuân Mai rót một chung rượu mời Kính Tế. Kính Tế thấy chung rượu lớn quá thì hoảng sợ nói:
Ngũ nương cho uống thì tôi không dám chối từ, nhưng không dám uống nhiều đâu, ở ngoài tiệm bao nhiêu người đang chờ tôi đó.
Kim Liên bảo:
Thì cứ để họ chờ một lát, có sao đâu. Uống ít nhiều cho ấm bụng đã. Đàn ông thì phải uống chung lớn, chứ uống chung nhỏ như đàn bà coi sao được.
Phan bà nói:
Thôi cậu ấy bận việc thì để cậu ấy uống một chung lớn này là được rồi.
Mẫu thân tin được lời của cậu ấy hay sao? Bận gì mà bận, ngồi đây uống rượu một lát thì đã chết ai chưa.
Kính Tế cười, nâng chung rượu uống hai hớp nhỏ. Phan bà bảo:
Cậu ấy có vẻ không uống được rượu. Xuân Mai xem có hoa quả gì cho cậu ấy đưa cay chứ.
Xuân Mai cố tình lựa hai trái ổi xanh cho Kính Tế. Kính Tế ghé răng cắn mà ăn, tiếng nhai ròn tan.
Phan bà bảo:
Tuổi trẻ có khác, răng tốt thật. Chẳng bù cho những người già cả như tôi, thức ăn gì hơi cứng một chút là chịu, không nhai nổi.
Kính Tế cười:
Tôi thì chỉ có đá và sừng trâu là không nhai được mà thôi. Nói xong nâng chung uống cạn. Kim Liên sai Xuân Mai rót đầy chung cho Kính Tế rồi bảo:
Chung rượu vừa rồi là tôi mời, còn mẫu thân tôi và Lục nương đây nữa, nghĩa là cậu phải uống ba chung. Uống xong ba chung thì tha cho cậu.
Kính Tế nói:
Xin Ngũ nương thương tôi, quả là tôi không uống thêm được nữa, uống hết chung vừa rồi mặt tôi đã đỏ rần lên đây này, gia gia thấy thì thật khó nói lắm. Kim Liên bảo:
Cậu cũng sợ gia gia sao? Nhưng hôm nay thì khỏi sợ vì gia gia không có nhà. Kính Tế nói:
Hồi sáng gia gia uống rượu với Ngô Dịch thừa, bây giờ thì đang ở bên nhà Kiều đại hộ trước cổng mình đây để xem xét cửa nhà.
Kim Liên bảo:
Không biết Kiều đại gia đã dọn nhà chưa, mình cũng phải có chén rượu tiễn người ta chứ.
Bình Nhi hỏi tiếp:
Nhà họ Kiều bây giờ dọn đi đâu? Kính Tế đáp:
Nhà họ Kiều dọn tới đường Đông Đại Nhai, Kiều đại gia bỏ ra một ngàn hai trăm lạng bạc mua một dinh thự tương tự như nhà mình đây.
Vừa nói chuyện vừa uống rượu, Kính Tế đã uống hết chung thứ nhì. Kim Liên sai Xuân Mai rót nữa, Kính Tế hoảng lên đứng dậy cáo từ rồi tất tả bước ra, Xuân Mai bảo:
Vội vội vàng vàng mà quên cả chìa khóa đây này.
Kim Liên cầm xâu chìa khóa trên bàn giấu vào trong người rồi bảo:
Lát nữa cậu ta trở lại tìm thì đừng ai nói gì hết, để tôi làm khó cậu ta một chút chơi. Phan bà bảo:
Trả cho người ta đi, làm khó người ta làm gì.
Có ai thấy xâu chìa khóa của tôi đâu không? Kim Liên bảo:
Làm gì có chìa khóa nào ? Cậu bỏ chìa khóa ở đâu rồi tới đây hỏi thì ai mà biết? Xuân Mai bảo:
Đúng đấy, chắc cậu để quên ở đâu rồi.
Kính Tế nói:
Không, tôi nhớ là có đem tới đây mà. Kim Liên nói:
Nhớ gì mà nhớ, ruột để ngoài da, bỏ đâu rồi quên mất, bây giờ phải đi hỏi xem có đứa nào nó nhặt được không.
Kính Tế vò đầu bứt tai:
Khổ không cơ chứ, toàn là chìa khóa quan trọng tìm không ra rồi thình lình gia gia về hỏi thì làm sao tôi trả lời đây?
