Lớp học cuối cùng
Chương 11
TUẦN THỨ HAI
Tác giả: Mitch Albom
Tôi đã quay lại vào thứ Ba sau, và nhiều tuần liên tiếp sau đó. Tôi ngóng từng ngày cho tới thứ Ba để bay gần ba ngàn cây số đi về tới ngồi bên giường một ông già đang hấp hối. Cuộc đời tôi đang lâm vào một thời điểm rối loạn, và mỗi lần tới thăm thầy Morrie tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Mỗi lần xuống phi trường, tôi không còn thuê điện thoại di động để dùng trên đường từ sân bay về nhà thầy Morrie. Mặc kệ họ chờ đợi, tôi tự nhủ, bắt chước thầy.
Tình hình ở tờ báo Detroit không những không được cải thiện mà xem ra đang tiến triển xấu hơn. Đã xảy ra vài cuộc đụng độ giữa những người tham gia bãi công với các nhân viên mới được chủ thuê thay thế. Một số người bị bắt, bị đánh đập nằm dài trước những chiếc xe chở hàng đậu thành một dãy trên phố.
Trong bối cảnh đó, những cuộc trò chuyện của tôi với thầy Morrie củng cố lòng tốt của con người trong tôi. Chúng tôi bàn về cuộc sống, về tình yêu. Chúng tôi thảo luận về một trong những chủ đề mà thầy Morrie ưa thích nhất, tình thương và lòng trắc ẩn: Tại sao xã hội chúng ta lại thiếu hụt chúng?
Trước khi ghé thăm thầy lần thứ ba, tôi tạt qua của hiệu có tên Bánh mì và Xiếc – tôi từng nhìn thấy những bao gói của cửa hàng này trong nhà thầy Morrie và đoán rằng ông thích thức ăn mua ở đây. Tôi chất một xe đầy toàn những bao nhựa đựng thực phẩm tươi sống, từ mì ống, rau cho tới xúp cà rốt nấu sẵn. Khi bước vào nhà thầy với một đống bao trên vai, tôi trông giống một tên cướp ngân hàng.
“Xe giao thực phẩm tới!”, tôi rống lên vui vẻ.
Thầy Morrie mỉm cười.
Tôi đưa mắt thăm dò mức độ tiến triển bệnh tật của thầy Morrie. Các ngón tay của thầy vẫn còn đủ sức cầm bút chì hay tự đeo kiếng. Tuy nhiên, thầy không thể giơ bàn tay lên cao quá tầm ngực. Thời gian ngồi trong phòng khách hay bếp ngày một ít đi. Phần lớn thời gian ông nằm trong chiếc ghế xếp được trang bị đầy đủ gối, mền, mấy cục cao su gác chân. Bên cạnh thầy có đặt một chiếc chuông nhỏ. Khi cần, ông với tay lắc chuông gọi Connie, Tony, Bertha hay Amy – những người giúp việc trong nhà. Nhưng không phải lúc nào tay ông cũng dễ dàng tóm được quả chuông. Mỗi lần nhu vậy, ông lại đâm ra cáu gắt.
Tôi hỏi thầy Morrie: “Có khi nào thầy thương hại chính bản thân?”
“Thỉnh thoảng. Thường vào buổi sáng”, thầy đáp. “Đó là khi ta than khóc cho cơ thể của ta. Ta cử động ngón tay, bàn tay – tất cả những gì ta còn có thể cử động – và xót xa cho những gì ta đã bị mất. Ta khóc vì ta đang chết dần chết mòn. Nhưng chỉ có thế rồi thôi”.
“Chỉ có thế thôi ư?”
“Đôi lúc ta để cho mình khóc cho thỏa thích. Nhưng sau đó ta hướng ý nghĩ của mình tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tới những người vẫn tới thăm ta, tới những câu chuyện mà ta sắp được nghe họ kể và tới con, nếu là ngày thứ Ba. Ta không cho phép mình thương xót bản thân nhiều hơn thế. Mỗi sáng một chút, vài giọt nước mắt và chấm hết”.
Tôi ngẫm nghĩ về những người quen của mình. Họ tiêu phí nhiều giờ để than vãn cho bản thân. Trong cảnh bệnh tật như vậy phải có nghị lực lắm mới làm được như thầy Morrie: vài giọt nước mắt mỗi ngày, rồi thôi.
“Quả là kinh khủng khi thấy cơ thể mình mỗi ngày một teo tóp lại, biến mất từ từ, không biết lúc nào sẽ phải nói lời vĩnh biệt”.
Nhưng thầy mỉm cười: “Không phải ai cũng may mắn vậy đâu”.
Tôi nhìn thầy ngồi bất động trong chiếc xe lăn, không đứng dậy được, không thể tự rửa ráy, thậm chí không thể kéo nổi ống quần đang mặc. May mắn ư? Có thật thầy thấy mình may mắn không?
