Lời thề trước miễu

Chương III



Thầy giáo ngó cô Ðào mà cười. Cô thấy nhà có khách, nên đi vòng theo hè mà vô nhà sau.

Hương thân nói: “Rượu của thầy giáo mua tới hai ve, uống sao cho hết, cần gì phải mua nữa.”

Hương trưởng đáp:

– Giống gì mà không hết! Ông nói như vậy người ta nghe họ khinh khi mình chớ.

– Tôi không được mạnh rượu cho lắm. Tôi uống chấm chút năm ba ly, chớ hễ uống nhiều thì cúp rồi hết nói chuyện được.

– Uống cho khá khá một chút nói chuyện mới vui chớ.

Cách một lát cô Ðào đem lên để một bên ông Hương trưởng một ve rượu nhỏ với một dĩa khô mới nướng nên còn nóng hổi.

Ông Hương trưởng cười và nói: “Chà chà! Bữa nay con nhỏ nó kiếm được khô cá hố[1] nó mua chớ. Hai ông hên lắm. Gặm khô đây mà nhậu cho sướng.” Ông đẩy dĩa khô qua mà mời khách, rồi cầm ve rượu nhỏ đưa lên mà coi.

Cô Ðào xây lưng đi xuống nhà sau, ông bèn kêu mà nói: “Ðào à, phụ với má mày mà làm gà làm vịt nấu cháo cho lẹ nó, nghe hôn. Như liệu làm không kịp thì kêu vợ thằng Cai tuần Tam nó qua nó tiếp tay cho. Nấu cháo cho ngọt, đừng làm lấy có tao đánh chết đa. »

Hương thân hỏi Hương trưởng:

– Con cháu năm nay trộng đến. Nó được mấy tuổi rồi vậy?

– Hai mươi tuổi rồi đó.

– Nếu vậy thì gả lấy chồng được rồi. Có chỗ nào họ nói hay chưa.

– Chưa. Trai đời nầy kỳ cục lắm. Hễ con nhỏ đi ra thì chúng nó cứ theo chọc ghẹo, mà không thấy đứa nào nói tiếng chi hết.

– Tại ông gắt quá, nên họ sợ không dám tới họ nói chớ gì.

– Ðâu có! Tôi gắt hồi nào? Tôi trông ai tới nói tôi gả phứt nó cho rồi, chớ để làm chi. Nó là con ghẻ, chớ phải con ruột của tôi hay sao mà tôi làm khó dễ.

– Ông nói như vậy, thôi để tôi làm mai kiếm đầu heo ăn chơi.

– Nó là cháu của ông. Ông coi chỗ nào phải ông nói với tôi, thì tôi gả liền… Nè, uống chớ, hai ông sao uống lôi thôi quá.

Ông Hương trưởng rót rượu mà ép khách, rồi ông nhậu thêm một ly coi ngon lắm. Ông đã xình xoàng day mặt xuống nhà sau mà kêu: “Ðào a, lên đây biểu coi nào.”

Cô Ðào xăn áo ngang, hai tay ướt mem ở dưới nhà sau lơn tơn đi lên. Ông Hương trưởng hỏi:

– Có gà vịt gì hay không?

– Thưa có. Má đương làm một con gà và một con vịt.

– Ừ được. Làm gà trước đi rồi luộc xé phay bưng lên đây.

– Dạ.

– Làm cho mau đa. Mẹ con bây chậm như rùa, cứ dạ dạ hoài, mà không thấy gì hết.

Cô Ðào trở xuống nhà sau. Thầy giáo nói: “Ðể thủng thẳng vậy chớ. Ông thúc quá, làm sao cho kịp. Còn sớm mà, chưa đói đâu.”

Hương thân hỏi:

– Mỗi ngày ông uống chừng bao nhiêu?

– Ối, cái đó chừng đỗi gì. Có nhiều thì uống nhiều, có ít thì uống ít, bao nhiêu cũng được.

– Như không có rượu được hay không?

– Không được. Nếu không có thì buồn lắm, bởi vậy con nhỏ đi bán bánh mỗi bữa phải mua cho tôi một cắc.

– Ông nói như vậy, nếu ông gả cháu lấy chồng rồi còn ai bán bánh mà mua rượu cho ông uống?