Bình Nhi thấy điệu bộ Kính Tế thì không nín được cười. Kính Tế vội hỏi:
Lục nương giữ giùm tôi phải không, làm ơn cho tôi xin lại đi.
Tại sao Lục thư thư lại cười vậy? Làm thế là cậu ta tưởng chúng mình giấu chìa khóa. Kính Tế ngẩng lên cúi xuống tìm tòi, đang lúc thất vọng thì chợt thấy cái dây khóa thòng lòng ra khỏi dây lưng Kim Liên, bèn reo lên:
Chẳng chìa khóa là gì đây?
Nói xong bước tới đưa tay giật xâu chìa khóa giắt tại lưng Kim Liên, nhưng Kim Liên đã kịp thời giữ chặt lại mà bảo:
Lạ chưa, chìa khóa của cậu mà làm sao lại ở trong tay tôi được. Chìa khóa của tôi đó, đừng có vớ vẩn.
Kính Tế quỳ xuống năn nỉ xin lại. Kim Liên bảo:
Nghe nói cậu hát hay lắm, ở ngoài tiệm cậu thường hát cho đám gia nhân nghe. Bây giờ cậu hát một bài cho chúng tôi nghe, thì tôi sẽ trả lại chìa khóa cho. Nếu không thì đừng hòng tôi trả lại.
Kính Tế nhăn nhó:
Ngũ nương làm khó tôi quá, tôi có biết hát xướng gì bao giờ đâu.
Kim Liên bảo:
– Cậu có hát hay không, có thế thôi.
Kính Tế khổ sở không biết phải làm sao. Nghênh Xuân đem thêm hoa quả ra và rót rượu đầy chung cho ba người. Kim Liên hất hàm:
Cậu dùng một chung rượu cho ngọt giọng rồi hát. Kính Tế đành nói:
Thôi được rồi, để tôi hát xong rồi uống. Tôi xin hát khúc “Sơn Pha Dương” để Ngũ nương nghe.
Hát rằng:
Lúc mới quen nhau. Tai vườn đào kết nghĩa. Quen biết đã lâu.
Ai kia gặp bước công hầu.
Ai uống rượu dưới vườn hoa thúy. Riêng mình ta lẻ bóng đau sầu. Trách ai lấy hư làm thật.
Để cho ta lã chã hạt châu. Ta nhờ gia nô của ai xin gặp. Ta thấy ai đứng ở vườn sau. Ai thấy ta, lãnh đạm quay vào. Ta buồn giận.
Bứt nhánh liễu trong tay bẻ nát. Lòng thầm oán trách vài câu. Ôi thôi.
Ta đi tìm điều không có. Ta đi tìm cái vô thường.
Nhưng ba thu nữa.
Để xem ai sẽ ra sao.
Hát xong, Kính Tế bảo:
Bây giờ thì Ngũ nương cho tôi xin lại xâu chìa khóa đi, ở ngoài tiệm mọi người đang chờ tôi, chắc là sốt ruột lắm, vả lại lỡ gia gia tới đó mà không có tôi thì mệt thân tôi. Kim Liên nói:
Việc gì mà sợ, gia gia có hỏi thì cậu cứ trả lời là tới nơi này uống rượu rồi bỏ quên chìa khóa, gia gia cần chìa khóa thì cứ tới phòng tôi.
Kính Tế nhăn nhó:
Thánh thần ơi, nếu vậy thì chết ttôi, Ngũ nương đùa kiểu này thật là giết người chứ không chơi đâu.
Phan bà và Bình Nhi mấy lần giục Kim Liên trả chìa khóa lại cho Kính Tế, nhưng Kim Liên bảo:
Đáng lẽ là tôi bắt cậu ngồi đây hát cho đến tối, nhưng nể lời mẫu thân và Lục nương đây, thôi thì cậu hát thêm một bài nữa rồi tôi tha cho.
Kính Tế nói:
Tôi chỉ biết có mỗi một bài thì đã hát rồi, bây giờ biết hát gì nữa đây.
Kim Liên lạnh lùng:
– Cái đó thì tùy.
Kính Tế bất đắc dĩ hát rằng:
Đồ bạc tình, sao chàng không tới ?
Để ta cả tháng buồn sầu Đồ bạc tình, sao chàng không đến ?
