Lời Từ Chối Hoàn Hảo

Bước 3 TÔN TRỌNG ĐỂ ĐƯỢC ĐỒNG THUẬN



˝Đừng bao giờ đánh cắp lòng tự trọng của người khác.Nó không là gì đối với bạn nhưng lại là tất cả đối với họ˝.

— Frank Barron

Bởi vì bạn đã chuẩn bị để đưa ra lời Từ chối, thử thách tiếp theo của bạn là chuẩn bị cho người khác chấp nhận lời Từ chối đó. Nói cách khác, bạn sẽ làm thế nào để người khác dễ dàng chấp nhận lời Từ chối và tôn trọng ý muốn của bạn? Bạn làm thế nào để tạo ra một kênh liên lạc khiến người khác lắng nghe và thấu hiểu lời Từ chối của bạn?

Hầu hết những lời Từ chối vô tình hoặc cố tình khiến cho người khác cảm thấy bị cự tuyệt. Họ thường coi lời Từ chối của chúng ta là một sự cự tuyệt mang tính cá nhân. Mặc dù đó không phải là chủ ý của chúng ta nhưng họ lại hiểu theo một thông điệp ẩn khác như: ˝Anh và mong muốn của anh chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi˝. Chỉ có con người mới cảm thấy xấu hổ, bị tổn thương, có cảm giác bị bỏ rơi hoặc thậm chí cảm thấy nhục nhã khi bị Từ chối những vấn đề quan trọng. Khi nghe một lời Từ chối tiêu cực, mọi người có thể sẽ lờ đi hoặc phản ứng lại dữ dội, khiến cho mối quan hệ trở nên trầm trọng.

Khi tham gia vào cuộc xung đột chính trị căng thẳng giữa chính phủ và những lực lượng chống đối ở Venezuela với vai trò là bên thứ ba, tôi nhận ra sự thù hằn sâu sắc giữa hai bên không phải xuất phát từ vấn đề quyền lực và sự kiểm soát mà từ sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Tổng thống Hugo Chávez đã cau mặt tức giận khi kể cho tôi nghe về việc kẻ thù gọi ông là khỉ. Trong khi đó, vị thủ lĩnh của phe chống đối chua chát phàn nàn rằng khi ông đến thăm nhà thờ trung tâm để cầu nguyện như vẫn thường làm, ông bị chế nhạo và đe dọa trên đường phố, vì Tổng thống Chávez đã coi ông là ˝kẻ thù của dân tộc˝. Cảm giác xấu hổ, nhục nhã do những hành động thiếu tôn trọng này đã làm tăng nguy cơ leo thang bạo lực đáng kể.

Sự thiếu tôn trọng gây thiệt hại trong mọi lĩnh vực, mọi vấn đề, từ công việc đến cuộc sống gia đình. Hãy lắng nghe lời giãi bày của Linda, người đã khiến con gái mình, Emily, cảm thấy xấu hổ khi nói Không với con trước mặt bạn bè.

 ˝Emily có một vài người bạn đến chơi nhà. Tôi đã quát mắng cháu trước mặt chúng, nói rằng cháu phải làm bài tập trước khi chơi. Sau đó, Emily nói với tôi: ’Mẹ có nghĩ đến cảm giác của con khi mẹ mắng con trước mặt bạn bè như vậy không?’ Bỗng nhiên, tôi nhận ra chắc con bé đã rất xấu hổ. Tôi nghĩ về việc mình sẽ cảm thấy như thế nào khi ai đó phê bình tôi trước mặt một khách hàng. Tôi cũng nhận ra rằng lẽ ra tôi có thể bảo Emily làm bài tập nếu bằng cách nhắc nhở cháu nhẹ nhàng và kín đáo˝.

Bí quyết khiến người khác chấp nhận lời Từ chối là không cự tuyệt mà nên tôn trọng họ. Hãy để sự tôn trọng làm giảm bớt và xoa dịu ˝nỗi đau˝ của sự cự tuyệt. Tôn trọng không có nghĩa là dễ dãi mà đơn giản là quan tâm đúng mực, lắng nghe và công nhận họ như đồng loại của mình. Hãy đối xử với họ bằng sự tôn trọng giống như bạn muốn họ đối xử với mình như vậy.

SỨC MẠNH CỦA SỰ TÔN TRỌNG

Có một câu chuyện có thực tôi đã được nghe kể nhiều năm trước đây thể hiện rất đúng sức mạnh của sự tôn trọng. Đó là câu chuyện Terry Dobson, một người Mỹ trẻ tuổi sống ở Nhật Bản theo học lớp võ Aikido, một môn võ tự vệ. Một hôm, anh phải đối mặt với thử thách là làm thế nào để đối phó với hành động nguy hiểm của người khác. Anh kể lại:

Con tàu chạy rầm rầm qua ngoại ô thành phố Tokyo trong một buổi chiều mùa xuân âm u. Trên tàu khá vắng – một vài người phụ nữ đang ẵm con, một vài người già đi chợ. Tôi nhìn xa xăm về phía những ngôi nhà xám xịt và những hàng bụi rậm um tùm.

Khi tàu dừng ở một bến, những cánh cửa mở ra, không gian tĩnh lặng của buổi chiều bỗng nhiên bị phá vỡ bởi những tiếng chửi rủa thô tục của một người đàn ông. Hắn ta bước loạng choạng lên tàu. Hắn mặc một bộ quần áo lao động, dáng người to lớn, say xỉn và bẩn thỉu. Hắn hét lên và chỉ tay về phía người phụ nữ đang bế con. Tiếng quát khiến cô hoảng sợ nép mình vào một cặp vợ chồng già. Rất may là cô không bị sao. 

Cặp vợ chồng giật mình sợ hãi, họ đi dần về phía cuối xe. Hắn định đá vào lưng bà già nhưng bị trượt vì bà đã tránh kịp. Tức giận, hắn tóm lấy thanh sắt ở giữa xe và cố gắng giật mạnh nhưng hắn bị đứt tay và chảy máu. Chiếc xe đi loạng choạng, tất cả hành khách đều sợ hãi. Tôi nghĩ mình không thể ngồi yên được nữa.

Tôi đã chăm chỉ luyện tập Aikido hàng ngày trong suốt ba năm. Tôi thích thế võ quăng người xuống đất và vật ra. Tôi nghĩ mình rất dẻo dai. Vấn đề là kỹ năng võ thuật của tôi chưa được kiểm nghiệm trong thực tế vì những võ sinh Aikido không được phép đánh nhau.