– Mẹ nó đó chi.

– Tôi nói thiệt với ông, thầy giáo đây thẩy thấy con cháu thẩy thương, nên thẩy cậy tôi làm mai. Ông chịu gả hay không?

Ông Hương trưởng chưng hửng. Ông ngó thầy giáo rồi hỏi: “Thầy giáo đây?”

Thầy giáo Bính cười.

Hương thân rước mà đáp:

– Phải. Thầy giáo đây. Ông chịu gả hay không?

– Tưởng là ai, chớ thầy giáo đây thì tôi gả liền. Tụi của mình mà không gả, thì còn chờ ai nữa.

– Ông gả ông đòi bao nhiêu?

– Bán chác gì đó mà đòi. Tôi gả không, tôi không thèm đồng nào hết.

– Không đòi sao được. Ông phải đòi một số tiền đặng mua sắm quần áo cho cháu và đi chợ mà làm đám cưới chớ.

– Làm đám cưới đám hỏi chi vậy? Ðịnh ngày nào cưới mình anh em năm ba người tựu lại, mua ít ve rượu rồi uống với nhau một bữa thì đủ rồi.

– Ông tính như vậy thì tiện lắm. Mà bề nào thầy giáo cũng phải đưa cho ông một số tiền đặng cho cháu sắm chút đỉnh quần áo mà về nhà chồng chớ.

Ông Hương trưởng rót rượu mà uống nữa rồi nói: “Sắm áo quần thì ít chục đồng bạc sắm cũng đủ”.

Cô Ðào bưng lên một mâm, có một dĩa thịt gà xé phay, một dĩa muối ớt với ba đôi đũa. Ông Hương trưởng lấy làm đắc ý, ông mời khách lăng xăng, khách ăn còn ông uống.

Cách chẳng bao lâu, cô Ðào lại bưng thịt vịt, bưng cháo lên nữa.

Ông Hương trưởng quá chén, ông gặm cái đầu gà chưa xong, nên ông cứ ép khách, chớ ông ăn không được.

Bà Hương trưởng nấu xong rồi, bây giờ bà mới rảnh rang, nên lên ngồi tại bộ ván nhà trên mà ăn trầu. Bà cứ liếc mắt ngó thầy giáo Bính, song bà không nói một tiếng chi hết.

Tiệc mãn rồi, thầy giáo mới nói với ông Hương trưởng: “Thưa ông Hương trưởng, phận tôi đơn chiếc lắm, dầu muốn cũng khó mà làm rình rang được. Hồi nãy ông nói dễ như vậy thì tôi hết sức cám ơn ông. Thôi, để mai mốt tôi đem lên đưa cho ông năm mươi đồng bạc. Ông mua sắm áo quần bao nhiêu tùy ý ông, song tôi xin ông mua một con heo đặng bữa cưới đãi hai họ. Hễ ông định ngày cưới thì tôi mời bà con đôi ba người lên đây. Ông cũng mời khách ít người. Ăn tiệc rồi chiều tôi rước dâu về. Làm như vậy, ông nghĩ coi có được hôn?”

Ông Hương trưởng nói: “Ðược mà, được mà. Thầy muốn sao cũng được hết. Tôi đã nói tôi dễ lắm”.

Hương thân Mẩn với thầy giáo Bính cáo từ mà về.

Ông Hương trưởng nằm ngửa trên ván mà nghỉ. Bà Hương trưởng ở nhà sau bước lên hỏi rằng:

– Hồi nãy tôi nghe ông hứa gả con Ðào cho thầy giáo Bính phải hôn?

– Ừ.

– Ông có chén rồi, ông hứa bất tử quá!

– Sao mà bất tử?

– Thầy giáo coi bộ lớn tuổi hơn con Ðào nhiều quá mà gả giống gì.

– Thầy chừng ba mươi tuổi chớ già cả gì hay sao.

– Còn gì nữa! Lại nghe tin thầy có một đời vợ rồi.

– Tôi biết hồi thầy ở trên Cần Giuộc, thay có cặp xách con nào đó, mà thầy bỏ đã lâu rồi mà.

– Con Ðào nó nói thầy ưa mèo chó, bài bạc dữ lắm.