Để tơ lòng rung những tiếng thương đau Chàng ở nơi cao sang Ta mấy lần viết thiếp mời chàng Chàng còn vui tiệc mê nghe hát Để ta vò võ buồn mênh mang Lòng ta lạnh như đồng nguội như tro Nào biết gì vui Chỉ thấy sầu dằng dặc không nguôi Ta chờ mãi chờ hoài Chờ thâu đêm suốt sáng Ta mờ lệ nghiên răng cay đắng Ta mở cửa đứng nhìn mông lung Oán trách ai khôn cùng.
Kính Tế hát xong, Kim Liên sai Xuân Mai rót thêm rượu. Trong lúc đó nhũ mẫu Như bồng Tố Quan đứng chơi ngoài thềm. Nguyệt nương từ hậu đường tới, thấy vậy bèn mắng:
– Chị này ngu quá, em nó mới mạnh mà bồng ra chỗ gió máy này sao? Trong phòng, Kim Liên hỏi:
– Ai nói gì ngoài đó vậy? Tú Xuân đáp:
– Đại nương tới.
Kim Liên vội đưa chìa khóa cho Kính Tế. Kính Tế hoảng lên, theo cửa ngang mà ra. Trong này, ba người vội đón tiếp Nguyệt nương. Nguyệt nương bước vào hỏi:
– Kính Tế nó ở đây làm gì vậy? Kim Liên đáp:
– Lục thư thư đây có chén rượu mời mẹ con chúng tôi. Kính Tế đi ngang nên gọi vào cho một chung rượu.
Đoạn đon đả lấp liếm:
Mời Đại nương ngồi xuống đây, rượu này ngon lắm, để tôi rót mời Đại nương một chung, hoa quả tươi lắm, xin Đại nương dùng một miếng cho vui.
Nguyệt nương bảo:
– Tôi không ăn uống gì đâu. Đoạn quay sang bảo Bình Nhi:
– Lục muội muội à, con nó mới khỏi ốm sao muội muội lại để nhũ mẫu bồng ra ngoài gió vậy? Hôm nọ Lưu bà có nói là con nó bị kinh hàn, muội muội không nhớ hay sao?
Nói xong kéo ghế ngồi xuống. Bình Nhi đáp:
– Tôi thù tiếp lão bà đây, không để mắt một chút là con khốn đó đã đem thằng bé ra gió rồi.
Nói xong bảo Tú Xuân gọi nhũ mẫu đem Tố Quan vào phòng. Nguyệt nương ngồi một chút rồi trở vào hậu đường. Lát sau sai Ngọc Tiêu tới mời ba người vào dự tiệc rượu tiễn Ngô Đại cữu mẫu về nhà. Ba người kéo nhau vào. Mãi tới chiều, Ngô Đại cữu mẫu và Dương cô nương mới cáo từ lên kiệu mà về , mọi người tiễn ra tới cửa. Kkách về rồi, Ngọc Lâu bảo:
Đại nương à, hôm gia gia gia không có nhà, mình thử qua bên nhà Kiều đại gia đây xem nhà thế nào.
Nguyệt nương quay lại hỏi Bình An:
Ai giữ chìa khóa bên đó.
Các nương nương có muốn sang coi nhà thì cứ sang, có Lai Hưng đang trông nom dọn dẹp bên đó.
Nguyệt nương cùng Kiều Nhi, Ngọc Lâu, Kim Liên và Bình Nhi dùng kiệu mà sang căn nhà mới mua lại của Kiều đại hộ Ở đối diện. Qua hai lần cổng thì tới đại sảnh, bên trên là lầu. Nguyệt nương cùng mọi người xuống kiệu bước vào đại sảnh, sau đó lên lầu. Nhưng Nguyệt nương mới bước được vài bực thang lầu thì trượt chân ngã xuống nhưng may mắn nắm kịp thành cầu thang nên không ngã hẳn xuống đất. Ngọc Lâu hoảng hốt bước lên đỡ mà hỏi:
Đại nương có sao không?
Nguyệt nương hết cả hồn vía, không lên lầu nữa, mọi người dìu Nguyệt nương trở xuống. Ngọc Lâu thấy mặt Nguyệt nương đi thì hỏi:
Đại nương có sao không? Làm sao mà trượt chân vậy? Nguyệt nương đáp:
Có lẽ tại tôi quen với cầu thang ở nhà nên không quen cầu thang lạ, do đó trượt chân. Cũng may là nắm kịp thành cầu thang, nếu không thì nguy rồi. Kiều Nhi bảo:
Đại nương vừa bị kinh hãi, chúng mình nên về thì hơn, để hôm khác sang xem nhà cũng được.