Thầy giáo của tôi luôn nhắc đi nhắc lại: ˝Aikido là môn võ giúp gắn kết con người. Bất cứ ai có ý định đánh nhau tức là họ đã phá hỏng mối quan hệ với mọi người xung quanh. Nếu các em muốn có ảnh hưởng đến người khác, các em phải thua. Chúng ta học cách giải quyết mâu thuẫn chứ không phải là gây ra nó˝.

Tôi đã lắng nghe từng lời nói của thầy. Tôi đã cố gắng hết sức. Thậm chí, tôi đã đi quãng đường xa hơn để ra khỏi con phố nhằm tránh các thanh niên du côn hay đi lang thang trên những bến tàu. Tôi cảm thấy tự hào về sự độ lượng của mình. Tôi thấy mình mạnh mẽ và thánh thiện. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi muốn có một cơ hội hoàn toàn chính đáng để cứu giúp những người vô tội bằng cách trừng trị kẻ gây tội lỗi.

Đây chính là lúc! Tôi tự nhủ và bắt đầu dấn bước. Mọi người đang gặp nguy hiểm và nếu tôi không nhanh chóng làm điều gì đó, họ sẽ bị thương.

Thấy tôi đứng dậy, tên say rượu nhận thấy một cơ hội để xả cơn thịnh nộ. ˝Aha!˝ hắn gầm lên, ˝Một tên ngoại quốc! Tao sẽ dạy cho mày một bài học về cách cư xử của người Nhật!˝

Tôi nắm nhẹ vào chiếc vòng để tay ở trên đầu và nhìn hắn ta đầy phẫn nộ. Tôi muốn hắn ta điên lên vì thế tôi đã bĩu môi và tặng hắn ta một cái hôn gió đầy xấc xược. 

˝Được!˝, hắn ta hét lên. ˝Tao sẽ cho mày bài học˝. 

Một tích tắc trước khi hắn ta di chuyển, ai đó đã hét lên: ˝Này!˝ Tiếng hét rất to. Tôi nhớ đến âm thanh hoan hỉ, vui mừng kỳ lạ đó như thể bạn và một người bạn đang tìm kiếm miệt mài một thứ gì đó và bỗng nhiên cậu bạn phát hiện ra nó. ˝Này!˝

Tôi né người sang bên trái; tên say rượu đảo người sang phải. Cả hai nhìn chằm chằm về phía ông già gầy gò. Ông ta khoảng 70 tuổi, mặc bộ kimono, trông rất lịch thiệp đang ngồi nghiêm trang. Ông không để ý đến tôi nhưng lại tươi cười nhìn tên kia như thể ông có một bí mật quan trọng muốn chia sẻ. 

˝Hãy lại đây!˝, ông nói bằng giọng bản xứ dễ nghe gật đầu ra hiệu cho tên say rượu. ˝Lại đây và nói chuyện với tôi˝, ông vẫy tay. 

Tên kia làm theo như bị điều khiển. Hắn ta đứng trước mặt người đàn ông với vẻ mặt thù địch và gầm lên át cả tiếng rầm rập của tàu. ˝Việc quái gì tôi phải nói chuyện với ông?˝ Hắn ta đứng quay lưng về phía tôi. Nếu khuỷu tay của hắn dịch sang một milimét nữa, tôi sẽ cho hắn ta một cú đấm. 

Ông già vẫn cười với hắn. 

˝Cậu đã uống gì vậy?˝, ông hỏi, ánh mắt đầy vẻ hứng thú. ˝Tôi uống rượu sakê˝, hắn quát, ˝không phải chuyện của ông!˝ Nước bọt của hắn bắn vào người ông.

˝Thật tuyệt!˝, ông già nói, ˝Rất tuyệt! Anh biết đấy, tôi cũng thích uống sakê. Mỗi buổi tối, tôi và vợ tôi (bà ấy 76 tuổi rồi) thường làm ấm bụng bằng một chai rượu sake nhỏ. Chúng tôi mang ra ngoài vườn và ngồi trên một chiếc ghế gỗ cũ kỹ. Chúng tôi ngắm mặt trời lặn và chăm chú theo dõi sự phát triển của cây hồng vàng. Cụ cố của tôi đã trồng nó và chúng tôi lo lắng không biết nó có thể hồi phục sau những trận bão tuyết vào mùa đông năm ngoái không. Cái cây đã khỏe nhanh hơn tôi tưởng mặc dù đất không được tốt cho lắm. Thật là vui khi chúng tôi uống rượu sakê và ra ngoài trời để tận hưởng buổi tối, thậm chí vào những hôm trời mưa!˝ Ông ngước nhìn hắn bằng ánh mắt tinh tường.

Khi theo dõi câu chuyện của ông già, khuôn mặt của hắn trở nên nhẹ nhõm hơn. Nắm đấm dần thả lỏng. ˝Vâng˝, hắn nói. ˝Tôi cũng thích cây hồng vàng…˝ Giọng của hắn kéo dài. 

˝Vâng˝, ông già nói và cười, ˝và tôi tin chắc là anh cũng có một người vợ tuyệt vời˝.

˝Không˝, hắn đáp, ˝Vợ tôi đã mất˝. Người hắn đung đưa cùng với chuyển động của chiếc xe, hắn bắt đầu khóc. ˝Tôi không có vợ, tôi không có nhà, tôi không có việc làm. Tôi rất xấu hổ về bản thân˝. Nước mắt lăn trên má hắn, một nỗi tuyệt vọng ùa đến.

Còn tôi, tôi đã đứng đó nghĩ rằng mình không có lỗi và hoàn toàn đúng khi chỉ muốn giúp đỡ mọi người. Bỗng nhiên, tôi thấy mình còn xấu xa hơn cả hắn.

Con tàu đã đưa tôi đến bến đỗ. Khi những cánh cửa mở ra, tôi nghe thấy ông già nói với hắn bằng giọng đầy thông cảm: ˝Chao ôi, chao ôi, đây là tình huống thật sự khó xử. Hãy ngồi xuống đây và kể cho ta nghe˝.

Tôi quay đầu lại nhìn lần cuối. Hắn ngồi xuống ghế, đầu hắn ghé sát vào ông. Ông già nhẹ nhàng vuốt mái tóc rối của hắn. 