– Ối! Bà đừng có nhiều chuyện! Hễ tôi nhứt định gả là tôi gả. Bà cứ nghe lời con Ðào hoài! Thầy giáo thẩy chịu cưới năm mươi đồng bạc, hễ thầy cưới rồi nó được làm “thím giáo”, không sướng sao? Khéo làm bộ chê bai; người ta như vậy mà chê! Làm phách rồi trốn theo trai mới mang xấu.

Bà Hương trưởng không dám cãi nữa, bà trở đi xuống nhà sau, mặt buồn hiu.

*

* *

Cách năm năm sau.

Trưa, Cô Ðào đang nằm trên võng mà cho đứa con gái của cô mới đẻ được ba tháng bú. Thằng Khoa là con trai của cô, đã được ba tuổi rồi, nó đi lẫm đẫm trước mặt cô mà chơi. Một lát nó chạy lại ôm mặt em nó mà hun và nói: “Con thương con Lý quá.”

Cô Ðào xô nhẹ nhẹ cho nó dang ra và nói: “Ðừng con. Ðể cho em ngủ. Con hun nó đây đố khỏi nó thức dậy cho mà coi.”

Thằng Khoa cười, rồi đi ra cửa mà đứng.

Ngoài đường trời nắng chang chang. Con heo vá[2] nằm dựa góc me nghỉ trưa, mắt nhắm lim dim, bụng thở hoi hóp. Con gà mái vàng dắt bầy con đi kiếm ăn, mẹ đứng trên đống rác mà bươi, con chạy xung quanh kêu chét chét.

Thằng Khoa một tay vịn cánh cửa, còn tay kia thì đưa lên và thọc ngón trỏ vô miệng mà ngậm, đứng ngó gà ngó heo mà nói nhỏ như hát. Cách một hồi nó nói: “Ba về”, rồi lăng xăng chạy ra lộ.

Thầy giáo Bính dừng xe máy trước cửa, thầy nhảy xuống gọn gàng và nói: “Ði vô con. Trời nắng lắm, đừng ra lộ”. Thầy với nắm tay thằng Khoa mà dắt nó đi vô nhà, tay kia thầy dẫn cái xe máy.

Cô Ðào bồng con ngồi dậy mà hỏi: “Bữa nay má bớt hay không?”

Thầy giáo Bính dựng cái xe dựa vách rồi lại ngồi trên ghế mà đáp:

– Bịnh coi cũng vậy, có thấy bớt gì đâu.

– Mình có hỏi hồi sớm mai nầy má có ăn cơm hay không?

– Tôi hỏi, má nói má ăn cơm không được; hồi sớm má mới hỏi mượn chị Cai tuần nấu cho má một chén cháo, mà má ăn có vài muỗng thì ói ra hết.

– Hôm qua tôi lên thăm thì má nói đã năm sáu bữa rồi má không có một hột cơm trong bụng. Khổ quá, đau mà cơm cháo ăn không được thì làm sao mà mạnh.

– Bởi vậy bữa nay tôi coi má yếu lung lắm.

– Má đã ốm sẵn, rồi không ăn cơm mấy bữa rày nữa, thì không yếu sao được. Cậu có tính rước thầy coi mạch hốt thuốc cho má uống hay không?

– Tôi thấy xẩn bẩn đi ra nhậu một ly, đi vô nhậu một ly hoài, có tính gì đâu.

– Thế khi cậu sợ uống thuốc tốn tiền nên không dám rước thầy chớ gì.

– Có lẽ tại vậy đó. Hồi nãy tôi có nói với cậu rằng tôi coi bịnh má nhiều lắm, vậy cậu phải coi thầy nào hay thì rước đặng coi mạch hốt thuốc cho má uống. Cậu nói thứ nhức đầu nóng lạnh để ít bữa thì hết, cần gì phải uống thuốc cho tốn tiền. Thầy thuốc nói dốc đặng ăn tiền, chớ họ giỏi gì đó mà rước họ; nếu họ giỏi thì họ không chết. Nói như vậy thì cùn chuyện rồi.

– Má thiệt vô phước quá! Gặp ông chồng ổng giỏi nghề uống rượu, uống mấy lít ổng cũng không biết say, chớ ổng không biết lo việc gì hết!