Mọi người lại lên kiệu mà về.
Về tới phòng thì Nguyệt nương cảm thấy đau bụng dữ dội, bèn sai gia nhân mời gấp Lưu bà tới.
Lưu bà tới thăm bệnh xong rồi hỏi:
Có gì bất thường xảy ra không ?
Hồi nãy lên cầu thang rồi bị trượt chân. Lưu bà lại hỏi:
Cái thai được mấy tháng rồi?
Có lẽ cũng hơn năm tháng. Lưu bà nói:
Nguy hiểm lắm, tôi cho thuốc này, uống với rượu, nếu không giữ được thì nó phải ra.
Nguyệt nương kêu lên:
Vậy sao ?
Lưu bà đưa hai viên thuốc lớn màu đen rồi ra về. Nguyệt nương uống xong, đến nửa đêm thì bị sảy thai. Cái thai đã thành hình, và đó là bào thai con trai. Cũng may đêm đó Tây Môn Khánh nghỉ lại phòng Ngọc Lâu, nên không hay biết chuyện này.
Sáng hôm sau Ngọc Lâu dậy sớm, sang phòng Nguyệt nương hỏi thăm. Nguyệt nương kể lại đầu đuôi. Ngọc Lâu giật mình than rằng:
Khổ không cơ chứ. Gia gia có biết gì không ? Nguyệt nương đáp:
Hôm qua gia gia về, định nghỉ ở đây, nhưng tôi nói là tôi mệt, giục sang phòng khác, do đó gia gia mới sang phòng muội đó. Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn đau bụng.
Ngọc Lâu bảo:
Chắc là huyết dư chưa ra hết, chừng ra hết thì cũng hết đau bụng. Đại nương nên nằm tĩnh dưỡng, không nên đi ra ngoài gió máy nguy hiểm lắm, người ta nói “một con sa bằng ba con đẻ” đó.
Nguyệt nương dặn:
Chuyện này chỉ có mình muội muội biết, đừng nói hở ra ngoài, một là gia gia phiền trách, hai là người ta bàn tán lôi thôi.
Ngọc Lâu gật đầu bước ra.
Lại nói về tiệm tơ sợi của Tây Môn Khánh ở đường Sư Tử, được giao cho viên quản lý họ Hàn, tên là Đạo Quốc, tự là Hy Nghiêu. Hy Nghiêu ham mê thanh sắc. giỏi ăn nói, nhưng thường hay ba hoa, thấy tiền tài thì híp mắt lại. Từ khi được làm quản lý cho Tây Môn Khánh thì có đồng vào đồng ra, sống rất phong lưu. Vợ là em gái của đồ tể họ Vương, là con thứ sáu trong nhà nên thường gọi là Lục Thư. Lục Thư khoảng hai mươi tám tuổi, có được một đứa con gái. Lục Thư là người có nhan sắc mặn mà, miệng tựa hoa xuân, mặt như thoa phấn. Hy Nghiêu lại có một em trai là Hàn Nhị, sống lêu bêu du thủ du thực, không sống chung với anh, nhưng lúc Hàn Đạo Quốc không nhà, thường tới uống rượu với chị dâu. Vợ Hàn Đạo Quốc thường ra đứng trước cửa tiệm tơ sợi, thanh niên đi đường thấy có nhan sắc, thường nhìn hoặc trêu ghẹo, đều bị chửi mắng, do đó đám thanh niên lêu lổng quanh đó thù ghét vợ họ Hàn lắm, bèn để ý dò xét.
Chỉ trong vòng nửa tháng, đám thanh niên xung quanh đã biết được chuyện Vương thị với em chồng.
Một hôm Hàn Nhị biết anh mình vắng nhà, bèn tới bày tiệc rượu cùng chị dâu nói cười đối ẩm. Ngờ đâu đám thanh niên lối xóm đã theo dõi từ đầu, phen này nhất định trả thù. Đang lúc hai người say sưa thì đám thanh niên chạy tới tông cửa vào tri hô rầm rĩ. Hàn Nhị sợ quá vẹt mọi người định thoát thân nhưng bị một thanh niên đánh ngã. Sau đó đám thanh niên lấy giây thừng trói chặt lại. Cả xóm náo động, người này chạy tới hỏi một câu, người kia chạy tới ghé mắt nhìn một cái. Hàng xóm bu lại bàn tán không ngớt. Một ông già len lỏi giữa đám đông vào hỏi:
Chuyện gì vậy? Một thanh niên đáp:
Lão không biết hay sao? Đây là đôi gian dâm phu phụ vừa bị bắt tại trận đó ! Ông lão gật đầu bảo:
Kể cũng tội, chuyện thông gian mà đem lên quan thì chỉ có cái chết.