Khi con tàu rời bến, tôi ngồi xuống một chiếc ghế và nghĩ. Sự việc mà tôi muốn giải quyết bằng nắm đấm đã kết thúc bằng những lời lẽ tử tế. Tôi đã nhận ra được bản chất của aikido trong khi giao đấu – đó chính là tình thương. Tôi sẽ phải luyện tập nó với một tinh thần hoàn toàn khác. Nó có thể sẽ mất khá nhiều thời gian trước khi tôi có thể nói về việc giải quyết mâu thuẫn. 

Câu chuyện đặc biệt này thể hiện một khả năng quen thuộc: sức mạnh bất ngờ của sự tôn trọng. Ông già chỉ sử dụng những cử chỉ tôn trọng đơn giản, thể hiện sự chú ý, lắng nghe, công nhận và thừa nhận để cảm hóa một con người nguy hiểm và nói Không với bạo lực. Sức mạnh của sự tôn trọng luôn có sẵn trong chúng ta ở bất cứ thời điểm nào.

Tiếp nhận một thái độ tôn trọng tích cực bắt đầu bằng việc tôn trọng bản thân.

Bắt đầu bằng việc tôn trọng bản thân

Về cơ bản, tôn trọng là một thái độ tích cực mà bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn để tiếp nhận. Trước khi chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, chúng ta cần tôn trọng chính mình. Sự tôn trọng mọi người xuất phát từ lòng tự trọng. Rõ ràng, ông già lịch thiệp trên chuyến tàu đã tôn trọng bản thân mình thông qua việc ông dễ dàng tin tưởng và sẵn lòng chia sẻ hoàn cảnh gia đình mình với một người hoàn toàn xa lạ và là một kẻ tiềm ẩn nguy hiểm. Lòng tự trọng tạo ra sự cảm thông, giúp chúng ta hiểu người khác. Đó chính là lý do tại sao bước đầu tiên của cách Từ chối tích cực – đưa ra lời giải thích – về bản chất là lòng tự trọng. Bạn bắt đầu bằng cách quan tâm đến bản thân, cảm xúc, mối quan tâm và nhu cầu của bạn.

Sau đó, bạn thể hiện sự tôn trọng mọi người. Điều này yêu cầu bạn phải mở rộng phạm vi tôn trọng. Bạn hãy nhớ, mỗi người là những cá nhân có cảm xúc, mối quan tâm và nhu cầu. 

Mỗi người đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Thậm chí ngay cả đối với quân địch trong những hoàn cảnh khó khăn cũng đều có thể thể hiện sự tôn trọng cơ bản này. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Thủ tướng Anh Winston Churchill ký một bức thư gửi đến đại sứ Nhật Bản tuyên bố chiến tranh với Nhật bằng những ngôn ngữ bay bướm điển hình của thời đại Victoria:

Tôi có vinh dự là, với sự quan tâm sâu sắc, thưa ngài, Kính thư, Winston S. Churchill

˝Một vài người không thích lối viết trang trọng này˝, Churchill giải thích, ˝Nhưng suy cho cùng, khi ông phải giết một người, sẽ chẳng mất gì cả khi tỏ ra lịch sự˝.

Churchill nhận ra rằng thể hiện sự tôn trọng không phải xuất phát từ sự yếu đuối và tự ti mà xuất phát từ sự mạnh mẽ và tự tin. Sự tôn trọng người khác xuất phát từ sự tôn trọng bản thân. Bạn tôn trọng người khác không phải vì họ là ai mà vì bạn là ai. Sự tôn trọng là sự thể hiện bản thân và những giá trị của bạn.

Nhìn lại

Sự tôn trọng không có nghĩa là ưu ái người khác vì bạn không thể làm như vậy. Nó không có nghĩa là làm những gì họ muốn vì bạn sẽ làm điều ngược lại. Sự tôn trọng đơn giản là coi trọng họ như một người bình thường, cũng giống như bạn muốn người khác coi trọng mình. 

Từ tôn trọng có nguồn gốc từ một từ Latinh re- nghĩa là ˝lại˝ (như trong từ chạy lại) và specere có nghĩa là ˝nhìn˝ (như trong từ nhìn chăm chú). Nói cách khác, tôn trọng có nghĩa là nhìn lại hay ˝quan sát chăm chú˝ giúp bạn nhận ra bản chất con người đằng sau thái độ châm chọc hay một đòi hỏi khó chịu.

Khi chúng ta tôn trọng người khác, chúng ta đang học cách quan sát mọi người theo đúng bản chất của họ, lắng nghe những nhu cầu của họ, tìm hiểu những gì thật sự đang diễn ra trong con người họ. Được tôn trọng có nghĩa là được nhìn nhận và được lắng nghe – mọi người đều xứng đáng có được cơ hội đó.

Chúng ta không thể có cảm giác tôn trọng mọi người ngay lập tức. Mặc dù chúng ta không có nhiều lựa chọn cho những gì mình cảm nhận nhưng lại có sự lựa chọn cho cách mình hành động. Sự tôn trọng cơ bản bắt đầu bằng những thái độ cụ thể như lắng nghe và công nhận mà có thể (hoặc không thể) dẫn đến những cảm xúc tôn trọng thật sự. Nhưng dù cảm xúc của bạn là thế nào thì điều quan trọng là hành động với sự tôn trọng.

Hãy tôn trọng họ vì lợi ích của bạn

Đôi khi thể hiện sự tôn trọng người là điều cuối cùng chúng ta muốn thực hiện. ˝Sau tất cả những gì anh ta đã làm với tôi, không đời nào! Tại sao tôi phải làm như vậy?˝ Chúng ta có thể cảm thấy người đó không xứng đáng nhận được sự tôn trọng, nhất là khi người đó xử sự thiếu tôn trọng đối với chúng ta. Những cảm xúc đó hoàn toàn tự nhiên, điều quan trọng là hiểu tại sao việc thể hiện sự tôn trọng lại phục vụ cho lợi ích của chúng ta.

˝Khi tôi thương thuyết với một tên tội phạm có vũ khí, nguyên tắc đầu tiên của tôi là lịch sự˝, Dominick Misino làm việc cho Cục cảnh sát New York ‒người từng thương thuyết hơn 200 vụ bắt cóc con tin bao gồm cả một vụ không tặc mà không để ai phải thiệt mạng. ˝Rất nhiều lần tôi phải đối mặt với những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Chúng rất dễ bị kích động. Ví dụ, một tên cướp có vũ khí tấn công một ngân hàng luôn ở trong tư thế chống lại hoặc tẩu thoát. Để xoa dịu tình thế đó, tôi phải cố gắng hiểu xem trong đầu hắn đang nghĩ gì. Để đến gần, bước đầu tiên là cho hắn thấy sự tôn trọng, sự chân thành và đáng tin cậy của tôi.