Thầy giáo chúm chím cười mà nói: “Nhờ ổng ưa uống rượu, nên tôi mới cưới được mình đó, mình nhớ hôn?” Thầy nói dứt lời rồi bồng thằng Khoa mà hun.

Chồng muốn nói pha lửng chơi, mà cô Ðào đương có việc lo, nên cô không lấy lời vui vẻ mà đáp lại với chồng, cô ôm con Lý ngồi ngó sửng ra ngoài đường, mặt cô buồn hiu. Cô suy nghĩ một hồi rồi than rằng: “Thằng Lân nó đi đâu biệt mấy năm nay, không thấy tăm dạng gì hết. Bà già đau đó, không biết chừng tại nhớ nó nên buồn rầu mà sanh bịnh.”

Thầy giáo nói: “Mình không phải thầy thuốc, làm sao mình dám đoán căn bịnh đó chớ. Thôi má đau, cậu không lo, thì mình lo. Ðể lát nữa đi dạy học, tôi ghé tôi nói với thầy Hoằng, rồi chừng nửa chiều, trời mát, mình mướn một cỗ xe mình rước ổng đặng ổng lên coi mạch hốt thuốc cho má uống. Mình đem hết hai đứa nhỏ theo, đặng ở trển ít bữa mà lo cơm cháo thuốc men cho má. Xe lên đó mình biểu nó chờ, đặng ông thầy Hoằng coi mạch rồi ổng theo xe ổng về mà hốt thuốc. Chừng tan học rồi, tôi lấy thuốc tôi đạp xe máy tôi mang lên cho.”

Cô Ðào nghe chồng nói như vậy thì cô rất cảm tình nên cô ngó chồng mà hỏi:

– Tôi đi lên ở trển rồi ở nhà ai lo cơm nước cho mình.

– Ối! chuyện nhỏ mọn hơi nào mà lo. Tôi qua nhà anh Hương thân kiếm cơm ăn, hay tôi mua cơm đằng quán tôi ăn đỡ cũng được mà. Bà già đau phải lo cho bà già, mình mạnh mà lo giống gì.

Thầy giáo coi đồng hồ, thầy đã gần tới giờ dạy học, thầy mới lật đật vô buồng thay đổi áo quần. Chừng thầy trở ra, thầy đưa cho vợ ba đồng bạc mà nói: “Lấy tiền đây mà đem hờ theo, đặng coi má muốn ăn vật gì thì mua cho má ăn. Thôi, để tôi đi sớm đặng tôi nói trước với thầy Hoằng và tôi dặn xe sẵn rồi chiều mát mình đi. Nè, chừng mình đi mình khóa cửa lại, rồi gởi chìa khóa cho thím Cấm đặng chiều về tôi mở cửa tôi vô nghe hôn.”

Thầy giáo đi rồi, cô Ðào lo tắm cho hai đứa con. Ðến nửa chiều, xe đem lại, cô mới khóa cửa gởi chìa khóa cho thím Cấm, rồi bồng con lên xe. Cô lại ghé rước thầy Hoằng rồi đi lên cầu Mồng Gà.

Khi cô Ðào với thầy Hoằng bước vô nhà thì thấy ông Hương trưởng Tồn nằm chình ình trên bộ ván giữa mà ngủ, ông ngáy nghe vo vo. Cô Ðào mời thầy Hoằng ngồi, rồi cô bồng con đi thẳng vô buồng mà thăm mẹ. Cách một lát cô trở ra mời thầy Hoằng vô coi mạch. Thầy coi mạch rất kỹ, chừng coi rồi thầy từ mà về đặng hốt thuốc cho thầy giáo đem lên cho sớm.

Cô Ðào đưa thầy Hoằng ra cửa, rồi cô đứng lại hỏi nhỏ nhỏ rằng:

– Thầy coi bịnh má tôi có sao hôn thầy?

– Bịnh tuy nhiều, song không sao đâu mà sợ. Tôi hốt vài thang thì mạnh. Thím giáo phải cần ở nuôi bà Hương trưởng. Vái tổ cho uống thang đầu chịu, thì có lẽ mau mạnh lắm.

– Xin thầy giùm với tôi.

– Tôi phải ráng chớ.