* * *
Trong lúc câu chuyện tạm dừng để thầy Morrie đi tiểu tôi lướt qua tờ báo Boston nằm trên ghế. Một bài báo về cái chết của hai bé gái. Các em bị một người quen – một lão già 73 tuổi – tra tấn và giết chết trong một thị trấn nhỏ của những người khai thác gỗ. Sau đó, tên quái vật tổ chức một bữa tiệc trong căn nhà lưu động của hắn để trưng bày thi thể của các cô bé. Một bài khác tường thuật phiên toà xử một người đàn ông giết một người đàn ông đồng tính ái chỉ vì anh chàng này khoác lác rằng người đàn ông kia phải lòng anh ta.
Tôi đặt tờ báo xuống. Connie bước vào đỡ thầy nhổm dậy.
“Để con giúp thầy nhé?” Tôi hỏi.
Một thoáng im lặng. Thầy ngước mắt nhìn chị Connie và nói: “Chị chỉ cho anh ấy cách làm”.
“Vâng, thưa cụ”, chị Connie khẽ gật đầu.
Theo lời chỉ dẫn của Connie, tôi cúi người, vòng hai cẳng tay dưới nách kéo thầy về phía mình, làm như kéo một vật nặng từ dưới hố lên. Tôi thẳng người nhấc bổng thầy. Thông thường khi bạn kéo một người đứng dậy, tay của họ bám chặt vào bạn. Nhưng thầy Morrie đã không còn đủ sức làm vậy. Tôi có cảm giác mình đang nhấc một bao cát vô tri vô giác. Đầu thầy gục vào vai tôi, thân thể ẩm ướt của thầy võng xuống như muốn rút khỏi vòng tay tôi.
“A… a… a…”, thầy rên khe khẽ.
“Con xin lỗi”, tôi nói.
Ôm thầy trong lòng, tôi cảm giác nhu mình sờ được vào thần chết đang ẩn náu trong cái thân hình quắt queo. Đặt thầy ngồi trở lại ghế lăn, sửa cho đầu thầy đặt ngay ngắn trên gối, sống lưng tôi ớn lạnh vì hiểu rằng thời gian đã hết.
Và tôi phải làm gì đó.
Năm 1978, khi tôi đang học năm thứ hai, và cũng là lúc mà nhạc disco và các bộ phim Rocky đang là mốt văn hoá, thầy Morrie tiếp tục giảng môn xã hội học. Mỗi tuần, chúng tôi phải nghiên cứu cách thức giao tiếp giữa các nhóm sinh viên, cách họ phản ứng lại với sự giận dữ, ghen tuông, sự ân cần… Chúng tôi thực hành với nhau những đều đã học. Nói cho vui, chúng tôi giống như những con chuột trong phòng thí nghiệm. Trong những giờ thực hành, khối đứa khóc rưng rức. Tôi thường gọi những giờ thực hành ấy là giờ “hành hạ”. Thầy Morrie bảo tôi cần phải có đầu óc rộng rãi hơn, bớt thành kiến.
Một bữa, thầy Morrie ra bài thực hành. Chúng tôi đứng thành hai hàng cách nhau vài bước. Hàng sau nhìn gáy người đằng trước. Những người đứng ở hàng trước được lệnh ngã người tự do ra phía sau. Dĩ nhiên, hàng sau phải nhanh tay đỡ bạn mình. Thế nhưng, chẳng ai đứng trước đủ can đảm phó thác tính mệnh cho người phía sau. Ai cũng hoảng hốt sựng lại khi còn kịp. Chúng tôi nhìn nhau cười ngượng ngùng.
Cuối cùng, một cô sinh viên nhỏ bé gầy gò tóc đen thường đến lớp với chiếc áo len màu trắng to xù, khoanh hai tay trước ngực, nhắm mắt thả người rơi về phía sau ngọt như mấy cô người mẫu hở hang lao xuống hồ bơi trong pha quáng cáo trà Lipton vậy.
Tôi đã tưởng cô bé sẽ đập đầu xuống sàn. Nhưng vào thời khắc cuối cùng, anh bạn đứng phía sau lưng cô đã kịp túm lấy đầu và vai, dựng cô đứng dậy.
“Ối!”, nhiều sinh viên rú lên.
Thầy Morrie mỉm cười.
“Con thấy đấy”, thầy khoan thai nói với cô gái. “Con nhắm mắt lại, mọi chuyện đều khác đi. Nhiều lúc người ta không dám tin vào những gì mắt nhìn thấy mà chỉ tin vào cám giác của mình. Từ đây suy ra rằng: nếu con muốn người khác tin con thì con phải cảm thấy rằng con tin họ. Thậm chí ngay cả khi con không nhìn thấy gì hết, thậm chí trong lúc con đang ngã xuống.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.