Những người thương thuyết như Misino rất giỏi Từ chối. Họ không thể Đồng thuận với yêu cầu thả tự do của những kẻ bắt cóc con tin. Thách thức đối với họ là làm thế nào để Từ chối mà vẫn đạt được sự chấp thuận – những con tin được an toàn và kẻ bắt cóc đầu hàng. Bước cơ bản đầu tiên là sự tôn trọng.

Một lý do hiển nhiên khi thể hiện sự tôn trọng người khác là vì nó thật sự có ích. Khi trở thành người hòa giải trong cuộc chiến giữa các bộ tộc, tôi phải giao thiệp với các thủ lĩnh có quyền sinh sát trong tay. Nếu tôi yêu cầu họ chấm dứt bạo lực – đồng nghĩa với việc đưa ra lệnh ngừng bắn, giữ an toàn tính mạng cho những đứa trẻ – thì cách duy nhất khả thi là tiếp cận họ bằng sự tôn trọng.

Mọi người sẽ quan tâm hơn đến chúng ta nếu chúng ta quan tâm đến họ trước; họ sẽ lắng nghe chúng ta nếu chúng ta lắng nghe họ trước. Tóm lại, họ sẽ tôn trọng chúng ta và mối quan tâm của chúng ta nếu chúng ta tôn trọng họ và mối quan tâm của họ. 

˝Tôi có một nguyên tắc khắt khe với những học trò của mình˝, Celia Carrillo, một giáo viên tận tụy ở một ngôi trường nằm trong một vùng dân cư nghèo nói, ˝Tôi đã mất khoảng hai đến bốn tuần để đặt ra nguyên tắc khi mới vào trường. Tôi đưa ra nguyên tắc là không ai được gọi tên để chế nhạo và tôi đề cao sự tôn trọng. Tôi tin rằng nếu tôi tôn trọng học sinh, chúng sẽ tôn trọng tôi và điều đó hoàn toàn đúng. Tôi không nói rằng tôi có những học sinh ngoan nhất nhưng khi kết thúc năm học, chúng đã học được bài học về sự tôn trọng và cách ứng xử. Mọi đứa trẻ đều muốn được yêu mến và tôn trọng. Chúng đã quen với việc bị thầy cô hay bố mẹ la mắng. Khi bạn không la mắng chúng, chúng sẽ cảm kích về điều đó và học cách tôn trọng lại˝.

Hãy nhớ rằng khi Từ chối, bạn đang nói với họ những điều mà có thể họ không muốn nghe. Sự tôn trọng sẽ làm cho họ dễ thông cảm với những lời nói của bạn thay vì gạt bỏ chúng. Nó có thể làm giảm mức độ của một phản ứng tiêu cực và nhận được sự đáp lại đầy thiện chí. Lời Từ chối bạn dự định đưa ra càng có tác động mạnh bao nhiêu, bạn càng cần phải thể hiện sự tôn trọng bấy nhiêu. 

˝Họ lắng nghe chúng ta bởi vì chúng ta đã cho họ thấy điều họ muốn nhất, đó là sự tôn trọng˝, một người hòa giải của cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp – người đã tham gia dẹp cuộc ẩu đả của những thanh niên Hồi giáo ở Pháp vào tháng 11 năm 2005 – nói : ˝Nếu bạn tôn trọng họ, họ sẽ tôn trọng bạn. Chúng tôi đã làm trung gian hòa giải giữa hai phía và rất nhiều thanh niên đã lắng nghe chúng tôi. Thiệt hại ngày hôm sau đã bớt nghiêm trọng hơn những hôm trước˝.

Ngoài việc tạo ra mối kết giao trong thời gian ngắn, sự tôn trọng còn giúp thiết lập mối quan hệ lâu dài. Mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau làm tăng tầm ảnh hưởng của bạn với mọi người. Thể hiện sự tôn trọng giống như gửi tiền vào một ngân hàng có uy tín, bạn có thể rút ra khi gặp vấn đề khó khăn.

Sự tôn trọng là món quà rẻ nhất bạn có thể tặng cho người khác. Nó lấy đi của bạn rất ít và mang lại cho bạn rất nhiều. Không phải ngẫu nhiên khi một trong những tôn chỉ của Toyota – công ty ôtô thành công nhất trên thế giới – là tôn trọng nhân viên, đối tác kinh doanh, cộng đồng và khách hàng.

Tóm lại, sư tôn trọng là chìa khóa mở cánh cửa dẫn đến suy nghĩ và tâm hồn của mọi người. Khi bạn tôn trọng người khác, đừng nghĩ rằng bạn ban ân huệ cho họ. Hãy nghĩ rằng điều đó ban cho bạn một huệ ân vì nó giúp thỏa mãn nhu cầu của bạn. Sự tôn trọng có ý nghĩa không chỉ bởi nó đúng đắn mà còn thật sự có ích. Hãy tôn trọng mọi người vì chính lợi ích của bạn.

Có hai cách chủ yếu để thể hiện thái độ tôn trọng tích cực của bạn: lắng nghe và công nhận.

LẮNG NGHE CHĂM CHÚ

Cách đơn giản để thể hiện sự tôn trọng là chăm chú lắng nghe. Hãy lắng nghe những điều người khác nói. Hãy lắng nghe mong muốn và nhu cầu của họ. Hãy nhớ câu thành ngữ: Chúa ban cho chúng ta hai cái tai và một cái miệng. 

Vài năm trước, tôi là khách mời của một chương trình nói chuyện trên truyền hình. Một khán giả đã gọi điện đến xin lời khuyên nên làm gì với đứa con trai năm tuổi luôn khiến cô bực tức. ˝Con tôi không bao giờ lắng nghe tôi! Tôi phải làm sao bây giờ?˝ Tôi nghĩ một lúc và hỏi vị khán giả: ˝Thế cô có lắng nghe cháu không?˝ Cô ấy lặng im trong giây lát và trả lời: ˝Không, nhưng…˝

Lắng nghe có lẽ là điều cuối cùng bạn muốn làm, nhất là khi người khác cư xử không đúng mực. Bạn có thể nghĩ: ˝Tại sao tôi phải lắng nghe họ cơ chứ? Họ nên lắng nghe tôi mới đúng!˝. Nhưng làm sao có thể khiến người khác lắng nghe bạn trong khi bạn không lắng nghe họ? Khi bạn sắp nói lời Từ chối quan trọng, lắng nghe là cách hiệu quả khiến người khác lắng nghe và hiểu lời bạn nói.