Thầy Hoằng về rồi, cô Ðào tay bồng con Lý, tay dắt thằng Khoa, trở vô buồng thấy mẹ nằm thiêm thiếp, mắt nhắm lim dim, cô bèn lúc lắc hỏi mẹ muốn ăn cháo hay không. Mẹ cô không ừ hử chi hết, cô lấy làm lo sợ, nên cô ngồi xề trên giường mà khóc. Ngoài trước ông Hương trưởng Tồn vẫn còn ngáy vo vo.

Gần tối thằng Khoa đói bụng nên đòi ăn cơm. May lúc ấy có vợ Cai tuần Tam lại thăm, cô Ðào mới cậy thím nấu giùm cho một nồi cơm và mua bốn cái trứng vịt luộc đặng giằm nước mắm mà ăn.

Cơm chín rồi, cô Ðào mới bới một chén mà cho thằng Khoa ăn, rồi cô đốt đèn ngồi than thở với thím Cai tuần về sự mẹ đau.

Ông Hương trưởng thức dậy thấy cô Ðào thì hỏi:

– Mầy lên hồi nào vậy?

– Tôi mới lên hồi chiều.

– Thằng Giáo mới lên thăm hồi trưa, sao mầy còn lên chi nữa?

– Thầy giáo biểu tôi lên ở nuôi má tôi ít bữa.

– Khéo làm rộn! Hễ đau thì thủng thẳng rồi mạnh chớ nuôi giống gì.

Cô Ðào không thèm trả lời; cô bỏ đi vô buồng mà ngồi một bên mẹ, mượn thím Cai tuần coi chừng giùm thằng Khoa.

Tối một lát, thầy giáo Bính đạp xe máy đem lên một thang thuốc. Thằng Khoa với con Lý đều ngủ hết. Cô Ðào rảnh tay, nên đi lấy siêu[3] nhúm lửa sắc thuốc, rồi cô dọn cơm cho ông Hương trưởng ăn. Thầy giáo nói thầy ăn cơm rồi, nên thầy đi xuống nhà sau mà kiếm vợ và nói nhỏ: “Thầy Hoằng nói riêng với tôi rằng bịnh má nguy lắm rồi, sợ qua không khỏi đêm nay.”

Cô Ðào kêu trời, nước mắt chảy ròng ròng.

Thầy giáo khuyên vợ rằng:

– Mình phải tĩnh trí mà lo cho má, chớ khóc làm chi. Ðể sắc thang thuốc rồi cho má uống thử coi.

– Cậu kỳ cục quá. Má đau như vầy mà bộ cậu không lo chút nào hết. Rủi má có bề nào rồi làm sao.

– Cậu không lo thì mình lo. Như rủi má mất thì tôi về tôi kêu chệc mà bán con heo đủ chôn cất má mà.

Cô Ðào mượn thím Cai tuần coi chừng siêu thuốc và dặn hễ chừng ông Hương trưởng ăn cơm rồi thì thím bưng dọn giùm, rồi cô vô ngồi một bên mẹ mà khóc hoài.

Thầy giáo tính đem thang thuốc lên rồi thầy về nghỉ, mà bây giờ thầy thấy tình cảnh như vậy thầy không nỡ về. Thầy nằm với hai đứa con mà quạt cho chúng nó ngủ.

Ông Hương trưởng ăn cơm rồi, ông nằm trên ván mà chơi một hồi rồi cũng ngủ nữa.

Thuốc sắc tới rồi, thím Cai tuần mới bưng vô buồng. Thím hiệp với cô Ðào mà kêu mà bà Hương trưởng dậy uống thuốc. Bà nằm trơ trơ, mở mắt ra rồi nhắm lại. Thầy giáo thấy vậy mới biểu vợ lấy muỗng múc mà đổ cho bà. Bà ực được vài muỗng, rồi không nuốt nữa, thuốc đổ vô thì chảy ra hai bên khóe miệng hết.

Vợ chồng thầy giáo với thím Cai tuần không biết làm sao, chỉ thức mà canh bà, tính chờ sáng rồi rước thầy Hoằng nữa.

Ðến khuya bà Hương trưởng tắt hơi.

Thầy giáo kêu ông Hương trưởng thức dậy mà cho ông hay. Ông ngồi gãi đầu mà hỏi:

– Bả tắt hơi rồi hay sao?

– Tắt hơi rồi.