Một người lắm chuyện biết ông già này tính tình lăng nhăng, có tới ba vợ, liền bảo:
Người ta lăng nhăng thì lão khép vào tội chết, còn lão lăng nhăng thì ghép vào tội gì? Ông già im lặng, xấu hổ bỏ đi. Thật là:
Nhà mình tường đầy tuyết đóng, Chê mái nhà người ướt sương. Lát sau, đám thanh niên dẫn Hàn Nhị và Vương thị lên quan.
Hôm đó Hàn Đạo Quốc không ngủ đêm ở tiệm nên muốn về nhà sớm, thời tiết trung tuần tháng tám nên Đạo Quốc chỉ mặc một bộ quần áo lụa, tay cầm quạt phe phẩy mà đi. Trên đường, Đạo Quốc gặp một đám người tụ tập ngồi đứng chuyện trò, trong đó có hai người quen là Trương Nhị mở tiệm bán giấy và Bạch Tứ là thợ kim hoàn, bèn bước tới chào hỏi. Trương Nhị bảo:
Lâu lắm không gặp Hàn huynh, nghe nói huynh quản lý tiệm tơ sợi cho Tây Môn Thiên hộ mà anh em chúng tôi không tới mừng được, thật là có lỗi, xin huynh đừng chấp.
Đạo Quốc vênh mặt, phe phẩy cái quạt trên tay đáp:
Cám ơn, tôi tuy bất tài nhưng may được Tây Môn Đại quan nhân dùng tới, cho cai quản mấy tiệm lớn, trong tay giữ cả trăm vạn, lại được yêu quý kính trọng lắm, tuy vậy mà công việc bề bộn, cũng mệt lắm.
Bạch Tứ hỏi:
Sao nghe nói huynh chỉ cai quản có một tiệm tơ sợi mà thôi ? Đạo Quốc cười:
Nếu vậy là huynh không biết rồi. Tiệm tơ sợi chỉ là một thứ bề ngoài mà thôi, còn bao nhiêu chuyện làm ăn buôn bán lớn lao, mọi việc kinh tài khác, đều do một tay tôi coi sóc, công chuyện gì cũng phải có tôi bàn tính. Quan nhân mỗi khi ở phủ về, đều sai người nhà dọn cơm rượu cùng tôi ngồi ăn và tính toán công việc. Sau đó lại mời tôi vào thư phòng uống trà nói chuyện dứt không ra, có khi suốt cả đêm ấy chứ. Hôm qua là sinh nhật của Tây Môn Đại nương, tôi có ngồi kiệu tới tặng quà chúc thọ, được Đại nương giữ lại trò chuyện ăn uống cho tới canh hai. Ôi thôi, kể ra không hết, mà có nhiều điều không thể nói cho các huynh biết được. Tóm tắt là tôi được quan nhân hoàn toàn tin cậy kính trọng, tôi làm lợi trừ hại cho chủ, rất minh bạch trong vấn đề tiền bạc. Tôi không phải nói khoe, quan nhân có tôi là được nhờ tôi lắm đó…
Đạo Quốc đang hứng chí ba hoa thì có một người chạy tới bảo:
Hàn đại ca, giờ này mà còn đứng đó nói dóc hay sao? Làm tôi tới tiệm kiếm không thấy.
Đoạn bước tới kéo Đạo Quốc ra một chỗ mà bảo nhỏ:
Tẩu tẩu ở nhà thông gian với Hàn Nhị, hàng xóm bắt được giải lên quan rồi, đại ca không lo chạy vụ này cho sớm đi.
Đạo Quốc nghe xong như sét đánh ngang đầu, chân tay rụng rời, không biết nói gì, bèn rảo bước đi ngay. Đám bạn bè gọi:
Hàn huynh, chuyện chưa hết mà bỏ đi sao?
Đạo Quốc quay lại vung tay nói:
Có chuyện cần kíp lớn lao lắm, quan nhân cho người tìm tôi tới ngay để thương nghị, tôi phải đi ngay. Nói xong tất tả mà đi..
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.