Trong một cuộc thương lượng cam go giữa ban quản đốc và công đoàn để giải quyết vụ đình công, đại diện công đoàn đã quyết định thử một biện pháp khác trước khi Từ chối những yêu cầu của ban quản đốc. Thay vì bác bỏ mối lo ngại về tài chính của ban quản đốc, ông đã lắng nghe. Ông đặt ra rất nhiều câu hỏi. Những thành viên trong bản quản đốc đã rất ngạc nhiên vì điều này chưa từng xảy ra trước đó. Đáp lại, họ bắt đầu thể hiện sự tôn trọng đối với những người đại diện của công đoàn. Do đó, khi đến lượt phía công đoàn nói lên nguyện vọng của mình, ban quản đốc đã lắng nghe họ. Việc làm này đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc thương lượng. Cuộc đình công gây tổn thất lớn đã không xảy ra. Lắng nghe có thể rất khó nhưng kết quả thu được lại rất tuyệt vời.

Vì thế, hãy thể hiện sự tôn trọng của bạn bằng cách để người khác nói lên ý kiến của họ. Không nên ngắt lời họ mà hãy làm điều ngược lại: khi họ không nói nữa, hãy hỏi họ còn điều gì khác muốn nói không. Sẽ thật tuyệt vời khi bạn thu nhận được những thông tin bổ ích từ việc học cách lắng nghe và do đó lời Từ chối của bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Lắng nghe để thấu hiểu chứ không phải để bác bỏ

Trong hầu hết những tình huống căng thẳng, chúng ta lắng nghe để có thể phản bác lại ý kiến của người khác. Chúng ta coi cuộc đối thoại là cuộc tranh luận và mục đích chính là để ghi điểm. Điều đó có thể đúng trong một cuộc tranh luận nhưng không phải là lắng nghe thật sự. Mục đích chính ở đây không phải là lắng nghe hay nhớ lời nói của người khác mà là hiểu được ẩn ý của họ. 

˝Hãy nói chuyện với tôi… thật sự là triết lý của chúng tôi˝, nhà thương thuyết Hugh McGowan nói, ˝‘Tôi đang ở đây, tôi đang nghe máy, tôi yêu cầu anh hãy lắng nghe tôi, đây là những gì tôi muốn anh thực hiện, hãy bỏ súng xuống˝. Đó không phải là điều chúng tôi nói mà là: ˝Hãy nói chuyện với tôi, ngài Bắt cóc con tin. Có vấn đề gì vậy? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Chúng tôi có thể làm gì để giúp ngài? Ngài hãy nói chuyện với tôi˝.

Giống như những nhà thương thuyết đưa ra lời Từ chối bằng cách lắng nghe kẻ bắt cóc con tin, bạn cũng có thể làm như vậy bằng cách cố gắng hiểu người khác. Chuyện gì đang xảy ra với họ? Khi đã hiểu được họ, bạn có thể gây ảnh hưởng tới họ và thuyết phục họ làm theo những gì mình muốn. 

Cũng giống như việc bạn đã cân nhắc lời Từ chối của bạn vì những lợi ích, nhu cầu và giá trị sâu xa, hãy thực hiện như vậy đối với mọi người. Hãy tự hỏi lợi ích ẩn sau yêu cầu, đòi hỏi của họ là gì. Lợi ích gì khiến họ hành động sai lầm? Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng. Bạn không thể luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của họ nhưng hiểu và quan tâm đến họ là điều cần thiết nếu bạn muốn thuyết phục họ chấp nhận lời Từ chối của bạn mà vẫn duy trì được mối quan hệ.

Bạn có thể lo sợ việc cố gắng hiểu họ sẽ chỉ làm thay đổi ý kiến đánh giá và làm giảm quyết tâm của bạn. Nhưng nếu bạn coi họ là kẻ thù, hãy nhớ nguyên tắc đầu tiên trên chiến trường là: biết địch, biết ta. 

 Khi Nelson Mandela ở trong tù, ông đã học tiếng Hà Lan dùng ở Nam Phi. Điều đó đã khiến rất nhiều đồng chí của ông ngạc nhiên. Ông đã học rất chăm chỉ và ông cũng khuyên các đồng chí của mình cùng học. Sau đó, Mandela đã tìm hiểu về lịch sử của người Nam Phi gốc Âu, về thảm kịch cuộc chiến tranh Nam Phi và ông đã thu nhận được những kiến thức sâu sắc về tâm lý và văn hóa của họ. Trong suốt quá trình đó, trong ông đã nhen lên một lòng khâm phục sâu sắc đối với những nguời Nam Phi gốc Âu vì ý chí kiên cường giành độc lập, lòng tôn sùng đạo và lòng dũng cảm trong chiến đấu của họ. Những kiến thức này sau đó đã giúp ông rất nhiều trong việc thuyết phục chính phủ xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc tàn bạo và bất công. 

Đặt những câu hỏi rõ ràng

Nếu bạn không hiểu tại sao người khác đưa ra một đòi hỏi hay có hành động không đúng đắn, đừng nên đoán mà hãy hỏi họ. Hãy đặt ra những câu hỏi rõ ràng như: ˝Có chuyện gì vậy?˝ hay ˝Tôi có thể làm gì cho anh?˝.

Hãy xem xét thử thách – Từ chối một khách hàng quan trọng. Đây là tình huống khó xử cho những lập trình viên phần mềm của một công ty máy tính nổi tiếng vì khách hàng luôn yêu cầu những giải pháp theo ý của mình mà chỉ dựa trên những hiểu biết ít ỏi về công nghệ phần mềm hiện có. Các lập trình viên đã Đồng thuận và cố gắng cung cấp những giải pháp tốt nhất nhưng lại tốn nhiều thời gian và đắt đỏ. Điều đó khiến cho khách hàng không thoải mái và ông chủ của họ phàn nàn. Tuy nhiên, một lời Từ chối thẳng thắn lại có thể khiến cho khách hàng không hài lòng. 