– Hồi hôm tao thấy bây sắc thuốc gì đó, bây không có cho bả uống hay sao?

– Cho uống được có vài muỗng rồi má không nuốt được nữa.

– Tao nói thầy thuốc họ nói dóc đặng họ bán rễ cây. Tin làm chi không biết. Uống rượu như tao đây, con gì độc ở trong mình nó phải chết hết thảy, còn đâu mà hại tỳ vị của mình, làm cho mình đau được.

Ông bước vô buồng, đứng ngó xác bà một cái rồi trở ra lấy rượu mà uống.

Cô Ðào khóc mà kêu má, nghe rất thảm thiết.

Thầy giáo bàn tính với vợ rồi trời rựng[4] đông thầy đạp xe mà về chợ Trạm. Thầy kêu chệc bán con heo, rồi đem lên đưa cho vợ bốn mươi đồng bạc đặng cậy xóm riềng mua hòm mà chôn cất bà Hương trưởng cho ấm cúng.

Ông Hương trưởng cứ lo uống rượu, không thèm cần tới đám ma, bỏ phú cho vợ chồng thầy giáo, làm sao thì làm. Tuy làm tiện tặn hết sức, lại nhờ có làng xóm đi điếu cũng bộn, song chôn bà Hương trưởng rồi, vợ chồng thầy giáo bồng con trở về chợ Trạm thì trong túi chỉ còn bảy đồng bạc.

Hồi thầy giáo Bính nói mà cưới, thì cô Ðào chê thầy ưa mèo chó, ham bài bạc. Ông Hương trưởng Tồn lấy năm mươi đồng mà gả bướng, cũng như ông bán cô. Cô lấy làm bất bình, song cô phải vưng chịu, cô không dám cãi. Vợ chồng ở với nhau năm năm nay, thiệt thầy giáo Bính không bỏ tánh cũ, đã có con mà thầy vẫn chơi bời hoài. Nhiều khi cô Ðào khuyên lơn dứt bẫn, mà những lời của cô nói chẳng khác nào như nước đổ trên lá môn, thầy gạt ngang hết thảy, chẳng bao giờ thèm đếm xỉa tới, vì vậy nên đối với thầy, cô coi tình nghĩa lợt lạt, chớ không mặn nồng như vợ chồng người ta. Nhờ có hoạn nạn nầy, cô mới thấy tuy thầy ham chơi bời, song thầy cũng có lương tâm, lúc mẹ cô đau thầy lo thuốc men, khi mẹ cô chết thầy lo chôn cất. Cô nhớ tới cái nghĩa cử ấy, cô rất cảm động, rồi cô mới biết kính mến chồng.

Cuộc thạnh suy chẳng khác nào cái bánh xe cứ lăn tròn hoài, hễ thạnh rồi tới suy, suy rồi tới thạnh. Cô Ðào đương nồng nàn tình nghĩa với chồng, kế nghe tin nhà nước bãi chức hết thảy thầy giáo làng, không có bằng cấp sư phạm, định phát tiền cứu giúp cho mọi người ít tháng lương đặng ăn đỡ rồi kiếm việc khác mà làm. Cô Ðào ngó hai đứa con, cô chảy nước mắt.

Thầy giáo Bính thấy vợ buồn thì nói rằng: “Ối! Cần gì. Thôi làm thầy giáo, tôi lên Sài Gòn kiếm việc khác mà làm, tôi ăn lương còn nhiều hơn nữa.”

Cách ít ngày có giấy xuống bãi chức thầy giáo Bính và cho thầy lãnh ba tháng lương. Thầy lãnh tiền rồi đưa cho vợ mười đồng mà nói rằng: “Mình cất tiền đây để dành ở nhà mua gạo mà ăn. Ðể tôi lên Sài gòn kiếm việc tôi làm. Hễ tôi có chỗ làm, tôi mướn phố rồi tôi sẽ về rước mấy mẹ con lên trển mà ở, chớ bây giờ dắt hết lên trển không tiện.”

Thầy đi chừng một tháng rồi thầy trở về, nói đã kiếm được chỗ làm, ăn lương mỗi tháng năm mươi đồng. Thầy bán hết đồ đạc trong nhà, trả phố cho chủ, rồi rước vợ con lên Sài Gòn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.