Sau đó, các lập trình viên đã thấy được lợi ích của câu hỏi ˝Tại sao…?˝ và cố gắng hiểu nhu cầu thiết thực của khách hàng. Họ hỏi: ˝Tại sao nó lại giúp ích cho quý khách?˝. Ban đầu, các khách hàng đã lưỡng lự nói về nhu cầu kinh doanh của mình với các lập trình viên nhưng khi họ biết rằng những đặc tính có sẵn có thể được định hình để phục vụ cho mục đích của họ, do đó có thể giảm thời gian và chi phí đáng kể, họ đã vui vẻ ủng hộ biện pháp mới. Đó chính là sức mạnh của việc đặt ra những câu hỏi rõ ràng. 

Khi bạn phải Từ chối một người thì chắc chắn đã có sự hiểu lầm và bạn chưa hiểu rõ sự thật. Có một cách để thể hiện sự tôn trọng là không nên buộc tội họ cho đến khi bạn tìm ra được sự thật bằng cách tự mình đặt ra những câu hỏi rõ ràng.

CÔNG NHẬN NGƯỜI KHÁC

Lắng nghe và đặt câu hỏi là những bước đầu tiên, sau đó bạn cần phải thực hiện thêm những bước tiếp theo. Nếu bạn không công nhận và cảm nhận về cách cư xử của người khác thì bạn cũng không thể yêu cầu họ lắng nghe, hiểu và chấp nhận lời Từ chối của bạn. Nếu bạn muốn mọi người chấp nhận lời Từ chối của bạn chứ không phải là phản ứng lại gay gắt, bạn cần chắc chắn rằng lời Từ chối đó không phải là lời cự tuyệt mang tính cá nhân. Điều này gợi lên thông điệp: khi bạn Từ chối một yêu cầu hoặc không tán thành cách cư xử thô lỗ của một ai đó, hãy nói thẳng với người đó. 

Công nhận không có nghĩa là Đồng thuận hay nhượng bộ họ. Nó có nghĩa là thừa nhận. Tất cả mọi người đều có một nhu cầu căn bản là được tôn trọng. Công nhận nghĩa là coi họ là một con người có nhu cầu và quyền hạn giống như những người khác. Sự công nhận là bản chất của sự tôn trọng. 

Điều thường thấy trong một tình huống căng thẳng là mọi người thường không công nhận nhau. Khi cuộc thảo luận đang diễn ra gay gắt, hiệu trưởng của trường Đại học Catholic ở Caracas, thủ lĩnh một phe trong cuộc xung đột ở Venezuela đã có lời phát biểu mạnh mẽ để xoa dịu tình thế đó. ˝Xin cho chúng tôi bắt đầu bằng việc nói ra ba điều˝, ông nói, ˝Thứ nhất, hãy chú ý đến sự tồn tại của người khác. Thứ hai, mọi người đều có mối quan tâm riêng. Thứ ba, mọi người đều có quyền hạn của mình˝. Lời nói của ông đã nhằm vào đúng vấn đề vì việc không công nhận người khác là nguyên nhân chính ngăn cản tiến trình giải quyết mâu thuẫn. Đó là lời nhắc nhở những người tham gia vào cuộc xung đột đó. 

Hãy xem xét biện pháp mà Bob Iger, người kế nhiệm chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Disney, đã áp dụng để dẹp tan cuộc nổi loạn của các cổ đông. Bất mãn và tức giận với những chính sách và những công kích của Eisner, cháu trai của Walt Disney là Roy Disney cùng với nhà đầu tư Stanley Gold đã xin ra khỏi Ban Quản trị của Disney và phát động một chiến dịch trên mạng chống lại Eisner. Điều đó khiến 45% cổ đông kinh ngạc, những người thường không ủng hộ Eisner trong các cuộc họp công ty. Khi Iger – ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của Eisner – được chọn làm Tổng Giám đốc, Roy Disney và Stanley Gold đã kiện các giám đốc của công ty, buộc tội họ đã gian lận trong quá trình bầu chọn. Do đó, việc đầu tiên Iger làm sau khi nhậm chức là gặp riêng Roy Disney và yêu cầu ông làm cố vấn cho công ty với chức danh Giám đốc Danh dự. Nói cách khác, Iger đã công nhận những mối quan tâm của Roy Disney, coi trọng sự phục vụ tận tụy của ông cho công ty trong nhiều năm. Roy Disney Đồng thuận chấm dứt cuộc nổi loạn và xóa bỏ trang web. ˝Tất cả những gì ngài Iger làm là thể hiện sự tôn trọng ông Disney˝ – tạp chí Economist viết. Một chút tôn trọng cũng có thể tạo ra thay đổi lớn. 

Công nhận ý kiến của mọi người

Một cách để công nhận mọi người là công nhận ý kiến của họ, nhưng không nhất thiết phải Đồng thuận với ý kiến đó.

Để đáp lại yêu cầu của ai đó, bạn có thể nói: ˝Tôi hiểu vấn đề của bạn. Tôi đã từng ở trong trường hợp đó. Nhưng rất tiếc, tôi không thể làm điều đó˝. Hoặc bạn có thể cảm ơn vì lời mời của họ: ˝Tôi rất cảm kích vì bạn đã nghĩ đến tôi. Rất tiếc là tôi không rảnh rỗi lúc đó˝.

Để phản ứng lại hành vi sai trái của ai đó, bạn không nên buộc tội họ. Nếu họ hút thuốc trong văn phòng, việc bạn yêu cầu họ dập tắt điếu thuốc hoàn toàn không có sự xúc phạm và trong thâm tâm hãy nghĩ rằng có lẽ họ không biết quy định. ˝Biển cấm hút thuốc hơi khó nhìn. Bạn có thể hút thuốc ở ngoài được không?˝ Thậm chí khi họ đã nhìn thấy tấm biển, cách nói này sẽ làm họ bớt xấu hổ, tạo cho họ cơ hội thay đổi hành động của mình.

Thông cảm với hoàn cảnh của mọi người sẽ giúp bạn có mối liên hệ với họ, vì thế bạn có thể nói lời Từ chối sau đó. Khi bảo đứa cháu không nghịch bao diêm nữa, người dì đã nói: ˝Cháu nghịch diêm làm nó cháy hết đấy! Cháu có biết mất bao lâu con người mới tìm ra lửa không?˝ Sau đó, cô giải thích cho cháu không nên đốt các que khác: ˝Bởi vì cháu biết nó sẽ như thế nào rồi đấy. Nó rất nguy hiểm và có thể thiêu trụi một căn nhà. Dì muốn cháu hứa sẽ không làm như vậy nữa˝. Thay vì phản ứng bằng sự sợ hãi và tức giận, cô đã tạo mối liên hệ với cháu và trò tiêu khiển của nó, sau đó, cô đã nói Không.

Hãy để họ biết bạn coi trọng họ

Tôi đã từng gặp một vị chỉ huy căn cứ Hải quân Mỹ tại một cuộc hội thảo ở Harvard. Ông đã bay từ căn cứ ở Nhật đến đây vì muốn cải thiện kỹ năng thương lượng của mình. Cuối buổi, ông đã đứng lên phát biểu rằng điều làm ông thấy hứng thú nhất là hiểu được tầm quan trọng của việc thể hiện sự tôn trọng. Ông chợt nhận ra rằng lý do khiến ông gặp rắc rối với đứa con trai mới lớn là đã không tôn trọng cậu. Ông quyết định cải thiện tình hình bằng cách cho con trai biết rằng ông coi trọng cậu và tôn trọng ý kiến của cậu, ngay cả khi hai người bất đồng ý kiến. 

Nếu lời Từ chối gây ra căng thẳng cho mối quan hệ của bạn, việc khẳng định mối quan hệ đó sẽ có tác dụng tốt. Một người bạn của tôi sống ly thân với vợ. Tình hình căng thẳng đến mức cả hai không thể ngồi nói chuyện với nhau về vấn đề tài chính nhạy cảm. Anh thấy rằng điều thật sự có ích lúc này là khẳng định mối quan hệ của họ trước khi đề cập đến vấn đề khác. Làm rõ mối quan hệ đó còn quan trọng hơn là những vấn đề sắp chia rẽ họ. Anh cũng thấy rằng khi cùng nhau làm những công việc nhỏ như chuẩn bị một bữa ăn với con gái – điều nhắc họ về những gì đã gắn kết họ với nhau sẽ rất có ích.

Khẳng định giá trị của người khác có thể mang lại những kết quả tốt đẹp dài lâu, như làm cho những người ở hai phe đối địch nhau có thái độ tôn trọng lẫn nhau. Hãy lắng nghe Danna Smith, người phát động chiến dịch tẩy chay vì môi trường nhằm vào Staples, tập đoàn bán lẻ văn phòng phẩm lớn nhất thế giới, vì đã bán sản phẩm giấy làm từ gỗ của các cây lâu năm: ˝Chúng tôi đã tuân thủ một điều trong suốt chiến dịch để tạo dựng mối quan hệ ôn hòa với những vị lãnh đạo của Staples. Chúng tôi cố gắng làm cho họ hiểu rằng chúng tôi coi trọng những người làm trong công ty họ, và chúng tôi hiểu phá hoại rừng không phải là chủ ý của họ˝.

Có lẽ đây là một chiến dịch khác thường đối với các nhóm bảo vệ môi trường, vì họ thường coi các nhà kinh doanh như kẻ thù. Nó thể hiện sự tôn trọng, mềm mỏng với ban lãnh đạo công ty nhưng vẫn giữ được thái độ nghiêm khắc đối với vấn đề. Cuối cùng, điều đó đã thật sự mang lại thành công khi thuyết phục được Staples thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường. Hay nói theo cách của Joe Vassalluzzo, Phó Chủ tịch của Staples: ˝Tình trạng căng thẳng đã có nhiều biến chuyển. Tôi không nói rằng chúng tôi chấp thuận mọi vấn đề nhưng hai bên đã có tiếng nói chung khi cùng ngồi nói chuyện với nhau. Vẫn có những bất đồng nhưng vấn đề trở nên tích cực, có tính hợp tác hơn và thái độ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn˝. Đó chính là điều mà sự tôn trọng mang lại.

Hãy khiến họ ngạc nhiên bằng sự công nhận

Một trong những sức mạnh lớn nhất mà bạn có chính là khả năng khiến người khác ngạc nhiên chỉ bằng một cử chỉ tôn trọng.

Hãy lắng nghe câu chuyện của Troy Chapman, một tù nhân mà tôi đã có dịp tiếp xúc, người đang lãnh án nhiều năm tù tại nhà tù liên bang. Chapman kể lại việc ˝một người đàn ông đã cố tình đẩy tôi ra khỏi vỉa hè. Đối mặt với nhiều tình huống tương tự, tôi thường đối phó theo hai cách: nhượng bộ hoặc chống đối. Lần này, bỗng nhiên tôi có một lựa chọn khác. Tôi vẫn còn nhớ sự bối rối trong mắt người đàn ông khi tôi bước khỏi vỉa hè, chạm vào vai anh ta và nói: ‘Ổn chứ?’ Tôi đã bước né sang bên, nhưng tôi không lùi lại. Tôi đã đối phó với anh ta theo một cách khác. Anh ta đã thua, anh ta nói lầm bầm câu gì đó và tiếp tục rảo bước. Tôi đã nói với anh ta bằng thứ ngôn ngữ mà cả hai chúng tôi đều hiểu: Tôi không cần một kẻ thù˝.

Thay vì tấn công hoặc nhượng bộ, Chapman đã làm cho người đàn ông kia ngạc nhiên bằng cách công nhận anh ta như một người bạn: ˝Ổn chứ?˝ Thực tế, Chapman đã thay đổi tình thế từ ˝thù hằn˝ sang ˝tôn trọng˝. Tôn trọng là nhân tố có tác động mạnh mẽ hơn ˝nhượng bộ˝ và ˝chống đối˝. Chapman đã không chống đối lại mà chấp thuận yêu cầu của người đàn ông. Đó là sức mạnh chuyển hóa của sự công nhận.

Một trong những hành động công nhận gây ngạc nhiên nhất trong hoạt động chính trị quốc tế là chuyến đi của Tổng thống Sadat đến Jerusalem năm 1977. Sadat phát biểu trước một phóng viên trong chuyến bay lịch sử đó: ˝Những gì tôi mong muốn từ chuyến đi này là bức tường ngăn cách chúng tôi và Israel, rào cản tâm lý được gỡ bỏ˝. Đó là chuyến viếng thăm gây kinh ngạc đối với người dân Israel, cho đến nay, không một vị lãnh đạo Ảrập nào công khai công nhận Nhà nước Israel hay thậm chí chỉ công nhận sự tồn tại của nó.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Israel, Sadat đã kêu gọi chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên lãnh thổ Ảrập giống như ông đã từng làm ở Cairo. Nhưng trong bài phát biểu này, ông đã bất ngờ công nhận sự tồn tại của đối phương: ˝Israel là một nước đã được toàn thế giới và các siêu cường quốc công nhận. Tôi mong rằng chúng ta sẽ chung sống trong hòa bình và an ninh đảm bảo˝. Ông đã tạo ra bầu không khí tôn trọng lẫn nhau khiến cuộc đàm phán hòa bình diễn ra suôn sẻ. Kết quả là hiệp ước hòa bình được ký kết, lực lượng chiếm đóng của Israel đã rút hoàn toàn khỏi bán đảo Sinai.

Bất cứ ai đều có thể sử dụng sức mạnh của sự ngạc nhiên trong những tình huống thường ngày. Nếu bạn phải đối mặt với những tình huống khó xử, ở nhà, ở công sở hay ở một nơi lớn hơn, mà bạn phải cố gắng tạo mối gắn kết với người khác nhưng họ lại không lắng nghe bạn, bạn nên hỏi bản thân: ˝Điều gì tương đương với việc bay đến Jerusalem?˝ Nói cách khác, hành động nào khiến người khác sửng sốt đến mức sẵn sàng Đồng thuận lắng nghe lời Từ chối của bạn?

ĐƯA RA LỜI TỪ CHỐI TÍCH CỰC THEO MỘT Ý NGHĨ TÍCH CỰC

Mục đích của sự công nhận là tạo ra bầu không khí ôn hòa khi bắt đầu cuộc nói chuyện với người khác.

Một vị chủ tịch người Mỹ Latinh của một công ty đã kể về cuộc họp căng thẳng diễn ra giữa ông, các ủy viên ban quản trị và vị Tổng thống của đất nước. Các ủy viên ban quản trị đã sắp xếp cuộc họp để thảo luận những mối lo ngại về vấn đề kinh tế của đất nước và đề xuất những thay đổi cho các chính sách kinh tế nhất định. Khi buổi họp bắt đầu, vị chủ tịch để ý thấy Tổng thống đã che giấu khuyết điểm khi các ủy viên nêu lên mối lo ngại, đưa ra những đề xuất. Cảm thấy bị công kích, ông ta đã lần lượt công kích từng người một. 

Do đó, vị chủ tịch đã làm gián đoạn cuộc họp: ˝Tôi xin lỗi ngài Tổng thống, nhưng chúng ta đang không tập trung vào vấn đề chính. Những gì chúng tôi phải làm là cảm ơn ông vì những tiến bộ đáng kể trong công cuộc cải cách kinh tế mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên và xem cộng đồng doanh nghiệp có thể giúp gì cho ông để tiếp tục tiến hành những cải cách này trong nhiệm kỳ thứ hai˝. Kết quả là vị Tổng thống đã bình tĩnh trở lại, cuộc họp tiếp tục diễn ra theo dự định và cuối cùng, vị Tổng thống mời các ủy viên ban quản trị trở thành nhà tài trợ cho cộng đồng doanh nghiệp cùng với chính phủ của mình.

Khi bạn phải Từ chối, cách dễ nhất là đi vào vấn đề giống như các ủy viên ban quản trị đã làm trong cuộc họp với Tổng thống. Mọi người có thể hiểu ý định của bạn mang tính xây dựng nhưng họ cũng có thể coi phản ứng của bạn, giống như vị Tổng thống đã làm, là sự phản đối mang tính cá nhân. Bắt đầu bằng một ý nghĩ tích cực cùng với sự công nhận là một cách khôn ngoan.

˝Bạn đã làm tốt công việc thu hút sự chú ý của mọi người vào bài thuyết trình. Nhưng vụ làm ăn đó không đủ hấp dẫn để chúng ta áp dụng theo cách này˝, một khách hàng đã nói với một người tham gia hội thảo của tôi, người đã trích dẫn nó như một lời Từ chối hiệu quả. ˝Điều đó thật sự khiến tôi cảm kích. Đó là lời Từ chối thẳng thắn, chính xác và không hề có biểu hiện tiêu cực nào˝.

Cách bắt đầu một bài diễn thuyết hiệu quả là lịch sự yêu cầu sự chú ý của mọi người: ˝Tôi rất vinh hạnh được nói chuyện với các bạn˝ hoặc ˝Tôi có thể xin mọi người chú ý một lúc được không?˝. Cách tiếp cận tôn trọng cho họ có thời gian để lắng nghe bạn và sẽ khiến lời Từ chối yêu cầu và sự phản đối hành vi của họ dễ được chấp nhận. 

Khi mời ai đó tham gia vào cuộc thảo luận có tính chất xây dựng, hãy tỏ ra thân thiện giống như khi bạn mời họ đi xem một trận đấu. Giống như một người quản lý luôn nở nụ cười trên môi nói bằng giọng địa phương của người Scotland: ˝Hãy nói chuyện với tôi. Tôi có chuyện cần nói với anh˝.

Khi bạn mời họ, hãy để họ biết rằng điều đó sẽ có lợi cho họ chứ không chỉ riêng bạn. Bạn có thể nói với đồng nghiệp: ˝Chúng ta nên tìm cách làm việc với nhau hiệu quả hơn˝. Với người bạn đời, bạn có thể nói: ˝Anh muốn nói chuyện với em để chúng ta có thể hiểu nhau hơn˝. Hãy nói về tương lai tốt đẹp mà bạn mong muốn cho cả hai. 

CHUẨN BỊ, CHUẨN BỊ, CHUẨN BỊ

Bây giờ, chúng ta tiến đến phần cuối cùng của bước chuẩn bị. Bạn đã đưa ra lời giải thích. Bạn đã khẳng định lời Từ chối. Và bằng cách thể hiện thái độ tôn trọng, bạn đã khiến người khác chấp nhận lời Từ chối của mình. 

Cho dù bạn giỏi đến đâu thì cũng không có sự thay thế nào tốt bằng việc chuẩn bị kỹ càng và luyện tập trước. Hãy noi gương nhà vô địch quyền anh Muhammad Ali: ˝Tôi chạy trên một quãng đường dài trước khi thực hiện những bước nhảy dưới ánh đèn˝.

Bởi vì bạn đã có sự chuẩn bị để nói lời Từ chối, đã đến lúc bạn phải đưa ra lời Từ chối tích cực của mình. Bây giờ chúng ta chuyển sang bước thứ hai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.